Lê Học Lãnh Vân
Nhân dịp anh chị Nguyễn Ngọc Giao – Phạm Tư Thanh Thiện về thăm Việt Nam đầu năm 2020, xin được kể một câu chuyện ba mươi năm xưa…
Nửa sau thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 là khoảng thời gian rất thú vị và hào hứng của đời tôi. Khoảng thời gian đó cũng trùng hợp với thời gian Hội Người Việt Nam Tại Pháp hoạt động với nhiều hứng khởi. Nhà Việt Nam, một cơ sở sinh hoạt văn hoá của phong trào Việt kiều, tổ chức mời các người nổi tiếng thuộc giới trí thức, văn nghệ sĩ trong nước sang thăm Paris và gặp gỡ Việt kiều. Các vị như nhà sử học Phan Huy Lê, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng… tham gia những chuyến đi này. Những năm 1986-1989 Việt Nam nổi lên như một nước tiến bộ, cải cách hàng đầu trong khối các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Và trong thực tế đã có lúc Việt Nam tiến rất gần tới nền báo chí tư nhân.
Viện Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Paris cộng tác với các trường đại học, viện nghiên cứu tại Hung, Tiệp, Ba Lan… lúc đó còn trong khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa. Trong các chuyến tôi đi làm việc tại các nước đó, các người tôi tiếp xúc đều tỏ ý tán thưởng tốc độ cải cách của Việt Nam. Tuy nhiên cùng với sự sụp đổ hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu với cái chết vì bị xử tử của Tổng thống Ru-ma-ni Ceaucescu, giới cầm quyền Việt Nam siết dần lại các quyền tự do căn bản của người dân vốn trước đó được ban phát một cách tương đối hào phóng so với một chính thể chuyên chính. Việc siết lại này khép dần lại các hy vọng về một tương lai Việt Nam phát triển thông qua những cải cách dứt khoát về hướng thiết lập chế độ dân chủ tự do thực sự. Trong hoàn cảnh đó các phong trào người Việt trong nước và ngoài nước viết thơ góp ý, lập kiến nghị gởi nhà cầm quyền Việt Nam yêu cầu cải tổ xã hội, mở rộng dân chủ. Những tên tuổi đáng chú ý từ trong nước có nhà văn Lữ Phương, giáo sư Phan Đình Diệu, nhà văn Dương Thu Hương… Phong trào trong nước có ảnh hưởng mạnh và được sự ủng hộ của ông Trần Xuân Bách, một thành viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam bị mất chức sau đó. Bên ngoài nước thì có Hội Người Việt Nam Tại Pháp – ủng hộ Hà Nội, với tờ báo Đoàn Kết (do các ông Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường, Trần Hải Hạc… điều hành), một tờ báo ôn hòa xây dựng và phê bình những thiếu sót trong việc quản trị đất nước, thảo luận đường hướng canh tân.
Những ngày tháng này, đầu năm 1990, một số thành viên chủ chốt của tờ Đoàn kết và một số bạn bè cùng ý hướng ở hải ngoại cũng soạn một bức TÂM THƯ Gửi Các Vị Lãnh Đạo Việt Nam Cùng Đồng Bào Trong Và Ngoài Nước Về Việc Cải Tổ Hệ Thống Chính Trị. Chú ý rằng chủ trương Tâm Thư là các anh báo Đoàn Kết chứ không phải là Hội Người Việt Nam Tại Pháp, điều này về sau tôi mới biết. Bác Hoàng Xuân Hãn không ký tên vào Tâm Thư.
Bác Hoàng Xuân Hãn là một Việt kiều tại Pháp được nhiều người Việt trong và ngoài nước kính trọng, yêu mến vì kiến thức rộng, cuộc đời tận tụy với công việc, tấm lòng với Tổ Quốc. Tới giờ nhiều người còn nhắc bác đã lãnh đạo việc chuyển đổi thành công nền giáo dục Việt Nam từ dùng tiếng Pháp sang dùng tiếng Việt trong thời gian ngắn ngủi làm Bộ trưởng bộ Giáo Dục trong chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945. Căn nhà đường Theophile Gautier, nơi bác ở, là chốn nhiều người Việt yêu thích văn học, sử học, và cả một số nhà chính trị, ghé thăm mỗi khi tới Paris.
