Ngày N+… (kỳ 1)

Hồi ký của Hoàng Khởi Phong

Ngày N+… là cuốn hồi ký của nhà văn Hoàng Khởi Phong viết về cuộc triệt thoái của quân lực Việt Nam Cộng hòa trước sức ép tiến công mạnh mẽ của quân đội Miền Bắc bắt đầu từ tháng 3 năm 1975. Hoàng Khởi Phong vốn là sĩ quan Quân cảnh, cấp bậc đại úy nhưng ông cũng còn là người cầm bút, với cái nhìn sắc sảo về bản chất cuộc xung đột vũ trang kéo dài suốt hai mươi năm giữa hai thể chế chính trị với hai hệ ý thức đối kháng nhau như nước với lửa.

Cuốn hồi ký được viết dưới dạng nhật ký, chia làm ba phần. Phần 1: “Pleiku – Tuy Hòa”. Phần 2: “Quy Nhơn – Phú Quốc”. Phần 3: “Sài Gòn – Subic Bay”.

Văn Việt trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm này với bạn đọc trong và ngoài nước.

Văn Việt

Thay lời tựa

Những năm bốn mươi… Những năm bâng khuâng nhất của đời người. Tuổi trẻ đã qua, đã chìm sâu trong những lớp sóng phế hưng 1954 – 1963 – 1968 – 1972 – 1975. Còn tuổi già, phải chờ thêm hai mươi năm nữa trong các xưởng máy, trong các dòng xe cộ không bao giờ dứt trên xứ người, trong các đống bill mỗi tháng, trong những lá thư vượt đại dương, trong sự biến khỏi đời sống của người thân, bằng hữu. Biến khỏi đời sống bởi những cái chết thật và chết… giả.

Có một lúc nào đó trong tuổi bốn mươi “nhi bất hoặc”, tôi chán tất cả mọi thứ, kể cả văn chương, chữ nghĩa. Đã có một thời tôi buông xuôi, sống như mọi sinh vật trên mặt đất. Đói ăn, khát uống, tối đi ngủ. Tôi sống như chết… giả. Những dòng chữ này xin chân thành gửi đến những người bạn kiên nhẫn chịu đựng, nhắc nhở, khích động, đánh thức, báo nguy cho sự suy sụp này. Quyển sách này và những quyển sau, nếu tôi không chết… giả lần nữa, xin là lời thành thực cảm ơn những người bạn đã lặng lẽ chia xẻ cùng tôi quãng đời bâng khuâng này: Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thiện Cơ, Phan Huy Đạt, Cao Xuân Huy, Phạm Bích Hoan, Hoàng Chính Nghĩa, Trịnh Đình Thắng, Nguyễn Văn Cường, Trần Lam Giang, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Bá Trạc…

Sau cùng một lời cảm ơn đặc biệt đối với Nguyễn Bá Hoan, người đã đánh thức tôi mạnh mẽ nhất trong cả hai lãnh vực văn chương và đời sống.

Phần 1

Pleiku – Tuy Hoà

Rời phòng họp Bộ Tư lệnh Quân đoàn II, tôi như ngợp trong một cơn địa chấn. Gió thổi tạt vào mặt toàn cát và bụi. Những ngọn cỏ hồng trong sân trực thăng của Bộ Tư lệnh ngã rạp về một phía. Tôi không còn tỉnh táo, không cất nổi tay chân, cả người bải hoải, chung quanh tôi mọi người vội vã. Họ là sĩ quan đơn vị trưởng các đơn vị biệt lập đồn trú trong thị xã Pleiku. Họ vừa cùng tôi tham dự phiên họp kinh hoàng này. Tôi cũng không muốn về nhà, mấy người bạn chắc giờ này vẫn xoa mạt chược. Kể từ hơn hai tháng nay, khi tôi phải thuyên chuyển khỏi Đà Lạt, vợ con tôi đã về Quy Nhơn với bên ngoại, tôi lên đây một mình tá túc cùng vài người bạn.

Mới bốn giờ chiều, nắng hôm nay cũng vàng màu bệnh hoạn. Giờ này chắc không còn ai ở ngoài Biển Hồ. Chắc không còn ai dưới chân pho tượng Quán Âm trên đỉnh đồi. Không, chắc hẳn thế nào cũng có vài người lưới tép với những chiếc xuồng được biến chế bằng móp của họ khuấy động khoảng nước xanh êm ả trên mặt hồ.

