Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 224): Hồ Trường An (kỳ 4)

LỚP SÓNG PHẾ HƯNG

Chương 4

Sáu Quyên, trước khi ra về còn căn dặn bà Bếp Luông:
– Bác cứ tính phứt đi, để lâu ngày rồi có kẻ xỏ xiên làm lỡ duyên con Năm mà tội nghiệp nó.

Bà Bếp Luông buồn bực:
– Thôi được, để vài ngày rồi tui trả lời cô, nghen cô Sáu.
Bên Tám Kiệt đã nhờ Sáu Quyên thúc giục bà Bếp Luông cho phép làm lễ hỏi Năm Nhan cho Tám Kiệt. Bà Bếp Luông sợ hai cô con gái lớn của mình buồn vì nỗi em gái họ gặp duyên may trước họ. Bà phải bàn bạc với Hai Cường mới được. Bà cầm gói trà hiệu con cua xanh, đặt vào giỏ xách của Sáu Quyên, hỏi:
– Tui phải nói cách nào cho hai con lớn hiểu đây?
Sáu Quyên nói:
– Thì bác cứ nói huỵt toẹt với con Ba, con Tư cho rồi. Tụi nó thương con Năm, chắc tụi nó không buồn, không ganh ghét với con Năm đâu mà bác sợ.
– Hay là tui bàn với thằng Hai coi nó tính thế nào?
Sáu Quyên têm cho mình miếng trầu, nhai nhóc nhách:
– Ôi, nó cà ngơ, cà ngất, biết khỉ gì, bác ơi!
– Cô ghét nó, cô chê nó, chớ nó cũng khá lắm.
Sáu Quyên vẫn cười:
– Ừ, thôi thì sao cũng được. Biết đâu gặp giờ linh, nó nghĩ mưu chước hay, giúp bác… gỡ rối. Tuy nói vậy, chớ cái thằng đó… rắn mắt lắm. Nó mà nhúng tay vào chuyện gì thì hư bột hư đường ráo trọi.
Sáu Quyên ngoe nguẩy ra về, miệng vẫn nhai trầu. Răng Sáu Quyên trắng trong, lâu lâu chị ta nhai trầu để cho răng thêm chắc. Chị ta thường nói với lối xóm là dòng họ chị ai cũng bị hư răng sớm. Ăn trầu cũng là cách bảo vệ răng. Nhưng đôi khi, chợt bắt gặp nỗi buồn nhè nhẹ, hiu hiu như ngọn gió thoảng, Sáu Quyên vẫn nhai trầu, để cho cái buồn thấm đượm hơn, nên thơ hơn.
Chiều chiều, buồn miệng nhai trầu
Nhớ người quân tử bên cầu thẩn thơ

Sáu Quyên về bên nhà, trời chạng vạng tối. Chị ta thấy đèn lên rồi nằm trên võng tòn teng đu đưa nhè nhẹ. Muỗi lởn vởn trong bóng tối. Con mèo mun nhảy phóc lên lòng chị, rù rù, nhõng nhẽo với chị. Ngoài song đan hình mặt cáo, con trăng lưỡi liềm vàng ẻo dán lên nền trời chàm thẫm. Dưới sông, xuồng bán bánh lọt trôi qua, tiếng rao lảnh lót trong sương.
Buồn! Sáu Quyên thở khì một cái. Hôm nay không hiểu mắc mớ gì mà mình buồn quá đỗi, buồn đậm, buồn dã dượi như vậy? Chị tự than thầm. Miếng trầu nồng nàn trong miệng còn đó, chị nhai tới nhai lui, như mơn man nỗi buồn kia.
– Chị Sáu có ở nhà không?
Tiếng Tư Diễm gọi eo éo ở ngoài ngõ. Con chó Vện nhảy ra sủa gâu gâu. Sáu Quyên ngồi dậy, xỏ chân vào guốc, chạy ra cổng:
– Việc gì hử, Tư?
Tư Diễm nói:
– Tối nay rảnh rang, qua đây nói chuyện khào với chị, cho đỡ buồn. Được không?
Sáu Quyên nguýt:
– Con nầy kỳ cục. Mầy tới đây, không lẽ chị Sáu mầy đuổi mầy về hay sao?
Sáu Quyên mừng quýnh. Chị tưởng đâu tối nay mình vừa đưa võng, vừa suy nghĩ việc mông lung cho tới giờ đi ngủ. Dè đâu, trời xui Tư Diễm tới đây nói chuyện khào để chị có dịp khuây khỏa. Chị niềm nở:
– Vào chơi, Tư. Vào đây ăn kẹo gừng, ăn thèo lèo rồi nói chuyện đời chơi, Tư. Khuya, có đói bụng, mình nấu cháo ăn với trứng vịt muối.
Trong mấy đứa con gaí bà Bếp Luông, Sáu Quyên có vẻ lợt lạt với Tư Diễm. Con nhỏ nầy hà tiện, hay câu chấp, ưa nói soi bói thiên hạ. Vậy mà, tối nay gặp ả, chị lại mừng, vì chị còn có người tâm sự.
Tư Diễm vào nhà, nằm lăn trên bộ ván gõ, báo tin:
– Chị nên sửa soạn quần áo, tiền bạc lần đi là vừa.
Sáu Quyên hỏi:
– Để làm giống gì? Để đi coi hát bội pha cải lương ở ngoài chợ Vàm Xáng chớ để làm giống gì?
Sáu Quyên có vẻ ngẫm nghĩ:
– Tao lớn tuổi rồi, coi hát đâu còn thú vị gì nữa.
– Em bảo đảm với chị, gánh Rương Vàng nầy mà hát tuồng “Thạch Sanh Lý Thông” thì khỏi chê đó chị. Kép năm Tình mà đóng vai Thạch Sanh làm lụy thục nữ chết chùm, chết cụm, chớ đừng có… chót chét à.
Sáu Quyên châu mày:
– Tao đã quá tuổi mê hát xướng rồi Tư à. Giờ đây, tao thui thủi có một mình.Tối tối, tao sợ ăn trộm đào hầm, khoét vách; tao lại còn lo lỡ đau ốm, không ai nhờ cậy. Bởi vậy, tao tính bỏ cuộc đất nầy, tới xứ khác kiếm chồng làm ăn…
Tư Diễm chưng hửng:
– Đi đâu? Ở đây, chị mần ăn cũng dễ… thở, cũng có xu tiền rủng rẻng như ai. Cực có một nỗi là lâu lâu chị phải bơi xuồng ra chợ Vàm Xáng bổ hàng, vậy thôi.
Hai người không ai nói với ai nữa, mỗi người đeo đuổi một ý tưởng riêng. Con chó Vện rượt con rắn mối ở ngoài mái hiên rồi chạy vút qua sân trước. Đêm sôi ran tiếng dế, tiếng côn trùng. Sáu Quyên lấy cái dĩa sành đựng thèo lèo và kẹo gừng ra mời Tư Diễm. Tư Diễm chọn một miếng kẹo gừng, rồi nghĩ tới câu hát:
Tình ta như quế với gừng
Mai kia cách trở xin đừng quên nhau

