Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 151): Lưu Thuỷ Hương – Cõi lang lang

Truyện Lưu Thủy Hương

Nhà văn Lưu Thủy Hương, sanh năm 1968 tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm, Thủ Đức. Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật nha khoa, Tây Bá Linh. Hiện định cư tại Đức.

imageSophia Ferdinand là một kiều nữ tóc vàng đẹp mê hồn. Đôi môi nàng căng đầy và đỏ sẫm như trái anh đào chín mọng. Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, tôi đã không kiềm chế được khao khát đè nghiến hàm răng mình lên làn da ẩm ướt để chiếm đoạt vị ngọt phồn thực. Thân hình Sophia tròn trịa căng cứng và trắng nõn như búp măng tây tháng tư. Khi ôm tấm thân mê loạn đấy vào lòng, tôi đã không còn biết mình là ai. Cả gian phòng tràn ngập niềm lạc thú: chiếm đoạt và xả hận.

Fred Ferdinand là một kẻ tàn tật về thể xác. Gã ngồi im lìm trên chiếc xe lăn đặt cạnh bể bơi, lim dim mắt theo dõi những cử động của tôi và Sophia dưới làm nước ấm. Khi gã nhìn chăm chăm vào phần đũng quần đang căng cứng vì ham muốn của tôi, ánh mắt gã trở nên xám xịt trong một thôi thúc huỷ diệt đầy man rợ. Đấy không là ánh mắt của tên tử tù già nua bước ra giác trường trong một khát vọng sống còn đẫm máu. Đấy là ánh mắt mang nỗi khao khát hung tợn muốn thâu tóm cả thế giới tràn trề sự sống vào trong thân hình tàn tật bệnh hoạn – và huỷ diệt nó. Tôi rùng mình, co rúm người lại, mọi ham muốn nhục thể đang bùng nổ bỗng tan biến như bọt nước.

Tôi là một người hàng xóm mới của gia đình Ferdinand. Tôi vừa dọn vào căn nhà song kế có hai tầng ở đầm Lupas. Tầng trệt là phòng khách và phòng ngủ, tầng lầu là thế giới của trẻ em. Phòng làm việc nằm hẳn dưới hầm. Tường nhà bên trái kết liền với tường nhà Ferdinand. Tường nhà bên phải nối vào garage để ô tô. Tôi có bằng lái nhưng không có ô tô. Con đường nhỏ lót đá phía trước nhà trồng toàn cây hạt dẻ. Mùa đông dẻ rụng hạt vàng cả lối đi, nhưng chẳng ai thèm nhặt. Đây là khu nhà giàu. Khoảng sân cỏ phía sau khá rộng chạy dài ra đến cánh cửa gỗ thông ra đầm nước. Bên ngoài kia chỉ toàn lau sậy, vắng bóng người qua lại. Thỉnh thoảng có tiếng vịt trời khàn khàn vọng đến cùng tiếng chó sủa lạc lõng. Gió tràn qua bờ dậu, thổi đám lá mận mùa thu từ bên vườn nhà Sophia rải lác đác xuống bể bơi. Mặt nước loang loang đỏ. Khuôn mặt thằng bé đóng khung đen trong tủ kính đăm đăm nhìn ra mảnh sân nhỏ. Có lẽ nó đã qua những mùa hè vui thú dưới làn nước trong mát, cho đến lúc người ta tìm thấy xác nó, nổi bập bềnh bên góc hồ.

***

Fred thường ngồi dưới tàn cây mận trổ hoa đỏ hồng vào mùa xuân, đơm chồi đỏ tía mùa hè, nhuộm lá đỏ vàng mùa thu. Mùa tuyết trắng mận phô tàn xương đỏ xám giữa vùng đồng khô ảm đạm. Fred ngồi lặng lẽ mơ màng trong chiếc xe lăn, phơi cặp chân bất động trong những ngày nắng nóng và ủ kín chăn trong những ngày u lạnh. Chiếc vòng bạc chạm hình cánh én trên cổ tay phải, buông thõng ngoài thành xe. Nhưng hình ảnh rõ ràng nhất mà những người qua đường lẻ loi có thể kể lại cho cảnh sát là, cái iPad luôn được Fred giữ chặt bằng tay trái, kể cả khi gã nhắm nghiền mắt như vật vờ ngủ.

“Ngày 16 – 2, toà án Berlin đã chấp thuận yêu cầu của luật sư bào chữa, tạm hoãn phiên toà xét xử vụ án mạng đầm Lupas cho đến ngày 16 – 6. Bị cáo là bà Sophia Ferdinand, 24 tuổi, bị tình nghi giết chết chồng là Fred Ferdinand, 47 tuổi.

