Những khoảng tối có ma (kỳ 1)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện

Ở Việt Nam quốc nội, Nguyễn Viện là một trong số ít nhà văn, nếu không nói là duy nhất, có nhiều tiểu thuyết thành công viết theo khuynh hướng Hậu hiện đại. Năm 2018, nhà xuất bản “Tiếng Quê Hương”, Hoa Kỳ in cuốn “Ma và người” gồm ba truyện “Lông và sừng”, “Sinh ra từ trứng” và “Nẻo ma về”, có bài giới thiệu của nhà văn hải ngoại Uyên Thao “Nguyễn Viện với “Ma và người” gây ấn tượng mạnh đến công chúng bạn đọc.

Năm 2018, Nguyễn Viện lại hoàn thành cuốn truyện “Những khoảng tối có ma”, một văn phẩm Hậu hiện đại chính hiệu, viết về thế giới của loài ma quỷ đang ký sinh vào thế giới con người. Cộng đồng âm binh này rất đông đảo, với nhiều thành phần xã hội phức tạp, phát triển trên nền một học thuyết quái đản nhưng được thừa nhận là chính danh nên dần dà chúng biến con người thành ma quỷ.

Nhân vật “tôi” hiện diện như một chứng nhân lịch sử xuyên suốt tác phẩm qua con mắt chiêm nghiệm, thậm chí còn tham gia tích cực vào những trò chơi của đám ma quỷ mà Mr. Thời Vụ là một điển hình. Mr. Thời Vụ là gã lưu manh, cơ hội nửa người nửa ma, là hiện thận bằng xương bằng thịt của thứ triết lý ba rọi vốn là sản phẩm của những đầu óc hoang tưởng, bệnh hoạn.

Có thể nói, tất cả tiểu thuyết của Nguyễn Viện đều ngắn, từ một vài chục trang đến trên dưới trăm trang nhưng cuốn nào cũng có sức nặng đem đến cho người đọc những thông điệp lớn có liên quan đến cách nhìn nhận thế giới hiện tại mà con người đang sống. Cấu trúc tiểu thuyết Hậu hiện đại của Nguyễn Viện khác với loại hình tiểu thuyết Sử thi trong dòng văn học Hiện thực ở chỗ, nhà văn không coi trọng các đại tự sự, không thiết lập trung tâm mà luôn có xu hưởng đẩy các trung tâm ra vùng ngoại biên đồng thời rất chú trọng các thao tác “giải cấu trúc”. Đi tìm “trung tâm” trong “Những khoảng tối có ma” là không thể. Ta có thể tìm thấy Mr. Thời Vụ hay nàng họa sĩ sắp đặt, nhân tình của gã cũng như cô gái bán vé số, cùng lúc vừa ở một “trung tâm” nào đó, thoắt cái đã bị đẩy ra vùng ngoại biên để nhường chỗ cho cuộc làm tình nóng bỏng giữa “tôi” và “nàng” cùng với loại ngôn ngữ “sinh thực khí” vốn rất sinh động, gợi cảm nhưng lại bị bọn ma quỷ làm hỏng dưới dạng uyển ngữ.

Nếu như cấu trúc tiểu thuyết của Nguyễn Viện hoàn toàn tùy hứng, không phụ thuộc vào bất cứ hệ lý thuyết văn học nào, luôn gây cho người đọc những cú sốc phản vệ, thì ngôn ngữ Nguyễn Viện cực kỳ sinh động, chuẩn mực. Đó là thứ ngôn ngữ hàn lâm kết hợp với ngôn ngữ vỉa hè, đường phố ở đẳng cấp thượng thặng. Nó vừa lấp lánh trí tuệ của ngôn ngữ triết học hiện sinh thế kỷ XX của Albert Camus, Jean Paul Sartre, vừa là ngôn ngữ tục tĩu của đám gái điếm Sài Gòn ế hàng hay cánh thợ thuyền vừa tan ca ngồi nhậu trong quán cóc.