Không biết giờ này, những gì đã xảy đến cho thị xã Ban Mê Thuột. Sáu giờ sáng nay thị xã này hoàn toàn mất liên lạc với Bộ Tư lệnh Quân đoàn, sau khi đại tá Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh gởi bản tin chót về Quân đoàn, yêu cầu oanh tạc thẳng vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23. Ông vẫn còn kẹt lại trong đó. Một số các đơn vị đồn trú ngoài thị xã, và đám đông dân chúng thoát đi về phía Nha Trang, họ băng rừng. Tất cả các đường đều bị chặn, có lẽ giờ này họ ở đâu đó trong những khu rừng núi trùng điệp. Bản tin yêu cầu oanh tạc lên đầu của đại tá Quang được nhắc lại nhiều lần trước khi im hẳn.

Tôi hình dung ra thị trấn này. Đây là nơi mười năm trước tôi đã đến, đã ở lại đó. Đây là nơi tôi thực sự trưởng thành. Tôi nhớ rõ từng con đường, từng ngõ hẻm, từng quán ăn, rạp hát, từng tiệm sách. Đây là nơi có người yêu tôi và dĩ nhiên thiếu gì người ghét.

Bây giờ tôi bình yên ở đây, dưới chân pho tượng này, ngày kinh hoàng đã qua, đã chụp xuống thị trấn có một phần đời tôi trú ngụ. Tôi nhớ cái bàn giấy chỗ tôi ngồi làm việc phủ đầy bụi đỏ. Bởi tôi ký giấy tờ cho đơn vị ở mọi nơi, ở bàn bi-da, ở quán cà phê, ký ở nhà, ở ngoài phố. Thậm chí tôi còn ký giấy tờ cho đơn vị ở các cổng trường, chỗ tôi vẫn đậu xe mỗi buổi tan học, đó là chỗ những vạt áo dài trắng túa ra, tràn ngập thị xã buồn muôn thuở này. Từ bàn giấy đó qua khung cửa sổ, đằng sau là dãy nhà khu gia binh đơn vị. Tôi nhớ đến người hạ sĩ già làm tài xế cho tôi trong suốt hai năm trời không được lái xe, bởi lẽ tôi thích lái lấy. Ông ta chỉ có nhiệm vụ đổ xăng cho đầy mỗi buổi sáng, và tu bổ mỗi khi cần thiết. Tôi cầu mong ông ta có mặt giữa rừng giờ này. Rồi người lính phụ trách truyền tin, anh này chuyên sửa quần áo cho cả đơn vị, anh đã chết vào dịp Mậu Thân, vì một mảnh pháo ác nghiệt đã cắt tiện cái đầu rời ra khỏi cổ. Sau đó đơn vị lập cái miễu cho anh ta ngay kế ban quân xa. Bây giờ không biết những người lính cũ của tôi ai còn ai mất.

Tôi giật mình tỉnh dậy bởi những tiếng đạn pháo kích. Địch pháo vào phi trường, vào kho xăng chỉ vài trái rồi ngưng hẳn. Chỉ vài trái đủ làm dân quân tỉnh Pleiku này hoang mang, số đông sẽ mất ngủ tới sáng. Tin tức về Ban Mê Thuột đã lan tràn khắp nơi. Những trái pháo vu vơ đó quả là những trái đạn có tầm mức phá hủy cao. Nó làm cho nhiều người chết sững. Nó hủy hoại tinh thần ai yếu bóng vía. Trời đã quá nửa khuya. Trăng thượng tuần treo trên đỉnh những ngọn thông xao động bởi gió rừng. Men rượu hồi chiều làm tôi ngây ngất. Những binh sĩ lục đục bỏ hầm pháo kích vào ngủ lại. Tôi thấy không buồn ngủ. Sân doanh trại tự nhiên rộng hẳn ra. Một người lính già đốt lửa bằng lá thông vun lại trong góc lô cốt, ngay tại chỗ ông ta đang gác. Tàn lửa bay cao, tản ra như một bễ than lò rèn. Bóng ông ta hắt lung linh trên lô cốt tạo thành những hình thù kỳ lạ. Tôi trở về phòng, vô tình với tay lên kệ sách đầu giường và lấy được quyển truyện Một thời để yêu và một thời để chết của Remarque.

