Văn học miền Nam 54-75 (213): Nhật Tiến (6)

Thềm hoang (kỳ 4)

(Truyện dài – Giải Văn chương Toàn quốc 1962)

Chương năm

Ở chợ về, mụ Năm Trà vẫn thấy ba đứa trẻ nằm ngủ trên giường. Bà cụ Nết ngồi khom lưng ở một góc, vừa lim dim ngủ, vừa phe phẩy cái quạt đuổi ruồi cho mấy đứa cháu. Mụ ném gói đồ xuống giường, lấy khăn lau mồ hôi trán rồi hỏi:

“Má ăn cơm chưa?”

Bà cụ choàng dậy:

“Đã về đấy à? Sao không nói trước, tôi lại không thổi cơm.”

Mụ đàn bà khép cánh cửa lại rồi cởi cái áo bà ba vắt lên mắc:

“Khỏi! Tôi không thấy đói. Nhà còn nước tắm không?”

“Còn lưng thùng lớn đấy. Cứ xài đi rồi bảo nó đổ.”

Mụ Trà tiến lại phía dây thép, với cái khăn mặt lau những giọt mồ hôi lăn tăn ở nách và ở bụng rồi ngồi xuống mặt phản mở gói giấy mới đem về. Mụ lấy ra một xấp quần áo trẻ con còn nguyên nếp hồ sột soạt. Mắt bà cụ sáng lên trước những hình vẽ xanh đỏ sặc sỡ đủ mầu trên những mảnh quần áo xinh xắn. Cụ reo to:

“Chèn ơi! Đẹp quá ta. Cô mua đó hả?”

“Phải! Mua cho xấp nhỏ đấy. Má nhắm thử coi vừa không?”

Bà cụ đỡ lấy cái váy đầm bằng vải hoa xanh viền chỉ đỏ rồi xuýt xoa:

“Ôi cha… được cái này thì nhất xóm rồi còn gì.”

“Hàng mắc đấy. Tôi mua mỗi đứa hai bộ để dành mặc tết.”

“Những hai bộ kia à. Sang dữ. Mỗi đứa một là quá xá rồi.”

Mụ Trà không đáp đứng dậy đi vào nhà trong. Lát sau có tiếng nước dội ùm ùm ở đằng sau vách gỗ. Bà cụ nghe thấy tiếng hỏi vọng ra:

“Má có thiếu gì không?”

“Thiếu gì?”

“Quần áo đó! Tôi có mua thêm xấp vải. Má lấy mà may.”

Bà cụ ngạc nhiên nhìn về phía con dâu. Chưa bao giờ nó tử tế, săn sóc cụ như thế. Tần ngần một lát, cụ trả lời:

“Thôi tôi chả cần. Còn ba cái đồ cũ xài được rồi.”

“Thì có vải đấy, má cứ lấy mà may. Tôi chỉ sắm có một lần này nữa thôi.”

Bà cụ nhoài người ra với lấy cái gói giấy. Dưới mấy bộ quần áo là một xấp vải láng mượt. Bà run run giở ra ướm thử trên mấy ngón tay. Mặt vải trơn láng, đen bóng, mềm mại và óng ả như mặt tơ. Bà nói chõ vào trong:

“Mà sao mua nhiều quá vậy kìa. Chắc trúng số hả?”

Người con dâu mở tung cánh cửa bước ra, vừa lau cái khăn lên lớp da trắng muốt, vừa nói:

“Dễ gì mà trúng số! Nhưng cứ sắm. Để rồi tôi nói chuyện với má.”

Một lát sau mụ thay xong áo rồi ra ngồi trên mặt phản. Mụ đặt cái hộp sắt đựng phấn son phía trước mặt, ngồi vuốt cẩn thận từng sợi tóc. Đầu mụ nghiêng mãi trước cái gương nhỏ. Hai tay mụ sửa lại ba bốn lần vành tóc cho thật tròn rồi nhặt cái bút chì trong hộp sắt lên tô đậm nét lông mày. Vừa sửa soạn vừa đắn đo mãi, hồi lâu mụ mới nói:

“Tôi có chuyện muốn nói với má đây.”

Bà cụ dừng tay quạt, ngẩng lên không nói. Tần ngần một giây, mụ tiếp:

“Tôi sắp phải đi. Mà đi lâu mới về.”

Bà cụ hỏi:

“Mai mốt rồi không?”

