Ván cờ thương tiếc

Truyện Ngu Yên

Ván cờ thương tiếc

 

Tôi tên Thành. Tôi thức dậy khi chuông đồng hồ ngoài phòng ăn gõ đúng hai tiếng. Âm thanh lục đục từ phòng khách, đêm khuya bất kỳ tiếng động nào lặp lại cũng tạo nên nghi vấn, đôi khi tạo ra cảm giác quái gở.

Từ phòng ngủ, băng qua một hành lang ngắn, giờ đây, cảm giác dài như đi lạc vào nơi nào đó rất đỗi lờ mờ, hành lang đèn âm u và tôi hình như còn buồn ngủ. Đến cửa phòng khách, định bước vào (lúc này, ông Thành mới phát giác sự khờ dại của mình, đã lớn tuổi, lại tay không, nếu đụng độ với trộm cướp thì sao?). Tôi ngừng lại tại chỗ, ý tưởng thoáng qua đầu: núp, chắc chắc phải núp. Rồi lén lùi vào trong bếp, nơi có quầy dao Nhật sắt bén như gươm samurai, mà vợ tôi rất quí. Sẽ phải lựa con dao dài nhất, lớn nhất. Không biết đã để điện thoại cầm tay ở đâu, nhưng không cần. Đây là lúc mà tôi phải tự chứng minh với bản thân, tôi là một anh hùng, vì thường khi nằm mơ thấy trộm cướp, tôi hay bỏ chạy, hoặc nếu bị chúng bắt lại, tôi khóc lóc, năn nỉ, hèn đến nỗi khi thức dậy, vừa xấu hổ vừa khinh bỉ bản thân.

Đúng, tôi phải chứng minh tôi không hèn. Nhưng bằng cách nào? Hiên ngang tiến vào phòng khách, gằn giọng ho một tiếng báo trước, trong khi chờ kẻ trộm quay lại, đối đầu. Hít một hơi dài dầy lồng ngực, sức mạnh can đảm thông thường gia tăng theo hơi thở đầy đủ, rồi chĩa mũi dao về phía kẻ trộm. Không, tôi phải né qua một bên, sau khi bước vào phòng khách, để chừa cửa mở toang, cho kẻ trộm có cơ hội phóng chạy, thoát thân. Tôi sẽ dõng dạc nói, “Tao không muốn giết người, không muốn gây rắc rối, mày nên bỏ lại đồ đạc và chạy ra cửa này. Tao sẽ không đuổi theo. Sẽ không báo cảnh sát”. Tên trộm nhìn thấy con dao sáng loáng, bộ điệu thủ thế, hơi khom người, đứng bành trên hai chân, tay phải rút lại chĩa mũi dao ra và tay trái nắm một trái đấm. Phải tỏ vẻ mình biết công phu. (Ông Thành chỉ biết võ nhờ xem phim võ thuật và đọc kiếm hiệp). Như vậy rất chắc ăn, thế nào hắn cũng bỏ chạy, vì hầu hết ai cũng biết Lý Tiểu Long, người đã khiến cho bất kỳ đàn ông hoặc thanh niên Á châu nào cũng tiềm ẩn một công phu giết người bằng tay không, huống hồ chi lại có thêm con dao.

Nhưng lỡ như giọng nói tiếng Anh lơ lớ khiến hắn không hiểu thì sao? Hoặc kẻ trộm là người Mễ, người Phi châu mới nhập cư lậu chưa hiểu tiếng Anh, thì sao? Không an toàn. Có cách nào khác chăng? Có nhiều hoàn cảnh ngôn ngữ không cần thiết. Đó là lúc này, mũi dao sáng loáng và dáng người tự tin, can đảm đang trào ra từ đôi mắt, cần gì phải nói. Ai cũng hiểu. Đúng, ai mà không hiểu. Chỉ cần tôi nhích tới, từ từ với ý định dọa nạt. Đổ máu trong nhà là điều tối kỵ. Cũng không chắc tôi có thể thắng thế một cách dễ dàng. Hơn nữa, nếu hắn chết đi, gia đình tôi phải dọn nhà, vì đâu có ai muốn ở với con ma báo oán. Nhích tới nhiều lắm là ba lần, mỗi lần xa dần cửa phòng khách. Ngụ ý chừa cho hắn một con đường đào tẩu. Như vậy được chưa? Một suy nghĩ gần như hoàn chỉnh. Nhưng, nếu kẻ trộm móc sau lưng ra một khẩu súng ngắn, chĩa vào tôi, chết cha, cảnh này chưa nghĩ ra.

