Truyện
Ngô Khắc Tài
Ngàn năm trước thầy trò Trang Tử dắt tay ra bờ biển dạo chơi. Trong lúc Trang Tử ngửa đầu lên nhìn bầu trời, nhìn theo đàn chim sẻ đôi cánh nhỏ mong manh mà muốn bằng chim bằng có đôi cánh lớn bay cao nên từng con lần lượt bay lên rồi rớt xuống. Trong lúc thầy nhìn trời, anh học trò lại nhìn xuống mặt biển, lúc này nước xanh ve từng đàn cá tung tăng bay lượn.
– Ơ, cá vui…
Anh kêu lên. Trang Tử đang nhìn chim ngẫm nghĩ sự đời, nghe tiếng học trò quay đầu lại nhìn rồi hỏi:
– Sao con biết cá vui?
Anh học trò lúng túng chẳng trả lời được và cũng không ai trả lời được câu hỏi như câu đố treo trên đầu người lơ lửng suốt ngàn năm…
Cho đến một ngày bờ biển tràn ngập những con cá chết… Cả vùng đất trở nên hôi thúi, dân bỏ ghe thuyền đi biển lên bờ rồi lần lượt ra đi. Lúc này người sực nhớ đến câu nói của thầy Trang: Vì sao con cá vui là tiên tri cho cái ngày – Vì sao cá chết.
Vì sao con cá vui – Vì sao con cá chết.
Vì người không phải là cá. Từ lâu lấy cá làm thức ăn nhưng người lại là kẻ xa lạ đứng ở ngoài sự vật. Thay vì tâm vật là một sự sống đồng nhất thể, người lại đi chia hai.
Chẳng những không là cá, những sự vật có vần a như đá, lá, má, ô bà má… người vẫn đứng ngoài. Thương nhau mà bằng mười phụ nhau.
Không nghe đá kêu “ngàn năm sỏi đá vẫn còn có nhau”. Không thấy từng chiếc lá non mọc ra, mà theo ngẩn ngơ mùa lá rụng trong vườn, không nghe cây nó chê anh đã già. Vì không là má nên tâm hồn người hạn hẹp không như lòng mẹ, con không khóc nhưng mẹ ở xa biết đã tới giờ cho con bú mẹ cũng tất cả chạy về. Tội cho ô bà má từ xa lặn lội đến thăm người, người hờ hững không chào đón, lúc ra về còn theo trách móc.
Vì sao con cá chết. Vì sao con cá chết. Người không trả lời được.
Riêng anh học trò của Trang Tử sau đó chết, ngàn năm sau đầu thai làm gã ăn mày. Anh mang bị gậy thui thủi đi khắp ngả đường, miệng cứ cầu xin.
– Con cá nó sống vì nước… Con sống nhờ vào lòng tốt của ông bà…