Mụ Năm bật lên cười. Vành môi đỏ chót của mụ trễ xuống, ướt mọng. Mụ nói:

“Mai mốt gì! Đi là đi luôn ấy chớ! Tôi tính đi chỗ khác mà.”

Bà cụ ngạc nhiên:

“Làm ăn cái gì mà đi luôn. Chỗ nào thì chỗ cũng phải có lúc về chớ?”

Mụ Năm ném thỏi son vào hộp, chân mụ quơ lấy đôi guốc dưới gậm giường. Mụ buông thõng một câu:

“Tôi đi lấy chồng.”

Bà cụ lặng đi không đáp. Mắt bà hết nhìn con dâu lại trông vào ba đứa trẻ vẫn nằm thiêm thiếp ngủ. Đàn ruồi thỉnh thoảng táp lại, đậu quanh mắt rồi bò xuống vành môi chúng nó. Thấy lâu mẹ không đáp, mụ Năm tiếp:

“Tôi suy nghĩ hết sức rồi. Tôi không chờ ba chúng nó được nữa. Ba chúng nó muốn thôi tôi trước. Đấy má coi, hàng mấy năm nay thư từ đâu có. Coi bộ đã sa vào con nào hay chết ngỏm rồi không chừng!”

Bà cụ giơ vạt áo lên lau nước mắt. Ngập ngừng một lát lâu cụ mới nói:

“Tôi thì tôi không cần gì hết. Nhưng xấp nhỏ này rồi ai nuôi?”

Giọng mụ Năm Trà trở nên gay gắt:

“Vậy má bắt tôi ngồi ôm chúng tới già sao? Tôi còn cái thân tôi chớ. Đó, má có nuôi được chúng thì nuôi, không thì mang cho đi, tôi không tiếc.”

Nói rồi mụ mở cái bóp đầm lấy ra mấy tờ giấy bạc ấn vào tay bà cụ và đổi giọng ngọt ngào:

“Thôi má ráng đi. Tôi suy nghĩ hết sức rồi. Má không trẻ như tôi má đâu có biết.”

Bà cụ sụt sùi không nói. Hai người im lặng hồi lâu. Một lát mụ Năm vừa đứng dậy vừa thở dài. Bà cụ ngước mắt nhìn lên. Tia mắt của cụ làm mụ bối rối. Mụ vội vã đi lại phía vách với tay lấy chiếc áo dài. Bà cụ hỏi với giọng đầy nước mắt:

“Bộ đi ngay bây giờ à?”

“Tôi đi ngay. Tầu ra Trung chạy bốn giờ. Còn phải đi gặp người ta nữa chớ.”

Bây giờ thì bà cụ nghẹn ngào, nước mắt đổ ràn rụa:

“Vậy để gọi chúng nó dậy cho chúng nó chào.”

Mụ Năm xua tay:

“Thôi, khỏi. Để chúng ngủ đi. Lúc dậy má mua cho chúng nó ít tấm bánh. Nói là của má cho.”

Mặc áo xong, mụ lại giường ngắm ba đứa trẻ. Chúng nó vẫn nằm ôm lấy nhau. Những cái vạt áo hếch lên, để phơi cả bụng lẫn rốn. Trong giấc ngủ, môi đứa nào cũng bĩu ra. Cặp lông mi kết dử dính bết vào nhau thành từng mảng. Mụ thò tay với lấy cái quạt xua mạnh lũ ruồi bay loăng quăng trên đầu chúng nó, rồi mụ cúi xuống vừa quệt lên má chúng, vừa nói:

“Tội nghiệp tụi bay, nhưng tại ba tụi bây hết đó.”

Bà cụ nấc lên thành tiếng. Mụ quay lại nói vội vàng:

“Thôi tôi đi đây.”

Bà cụ mếu máo:

“Bộ đi thật à?”

“Thật chớ, ai nói chơi.”

“Rồi khi nào về thăm chúng nó?”

“Tôi chả hứa đâu. Đừng có trông.”

Bây giờ thì bà cụ oà lên khóc. Đầu cụ dúi vào cánh cửa. Hai tay cụ ôm lấy mặt. Cụ không nhìn theo bóng người đàn bà đi vội vã như chạy trốn ra lối ngõ. Bên tai cụ còn vang vọng lại tiếng guốc của mụ gõ lóc cóc trên mặt đường. Lát sau cụ gào lên:

“Ới con ơi là con ơi… ới cháu ơi là cháu ơi…”

Người cụ run rẩy. Hai tay cụ bíu vào vách gỗ. Đứng lao đao một lúc cụ ngồi gục xuống mặt giường. Đùi cụ tì nghiến lên chân thằng út làm nó choàng dậy oà lên khóc. Hai đứa kia cũng cựa quậy, càu nhàu rồi khóc theo. Căn nhà bỗng nhiên thê thảm như có người chết. Bà cụ ôm lấy chúng nó rền rĩ:

“Các cháu ơi, má tụi bay đi rồi! Má tụi bay đi rồi!”