Giải quyết làm sao? Không cần phải suy nghĩ thêm. Người gây ra tiếng động là anh tôi. “Lại mất ngủ nữa phải không?”. “Tối nay nằm nghĩ đến trận đánh ở Hạ Lào, tức mình, muốn sắp bàn cờ tướng đi lại thế tấn công pháo đầu mã đội của lính miền Nam và thế pháo giăng mở âm mưu tiêu diệt đối phương của lính miền Bắc”.

Anh và tôi yêu thích cờ tướng từ hồi còn học sinh trung học đệ nhất cấp. Say mê đánh cờ với nhau đêm này qua đêm nọ. Mua sách cờ tường về tự luyện, ngồi đối diện tấm gương, đi cờ theo sách, học từng khai cuộc, trung cuộc và thuộc lòng tàn cuộc. Đón xem báo từ Hồng Kông đăng tải những trận cờ tướng của các cao thủ thế giới đụng độ, học và ghi nhớ từng thế cờ độc đáo. Thế giới cờ tướng gay cấn, mưu cơ, tính toán bằng trí não, nhạy cảm với tình thế, nhạy cảm với đối thủ, và nắm bắt những linh cảm bất ngờ rọi sáng. Thế giới đó sôi máu, nín thở, điên người, nổi nóng, bình tĩnh, muôn vạn trạng thái trở thành ghiền đánh cờ.

Lúc đó, tôi chỉ chuyên tâm đến chiến lược và chiến thuật quân sự, hành quân, vây bắt, thí quân, cài bẫy, thắng thua. Lúc lên đại học, chúng tôi mới hiểu ra tính chính trị trong mỗi ván cờ. Người cao cờ hơn nhau không chỉ bằng nước cờ mà hơn nhau bằng chủ kiến, bằng quan sát hành vi đối thủ, giả vờ thái độ chính trị của mình và dọ dẫm chính sách của đối thủ.

Bây giờ, tôi lại hiểu thêm vấn đề văn hóa. Loại cờ này xuất thân từ vùng Ấn Độ, rôi lưu truyền ra thế giới qua hai con đường, Âu châu và Trung Hoa. Sang Âu châu có tên gọi là cờ Vua. Vì theo truyền thống ở lục địa đó, vua thường dẫn quân ra chiến trận, kể cả các phụ nữ hào kiệt ở vị trí công chúa, hoàng hậu cũng đi theo. Trong khi ở Trung Hoa, đi đánh nhau thường do tướng dẫn đầu. Ít khi vua thân chinh ra trận. Vì vậy, tên của nó là Cờ Tướng.

Hai nền văn hóa khác biệt thể hiện trong luật lệ chơi cờ và hình thái bàn cờ. Một bên, trận địa chỉ đơn giản là những ô vuông chia làm hai màu. Vua, hoàng hậu, quan lính, ngựa xe, đứng lên từ bàn cờ với hình tượng rõ ràng. thể hiện sự văn minh và thực tế. Khi vào trận, vua cũng như lính, xông pha, và dễ chết. Luật lệ cờ Vua có nhiều tự do. Trong khi cờ Tường, ai cũng tròn tròn lùn lùn, chỉ khác nhau mặt chữ. Thể hiện sự thiếu sáng tạo và tính rẻ tiền. Tướng chủ soái đóng ở tại cung, cố thủ cho đến chết, theo ý nghĩa Mã cách khỏa thi.

(Hai anh em ông Thành đều say mê chơi cờ tướng. Người anh thâm trầm, mưu tính, trong khi người em nhạy trí, sáng chế những thế cờ đáng kinh ngạc. Trình độ họ chơi cờ ngang nhau. Khi người này thắng, khi người kia thắng. Họ mê cờ đến nỗi ngủ mơ thấy toàn là cờ tướng, cờ thế. Nhưng chưa đủ, hai anh em tiến sang chơi cờ Tướng Tam Quốc. Một loại bàn cờ mô phỏng lịch sử tam quốc sau thời Đông Châu, bao gồm ba đất nước khác nhau “đất Thục / Lưu Bị; đất Ngô / Tôn Quyền; đất Hán / Tào Tháo”.