Tiểu thuyết Nguyễn Viện nói chung và “Những khoảng tối có ma”, nói riêng, cho dù viết theo khuynh hướng nào thì cũng là những bức tranh phản ánh trực tiếp hay gián tiếp xã hội đương đại Việt Nam ở vào giai đoạn mạt kỳ với vô vàn hệ lụy. ..

Văn Việt xin trân trọng giới thiệu toàn văn “Những khoảng tối có ma” với bạn đọc.

VĂN VIỆT

Một gã râu xồm đi ngang trước mặt, đầy mùi cứt chó. Choàng tỉnh giữa lúc vừa ngủ gật, tôi vội gọi giật, “Ông kia, trả lại tôi cái chữ”.

Hắn đứng lại. Một tay sờ râu, một tay vẫn còn trong túi quần, hắn nhìn tôi, “Mày bảo cái gì?”

Tôi nhắc lại, “Trả tôi cái chữ”.

Hắn nhìn tôi từ đầu xuống chân, “À, tao biết rồi, mày về nhà hỏi mẹ mày nhé”.

Tôi bảo, “Mẹ tôi chết rồi”.

“Thế thì hỏi bố mày đi”. Hắn nói.

Tôi bảo, “Bố tôi cũng chết rồi”.

Hắn ra chiều ái ngại, “Thế thì chắc chắn con mẹ hàng xóm nó lấy của mày”.

Tôi bắt đầu nghi ngờ thằng đểu giả này, “Tôi không có hàng xóm”. Nhưng dẫu sao, tôi cũng phải cám ơn sự kiên nhẫn của hắn.

Hắn hỏi lại, “Thế mày nghĩ tao là ai?”

Tôi trả lời không đắn đo, “Ông là chủ tịch, ông vĩ đại, đừng dối gạt tôi”.

Thằng cha được gọi là chủ tịch và vĩ đại cười ha hả. Nhìn hắn, tôi cũng buồn cười. Tôi cười theo. Mấy con chó vẫn ỉa trong công viên ngơ ngác đứng ngó.

Gã râu xồm ngồi xuống một đầu ghế, đốt điếu thuốc.

Tôi bảo, “Ông lấy của tôi làm gì mấy thứ đó. Nó có đáng gì đâu”.

Hắn nhả khói, “Nếu mày muốn tìm nó, cái thứ chẳng đáng gì ấy, cứ đi theo tao”.

Nói xong, hắn bỏ đi. Nhưng tôi đâu có ngu, tại sao tôi lại phải đi theo hắn, cho dù hắn là chủ tịch hay vĩ đại?

Khi hắn đã đi khuất, tôi vẫn lầm bầm, “Toàn bọn chó đẻ”.

Tối qua, tôi ngồi cà phê với hai ông bạn họa sĩ trên một bờ sông, sau khi đã nhậu hết mấy chai bia, nửa con vịt nấu chao và một đĩa heo ba rọi nướng riềng mẻ, ở một quán khác. Một ông họa sĩ vừa có cuộc triển lãm tranh, Bảo tàng Mỹ thuật mua ba bức, mọi chuyện dễ dàng ngoại trừ một chi tiết chẳng biết khóc hay nên cười, anh đành cho qua như một cái tắc lưỡi. Họ yêu cầu anh đổi cái tựa “Ra khỏi bóng tối” của một bức tranh. Các quan chức mua tranh bảo, “Ông muốn ra khỏi cái gì cũng được, nhưng chúng tôi thì không thể “ra khỏi bóng tối”, mong ông thông cảm”.

Người bạn họa sĩ vì cần tiền, nói “Thế thì quí ông muốn ra khỏi cái gì thì ra, tôi đã ra khỏi bóng tối rồi, tôi không quan tâm nữa”.

Vì thế, trong hợp đồng mua bán, tựa bức tranh được sửa lại là “Ra khỏi nỗi buồn”.

Kể câu chuyện xong, người bạn tợp miếng nước trà, không bàn luận gì thêm. Nhưng tôi ngứa mồm, bảo “Nếu là tôi thì tôi sẽ thay tên cho bức tranh là “Ra khỏi cái lồn”, tuy cũng nhạy cảm nhưng phi chính trị. Nghe vừa sướng vừa an toàn”. Giống như đeo bao cao su.