Miếng kẹo nhai trong miệng của Tư Diễm bỗng trở ngọt đậm và nồng đượm khác thường. Nàng chợt nhớ tới Tám Kiệt, lòng thoáng buồn. Chàng đã mê chị của nàng rồi, nhưng sao không cậy mai mối gì đến đây? Hay là chàng chỉ hò giải khuây trong khi lòng chàng đã gởi trọn cho một cô gái ở vùng khác? Một tháng trôi qua, Tám Kiệt chưa đến vùng nầy. Chàng giỡn nàng như thỏ giỡn trăng. Chàng ghẹo Ba KIểm như chồn ghẹo bóng. Nhiều khi nàng muốn quên Tám Kiệt, nhưng mà dễ có quên được đâu. Lòng nàng sắt son thắm thiết chớ đâu như lòng chị của nàng.
Thời tiết về đêm nực nội. Bỗng ở xẻo nước bên kia sông có tiếng lõm bõm. Rồi tiếng hát cất lên:
Nè em Tiên Bửu ơi,
Nhớ em chưa ăn xôi mà anh như gặp hồi no bụng
Chưa ăn bún mà anh cũng no hơi
Thương em quên đứng, quên ngồi
Ngứa đầu quên gãi, đứt ruột dồi quên đau.

Đang lúc buồn cho thân phận cô đơn, Sáu Quyên không còn hứng thú để chửi Hai Cường nữa. Tiếng hát ve vãn kia vụt làm chị hơi ghét ghét cái anh chàng trai tơ kia. Vào đêm trăng tỏ, câu hò mới gợi cho chị thêm tình cảm lai láng. Đàng nầy, đêm nay trăng lu và chị đang lo ra… Sáu Quyên thì thầm với Tư Diễm:
– Cái thằng mắc dịch đang tắm bên kia xẻo đó. Đêm nay, tao chơi ác, nín thinh làm nó tẽn tò… cho bỏ ghét.
Và chị hạ tấm phên xuống.Tiếng hò của Hai Cường lại vang lên:
Tiên Bửu ôi! Tiên Bửu ôi!
Nhớ em qua nấu cháo bồi
Kho ơ cá bống, hâm nồi canh khoai.

Không thấy Sáu Quyên ừ hử gì ráo trọi, Hai Cường gân cổ lên réo: “Bớ em Tiên Bửu có biết hay không?”. Sáu Quyên và Tư Diễm ôm nhau cười, nhưng không dám cười lớn. Cả hai cười khẹc khẹc trong cuống họng, và mồ hôi họ vã ra. Bên xẻo im tiếng lõm bõm, tiếng của nước bị khuấy. Sáu Quyên nói:
– Nó thôi tắm rồi. Khi mầy về, nhớ nói với thằng mắc dịch đó rằng đêm nay trăng lu, tao chửi không có sưóng miệng, nghe không?
Tư Diễm cười:
– Ảnh mê chị thiệt mà. Tại chị không tìm hiểu ảnh đó thôi.
– Mầy nói niếc. Tao già rồi, lại trải qua một đời chồng, nó đâu thèm ngó tới tao. Nó mê con Cấm Dục bên Sóc Thổ.
Tư Diễm ngẫm nghĩ:
– Tụi Ba Tàu không gả con cho người mình đâu chị. Em nghe nói con Cấm Dục sắp lấy chồng Tàu ở Vàm Xáng.
Sáu Quyên tò mò:
– Thằng Hai Cường nghe tin đó chưa? Nó… có buồn không Tư?
– Chẳng thấy ảnh tỏ vẻ gì hết. Ối, ảnh chỉ thầm yêu trộm nhớ con Xẩm đó, chớ đâu dám tiến xa.
Sáu Quyên không biết nói sao hơn. Chị nhìn ngọn đèn Huê Kỳ bỗng ré lên:
– Chèn ơi, đèn trổ bông kìa Tư.
Ngọn đèn phừng lên túa ra từng tia sáng nhỏ, reo tí tách. Điềm lành! Sáu Quyên và Tư Diễm ngó nhau. Sáu Quyên hò:
Thứ nhứt đom đóm vô nhà
Thứ hai chuột rút, thứ ba hoa đèn…
Rồi đây bèo lại gặp sen
Con gà tử mị sánh chen phụng hoàng.

Tiến hò Sáu Quyên hay quá đỗi, ngọt và ngát lịm, cuối câu đổ hột lăn tăn… Tư Diễm chắc lưỡi hít hà:
– Chị hò hay lắm!
Sáu Quyên cười phơi phới:
– Tao còn biết ca vọng cổ nữa Tư à. Tao mà bắt Nam Xuân qua Nam Ai thì anh hùng phải són đái, chớ đừng có giỡn…
– Bởi vậy anh Hai em mới mê chị.

– Nó mê là quyền của nó. Còn chịu hay không là tao đây.
– Mà hình như chị cũng khoái ảnh nữa.