Nếu ba người dở cờ chơi với nhau, hoặc ba cao thủ đánh nhau, ván cờ có thể kéo dài ba bốn ngày. Không thuận tiện, hai anh em họ biết tìm đâu ra người thứ ba ngang cơ, ở gần và ham đánh cờ? Thế là, một hôm, họ tự chế ra một loại cờ tướng lớn, kẻ ô trên sông núi, chướng ngại vật như một mô hình quân sự thực sự. Địa hình có thể thay đổi, vẽ lại tùy vào mỗi chiến địa chọn lựa. Mỗi bên có gấp ba, gấp bốn lần quân cờ chiến binh, nhưng chỉ có một tướng chính và hai sĩ bảo vệ. Như vậy giống thật hơn. Họ tự hào gọi là cờ Tướng Bản Đồ. Họ còn có tham vọng mở rộng bàn cờ thành hình bản đồ Việt Nam với năm hoặc sáu chục quân cờ xanh đỏ và một số tướng chỉ huy phân cấp lớn nhỏ. Như vậy, chiến lược, chiến thuật mới tung hoành biến hóa. Quan điểm cờ Tướng và cờ Vây sẽ thành hình. Giết tướng và chiếm đất. Họ thích cờ Tướng, cờ Vây vì cơ bản cả hai đều yêu thích, học hỏi binh cơ chiến pháp từ khi còn thiếu niên. Lúc mới sáng chế lối đánh cờ Bản Đồ, áp dụng vào các chiến trận từ thời La Mã, đến thời vua Salomon, Napoléon, thế chiến thứ hai, nhất là những trận đánh lừng lẫy ở Miền Nam Việt Nam như Khe Sanh, Đồng Xoài, Bình Giã, Pleime. Đức Cơ, Đắc Tô, Cổ thành Quảng Trị…

Anh em tôi bị cuốn hút vào những cuộc chơi cờ mới. Sáng tạo hơn, gần gũi thực tế hơn, cho phép quyền biến, mưu cơ hơn. Cờ Tướng Bản Đồ vô cùng hấp dẫn. Phải có kế hoạch phòng thủ và tấn công ẩn trong nhiều lớp. Phải chia quân ra chính binh và kỳ binh. Những nhánh binh tròn tròn lùn lùn nhưng khi tấn công trở thành Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến. Quân biên giới (tốt) không bị giới hạn, đi lui đi tới tự do, để phòng thủ giới tuyến như Biệt Động Quân. Tất cả quân cờ đều di chuyển theo luật cũ nhưng tự do hơn. Ví dụ, con Bồ có thể sang sông tấn công địch quân, không cần chỉ thủ thế tại quê nhà. Bởi lối đi xéo và dài của nó, gây ra nhiều bất ngờ hơn xe pháo mã, tạo ra những chiến thuật ngạc nhiên, chiếu tướng từ phương xa, như phi cơ bất ngờ tấn công vào bộ tư lệnh địch quân.

Bàn cờ Bản Đồ đã bày ra, mỗi bên gấp năm lần quân. Anh tôi hỏi: “Chơi cờ không?”. “Theo trận chiến Hạ Lào?”. “Ừ, anh đi quân xanh. Đi trước ba nước đầu khai cuộc. Thọc mũi dùi tấn công sau khi điều động quân sĩ từ dưới lên. Em đi quân đỏ. Khai cuộc dùng pháo giăng. Kẹp hai bên cố cắt đứt quân xanh. Mình bắt đầu như vậy. Theo sách kể lại trận Hạ Lào mà ứng biến. Theo lịch sử, quân miền Nam bị sập bẫy, thua tơi bời. Nhưng trong bàn cờ tối nay, chưa chắc. Anh nghĩ đến cảnh pháo đầu mã đội xe đâm thọc bị thua vì tấn công quá chậm và không tập trung tiêu diệt các bộ tham mưu địch đang điều khiển mặt trận. Em phải cẩn thận. Anh sẽ tấn công chớp nhoáng”. “Không sao. Bắc quân đã chuẩn bị kỹ càng. Họ cắt được đường tiếp vận của quân Nam mà quân Nam không biết cách tiếp vận của quân Bắc. Sét đánh bưng tai, không thể có kết quả nếu mất đi yếu tố ngạc nhiên. Anh muốn dùng thông tin về các trận chiến Hạ Lào của Mỹ hay của Việt?”. “Có lẽ, mình nên dùng dữ liệu trong bài viết Hạ Lào, Nơi Người Lính Không Về của Phan Nhật Nam. Tuy có hơi cường điệu nhưng hấp dẫn. Chi tiết từng nơi xảy ra trận chiến khá rõ ràng. Mình có thể dùng để dàn quân trong khai cuộc”.

