Ước nguyện mùa Xuân

Nguyễn Ngọc Giao

Đài VTV4 đã sang Pháp quay một số cảnh cho cuốn phim tài liệu về Georges Boudarel. Hiện các bạn đang khẩn trương hoàn thành cuốn phim và có ý mời tôi về nước, mang bình tro Boudarel về để thực hiện ý nguyện cuối cùng của người đã khuất.

Ban biên tập giục tôi viết bài và cho hạn chót là 21.12.2019. Biết viết gì đây vào những ngày cuối năm, cho kịp thời hạn? Bất chợt trí nhớ tuổi già của tôi lóe lên một tia sáng. Đúng rồi, 21.12 là ngày sinh của ông bạn người Pháp Georges Boudarel. Sinh năm 1926, năm nay nếu còn sống, ông già sẽ được 93 tuổi.

Georges Boudarel (1926 – 2003) là một học giả người Pháp. Ảnh: TL

Gắn bó với Việt Nam

Nhưng người bạn của chúng ta đã từ trần ở tuổi 77 tại nhà dưỡng lão ngoại ô đông bắc Paris mấy ngày sau sinh nhật: ngày 26.12.2003. Ngẫu nhiên, tháng 12 đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong cuộc đời gắn bó với Việt Nam của Boudarel: năm 1950, cách đây 69 năm, cũng vào tháng 12, giáo sư triết học 24 tuổi đời ấy rời bỏ bục giảng ở Trường Nữ trung học Marie Curie Saigon, ra chiến khu Đ gia nhập kháng chiến. Ông được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch phân công làm ở Ban tiếng Pháp – Đài Phát thanh Nam bộ kháng chiến. Một năm sau, tháng 12.1951, ông nhận được lệnh chuyển công tác sang Cục Địch vận. Đầu năm 1952, ông lên đường ra Bắc, trừ một đoạn 200km đi xe lửa ở vùng tự do Khu V thì ông phải đi bộ từ Sông Bé lên Việt Bắc.

Trên đường ra Bắc, ông được tin mình đã bị một tòa án quân sự Pháp kết án tử hình vắng mặt vì tội “bất tuân”, không ra trình diện khi bị gọi đi làm quân dịch. Cuối năm ấy, ông được cử vào ban lãnh đạo một trại tù binh Pháp mang bí số 113. Công tác chủ yếu của ông là tuyên huấn, giải thích cho binh sĩ Pháp về tính chất thực dân của Pháp ở Đông Dương (40 năm sau, với công việc ấy, Boudarel đã bị một nhóm cực hữu Pháp biến thành “đồ tể” hành hạ tù binh Pháp).

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève 1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản thủ đô, Boudarel được cử về Nhà xuất bản Ngoại văn(tiền thân của Nhà xuất bản Thế  Giới ngày nay). Ông bắt đầu một trang mới trong “duyên nghiệp” với Việt Nam. Ngoài công việc biên tập tiếng Pháp, ông dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Pháp (Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài…).

Một nhà trí thức trung thực

Năm 1964, trong bối cảnh bất đồng nội bộ của phong trào cộng sản quốc tế, Boudarel cùng với hai đồng chí người Pháp (Clavier và Tarago) và mấy đồng chí Đức, Áo tham gia kháng chiến, đã rời Hà Nội về châu Âu. Do bị kết án tử hình, không thể trở về Pháp, Boudarel được xếp đặt công tác ở Praha (Liên hiệp Công đoàn Thế giới). Năm 1967, để làm hòa với phe cực hữu đã kịch liệt chống đối De Gaulle khi ông thừa nhận độc lập của Algérie, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh ân xá cho tất cả những “tội nhân” đã phạm tội trong “chiến cuộc” Đông Dương và Algérie. Nhờ đó, Boudarel trở lại Pháp, bước sang một giai đoạn mới. Ông bảo vệ thành công luận án sử học xuất sắc về Phan Bội Châu và dạy sử tại Đại học Denis Diderot (Paris VII).

Cùng với nhà sử học Jean Chesneaux và hai đồng nghiệp Pierre Brocheux, Daniel Hémery, Georges Boudarel đã đào tạo cả một thế hệ những nhà Việt Nam học của Pháp và ngoại quốc. Công trình nghiên cứu và những bài báo của họ là nguồn thông tin cho tất cả những ai ở phương Tây quan tâm tới lịch sử Việt Nam hiện đại, những tài liệu quy chiếu của phong trào trí thức, sinh viên phương Tây ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta.

Sau ngày Việt Nam thống nhất, Boudarel tiếp tục công tác nghiên cứu, giảng dạy, đồng thời không ngừng giúp Việt Nam trong những công việc khiêm tốn, cụ thể nhất như gửi sách vở, tài liệu cho các thư viện và đồng nghiệp, làm chứng nhân cho những tội ác của Pol Pot ở các tỉnh biên giới Tây Nam.

Là một nhà trí thức trung thực, gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, ông không ngần ngại phê bình những gì ông cho là sai lầm trong thực tiễn cách mạng. Chính vì thế mà lập trường kiên định của Boudarel ủng hộ Việt Nam chống lại Pol Pot và chủ nghĩa bành trướng Đại Hán được tôn trọng và rất có uy tín thập niên sau 1975, trong khi không ít trí thức và nhân sĩ Pháp từng ủng hộ Việt Nam lại chao đảo, hoài nghi, thất vọng.