Luật sư bào chữa yêu cầu xem xét lại những mối quan hệ của Fred Ferdinand trong làng văn chương, hòng tìm ra một manh mối mới. Xác nạn nhân và chiếc xe lăn được tìm thấy dưới bể bơi. Chiếc vòng bạc trên cổ tay bị kẹt dính vào bánh xe. Theo giám định của pháp y, kẻ xấu số chết vì ngạt nước. Thân thể không có dấu hiệu của sự hành hung. Tuy nhiên cảnh sát đã không tìm thấy iPad của Fred Ferdinand ngay tại hiện trường, và cả trong căn nhà hai tầng của cặp vợ chồng. Hàng xóm và người qua đường cho biết, nạn nhân luôn xuất hiện trên xe lăn cùng iPad.

Luật sư bào chữa phản đối nghi ngờ cho rằng, chính Sophia Ferdinand đã sát hại chồng để lãnh quyền thừa kế và tiền bảo hiểm. Theo ông, Fred Ferdinand có thể bị giết vì một nguyên nhân khác: Vụ án mạng nhằm vào tác phẩm mới hứa hẹn nguồn doanh thu khổng lồ của nhà văn đang đứng đầu danh sách Spiegel – Online best seller.

Tuy nhiên, nếu không tìm ra tang chứng chính yếu của vụ án thì phiên toà sơ thẩm vẫn diễn ra vào tháng sáu. Trong trường hợp bị kết tội, Sophia Ferdinand sẽ lãnh mức án 15 năm tù cho tội cố sát và 3 năm tù cho tội lừa đảo bảo hiểm.”

*

Tôi quen Fred trên một web văn chương dành cho đám tác giả vô danh tiểu tốt, những kẻ cả một đời cầm bút mà không ló được bản mặt lên văn đàn. Khi đấy tôi không hề biết rằng nickname Pferdi Fe chính là tác giả lừng danh Fred Ferdinand. Chuyện sinh hoạt của tôi trên diễn đàn ảo cứ đứt đoạn liên tục vì công việc mưu sinh và vì hàng trăm mối bận tâm khác. Thi thoảng tôi mới quay lại trang web, mà chủ yếu để tìm người tâm sự. Những khi ấy, Pferdi đều mau lẹ để lại comment. Sự kiên nhẫn và tận tâm của gã đối với tôi là niềm an ủi đích thực. Nhưng Pferdi lại có cái lối đấm thẳng vào mặt rất là khó chịu.

“Dạo này không thấy anh gửi bài lên diễn đàn. Một số truyện của anh rất có cá tính, cứ chuyển qua cho tôi nhận xét và tu chỉnh lại trước khi đăng”.

“Pferdi, tôi chẳng có thời gian. Bây giờ bọn tôi chỉ viết blog và những bài xã luận ngắn gọn. Nó không đòi hỏi nhiều công sức đầu tư. Nó gay gắt và gần gũi với tình hình nóng bỏng hiện tại ở quê nhà, nên dễ đem lại thành công cho người viết”.

“Ồ, thế ra sự thành công trong văn chương được đo bằng những cách ấy?”.

Tôi căm ghét sự giúp đỡ của Pferdi.

Mùa hè, tôi lại thất nghiệp, vợ con khăn gói ra đi. Căn hộ hai phòng chật hẹp ở khu trung tâm trở thành gánh nặng tài chánh. Chuyện văn chương chẳng mang lại một đồng lợi nhuận nào ngoài những bế tắc và uẩn ức. Các trang mạng sống bằng máu của nhà văn lạnh lùng ra thông báo: “Không đăng lại những bài đã đăng ở nơi khác”. Đấy là lý do để bọn bị hút sạch máu chẳng còn chút hơi thở mà vẫn xì ra được tiếng chửi thề. Một tác phẩm viết ròng rã ba trăm sáu mươi lăm ngày may mắn được một lần hiện lên trang nhất, ba ngày sau lặn mất tăm vào xó xỉnh. Nhà văn thế giới ảo sống bằng không khí ảo, đã đành, nhưng còn bị ép đến khô cả xương thịt. Tôi trở lại diễn đàn, mang theo những lời nguyền rủa cay độc nhằm vào tất cả bọn lý thuyết gia đang ngoác miệng ra ca tụng nền văn học tự do.

“Trong khi bọn tôi phải è cổ ra nhặt từng xu nuôi sống văn chương thì những cuốn tiểu thuyết giải trí rẻ tiền, thậm chí là rác rưởi, leo lên danh sách best seller”.

Pferdi gửi cho tôi một tin nhắn:

“Toani này, gia đình hàng xóm của tôi vừa dọn về Tây Ban Nha. Căn nhà chưa thể bán được. Anh có thể nhận chân quản gia từ một đến hai năm, tiền lương 500 euro/tháng”.

Tuyệt vời. Một chốn nương thân và một số tiền tạm đủ sống cho mơ ước. Pferdi không bảo cho tôi biết, gia đình hàng xóm chạy trốn cái chết của thằng con nhỏ. Họ không bao giờ quay lại căn nhà này. Họ chỉ cần một người sưởi ấm căn nhà cho đứa con có nơi trú ẩn.