Không ai phụ họa hay cười cợt, bởi vì ai cũng biết đấy là một câu nói đùa thiếu hiểu biết, ở đất nước này, trong văn chương hay nghệ thuật lưu trữ của nhà nước “cái lồn” không tồn tại, cho dù đó là phần không thể thiếu của cuộc sống.

Nhớ lại câu chuyện này, tôi tự hỏi, tôi đã đánh mất chữ gì? Cái lồn à? Không phải, cái lồn có phải của tôi đâu. Tự do à? Cũng không phải, vì tự do hay không là một ý thức hay trạng thái nội tại. Bản thể hay chữ “OM” thần thánh? Ồ, đấy là điều tôi không quan tâm. Quả thực, tôi không thể nhớ mình đã mất chữ gì, ở đâu, khi nào. Nếu không có nó tôi chết mất. Vì thế, gặp ai tôi cũng muốn hỏi như hỏi thượng đế, “Sao ông ăn cắp chữ của tôi?”

Cũng ở bờ sông, sáng nay, tôi hỏi một ông nhạc sĩ, vốn có vài ca khúc được in trong một tuyển tập thơ văn nhạc họa của phong trào sinh viên tranh đấu trước 1975, “Ông theo cách mạng từ bao giờ?”

Ông nhạc sĩ cảm thấy nhột sao đó, bảo “Tôi chưa làm Việt cộng ngày nào”.

“Ủa, thế hồi đó tụi nó hát bài của ông trong mấy cái giảng đường đại học là sao?” Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

Ổng nói, “Cũng tại bạn tôi, nó thấy hợp với phong trào tranh đấu thì cho anh em hát thôi”.

Thì ra, một con người cách mạng tình cờ.

Tôi lại hỏi, “Thế ông không cảm thấy bị đánh cắp à?”

Ổng cười trừ. May mà ông bị đánh cắp, đời ông không sang chảnh, nhưng cũng thập phần bội hậu ơn cách mạng, ơn đảng.

“Người bạn khác của tôi ở quê đã bị một thằng cha bên hội nhạc sĩ ngang nhiên chiếm đoạt một ca khúc bằng cách tự xưng mình là tác giả”. Ổng kể tiếp, “Thằng bạn tôi cũng chưa từng đi làm cách mạng ngày nào. Nhưng, nó cũng là người bị cướp công”.

Tôi vẫn nhớ cảm giác sởn người khi nghe những ca khúc tranh đấu được hát liến láu theo âm ngữ Trung Hoa vĩ đại vang vọng trên hành lang đại học. Cho đến giờ này, sau gần nửa thế kỷ, cuộc chiến tranh tương tàn và có màu sắc thời thượng của ý thức hệ, chủ nghĩa kết thúc, tôi chắc chắn rằng, không mấy người đã nhận ra mình bị đánh cắp. Cuộc sống vốn mập mờ, đứng trước những thách thức của lương tâm, con người thường né tránh tự vấn và coi sự tự vấn như một điều không cần thiết, để tiếp tục an cư trong mập mờ về chính sử lịch của mình. Sự mập mờ ấy giúp người ta thoải mái sống hai mặt, thỏa hiệp với cái ác và trâng tráo “nhân văn”.

Ở giữa dòng sông, một cái phà lớn chở đá đang xoay vòng. Mặt nước êm ả và không khí dịu ngọt. Người bán vé số tới chào. Tôi mua hai tấm. Người bạn cũng mua. Tôi hỏi người bán vé số, “Ông có thấy thằng cha râu xồm, mặc áo đỏ, đi giày trắng đâu không?”

Ông già bán vé số lắc đầu.

Thật khả nghi, tôi thay đổi thái độ, nhìn thẳng vào mặt ông ta hỏi nghiêm nghị, “Ông có lấy cái chữ của tôi không?” với hy vọng sẽ bắt lọn được ông già này.

Nhưng ông ta chỉ ú ớ.

“Thế sao thằng cha râu xồm ở đâu cũng rêu rao rằng, ở đâu có người nghèo khổ, ở đấy có đấu tranh?” Tôi bắt bẻ.