Bọn trẻ không biết gì càng gào to hơn. Con chị lớn gọi to:

“Má ơi… má ơi…”

Mấy nhà trước cửa thò đầu ra ngó. Bà cụ bế thằng út ra đứng ở đầu thềm lu loa:

“Bà con vô mà coi… Nó bỏ con lại mà đi rồi… Trời ơi là trời, rồi lũ này ai nuôi…”

Vừa nói cụ vừa hỉ mũi và giơ vạt áo lên lau. Bọn trẻ cũng theo ra ngồi phệt xuống mặt hè. Tay chúng nó dụi lia lịa lên mắt, nước mắt nước mũi chảy dài ra, đùn ứ ở vành môi. Một người nói:

“Sao? Bộ má chúng nó đi thiệt rồi sao?”

Bà cụ mếu máo:

“Đi thiệt rồi. Bây giờ bơ vơ, tôi biết trông cậy vào ai. Ới Năm ơi là Năm ơi… Mày không về mà coi vợ con mày.”

Có người kêu lên:

“Trời đất ơi, sao mà bất nhân quá vậy. Con mình dứt ruột ra mà!”

Một người khác tiến lại bế cái Ba lên. Mặt nó lem luốc, mồm đầy dãi rớt và nước mắt. Con bé không chịu, đạp giẫy ra khiến bác ta ngọt ngào:

“Tao thương mà! Tội nghiệp! Rồi tao cho ăn bánh.”

Nhưng con bé tuột ngay xuống đất. Nó bò lồm cồm trên bực gạch. Đít chổng lên, hai bên mông loang lổ những nốt mụn bẩn. Bà cụ cúi xuống xốc nách nó lên rồi lấy tay quệt dãi ở mồm nó. Cái Hai đứng bên cũng sệu mệu:

“Bà ơi, cháu đói…”

Bà Cụ đặt thằng út vào một góc rồi tất tả lại chạn bếp lục ra bát cơm nguội. Cụ chan đầy nước dưa lõng bõng, rưới thêm ít tương và mấy quả cà nhỏ rồi đem ra ngồi ở bực cửa. Mấy đứa xúm lại. Chúng nó ăn uống và húp nước ngon lành. Nụ cười lại nở trên vành môi. Thằng bé tươi tỉnh bước lững chững trên thềm, miệng nó bi bô:

“Bà… má… bà… má…”

*

Lúc đạp xe qua nhà Huệ, Hai Hào thấy nàng ngồi thu lu trên ngưỡng cửa. Khuôn mặt Huệ khuất trong bóng tối. Ánh đèn leo lét rọi qua những song gỗ in rõ mái tóc của nàng xù lên, xoắn lại với nhau. Gã cất tiếng giả lả:

“Mệt không cô Huệ ơi…”

Huệ ném cái hột ô mai về phía gã, chanh chua:

“Mệt cái phải gió! Đang túng bỏ mẹ lên đây.”

Gã cất tiếng cười. Tay gã gõ vào thùng xe, một chân gã ghếch lên, một chân quay hờ hững cái bàn đạp. Gã hát theo giọng bác Tốn:

Cô Huệ ơi

Tôi theo cô đi đến tận góc bể chân trời

Sông sâu tôi cũng nặn, núi đầy tôi cũng neo.”

Huệ đứng dậy xốc lại cái cạp quần cho ngay ngắn rồi cất tiếng gọi:

“Này… Hai ơi!”

Hai Hào quay lại nhăn ra cười, hát tiếp:

Sang Tây, sang Nhựt, sang Nèo,

Sang Tàu, sang Mỹ… tôi theo đến cùng…”

Huệ nói:

“Khỉ gió đùng lăn lắm nữa, lại đây người ta nói cái này…”

Gã ngừng xe lại nhìn Huệ như dò hỏi:

“Chuyện gì thế?”

“Thì cứ lại đây nào.”

Hai Hào ngần ngại xuống xe, gã nhìn Huệ nghi ngờ:

“Thôi tôi đếch vào.”

