Tên thật Nguyễn Văn Uy.
Sinh năm 1943 (theo khai sinh, năm sinh thực là 1940) tại làng Dục Nội, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên.
Là con cả trong gia đình có 9 người em.
Năm 1954 cùng gia đình di cư vào Nam, cư ngụ tại Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.
Học Trung học tại các trường Trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An (Sài Gòn)
Tốt nghiệp trường Quốc gia Sư Phạm Sài Gòn năm 1964.
Dạy học tại Tuy Hòa, Phú Yên từ 1964-1968.
Nhập ngũ khóa 27 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, mãn khóa chuyển về đóng quân tại đồn Nora Phan Thiết, không lâu sau bỏ mình trong trận phục kích, bên dòng suối, dưới chân núi Tà Lơn ngày 8-1-1969.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 11-1-1969, Y Uyên trở về Sài Gòn trong quan tài kẽm phủ quốc kỳ.
10g30 sáng Chủ Nhật 12-1-1969 lớp đất hửng đỏ ở Nghĩa trang Hạnh Thông Tây vĩnh viễn phủ kín anh.
Tạp chí Văn cũng xuất bản một số đặc biệt Thương Nhớ Y Uyên (1969) bao gồm nhiều bài viết của văn hữu và gia đình, bạn bè về nhà văn.
Sau năm 1975, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, nghĩa trang Quân đội Biên Hòa và Hạnh Thông Tây bị buộc phải di dời, nên hài cốt anh được hỏa thiêu và đặt tại Bảo Tháp cộng đồng chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn.
Riêng bức tượng đồng của anh được đặt tại nhà riêng của cha mẹ, anh em tại Gò Vấp.
Các tác phẩm đã xuất bản:
TƯỢNG ĐÁ SƯỜN NON, tập truyện (Thời Mới, 1966)
BÃO KHÔ, tập truyện (Giao Điểm, 1966)
QUÊ NHÀ, tập truyện (Trình Bày, 1967)
NGỰA TÍA, truyện dài (Giao Điểm, 1967)
CHIẾC XƯƠNG LÁ MỤC, tập truyện (Tân Văn, 1968)
ĐUỐC SẬY, tập truyện (Văn Uyển, 1969)
CÓ LOÀI CHIM LẠ, tập truyện (Tân Văn, 1971)
Bão khô
Chợ ở khúc quẹo của con đường dẫn từ ngoài lộ vào giữa làng. Ở chợ nhìn ra, mặt lộ cao bằng những mái tranh lụp xụp dưới chân lộ. Con đường chạy lên lộ mấy năm trước lụt bị nước phá bây giờ lổn ngổn những cục đá xanh. Những chiếc xích lô đón lính Mỹ lắc qua lắc lại vất vả mới vào tới chợ. Buổi sáng họp chợ lấn ra cả ngoài đường, trên lộ nhìn xuống thấy một hàng dài những người quần áo đen nón lá san sát lấp lánh. Trưa đến, trên đường thỉnh thoảng mới có một chiếc xe xích lô buông mui dập dình hoặc một chiếc xe nhà binh sao trắng ầm ì chở nước xuống bãi cát bên kia con đường làng.
Trời cao nắng bóng mặt đá đường ra lộ, mặt cát đường trong làng. Bụi cuốn từng cơn đột ngột xoay tròn trên đường, tan vào bụi tre rậm. Chợ trống trơn, mái tôn mới sáng lòa. Mấy con chó luẩn quẩn trong chợ, lưỡi thè ra thở. Trước mặt chợ, sát bên đường, một dãy lều tranh mái lốm đốm hoa sầu đông màu tím nhạt. Có vài người đàn bà ngồi bán những mẹt mận, ổi choắt choeo, bán bánh, đồ uống. Mấy chiếc xe xích lô quay đít ra chiều gió, đậu rải rác dưới những bóng cây. Những người phu xe nằm trong lòng xe vấn thuốc hút hoặc ngủ lơ mơ. Đối diện với dãy lều, bên kia đường, tấm bảng gỗ hình mũi tên chỉ vào một mái nhà lợp rạ sau bụi tre với mấy chữ nguệch ngoạc "Laundry number one" chốc chốc lại khua lúc lắc lưng chừng một thân gòn cụt ngọn. Đường làng bên hông chợ mất hút sau những rặng cây trùng điệp. Bên kia đường, dưới sâu là bãi cát với làn nước cuối dòng sông tù hãm lấp lánh, với những chiếc xe sao trắng bên những chiếc lều màu cỏ thấp sát mặt đất bên những ruộng mía xanh non mới mọc. Một chiếc xe ba bánh bán giải khát có mui viền tua vàng rực rỡ, thùng xe kẻ đầy những chữ Refreshment nép khuất vào một bụi tre trên con dốc xẻ xuống bãi cát. Gió thổi từ bờ bể xa về lâu lâu ào lên như một hơi thở hắt.
