Hỗn độn (kỳ 6)

Nguyễn Khắc Phục

 

TRỞ VỀ

 

Rốt ráo nàng cũng đã bay về vòm trời cố hương. Còn hai phút  nữa máy bay sẽ hạ cánh xuống phi trường Long Đỗ. Qua cửa sổ nhỏ hình ô-van, những cánh đồng xanh lá cây đậm trải ra bình thản, bất ngờ, những dãy núi thẫm nhấp nhô trên nền trời vần vũ. Hình như tất cả đang lặng lẽ chìm dần vào buổi chiều. Nàng nhìn trân trân xuống những thửa ruộng xanh viền những gờ trăng trắng, như thể khói từ những mái rơm lượn lờ ngoằn ngoèo trong không trung sà xuống uốn quanh những thửa ruộng…

Con bé lên chín ngơ ngác trong vòng tay của những người bà con và hàng xóm khác, lúc khóc, lúc cười, nó khóc khi nhìn cô Lộc vật vã khóc.

Tất cả diễn ra trong ác mộng, lập lòe trắng và đen. Dòng người bất tận đằng sau bà cô văn sĩ mặc áo blouson đen to sụ bên ngoài phủ tấm áo xô trắng, thay mẹ nó dắt nó đội vành tang khăn trắng. Nó bỗng thấy như chính mẹ nó hiện lên với gương mặt xám ngắt, mắt sưng húp, miệng mếu máo, các đường nét rệu rã đổ sụp, khuôn mặt tan hoang, tàn phá bởi đau đớn kiệt cùng, khuôn mặt mà chỉ khoảnh khắc trước, từng đường nét phát sáng, tỏa ngời hạnh phúc của một người vợ mãn nguyện. Cái đầu nặng trĩu của mẹ gập xuống như bông hoa gục xuống sau trận bão ác nghiệt. Mẹ bước đi như người mê ngủ gặp ác quỷ giữa cơn mơ, chìm lấp trong những ánh mắt của đám đông ùn ùn kéo tới xem đám tang, hai tay mẹ nắm chặt tay đứa con giờ đây mồ côi cả cha lẫn mẹ, hình như chỉ sự động chạm với chúng mới kéo mẹ về lại với thực tại đôi chút, mỗi lần mẹ vô tình bóp chặt tay của nó thì những tiếng nức nở trào ra.

Bánh sau của máy bay chạm đánh huỵch xuống đường băng, chiếc máy bay lao đi vun vút, mọi hình ảnh bên ngoài cửa sổ đều nhòe nhoẹt. Nàng vẫn căng mắt nhìn những hình ảnh lướt như điện qua chiếc cửa sổ bé tí tẹo, giật nảy mình khi thấy những chiếc máy bay quân sự và máy bay trực thăng đỗ trong các hang-ga hình vòng cung.

Không phải nước mắt mà máu đang sôi nhưng nhức trong lòng nàng, những khối máu đông cứng bỗng tự nhiên ngọ nguậy, bục ra và sôi lên sùng sục. Những cánh đồng viền thành từng hình khối khác nhau, những rặng núi im lìm, những chiếc máy bay quân sự cũ kỹ, những khuôn mặt sạm nắng, sân ga lẹp xẹp, đen đúa… Tất cả lặng lẽ thức dậy trong nàng.

Nàng đặt cuốn hộ chiếu bìa nâu lên mặt bàn rồi nhìn chăm chú khuôn mặt thuôn dài của nhân viên hải quan. Đôi mắt sâu với những nốt ruồi đen trong lòng mắt hết nhìn nàng lại nhìn vào tấm ảnh trong cuốn hộ chiếu.

– Đi Tây năm chín tuổi , vẫn nhớ tiếng Lạc kia à?

– Vâng.

Nàng ngạc nhiên trước sự tò mò của anh ta.

– Tờ khai đâu?

– Tờ khai nào ạ?

– Chị Mười ơi, cô này không có tờ khai!

Nàng bắt đầu bực dọc vì các thủ tục. Nàng quên không điền vào hai tờ giấy màu trắng, xanh. Nàng hí hoáy điền. Xong, định đưa lại cho anh mặt thuôn dài thì chị Mười giữ nàng lại, thân thiện:

– Em ở quận mấy?

– Ngoại ô chị ạ.

– Về chơi à? Mang nhiều tiền thế.

– Ngoại em biếu họ hàng.

Rồi bỗng nhiên, mặt chị nghiêm hẳn lại:

– Đánh mất tờ khai chị giúp thế này thì sao?

Một cơn ớn lạnh chạy khắp sống lưng nàng.

– Vâng. Không hiểu sao em quên mất. Bây giờ em đưa cho anh kia phải không chị?

– Đưa cho chị đây được rồi, nhưng chị giúp thì em cảm ơn thế nào?

Nàng vẫn không hiểu phải làm gì, dù linh cảm mách bảo chị ta đang muốn cái gì đó. Sốt ruột, nàng sẵng giọng:

– Chị muốn cái gì nào?

– Em để hai trăm quan vào tờ giấy gập lại này.