Ông già bán vé số có vẻ nổi quạu, mặt đỏ gay. Nhưng miệng ông ta cũng chỉ ú ớ.

A, thế này là ngộ nhận. Là Bùi Giáng. Là Albert Camus. Là Jean Paul Sartre. Nhất định lão là đồng đảng của mấy thằng ăn cắp. Người bán vé số bỏ đi. Tôi ngẩn ngơ một lúc, sao con người lại bỏ đi?

Ở phía bên kia sông, cô gái viết trong tin nhắn “Kiếp này em lỡ yêu Chúa rồi. Hẹn anh kiếp sau, em sẽ làm quân vô đạo chỉ yêu anh và tôn thờ anh”.

Không một ai cảm thấy đánh mất điều gì. Một cô gái khác viết, “Bác viết truyện đời cháu đi, nhưng đừng viết truyện 18+”. Thế thì hư vô quá.

Buổi sáng chầm chậm như con phà chở đá nặng vẫn đang xoay vòng giữa dòng sông không biết để làm gì.

Ở đâu đó vọng về tiếng vỗ của sóng biển đập vào ghềnh đá. Tôi cảm thấy người chao đảo, muốn ngã. Dạo sau này, ngoài huyết áp cao, tôi còn bị thiểu năng tuần hoàn não. Đôi khi, mất trí nhớ. Nhưng không phải vì thế, cảm giác bị đánh cắp điều gì đó càng ngày càng rõ rệt. Nó làm cho tôi trở nên thiếu thốn. Tuy nhiên tôi khẳng định, chưa bao giờ cái tôi của tôi bị đánh mất. Nó vẫn luôn đấy như chính nó. Một hiện hữu mang tên tôi. Bồn chồn. Những người bạn lần lượt về sớm. Mình tôi ngồi lại quán nhìn dòng sông mênh mang. Những mảng lục bình lớn trôi về ký ức thời chiến tranh. Những mảng lục bình giấu theo người lính đặc công du kích ôm mìn giật cầu. Những đêm nằm trong đồn bắn vu vơ vào bóng tối. Những truyền đơn chống Mỹ Ngụy dán ở gốc cây. Oanh kích tự do của phía bên này và pháo kích bừa bãi của phía bên kia. Những cuộc bầu cử dân chủ màu mè ở phía quốc gia và những bản án viết tay dán trên ngực nạn nhân bị chém đứt cổ bằng mã tấu của cách mạng.

Người bạn nhắn tin, “Cô Th vừa bị bắt. Hình như điều 258”. Tôi lại cảm thấy như mình vừa bị lấy mất đi điều gì.

Một người bán vé số khác đến. Đấy là một cô gái khá xinh. Hơi đen. Cô gái nói, “Xổ số chiều trúng”.

Tôi bảo, “Anh không thích trúng vé số, nhưng lại thích trúng em, phải làm sao?”

Cô gái bảo, “Dễ ẹt, anh cứ mua vé số, anh trúng số thì tức khắc sẽ trúng em, nếu anh muốn”.

À, tôi hiểu. Cô gái tự định giá tiền tỉ. Tôi tự hỏi, không biết có bao nhiêu người chọc ghẹo cô mỗi ngày. Và cô có thích ai trong số đó? Tất nhiên, tôi sẽ phải mua vé số không phải hy vọng sẽ trúng được cô, nhưng tôi phải trả giá cho mấy câu nói đùa của mình, nếu không muốn trở thành vô duyên. Niềm vui nào cũng có giá của nó. Tôi nhận ra đây là một câu “triết lý” rẻ tiền. Ừ, rẻ tiền vẫn là một giá và cũng vẫn là một “triết lý”. Tôi nói cám ơn cô. Cô ta cười thật xinh.

Tôi bảo, “Không biết nụ cười của em có phải là cái tôi đánh mất không?”

“Em không biết”.

“Tôi muốn đi tìm cái bị đánh mất”.

Cô lại cười, tươi hơn, “Anh cứ đi theo em thế nào cũng thấy”.

Okie, tôi trả tiền cà phê rồi đứng dậy đi theo cô.