Từ một lối rẽ sau rặng cây trùng điệp, một bọn học trò con trai con gái hiện trên đường làng. Chúng đeo trên vai, xách trên tay những gà mèn, những mo cơm, vừa đi thơ thẩn, vừa đọc cho nhau nghe những lời sấm truyền về tai họa sắp xảy ra ở vùng này. "Ngày hai mươi tháng Ba năm Bính Ngọ tới đây kể từ lúc trăng lên khỏi đám mây ngũ sắc ngoài mặt biển, trời đất không còn ngày đêm. Bốn phương mờ mịt âm u, ngang trời có khói màu đen bay tới đâu nghe có tiếng than khóc tới đó, núi phía tây tinh tú sa xuống tận mặt đất bốc cháy thành lửa. Cây gai lưỡi long thảy thảy lớn lên gấp năm gấp sáu mọc chật đường, chật ngõ, bông gai thảy thảy nở, thành bông lan, người tu hành mới hửi được hương thơm. Gà không còn gáy, chó không còn sủa, ngoài đường đầy beo cọp yêu tinh. Kẻ ăn chay làm lành thì biết đóng cửa ở trong nhà, kẻ không tin thần tin quỷ thì chẳng đặng ngồi yên, lòng như có than hồng lửa đỏ, ra đứng trước nhà mà chịu chết thảm. Như kẻ nào mà đọc được lời dạy này biết sao thành ba bốn đưa cho người khác thì cũng đỡ phần tai họa".
Bọn trẻ kéo nhau ra tới chợ, vào những túp lều bỏ trống giở cơm ra ăn. Mấy con chó lại gần chúng ngồi thè lưỡi chầu chực. Ăn xong chúng xúm lại bên đứa trẻ có tờ sấm ngồi bệt xuống đất vây quanh một cái phản bán hàng lâm râm đọc và cặm cụi chép. Những cơn gió ào lên đứt quãng bị bờ tre bên kia đường cản lại nhưng vẫn thổi rạt được mấy ngọn sầu đông bên này. Những tờ sấm trên mặt phản gỗ trong lều rắc đầy những hoa tím nhạt. Vài đứa chép xong ép giấy sấm vào sách vở lại mấy gian lều bán hàng phát cho mấy người phu xe choàng tỉnh, đưa sấm cho họ. Chỉ còn người bán giải khát bên cái xe ép vào bụi tre trên dốc cát. Chúng ùa chạy tới, đứa nọ sợ đứa kia giành mất. Người bán nước bỏ đi đâu, chiếc xe thì đầy bụi, lớp tua vàng viền bên mui thì đập phần phật. Thấy một thằng bé ôm một mẹt hành đứng vơ vẩn nhìn xuống trại lính dưới bãi cát, bọn trẻ nhào tới. Thằng bé giật mình quay lại hai tay vòng chặt quanh mẹt hành. Một đứa con trai gỡ bàn tay nó ra nhét tờ giấy vào, một đứa con gái sẽ sàng đặt tờ giấy trải rộng lên mặt cái mẹt. Thằng bé hốt hoảng vứt mấy tờ giấy xuống mặt dốc:
"Tôi không biết chữ, không đọc được truyền đơn".
Đứa học trò con trai chạy lượm tờ giấy chìa trước mặt thằng bé.
"Mầy không đọc được thì mang về cho cha mầy đọc, lời thần dạy mà mày".
"Tôi không có cha".
"Mày nói láo. Bộ gà vịt chúng đẻ ra mầy chắc?"
"Tôi cũng có cha mà cha tôi chết rồi".
Thằng bé vừa nói vừa ôm mẹt hành đi. Đứa học trò chạy theo nhét vào túi áo nó. Thằng bé đứng lại nhìn mấy đứa học trò, có vẻ không hiểu. Bộ mặt cháy nắng của nó ửng lên. Nó móc túi vứt tờ giấy xuống đường:
"Má tôi cấm không được lượm giấy lạ về nhà".
