Chiến tranh: chứng điên và chứng triết lý

Nguyễn Hoàng Văn

Liệu con người có thể xây dựng một mô hình hoa học hay triết học để dự báo chính xác chiến tranh hay không? Khoa học và triết học vẫn chưa hoàn toàn nắm rõ chứng điên nên nó vẫn chưa thể “nắm” được hoàn toàn quy luật của chiến tranh, thứ nhiều khi chỉ là sản phẩm của những cơn điên.

Hơn hai mươi năm trước, vụ khủng bố 11/9/2001 tại New York và Washington DC đã đánh dấu sự xuống giá và thăng hoa của của Francis Fukuyama và Samuel Phillips Huntington, hai nhà tiên tri với tham vọng vạch ra những mô hình của lịch sử.

Năm 1992, phởn lên với sự sụp đổ của Liên Xô, Fukuyama triết lý trong cuốn The End of History and the Last Man rằng lịch sử đã kết thúc bởi chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị đánh bại, tất cả rồi sẽ dân chủ hóa hết theo mô hình Tây phương nên nhân loại không còn phải mệt nhọc chứng kiến sự cạnh tranh giữa các hệ tư tưởng nữa. Một năm sau đó, giữa lúc các cuộc xung đột mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa tại vùng Balkan làm cho Âu châu nóng lên thì nhà chính trị học Huntington lại đưa ra một triết lý hoàn toàn khác trong một tiểu luận gây tranh cãi dữ dội từ khi ra mắt năm 1993: lịch sử sẽ tiếp diễn với một mức độ xung đột mới, cao hơn, giữa các nền văn minh.

Chiến tranh, theo Huntington, tiến hóa từ thấp lên cao: đầu tiên chỉ là xung đột giữa các bộ tộc nhằm tranh giành rừng rậm như là nguồn sống qua các chuyến đi săn rồi “tiến hóa” dần lên như là xung đột giữa các lãnh chúa, giữa các ông vua, giữa các quốc gia, giữa các ý thức hệ và rồi là giữa các nền văn minh. Theo nhà khoa học chính trị này thì tiến trình toàn cầu hóa sẽ xóa nhòa ranh giới quốc gia nhưng sẽ làm rõ nét hơn những dị biệt văn hóa và nhân loại có đánh nhau, sẽ đánh nhau vì những cách biệt này.

Cuộc khủng bố kinh hoàng năm 2001 đã khiến Fukuyama mất giá học thuật trong khi Hungtinton thì được bơm lên tới mây xanh: vụ tấn công vô tiền khoáng hậu này không phải là là xung đột giữa hai nền văn minh Hồi giáo và Tây phương là gì?

Nhưng rồi thì Huntington cũng cho thấy mình là nhà tiên tri thất bại. Khi mở rộng vấn đề để xuất bản thành sách vào năm 1996, Hungtinton tiên tri rằng chiến tranh thế giới có thể sẽ nổ ra vào năm 2010 mà xuất phát điểm là Việt Nam: bị Tàu ức hiếp mãi, Việt Nam nổi cáu ra võ và thế là Mỹ nhảy vào bênh, thấy Tàu bị mắc kẹt ở Biển Đông, Ấn Độ thừa cơ làm ngư ông đắc lợi, cất quân đánh phủ đầu Pakistan khiến khối Hồi giáo liên hiệp lại, tung quân ra bảo vệ và sẵn trớn nuốt chửng luôn cả Israel! [*]

Nhà tiên tri này qua đời năm 2008, không cố được hai năm nữa để thấy sự hỏng bét của lời tiên tri trên, nói gì việc sống thêm 14 năm để, giữa những ngày này, nhận ra rằng chiến tranh không phải lúc nào cũng đi theo cái mô hình tiến hóa ấy.

Rõ ràng, cuộc chiến giữa hiện tại trên lãnh thổ Ukraine không phải là cuộc chiến giữa hai nền văn minh, cũng không phải là giữa hai ý thức hệ, giữa hai quốc gia. Nếu chiến tranh, theo cái nhìn của Von Clausewitch, là sự “tiếp nối của chính trị bằng những phương tiện khác” thì, ở đây, chiến tranh chẳng qua là sự “chính trị hóa” những toan tính hoang tưởng, những cơn điên âm ỉ nối dài trong đầu của Putin, thể hiện qua bài diễn văn lê thê và tẻ nhạt chỉ để viết lại lịch sử Ukraine. Cái cuộc chiến không thể hiện một tý ty dấu vết nào của sự “tiến hóa” mà chỉ thấy thoái hóa. Ccuộc chiến của một lãnh chúa chính trị với quyền lực vô giới hạn và và sự hoang tưởng cũng vô giới hạn, không chỉ chống lại Ukraine, chống lại Tây phương, chống lại công lý tự nhiên của nhân loại mà còn chống lại cả nước Nga.

“Tôi tiên tri, do đó tôi tồn tại”, nhà lập thuyết nào cũng có tham vọng đúc kết hành trạng của nhân loại thành những mô hình khoa học hay triết lý để đưa ra những dự phóng tương lai, để phác thảo những chặng đường mà loài người sẽ đi tới nhưng tất cả đều sai be sai bét. Karl Marx đã sai be bét khi tiên tri về cách mạng vô sản ở Anh, Pháp, Đức. Bây giờ thì Fukuyama và Huntington cũng sai bét khi vạch ra tương lai nhân loại theo một mô hình triết lý hay khoa học. Kể ra con người có thể dự đoán những tương lai gần, lặt vặt, tỷ như ứng cử viên nào sẽ thắng, bên tham chiến nào sẽ thua nhưng lại thất bại với những dự đoán xa hơn, lớn hơn. Họ bất lực vì không một khoa học nào có thể thiết lập một công thức, một mô hình chính xác của con người.

Cũng giống như sự bất lực kinh tế học. Kinh tế học là một khoa học dựa trên các con số, các tỷ lệ may rủi, các xác suất thống kê đòi hỏi sự chính xác nhưng sự chính xác này lại đặt trên nền móng là hành vi của con người, lệ thuộc vào thói khư khư cần kiệm hay các cơn điên mua sắm khi trúng số, khi được của hoạnh tài.

Mà cơn điên của Putin, không chừng, cũng vậy. Kẻ gây chiến, này cũng đã thể hiện thói hãnh tiến của kẻ trúng số hay được của hoạnh tài khi giá dầu lên vùn vụt và rồi càng lên cơn điên hơn nữa khi bị mất tiền do giá dầu bị sụt nhưng đó là một câu chuyện khác, sẽ bàn sau!

Chú thích:

[*]. Samuel Phillips Huntington (1997), The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order. Simon & Schuster, Sydney. Trang 312.

Đầu tiên là tiểu luận The Clash of Civilizations đăng trên tập san The Foreign Affairs số mùa hè 1993, gây nên nhiều tranh cãi dữ dội. Ba năm sau tác giả mở rộng vấn đề trong cuốn sách nói trên.

Huntington nhận diện ra bảy nền văn minh chính (có thể là tám) của nhân loại: (1) Tây phương, (2) Latin American, (3) Hồi giáo, (4) Trung Hoa), (5) Ấn giáo, (6) Chính thống giáo, (7) Nhật, và (8) Phi châu.

Liên quan đến Ukraine, Huntington cho rằng quốc gia này có thể bị chia cắt bởi Công giáo ở miền Tây và Chính thống giáo ở miền Đông.

Comments are closed.