Mặt chị ta tự nhiên trì ra, xám ngoét để cưỡng lại sự hổ thẹn của chính mình. Mặt đỏ dừ, lẳng lặng không nói, nàng nhét hai trăm quan vào tờ giấy đưa cho chị ta, rồi lặng lẽ đi ra…

Ra đến cửa kiểm soát hành lý, nàng bỗng giật bắn mình, vội thụt lại. Mình có báo tin đâu sao mẹ nuôi mình biết mà ra đón? Hay chính Bé My đã thông báo chuyến hồi hương này của mình? Ồ, không thể như vậy. Bé My chắc chắn không biết chuyện này, mình quyết định trong chớp mắt mà.

Nhưng chỉ vài giây sau, nàng hiểu. Nàng đã nhầm. Mẹ nuôi nàng không lên sân bay vì nàng. Bà lên đón người khác. Lúc đó nàng chưa biết đấy là tiến sĩ thiên văn học Thiều Huy, người mà nữ văn sĩ đã kịp làm quen sau khi đã khai thác hết các vỉa trong “mỏ quặng ông Nhân”.

 

Cùng buổi chiều nàng bay về cố hương, Rơm ngồi trong quán Không Vong Tửu Điếm… Đó là một buổi chiều tệ hại, vô nghĩa, trống rỗng với những ấn tượng hậm hực, bức bối. Rơm không ngờ đời mình xuống cấp thê thảm quá.

Đạo diễn Xuân Mơi chỉ huy vợ con Tạ Quay cải tạo quán thịt chó bia hơi thành trụ sở hãng phim với tấm biển vĩ đại: Hãng phim – Vidéo Thời Đại Mới.

Tự tay Xuân Mơi treo những tấm pa nô quảng cáo phim của mình: Con heo lòng, Tình vụn, Tắt nắng yêu em, Hận phòng the, Trái tim gươm dáo… Dĩ nhiên tên Xuân Mơi được trương rõ to…

Mơi bảo Quay với giọng kẻ cả. Đấy anh xem, cả nước này đào đâu ra hãng phim oai như hãng chúng mình? Về danh nghĩa, hãng mình nằm trong Trung tâm khai thác Xi-cờ-la-ma, trốn thuế thoải mái nhá, về nghệ thuật mình liên kết với Công ty phát triển thị hiếu Nghe – Nhìn, tha hồ quan hệ với thế giới nhá, lại khỏi phải duyệt kịch bản, phim làm xong, hay dở thơm thối gì cũng có sẵn đầu ra, cứ việc ném vào các rạp mà hốt tiền nhá, có khác gì nhà nước cho chúng ta quyền móc túi khán giả một cách hợp pháp không? Thế rồi, ngoài vốn của anh chị, tôi sẽ huy động thêm vốn của Trung tâm Khai thác Xi-cờ-la-ma, nơi tôi làm trưởng phòng Tài vụ – Kế hoạch. Đã không phải chịu lãi suất mà lỡ làm ăn thua lỗ thì gạt sang Trung tâm, anh em mình cứ gọi là… đằng nào cũng từ thắng giở lên.

Quay gật gù. Thế mới là giám đốc Mơi chứ ạ. Anh em mình cứ… Mơi kiểu này chả mấy chốc nên người, anh Xuân Mơi nhỉ?

Mơi rẽ rọt. Nói thế thôi, chứ tôi là tôi nhảy sang lĩnh vực này chẳng qua vì máu mê điện ảnh, muốn giúp nhà nước tháo gỡ bế tắc trong ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ sáng tạo. Chứ lời lãi, tiền nong, danh vọng, vô nghĩa tất, chết là hết. Đã thế, tôi là tôi thích thơ ca hò vè lắm.

Làm giai cho đáng nên giai

Buôn phim cũng giỏi

chẳng kém tài cầy tơ…

Bao nhiêu tâm huyết tôi dốc hết vào các kiệt tác trứ danh kia. Hôm trước tôi đem phim “Con heo lòng” chiêu đãi cho ngoại giao đoàn và khách quốc tế, các ông tây bà đầm vừa xem vừa khóc sụt sịt. Hoá ra tây nó cũng tình cảm lắm anh ạ, lại sành nghệ thuật nữa. Còn lúc chiêu đãi phim “Tắt nắng yêu em” thì thôi miễn bàn, cái ông đại sứ gì gì ấy nước mắt nước mũi lưng tròng, đòi chạm cốc với tôi, ca ngợi phim ấy hết nhời. Người mình vốn khiêm tốn, nghe người ta đánh giá phim Hô-li-út thua xa phim mình, mình chỉ nhã nhặn xoa tay: Cỡ tôi nước này xe chở đấu đong… Họ càng phục sát đất.

Quay mắt đỏ hoe vì cảm động. Ôi giời ôi, sao tây xem phim của bác giống với tây ăn thịt chó của tôi thế, cũng nức nở, nghẹn ngào và nấc… Bí quyết có gì đâu, cứ tống thật nhiều ớt bột cho các con tây ăn, chưa kịp thấy mùi vị ngon hay dở thế nào đã cay như điên, nước mắt nước mũi giàn giụa, mình nhân đó vu cho là tây khâm phục món thịt chó Lạc Quốc, chắc phim của bác cũng thế chứ gì?