(Thật ra, hai anh em ông Thành sử dụng những thông tin trong các trận chiến để vẽ lại địa hình trên bàn cờ. Mượn cái khung của các trận chiến để dàn trải chiến lược ở phần ra quân. Vào trung cuộc thì tiến chiếm, phòng thủ, phản công theo lịch sử nhưng lúc xáp trận thì tùy vào tài năng và sở học của người điều khiển quân cờ. Thắng bại không theo kết quả trong quá khứ. Vì vậy, thế sự đưọc tái tạo. Lịch sử thay đổi theo hư cấu một cách cụ thể. Cải sửa lịch sử theo tưởng tượng không thích thú bằng sử dụng trí lực và tài năng để thay đổi quá khứ, cho dù không thực tế. Sống đâu phải chỉ có thực tế. Đúng ra, con người sống tưởng tượng nhiều hơn thực tế). Khi lớn tuổi, hầu hết mọi người đều yêu mến thời trẻ, bởi vì những đau đớn, sầu khổ, xấu hổ, mặc cảm đã qua đi, chỉ còn vết sẹo. Nghĩ về những chuyện vui buồn lúc trẻ, thậm chí là thảm họa, vẫn khơi dậy những nét đẹp của đời sống và là cách khuây khỏa tâm tư đang đối phó với ám ảnh bởi sự chết sắp đến.

Nhớ kỷ niệm buồn, đúng, kỷ niệm buồn, nhưng cảm giác nhớ lại là màu sắc đẹp của nỗi buồn trong kỷ niệm đó. Hương sắc đẹp như vậy là ân sủng cho những chuyện đau buồn khổ não khi chúng đã trở thành dĩ vãng. Vì vậy, người ta không ngại nhớ lại, kể ra những kỷ niệm buồn.

Nếu mỗi lần nhắc lại kỷ niệm buồn mà cảm giác đau đớn sầu khổ như đã xảy ra lúc đó, chắc không ai muốn nhớ lại làm gì, hoặc nếu có chợt nhớ, sẽ vội vàng xua đuổi như xua đuổi kẻ phung cùi muốn bước vào nhà. Nói một cách khác, hầu hết, nhắc lại kỷ niệm buồn là một cách vui.

Hôm đó, sáng sớm mùng năm Tết, trước khi tôi vào Sài Gòn đi du học ở tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ, học bổng Đại học Lafayette. Trên đường đến nhà một người bạn rủ uống cà phê, tôi trông thấy một người đàn ông trung niên ngồi đánh cờ một mình trước nhà. Nổi máu cờ, tôi dừng lại. Hỏi, tôi có thể chơi một ván không? Ông trả lời được, nhưng ông cá độ, không chơi miễn phí. “Bao nhiêu một ván?”. “Năm ngàn.” (Tiền miền Nam Việt Nam). “Nhiều quá cháu không có”. “Thế đồng hồ đeo tay đi”.

Khi đậu tú tài toàn, mẹ thưởng cho tôi chiếc đồng hồ Orient. Cả đời tôi, cho đến lúc đó, chưa bao giờ có đồng hồ riêng. Cũng không quan trọng vì tôi thuộc vào hạng vô giờ giấc. Một chiếc đồng hồ vừa đeo được mấy tháng, mới tinh, mặt kính lóng lánh thay đổi màu sắc khi nhìn, không biết có nên đánh cá với ông này.

Tôi nhìn ông, ước lượng, hơi nhà quê, bàn tay sần sùi ra vẻ làm việc lao động, không phải hạng có học thức. Chắc không biết những bí kíp trong sách và bí kíp cờ Hồng Kông. Da mặt ông nhăn nheo, mắt nhìn lờ mờ, còn đọng một chút ghèn. Kèm nhèm, chắc không phải là đối thủ của tôi. Có lẽ, ông trong thấy bộ dạng non nớt, thư sinh này, nai tơ dễ dụ.

“Cháu không biết đồng hồ bán bao nhiêu tiền?”. “Đưa tay xem. À, Orient. Không đắt bằng Seiko”. “Chung quanh đây đâu thấy có tiệm cầm đồ”. “Không cần, cứ chơi đi. Bên nào thắng ba ván trước là thắng. Nếu tôi thắng, cậu đưa tôi đồng hồ. Nếu tôi thua, tôi chung cậu mười lăm ngàn”. Ông lần tay vào lưng lấy ra một cọc tiền xanh đỏ, nhiều tờ năm trăm. Mười lăm ngàn? Tôi có thể mua cho mẹ một bàn máy may tự động không cần bàn đạp bằng chân mà mẹ mơ ước.

Cá độ là hành động của lòng tham. Lòng tham lúc trẻ thường như chỉ muốn chính thức cầm bàn tay thiếu nữ để chứng tỏ sự chiến thắng, trong khi lòng tham khi có tuổi là sự tính toán đầy âm mưu. Tham là bẩm sinh. Lúc sơ sinh tham bú, lớn lên tham ăn, lớn nữa tham tiền, tham tình, tham địa vị. Tham trở thành nhu cầu để tham đủ thứ và tham cho đến tận quan tài.