Giữ một khoảng cách khoảng mười thước để không là người hắc ám, đến khoảng trưa, tôi thấy tập vé số trên tay cô đã gần hết. Tôi hỏi, “Bữa trưa của em thế nào?”

“Ăn một đĩa cơm ở một lề đường nào đó”.

“Hôm nay tôi mời em, được không?”

“Vì anh đã đi theo em, nên cũng đáng được thưởng cho anh cái hân hạnh ấy”.

Tôi cười, “Em vẫn đọc tiểu thuyết ngôn tình à?”

“Tiền đâu mua sách”.

Khi thấy một quán phở, tôi nói “Em ăn phở nhé”.

Cô “Dạ”.

Chúng tôi bước vào.

Tôi nói, “Em ăn thêm hột gà nhé?”

Cô gật đầu.

Tôi không muốn hỏi bất cứ điều gì về gia cảnh cô. Tôi nhớ một người bạn, từng là người viết văn, làm báo đã chết. Như tôi biết, anh có nhiều mối tình với các cô bán hàng rong, vé số. Và tôi thích cách sống đó. Tôi không muốn bắt chước anh. Nhưng tôi không hiểu điều gì, cô bán vé số này đã lôi cuốn tôi. Có một chút gì đó truân chuyên trên khuôn mặt bí ẩn của cô.

Tôi nói, “Anh muốn đi ăn trưa với em mỗi ngày”.

Cô ái ngại, “Có phiền anh quá không?”

“Không, tôi thích”.

“Sao anh không ăn cơm nhà?”

Tôi nói, “Anh lang thang cơ nhỡ”.

Cô cười, “Xạo ke”.

Tôi cố nghiêm nghị, “Thật đấy, không tin thì đi theo anh, biết liền”.

Cô cười thật to, “Em không mắc lừa anh đâu”.

Tôi không thể và cũng không muốn mua hết xấp vé số còn lại của cô, vì thế, tôi bảo tôi phải về để cho cô đi bán tiếp. Tôi cũng hẹn cô, “Anh sẽ chờ em mỗi ngày ở quán cà phê đó, mình đi ăn trưa”.

Cô nói cám ơn và ra khỏi quán phở.

Tuy nhiên, cô không cho tôi nhiều cơ hội gần gũi. Một vài tuần cô mới ghé đến chỗ tôi cà phê và đi ăn với tôi. Tất nhiên, không chỉ có phở. Mỗi lần tôi biết thêm một chút về cô mà không phải gia cảnh. Đó là những câu nói đường đột, thông minh và một nỗi niềm sâu thẳm. Đôi khi tôi chới với vì những câu nói ấy, như thể cô đưa tôi lên núi cao và nhìn xuống. Giống như sự cám dỗ.

Nhưng tôi cũng bị những cám dỗ khác.

Gặp cụ ông từng giữ một trọng trách trong quốc hội, tôi hỏi “Những quan chức và cả những đại biểu quốc hội trong chế độ này, theo anh, họ có ý thức làm chính trị không?”

Ông nói, “Cũng cần phải định nghĩa lại nội hàm chính trị. Nếu hiểu chính trị theo ý của anh, tức là theo mô thức xã hội dân chủ Tây phương, tôi đoán thế, thì chắc chắn không. Thật ra, đại biểu quốc hội cũng chỉ là một chức vụ được phân công cũng như những chức vụ khác trong hệ thống công quyền. Họ chỉ có một ý thức phục vụ chế độ như một sự trung thành, an thân và kiếm chác”.

“Anh cũng như họ không còn tin vào lý tưởng cách mạng?”

Ông nhìn tôi chăm chăm, không trả lời.

Tôi nói tiếp, “Đã có những nhân vật về hưu và phản tỉnh. Thế còn những người đương chức thì sao? Họ có âm thầm vận động cho một cuộc thay đổi?”

Ông bảo, “Ngoại trừ một số ít đang nắm quyền bảo thủ để giữ ghế, đại đa số còn lại, tôi nghĩ họ đều lận dao găm trong người, sẵn sàng cho một cuộc tàn sát lẫn nhau. Sự thay đổi nếu có, cũng chỉ là một cuộc thanh toán, soán vị nhau”.