Ngày hôm ấy tôi đang đọc sách trong phòng làm việc với bác Hoàng Xuân Hãn. Có người báo có khách. Bác Hãn đi ra khoảng 40-50 phút sau trở lại, nói các anh trong hội tới thăm bác. “Các anh Đoàn Kết nói bác ký Tâm Thư, nhưng bác không ký”. Các anh Đoàn Kết là các anh chủ trương báo Đoàn Kết.
Bác giải thích lý do:
“Các anh ấy có nhiệt huyết, có kiến thức, tính khí đang hăng hái, nghĩ rằng mình đúng, việc mình làm có lợi cho đất nước thì mình gây phong trào làm áp lực lên chính phủ Việt Nam. Các anh ấy không tính rằng chính phủ trong nước đang nới lỏng kiểm soát, cho dân chúng hưởng một số quyền tự do, nếu mình làm quá chính quyền vì e sợ sẽ siết lại, lúc đó quốc dân bên trong phải gánh chịu hậu quả. Mình ở ngoài nước có chịu gì đâu!”
Lúc đó tôi không hỏi các anh gồm những ai. Vài năm sau đó, khi muốn viết lại mới hối hận. Năm 2017 gặp anh Trần Hải Hạc, anh nói anh không tham gia buổi làm việc tại nhà bác Hãn. “Có lẽ có các anh Nguyễn Ngọc Giao, Bùi Mộng Hùng”, anh Hạc nhớ lại. Mồng 6 tháng giêng Tết Canh Tý năm nay (30/1/2020), tôi có dịp dùng cơm chiều thân mật với anh chị Nguyễn Ngọc Giao – Phạm Tư Thanh Thiện, những Việt kiều tại Pháp rất xông xáo nhiệt thành với đất nước từ hơn nửa thế kỷ trước, được nghe anh Nguyễn Ngọc Giao xác định anh cùng hai anh nữa là những người làm việc với bác Hãn năm ấy.
Anh Giao cũng cho biết thêm: “Sau cuộc gặp ở nhà bác Hãn, còn có nhiều cuộc điện thoại bác gọi cho tôi. Bác không ký Tâm Thư (trong khi hai người bạn vong niên của bác là ông Nguyễn Mạnh Hà và Phạm Ngọc Thuần đều ký) nhưng nói với tôi: Bác sẽ viết thư riêng cho các anh trong nước để giải thích ý nguyện của các cháu và anh em khi ký tâm thư, và mong rằng các anh ấy sẽ có thái độ thích đáng. “Các anh” ấy là hai ông Lê Đức Thọ và Phạm Văn Đồng. Khi nhận được hồi âm của hai vị ấy, bác Hãn có điện cho tôi và đọc toàn văn hai lá thư ngắn của họ, đại ý nói hiểu “ý đồ” của tâm thư, và sẽ xử sự một cách “hiểu biết””. Tuy nhiên, trong một thời gian khá lâu sau đó, anh Giao không được cấp visa trở về Việt Nam.
Hơn ba mươi năm trôi vèo. Nhớ ngày gặp các anh ở Paris, dù làm việc cho trường đại học, viện nghiên cứu Pháp, nhiều anh vẫn chỉ ở một căn hộ nhỏ, một cái tủ, một cái giường, một chiếc bản làm việc. “Để tiện, khi đất nước cần mình thu xếp trở về nhẹ nhàng!”. Nhớ bác Hãn cặm cụi bên chồng sách tài liệu về Việt Nam, bàn tay chậm chạp dò từng trang với chiếc kính phóng đại… Và nhớ cả căn biệt thự của bác tại Trouville bên bờ biển Manche, được bác đặt tên Pháp là Manoir d’Aubonne, tên Việt là Cam Tuyền Dã Thự. Khi dạo bước trên con đường trải đá mi xanh từ cổng vào, lá vàng chớm thu 1989 lượn bay, tôi hỏi bác có tính về Việt Nam không.
“Tôi không về đâu. Tôi không còn có ích lợi nữa. Nhiều bạn tôi mất rồi. Nhiều người trong dòng họ cũng vậy!”
Ngày 10 tháng 02 năm 2020