Nói cho đúng đắn, tham, tự bản thân nó không xấu. Đó là động lực cơ bản để sinh tồn và phát triển. Tham thứ gì và tham thế nào mới đánh giá được tốt hay xấu. Tôi thắng ván đầu tiên. Sau này, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn có cảm giác không phải thắng thua, mà là ánh mắt, nụ cười của mẹ khi ngồi mở nút, nhấn cần máy may tự động.

Anh tôi nhìn khai cuộc, gật gù: “Ừ, phản thủ vi công, tám con pháo em giăng liên hoàn thủ thế rất kín, núp sau lưng mã để tấn công. Ừ, lợi hại. Để xem”. “Em không để anh thí pháo hoặc mã, ép phải thí xe. Quân Bồ bên anh không có khả năng tấn công gấp. Chỉ nhờ xe đâm thọc. Không đủ mã, sẽ bị pháo giăng cản đường”. Anh tôi đăm chiêu. Rồi xuất toàn bộ xe pháo tấn công. Sau khi giăng dãy chốt cài vào nhau chặn những đoạn trên biên giới Hạ Lào. Để mã lại Trường Sơn giữ chốt. Chiến thuật này có tên gọi, “tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”, đối đầu với chiến lược “phản thủ vi công”.

Sau khi thắng ông ván đầu, có lẽ đã âm mưu, cho tôi cảm giác thắng thế, lơ là phòng bị, tôi thua liên tiếp bốn ván, mất máy may tự động, mất luôn đồng hồ của mẹ dành dụm mua cho, mất luôn lòng tự hào về danh gia cờ tướng. Tuổi trẻ của tôi đầy thương tích, sẹo lớn sẹo nhỏ. Có lẽ, ít có ai làm nhiều lỗi lầm như tôi. Họ nói, có lầm lỗi mới khôn. Tôi kinh nghiệm, có lầm lỗi sẽ sinh thêm lầm lỗi. Khi đã quen lầm lỗi, sẽ xem thường lầm lỗi. Phạm lỗi cũng như không. Nhưng tôi vui hơn nhiều người vì có nhiều kỷ niệm lầm lỗi để nhớ và kể lại cho người khác cười. (Vợ con ông Thành thường tỏ vẻ ái ngại mỗi khi ông tự bêu xấu bản thân. Nhưng đó là kỹ thuật ông sử dụng để nhắc nhở vô thức đừng tự hào vô nghĩa và cái tôi đừng lầm tưởng về mình. Phải chăng lầm lẫn là một cách học làm người? Tự chế nhạo lầm lẫn là một cách tự học?).

Trước khi nhập trận, tôi hỏi anh tôi muốn uống cà phê hay uống trà. Anh muốn một ly whiskey với một viên đá nhỏ. Tôi uống cà phê cho tỉnh thức, ván cờ có lẽ sẽ kéo dài đôi ngày. Ông anh đi liên tiếp ba nước cờ thành lập thế tấn công. Trong khi quân phòng thủ và dự bị đã sắp đặt theo bản đồ chiến trận. Sau đó, ông em đi liên tiếp ba nước tạo ra chiến lược phòng thủ. Trong sáu lần đi cờ tiên cuộc, không được ăn quân, chỉ được dàn trải kế hoạch.

Lúc đó, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: “Hôm nay, mùng 8 tháng 2 năm 1971, tôi đã ra lệnh cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tấn công vào các căn cứ quân Cộng sản Bắc Việt nằm trên lãnh thổ Ai Lao, dọc theo biên giới Lào Việt thuộc Quân Khu Một”.

Ông anh đưa tám con xe, bốn con pháo thọc sâu qua biên giới. Bốn con pháo còn lại, giữ mấy con mã và có thể tấn công từ xa. Bên quân đỏ, vốn đã dàn trải theo thế thủ và những vị trí từ thủ để phản công, ông em đưa xe cản đường vây bắt pháo và đưa pháo vào giữ những quân cờ chiến lược cản trở xe bên xanh.

Khai cuộc thành hình. Mục đích của chiến dịch Lam Sơn 719 là đánh chiếm và giữ vị trí chiến lược bên kia biên giới Lào trong một thời gian ngắn để làm suy giảm khả năng tiếp vận vũ khí và lương thực của quân đội miền bắc trên thông lộ đường mòn Hồ Chí Minh. Thiếu vũ khí, đạn dược và lương thực, quân miền Bắc sẽ không đủ khả năng gây rối miền Nam.