*

Fred là một nhà văn thành công nhờ trí tưởng tượng kỳ quặc. Gã viết về một thế giới hoang tưởng hỗn độn bên ngoài vòng quay của bánh xe lăn. Tôi và Sophia là tù nhân bị giam cầm trong cuốn tiểu thuyết ma quái và kinh dị mới nhất của Fred. Hình ảnh méo mó biến dạng của tôi qua cái nhìn tàn tật của gã thật là ghê tởm. Nhưng tôi không sao cưỡng lại được phần ham muốn đang bị Fred bị khích thích tột độ. Cả thân người tôi căng ra trong hoang dục, dù tôi chưa bao giờ là một người đàn ông có nhu cầu mạnh mẽ. Sophia tìm cách chuyển cho tôi những trang viết mới nhất của Fred. Tôi lén lút đọc nó và nghẹn thở nhận ra, ở vách tường bên cạnh, tên phù thuỷ trong thân người tàn tật đang từng trang, từng bước, dẫn tôi vào cái chết bi thảm.

Trong đêm tối, tôi đứng bên mép hồ nước đen thăm thẳm. Xác tôi trôi bập bềnh giữa đám rác rưởi, thỉnh thoảng lại bị mấy con cá đẩy trồi lên. Bọn chúng đang bám vào phần bụng dưới của tôi mà rỉa rói. Tôi kêu rú lên trong đêm hoang lạc.

*

Khoảng không gian dưới tầng hầm thật là tuyệt vời. Nó yên tĩnh, tăm tối cộng thêm chút bừa bộn. Tôi gần như sống hẳn dưới đây, làm việc, ăn ngủ, tắm rửa, chỉ thỉnh thoảng mới lên nhà trên để sử dụng bếp núc. Bầu không khí trong phòng khách cứ khó chịu thế nào. Lại chẳng hiểu tại vì sao. Hình như nó thoang thoảng mùi cải chua. Lại nữa, tấm hình thằng bé kê giữa mấy ly rượu thuỷ tinh cứ nhìn chòng chọc ra bên ngoài. Chắc nó trách tôi nhận tiền của bố mẹ nó mà để mặc nhà cửa hoang tàn lạnh lẽo thế này.

Màn hình iPad vừa khởi sáng. Khuôn mặt trẻ thơ thoáng hiện ra rồi biến mất. Tôi lặng người nghe tiếng cười ùng ục trượt qua những bậc thang đá lạnh. Tiếng cười cô độc của thằng bé bị sặc nước. Có lúc, nó muốn kéo tôi lên những bậc cầu thang treo đầy tranh vẽ. Nét viết chì trẻ con nguệch ngoạc trong một thế giới tưởng tượng đầy nghịch lý. Nhưng tôi từ chối. Tôi không thuộc về thế giới hoang tưởng đấy. Điện vẫn sáng, màn ảnh chập chờn khi trắng khi xám. Gió từ cửa thông gió lùa xuống hầm. Mấy cái ly thuỷ tinh bên trên phòng khách bỗng dưng rung lên lanh canh. Vì sao thằng bé chết. Vì sao nó không siêu thoát được. Cái bóng nhỏ xíu in lên tường thỏ thẻ. “Trẻ con vẫn thường là nạn nhân của ngưòi lớn”.

Tôi nhấp ngụm cà phê, cố chong mắt trong đêm gần sáng, nhưng mọi thứ cứ chực nhoè đi. Một bọn người rách rưới theo cánh cửa gỗ thông ra đầm kéo vào sân. Chúng tụ tập trên bể bơi, ánh trăng soi xuống những cái bóng dài lăm lăm dao chặt cá. Giọng trẻ con lại thì thào ngay sau lưng:

“Toani. Chúng ta đi ra đấy thôi”.

Tôi vừa ngáp vừa chửi:

“Cút ngay. Ranh con”.

“Nhưng phải có ai đuổi họ đi chứ. Sân chơi trẻ con mà họ cũng vào chiếm, chẳng còn chỗ để bơi nữa”. Nó đổi giọng thút thít.

“Nhưng bọn nào kia?”. Tôi vờ vĩnh hỏi.

“Bọn chết dấp ngoài đầm lầy đấy”.

Thật là quá sức chịu đựng. Đấy, cả một tá người chết ngoài đầm lầy. Tôi đứng dậy che mắt nhìn ra vườn. Đám côn đồ ngoài đấy thật ra cũng chỉ là những đứa trẻ vừa mới lớn. Áo quần tả tơi lại cứ lăm le dao cuốc, trông thật bi thảm. Thằng bé trong tủ lại khóc thút thít. “Họ có là trẻ con nữa đâu. Nhìn mấy con dao là biết”. Đầu tôi đau nhức như bị bổ ra làm đôi. Thật thế, có thằng nào rình tôi hớ hênh bổ ngay dao vào đầu. Tôi chẳng lạ gì chúng. Bọn này điên cuồng và xuẩn ngốc, cứ nghe hiệu lệnh là vác dao cuốc xông tới. Tôi với tay bật công tắc đèn pha ngoài vườn. Ánh sáng trắng loá bùng lên, những tiếng động bên ngoài vụt biến mất. Chủ nhà này dường như chuẩn bị đâu vào đấy. Trong hợp đồng làm việc có cả chuyện mở đèn pha hai lần mỗi tối. Thế mà cố tình quên đi. Đứa nào lại thì thầm bên tai, thằng phản bội.