Sáu Quyên đỏ mặt. May mà nhờ bóng tranh tối tranh sáng nên Tư Diễm không thấy vẻ hổ ngươi của chị. Sáu Quyên đánh trống lảng:
– Tao nấu cháo trắng, luộc trứng vịt muối nghen Tư.
– Ừ, khuya, biết đâu chị em mình đói bụng.
Sáu Quyên bước xuống võng, xỏ chân vào guốc, rồi bới đầu. Chị hò:
– Như thiếp goá chồng, biết có bền lòng thủ tiết? Gẫm thân đơn chiếc, tuế nguyệt buồn hiu… Nghe nói chàng mua tấm gấm hồng điều; xin cho thiếp phụng vẽ rồng thêu bớ chàng.
Bỗng bên xẻo có tiếng hò:
Tiên Bửu em ôi, em goá chồng, má hồng hực hỡ… Trời xui anh gặp gỡ, như đem mỡ đút miệng mèo. Bưởi gai anh cũng quyết trèo, hường gai anh cũng quyết hái, hiểm nghèo anh vượt qua.
Sáu Quyên thất sắc, nín khe. Tư Diễm nói:
– Tưởng ảnh về nhà, dè đâu…
Sáu Quyên chúm chím cười rủa nhỏ:
– Thằng ôn hoàng dịch lệ!
Tư Diễm xúi:
– Hò lại đi chị.
– Tao đã nói, đêm nay trăng lu, sương mù đầy bịt, hò đối đáp không hay, chửi thằng Hai Cường không sướng miệng. Tao hẹn với mầy đêm rằm tới, tao hát cải lương, tao hò huê tình mùi mẫn thâm kim lắm Tư à.
Tối nay không được nghe tiếng chửi của Sáu Quyên, Hai Cường vừa buồn vừa giận. Chàng men theo con đường đất lượn theo dòng rạch để đến Xóm Dưới. Ở đó, nghe nói nhà bà Bảy Hương có tổ chức buổi tụng kinh Dược Sư. Nghe nói, có nhiều cô gái ở Cầu Đúc Cái Xình đến nghe, có luôn cả cô Chín Điều, con gái ông Hương Quả Đăng nữa.
Trong những ngày gần đây, Hai Cường chợt thấy ở Sáu Quyên có một hấp lực càng lúc càng làm cho chàng phải bần thần suy nghĩ. Hai Cường mỗi khi đi ngang qua nhà thím Bảy Cá Trê, thường bị thím chọc:
Trai tơ lấy gái goá chồng
Như mua nồi đồng đem nấu cám heo

Hai Cường đâu phải vừa hò lại:
Trai tơ lấy góa gái chồng
Như mua nồi đồng nấu xôi nếp tóc

Nếp tóc là một thứ nếp trong ngọc trắng ngà, nhỏ mứt, tuy không bằng sợi tóc, nhưng hột suôn và dài, không giã bằng chày mà được giã bằng khúc cây dài và tròn để hột nếp không nát. Nồi đồng mà nấu cám heo thì uổng thiệt. Nồi đồng mà nấu xôi nếp tóc mới xứng đáng cho chớ. Hai Cường được ăn xôi nếp tóc vài lần, hồi ông Bếp còn sanh tiền. Xôi này chấm với muối mè ăn cũng đủ ngon rồi, huống chi ăn kèm với tôm trứng chấy, hoặc cá bống trứng kho tiêu, hay cá dồng kho hành.
Thím Bảy Cá Trê lại đổi câu hò, và đổi kẻ để mình xỏ xiên. Một hôm Sáu Quyên giặt quần áo ở cầu nhủi, thím bơi xuồng ngang qua hò liền:
Trai tơ lấy gái goá chồng
Như vũng nước trong, quậy bùn nổi đục.

Sáu Quyên đợi Thím Bảy bơi xuồng đi khá xa, liền hò:
Trai tơ lấy gái goá chồng
Như vũng nước trong đem trồng sen ấu

Ðể chọc tức, chị gồng hết cổ, hò thật to như hét vào tai mụ ngồi lê đôi mách:
Tui liều, tui thử một phen
Bứng sen Tây Vức, nhổ sen Phù Cừ.

Sen Tây Vức màu hồng, sen Phù Cừ màu trắng, đều là thứ sen có phẩm chất thanh cao. Thím Bảy Cá Trê nghe vậy tức lắm. Và càng tức hơn, trong một lần khác, thím bị Sáu Quyên bồi thêm hai câu nhắc nhở cái màu da xanh xao của hai cô con gái thím:
Má ôi, con má phá thai
Nước da tái mét, trong ngoài đều hay.