“Tai bay vạ gió”

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Boudarel được chọn làm “vật tế thần” năm 1991, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, cùng với đó là cuộc chiến tranh Koweit-Irak bùng nổ.
Trong một cuộc hội thảo về Việt Nam được tổ chức tại trụ sở Thượng viện Pháp, Boudarel được mời thuyết trình. Khi ông đang phát biểu thì một nhóm người, đi đầu là một chính khách phái hữu đang tìm phiếu của cử tri cực hữu, đột nhập hội trường và tố cáo Boudarel là “tên đao phủ trại tù binh 113”. Những người này đã kiện ông trước Tòa án Pháp vì “tội ác chống nhân loại”.

Trong bối cảnh đó, “vụ án Boudarel” được báo đài làm rùm beng, gây xôn xao dư luận suốt mấy tháng trời. Đến nỗi một chính khách phái hữu là ông F. Léotard đã phải lên tiếng phê phán “cuộc hành quyết kiểu Lynch” bằng phương tiện truyền thông. Không phải chỉ bằng tivi, báo đài, mà tòa nhà chung cư của Boudarel (ở Romainville, ngoại ô Paris – nơi địa chỉ được công bố trên một tờ báo lá cải) cũng đã bị mấy viên đạn bắn vào cửa kính. Thế nhưng hung thủ nhầm nhà, bắn vào căn hộ hàng xóm, rất may đạn không trúng ai.

Bình tro Georges Boudarel (1926-2003) có hình dạng bốn cuốn sách ép vào nhau. Ảnh: TG


Tôi muốn nói thêm về hai vụ kiện liên quan đến Boudarel. Vụ thứ nhất do nhóm người mệnh danh “cựu tù binh trại 113” như đã nói trên. Vụ này kết thúc bằng quyết định của Tòa án Paris bác đơn kiện. Vụ thứ hai, do Boudarel kiện Bộ Giáo dục Pháp – dư luận ít biết tới. Số là tháng 12.1991, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Lionel Jospin (đảng Xã hội, sau này làm thủ tướng và thất cử tổng thống) đã ký nghị định cho giảng sư Boudarel về hưu đúng tuổi 65; song nghiêm trọng hơn, trong khi tính điểm hưu bổng, bộ máy quan liêu của Bộ Giáo dục Pháp không chịu tính những năm ở Việt Nam của Boudarel vào thời gian làm việc. Sau nhiều tháng xét xử, Tòa án Hành chính Pháp đã xử Boudarel thắng kiện. (Đây là một điều đáng tự hào cho nền tư pháp của một chế độ dân chủ, cũng là tiền lệ tốt cho một vụ án gần 20 năm sau: André Menras/Hồ Cương Quyết cũng đã thắng kiện Bộ Giáo dục Pháp, buộc họ phải tính ba năm tù Chí Hòa của ông là thời gian công tác giảng dạy).

Tuy nhiên có điều đáng tiếc là những đợt vu khống ồ ạt trên báo đài Pháp đã gây một chấn thương tinh thần lớn cho Boudarel, khiến ông hai lần đột quỵ. Những người bạn thân của Boudarel – đầu tiên phải kể nhà toán học Laurent Schwartz, giải Fields, người bạn chí cốt của Việt Nam – không ngạc nhiên khi được tin ông bị đột quỵ, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trong suốt 12 năm trời, Hội “Những người bạn của Boudarel” (mà Laurent Schwartz làm chủ tịch danh dự) đã chăm lo cho ông, ở bệnh viện, rồi sau đó ở viện dưỡng lão, cũng như ủng hộ ông trong hai vụ kiện.

Mong một kết cục có hậu

Tháng 12.2003, khi Boudarel từ trần, chúng tôi đã thực hiện ý nguyện của người bạn quá cố là hỏa táng thi hài. Một phần di cốt đã được trải ở ngoài khơi đất Pháp, phía cửa sông Seine. Phần còn lại, các bạn trong Hội “Những người bạn của Boudarel” trao cho tôi nhiệm vụ giữ ở trong nhà, khi thuận lợi sẽ đưa về Việt Nam, nếu có thể, đi theo lộ trình của Boudarel cách đây sáu thập kỷ: từ Sài Gòn lên Việt Bắc, qua chiến khu Đ, dọc theo vùng tự do Trung bộ. Hay ít nhất cũng đi từ Trường Marie Curie lên chiến khu Đ, nơi mà cách đây đúng 69 năm, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tiếp đón đồng chí giáo sư Pháp tham gia kháng chiến, và ngay tối hôm đầu tiên ấy đã đưa Bí thư Thành ủy Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) tới gặp.

Nhà báo Trần Thu Hiền và nhóm quay phim của Đài VTV4 đang khẩn trương hoàn thành cuốn phim tài liệu về Boudarel, và có ý mời tôi về nước, mang bình tro Boudarel về để thực hiện ý nguyện cuối cùng của người đã khuất. Đó cũng là một trường đoạn có thể kết thúc cuốn phim. Mong rằng dự án sẽ trở thành hiện thực trong những ngày Xuân 2020 này.

Paris, 21.12.2019

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-ngoc-giao-uoc-nguyen-mua-xuan-22212.html

Comments are closed.