“Thối chửa! Ai ăn thịt mà sợ. Lại gần đây!”

Gã rụt rè tiến lại gần. Hai người đứng đối diện nhau. Huệ lùa bàn tay vào túi quần của gã:

“Từ sáng mấy cuốc rồi?”

Gã chộp lấy bàn tay Huệ như sợ nàng mó phải cuộn giấy bạc nằm ở bên trong. Gã nói:

“Mấy cái nỗ đít. Ế bỏ mẹ đi.”

“Đừng có xạo! Ai người ta lạ gì. Đạp khoẻ như voi ấy mà lị.”

“Ai thèm xạo làm chi. Thật tình từ sáng mới bỏ riêng được bốn chục, còn thì chui vào tiền thuế bố nó hết.”

Huệ bật lên cười:

“Bốn chục tốt rồi. Vào đây đi!”

Gã đàn ông giẫy nẩy lên:

“Thôi chịu thôi! Chả chơi.”

“Thì ai đã làm gì mà lo.”

Gã bẽn lẽn:

“Đếch ai lo. Nhưng chả đủ đâu…”

Huệ gắt:

“Thì ai thêm lấy đủ. Chia đôi đỡ thôi mà.”

Nói rồi nàng xoa bàn tay lên ngực gã làm gã rúm người lại. Bàn tay kia, nàng vít cổ gã xuống. Gã định nói gì thì đã bị cặp môi của Huệ bít ngay miệng lại. Một lát sau gã lại duỗi ra:

“Thôi chả chơi đâu. Tôi hãi…”

“Khỉ gió! Ai người ta làm gì mà hãi.”

“Hãi cái Đào ấy chứ. Nó mà biết thì chỉ có chết!”

Huệ xoa mái tóc bờm xờm của gã như xoa đầu một đứa trẻ:

“Ôi chao ơi! Sao mà khốn khổ thế. Ngữ này rồi thì cũng đến cái nước đem vợ lên ban thờ mà thờ mất thôi!”

Gã tức mình:

“Thờ gì! Có mà đây ghè cho vỡ đít!”

Huệ rích lên cười, bất kể trời trăng, nàng đẩy gã đàn ông qua ngưỡng cửa. Gã líu ríu bước theo nàng. Ở trong nhà, ánh đèn bây giờ soi rõ khuôn mặt vêu vao của Huệ. Cặp mắt nàng sâu trũng xuống, hai gò má nhô lên cao. Màu son tím ngăn ngắt tô trên môi trở thành cái mầu bạc nhược dưới ánh sáng vàng vọt. Gã đàn ông nói:

“Hai chục thôi đấy nhe.”

Huệ không đáp, giơ tay kéo cái màn che giăng ở đầu giường. Một lát gã nói:

“Sao người nóng thế?”

Huệ uể oải:

“Đang lên cơn sốt đây!”

“Sốt thì thôi đi.”

Huệ nắm vội lấy tay gã:

“Khỉ gió lắm nữa. Ai khiến!”

Gã đàn ông miễn cưỡng kê lưng xuống mép giường. Một lát, gã lại thở phì phò như đang đạp một cuốc xe nặng chở hàng lên chợ.

Ở nhà Huệ ra, gã đến chỗ hẹn với Đào ở mé giếng. Tiếng Đào gắt lên trong bóng tối:

“Sao lâu thế. Làm người ta đứng chờ tưởng đến chết chân đây này.”

Hai Hào xuýt xoa:

“Xin nỗi. Xin nỗi. Cái phanh xe nghẹt cứng, gỡ mãi không ra.”

Hai người im lặng. Một lát gã nói:

“Việc không xong rồi.”

“Việc gì không xong?”

“Định nhắn cụ Nết nói hộ thì mụ Năm Trà bỏ đi. Ai còn dám nhờ nữa.”

“Khỏi cần đi. Thầy tôi ưng rồi.”

Gã vồ lấy tay Đào, rối rít:

“Chèn ơi, rồi ư? Thầy mình ưng tôi rồi ư?”

“Thì tôi đã bảo mà.”

“Vậy thì tôi sướng chết người tôi nên đây nè…”

“Chưa sướng đâu. Mình hãy lại gặp thầy tôi một cái đi đã.”

Gã choáng người lên:

“Ý trời đất ơi… bắt tôi nại đằng ý hả?”

“Khắm chửa. Mình chả phải lại dễ cứ ở tịt trong nhà rồi tôi lùi lũi về với chắc?”

“Nhưng tôi hãi thấy bà tôi đi.”