*

Ngày N – 4, 7 giờ sáng

Tin tức về Ban Mê Thuột mỗi lúc mỗi tuyệt vọng. Liên đoàn Biệt động quân, đơn vị được chỉ định tái chiếm vùng đất đã mất bị chặn đánh tan, khi còn cách thị xã hai mươi cây số. Bây giờ tin tức không còn là mật nữa, ở ngoài phố, ngoài chợ, trong các tiệm cà phê, quán hủ tiếu, đâu đâu người ta cũng nghe những tin tức khác lạ về thành phố đã mất.

Bỗng nhiên sinh hoạt trong thị xã nhộn nhịp hẳn lên. Khu chợ trời hình như họp dài thêm ra, nó không còn lẩn quẩn trước rạp xi nê Diệp Kính và khách sạn Thống Nhất. Khắp nơi người ta khuân đồ ra bán, trong khi các tiệm buôn lớn lại đóng cửa im lìm.

*

Ngày N – 3, 6 giờ sáng

Sáng nay tôi thấy mình đứng ở cổng đơn vị cũ: đồn Quân cảnh Pleiku. Tôi leo lên ngồi trên lô cốt ngay cạnh cổng chính của đồn. Chính cái cổng này, và cái sân trải đá của đồn Quân cảnh Pleiku là di tích của tôi ba năm về trước. Dạo đó tôi và Thiếu úy Vũ Văn Oanh, người sĩ quan phụ tá của tôi cùng đáo nhậm đơn vị một lượt. Tôi cảm thấy thiếu thoải mái khi phải sử dụng chung một cổng chính với Tiểu Đoàn 2 Quân cảnh. Nhân tiện thấy Oanh là một sĩ quan ngoại giao giỏi, tôi giao cho gã nhiệm vụ này. Vài tuần lễ sau Oanh đã biến đồn Quân cảnh Pleiku thành một đơn vị sáng sủa, với một cổng đá có đắp nổi phù hiệu binh chủng, có cổng ngách dành cho người đi bộ, và trải nhựa cái sân đất đỏ đầy bùn trong mùa mưa. Một bức tường thấp ngăn đơn vị tôi tách biệt hẳn với Bộ chỉ huy Quân cảnh Quân khu. Dĩ nhiên đơn vị tôi vẫn trực thuộc Tiểu đoàn 2 Quân cảnh. Nhưng tôi cũng có một khoảng nhỏ riêng tư trong tiểu đoàn, ít nhất cũng có vẻ một đơn vị biệt lập.

Dạo đó tôi chưa lập gia đình nên ở luôn trong đơn vị, từ khi có cổng riêng, và một lô cốt nổi ở góc sân đồn, dưới một cội thông già, mỗi sáng giờ đi học, mỗi chiều giờ tan học, tôi hay lên vọng gác đặt ở lô cốt, và phải trèo một cái thang khoảng chừng mười bậc. Ở trên cao này, tôi nhìn được suốt con đường đi ngang cổng đơn vị, con đường này là con đường chính để dẫn tới trường nữ trung học Pleime, và trường trung học tỉnh hạt Trần Quốc Tuấn. Buổi sáng nào cũng thế, tôi hút tẩu thuốc đầu tiên trong ngày ở đó. Vào những buổi sáng mùa đông, màn sương mỏng giới hạn tầm nhìn, tôi nghe tiếng cười đùa ríu rít, tiếng người nói lao xao trước khi nhận rõ mặt người, trước khi nhận ra rõ những vạt áo dài trắng tinh khiết lướt qua dưới chân tôi. Tôi làm đơn vị trưởng này gần ba năm, thấy họ lớn dần, từ những cô gái nhỏ, đẹp tự nhiên không son phấn, đến lúc họ lớn dần, biết chọn những màu áo, kiểu quần, rồi lớn hẳn, rồi hòa nhập vào cái thị xã của quân đội này. Rất ít người tiếp tục học, bởi lẽ cái thời giá của những năm 70, 71, 72 đó, một sinh viên trọ học ở xa phải tốn chừng mười ngàn một tháng. Ngoại trừ con nhà giàu có, quyền thế, phần lớn họ ngừng lại ở ngưỡng cửa đại học, nhập vào với đời sống đầy bất trắc của một thành phố lớn mạnh bởi chiến tranh.