Mấy đứa học trò nhao nhao bảo nhau:
"Thằng bán hành phách lối".
Đứa học trò lượm tờ giấy rồi chỉ vào mặt thằng bán hành.
"Có thiệt mầy không cầm?"
Thằng bé bán hành nhìn bọn trẻ, giọng bối rối:
"Má tôi cấm không được lượm giấy lạ về nhà".
Đứa học trò bật lên một tiếng chửi, cả hai bàn tay móc vào mẹt hành giật xuống. Những củ hành vỏ tía, những trái ớt, trái chanh rơi vung vãi bắn vào bụi tre, lăn xuống dốc cát. Mắt thằng bé bán hành mở lớn, môi cắn chặt. Nó nhào sang bên kia vệ đường, lượm một cục đá. Lúc ngửng lên, nó thấy bọn trẻ bên này đứng rải rác bên những bó hành. Đứa học trò gây với nó đá vào cái mẹt trỏ sang:
"Mầy mà chọi đá, tụi tao bẻ gãy cẳng, giậm nát cái đống hành này. Chọi thử coi".
Thằng bé bán hành lưỡng lự trông sang, tay vẫn nắm chặt cục đá. Bên này bọn trẻ nhìn nhau cười. Một đứa vạch quần tiểu trên những bó hành. Thằng bên kia nhìn ngược nhìn xuôi. Thấy từ phía đầu đường có một người đi lại, nó cầm cục đá chạy sang húc đầu vào bụng thằng học trò cầm đầu. Đứa học trò bất ngờ lộn nhào xuống dốc nhưng những đứa kia đã xúm lại. Thằng bé bán hành bị đè xuống đất, cục đá nơi tay bị đánh văng đi. Những quả đấm đập tới tấp trên mặt nó. Đứa học trò từ dưới dốc nhảy lên lượm lấy cục đá nhào vào:
"Đập nát ống chân nó ra nó mới sợ".
"Để tao tiểu hẳn lên mặt nó coi nó làm gì tao".
Một đứa khác kêu. Người mà thằng bé bán hành thấy ở đầu đường đã đi tới. Đó là một người lính râu lởm chởm, lệch vai. Bọn trẻ thấy có người vội vàng ùn ùn bỏ chạy. Thằng bé bán hành chống tay ngồi dậy nấc lên khóc. Người lính dừng lại hỏi:
"Chuyện gì đó?"
"Tụi nó muốn bẻ gãy cẳng tôi".
"Người lính cúi xuống nhìn những vết sưng trên mặt thằng bé. Anh ta dùng hai tay mở nút áo nó, nhìn vào trong xem xét rồi rờ nhẹ nhẹ trên hai cẳng nó:
"Có nhức không?"
"Không".
"Vậy thì chưa hề gì".
Người lính kéo ống quần lên, rút trong ống quần một lưỡi dao trắng lóa, một tay đỡ lấy ót thằng bé, một tay cầm dao lấy sống giập giập trên những vết sưng nơi mặt nó. Thằng bé nhắm mắt lim dim. Thỉnh thoảng lại nhăn mặt, rên nho nhỏ. Nó thuật lại câu chuyện cho người lính nghe. Lát sau, người lính nhét dao vào ống giầy, cúi xuống ôm lấy hai bên nách nó đưa người nó đứng lên. Nó khập khiễng xuống dốc lượm lần những quả chanh, quả ớt, bó hành.
"Không hề gì mà".
Người linh nói và đứng sát vào bóng tre.
"Mày ở làng này?"
"Tôi ở làng Hòa Mỹ".
Người lính nhìn xuống những túp lều dưới bãi cát như tìm kiếm.
"Mầy tới đây chi?"
"Đổi hành cho lính Đại Hàn lấy đồ hộp, thuốc hút rồi bán lại cho mấy người trong chợ. Bữa nay cấm không được tới hàng rào tới giờ vẫn không có người đổi".
Người lính trỏ xuống bãi:
"Dưới này cũng có Đại Hàn?"
"Đại Hàn ở đồn ngoài lộ".