Tin trên Facebook, một người đàn ông vừa tự sát trong đồn công an bằng dây thun quần.

Chúng tôi nhậu trong một quán thịt trừu, vắng. Ở tầng trệt, duy nhất có đám chúng tôi, những ông già bất lực với gái trẻ, thời cuộc và với chính mình. Những món ăn quen thuộc gồm bánh mì, pa-tê, thịt nguội, trừu nướng và tô xí quách. Những câu chuyện xưa cũ thời sinh viên. Tôi không thuộc vào hàng ngũ những người trong phong trào sinh viên tranh đấu nhưng hiểu niềm vui và cùng lúc, nỗi xót xa của họ. Dẫu sao nó cũng là một thời máu và nước mắt. Tất cả tuổi trẻ của họ, niềm tin của họ dành cho quê hương. Nhưng cái quê hương họ mơ tưởng, giờ đây dúm dó và bị xẻo thịt bởi chính những người đồng hành với họ. Họ bị phản bội? Bị lừa đảo? Tôi không thật sự biết họ cảm nhận thế nào về hiện trạng đất nước trong đó có sự góp phần của họ, nhưng tôi thích dùng từ sập bẫy. Như những nạn nhân. Quả thật, tôi chưa thấy ai phản tỉnh mà nhìn nhận họ chính là tác nhân của thực thể bi đát này. Vì thế, không có kẻ sám hối. Không có kẻ phủ nhận. Cái sai thuộc về kẻ khác. Tôi biết những con người trung kiên và tôi biết những kẻ giật dây tạo anh hùng, những kẻ đóng thế vai, dù rằng tất cả chỉ là những con rối trong một “cuộc chơi” được gọi là thời thế.

Một người bạn trước khi chết đã kịp tuyên bố bỏ đảng. Ông không phải là người sám hối, cũng không là người muốn xóa bàn làm lại, mà ông chỉ muốn sửa đổi. Tuy thế, đám tang ông vẫn được an ninh canh chừng cẩn thận. Họ kiểm soát từng lời phúng viếng và cướp đi những vòng hoa tang. Một người bạn khác bảo, nhận thức của người ta mỗi thời một khác, vì thế vấn đề không phải là sám hối mà hành động như thế nào? Tôi nhớ những lần anh em bạn bè xuống đường thuở nào, bất chấp lựu đạn cay, dùi cui và nhà tù. Và bây giờ, cũng những con người đó, nhiệt huyết chỉ còn là tiếng thở dài. Thậm chí, thờ ơ. Và hơn cả thờ ơ, họ chấp nhận mình là giun dế.

Một số nhà hoạt động xã hội dân sự bị bắt cóc và câu lưu sau khi tiếp xúc với phái đoàn Liên minh châu Âu tìm hiểu về nhân quyền. Những người tranh đấu cho dân chủ đã phản ứng bằng một tuyên cáo phản đối cơ quan an ninh giữ người trái phép.

Sau một tuần, cô bé bán vé số gặp tôi lần thứ hai, cũng ở quán cà phê cũ khi đã gần trưa. Xấp vé số trên tay cô không còn nhiều, tuy nhiên tôi cũng chỉ mua năm tấm. Và tôi đứng dậy mời cô đi ăn cơm. Tôi nói, “Hôm nay dành cho em quyền chọn lựa”.

“Em muốn ăn thử mì cay Hàn quốc”.

Từ hôm hẹn cô, bữa nào đi uống cà phê tôi cũng mang theo hai nón bảo hiểm. Vì thế, tôi chở cô đi xa chút không khó khăn gì. Cũng may, tôi tìm được một quán ăn Hàn quốc trong vòng ba cây số. Tôi nói, “Mì cay đây”.

Chúng tôi vào quán. Tôi nhìn cô kỹ hơn. Tất nhiên, mặt cô không trang điểm, nhưng cô mặc một chiếc áo mới, màu đỏ. Tôi bảo, “Áo em đẹp và hợp”.