Sáng nay, ngày N – 3 của cuộc di tản bi thảm, đứng ở vị trí cũ tôi không còn nghe được tiếng nói lao xao, không thấy những tà áo cũ. Chỉ có tiếng ríu rít của bầy chim sà xuống, bay lên, trong cái sân mênh mông của chùa Phật giáo Quân đội, sát bên cạnh đồn Quân cảnh.

Ngày như đọng lại trên pho tượng Phật đứng chơ vơ giữa sân chùa.

*

Ngày N – 3, 10 giờ sáng

Trung tá Trần Đình Kha, Chỉ huy trưởng của tôi đi họp quân đoàn về, ra lệnh triệu tập ngay một cuộc họp đơn vị trực thuộc. Cuộc họp ngắn ngủi: Bộ tư lệnh Quân đoàn sẽ dời về Nha Trang, các bộ phận chính di tản bằng phương tiện hàng không do Sư đoàn 6 Không quân đảm nhiệm, quân dụng nặng di tản bằng đường bộ. Các đơn vị phụ thuộc tự sắp xếp sửa soạn xuống sau. Các đơn vị trú phòng giữ nguyên vị trí. Ông chỉ thị cho các phòng ban của Tiểu đoàn 2 Quân cảnh sửa soạn di tản. Các đơn vị như đồn Quân cảnh Pleiku, Đại đội 122 Quân cảnh Điều tra Tư pháp, và Tiểu đội Quân cảnh Điều tra Tư pháp Pleiku ở lại. Riêng đồn Quân cảnh Pleiku tăng phái hoạt động ở phi trường. Bây giờ tôi là một sĩ quan ngồi chơi xơi nước, sau ba năm trưởng đồn Pleiku, hai năm trưởng đồn Đà Lạt. Phần tôi quá dễ.

*

Ngày N – 3, 2 giờ chiều

Tất cả các sòng mạt chược thường trực như nhà tướng Cẩm Tư lệnh phó Quân đoàn, tướng Tường Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, đại tá Nhu tân tỉnh trưởng, đại tá Sáng An ninh Quân đội, trung tá Hoàn Chiến tranh Chính trị, trung tá Lễ phòng Xã hội, cũng như tại nhà ông Biện lý, ông Dự thẩm đều thiếu tay chơi. Lý do là các bà vợ đã di tản, các tay thường trực hoặc bận công vụ, hoặc đã biến như một số các Tu bíp và các thầy cãi.

Đột nhiên tôi nổi giận, đột nhiên tôi hiểu tại sao Ban Mê Thuột mất, và số phận của Pleiku cũng lung linh như ngọn đèn trước gió.

*

Ngày N – 3, 4 giờ chiều

Phi trường Cù Hanh đầy nghẹt người. Dân chúng bị chặn lại đứng dọc theo cổng phi trường, tràn ra cả khu vực buôn bán do Sư đoàn 6 Không quân thực hiện. Chúng tôi phải tăng cường nhân viên an ninh tại cổng phi truờng, tại các sân đậu phi cơ để kiểm soát người ra vào, cũng như hành khách lên phi cơ quân sự. Cảnh hỗn độn năm 1972, mùa hè đỏ lửa tái diễn. Giữa đám đông lo âu, áo quần nhàu nát, tôi bắt gặp những mái tóc làm kỹ, quần áo chưng diện của một số các phu nhân cấp lớn, vài sĩ quan tùy viên chạy lăng xăng. Tôi bắt gặp một số các em chiêu đãi của hội quán sĩ quan Phượng Hoàng, một số điếm cũng chưng diện và cũng có mặt trong danh sách ưu tiên di tản. Giữa những đám hành lý ọp ẹp của gia đình quân nhân là những bộ salon, những đồ gỗ quý được tháo rời ra và bọc trong những bao cát mới nguyên. Đột nhiên tôi nghẹt thở như bị ai đánh một chùy thật mạnh vào ngực. Tôi bỏ phi trường, giao nhiệm vụ cho thượng sĩ Hội thuộc đồn Quân cảnh Pleiku thay mặt tôi trực tiếp chỉ huy tổng quát đám quân nhân tăng phái. Tôi lái xe về tỉnh. Trên đường về, tạt qua nhà Kim Tuấn định rủ anh đi uống cà phê, nhưng cửa đóng im lìm.