Người lính thè lưỡi liếm hai bên ria mép, bật nút áo ngực kéo cổ áo ra sau gáy, ngoắt tay ra gãi. Dáng người lệch vai của anh ta nhích mãi xuống bờ dốc cát, bóng anh ta nhích dần ra khỏi bóng tre. Thằng bé bán hành ngửng lên tò mò nhìn anh ta. Dường như anh ta vừa cất tiếng chửi tục. Anh ta móc túi lấy một điếu thuốc ngậm miệng, vừa quẹt lửa vừa lùng bùng hỏi:
"Nghe nói ở đây có chiếc xe đò Vạn Hưng bán đồ uống cho Mỹ mà sao không thấy?"
"Bữa nay chưa thấy tới".
Người lính nhìn thằng bé lê trên mặt đất với cái mẹt trước mặt.
"Mầy có biết người con gái bán trong xe đó không?"
Thằng bé lắc đầu chỉ cho người lính thấy vùng đất bên dưới dốc ngổn ngang những vệt bánh xe.
"Làm sao thấy mà biết. Cửa xe có vải đỏ che kín, đậu dưới đó ai mà dám xuống".
"Con đĩ".
Tiếng người lính nguyền rủa giận dữ. Anh ta bỏ đi về phía chợ. Bọn học trò ngồi chép sấm trong lều thấy anh ta, tản mát đi chỗ khác. Trời nắng gay gắt. Anh ta toan vào cái quán đầu dãy, thấy có người đàn bà chít khăn tang ngồi đó, lại bỏ sang căn lều có mấy người ngồi nhậu với bánh tráng. Điếu thuốc trên miệng anh ta bốc khói hỗn loạn. Tay anh ta luôn luôn ngoắt ra sau gáy gãi sồn sột. Anh kêu cà phê phin. Người đàn bà áo dài đen bán quán cười nói không có. Anh ta lắc đầu chán nản, kêu la de, mặt hếch lên nhìn một gã lính Mỹ da đen cao lớn bụi bậm ngồi phơi nắng trên bực gạch cửa chợ cúi đọc những chữ số trên những tờ giấy bạc Việt Nam, đếm tiền. Người đàn bà đặt ly la de trước mặt, anh ta cầm lên lắc lắc rồi cau mặt hỏi:
"Sao không có đá?"
Người đàn bà cười xoa hai tay:
"Dạ, hồi này đá hiếm lắm, không có mua được, anh vui lòng uống đỡ".
"Không có cà phê, không có đá, không có chi ráo cũng bày đặt bán giải khát".
Người lính cầu nhầu rồi chỉ chai rượu đế:
"Cho một xị pha uống đỡ vậy. Ai mà uống la de không đá. Tôi đâu phải là người không rành chuyện ăn xài. Thằng này đã từng uống huýt ky Mỹ rồi mà".
Một ông già trong mấy người ngồi ăn bánh tráng cười bả lả đặt một miếng bánh trước mặt người lính:
"Ăn miếng bánh, chú. Chú từ miệt trên xuống đây có nghe gì về vụ mìn nổ hôm trước ở bờ sông. Nghe nói có người mất chân, mất tay, mò hoài không thấy?"
Tiếng ông già nói lớn làm người đàn bà chít khăn tang ở quán đầu dãy nhìn sang. Người lính vươn cổ gãi không đáp. Từ phía dốc cát, một người lính Mỹ da cổ đỏ vằng, quần áo dầy cộm rộng thùng thình dắt thằng bé bán hành vào quán có người đàn bà chít khăn tang. Người lính kéo hai chiếc ghết dưới gầm bàn, ngồi đối diện với thằng bé. Ở bên này, ông già vẫn cười bả lả với người lính lệch vai. Ông nói với anh ta những thiếu sót của một quán giải khát miền quê, nói mình muốn cất một cái quán đàng hoàng ở đây mà quận không cho phép.
"Từ ngày quân đội đồng minh tới đây thiếu gì người muốn cất quán mà không được. Chỉ có chiếc xe đò Vạn Hưng là tự do hốt bạc. Thiệt là một thứ phòng ngủ lưu động. Giang hồ lãng mạn quá mà".
Người lính chằm chằm ngó ông già nghe ông nói. Anh ta hỏi:
"Sao bữa nay chưa thấy tới?"
"Có khi chiều mới được phép xuống, chiều mới thấy tới".