Mục tiêu sâu xa hơn từ tòa Bạch Ốc là tiêu diệt số lượng lớn của bộ đội chính quy, suy nhược khả năng chiến đấu lâu dài của Bắc quân, trong lúc tổng thống Mỹ cần thời gian để dàn xếp tình hình chính trị đang bất lợi cho đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử sắp đến. Kế hoạch dùng lính miền Nam trú đồn, nhử mồi, kéo lính miền Bắc gấp bội phần đến vây hãm, rồi thả bom hạng nặng để tiêu diệt quân đỏ, dĩ nhiên, cũng phải hy sinh quân xanh.

Nam Bắc xanh đỏ chinh chiến kỷ nhân hồi! Chính trị và quân đội miền Nam không biết kế hoạch nhử mồi của tòa Bạch Ốc. Vào ngày 8 tháng 2, họ đã đưa quân vượt biên giới qua ba lực lượng, ba hướng tấn công chính. Quân xanh: hai tiểu đoàn Biệt Động Quân, hai tiểu đoàn Dù, được máy bay trực thăng vận chuyển đến thành lập các căn cứ hỏa lực từ Bắc xuống Nam bên tả ngạn sông Tchépone. Các cao điểm được đặt tên Ranger North và Ranger South do Biệt Động Quân trấn đóng; căn cứ 31 và 32 do lực lượng Dù chịu trách nhiệm. Bảo vệ mạn Bắc do Lữ đoàn 1 Thiết Kỵ, tiểu đoàn 8 Dù tháp tùng. Các căn cứ khác như Béta, Bắc Bình do tiểu đoàn 9 và pháo binh Dù thiết lập. Về bên mạn Nam, hữu ngạn sông Tchépone, có sư 13 đoàn 1 bộ bình chịu trách nhiệm. Thủy quân Lục chiến là lực lượng trừ bị.

Một kế hoặc đầy đủ, có cơ hội thành công lớn. Họ hoàn toàn không hay biết kế hoạch và bản đồ hành quân đã có bản sao (nghi vấn), tin tức hành quân đã bị báo chí Mỹ và ngoại quốc tiết lộ trước cả tuần lễ. Tình báo miền Nam không hề có những báo cáo chính xác, bằng chứng quyết liệt, tin tức khẩn cấp nào cho tình hình ngặt nghèo này).

Tôi nói: “Anh sắp bị kẹt quân rồi. Nếu cứ tiến theo kế hoạch tấn công đã bị tiết lộ, không khác gì lùa dê vào hang chó sói”. “Dĩ nhiên biết trước kế hoạch hành quân thì có lợi về mặt thiết lập kế hoạch tiêu diệt địch quân, nhưng không chắc sẽ xảy ra theo ý muốn. Khi vào trận địa, tướng mặt trận có quyền thay đổi chiến thuật theo tình thế, quan trọng hơn hết là khả năng chiến đấu của người lính và cấp chỉ huy trực tiếp, có thể chuyển bại thành thắng”.

(Đối phó với quân xanh, quân đỏ gồm có: quân đoàn 70B, bao gồm sư đoàn 304, 308, 32, một trung đoàn pháo, trung đoàn chiến xa, quân số lên đến 36.000 quân. Quân đỏ thiết lập các mặt trận phục kích và vùng pháo kích dày đặt chờ đợi quân nam tiến vào. Ngoài ra, họ cắt đứt đường vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, đường cứu thương bằng một hệ thống phòng không hữu hiệu, ngăn chặn và gây tử vong cho các phi cơ trực thăng trên cầu không vận. Chiến thuật căn bản là chia cắt, bao vây và tiêu diệt địch ở từng căn cứ hỏa lực. Quân đỏ bỏ ngỏ cho quân xanh tiến vào dễ dàng, mười sáu dặm sâu trong đất Lào, sau đó, họ mới khép vòng vây. Hành động này đúng như tòa Bạch Ốc tiên liệu, nhử mồi, mồi kéo đến đông đảo.

Nhìn vào khai cuộc, biết ngay ông anh, dù phải hành quân theo lịch sử, đã nỗ lực tiến đến tiêu diệt các bộ chỉ huy tiền phương. Mục đích làm tê liệt sự điều động của địch quân, rồi tiến thẳng vào bộ tư lệnh chính ở hậu phương. Những lúc nào có thể, ông đã di chuyển tám con bồ lên sát biên giới, chuẩn bị cất cánh khi cần thiết. Trong lúc đó, tình hình địa đầu của quân xanh: Căn cứ Ranger North của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân bị tấn công trước nhất. Sau nhiều ngày thám sát, dò đường chung quanh căn cứ, sáng ngày 19 tháng Hai, 1971, Trung Đoàn 102, Sư Đoàn 320 (tỉ lệ 4 đánh 1) sau nhiều giờ pháo kích bằng đại pháo tầm xa 130 ly, đến lượt sơn pháo bắn thẳng che cho bộ binh tấn công từ mặt Đông căn cứ, nơi tuyến phòng thủ mỏng manh nhất (PNN).

