Đọc trước mộ cha Alexandre de Rhodes ở Isfahan, Iran

Hoàng Minh Tường

(nhà văn)

Ngày 5/11/2018

Thưa Cha,

Ở Việt Nam có một đường phố mang tên Ngài, đường Alexandre de Rhodes, ở trung tâm Sài Gòn, tức thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Trước đó cả thế kỷ, ở trung tâm Hà Nội, thủ đô của nước Việt, có một tấm bia vinh danh Ngài bên Hồ Gươm, tiếc rằng, do giặc giã, đã bị thất lạc.

Điều đó nói rằng, hơn ba trăm năm qua, người Việt Nam không quên Ngài, vẫn luôn nhớ Ngài như thuở Ngài sống và cùng các giáo sĩ Cristoforo Borri, Emmanuel Fernandez, Francesco Buzomi, Francesco di Pina… cùng các con chiên người Việt, đặc biệt là quan tuần phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa, người đã cưu mang các ngài trong những ngày đầu ở cư sở Nước Mặn, góp phần sáng tạo nên chữ Quốc ngữ.

Và sự hiện diện của chúng tôi hôm nay, một nhóm người Việt nặng lòng với tiếng Việt, chữ Việt, tại nơi yên nghỉ của Ngài, cố đô Isfahan của xứ sở Ba Tư huyền thoại, đúng ngày giỗ lần thứ 358 của Ngài (5/11/1660 – 5/11/2018), nói rằng Ngài vẫn luôn sống trong tâm tưởng mọi thế hệ người Việt.

Có muộn quá không, đã 372 năm kể từ ngày Ngài xa nước Việt, nơi mà Ngài đã gắn bó suốt 20 năm, từ 1625 đến 1645, đã luồn rừng lội suối, cùng ăn cùng ở với người dân, nói thứ ngôn ngữ thuần Việt với con chiên, với Chúa, để rồi kết tinh nên bộ sách khai sáng Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt Nam – Bồ Đào Nha – La Tinh, gọi tắt là Từ điển Việt – Bồ – La), in tại Roma, 1651.

Không quên, cũng có thể hiểu là không muộn, và có thể được thể tất, được xá lỗi, thưa Cha.

Là một người gắn với nghiệp cầm bút, với tiếng mẹ đẻ, chúng tôi luôn coi Ngài và các cha Cristoforo Borri, Emmanuel Fernandez, Francesco Buzomi, Francesco di Pina như những người Thầy khai sáng. Tôi nghĩ, rồi đến một lúc, các thế hệ hậu sinh nước Việt sẽ rước Ngài vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội, Thánh đường của đạo học Việt Nam để phối thờ cùng các đại sư biểu kiến tạo và mở mang văn hóa, giáo dục… Người Việt chúng tôi từng có câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn, chắc ngài đã biết từ ngày ở giáo đường Thanh Chiêm, xứ Quảng? Và nên chăng, các con dân Việt Nam nên đề nghị Nhà nước chọn ngày 5 tháng 11 hàng năm là ngày Vinh danh chữ Quốc ngữ và giữ gìn, phát triển sự trong sáng của Tiếng Việt?

Nói vậy để thấy rằng, kể từ khi bộ Từ điển Việt – Bồ – La ra đời, và đặc biệt từ tháng 12 năm 1918, khi triều đình nhà Nguyễn chính thức quy định dạy chữ Quốc ngữ trong các trường học cả nước, thì không chỉ giáo dục, báo chí, văn hóa, mà tất các các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đời sống của nước Việt đã đột biến phát triển lên một bước mới. Trong những thành tựu vượt trội, phải kể đến văn chương Quốc ngữ. Cùng với sự nở rộ của báo chí, bắt đầu từ Gia Định báo ra đời năm 1865 ở Sài Gòn, cùng với phong trào Truyền bá Quốc ngữ, phong trào Đông Kinh Nghĩa thục…, một dòng văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam Bộ đã gợi mở và đặt nền móng cho những trào lưu văn học Tự lực Văn đoàn, Thơ Mới sau này. Và tiếp theo là dòng văn học Hiện thực và văn học Hiện đại hôm nay… Nói không ngoa, một trăm năm qua là cuộc đại hợp thành của nền văn học hiện đại Việt Nam, là cuộc vật vã khai mở vào ngôn ngữ Việt của những phu chữ (theo cách nói của nhà thơ Lê Đạt), để khởi sinh và phát triển một dòng văn học chữ Việt, ào ạt tuôn chảy, nhanh chóng chiếm lĩnh những đỉnh cao và sự toàn bích, đưa ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt trở thành vi diệu, có khả năng giao hòa, khuếch tán vào nhân loại…

Xưa nay kẻ sĩ thường không thích nói về mình. Hẳn Ngài cũng như Đại thi hào Nguyễn Du, những người làm ra sản phẩm tinh thần, thường luôn nghĩ mình mong manh, luôn mặc cảm sợ người đời không hiểu mình, dễ lãng quên mình. “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (Không biết rằng ba trăm sau, Có ai là người khóc Tố Như (ta) không?)

Thưa Cha Alexandre des Rhodes, người Việt Nam chúng tôi không bao giờ quên những người tạo lập công đức và kiến tạo văn hóa, những Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Và cả Ngài nữa. Ngài đã trở thành một Người Việt viết hoa. Ngài đã tạo dựng Công đức, kiến lập Văn hóa với nước Việt.

Và hôm nay, tại đây, chúng tôi xin kính cẩn thắp hương, đặt bia tưởng niệm Ngài, xin tri ân với bạn bè tại thành phố Isfahan mến khách và tươi đẹp, nơi ngài an nghỉ đời đời, đã dành cho chúng tôi một chốn hành hương, như về với cội nguồn.

Comments are closed.