Người lính co chân lên gãi rồi cầm ly la de pha rượu đế uống một hơi lớn. Anh ta bắt đầu nói nhiều với ông già. Giọng người Mỹ ở bên kia kêu "giời ơi" vọng sang. Thằng bé bán hành mặt nhô khỏi mặt bàn ngồi ngước người Mỹ yên lặng nhai bánh. Trước mặt nó là một đống lá với một ly cam tươi. Trước mặt người Mỹ là một ly la de lớn và vòng tay lông lá của anh ta. Anh ta nếu không đột ngột kêu "giời ơi" với nó thì yên lặng dựa vào lưng chiếc ghế mây, vòng tay nhìn nó ăn. Có lúc thằng bé cười rồi ngước nhìn thấy anh ta không hưởng ứng. Mặt anh ta lúc đó tĩnh như một người ngủ mở mắt.
Người lính lệch vai càng uống càng ồn ào, yếu đuối. Vẻ gây gổ của anh lúc mới tới mất dần khi thấy mấy người trong quán chú ý nghe chuyện của mình. Anh nói vợ anh ở trên chiếc xe đò có che màn màu đỏ đó. Anh tới đây để đâm nó chết. Hồi mới cưới vợ anh không bao giờ làm mẹ con anh phiền lòng. Trong nhà không chuyện gì nó không biết, không lo. Nó thuộc cả từng sợi tóc sâu trên đầu má anh, lấy than viết lên tường ghi cả ngày gà khởi ấp. Nhưng lần lần những săn sóc, chăm lo của nó thành những lời thôi thúc âm thầm muốn anh phải thế này, thế nọ. "Nó luôn luôn muốn hơn thế nữa". Những ngày anh đồn trú ở ngoài quận địa đầu tỉnh, anh nghe nó thường theo những người đi lấy lúa ở vùng địch. Mấy bữa vừa rồi, về tới nhà anh nghe nó chỉ mượn cớ đó để đi cho thỏa tính hoang. Có người nói chắc nó vẫn theo chiếc xe đò Vạn Hưng đi bán giải khát. Nó giấu mặt trong những tấm màn đỏ nhưng ai cũng biết đến. Anh tìm tới đây, giết nó rồi đi ở tù. Nó luôn luôn muốn hơn thế nữa thì lúc này xa anh nó cũng chẳng sung sướng chi. Lưỡi dao anh mang theo đây sẽ giúp anh khỏi buồn vì nó và cho nó khỏi buồn vì cả đời không đầy được nỗi khát khao tự mình bày đặt cho mình.
Buổi trưa như một giấc ngủ trằn trọc nực nội. Người lính lệch vai vừa hung dữ vừa yếu đuối mặt mũi bơ phờ cuối cùng cũng im lặng uể oải. Còn tiếng gió lùng bùng thổi từng chập trên ngọn cây làm rụng từng lớp hoa sầu đông xuống hai bên dãy lều. Từ ngoài lộ, có hai ông thầy tu đạp xe vào chợ. Chân họ đạp thoăn thoắt nhưng chiếc xe lăn nhấp nhổm, chậm chạp. Hai người đều đã có tuổi, tóc búi sau lưng, vận hai tấm áo dài xanh màu da trời óng ả, cổ đeo xâu chuỗi đen. Nơi tay lái xe, đeo lủng lẳng cái khăn gói. Họ mang dép đế dầy và cong của những người miền núi. Ở giữa quán đầu dãy, người đàn bà chít khăn tang, đội nón bước ra đường. Chị ta đi xuống phía làn nước cuối dòng sông dưới bãi cát. Người lính lệch vai đã banh hết nút áo, mồm ngậm ướt điếu thuốc đứng dậy ngó lên phía mặt lộ. Ông già và mấy người ngồi cùng với anh ta nhỏ to bàn tán về hai ông thầy tu áo xanh vừa vào một cái lều trống nghỉ chân. Người ta nói màu áo nom lạ mắt. Có người nói chắc họ ở Bình Định đi thuyền men theo bờ biển vô đây. "Phải là người gan dạ, võ nghệ cao cường mới dám xem thường nguy hiểm". Người khác lại nói họ là bạn ông thầy pháp chín vợ ở thôn trên, hồi mở hội bắt thăm người vợ út của ông dường như cũng có mặt hai người này. Cũng có thể là hai anh em họ Trần dong thuyền đánh cá ra khơi mất tích cả chục năm ít lâu nay lại nghe nói trở về hốt thuốc cứu độ cho những người dân miền bờ biển. Cũng có thể là người ở trong bọn chuyên môn đổi đô la và buôn lậu bò sang bán ở bên kia đèo cải trang. Nhưng dù sao, mọi người cũng nhìn hai người lạ với sự e dè, kiêng nể. Những lời sấm của bọn học trò truyền nhau chép và họ như có một liên lạc vu vơ.