Từ đó, thím Bảy Cá Trê như bị khớp họng. Thím lỡ chọc con Sáu La Sát ở Vịnh Trà Bay trôi nổi qua đây, có một lai lịch huyền hoặc, trinh không ra trinh, dâm không ra dâm, hỗn dữ vô cùng.
Hai Cường thường nghe một mụ lối xóm xầm xì rằng chàng mê Sáu Quyên. Chàng không hề đề ý. Chàng chỉ biết một điều là Sáu Quyên có vẻ thị thành, trội hẳn phụ nữ vùng nầy. Chị ta thích mặc áo xẩm, đeo vòng huyền, đeo vòng ngọc thạch, đôi lúc bới đầu lèo, phơi bầy cái ót trắng nõn. Chị ta còn tỉa mày cong vòng và nhỏ rí như sợi chỉ… Chị ta nói thơ hay, kể chuyện lôi cuốn, chửi lộn có vần, có kệ, có vân, có vi, hay quá xá.
Hai Cường là trai hai mươi tuổi, đầu óc luôn tưởng đến chuyện ái ân. Thỉnh thoảng, chàng lén ra chợ Vàm Xáng, theo lũ bạn chơi bời. Chàng thích mẫu người đàn bà gợi tình và đầy kinh nghiệm như Sáu Quyên. Song từ khi gặp Cấm Dục, chàng yên chí mình yêu cô ta, nên chỉ nghĩ rằng mình thèm muốn ái ân với Sáu Quyên, ôm ấp chị cho thỏa lòng khao khát dục tình, chớ không nghĩ tới chuyện xây dựng lứa đôi với chị.
Chân bước trong bóng đêm mực xạ, Hai Cường bồi hồi tức giận Sáu Quyên, dù chàng tự biết như vậy là vô lý. Chị ta có hứa hẹn khi chàng hò là phải xổ ra chửi bao giờ đâu? Tuy nhiên, đêm nay chàng bỗng dưng hứng thú muốn tìm đôi chút kích thích vậy mà Sáu Quyên không hưởng ứng, làm chàng bẽ bàng, hụt hẫng.
Cũng như vào mỗi tối tạnh trời khác, nhà bà Bảy Hương đông đảo, tuy Hai Cầu, Ba Khẩn vắng mặt. Khách gồm Năm Kỳ Phụng, Sáu Thoại, Bảy Tường, Chín Ích, Mười Thọ, Hai Thạnh, chú Bảy Cá Trê. Họ ngồi ở chiếc bàn dài, có trà bánh. Bà Bảy Hương ngồi với lũ cháu nội ở bộ ván gõ kế bên. Hai nàng dâu của bà lăng xăng lo châm trà, nấu nước.
Không có vụ tụng kinh. Ðàn bà, con gái không có ai ngoài gia đình bà Bảy Hương. Hai Cường được mời ngồi chung bàn với thầy Năm Kỳ Phụng. Té ra, họ đang thảo luận về vụ mở trường học và xây cất phòng phát thuốc và trị bịnh cứu cấp. Hai Cường, từ bấy lâu nay, không mấy quan tâm về việc làm của thầy Năm Kỳ Phụng. Chàng hơi ngạc nhiên là tại sao họ dư công rỗi việc làm những việc tào lao, ăn cơm nhà vác ngà voi thiên hạ như vậy? Tuy nghĩ vậy thôi, nhưng trong thâm tâm chàng biết mình chỉ nghĩ tới mình quá nhiều. Nhưng biết sao hơn. Chàng đã quen nếp sống vị kỷ từ bao lâu rồi. Chung quanh chàng, ai cũng như chàng cả. Thầy Năm Kỳ Phụng từ đâu tới đây, làm đảo lộn nhịp sống ở đây ít nhiều. Chàng vừa phục, vừa ghét. Từ lâu đứng trước mặt họ, chàng lại có mặc cảm, nên chàng thường lánh mặt họ luôn.
Thầy Năm Kỳ Phụng chìa gói thuốc Mélia xanh, mời Hai Cường hút và rót trà mời chàng. Thầy bảo:
– Đám dừa nước của anh đã mọc vừa cao vừa rậm. Chẳng hay anh có ý định đốn để bán cho trại không, anh Hai?
Hai Cường nói:
– Tôi cũng không có ý định đốn dừa. Nhưng nếu thầy muốn mua thì tôi sẽ để lại cho.
Bà Bảy Hương xen vào:
– Thầy Năm dự định cất phòng phát thuốc và giúp cho Năm Ưởng cùng Tám Trình sửa nhà lại. Vách thì bện bằng lá xé, nên hao lá lắm. Bác e lá dừa nước của thằng Hai không kịp thế lá treo trong trại đâu.
Hai Cường nói:
– Chị Năm Cái Răng biết nhiều chỗ bán dừa nước. Bác và thầy đây chớ lo. Xứ nầy mà lo thiếu lá chầm nỗi gì?
Bà Bảy Hương nói:
– Mày nói niếc. Lá trong trại còn phải để dành bán chớ. Còn lá sau khi róc ra mình phải ủ cho nó chín đỏ. Lá có chín đỏ mới dẻo, mới dễ chầm. Bộ mầy tưởng mới ủ lá là có lá chín đỏ liền hay sao?
Sáu Thoại sau một phút tính toán bằng cách lấy cây bút chì viết viết, xoá xoá trên tờ giấy trắng, bảo mọi người:
– Tôi có ý định như vầy. Trường học, phòng phát thuốc và nhà anh Năm, anh Tám phải có vách tô bằng bùn trộn với rơm, có khoét cửa sổ rộng, khung cửa sổ bằng cây. Nền đất phải cao ráo, có đá ong tấn chung quanh thềm. Vách bùn trộn rơm nếu khéo tô cũng mỹ thuật lắm. Bàn ghế đã có Chín Ích và Mười Thọ. May màn cửa sổ, trang hoàng đã có Hai Lý, Ba Đào.
Sáu Thoại lấy tờ giấy đã ghi những thứ cần dùng ra đọc, trong đó có ghi luôn giá tiền chi phí. Thầy Năm lắng tai nghe, mặt thanh thản, thỉnh thoảng thầy gật đầu. Chín Ích còn cho biết là hai vũng nước sình ở nhà Năm Ưởng cần phải khai thông, vì đó là nước tù dễ sinh nhiều muỗi. Bảy Tường cho rằng, hai chiếc vũng đó ở gần cái gò và chỉ cần lấy đất ở gò lấp vũng cho bằng là xong. Thầy Năm nói:
– Hai cái vũng đó ở sát lẫn nhau, nên khoét làm cái ao lớn để nuôi cá, hoặc cắm chà gầy chỗ nhử tôm. Ở gần cái đầm nước, chỉ cần xẻ một lạch nước nhỏ là có thể khai thông ao.
Bảy Tường đề nghị phải đào hố chứa phân cho Tám Trình vì anh ta cất cầu tiêu bên rạch Hóc Hỏa, như thế không hạp vệ sinh. Thầy Năm nói:
– Cuối vườn anh Tám có chỗ đất trống, có thể đào hầm chứa phân. Chỉ cần vài tấm ván là mình có thể làm cầu tiêu có nắp đậy để tránh ruồi lằng.
Bà Bảy Hương chăm chú nghe lời bàn tán của đám đàn ông. Thỉnh thoảng bà vừa nhai trầu, vừa xen vào bàn tán sôi nổi. Hai Cường cảm thấy mình thừa thãi. Nhưng không lẽ chàng vội kiếu từ ra về liền. Thầy Năm Kỳ Phụng luôn luôn ghép chàng vào câu chuyện. Chàng gượng gạo trả lời, giọng cố làm ra vẻ thản nhiên. Bà Bảy Hương nhắc mọi người cuối tháng nầy, phải tổ chức một ngày đi thăm những người đau ốm vừa được chữa bịnh. Thầy Năm Kỳ Phụng đề nghị với Hai Cường:
– Anh Hai, nếu anh có rảnh, xin tháp tùng đi chơi với tụi nầy đi. Ði đây, đi đó tâm trí cũng được thảnh thơi.
Hai Cường ấp úng:
– Tôi… không biết… từ đây tới cuối tháng, tôi có… rảnh không nữa.
Bà Bảy Hương nói:
– Tui cũng muốn bọn mình qua thăm Sóc Thổ, từ đây tới Tết, nếu có rảnh rang thằng Hai chắc biết rành bên Sóc Thổ hơn ai hết.
Chú Bảy Cá Trê cười hề hề:
– Thằng Hai Cường chỉ biết rành nhà con Cấm Dục mà thôi.
Mọi người cười rộ. Dẫu biết lời đùa không ác ý gì, nhưng vì đang tức Sáu Quyên sẵn, nên Hai Cường xụ mặt. Tuy vậy, mấy người ở đây vì đeo đuổi kế hoạch của họ nên không để ý đến thái độ của Hai Cường làm gì.
Hai Cường để ý lúc nầy Út Biên cũng thậm thụt đi lại nhóm thầy trò của thầy Năm Kỳ Phụng. Nhưng chàng không có lý do gì trách em cả. Út siêng năng trong mọi việc, không đợi chàng nhắc nhở lần thứ hai một việc mà chàng đã giao phó cho Út. Út không chính thức gia nhập vào nhóm cải cách của thầy Năm, nhưng Út vẫn phụ họ cất nhà, đào ao, vét mương. Bà Bếp Luông, vốn kính nể bà Bảy Hương thường nói với lũ con:
– Giúp đỡ người ngoài cũng là cách làm phước.
Nói vậy, nhưng bà chưa hề đến nấu cơm, pha trà cho họ khi họ dựng nhà, đào đất… chỉ có một lần, bà cho họ một chục trái dưa leo, gọi là ăn lấy thảo.
Hai Cường hôm nay làm gì cũng bị lỡ bộ ráo trọi. Chọc Sáu Quyên, Sáu Quyên không thèm chửi, xuống Xóm Dưới nầy kiếm gái, lại gặp cuộc họp. Chàng thấy sự hiện diện của mình càng lúc càng trơ, liền nhìn ra ngoài nói:
– Trời đang nổi dông!
Không ai nói gì, thành ra lời của chàng càng trơ hơn, lạc lõng một cách tội nghiệp. Chàng đứng dậy nói với bà Bảy và mọi người:
– Thưa bác Bảy, cháu phải về. Xin kiếu bà con.
Chàng cúi đầu chào toàn thể, khép nép bước ra hàng ba. Gió mát làm chàng nhẹ người. Chàng lầm lũi về nhà. Ngang qua nhà Sáu Quyên, chàng còn nghe tiếng cười hăng hắc của chị ta và của Tư Diễm. Chàng tự bảo:
– Mụ làm bộ làm tịch. Từ đây, ta không thèm chọc mụ nữa.
Cùng với ý nghĩ trên, Hai Cường cảm thấy mình giống như đứa con nít hờn dỗi với mẹ. Chàng càng bực mình. Chi bằng về nhà, chàng ngủ một giấc cho đến sáng trắng, và chàng sẽ quên hết nổi bực mình trọn buổi tối hôm nay.
Hai Cường thầm biết dân cuộc đất nầy sẽ khá. Phần nhiều họ khỏi làm ruộng mướn, và họ tự tay đốn tràm, khai hoang khẩn đất. Thầy Năm Kỳ Phụng tuy là điền chủ, nhưng đất thầy ở Vịnh Chèo, ở miệt Cầu Ðúc Cái Xình, và đất ở đây chẳng được bao nhiêu. Thầy sống cuộc đời khiêm tốn, giản dị, nới tay cho tá điền, tá thổ của mình và giúp đỡ họ hết lòng. Nếu kể về huê lợi, thâỳ chẳng có nhiều. Nhưng thầy là tay nhà giàu lâu đời, có nhiều phần hùn trong các hãng, các công ty ở Sài Gòn. Chỉ tiếc một điều là dân ở đây lười biếng, ưa nhậu nhẹt, bài bạc, ưa lên đồng, lên bóng và tốn rất nhiều tiền trong việc thờ phụng các tà thần, nên khó gầy dựng cơ nghiệp được.
Thầy Năm Kỳ Phụng đến đây, khuyến khích họ canh tác, trồng thêm hoa màu phụ sau mùa lúa. Hai Cầu, Ba Khẩn sau mùa lúa lại đi buôn bán trên sóng nước. Chú Bảy Cá Trê sau mùa lúa đi xuống Cà Mau, Chắc Băng để làm mắm, xẻ khô.