*

Ngày N – 3, 5 giờ chiều

Chiều nay rảnh, tôi lái xe lang thang khắp tỉnh. Từ trung tâm thị xã tới các con phố vắng. Thành phố như một con bệnh hấp hối.

Rồi quen đường cũ, tôi lái xe về phía quận Lệ Trung. Quốc lộ 19 bị đứt từ hơn tháng nay, con đường hầu như không có xe đò qua lại. Nắng chói chang trên mặt nhựa. Bây giờ là mùa xuân, những đồi cỏ chung quanh thị xã rực lên một màu xanh, gió thổi những hàng lau ngã rạp, nhấp nhô như ngọn sóng. Con đường này tôi qua lại mỗi chiều, hầu như suốt hai năm liền, không ngày nào tôi không đi, trừ những ngày đặc biệt. Dạo Ngô Văn Đinh Hợi còn ở đây, mỗi chiều trên chiếc xe bỏ mui, Hợi, Kim Tuấn, Thái Tăng An và tôi thường đi hết đoạn đường này. Bắt đầu từ cổng quân đoàn chúng tôi rẽ phải khi tới cầu số 3, rồi tiếp tục đi hết con đường vòng quanh thị xã do công binh Mỹ thiết lập, để quay trở về từ phía bắc của quận Lệ Trung. Hôm nay, lòng đường trống trải, trên xe chỉ có mình tôi. An và Tuấn còn ở đây nhưng mỗi người đã có những bận bịu riêng của họ. Hôm nay quả tình tôi mới thấy lửa đốt đồng thật đẹp.

*

Ngày N – 2, 7 giờ sáng

Chuông điện thoại reo hai ba lần mà không thấy trung sĩ nhất Bài, hạ sĩ quan trực nghe, tôi bước lại nhấc máy. Đầu dây bên kia là sĩ quan trực cấp tá của Quân đoàn. Ông yêu cầu tôi cho binh sĩ túc trực ở phi trường quân sự và dân sự, chặn tất cả các sĩ quan di chuyển lẻ tẻ, thu hồi giấy phép và sự vụ lệnh.

Ông nhấn mạnh một điều đặc biệt là phải giữ lại các y sĩ của Quân y viện Pleiku và của Liên đoàn 72 Quân y. Ông cho biết nhiều thương binh đã chết vì thiếu máu, thiếu y sĩ trị liệu, v.v.

*

Ngày N, 6 giờ sáng

Sáng nay tôi dậy sớm, cả đêm qua trằn trọc, chỉ chợp mắt được những giấc ngắn, đầy cơn mê sảng và đầy mộng mi. Giấc ngủ bị cắt quãng bởi những trái đại bác bắn đi, bởi những tiếng kẻng đổi gác chung quanh hàng rào phòng thủ. Mỗi lần thức dậy tôi đều thấy qua cửa sổ, thỉnh thoảng những trái hỏa châu lướt nhanh trên nền trời tối thẫm. Gần sáng không thể ngủ lại, vọng từ các phòng sĩ quan bên cạnh, những tiếng lách cách vang lên trong đêm tối, chắc hẳn họ đang dọn đồ đạc và vật dụng cá nhân. Chắc hẳn họ đang phân vân không biết mang đi những gì và thương tiếc những gì phải bỏ lại. Đêm qua yên tĩnh, cái yên tĩnh ngột ngạt của bầu không khí sắp sửa nổ tung vì bão tố. Tôi ngồi dậy, trời hãy còn lờ mờ tối, nhìn quanh phòng, hành lý đã gọn. Bây giờ hành lý của tôi nhẹ nhàng đến thế ư, nó vỏn vẹn trong một cái ba lô dày: hai bộ quân phục, một bộ thường phục, những túi nhỏ ngang hông, lót xung quanh ba lô là những sách vở cần thiết. Thật ra chỉ là những cuốn sách tặng của bạn bè tôi, một tập bản thảo và một quyển sách hay mới mua để đọc dọc đường.

