Lại Nguyên Ân
Sau những phát lộ các bê bối xung quanh việc in và phát hành cuốn từ điển tiếng Việt của soạn giả Vũ Chất, được biết cơ quan quản lý xuất bản đã đi tới quyết định thu hồi và tiêu hủy tất cả những ấn bản liên quan.
Chưa biết quyết định này sẽ được thực thi ra sao, hay chỉ đơn thuần là chiêu thức diễn trò của giới chức xuất bản, tôi vẫn dám nói rằng: quyết định thu hồi và tiêu hủy ấn phẩm này là giải pháp tồi nhất trong số những đề xuất khả thi.
Hãy nhớ một việc rất gần đây. Khi dư luận công chúng và nghị trường nước Mỹ nêu yêu cầu cấm du khách từ các vùng có dịch Ebola nhập cảnh vào Mỹ, tổng thống Barack Obama lập tức tỏ ra quan ngại hậu quả nếu áp dụng giải pháp này, bởi hễ có cấm là lập tức sẽ có sự che giấu, điều này sẽ khiến các ẩn họa càng trở nên khó kiểm soát hơn!
Đối với các ấn phẩm mang tên “Từ điển tiếng Việt”, hoặc “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh”, được in và phát hành từ năm 2001/?/ cho đến gần đây (2012/?/), mà về nguồn gốc thì đều gắn với việc in lại và sửa đổi cuốn từ điển tiếng Việt của soạn giả Vũ Chất (từng được xuất bản tại Sài Gòn những năm 1969/?/, 1971/?/), sau chừng dăm lần được in ra và phát hành, số lượng bản in đã lên tới hàng chục ngàn cuốn. Liệu cơ quan quản lý có thu hồi được chừng ấy bản in đã nằm rải rác trong cả nước suốt trên 10 năm qua?
Điều đáng nói là với việc công bố quyết định thu hồi và tiêu hủy vừa ban hành, sẽ lập tức xuất hiện hiện tượng lưu giữ giấu giếm, không gì khác hơn, chỉ là do thấy sách bị cấm. Tâm lý tàng trữ sách cấm vốn tồn tại lâu dài như chính lịch sử của sách, không gì cản được, cũng chưa chắc đã do sách có giá trị hay không; đơn thuần chỉ là thấy nhà chức trách cấm đoán thì dân gian tìm cách lưu giữ, − một giải pháp cân bằng tự nhiên tự phát, thế thôi! Rất có thể, với quyết định thu hồi và tiêu hủy “từ điển Vũ Chất”, người ta sẽ biến cuốn sách vô giá trị này thành thứ sách cấm được mua chui bán chui giá cao!
Sách từ điển là loại sách kiến thức. Những sai lệch – do những phát hiện tuy còn sơ lược nhưng căn bản là đúng – trong cuốn “từ điển Vũ Chất” là sai lệch về giải thích hàm nghĩa các từ ngữ tiếng Việt. Tuy vậy, chắc chắn sách này là vô hại đối với những ai nắm vững tiếng Việt. “Từ điển Vũ Chất” chỉ nguy hại cho các giới học sinh sinh viên và cho những người nước ngoài muốn học nói đúng và viết đúng tiếng Việt.
Tất nhiên có bạn sẽ hỏi: thay vì cấm (= thu hồi và tiêu hủy) thì nên làm gì với “từ điển Vũ Chất”?
Tôi nghĩ đến những khuyến nghị cần thiết.
Một là khuyến nghị rộng rãi các giới học sinh sinh viên không sử dụng cuốn từ điển này, khuyến nghị các thư viện phổ thông (thư viện phổ thông thôi, chứ không phải các thư viện phục vụ nghiên cứu, lưu trữ, …) không lưu giữ và đưa cho bạn đọc sử dụng cuốn từ điển nhiều sai lệch này.
Hai là khuyến nghị, thậm chí “đặt hàng” giới chuyên gia từ điển là những khảo sát về toàn bộ những sai lệch của các ấn bản liên quan đến cuốn “từ điển Vũ Chất”, sau đó công bố trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành ngôn ngữ. Đây chính là sự khảo sát bề sâu có ý nghĩa biện minh cho những hành động đối xử khác biệt (đã và sẽ áp dụng) đối với cuốn sách này. Bởi, những phản ứng của dư luận về sự lệch lạc trong cuốn sách này, dù sao cũng chỉ mới là những nhận xét sơ bộ.
Nếu cần “xử lý”, thiết nghĩ nên xử lý các hành vi thực hiện (hoặc đồng lõa với việc thực hiện) chiếm dụng tác quyền, ăn cắp văn bản một cuốn sách cũ (plagiat, tội đạo văn); cũng nên xử lý hành vi tùy tiện thêm thắt sửa đổi văn bản cuốn từ điển kia, theo hướng sai lệch tệ hại hơn, một hành vi ngụy tác (falsification), tức là một hành vi trục lợi cá nhân, gây hại cho người tiêu dùng. Những tội trạng này có thể tùy mức độ mà đưa ra truy tố hoặc xử phạt hành chính.
21/10/2014