Mimôda lướt vào.Chào, chào.

Mơi hôn tay cô gái. Chào em, em hãy làm quen với anh Tạ Quay, đồng chủ tịch hãng phim – vidéo Thời Đại Mới.

Mimôda bắt tay Quay. Chào.

– Đây là cô Mimôda, trợ lý giám đốc điều hành, kiêm trưởng ban ngoại vụ của hãng.

– Rất hân hạnh.

Hắt hơi lia lịa. Ối, ối, mùi gì thế, khó ngửi quá?

Quay thản nhiên. Làm gì còn mùi chó nữa nhỉ, cả tuần nay tôi cho quét dọn, kỳ cọ bằng nước xà phòng rồi cơ mà?

Mimôda hít hà. À, phải rồi, bên ngoài đã kỳ cọ hết mùi chó… Nhưng có lẽ cái mùi ấy còn trong người ông đồng chủ tịch hãng mà ông quên không tẩy?

Quay tự ngửi mình. Ừ, ừ, mũi chó nghiệp vụ cũng chào thua mũi cô em đấy…

– Ông chủ tịch thông cảm, tí nữa mình họp báo, công bố sự ra đời của hãng phim hợp nhất giữa ông Xuân Mơi và chủ quán Thời Đại thành hãng Thời Đại Mới… Không nên để quan khách, phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình đánh hơi thấy mùi chó của hãng mình, xúi quẩy lắm.

Quay cười. Tí nữa phiền trưởng ban đối ngoại vào toa-lét kiểm tra xem người tôi đã hết mùi chưa nhá?

Mimôda nhún vai. Ấy, hết mùi chó thôi, nhưng mùi đàn ông thì phải giữ lấy chứ?

Quay cợt nhả ngay. Yên chí, mùi ấy cô em dùng cả năm không nhạt đâu.

Mơi chỉ đợi Tạ Quay và Mimôda đi khuất, lao ngay đến chỗ ái nữ của đồng sáng lập Hãng. Bốc giọng nhừa nhựa. Em đang dán mấy cái áp phích của anh, không biết con gì làm cổ em ngưa ngứa. Anh xem hộ em tí.

Mơi nhìn xuống gáy Bốc. Chắc cái con cảm hứng đấy em ạ, nó cũng đang làm anh ngứa điên lên đây này. Cái cổ áo của em cắt già tay kéo… hay thật đấy… ối ngực em siêu sao, hôm nào anh phải quay phim mới được.

– Quay phim ai cũng thấy, em không thích đâu. Em chỉ muốn dành riêng cho anh thôi.

– Riêng chung phải kết hợp chứ em, anh thưởng thức xong rồi mình đưa lên phim, cho khách lao đến xem phim hãng mình chứ em?

Mimôda trở ra. Thưa ông, có người gọi điện thoại ạ.

– Ai thế?

– Dạ, ông Hồng Chuyên, giám đốc Công ty phát triển thị hiếu Nghe – Nhìn ạ.

– Tốt, cô cứ bảo ông ấy, kế hoạch họp báo không có gì thay đổi. À, cô nhớ chuẩn bị phong bì thật chu đáo nhá, quan khách hôm nay nói chung tính khí xuề xòa, ăn uống bình dân thế nào cũng xong, miễn là tiền phong bao thật khẳm là vui ngay.

– Dạ, em hiểu rồi ạ.

Rơm loay hoay ôm cái máy chữ cà khổ trước ngực, không biết đặt xuống chỗ nào để gõ. Tạ Quay chả cần ý tứ gì nữa, toạc móng heo. Đấy nhá, tôi nói có sai không? Trái đất tròn như quả cật chó, ông lật lọng tôi, mang kịch bản giao cho Đặng Nhu. Đặng Nhu chạy lên ông Trọng Nghĩa, ông Trọng Nghĩa giới thiệu xuống ông Hồng Chuyên, ông Hồng Chuyên chuyền bóng cho ông Xuân Mơi, ông Xuân Mơi liên kết với tôi… Ha, ha, mèo lại hoàn mèo, giá ông đừng nghe cái thằng Quốc Tuynh giời đánh ấy, có phải ông đã không chịu thiệt thòi như bây giờ không? Chạy giời không khỏi nắng… Ha, ha. Rơm gục đầu như bị đánh vào gáy. A, bây giờ đến công việc làm ăn kinh tế, xin ông quên chuyện văn chương nghệ thuật đi, lo sửa kịch bản hộ tôi.

Rơm chống chế. Kịch bản ấy hoàn chỉnh lắm rồi, không thể thêm bớt một chữ nào nữa đâu. Làm đến nơi, đến chốn, phim “Thời đại hôn ám” nhất định sẽ gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.

– Ôi, chấn động làm gì cho thuế vụ nhao đến luộc tôi? Tôi bỏ tiền làm phim là để sinh lợi và quảng cáo cho bốn cô con gái của tôi Bốc-Bải-Dần-Sàng, anh cứ phải thêm bốn nhân vật nữ vào phim cho tôi. Mèng nhất các con tôi cũng phải đóng công nương, quận chúa giở lên.