Người lính lệch vai mỗi lúc như mỗi thêm nóng ruột. Anh ta bỏ ra giữa đường, dáng điệu bứt rứt. Những điếu thuốc trên mồm anh ta không bao giờ cháy đều, không lần nào khô đầu ngậm. Lẽ nào đứa vợ hoang giấu mặt hổ thẹn trong những tầm màn đỏ biết được anh đang ở đây chờ nó. Nó vẫn chưa bao giờ nghĩ nó đáng chết sao. Từ lúc da thịt nó mang một mùi đàn ông khác với mùi da thịt anh, nó chết rồi đó. Thân xác nó lúc này đâu còn tươi mát như trước nữa. Nó mãi mãi không còn cái nhan sắc hồi cầm than viết trên tường ghi ngày gà khởi ấp. Nó chỉ còn vẻ tươi của vòng môi song tô vụng về và những tia máu phun có vòi lúc lưỡi dao của anh ngập trong da thịt.
Anh ta ngoắt tay ra dấu cho thằng bé bán hành ra đường. Thằng bé lắc đầu. Nó cười với vẻ giận dữ của anh rồi lại ngồi yên. Trước mặt nó vẫn là đống lá bánh, ly bia và người lính Mỹ. Lúc này người lính Mỹ ngủ thiệt sự. Hai tay khoanh trước ngực, lưng tựa vào thành ghế, mũ úp xuống tới mũi. Thằng bé bán hành chỉ nom thấy cái mồm môi nhỏ và hồng khô, cái cổ ngửa lên đỏ vằn. Nó nhìn hoài cái thứ có trước mắt và chưa dám bỏ đi. Người Mỹ đã nhặt được nó ngồi lê lượm những bó hành ở dốc cát giữa lúc anh ta có vẻ buồn. Bây giờ nó phải ngồi yên canh chừng nỗi buồn của anh ta. Nó mong anh ta ra khỏi quán để ôm mẹt hành trở lại đồn Đại Hàn xem có đổi đỡ được ít bó nào không. Tay nó vẫn xua những con ruồi bay qua bay lại trên mặt bàn.
Người lính lệch vai ra đầu đường làng gây với người chủ xe giải khát về tội không có đá cục. Người chủ xe cười và xin lỗi luôn mồm. Chán ngán, anh ta đứng trên dốc cát ngắm những vết xe hỗn loạn thằng bé bán hành chỉ anh lúc mới tới. Phía những làn nước lấp lánh cuối dòng sông, người đàn bà khăn tang tay giữ nón đang bước lò dò như một con chim kiếm mồi. Thấy một đám học trò ngồi dưới bóng bụi tre bên đường, người lính nạt một tiếng lớn rút dao cầm tay múa một vòng. Bọn trẻ hè nhau ùng ùng chạy trốn. Người lính cúi xuống cắm dao vào ống giầy và ngửa mặt cười.
Trời chiều dần dần, gió không còn đứt quãng, thổi ào ào liên tiếp. Bụi cát bay hỗn loạn vào lều vào lòng chợ mù mịt trên đường. Một vài tấm liếp dựng ngang mái lều che nắng được hạ xuống. Cơn buồn ngủ ráo khô trên những bộ mặt ngồi ở chợ không còn vẻ uể oải nhưng tỉnh táo đến thảng thốt. Mấy người ngồi trong lều với người linh đã đi vào đường làng. Người lính trở vào ngồi sau tấm liếp che với mặt đường. Một vài chiếc xe ầm ì kéo rờ moọc chở nước chạy qua đều làm anh ta giật mình. Chiếc xe đò Vạn Hưng vẫn chưa tới. Anh ta kêu thêm xá xị và rượu đế. Người đàn bà bán quán tóc búi, áo dài đen chân đất quen dần với vẻ bất thường của người khách độc nhất còn lại. Từ dưới bãi cát người đàn bà khăn tang trở lên, hai gấu quần ướt và quệt đầy bụi. Người lính hỏi bà chủ quán:
"Chồng chết?"
"Chết mìn hôm trước đó. Một cái xe Lam, một cái xe nhà binh, chết sáu mươi mấy người".
"Kiếm gì đưới đó?"
"Cánh tay có mang cà rá của chồng. Lúc điên, lúc tỉnh, lúc dại lúc khôn, biết sao mà tin".