Thật không ngờ tôi đã đi qua mười hai năm quân đội. Hồi tưởng lại ngày nào mới bước chân vào quân trường Thủ Đức, thoáng đó đã mười hai năm qua đi, mười hai năm phí hoài tuổi trẻ, đời sống bị cắt rời ra từng mảng vương vãi đó đây. Từ những thành phố địa đầu tới vùng đồng bằng sông Cửu, từ thị trấn cao nguyên tới vùng duyên hải, đống quân trang đầy ắp của ngày mãn khóa buông vãi ở khắp nơi, đám hành lý cứ vơi dần, trong khi nỗi buồn mỗi ngày mỗi nặng, mỗi đè nghiệt ngã trên vai.

Bây giờ là sáu giờ sáng của ngày 16-3-1975. Một buổi sáng thứ bảy đẹp, trời trong xanh, những đám mây trắng nõn như bông bay là là trên đỉnh núi xa xa phương Bắc. Tôi mở cửa bước ra ngoài, gió thổi nhẹ, những cọng lá thông khô rơi lả tả trên thềm, mặt trời chưa lên nhưng đã tỏ mặt người. Có tiếng chim bồ câu gù từ cái chuồng chim của nhà đại úy Bách, người bạn cùng khóa 15 Thủ Đức, thuộc Tiểu đoàn Truyền tin Quân đoàn 2. Đột nhiên tôi liên tưởng đến giọng chim quen thuộc này. Hình như trong suốt đời tôi chưa hề thấy một con chim bồ câu nào gầy. Dù là bồ câu nuôi ở nhà, trong các công viên thành phố hay đồng loại của chúng, những con cu đất, cu gáy nhởn nhơ ngoài đồng nội, bầu diều của chúng thường nở phình ra, và âm thanh tắt nghẽn trong cái bầu diều đó. Ngay cả những con chim cu gáy, cái tiếng gáy buồn thảm vọng xa trong các buổi trưa hè của thời thơ ấu ngày nào còn vẳng bên tai, còn cái tiếng gù gù của những con chim bồ câu nuôi chật hẹp trong các chuồng sơn lòe loẹt càng phát nản. Âm thanh như một nỗi bực tức. Tôi không hiểu tại sao con người lại coi chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình? Bởi hình dáng, bởi đôi cánh, dù bởi gì chăng nữa, tôi dám quả quyết không phải bởi âm thanh của nó. Cái âm thanh này chắc chắn chỉ làm hòa bình bay xa, và bởi lẽ đó, trên trái đất này có lúc nào ngơi tiếng súng. Những điểm nóng đó đây trên thế giới đang đe dọa sự an bình của con người.

*

Ngày N, 7 giờ sáng

Chia tay cùng Thái Tăng An và Nguyễn Phước ở Câu lạc bộ của Tiểu đoàn 20 Chiến tranh Chính trị, tôi lái xe ngang cổng sau của Bộ Tư lệnh Quân đoàn, ghé thăm mấy người bạn trong Trung tâm Hành quân để biết rõ hơn về tình hình, tôi không thể ngờ được với tình hình đó mà cả Bộ Tư lệnh Quân đoàn vắng hoe.

Căn nhà lầu thênh thang trên đỉnh đồi là nơi phác họa, sắp đặt bao nhiêu cuộc hành quân trong suốt mười năm sau cùng của trận chiến, nơi những kẻ quyền uy khệnh khạng ra vào, nơi những sĩ quan áo quần thẳng nếp, huy chương đầy ngực, lúc nào cũng nghiêm trọng. Bây giờ họ ở đâu, cái hành lang sâu thẳm đột nhiên như dài vô tận.

Ra về bằng cổng trước của Bộ Tư lệnh, tôi bắt gặp trên đường chính một đoàn Thiếu sinh quân, với nón đỏ, cầu vai có ngù đỏ, quần áo trắng tinh, đi đều bước với đội hình diễn binh. Hàng đầu là những em nhỏ mười, mười một tuổi, cao dần, cao dần cho đến hàng sau cùng là những em sắp sửa ra trường. Khoảng chừng hơn một đại đội, không hiểu đám Thiếu sinh quân này đi làm hàng rào danh dự để đón ai tại phi trường? Có lẽ các xe GMC sửa soạn di chuyển nên các em phải đi bộ. Giờ này còn đưa với đón, dàn chào với lễ nghi quân cách. Bỗng nhiên tôi đau thắt ruột.