Rơm không nhịn nhục nổi nữa. Phẫn nộ. Ông đừng có dạy đĩ vén váy. Ông thui chó giỏi hơn tôi thật, nhưng kịch bản phim thì ông biết quái gì. Một lúc thêm hẳn bốn quận chúa công nương để kịch bản của tôi nát như tương bần hả?

Quay gằn giọng. Tuỳ, một là ông chế biến kịch bản theo lệnh tôi, hai là ông giả lại tiền đặt cọc, bồi thường thiệt hại do ông xé hợp đồng… Ha ha, nếu tôi không nhầm, bà nhà đang ốm thập tử nhất sinh trong bệnh viện, nhà ông các chủ nợ đang đòi xiết nợ…

Rơm thở dài. Phải, các ông đã dồn tôi đến chân tường.

Quay cau có. Sao ông nỡ đổ tiếng ác cho chúng tôi thế? Chúng tôi kinh doanh đàng hoàng, thuế má không thiếu một xu. Tại sao ông lại kết tội chúng tôi đẩy ông tới đường cùng? A, cái đó tí nữa ông hỏi tội sếp Hồng Chuyên của ông nhá. Bây giờ phiền ông vào tranh thủ thui kịch bản trước khi giao cho đạo diễn phân cảnh. Chỉ có ba ngày để hoàn thành các công đoạn đó, còn việc tuyển diễn viên, chọn cảnh phải xong trong tuần sau. Mười hai âm bấm máy, không thể khác được, ông thầy bảo phải bấm máy đúng ngày mười hai mới ăn dầy. Còn ông và đạo diễn, muốn làm gì thì làm, cứ phải rinh vợ con tôi lên phim.Ối giời ôi, nào là mi-dăng-xen, mông-ta-giơ, gê-nê-rích, phích-xê hình…, khối việc lắt nhắt phải lo…

Quay hớn hở lao ra đón khách. Ôi, ông anh Hồng Chuyên…

Rơm lẩm bẩm. Trời ơi, hắn vừa buông dao thọc tiết chó đã giết tươi kịch bản của mình. Ừ hắn nhố nhăng thật đấy nhưng hắn cũng không ngu hơn sếp Chuyên của mình đâu. Ít nhất hắn cũng phát âm trơn tru mấy từ mà sếp mình ngọng líu ngọng lô… Rơm chán nản xách máy chữ vào trong.

Quay săn đón Hồng Chuyên. Chuyên bắt tay Quay. Một cảnh tượng vĩ đại chỉ có thể là sản phẩm của kỷ nguyên đổi mới. Xin chào một trong những vị Mạnh Thường Quân của nền điện ảnh quốc gia.

– Bác cứ quá nhời, không có bác bôi mày vẽ mặt, em cứ gọi là cùn đời với cái quán bia hơi – thịt chó này. Bác phải uống với em một cốc rượu ân tình.

Hai người vừa nâng cốc, Bốc mặc bi-ki-ni chạy ra.

– Bác với ba xem, con thế này đóng phin được chưa ạ?

– Trời ơi, nếu không biết cô trước, chắc tôi tưởng mình đang đứng trước một ngôi sao Hồng Kông.

Bốc sung sướng. Anh Xuân Mơi còn bảo cháu rất là “măng-giê phô-tô” nữa kia bác ạ.

– Vâng, thật là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Xin mừng anh.

Bốc sung sướng bỏ vào, một lúc sau quay ra.

– Bố ơi phòng thuế gọi điện cho bố.

– Đúng là quạ thấy người ốm, họ muốn gì cơ chứ?

– Họ đòi bố đóng nốt tiền thuế kinh doanh chó hết quý ba.

– Láo, tao chuyển sang kinh doanh phim rồi kia mà, biểu thuế phải khác chứ? Được để đấy… Với Chuyên. Bác tha lỗi, em phải vào cho bọn thuế biết thế nào là văn hóa tinh thần, thượng tầng kiến trúc bác nhá.