Buổi sáng, tôi tìm thấy chùm chìa khóa bê bết bùn ngoài bậc cửa nhà. Chẳng rõ vì sao mình lại đoảng thế.

*

Thật không thể chịu nổi, vòi nước bể rửa chén chảy suốt đêm. May mà tôi chẳng còn vợ, chứ không thì lại rỉa rói da thịt nhau. Cả cầu thang và tầng hầm giờ đây lênh láng nước. Suốt hai ngày tôi vật lộn với đống giẻ lau và thau chậu. Căn phòng làm việc bắt đầu khắm mùi cải chua. Cái sofa trong góc nhão nhoét như khoai tây thối.

Tôi ngán ngẩm bê laptop ngồi xổm lên đám thau chậu. Lá thư của thằng bạn nối khố hiện ra trên màn hình xám xịt, vào một lúc chẳng lấy gì thuận tiện. Dường như nó cũng đang rơi vào trạng thái rã rời. Wei Wi kể cho tôi nghe về cõi lang lang. “Bọn họ trượt dần vào đấy và biến mất”.

Tôi hắt xì ra nước, thử vận động đôi bắp tay mỏi nhừ. Đành phải chuyển chỗ làm việc từ tầng hầm lên phòng khách, mặc kệ cho nước ngập lụt dưới này. Dạo này mọi người cứ rặt nói về những cái chết. Bọn dở hơi làm như ngày tận thế đã đến.

“Lại còn cõi lang lang nào nữa? Tôi có hàng núi công việc phải làm đây”. Tôi đảo mắt nhìn quanh, gian phòng khách chẳng được chăm sóc phủ đầy bụi và lá khô. Có tiếng thở dài vang lên sau lưng. “Nơi này như cái nhà mồ”. Tôi bực dọc đứng lên đóng cánh cửa sổ thông ra vườn. Chiếc bóng đen vừa để lại những vết chân mờ trên con đường phủ tuyết dẫn ra đầm lầy.

“Thoạt đầu mọi thứ cứ rối nùi lên và rồi lẫn lộn vào nhau. Sau đấy thì trôi tuột đi, không sao cưỡng lại được”. Wei Wi tiếp tục viết bằng nét chữ Comic Sans rất bé và nguệch ngoạc.

Wei Wi vừa công bố tập xã luận dài thậm thượt về cái gọi là “sự huỷ diệt và tự huỷ diệt trong văn chương”. Bài đăng nhiều kỳ trên diễn đàn của bọn tôi và báo Kulturelle Identität, nhưng chẳng gây được sự chú ý nào. Tôi chẳng có thời gian để đọc những thứ tràng giang đại hải mà hắn xổ ra trong cơn tuyệt vọng. Những người khác chắc cũng thế.

“Đừng kể với tôi là anh cũng đang trôi tuột đi, không cưỡng lại được”. Tôi hồi âm bằng lời nguyền rủa.

“Nó tự tìm tới chúng ta, đòi món nợ cũ. Dù có trốn ở chân trời góc bể nào đi nữa”.

Món nợ nào chứ. Vớ vẩn. Ở đây ai biết tôi là ai. Wei Wi biến mất. Trang web vắng chủ đìu hiu, loang lổ dấu virus. Tấm hình tác giả ở góc trái, đội mũ tai bèo thêu hàng chữ đỏ vàng. Nụ cười nhếch mép dang dở và buồn tẻ. Tôi xóa đường link ra khỏi máy, cho nó biến luôn vào cái cõi gì gì của Wei Wi. Một vài kẻ trong diễn đàn đột nhiên gọi điện thoại đến, thậm thụt hỏi xa gần về Wei Wi. Lại cứ cái giọng sợ hãi dấm dớ. Tôi đâm bực, một thằng dở hơi biến mất thì cũng còn khối thằng dở hơi khác quấy rối mình.

“Này nhé, tôi còn khối việc phải làm”. Tuần này tôi phải lọc nước bể bơi, dọn sạch lá, theo như hợp đồng ký kết. Thật ra không làm cũng chẳng có ai kiểm tra, nhưng lương tâm nó cứ vờ vĩnh bảo thế.