*

Ngày N, 9 giờ sáng

Đột nhiên thành phố như nổ tung ra, khắp nơi tiếng động vang lên, người chạy nhốn nháo, xe cộ ngược xuôi. Từ khắp nơi người ta đổ dồn về thành phố, sau những im lặng ngột ngạt, sau những chờ đợi nặng nề, khắp nơi người ta túa ra đường, quân xa và dân xa lẫn lộn, xe lớn, xe nhỏ, ba bánh, hai bánh. Lính đầy trên các xe be, dân đầy trên các quân xa, thành phố như một cái phễu xe khổng lồ, tất cả đổ dồn vào điểm tập trung đoàn xe phía Bắc thành phố. Bây giờ thì đã có lệnh chính xác. Người ta quyết định bỏ Pleiku, triệt thoái quân đội về miền duyên hải. Con đường được chọn là Liên Tỉnh lộ 7.

Như bầy ong vỡ tổ, như những con chim bị nạn cháy rừng, người ta hốt hoảng gọi nhau, hò hét, hầu như mọi nhà đều mở cửa, người lớn khênh ra đường những gì có thể khênh, trẻ con xách trên tay những gì có thể xách. Xe cộ đậu ngổn ngang trên mọi ngả đường.

Tôi đứng trên lô cốt mọi ngày. Sở 2 An ninh trước mặt, khu gia binh Tiểu đoàn Truyền tin bên tay trái, bên phải là sở 2 Tuyên úy Phật giáo và nhà Bảo sanh Quân đoàn. Nhộn nhịp chưa từng thấy, người ta chất đồ lên xe, những chiếc xe chất nặng tưởng như đây là lần hữu dụng cuối cùng. Máy xe phun khói khắp nơi, người ta như thiếu không khí để thở. Đây là cuộc triệt thoái kỳ lạ, chỉ có một lệnh vỏn vẹn: sử dụng Liên Tỉnh lộ 7 để về Tuy Hoà. Dĩ nhiên về phía quân đội, các đơn vị trưởng có thể lo liệu cho đơn vị của họ một cách tương đối, về phía những người dân của thị xã này, rõ ràng họ hành động như trong một cơn mê sảng. Tôi đứng ngoài cơn mê sảng này. Nắng đã lên cao, từ lô cốt của đơn vị, qua cái sân mông mênh của Chùa Phật giáo Quân đội, tôi thấy xóm nhà tôn trên con đường dẫn vào cư xá sĩ quan Trần Quý Cáp im lìm, nhưng hình như những cửa sau đều mở, tất cả chỉ còn những cái xác nhà vô hồn.

Bây giờ là mười giờ sáng. Tiểu đoàn tôi đã sẵn sàng, đoàn xe đậu quay về hướng cổng chính. Tôi đảo qua các phòng, mười năm trước, khi còn là thiếu úy tôi đã một lần ghé đơn vị này. Dạo đó gần Tết năm 1965, tôi thuyên chuyển tới đây vì lý do kỷ luật. Tiểu đoàn này mới thành lập, các phòng thông nhau, buồi chiều tiểu đoàn trưởng về sớm, binh sĩ các phòng kê lại bàn ghế châu đầu vào các sòng bài, mỗi ban hầu như có một sòng. Đủ loại, phé, xập xám, domino… Sĩ quan cũng tham dự tận tình. Thực ra đánh bài sau giờ làm việc cũng chẳng có gì là xấu, chỉ xấu một điều là đơn vị tôi đặc trách kỷ luật cho cả một quân đoàn, các toán tuần tiễu của chúng tôi dẹp các sòng bầu cua, tài xỉu, đuổi binh sĩ, dân chúng chạy tứ tung như đàn vịt xong rồi quay về cũng lại rúc đầu vào các sòng bài, có người quên ăn. Tôi chỉ ghé đây ít ngày chờ đi Ban Mê Thuột nhận trách nhiệm mới. Năm đó tôi đã đến Ban Mê Thuột với đúng mười đồng trong túi.