Bố con Quay bỏ vào. Dũng lừng lững xuất hiện. Ông là Hồng Chuyên, giám đốc Công ty phát triển thị hiếu Nghe – Nhìn? Chuyên giật mình. Phải. Tôi muốn nói chuyện với ông. Có gì mời cậu xuống cơ quan, tôi đến đây dự họp báo. Không, tôi cần nói chuyện ở ngay đây, nếu ông không nghe lời tôi, tôi sẽ a-lô cho tất cả phóng viên báo chí biết câu chuyện về một thằng Sở Khanh đội lốt giám đốc… Cậu nói gì tôi chưa hiểu? Ông còn giả vờ không hiểu à? Phúc bẩy mươi đời cho ông là anh Rơm chưa biết chuyện đểu cáng ấy, nếu không anh ấy đã nhổ nước bọt vào cái mặt bị thịt của ông. Này, cậu ăn nói phải cho ra người thanh niên văn hóa mới nhé… Dũng túm cổ áo Chuyên. Ông mở mồm nhắc đến văn hóa mới một lần nữa, tôi vặn hết răng đấy. Đánh đĩ mười phương cũng để một phương lấy chồng chứ? Ông đã đẩy người ta đến chỗ chết đói lại còn lòng thòng với vợ người ta nữa, tham lam thế, đểu giả thế, uống nước không biết chừa cặn à? Ối, ối, nhẹ tay một tí… Bàn đạo nghĩa với hạng người như ông khác gì bắt mèo không được ăn vụng. Ông phải chấp nhận kịch bản “Thời đại hôn ám” và tổ chức làm phim đàng hoàng, nếu không, tôi xin ông tí me đấy, không đùa đâu. À, chuyện ấy thì dễ thôi… Ông có biết anh Rơm dốc vào đây bao nhiêu tâm huyết không? Ông có biết người đàn bà nhẹ dạ, tin tưởng vào sự giúp đỡ của một thằng Đông Gioăng như ông, đang nằm trên giường bệnh không? Ông có biết hai đứa con chị ấy ngoan ngoãn, cực kỳ thông minh nhưng một đứa đã phải bỏ học, xách ấm nước vối ra ga bán để phụ thêm bố, nuôi em tiếp tục cắp sách đến trường không? Ông có biết thằng em vợ anh ấy sẵn sàng đập phá mọi thứ nếu ông anh rể của nó không ngăn giữ nó không? Nhưng cái chính, ông có biết giá trị đích thực của kịch bản ấy không? Chuyên phá lên cười. Biết, biết đó là một kiệt tác… Nhưng ông anh rể của cậu, nhà văn Nguyễn Văn Rơm, người từng thề tử vì đạo cho nghệ thuật và chủ nghĩa nhân văn đã bán kiệt tác ấy cho chính cái lũ mà anh ta khinh miệt, gọi là bọn con buôn nghệ thuật rồi. Cháy nhà ra mặt chuột! A ha. Văn Rơm đã lột bỏ vẻ cao đạo để hiện nguyên hình một tên viết thuê như mọi đồng nghiệp khác của anh ta.

Dũng giận dữ túm lấy cổ áo Chuyên. Ông nói láo, anh Rơm không bao giờ làm bồi bút hết…

Rơm lặng lẽ xuất hiện. Dũng, tôi có nên cám ơn cậu không nhỉ?

Dũng sửng sốt. Anh Rơm, có thật là anh đã…?

– Sự nghèo khổ, quẫn bách đã làm nhục anh một lần rồi, em lại mang nỗi nhục nhã của anh đi mặc cả với cái thằng đốn mạt kia…

– Anh Rơm, em tưởng…

Rơm xé tan tập bản thảo, ném những mảnh giấy tung tóe rồi giáng mạnh chiếc máy chữ xuống sàn xi-măng. Những con chữ nhựa văng ra khỏi lõi sắt.

– Thời đại hôi hám thật, hôi hám thật…

– Về ngay, bán nhà, cậu làm gì thì làm, chạy cho chị, cậu và các cháu cậu đi xuất khẩu lao động…

– Đi mà làm người Rơm hết đi còn hơn vất vưởng trên cái đất nước hình xương cá đang sống trong cái thời hôi hám này…

– Đi, đi, đi tất cả đi…

Rơm gào lên như một thằng điên…

Tất cả đã từ bỏ Rơm. Vợ con và cậu em vợ dắt díu nhau sang bên giời kia theo ngả Bạch Nga, vượt qua những khu rừng bạch dương, lén lút nhập cảnh vào xứ sở của Pô-lô-ne…

Hồng Chuyên làm công văn, yêu cầu “Trung Tâm Kiểm Soát – Xử Lý những Tư Tưởng và Hành Vi Nguy Hiểm” nhập cuộc. Cơ quan mẫn cán này khẩn trương hoàn tất hồ sơ thẩm định, đưa Rơm vào trại Quá Cảnh lần đầu tiên…

Sau lần ấy, Rơm ra vào trại như cơm bữa.

Giữa hai lần nhập trại, Rơm vong gia thất thổ, nay đây mai đó vất vưởng, bữa đói bữa no. Cả tháng không đánh răng, rửa mặt, tắm rửa thay quần áo. Cờ lông công tìm chỗ thuê nhà. Ở đâu cũng dăm bữa nửa tháng, nhà chủ tống cổ ra đường. Do chậm tiền thuê nhà. Do tụ bạ ồn ào khiến hàng xóm láng giềng ta thán. Do bị cắt điện nước vì chưa hoàn tất thủ tục ký những hợp đồng rắc rối, phiền toái…

Tóm lại, hạng như Rơm chẳng ai muốn dây. Nhưng chưa thảm thương bằng việc Rơm hứa nhăng hứa cuội. Đâu rồi những tác phẩm để đời ấp ủ mấy chục  năm  nay mà Rơm đã từng mạnh mồm tuyên bố này nọ, sẽ hoàn thành trong vài  năm  tới. Kẻ Phao Tin té ra chỉ là một tên bồi bút hạng hai, hạng ba, người ta thuê mướn Rơm viết hết cái này sang cái khác, những cái mà Rơm xấu hổ không dám khoe với bạn bè, người quen. Giấu như mèo giấu cứt mỗi khi xuất bản chúng…

Đúng lúc chủ nhà trọ giục Rơm đi kiếm chỗ khác, ông ta muốn lấy lại để cho mấy ả ca-ve thuê với giá cao hơn, Rơm đang cuống lên, chưa biết rúc vào xó xỉnh nào mà sống với số tiền còm sót lại sau vụ viết truyện trinh thám nhiều kỳ đăng trên báo “Tấm Gương”, bỗng nhiên một công ty đặt hàng Rơm viết một cuốn bút ký lịch sử về ngành nghề của họ. Nhuận bút chẳng hậu hĩnh gì, nhưng ít nhất thì họ cũng thuê phòng khách sạn cho Rơm ngồi gõ máy tính kỳ cạch, vắt tim vắt óc để viết ra những điều vô bổ…

Thôi, cứ coi như chết đuối vớ phải bọt.