Người lính lầm bầm chửi tục, trề môi:
"Chồng chết lấy chồng khác, mắc mớ gì mà điên".
Anh ta dùng cùi chỏ đẩy mạnh tấm liếp ngó lên mặt lộ rồi lấy lưỡi dao lầm lì bào những lớp bụi trên tay, trên ngực. Người đàn bà nhỏ giọng:
"Giờ chưa thấy tới, chắc bữa nay xe đi bán nơi khác".
"Tôi chờ tới tối".
Người lính nói và đưa tay chặn ngực "ợ" một tiếng lớn. Hai người tu sĩ áo xanh ở căn lều bỏ trống lên xe dướn người đạp vào đường làng. Người đàn bà khăn tang đến đứng dưới trước lều có người lình, nền mắt đỏ, mặt ngơ ngẩn.
"Tới đây từ hồi sớm, mấy mươi lần xuống bãi cát rồi đó".
Người đàn bà bán quán nói rồi lớn tiếng hỏi:
"Có thấy gì không?"
Không có tiếng trả lời. Người đàn bà có tang vào quán, mặt nhìn thẳng, ngồi xuống tấm băng, tay mân mê vành nón. Người lính nhìn, mắt ngó chằm chằm. Người đàn bà bán quán nhìn trước nhìn sau, mặt thoáng bối rối.
"Chết ở trển, kiếm dưới này làm sao thấy?"
Người lính hỏi. Người đàn bà có tang vẫn ngẩn mặt, giọng thì thầm như nói một mình:
"Đây cũng không có biết kiếm đâu giờ".
Người lính "ợ" một tiếng, nhăn mặt:
"Người chết nhiều vậy, thịt xương nát hết, cánh tay cũng ở đống đó chớ đâu".
"Không có, không có" – Giọng người đàn bà nho nhỏ như một tiếng cánh chim run. Người đàn bà bán quán lắc đầu.
"Chết vậy mà chỉ tét bụng, đứt chân, mất đầu chớ không nát bấy như hồi ở Đốc Đá. Mấy xác người vô thừa nhận có một người đàn bà đầu văng xuống sông tới hồi vớt lên mớ tóc dài vẫn còn như cũ.
Người lính cau mặt, nhấc ly rượu uống ừng ực.
"Chết là hết rồi nói qua nói lại chỉ cho mất công".
Anh ta vịn vào cọc lều đứng dậy, lảo đảo ra đường, nhìn lên phía mặt lộ. Bụi kéo thành đám phủ xuống người anh. Anh đưa hai tay lên chụm mặt, quay lưng về hướng gió. Sao chiếc xe vẫn chưa tới? Sao nó chết cũng cũng bắt anh chờ đợi nôn nao như hồi sắp cưới nhau. Người đàn bà nào chết ở trển mà vô thừa nhận? Cũng có đứa đàn bà trốn mẹ, giấu chồng đi lấy lúa như nó hồi trước sao. Người lính không muốn trở vào quán nữa nhưng anh cũng biết mình không thể đi đâu lúc này. Sống lưng lạnh khô và như có cát bám từ gáy trở xuống. Mắt anh nhức nhối, hai màng tang máu đập dồn dập. Nắng vẫn chói lòa nhức nhối. Như có những đốm hoa sầu đông bằng bạc hỗn loạn trên không.
Len vào bên tấm liếp, người lính buông người trên mặt ghế. Hai tay ôm mặt, anh ta gục xuống mặt bàn. Rồi một bàn tay đập nhẹ trên vai anh. Giọng người đàn bà bán quán:
"Có nước chanh. Uống chút cho tỉnh".
Người lính mở mắt ngửng cổ uống một hơi rồi đột ngột hỏi người đàn bà có tang:
"Người đàn bà vô thừa nhận đó ra sao? Chết mà không nát mặt sao chớ?"
Người đàn bà hai tay thủ bọc, giọng buồn:
"Tay ảnh có mang cà rá mà. Vàng thau lẫn lộn tùy thời; triều đình suy, thịnh tùy người nịnh, trung".