Những mẩu chuyện về Wei Wi chấm dứt khi điện thoại di động của tôi biến mất. Tôi không rõ đã đánh rơi nó khi nào. Bây giờ nó nằm đen đủi dưới bể bơi, trong đám lá mục. Đằng nào thì cái iPhone cũ xì đấy cũng hỏng rồi, có lặn xuống tận đáy để lấy cũng chẳng ích lợi gì, lại khoắng hết bùn lên. Bùn đọng cả tấc dưới đáy, nhưng cứ phải lờ đi thôi. Tôi phải đi làm kiếm tiền mua cái iPhone mới. Bọn phục vụ nhà hàng chỗ tôi đều có iPhone 6, màn hình 5 inch.

Ánh đèn bên nhà Fred vừa tắt trên bãi cỏ đen. Gã kết thúc một ngày làm việc đầy đặn chữ nghĩa của mình và sẽ chìm trong giấc ngủ đưa gã vào thế giới khác. Tôi ngồi trước màn hình trống rỗng với một mớ ý tưởng đầy ắp trong đầu, rạo rực chờ tiếng tra chìa khóa vào ô cửa.

*

Răng tôi cắn ngập vào thân thể ướt đẫm vừa lôi từ dưới hồ lên. Khuôn mặt Sophia hiện ra nhờ nhợ trong bóng đêm. Đoạn tiểu thuyết ban chiều của Fred làm tôi hoá điên. Nhân vật tôi chỉ còn một đêm loạn cuồng trước khi nhận cái chết. Kết cuộc bất ngờ đấy làm tôi đâm hốt hoảng. Cả hai đứa không có đủ thời gian để bày chuyện trên sofa. Ngay bên bậu cửa, tôi túm lấy mái tóc vàng ướt, vặt ngược cái đầu dài ngoẵng ra phía sau. Đôi môi đầy để lộ hàm răng trắng nhọn, từ đấy thoát ra một tiếng trầm đục đầy khoái lạc. Tiếng kêu như thúc hối, làm thời gian càng ngắn tịt lại. Tôi vội vã cắm phập cây cọc xuống lòng giếng sâu. Những tiếng chửi thề tục tĩu tuôn ra thành dòng giải thoát. Khi bàn tay ba ngón của Sophia cào trên lưng tôi từng đường nhục cảm, tôi đổ gục xuống như tàu lá héo.

Tiếng tra chìa khóa vang lên lanh canh ngay bên ngoài bậu cửa. Con chốt bật lên khô khốc như bị cắt ngang ổ. Tôi rợn người cố vùng dậy. Cái chĩa ba xắn ngang thắt lưng, cắm tôi xuống sàn nhà. Tôi vùng vẫy trên vùng da thịt tan rữa mùi cải chua.

Bàn chân trắng nhởn thò qua khe cửa, xiêu vẹo bước lên những bậc thang của tầng lầu.

*

Tôi thường về nhà rất muộn, vào giờ tiệm ăn thôi nhận khách và đám nhân viên bắt đầu thanh toán hóa đơn. Những khi lỡ chuyến tàu đêm, tôi phải cuốc bộ qua phố, mất hơn một giờ đồng hồ mới về đến cổng nhà. Bao giờ bộ quần áo làm việc cũng bốc mùi dầu mỡ kinh khủng khi tôi bước vào nhà, cởi tấm áo dạ bên ngoài ra. Đấy lại là mùi sự sống duy nhất tồn tại trong thế giới ma quỷ này. Đôi lúc tôi mệt mỏi đến độ chỉ đủ sức cởi bộ quần áo bầy hầy ném vào góc nhà rồi ngã vật ra giường. Sophia luôn rên rỉ tìm kiếm mùi vị trên thân thể tôi. Con quỷ cái ngấu nghiến nuốt lấy cái mà nó thèm khát gọi là mùi vị của sự sống. Bộ mặt trắng bệt ửng màu trong giây lát rồi chìm vào màn đêm. Tôi lả đi trong hoan lạc, khi tỉnh giấc, thấy mình nằm chơ vơ bên mép bể bơi. Nước lạnh thấm qua đám tóc dày gây tê liệt khoảng đầu phía sau. Cảm giác đờ đẫn kéo dài rất lâu cho đến khi tôi đủ sức lăn mình ra xa khỏi mép hồ. Bộ đồ dầu mỡ trên người cũng đẫm nước, bây giờ nó sặc mùi clo.

Bên kia tường rào Fred vẫn miệt mài làm việc, ánh đèn màu xanh lục hắt lên tàn mận đỏ. Tôi há miệng muốn gào thật to nguyền rủa gã, nhưng chỉ đủ sức bật ra những tiếng kêu ú ớ vô nghĩa. Gã vẫn để thằng tôi tiếp tục sống. Cuốn tiểu thuyết câu khách dài thêm ra.