Mất căn cứ Ranger North, ông anh cài pháo phối hợp với bốn con Bồ tạo thành đường chắn an toàn cho Biệt Động Quân rút lui. Tuy nhiên, mạn Bắc của đồi 30 và 31 do nhảy dù trấn đóng đã bị bỏ trống. Lực lượng trung phong xe pháo bị tử vong và phải giữ an toàn cho nhau, làm chậm bước xung kích vào các bộ tư lệnh địch. Những trận đánh kinh hồn diễn ra giữa quân xanh quân đỏ trên những địa điểm chiến lược. Từ “kinh hồn” không nói được điều gì, chỉ là một tính từ về cảm giác khiếp sợ.

Trong trận chiến, sợ hãi, đau thương, gấp ngàn lần kinh hồn. (*) Địa chiến đồi 31, căn cứ hỏa lực Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 3. Tiểu đoàn ba quân xanh trấn thủ phòng tuyến: … dưới quyền chỉ huy của một Trung Uý quân xanh. “Tôi phất tay cho trung đội đồng loạt ném hết số mìn chiếu sáng về phía trước… Tách! Tách!… Xoè… xoè… Bốp, bốp… Ngọn lửa bùng lên dữ dội rồi lan nhanh về phía quân đỏ; râu tóc mặt mày chúng tôi cũng cháy nám khét lẹt. Thế thượng phong ngàn năm một thuở… Lửa cuộn trong tiếng quân reo. Lửa tràn lên theo cỏ tranh giòn giã, khói bốc mịt mù… Khói làm màn che cho quân ta tiến tới. Vùng vẫy trong bão lửa, quân xông lên. Lưỡi lửa liếm một vòng 15 cung, thắt gọn vị trí địch trong vùng hỏa công dữ dội.

Những căn hầm được nguỵ trang kỹ lưỡng bằng cỏ tranh tiệp màu bỗng chốc trở thành mồi ngon cho ngọn lửa. Hầm đạn nổ tung tóa, cả vùng đồi nhanh chóng ngập tràn biển lửa. Địch quýnh quáng tung hầm tháo chạy, có kẻ trên lưng đang bốc khói. Tổ khinh binh tràn lên đỉnh đồi chiếm lĩnh trận địa, thanh toán nhanh những ổ kháng cự yếu ớt còn sót lại… Làm sao có thể chống cự được, khi trước mặt là lửa táp, khói thốc theo luồng gió lùa vào mồm, mũi… Chưa kịp dụi mắt, ngáp gió, lấy hơi, quân ta đã tiến tới, lưới đạn càn quét, quyết liệt…

Trong ráng chiều chưa tắt, nắng xuyên qua khói, lửa giải xuống chiến trường những dải vàng lóng lánh, thấp thoáng bóng quân chạy dọc ngang trên đỉnh đồi như phút giây linh thiêng hào hùng sông núi chuyển mình…” (PNN).

Sau cùng, không giữ được đồi 31 vì pháo và thiết giáp địch quân quá mạnh. Toàn bộ sĩ quan Lữ đoàn Ba, Tiểu đoàn Ba Dù, Tiểu đoàn Ba pháo binh, bao gồm đại tá, trung tá, thiếu tá và một số sĩ quan trung cấp bị bắt sống. Với lực lượng xe pháo bị thiệt hại nặng, ông anh không còn nhiều chọn lựa, phải đưa quân dự bị sáu con Mã và bốn con Bồ còn lại nhập trận).

Anh tôi, vẻ mặt chìm đen vào suy nghĩ. Tôi đoán ngay, anh sắp thí quân để giảm bớt áp lực bên quân đỏ, để tạo khoảng trống an toàn dễ bảo vệ bộ tư lệnh hậu phương của quân xanh. Hoàn cảnh giống như thế trận này tôi cũng đã trả giá một cách ê chề.

Một buổi gần trưa, trên đường về nhà ngang qua tiệm hớt tóc ở ngã tư. Ngạc nhiên khi thấy người ta sắp hàng khá dài. Thường hớt tóc ở đây, chưa bao giờ thấy cảnh lạ như vậy. Tôi ghé vào nói chuyện với anh chủ. Người cắt tóc cho tôi nhiều năm, uống rượu đôi lần với nhau, anh cho biết, tuần này, đặc biệt dành cho những người đấu cờ tướng. Người thủ cờ là một cậu bé, khoảng mười đến mười hai tuổi là cao. Cậu nhỏ con đến nổi phải quì lên ghế, chồm lên bàn để nhìn rõ thế cờ. Những cao thủ vào chơi, đa số là trung niên và bô lão, thậm chí có những danh cờ mà tôi đã biết, đã từng đụng độ. Lạ lùng thay, người nào cũng vào hai ván thua, đứng dậy đi ra. Vẻ mặt ngạc nhiên, buồn giận, tự thán, ngơ ngác, vẫn chưa hiểu lý do.