Đào cười thương hại:

“Thì đã bảo thầy tôi ưng mình rồi mà.”

“Thiệt nhe. Mình nói thiệt đấy nhe.”

“Bây giờ mình đi trước tôi vào cửa đằng sau.”

Người gã lại bắn lên như bị điện giật:

“Ý trời ơi! Bộ bắt tôi nại mình ngay bây giờ sao?”

“Chớ sao. Bây giờ ông ấy đang vui vẻ, đến càng tốt.”

Tim gã đập mạnh, gã ngập ngừng:

“Nại thì tôi biết nói cái gì bây giờ?”

“Tuỳ mình đấy. Thầy tôi hỏi cái gì mình nói cái nấy.”

“Vậy ông ấy sẽ hỏi gì mình có biết không?”

“Bố ai mà biết được. Đến đâu hay đó chứ.”

“Nhưng mà… hay nà…”

Đào gắt lên:

“Đã bảo không sợ mà. Cứ đi theo tôi.”

Đào túm lấy áo gã dẫn về lối ngõ. Tới gần cửa, nàng chùn lại, ghé vào tai gã thì thào:

“Mình vô đi. Tôi đứng nghe mình ở cửa đàng sau.”

Gã định nắm lấy Đào xin nàng tha cho cái công việc tầy đình ấy nhưng Đào đã gỡ tay gã ra và khuất nhanh vào bóng tối. Còn đứng lại một mình, gã ngần ngại trông về phía đàng trước. Căn nhà Phó Ngữ toả ánh đèn lù mù. Gã không nom thấy Phó Ngữ ngồi quạt ở cửa như mọi khi. Từ đầu ngõ, tiếng người ăn uống hát hỏng ồn ào còn vọng lại. Gã ngập ngừng giây lâu rồi đánh bạo bước qua ngưỡng cửa. Đầu gã thò vào trong, miệng gã ấp úng:

“Nậy cụ…”

Phó Ngữ đang nằm vắt tay lên trán, nghe tiếng vội nghển đầu nhìn ra. Chợt lão nhỏm phắt ngay dậy giương mắt nhìn Hai Hào như muốn ghè cho gã năm bẩy gậy. Hai Hào lại nói:

“Nậy cụ ạ…”

Phó Ngữ cất tiếng xẵng:

“Đứa nào thế? Phải Hai Hào đấy không?”

Gã đáp:

“Thưa cụ phải.”

Bàn tay của lão đập mạnh xuống phản một tiếng khô khan:

“Anh chim con gái nhà tôi…”

Gã lùi phắt ngay lại, miệng bải hải:

“Ơ… ơ… đâu có…”

“Lại muốn chối phải không? Không có mà nó lại khai cho nhà anh. Anh dụ dỗ nó… anh dụ dỗ con gái nhà lành. Tôi là tôi cho nhà anh rũ tù, biết chưa!”

Hồn vía Hai Hào lên tận mây xanh, gã ta chắp hai tay xá lia lịa:

“Cháu nậy cụ… cháu hứa… cháu chừa!”

“Liến láu cái mồm xin hứa, xin chừa. Bộ tưởng nói vậy là xong hả?”

Thấy mặt Hai Hào đực ra, Phó Ngữ vẫn giữ giọng hách dịch nhưng có phần dịu hơn:

“Này tôi hỏi thật, có hay không?”

Gã ấp úng:

“Dạ… dạ có…”

“Có cái gì?”

Hai Hào lại ngẩn người ra khiến lão phải quát lên:

“Có ngủ với nhau không?”

Hai Hào cuống quít:

“Dạ… dạ… có…”

“Có rồi làm sao nữa?”

“Dạ… chả nàm sao nữa hết.”

Phó Ngữ bật dậy, lão xô cái gối ra tuốt đằng sau, miệng lão hét lớn:

“Làm ễnh mẹ nó cái bụng con nhà người ta lên rồi nói chả làm sao nữa hết là làm sao! Cái quân này phải cho rũ tù thì mới mở mắt ra.”

Hai Hào lại run lên:

“Nậy cụ… cụ thương chúng cháu tầng nào hay tầng ấy.”

“Thương cái con chó… ông thì ghè vỡ đầu mày ra…”

Hai Hào hốt hoảng nhẩy bổ xuống hè và co chân chực chạy. Nhưng Phó Ngữ đã nhanh hơn, lão nhào ngay xuống đất, túm ngay được lấy lưng áo của gã. Chủ tâm của lão chỉ là doạ gã mấy câu cho bõ ghét mà thôi. Cho nên lão đổi giọng ngọt ngào hơn:

“Này… Hào!”