*

Con đường mùa đông phủ đầy băng tuyết. Chuyến tàu điện cuối cùng rời khỏi trạm để lại vệt sáng đỏ nơi góc đường. Tôi thở dốc trong tiếng chửi thề giận dữ. Hơi lạnh đang thấm qua lớp áo bông dày, chui vào từng bắp thịt khớp xương. Tôi theo đoạn đường tắt băng qua đầm lầy. Từ đây lọ mọ băng bừa về nhà khoảng ba mươi phút. Nhưng nếu lạc lối lại đi rất xa vào vùng đất hoang của trại nuôi ngựa, loay hoay mất cả giờ. Trong đêm tối, đồng lau vón cục lại, chẳng có đường ra đường vào. Con dao chặt cá đập từng nhát lên hông theo mỗi bước chân. Tôi dẫm đôi ủng mòn đế lên bãi đất nhấp nhô, vạch lau cỏ đâm về phía chòm sao bắc đẩu. Hàng cây đoạn hiện trên trời xám như bức tường đen báo hiệu ranh giới trại nuôi ngựa. Fred bảo, phía sau hàng cây đấy từng xảy ra một vụ án mạng trò giết thầy rất là ngẫu nhiên. Tôi ngạc nhiên hỏi:

“Giết thế nào mà ngẫu nhiên?”.

“Thằng kia trượt chân ngã xuống nước, đầu vỡ làm đôi”.

“Thật là ngẫu nhiên. Thế còn nhân chứng?”.

“Nhân chứng đều chết ngẫu nhiên như thế cả”.

Từ đấy trang trại đã bỏ hoang, đã từ mấy mươi năm hay mấy trăm năm nay, nhưng trong đêm vắng người ta vẫn nghe tiếng ngựa sải vó trên bãi tập. Gió từ đầm lầy thổi sang, lao xao hàng lá đoạn. Tôi rút con dao chặt cá ra cố nắm chặt giữa lòng bàn tay lạnh cóng. Quanh tôi, bọn đồng đảng cũng lăm lăm dao chặt cá. Chúng tôi đi chung một con đường tối đen mịt mùng lau sậy. Chân dẫm lên máu mà ngỡ dẫm lên bùn.

Tôi về đến nhà đã quá nửa đêm. Tấm hình thằng bé sau cửa tủ nhìn ra đầy oán giận, nó không muốn bị giam cầm quá lâu trong khoảng không gian tù đọng của cái chết. Cánh cửa thông ra bể bơi tôi đóng chiều hôm trước, giờ lại mở ra. Tôi tức giận nghĩ đến chuyện mang tấm hình quái ác lên tầng trên. Nó thuộc về thế giới ở trên đấy. Phòng khách và nhà hầm là phần đất của tôi, theo đúng như thỏa thuận với chủ nhà. Chưa bao giờ tôi bước qua khỏi những bậc cầu thang bằng gỗ phủ bụi để đi vào dãy phòng trẻ. Đám cây chết khô trên lan can lòng thòng rủ xuống như quở trách. Vớ vẩn. Trong hợp đồng làm việc làm gì có chuyện tưới cây cảnh trong nhà. Ừ, thì có chữ “tưới cây”, nhưng không ghi rõ là cây trong nhà hay cây ngoài vườn.

Tôi ném đống áo quần hôi rình vào góc nhà tắm. Đêm nay Sophia sẽ không sang tìm tôi. Cô ấy sẽ chẳng bao giờ còn có dịp sang đây. Ngày mai tôi có cuộc hẹn thẩm vấn ở phòng điều tra. Người hàng xóm ở sát vách gia đình Ferdinand lẽ đương nhiên là sẽ bị cảnh sát sờ gáy, nhưng chẳng có ai nghi ngờ mối quan hệ chòm xóm qua hàng rào. Một thằng nấu bếp thì chẳng có lý do gì để giết thằng nhà văn. Đêm ấy tôi lại tan ca muộn, lỡ chuyến tàu đêm, phải cuốc bộ qua phố hơn một giờ mới về đến nhà. Đôi ủng đã rửa sạch bùn. Tài liệu trong iPad cũng đã xoá trắng rồi.

Làn nước ấm phun ra đều đặn từ vòi hoa sen bỗng đột ngột lạnh cóng. Tôi rú lên kinh hãi. Tiếng rú chạy lên những bậc cầu thang vọng xuống thành tiếng cười khổ não. Gió đêm len qua cánh cửa vườn sau vừa hé mở, thổi lên mặt kính ẩm lớp bụi mù.

*

Những cơn đau đầu liên miên làm tôi lẫn lộn tiền hóa đơn. Chủ nhà hàng lại đẩy tôi vào chỗ rửa chén trong bếp sau hai tuần thử việc chạy bàn. Tôi bảo với cảnh sát, tôi đang cần tiền mua ô tô, chuyện mỗi ngày phải mất hơn hai giờ đổi tàu và đổi xe buýt làm tôi mệt mỏi. Một chiếc Audi màu xám tro sẽ nằm chễm chệ trong garage. Mà nhất thiết phải có ghế đệm bằng da, không thì xoàng xĩnh lắm. Bếp lò ngùn ngụt lửa ga tỏa hơi nóng sặc mùi mỡ cá cháy khét. Nhà hàng này đặc biệt có món cá chép chiên dòn sốt măng tây. Hôm trước bà chủ đã nổi cơn điên. Bao cá đông đá không được rã đông kịp thời để chiên cho buổi tối. Bà ấy bảo thằng Chan Pay làm việc đấy nhưng sao lại cứ quay sang trách mắng tôi. Cả buổi trưa tôi phải lo việc dọn dẹp sắp xếp lại đám thùng carton trong hầm đá.