Lại nhà trọ. Một nhà trọ cho tên bồi bút ẩn náu…

Sống nhây nhớt, nhọc nhằn, nhão nhoẹt…

Rơm rủ dăm thằng cô hồn mà Rơm nhặt nhạnh ở khắp các xó xỉnh Long Đỗ, gầy một sới bạc ngay trong phòng trọ của Rơm. Tất nhiên trước đó, để tránh những phiền phức, Rơm đã kịp hối lộ cho đám lễ tân và nhân viên khách sạn. Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng… cảnh sát. Lần trước đánh bạc ở nhà một tên bạn, cũng do quá khinh suất, cảnh sát ập vào, bắt quả tang, giải cả lũ về đồn. Trong số con bạc có một tên nghệ sĩ nhớn xấu hổ quá, vớ bừa một cái rổ nhựa vốn dùng để rửa rau, úp chụp lên cái mặt mo…

Rơm đánh bạc mà trong lòng ngổn ngang bao nỗi. Từ chuyện riêng tư, tiền nong đến chuyện hợp đồng viết sách sắp đáo hạn mà Rơm vẫn ì ạch không biết bao giờ mới xong chương mở đầu. Nghe nói vợ Rơm sang bên kia đã kịp sắm được một đấng trượng phu mới, không những trẻ hơn Rơm mà còn có tài xoay xở, dàn xếp mua thẻ xanh định cư cho vợ con Rơm và cậu em vợ của Rơm… Thôi, thế cũng yên…

Rơm nhếch mép cười, thoáng nhớ đến cô nàng đeo trên ngực tấm thẻ ép plastic ghi rõ tên họ và được gọi bằng một danh xưng rất vô hại: Kỹ thuật viên vật lý trị liệu, trong một tụ điểm massage. Vừa thấy mặt Rơm thò vào cái phòng sực nức mùi dầu gội đầu rẻ tiền, mùi chăn gối ẩm mốc, chua ủng trộn với mùi xả, hương nhu và hoa bưởi tàn rữa, cô nàng lễ phép lên tiếng:

– Xin mời bố đi rửa bộ ấm chén của bố.

Rơm còn đang ngơ ngác, bộ ấm chén nào ở đây mà phải rửa, cô nàng đã phá lên cười, chỉ tay vào chỗ bên dưới thắt lưng quần của Rơm.

Rơm chợt hiểu.

Cười như mếu. A, một cái ấm sứt vòi đã lâu cạn khô nước và hai cái chén teo tóp, nhăn nheo…

Với tâm trạng như vậy làm sao Rơm ù to được? Thậm chí, trong một ván bài hiếm hoi ù suông, nhưng chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, Rơm xướng nhầm thành thông, bạch thủ chì, tám đỏ hai lèo, thiên khai… thế là lãnh đủ. Rơm phải đền làng một phần ba số tiền nhận được từ hợp đồng viết thuê. Rơm đã thành con vịt cho những con bạc ranh ma, tinh quái kia tha hồ vặt từ lông vũ đến lông tơ. Đã thua bạc tối tăm mặt mũi, một tên bạn Rơm lại dẫn theo hai thằng đeo kính râm, mặc áo kẻ ô vuông, mặt mũi trông khả nghi như bọn làm bạc giả, xông vào phòng, bất kể các nhân viên khách sạn bảo là Rơm đã đi khỏi.

Rơm chán quá, tuyên bố giải tán sới bạc. Đám con bạc tiếc rẻ chưa vặt sạch lông con vịt, ngồi dãi thẻ ngay dưới sàn nhà đếm từng xấp tiền, chiến lợi phẩm chúng vừa luộc của Rơm. Lũ con bạc đã ra khỏi phòng, tên bạn ghé tai Rơm thì thầm:

– Cho tao hai trăm… ngàn, con bồ tao thèm ăn tôm hùm mà tao thì hoàn cảnh lắm.

Rơm nhăn nhó móc túi, vừa xoẳn. Tên bạn nhận tiền, cười cầu tài:

– Tao biến đây.

Và tên này biến thật, bỏ lại trong phòng hai thằng đi cùng. Rơm chưa kịp ngạc nhiên, hai thằng mặt mũi khả nghi bình thản bảo y:

– Kệ anh ấy. Bọn em đến đây thăm anh…

Rơm chán chường mọi sự lên tận cổ, chả thiết tìm hiểu gì nữa, ừ hữ trong họng. Một trong hai thằng ra đóng cửa phòng, thằng kia hạ thấp giọng, thì thầm:

– Chúng em cho anh xem cái này hay lắm. Rơm mệt mỏi nhưng không dám làm hai ông khách bất đắc dĩ cụt hứng, miễn cưỡng phụ họa:

– Thế ư? Cái gì hay ho vậy?