Hôm nay, Hai Cường mới thấy được một vài sự thay đổi ở nhà bà Bảy Hương. Bà đi guốc vông, mặc áo lụa mát, chải tóc cẩn thận, ăn trầu vén khéo. Nhà cửa bà ngăn nắp, bàn thờ chất đầy bông trái, đồ thờ, bàn ghế được lau chùi bóng lộn, màn vải bông tuy cũ nhưng được giặt sạch sẽ. Hai nàng dâu của bà cũng đi guốc, mặc áo quần tuy cũ nhưng tươm tất, tóc họ láng mưót, mặt họ sáng rỡ. Mấy đứa cháu nội của bà cũng ăn mặc sạch sẽ, móng tay cắt cụt, chân đi guốc nhỏ khua lóc cóc. Nếp sống mới sẽ ra sao, chàng chưa nghĩ tới. Nhưng ở giữa một căn nhà khang trang, bày biện gọn gàng và mỹ thuật, giữa những người biết giữ hàm răng và quần áo sạch sẽ và thơm tho, chàng cảm thấy dễ chịu, khỏe khoắn rồi. Bà Bếp Luông, mẹ của chàng, tuy có hàm răng sạch vì ưa lấy xác cau để chà răng, nhưng trông bà lam lũ, luộm thuộm hơn bà Bảy Hương. Bà Bảy Hương cũng làm vườn, tay cũng vọc đất bùn. Vậy mà vào mỗi tối, hoặc khi đi đâu, bà ta cũng gây cho mọi người chung quanh một cảm giác nhẹ nhàng, thơ thới ở cách ăn mặc.
Ðêm đó, mảng suy nghĩ về nhóm thầy trò thầy Năm Kỳ Phụng, Hai Cường thao thức cho tới canh ba. Nếp sống mới mà thầy Năm hô hào, cổ võ dân quê không còn làm chàng khinh lờn như trước kia. Chàng tuy vẫn giữ lập trường ác cảm với thầy, nhưng chàng đã thấy rõ thầy đã gây một ảnh hưởng lớn cho dân vùng nầy. Riêng đối với chàng, dầu sao một con người được lột xác trong nếp sống mới vẫn có một cái gì thảnh thơi, khỏe mạnh hơn.
Ba Kiểm cứ soạn tới soạn lui mấy chiếc áo vải bông mới. Tháng vừa rồi, nàng may thêm chiếc áo vải phin trắng và chiếc quần sa teng. Ðây là hai thứ vải hạng sang, tuy không có màu mè hực hỡ. Nàng đặt tay lên vóc sa teng mịn mát. Nàng ngắm nghía vóc phin mỏng và mềm mại. Mặc hai thứ nầy thì phải chải đầu cho láng, xức thêm dầu bông lài, rồi phải lấy xác cau đánh răng cho trắng trong như hột dưa leo, rồi đi đôi guốc sơn đen, thì đố khỏi anh hùng, quân tử nào mà chẳng sa, chẳng lụy?
Ba Kiểm đặt hai phiến long não vào rương để cho quần áo thơm ngát và đề phòng lũ gián. Nàng uống vặn mình cho xương sống đỡ mỏi rồi rời khỏi căn buồng gói, đi xuống nhà bếp. Năm Nhan đã có mặt ở đó. Cô ta mặc chiếc áo túi màu mắm ruốc lợt, quần lãnh đen. Tuy quần áo đã cũ, chiếc áo lại có vá một miếng vải đồng màu ở chả vai, nhưng Ba Kiểm vẫn thấy cô em khờ khạo của mình gọn ghẽ, sạch mát. Năm Nhan đang kho mắm để ăn với rau sống xắt ghém. Mùi mắm sặc thơm lừng. Rổ rau sống gồm có rau dừa non, cọng rau súng, rau mát, rau đắng biển, rau muống, thứ nào thứ nấy tươi trong, xanh nõn xanh nà. Chỉ thấy rổ rau thôi cũng đủ ngon mắt rồi.
Hôm nay Hai Cường theo mẹ chở khoai mỡ, khoai môn, khoai từ ra bán ở chợ Vàm Xáng. Út Biên đang đánh vồng gieo hột ở ngoài rẫy. Còn con quỉ Tư Diễm thì lấy cớ đang kỳ hành kinh, đi dạo xóm… Sáng hôm nay, Ba Kiểm phải ở nhà để xay bột rồi làm hai tảng bánh đúc, một mớ bánh cúng, bánh cấp để cúng chùa.
Ba Kiểm hỏi em:
– Mầy vừa mới tắm, hả Nhan?
Năm Nhan ngước nhìn chị:
– Em vừa giã gạo, mình mẩy ngứa xót, phải tắm cái đã. Thằng Út vừa hái lá ngũ trảo, cỏ cú, lá sả… cho chị em mình nấu nước tắm rửa, gội đầu.
– Ừ, tao cũng phải gội đầu, tắm rửa bằng nước hương nhu trước khi sửa soạn đi chùa.
Mắt Ba Kiểm rà từ trên đầu xuống gót chân Năm Nhan. Ừ, nó cũng đẹp. Con nầy thâm trầm chớ không phải khù khờ như mình tưởng đâu. Mà cũng lạ, lóng rày Năm Nhan ăn mặc tươm tất hơn chầu xưa, tuy cô ả ăn diện kín đáo, nhưng sao lọt khỏi cặp mắt nàng?
Lúc nào Ba Kiểm và Tư Diễm cũng thương Năm Nhan, nhưng họ không bao giờ đặt Năm Nhan lên hàng đối thủ với mình về nhan sắc và về sự xử thế, ngoại giao.
Sáng hôm nay, Ba Kiểm lại náo nức. Mốt đây, gánh Rương Vàng sẽ đến Vàm Xáng trình diễn một tuần. Nàng đã coi gánh nầy vào dịp Tết năm ngoái. Bửu Châu, kép chánh trong gánh mà thủ vai Triệu Tử Long trong vở tuồng “Triệt giang phò A Ðẩu” mùi, diễn giỏi. Nàng đã từng mê hắn qua các vai kép hùng trên sân khấu nào là La Thành, Tiết Giao, Ðịch Thanh, Ðịch Luông, Cao Tôn Bảo, Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Hắn bước ra sân khấu như đem lại một vầng hào quang mê hoặc. Tiếng ca của hắn khi cất lên như chuông, thổi vào tâm hồn nàng biết bao mộng ước, biết bao ảo tưởng lộng lẫy.
Ba Kiểm đã từng mê các đào hát. Ông Hương Quản Ðiền ở chợ Vàm Xáng, một hôm nghe nàng hò đã từng ngỏ ý:
– Giọng cháu hay lắm, tốt lắm. Nếu cháu chịu khó tập nhạc cải lương, bác sẽ chỉ biểu cho. Rồi đó, bác sẽ đưa cháu vào gánh hát, bất kỳ gánh Rương Ðen hay Rương Vàng, gánh Bầu Xanh hay Bầu Ðỏ.
Ừ, nàng cũng có thể làm đào lắm chớ. Nàng có sắc vóc, chỉ cần luyện ca, chịu khó học hỏi diễn xuất thì lo gì không có một cương vị trong giới hát bội pha cải lương?