Bây giờ tôi rất sợ đi xuống những nơi lạnh lẽo như tầng hầm đông lạnh của nhà hàng. Thật thế, khi rơi vào nước, thằng đấy đã bị nhiễm lạnh.

*

Lẽ ra, nếu nó biết điều một chút thì tôi đã không mang nó lên tầng trên. Hợp đồng làm việc không cho sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, nhưng tôi mặc kệ. Hôm qua nó mở cửa đi ra ngoài để gió thổi lá mận bay vào đầy nhà. Lá được gom lại thành đống giữa phòng khách, giống như một nấm mộ con. Tôi lan man nghĩ, bên dưới lòng đất lạnh lẽo lắm.

“Khi rơi vào nước cũng lạnh như thế”.

Ai đấy thì thào vào tai tôi. Nhưng bây giờ tôi đã quen. Bên tai lúc nào cũng có những lời tâm sự vớ vẩn. Mở thùng mail ra cũng thế, rặt những thứ tỉ tê, nhắn gửi. Cứ lờ đi thôi, bây giờ mang tấm hình thằng bé lên lầu cho khuất mắt đã.

Bậc cầu thang gỗ rải rác những vết băm chém dữ dằn. Một thằng bé hỉ mũi chưa sạch làm cách nào và bằng thứ gì có thể băm nát mặt gỗ sồi. Cái miệng nó trên tường nhoèn nhoẹt nước đỏ, không rõ là nước anh đào hay nước dâu tây. Đấy là một mùa hè thật nóng, cây cỏ héo rũ và vàng hoe. Mồ hôi đổ ra lấm tấm trên khuôn mặt đầy tàn nhang.

Tôi theo con đường dài đầy vệt băm xẻ dẫn qua dãy tường đổ nát. Mấy bụi cỏ gai nằm xen giữa kẽ đá khô quắt queo. Nơi này dễ thường cả năm không có lấy giọt mưa. Vài con én đói đậu vất vơ trên nhành cây trơ lá chẳng còn hứng thú bay lên. Đoạn đường dài phía trước nghi ngút khói hương. Tôi nghẹn ngào nhận ra, trong đổ vỡ hoa mai vàng vẫn nở.

Bình hương nứt mẻ nằm chắn ngang lối đi. Cánh cửa đột ngột hiện ra cứ như nó tự tìm đến tôi. Một nửa đã bị mối ăn từng dọc rệu rã, nửa kia sương gió trơ ra thớ gỗ bạc màu. Cửa chỉ khép hờ. Bên trong, căn phòng khô mốc vắng hơi người chìm trong lớp bụi gỗ vừa bay lên. Thằng hàng xóm đứng lù lù trước tấm gương ố vàng, gã đàn ông còi cọc, râu tóc lởm chởm, ánh mắt gian dối. Toani không hề ngạc nhiên, chỉ lộ vẻ thù hận. Hắn biết tôi sẽ tìm đến, vì món nợ cũ. Tôi nghiêm khắc nhìn đứa môn đồ đã cố thay hình đổi dạng thành một người khác. Nhưng tôi vẫn nhận ra hắn. Thiên hạ cũng sẽ nhận ra hắn, trong bộ quần áo lao động, hiền lành dầu mỡ và thân thiện tương xì dầu.

Tôi biết, hắn sẽ chối loanh quanh cho tới giờ phút cuối cùng. Dù rằng, trong những lúc phấn khích ngu loạn hắn đã để tuột ra những câu sơ hở. Đôi ủng đã rửa sạch bùn.

“Anh đã có mặt ở nơi đấy”.

Hắn lấm lét nhìn xuống đôi bàn chân.

“Tôi lỡ chuyến tàu đêm, phải cuốc bộ vòng qua phố”.

“Không, chuyện xảy ra vào buổi trưa”.

“Buổi trưa nhà hàng có món cá chiên sốt măng tây”.

“Nhưng anh không xuống hầm đá mà theo đường tắt chạy về nhà. Chạy đi chạy về, băng qua đầm lau, chỉ khoảng hơn hai mươi phút”.