Thằng vừa thì thầm lấy ra từ cái cặp da mà hắn vẫn ôm khư khư trước ngực từ lúc bước vào phòng, một cái phong bì. Và đưa cho Rơm giọng như ban ơn:

– Anh cứ mở ra xem đi, khối cái từ tuyệt vời giở lên.

Rơm uể oải mở phong bì cho phải phép, lơ đãng ngắm bức ảnh rơi ra, chụp một người đàn bà ăn vận sang trọng, tóc búi cao sau gáy. Thằng kia nheo mắt:

– Anh có nhận ra ai không?

Rơm thành thực lắc đầu. Thằng kia hơi cao giọng:

– Một đệ nhất mệnh phụ phu nhân mà anh không nhận ra sao?

Rơm ngơ ngác nhìn lên, thằng kia chỉ tay vào bức ảnh, giọng bí hiểm:

– Nếu muốn, người ta có thể tóm cổ mụ ta ngay lập tức.

Rơm ngạc nhiên thật sự, thoạt đầu là một câu chuyện đầu Ngô mình Sở và mỗi lúc một nhuốm thêm màu sắc trinh thám. Thằng kia hiểu lầm thái độ của Rơm, quả quyết vung tay:

– Em nói thật đấy, các sĩ quan biệt phái của Z-100 đã bắt quả tang mụ ta buôn lậu mười ki-lô-gam đá đỏ ở Đông Kinh, nhưng chồng mụ và thế lực đứng đằng sau ông ta che chắn cho mụ, thành thử mụ thoát chết…

Rơm bỗng nổi cáu:

– Các cậu nói với tôi chuyện này để làm gì?

Thằng nãy giờ im lặng, bây giờ mới lên tiếng:

– Chúng em muốn cung cấp cho anh chất liệu và bằng chứng để đưa vụ này ra ánh sáng…

Rơm vốn hèn nhát, nhu nhược nhưng họa hoằn cũng nổi đóa, mặt đỏ gay, giọng run lên:

– Này, tao không phải cái loa của chúng mày nhá. Chúng mày cút mẹ chúng mày đi cùng với những đồ giẻ rách của chúng mày. Chúng mày thích a-lô, a-lô thì cứ vác Z-một trăm hay Z- một nghìn, Z- một vạn gì đó của chúng mày đi mơi thằng khác. Tao đếch chơi những trò khiêu khích của chúng mày…

Hai thằng lủi thủi ra khỏi phòng.

Vừa lúc ấy, chuông điện thoại vang lanh lảnh. Kẻ đầu kia rủ Rơm đi uống rượu. Rơm nhận lời ngay. Một buổi chiều chó chết. Rơm thất thểu đi bộ ra Không Tư Tửu Điếm…

Trên tầng hai quán rượu, một lá cờ ngũ sắc khá to treo lủng lẳng, vẽ một cái mặt cười toác hoác đến tận mang tai, cách điệu thế quái nào lại giống hệt một con hắc tinh tinh…

Người mời Rơm uống rượu chưa đến, Rơm đành chọn một cái bàn còn trống kê ngay trên ban công tầng hai, ngồi lần khân chờ đợi.

Quán vắng khách, buổi chiều tà u buồn, mưa lất phất. Cái loa phát một bản nhạc rền rĩ. Chủ xị vẫn biệt vô âm tín. Rơm gọi một đĩa lạc rang và một chén Ngũ Lương Dịch, thứ rượu trong vắt, mới nhấp thì lạnh ngắt, thoang thoảng mùi ngũ cốc lên men. Sau vài giọt thấm qua cổ họng, toàn thân sẽ nóng lên, môi miệng tê dại dần trong hương thơm phưng phức, rồi say lúc nào không hay…

Rơm vừa bay trong mộng, vừa lảm nhảm hoa tay múa chân nhố nhăng, đám tiểu bảo chẳng lạ gì những vị khách quá hưng phấn như thế sau một bình Ngũ Lương Dịch có ngọn, chúng chỉ bận tâm để Rơm đừng đập phá cốc chén, hò hét, văng tục hoặc tệ hơn là cao hứng leo qua ban công nhảy thẳng xuống vỉa hè… Tuy vậy chúng cũng thở phào nhẹ nhõm khi thấy người bói bài tây quen thuộc xuất hiện. Đó là một người đàn bà không đoán được  tuổi  tác, thân phận và ngay cả diện mạo cũng không định hình rõ nét. Tất cả mọi thứ ở con người này cũng biến ảo, bí ẩn như những lá bài tây luôn luôn được tráo đi, tráo lại trong tay người đàn bà mới xuất hiện tại đây vài ba hôm trước. Chẳng ai biết người ấy từ đâu đến đây bởi luôn bói bài cho các khách rượu nhưng hầu như không lấy thù lao. Đôi khi, bói phải những chuyện buồn phiền cho thân chủ, nàng còn bỏ tiền mua rượu cùng thân chủ uống giải đen…

Nàng bước đến gần Rơm và lặng lẽ ngồi xuống ghế. Rơm say đến nỗi cứ đinh ninh. Rằng chúng ta đã gặp nhau từ kiếp trước. A, người đàng hoàng đâu có chịu làm vợ hoặc bạn gái của một tên nát rượu có tên là Rơm?