Cô cười bẽn lẽn, “Em mới mua hôm qua. Có một ông khách trúng số, tặng em ít tiền”.

Mì cay làm tôi ho sặc sụa. Vừa ăn tôi phải vừa uống nước cho đỡ cay. Cô nhìn tôi cười bối rối, “Em xin lỗi vì không biết anh ăn cay không được”.

Tôi nói, “Không sao, cũng phải quen với cách ăn của em”.

Nghe tôi nói, cô càng bối rối. “Tại sao phải quen với cách ăn của em?” Cô hỏi.

Tôi hơi ngập ngừng, tôi không thích câu hỏi có phần truy sát đó, nhưng tôi vẫn nói, “Bởi vì anh không nghĩ đây là bữa ăn sau cùng với em”.

Cô cười. Có thể cô ngây thơ, hoặc giả vờ ngây thơ. Tuy nhiên, nụ cười tươi vui của cô làm tôi nhẹ lòng. Không dưng, tôi nghĩ có thể cô cũng đang đánh mất điều gì đó mà cô không biết.

Trời bỗng đổ mưa. Nước từ trời xối xả, mù mịt. Cô hỏi bâng quơ “Không biết trời mưa có lâu không? Em vẫn còn nhiều quá”.

Tôi ngạc nhiên, “Hồi nãy anh nhìn thấy trên tay em còn có mấy tờ thôi mà?”

Cô cười buồn, “Còn cả đống trong túi nè”. Lắc lắc cái túi, cô nói thêm, “Đấy chỉ là chiêu để dụ khách mua thôi”.

Tôi cười, “Nếu bữa nay em bị ế, thì tại trời, không phải anh”.

Cô cũng cười, “Em đâu dám đổ tội cho anh. Anh không biết đâu, mỗi lần gặp anh xong, em đều hên lắm, bán vèo cái hết. Nhưng mỗi lần gặp anh, em ngại”.

Tôi nói, “Nếu đúng thế, em phải gặp anh mỗi ngày chứ?”

Cô bẽn lẽn, “Em sợ lắm”.

Tôi hỏi, “Sao sợ?”

“Không biết”.

Rồi trời cũng tạnh. Tôi kêu tính tiền, và nói “Em đi trước đi”.

Cô “Dạ” rồi đứng lên.

Tôi nói “Chúc em may mắn”.

“Cám ơn anh”.

Có một người vừa chết trong đồn công an được cho là do nhồi máu cơ tim. Nhưng khắp người ông ta đầy vết thâm tím.

Kêu thêm một tô “cơm cháy vùng vịnh”, người bạn đặt câu hỏi “Tại sao người Việt không có khả năng tư duy độc lập?”

Một người bạn khác đang còn dạy đại học bảo, “Có lẽ dân tộc ta quen với lối học từ chương, tôn sư trọng đạo một cách mù quáng, trung thành tín ngưỡng theo tinh thần Nho giáo, không dám phản biện thành ra mất tự tin. Chỉ biết và chỉ dám a dua tung hô. Điều đó dẫn đến mất khả năng tư duy độc lập. Phong kiến đã thế, chế độ Cộng sản đương thời còn hủy diệt luôn cả con người cá nhân. Hệ lụy của điều này sẽ còn lâu dài”.

Tôi cảm nhận được rằng, nếu có một dân tộc tính, thì tính dân tộc của người Việt mang một bản chất nô lệ.

Anh bạn nói tiếp, “Cả lịch sử của chúng ta chỉ là một anh học trò dốt”.

Ở phía mây mù. Một cô bạn trẻ bảo, “Nếu anh vẫn viết như anh đang viết, anh sẽ không tìm thấy người đọc. Bởi vì đó không phải là điều họ quan tâm”.

Vâng, tôi vẫn biết thế, chính trị và những hệ lụy của nó, trong môi trường sống của chúng ta, nó bị nhiễm độc đồng thời nó cũng là tử lộ cho mỗi cá nhân, nếu anh dấn thân vào nó. Và vì thế, người ta chấp nhận giao sinh mệnh của mình cho người khác, như một sự khôn ngoan ở đời.

N.V.

Comments are closed.