Kính thưa Hội đồng Giải Văn Việt,
Thật là một vinh dự được chọn cho giải Nghiên Cứu Phê Bình Văn Việt năm 2019. Tôi xin cảm ơn Hội đồng Giải Văn Việt đã có lòng và tin tưởng vào các bài viết “Tiếng Việt thời LM de Rhodes”, tôi nghĩ niềm tin này đã trở thành một động lực cũng như trách nhiệm cho tôi khi nhận giải, và phải tiếp tục loạt bài này để cho người đọc cảm thông được sự thay đổi của ngôn ngữ trong vòng bốn thế kỷ này một cách chính xác hơn. Tôi cầu mong giải Nghiên Cứu Phê Bình sẽ tiếp tục trong nhiều năm nữa, lớn hơn nữa và mạnh hơn nữa, mang tiếng nói nhân bản của Văn Việt đến mọi ngõ ngách của những nơi có người Việt chúng ta – trong và ngoài nước Việt Nam.
Một lần nữa, xin thành thật cảm ơn Hội đồng Giải Văn Việt đã có nhiều lời khuyến khích ‘tiếp lửa’ cho một người cả ngàn dặm xa quê hương mà ngôn ngữ mưu sinh không phải là tiếng mẹ đẻ, nhưng luôn trân trọng tiếng nói của giống nòi từ ngàn xưa để lại!
Xin chúc Hội đồng Giải Văn Việt một năm mới nhiều sức khỏe và cống hiến nhiều bài viết giá trị.
Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Australia)
GHI CHÚ CỦA BBT:
Tác giả Nguyễn Cung Thông:
– Du học với học bổng Colombo Plan từ Sài Gòn sang Úc vào năm 1973
– Mưu sinh bằng nghề kỹ thuật (cơ khí) và giáo dục (Toán/Lý) bên Úc
– Theo đuổi các dự án nghiên cứu về ngôn ngữ từ khi qua Úc như:
(a) “Hiện tượng m” (tại sao tiếng Việt lại có hiện tượng m: mắt, mũi, môi, mày, má, mép, miệng, mồm, mõm, mỏ, mí, mày … trên mặt con người?
(b) “Nguồn gốc Việt (Nam) của tên gọi 12 con giáp” (dựa vào các tiếng Hán cổ và Việt cổ/hệ Nam Á)
(c) Tiếng Việt thời LM de Rhodes và các giáo sĩ sang An Nam truyền đạo (nhìn từ các góc độ khác nhau từ văn bản chữ Hán, Nôm và quốc ngữ)