Ba Kiểm từ hôm qua tới nay, mảng háo hức về vụ xem hát, hầu như quên Tám Kiệt. Kép Bửu Châu há không được gái quê mê như bị bỏ bùa hay sao? Nàng chỉ cần hát bội, làm đào là có thể tạo nhiều cơ hội gần gũi với hắn.
Hôm nay nắng đẹp. Trên cây vông đồng, con quạ khoang kêu khàn khàn. Ngoài xa, tận trên ngọn cây dương ở giữ sân đình, con chim ác là kêu chát chúa. Ba Kiểm bày cối ra xay bột. Gạo nếp ngâm từ hôm qua, bắt đầu mềm. Hai thớt cối nghiền nếp thành dòng sữa trắng, chảy từ họng cối vào cái vịm sành. Chỉ cần xay ba lần là nàng có thể được một thứ bột vừa mềm, vừa dẻo mà khi hấp trong cái xửng càng dẻo hơn.
Út Biên từ sân đi vào, quăng cái cuốc trong xó tối, kêu lên:
– Ði tới đâu ai cũng bàn bạc về gánh Rương Vàng.
Ba Kiểm hỏi:
– Ai cho mầy biết vậy?
– Cô Ba Ðào, con gái của thím Bảy Cá Trê.
Ba Kiểm hỏi:
– Má con họ có tính đi không?
Út Biên cười:
– Em không biết.
– Mà Út có thích đi không? Chị em mình cùng đi cho vui.
– Em không thích.
– Nếu con Ba Ðào đi xem hát thì mầy có đi không,
Út Biên cười hiền lành:
– Cô Ba không có đi đâu chị. Cứ ở nhà ngủ cho sướng con mắt.
Ba Kiểm cười hăng hắc:
– Bởi nó không đi coi hát nên mầy không đi chớ gì. Còn về phần tao, họ hát bao nhiêu đêm, tao sẽ coi bấy nhiêu…
Bỗng có tiếng bà Bếp Luông:
– Tổ cha bây, con gái không lo nồi cơm, trách cá, cũng không lo chĩnh tương hay hũ mắm, cứ lo hát xướng lu bù đi. Mầy không nghe ông bà mình nói hay sao? Trồng trầu, trồng lộn thứ tiêu; Con theo hát bội, mẹ liều con hư.
– Con coi hát bội chớ có theo hát bội đâu mà hư?
Bà Bếp Luông về tới, mặt đỏ au, lấm tấm mồ hôi. Bà lột cái khăn rằn đen, vứt trên chiếc vạt tre đoạn nghiêng bình tích, rót trà ra tô đá, ực một hơi, rồi xỉa xói:
– Ừ, con gái cứ coi hát bội riết rồi mê kép, bỏ nhà bỏ cửa theo kép, gieo tiếng xấu cho ông bà cha mẹ, biết chưa con đĩ Hà Bá?
Ba Kiểm cười lỏn lẻn:
– Chừng nào thúi sẽ hay. Chưa chi mà cứ chửi đè đầu đè cổ trước.
– Ừ, tao chửi trừ hao, nghe chưa con đĩ hổ mang?
Bà móc túi lấy xấp bạc ra đếm, rồi phàn nàn:
– Khoai kỳ nầy bán không khá, mỗi thứ còn lại tròm trèm một thúng. Mà cũng kỳ cục, lần nào mà tao đi bán khoai là nhà hết dầu hết lửa, nước mắm. Lại phải mua ba thứ quỉ nầy.
Ba Kiểm bảo:
– Anh Hai đâu rồi?
– Nó kéo xuồng vào ụ rồi đi ra ngoài rẫy rồi.
Trời vừa đúng ngọ. Dưới sông, nước đã ròng. Nền trời xanh lơ lơ. Bà Bếp Luông thoáng ngửi mùi mắm kho, cười chúm chím, ngó vào rổ rau xanh:
– Hôm nay trời nực, ăn mắm mặc sức mà uống nước bể bụng.
Năm Nhan nói:
– Lâu quá chưa ăn mắm kho.
– Ừ, anh Hai bây hảo món nầy lắm. Con Năm coi cơm chín thì dọn cơm ra. Anh Hai bây và thằng Út chắc đói bụng lắm. Phải không Út?
Út Biên thật thà:
– Anh Hai thì sao con không biết, chớ con hồi sáng sớm vừa ăn cơm rang, vừa ăn bánh bò nước cốt dừa nên còn hơi no.
Bà Bếp Luông điềm nhiên:
– Cứ dọn ra đi, Năm. Riêng tao, tao đói phát run đây.
Rồi bà ngó dáo dác:
– Còn con Tư đâu rồi, đồ con gái gì…
Ba Kiểm chặn họng mẹ:
– Má khoan chửi đã. Con Tư qua bên chị Sáu nhờ chị cắt cho nó cái quần lá nem.
Bà Bếp nguýt:
– Ừ, tao vẫn chửi đó. Mầy có giỏi thì đi kiện, tao sẵn sàng vác chiếu theo hầu. Mầy muốn bắt thang cho con Tư leo phải không? Thứ con gái gì mà ngựa quá mà. Nghe gánh hát sắp tới Vàm Xáng là lo may quần áo tốt để đi bẹo hình bẹo dạng với trai.
Ba Kiểm than:
– Quỉ thần thiên địa ôi!
– Mầy đừng có than. Mầy liệu hồn nghe con đĩ thuồng luồng. Mau kêu con Tư về đây… ăn cơm.
– Nó ể mình, chắc không ăn mắm đâu.
– Nấu cháo cá cho nó ăn. Còn con cá lóc trong ảng nước đó.
Ba Kiểm ngoe nguẩy đi kiếm Tư Diễm.
Bà Bếp Luông mở giỏ xách lôi ra từng món vừa mua ở chợ. Xấp vải trắng hiệu trái đào cho Năm Nhan, đôi guốc vông cho Út Biên, cái hộp quẹt máy để dành nhúm lửa, lọ dầu Nhị Thiên Ðường cho Tư Diễm, hộp dầu sáp cho Hai Cường, cái khăn choàng cho Ba Kiểm và cái khăn rằn đỏ cho bà. Ngoài ra bà còn mua trà hiệu Con Cua Xanh, phong bánh in, gói kẹo đậu phọng và một nải chuối sứ trái nào trái nấy mập núc.
Ba Kiểm và Tư Diễm vừa về thì Hai Cường cũng từ ngoài rẫy bước vào. Năm Nhan liền bày mâm cơm. Tư Diễm chộp lấy lọ dầu Nhị Thiên Ðường mở nút ra nghiêng lọ, lấy một ít dầu quệt lên màng tang và mũi, mắt lim dim. Ba Kiểm lấy chiếc khăn choàng đội lên đầu rồi đứng trước gương tròn đường kính chừng một tấc rưỡi ngắm nghía, ẹo qua ẹo lại.