Tôi để mặc thằng bại hoại sư môn đứng trước gương, cho hắn tự soi nhân dạng mình. Ngay từ đầu câu chuyện đã là trò bịp bợm, một vài mảnh sự thật phủ lên cái hố tội ác to tướng. Tôi lôi cái hòm gỗ từ trong góc nhà ra. Cái hòm cũng rệu rã vì bị mối mọt. Bộ sưu tập ô tô nặn từ đất sét tô màu nước nằm ngay bên trên. Màu sắc tàn phai cả, nhưng vẫn nhận ra chút xanh đỏ của ngày xưa cũ. Cái ná gỗ xù xì có cột sợi dây thun bằng săm bánh xe, có miếng vải ka ki được cắt từ ba lô đường trường. Người đàn bà đã phải hét lên kinh khiếp khi phát hiện ra món kỷ vật bị thằng con khoét thủng một lỗ. Đấy là một mùa hè đỏ lửa, ngột ngạt hương khói. Tôi bới trong đám mùn gỗ tìm được con cào cào thắt bằng lá cau. Đôi dép râu mòn vẹt gót. Lưỡi cuốc cong vằm. Băng cát xét mang lời hiệu triệu. Chừng này là chừng này thôi, có là gì không nhỉ. Có đủ là tang chứng không. Nhưng còn cái mũ tai bèo đội khi về thành nữa. Cái mũ tai bèo có mảnh vải đỏ thêu hàng chữ vàng “Cõi lang lang” bị nhòe đi vì ngâm lâu trong nước thời gian.

Tên đồ tể trong bộ áo quần dầu mỡ đứng sau lưng tôi sợ hãi kêu lên: “Cái mũ tai bèo!”. Hắn ôm đầu ngồi bệt xuống nền đất. Cơn đau làm miệng hắn mếu xệch đi. “Cái mũ của Wei Wi”.

“Không, cái mũ của chính anh. Và con dao chặt cá này nữa”. Tôi ném con dao sắc xuống nền nhà. Nó nhảy nhổm trên nền gỗ, để lại một vệt chém thô kệch. “Không thể dùng dao chặt cá để băm vằm quá khứ, cái giá phải trả rất khủng khiếp”.

Khuôn mặt kẻ mất trí hóa ra đờ đẫn. “Cái giá cho tội phản bội”. Hắn loạng choạng đi xuồng cầu thang, lần từng bước ra cửa.

*

Nước trong leo lẻo và tĩnh lặng. Gã đàn ông đứng bên mép hồ nhìn xuống mấy cái ngón chân đã bắt đầu trắng bệt. Tôi ngồi lên ghế xe lăn, thong thả ngắm lá mận bay trong thế giới xa mù. Trên tay tôi, cánh én thương tật bay lên từ những cội mai vàng đổ ngả. Thời gian vô thường trôi đi. Dâm dục, giết chóc, tục tằn, ma quỷ, lừa mị rồi tan như sương khói. Khoảng sân chơi trẻ em của thằng bé cũng phải trả lại cho nó. Tôi bấm nút khởi động màn hình iPad. Tín hiệu kết nối màu xanh nhấp nháy. Gã đàn ông kêu lên tuyệt vọng:

“Khoan đã. Anh không thể nhảy xổ qua hàng rào để đảo lộn mọi thứ và chiếm đoạt cái tôi như thế. Một chút không gian còn lại này, ít ra, là của tôi”.

Thằng người bé nhỏ mang vác một đống tham vọng điên cuồng. Hắn cứ khăng khăng, bằng mọi giá, đòi cho mình một đoạn kết. Đoạn kết của bên thắng cuộc. Niềm tự hào của những tên đồ tể. Gió từ phía sau vẫn thổi đến, mang mùi nắng lửa. Những vấn đề từng được thảo luận trên diễn đàn đã không mang lại một suy nghĩ nào khác, cho những kẻ lăm lăm dao chặt cá. Văn chương chẳng phải vì kết cuộc, văn chương chỉ đặt ra vấn đề.

“Khi đội kỵ binh thúc ngựa rời khỏi đầm lầy, hắn vẫn ghìm cương nán lại, nhìn lần cuối mặt nước câm lặng. Sứ mệnh thanh trừng trước khi rút quân đã không để lại một tên nhân chứng sống sót nào. Ánh mắt hắn đột nhiên dừng lại trên cánh tay đeo chiếc vòng đúc hình cánh én. Bọn tội nhân đã bị cột dính chùm vào nhau trước khi đẩy xuống đầm. Giờ đây, không biết bằng cách nào, cánh tay đấy lại ló lên khỏi mặt nước, vùng vẫy như muốn bay lên. Hắn phi ngựa đến, lạnh lùng vung dao lên lần cuối. Chiếc vòng bạc rơi tõm xuống vùng nước đỏ ối. Đấy là bàn tay hắn đã từng kính cẩn cầm lấy, gọi người là môn sư”.

Nắng chiều nhuộm tím ngàn lau. Giữa đầm nước mảnh vải đỏ thêu hàng chữ vàng chìm dần trong vùng không chứng cứ.

Berlin, tháng 8 – 2014

Comments are closed.