Hôm nay, sau mười năm thành lập đơn vị, tôi đã đi đủ nơi, và trở về với lòng buồn thảm. Nhà xây thêm, phòng đẹp ra, đơn vị quy củ và khang trang. Bây giờ tôi sắp rời vĩnh viễn, lòng như chùng lại. Chỗ này đây, năm 1970, tôi đã chỉ huy một đơn vị nhỏ, chỗ này đây hầu như đã rửa mặt cho tôi sau nhiều năm lận đận bị chỉ huy bởi các sĩ quan chẳng ra gì. Chỗ này đây tôi rong chơi với bằng hữu: Kim Tuấn, Thái Tăng An, Ngô Văn Đinh Hợi, Nguyễn Bắc Sơn, Thế Vũ, Cam Nhị Thu, v.v.

Những kẻ ở xa đến chơi ít ngày cho thỏa máu giang hồ vặt: Vũ Hữu Đinh, Phan Lạc Giang Đông, v.v. Và những học trò của tôi, những học trò nghèo của trường công lập tỉnh hạt, đi về sáng chiều, thỉnh thoảng cười khúc khích khi đi ngang lô cốt, chỗ tôi vẫn đứng hút tẩu thuốc đầu ngày.

Ngày N, 12 giờ trưa

Thị xã Pleiku mỗi lúc một khuất sau lưng, trời nắng gay gắt, đoàn xe như một con rắn khổng lồ, bò chậm chạp trên mặt lộ bóng nhẫy. Đột nhiên phía trước mặt chừng non cây số, một đám người thấp thoáng. Từ xa tôi biết chắc đây là đám Thiếu sinh quân đã gặp buổi sáng lúc ra khỏi cổng Quân đoàn, vẫn nón đỏ trên đầu quần soóc dưới chân, đa số đều đã cởi trần, các em đã di hành lần cuối trong bộ quân phục đi phép đó, những vạt áo ka ki trắng vắt vai. Tôi giận run người, tôi ao ước được thấy ngay bây giờ những kẻ có trách nhiệm với các em – ông trung tá Phan Như Hiên, kẻ đã làm chỉ huy trưởng trường Bộ binh Thủ Đức lúc trường này còn là Liên trường Võ khoa, kẻ đã đến khám phòng tôi mười hai năm về trước khi tôi còn là một sinh viên sĩ quan, đại úy Phú, tiểu đoàn trưởng của các em đâu? Trước đây ông này cũng là một Thiếu sinh quân Vũng Tàu, ông ta có thể ngoảnh mặt với cái quá khứ của mình một cách bình thản thế ư? Các sĩ quan của trường đâu, họ đã dạy dỗ các em thế nào về nhiệm vụ của người lính, họ đã dẫn dắt các em như thế nào trong quân ngũ, bây giờ họ đâu cả rồi? Họ biến đi đâu hết cả?

Sáng nay tôi gặp các em lúc bảy giờ rưỡi, bây giờ là mười hai giờ, các em đã vượt hai mươi cây số trong khoảng thời gian đó. Đa số các em đều là con cháu các quân nhân sắc tộc thiểu số đã hy sinh cho miền Nam này. Các em là dòng dõi của các sắc dân Mường, Mán… vùng Thượng du Bắc Việt, Radhe, Bahnar, Stieng vùng Cao nguyên Trung phần… Trong khoảng vài giờ đồng hồ vừa qua, các em đã bước đi sắt đá trên con đường bội phản. Các em đã làm chính tôi phải xấu hổ. Ở địa vị tôi là một em lớn trong số các em, chắc chắn tôi không có được sự bình tĩnh đó. Thế mà các em đã tập họp lại, vài em lớn dẫn dắt các em nhỏ, đùm bọc nhau, bình thản lên đường.

Tôi bảo người tài xế bỏ đội hình hàng xe, vượt lên trên các em một quãng, đích thân tôi đeo cái băng quân cảnh hành sự trên cánh tay, cùng với hai người lính giúp sức chặn đoàn xe lại. Tôi chia nhỏ các em mỗi toán năm bảy em, có một em tương đối lớn, và dồn các em lên bất cứ xe nào còn trống. Tôi vẫn đọc quyển sách, mắt vẫn mở, mà hình như tôi không biết sách viết gì, gấp sách lại tôi cố dỗ một giấc ngủ. Nắng vẫn gay gắt trên đầu.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.