Không bao giờ bà Bếp Luông nghĩ rồi đây ba cô gái lớn lên sẽ đi lấy chồng. Giờ đây, lũ con lớn lên, bà quên dần nỗi goá bụa. Thế nào bà cũng gả Năm Nhan cho Tám Kiệt. Rồi đây cô con gái hiền lành của bà sẽ về Vịnh Trà Bay làm dâu, làm vợ người phương xa. Nhưng bà titin rằng Năm Nhan sẽ được hạnh phúc vì nghe nói cha mẹ Tám Kiệt mộ đạo, lại ăn chay trường, lũ anh chị của Tám Kiệt đã có nhà riêng.
Năm Nhan so đũa mời mẹ và anh, chị, em. Cơm gạo Nàng Hương thơm, dẻo, bốc khói nghi ngút. Dĩa bún trắng óng ả. Tô canh chua lớn còn thừa từ chiều hôm qua, được Năm Nhan thêm một ít rau muống đỏ, một mớ tép bạc, một mớ lá dấm đã thành tô canh tươm tất… Lúc nào Năm Nhan cũng nhường cho mọi người ăn trước. Nàng chấm chút ăn theo, mắt theo dõi các món ăn để kịp đơm đầy tô, đầy dĩa. Nàng cạy ở hông nồi một ít cơm cháy, bỏ vào chén của mình rồi chan lên đó một chút nước cá kho sền sệt còn dư từ bữa chiều hôm qua. Làm bếp khó mà ăn ngon vì mệt nhọc. Nhưng Năm Nhan rất vui vì thấy cả nhà ăn ngon.
Trong bữa ăn Tư Diễm nhớ Tám Kiệt quay quắt còn Ba Kiểm háo hức về vụ coi hát sắp tới. Út Biên tuy không đói nhưng một khi ngồi vào mâm là Út ăn như voi ngốn mía. Mắm và canh thật ngon. Út ních bốn chén cơm rồi bươn bả đứng dậy, nghĩ tới vụ hò hẹn với cô Ba Đào trong xẻo lá vào buổi trưa này. Út đã tỏ tình cô từ một tháng nay. Hai cô cậu gặp nhau trong buổi hái bồn về làm dưa chua và hái bông súng để làm mắm chưng. Đó là một buổi sáng nồng nực, nắng đổ chói chang. Bên dòng nước trong, Ba Đào ngồi nghĩ xả hơi trên thân cây sung de ra giữa rạch. Cô ta thọc chân vào nước đạp nước làm văng những hột nước sáng ngời. Con gái vào trạc đồng tuổi với trai thường khôn hơn con trai. Ba Đào thỏ thẻ:
– Anh Út à. Đêm qua em nằm chiêm bao thấy anh với em đi qua chiếc cầu khỉ. Anh hờn em, chửi em, rồi xô em xuống rạch nước. Khi tỉnh dậy, em khóc ướt gối… đó mà anh.
Út Biên nói:
– Giấc chiêm bao cắc cớ thiệt!
Ba Đào liếc cậu trai mới lớn:
– Ừ, cắc cớ thiệt chớ. Em tử tế với anh lẽ ra anh “thương” em không hết, lý đâu xô em xuống nước cho em chết chìm, hén anh?
Cô ta nhấn mạnh tiếng “thương”, mắt ướt rượt đưa đẩy thật mau. Trông cô đẹp hẳn lên, khuôn mặt hơi thẹn nên đỏ au, không còn sắc xanh xao thường nhựt. Cô gặng hỏi:
– Mà thiệt tình anh có thương em không, anh Út?
Út Biên ấp úng:
– Ừ, có.
– Thiệt không? Vậy anh thề cho em tin đi.
– Tôi… thôi, nói ra kỳ quá, cô Ba à.
– Kỳ gì mà kỳ? Hay là anh không thiệt bụng với em.
Út Biên chau mày:
– Tôi mà có nói môi miếng, nói tráo trở thì đất nước ông bà đừng dung mạng tôi.
Rồi Út chỉ ngó cô cười lỏn lẻn, mặt cũng đỏ bừng.
Từ đó, cứ vào buổi sáng đẹp trời, lòng Út cứ bảo xào, chộn rộn, tuy Út không hề bỏ bê công việc làm lụng, nhưng đầu óc Út sáng rực hình ảnh buổi sáng hôm kia. Trời hôm đó xanh rộng. Nước trong biêng biếc, thấp thoáng lũ cá bạc đầu, cá rói, cá linh. Và ven lòng rạch đám rau nga xanh mơn mởn, dãy rau muống bò lan ra giữa rạch. Trên cành, trái sung tròn trĩnh đơm chi chít bên những phiến lá rộng bản và tươi rói. Ven bờ đê, những khóm đũa bếp trổ hoa hình ngôi sao, to cỡ nắm tay, màu hường kiêu sa. Đó là lần đầu tiên Út nắm tay cô Đào, ngửi lấy mùi dầu cù là mà cô xức ở ót và ở màng tang cô, ngửi luôn mùi lá bồ kết trên mái tóc cô, hơi thở thơm mát của cô, Út như choáng ngợp mùi đặc biệt từ da thịt người con gái tỏa ra, lạ lẫm làm sao, nhưng cũng quyến rũ đặc biệt, mà Út không thể nào phân tích được đó là mùi gì. Út muốn tắm gội, ngây ngất mãi trong mùi đó như vào một mùa nắng nào con ve say nhạc, cái ong say tình. Ba Đào không đẹp bằng mấy chị của Út, nhưng hợp với Út biết bao. Nét cười, khoé mắt, cái nhăn nhó hay cái thun mũi của cô ta như tỏa ra một nét duyên dáng đặc biệt. Cô đến với Út bằng nét âu yếm, dịu dàng, bằng thái độ vừa nhõng nhẽo vừa mơn trớn. Da cô xanh xao, vậy mà môi cô ướt và hồng hào, răng cô khít khao, dáng đi cô uyển chuyển. Cô có những cái mà các chị của Út không có. Hôm đó trong lòng của Út, cô khóc vì sung sướng, nước mắt cô thấm ướt vai áo của Út khiến Út chỉ ôm chặt lấy cô, không biết nói gì nữa. Vì chính trong lúc ấy, Út có cảm tưởng rằng mình nói cho khéo thế mấy cũng không diễn tả hết tấm lòng yêu đương của mình đối với cô.

Comments are closed.