Gã đứng sững lại, nhưng vẫn giữ thế để có thể tháo thân dễ dàng. Phó Ngữ lại hét lên:

“Thì lại đây đã nào!”

“Tôi hãi…”

“Hãi cái con chó… ai người ta đã làm gì cơ chứ.”

“Cụ tha cho chúng cháu…”

“Tha rồi biết chưa!”

Gã tươi mặt lên, rón rén quay trở lại. Phó Ngữ chỉ tay vào một cái ghế rồi nói:

“Ngồi xuống đấy.”

Gã cảm động rụt rè ngồi xuống một nửa bên mông trong khi Phó Ngữ lặng lẽ châm một điếu thuốc thả khói lơ mơ. Lát sau, lão mới nói:

“Thôi, anh đã biết lỗi thì tôi tha cho anh. Nhưng tôi hỏi bây giờ anh tính làm sao?”

“Dạ cháu chả tính làm sao hết…”

“Con chó! Thế dễ anh để cho con gái nhà tôi mang tiếng chửa hoang đấy chắc.”

Gã đàn ông vội vàng nói rối rít:

“Dạ có chớ… Cưới chớ! Cưới chớ!”

Phó Ngữ gật gù:

“Thế thì được. Nhưng tôi nói cho anh hay, biết chưa…”

“Dạ biết…”

“Muốn cưới con gái tôi thì phải theo mấy điều…”

Ngừng một tí để chiêu ngụm nước, lão nói tiếp:

“Một là từ nay phải bỏ cái lối đi ngang về tắt, biết chưa?”

“Dạ biết!”

“Hai là phải lo tổ chức cưới xin cho đàng hoàng, mời bà con lối xóm cho đông đủ biết chưa!”

“Dạ biết!”

“Ba là phải giấu cái chuyện ăn nằm trước với nhau đi biết chưa!”

Mặt lão tự nhiên lại bốc nóng lên. Lão buông một câu hằn học:

“Rõ ra là những trò đốn mạt!”

Thấy Hai Hào nem mép ngồi im, lão lại tiếp:

“Bốn là phải chăm chỉ làm ăn cho khá giả rồi ráng kiếm nghề khác. Tôi là tôi không ưa cái nghề đạp xích lô biết chưa!”

“Dạ biết!”

“Năm là cưới rồi thì phải về đây ở rể chứ không có được tự do biết chưa.”

“Dạ biết!”

Phó Ngữ vui vẻ gẩy cái tàn thuốc vào cạnh tường, rồi cất tiếng gọi:

“Cái Đào đâu rồi. Đào!”

Tiếng Đào lí nhí ở đằng sau vách gỗ:

“Dạ.”

“Mày ra đây, tao nói.”

Đào bẽn lẽn bước ra, nét mặt tươi hơn hớn. Phó Ngữ nhìn về phía con gái rồi hỏi:

“Mày nghe hết rồi chứ?”

“Tôi đâu có nghe gì.”

“Nhưng rồi mày chịu không chứ?”

Đào cúi đầu di chân xuống mặt đất:

“Tuỳ ở thầy hết. Tôi có biết cái gì ở đâu nào.”

“Thế thì được. Thôi tao nói thế thôi. Đấy rồi liệu mà tính với nhau, đừng có để cho tao mất thể diện ở cái xóm này, biết chưa!”

Nói rồi lão nằm xuống phản, vớ lấy cái quạt khua phành phạch. Đào biết ý xích lại gần chí một cái vào lưng Hai Hào. Hai người len lén đi ra cửa. Trong bóng tối, Đào hí hửng:

“Đó, thấy chưa. Tôi đã bảo thầy tôi ưng mà mình cứ cãi.”

“Thì tôi có cãi đếch gì đâu.”

“Chả cãi mà cứ dúm người lại, nhát như cáy ngày.”

Gã bật lên cười:

“Nhát! Nhát cái nỗ đít!”

Nguồn: Thềm hoang, truyện dài của Nhật Tiến. Đời Nay ấn hành lần thứ nhất ở Sài Gòn năm 1961. Việt Tide tái bản tại California năm 2003 (tác giả có hiệu đính). Tranh bìa: Nguyên Trúc. Trình bày: Nguyên Trúc & Cao Xuân Huy. Bản đăng trên talawas do tác giả cung cấp.

Comments are closed.