Người lính lắc mạnh đầu. Người anh chấp chới. Người đàn bà khăn trắng đó cũng chấp chới theo. Người lính đột nhiên hoảng hốt. Anh cầm miếng vỏ chanh chà lên mặt, cố tĩnh trí. Nỗi sợ hãi thiệt không hình dạng. Đột ngột như cái rùng mình của một cơn say. Anh không muốn hỏi, muốn nghĩ gì cả. Anh không muốn. Người đàn bà chết thảm đó không thể là vợ anh được. Nó đang giấu mặt trong chiếc xe đò Vạn Hưng đó. Miếng chanh vứt đi đầy cáu ghét và cát. Người lính vẫn không ngồi thẳng lên được. Đầu anh vẫn nặng nề nhức nhối. Anh gục xuống với nỗi sợ hãi chập chờn trước mặt. Cánh tay cổ tròn vạch lên tường ngày gà khởi ấp vẫn hợp với người đàn bà xuôi ngược gánh lúa, gánh thóc lúc chồng vắng nhà hơn. Những lời đồn đãi về vợ anh, từ trước tới giờ lời cuối cùng anh vẫn thấy gần lòng tin nhất. Vợ anh ngồi sau tấm màn đỏ theo lời đồn và chết lúc gánh gạo theo trí tưởng cùng mơ hồ nhưng có lý như nhau.
"Ngư… ờ… đàn… bà đó… ó…"
Mồm người lính mở lớn, nước mép chảy ứa. Anh muốn hỏi nhưng lưỡi líu lại và những giọt mồ hôi lạnh vẫn nhỉ trên trán. Anh kê mặt trên cánh tay vòng trên bàn, mắt nháy hoài. Nước mắt vẫn ứa ra và bộ mặt người đàn bà khăn tang thì mơ hồ. "Vàng thau lẫn lộn tùy thời; triều định suy, thịnh tùy người nịnh, trung". Nó là bầy tôi nịnh hay bầy tôi trung của anh đây? "Nó muốn hơn thế nữa", ước muốn ấy bây giờ cũng vẫn là cánh tay vạch lên tường những chữ bằng than ghi ngày gà khởi ấp. Nó giấu mặt sau những tấm màn đỏ trên chiếc xe đò chiều nay không tới bãi cát. Nó văng đầu xuống sông, mớ tóc còn nguyên. Người lính say thiệt sự rồi. Anh ta nhắm mắt thở khò khè với hai cái chết người vợ mình về tìm gặp.
Người đàn bà có tang vẫn ngồi nhìn thẳng, hai tay thủ bọc. Người chủ quán nhìn người lính rồi nhìn chị ta, môi mấp máy như muốn nói. Bà ta lăng quăng chạy quanh lều, khép lại cánh phên, hớt những bông hoa sầu đông ra khỏi thùng nước, rồi lại nhìn từng người khách.
Một đám lính Mỹ từ dưới bãi cát, quần áo xốc xếch, đi lên ồn ào cười nói. Những người phu xích lô nhảy vội xuống đất, hờm lòng xe trước lối đi của đám lính. Những tiếng trao đổi với chân tay làm điệu bộ. Những tiếng hô hối hả của một chiếc xích lô đã có khách dẹp đường. Thằng bé bán hành ở lều bên kia đang dẹp mớ lá bánh trước mặt người lính Mỹ vừa tỉnh dậy. Nó tò mò nom sang người đàn bà có tang ngồi bên người lính say rượu. Người lính bỗng cất đầu khỏi mặt bàn vươn cổ mửa thốc tháo xuống mặt đất. Người đàn bà có tang ngơ ngác nhìn anh ta. Những con chó lang thang trong chợ chạy ra xúm trước mặt người lính. Người đàn bà có tang lấy nón đội đầu đứng dậy ra khỏi quán. Bằng những bước dài và nhẹ, chị ta khom người tiến từ từ vào sâu lòng chợ, nơi có một con chó không chạy vào lều, ngồi cúi đầu gặm một khúc xương. Người lính say mửa một hồi lại gục xuống mặt bàn, người như chúi về một phía.
Ở lều bên kia, thằng bé bán hành ôm cái mẹt bước ra đường. Bóng nó tần ngần đổ dài trên mặt cát bụi bậm. Nó nhìn những đốm hoa sầu đông rơi lả tả trên mái rạ, nhìn người lính gục trong lều.
"Coi kìa".
Có một giọng đàn bà lẫn với tiếng gió ở sau tấm liếp như tiếng mẹ thằng bé. Nó nhìn lên mặt lộ. Trên con đường lổn nhổn đá xanh dẫn lên trên đó, người đàn bà có khăn tang đang nhảy qua nhảy lại, rượt theo một con chó ngậm trong mõm một khúc xương.
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php/gd/showFile.php?res=13216&rb=08