Nàng trịnh trọng lấy ra một cỗ bài tây trong xắc tay, lần lượt tráo từng quân bài chăm chú và kính cẩn như thể chẳng có gì quan trọng hơn công việc nàng đang làm. Sau đó, nàng xếp các quân bài lên bàn theo một thứ tự nào đó mà chỉ một mình nàng hiểu ý nghĩa bí ẩn…

Rơm lờ đờ ngắm nàng. Thoạt đầu Rơm chỉ nhìn thấy nàng qua một lớp sương mờ đục, dần dà Rơm bỗng đinh ninh, mình đã gặp nàng ở đâu rồi. Quen lắm. Nhưng Rơm không tài nào nhớ ra… Ý nghĩ này vừa làm Rơm thấy bớt cô độc vừa khiến Rơm sờ sợ.

Nàng thu hết những quân bài và tiếp tục tráo, tráo đi tráo lại trước khi sắp xếp chúng thành nhiều cột. Những quân bài tây nhấp nhô hiện lên trong mắt Rơm như những hình người cử động kỳ dị càng đẩy Rơm lạc vào một cảnh giới hư ảo.

Rơm thấy mình đứng lẫn trong đám ấy và trở thành quân J Pích trong cỗ bài tây.

Khi nàng nhón tay, kẹp quân J Pích đặt riêng ra một chỗ, Rơm thấy người mình như vừa bị nhấc bổng lên, hai chân đạp chới với trong không khí. Nàng săm soi quân J Pích rồi nhíu trán, thì thầm:

– Bản mệnh của cậu đấy.

Không kịp ngạc nhiên khi thấy nàng gọi mình bằng cậu, Rơm đờ đẫn hỏi lại:

– Ta là J Pích hà? Hay J Pích là ta?

Nàng bình thản giải thích:

– Mỗi quân bài trong này là nghiệp chướng của những quân bài kia. Cỗ bài chỉ có  năm  mươi hai quân, nhưng tráo đi tráo lại vô số lần thành ra vô số cặp là nghiệp chướng của nhau. Có khi một quân bài là nghiệp chướng của nhiều quân bài. Đàn ông là họa là phúc, là nghiệp chướng của đàn bà, đàn bà cũng vậy, là tất cả của đàn ông… Đây này, quân Đầm Nhép chính là họa, là phúc, là nghiệp chướng của cậu đấy…

Rơm run lên bần bật. Trời ơi, họa phúc, nghiệp chướng của Rơm đã hiện lên. Người đàn bà bói bài tây chằm chằm nhìn vào mặt Rơm cười cười, cái cười vừa lạnh buốt, chua chát vừa có cái gì tui tủi:

– Cậu quên chị thật à? Sắp tới xá tội vong nhân rồi đấy…

Rơm bỗng ngây người.

– Em nhớ ra rồi, có phải chị đang mặc cái áo em biếu chị hồi trước không?

Mặt người đàn bà rạng lên một chút, má hơi ửng lên, giọng vui vui:

– Ừ, cái hồi cậu xuống bán kịch bản cho gánh hát dưới này, chị làm thuê cho quầy bia hơi ngoài vườn hoa Con Cóc. Cậu đến thăm chị, bảo chị chiều đến nhà trọ của cậu lấy vé xem kịch của cậu. Chiều chị đến, lũ nhân viên nhà trọ cứ tưởng chị là gái điếm, đuổi chị như đuổi tà. Thật tình chị chưa bao giờ làm hẳn điếm, chỉ mới bán bia hơi và thỉnh thoảng phớ lớ để  bọn cho tiền boa về nuôi con thôi. Vừa lúc đó, cậu bước ra, quát ầm ĩ lên: Bọn mất dậy, chị tao đấy! Rồi chị lên phòng cậu, cậu cũng nghèo kiết xác, chả có gì cho chị, cậu mở ba-lô lấy cái áo này cho chị và bảo: Bây giờ đàn ông, đàn bà có mốt mới, mặc sơ-mi lẫn của nhau. Chị mừng rỡ, mặc ngay vào người. Trông cũng xinh ra phết, ra quán bia hơi, lắm thằng gạ chị… Tự nhiên chị thấy đời chán quá, tởm quá,  chả thiết gì nữa, mặc cái áo sọc đen cậu cho chị, ra cầu Váng Dầu, nhảy xuống…

Người đàn bà ấy chính là bà chị họ của Rơm đã đâm đầu từ cầu Xi-măng Xám, thành phố Váng Dầu xuống sông tự vẫn…

Bao nhiêu  năm  rồi người chị họ đã thành Vong mà khi hai chị em gặp nhau, Rơm không thấy sợ hãi, ngơ ngáo. Chỉ tê tái…

N.K.P.

 

Comments are closed.