Tôi đứng xem ké. Cậu trẻ này lanh lợi, khi đối thủ vừa thả cờ xuống là cậu đi cờ ngay, không cần suy nghĩ. Thật ra, cậu đã nghĩ thế cờ và tiên đoán được bước đi của đối phương. Tôi lưu ý, cậu sử dụng cặp pháo rất tài tình. Gây rối loạn và nguy hiểm cho phe địch nhưng chiến thắng bằng một con mã. Hôm sau, tôi trở lại rất sớm, đặt tiền cá năm trăm một bàn. Quả nhiên, thua ngay ván đầu tiên, mặc dù tôi đã bỏ hai xe, vẫn bị con mã chiếu bí khi song pháo ép chặn đường tiền cung và hậu cung.

Không thể để thua ván thứ hai. Tôi giỏi về đánh cờ tàn. Khi hai bên không còn quan tướng giỏi. Lính đánh với lính, tôi có lợi điểm hơn vì cậu bé này ít kinh nghiệm. Đa số, cậu thắng ở trung cuộc. Hầu như không thấy cậu chơi tàn cuộc. Đúng rồi, cứ như vậy.

Vừa khai cuộc, tôi nhanh chóng gài thế thí hết xe pháo mã. Giữ bốn chốt qua sông. Cậu bé tuy ngạc nhiên, hơi bối rối nhưng phản ứng đáo để, cũng có bốn chốt qua sông. Huề quân, tôi dư kinh nghiệm.

(Ngày 6 tháng Ba, một phi đội khổng lồ gồm 120 trực thăng Huey được trực thăng võ trang Cobra và phản lực chiến đấu yểm trợ bao vùng đổ quân bộ xuống bãi đáp Hope, bốn cây số Đông-Bắc Tchépone, sau khi B52 đã trải thảm dọn sạch khu rừng rậm hằng trăm năm không dấu vết người chung quanh bãi đáp. Cuộc không vận được xếp hạng là một trong những hành quân đường không lớn nhất chiến sử Đông Dương; năm 1954, lực lượng không quân vùng Tây-Bắc của Tướng Cogny chỉ có đúng hai trực thăng Alouette cho Chiến dịch Castor để chiếm đóng Điện Biên Phủ. (PNN)

Tuy nhiên, như đã biết trước, toàn bộ các bãi đáp là những nơi tụ tập hỏa lực pháo, cối, hỏa tiễn của quân đỏ. Rõ ràng là có nội gián giữ chức vị cao trong tập đoàn quân xanh. Kết quả cuộc đổ bộ cứu nguy đã thảm bại. Hai tiểu đoàn ưu tú của Sư đoàn Một tan biến như hai con sứa lớn rơi nằm ngoài nắng hè. Không còn cách nào hơn, tổng thống Thiệu ra lệnh rút quân. Dùng sư đoàn 2 bộ binh làm nút chặn chiến lược. Cuộc rút quân không chuẩn bị tất nhiên biến thành lần tháo chạy, khi các căn cứ lần lượt bị đánh vỡ, mất hẳn thế “yểm trợ liên hoàn – viên đá tảng cột trụ của chiến thuật Căn Cứ Hỏa Lực”.

Sau Sư Đoàn Nhảy Dù của giai đoạn đầu, Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở giai đoạn hai, tiếp theo, đến lượt Sư Đoàn Thủy quân lục chiến chịu lần phanh thây trên những đỉnh núi trần trụi dưới cơn mưa lũ đại pháo của Bắc quân được chuẩn bị từ một năm trước, năm 1970. (PNN)

Không còn cách nào khác, ông anh thí những quân cờ xe pháo. Trong tình trạng thua cuộc, thí quân luôn luôn thua lỗ, dù đổi được một số an toàn chưa chắc giữ được lâu. Lui quân về phòng thủ nơi biên giới. Theo binh thư chiến quốc sách, dàn trải lực lượng tạo ra uy thế nhưng làm mỏng uy lực. Tập trung lực lượng tạo ra uy lực những mất uy thế. Đó là một trong lý do các nhà báo Mỹ và ngoại quốc tuyên bố quân xanh thua cuộc.

Trong thực tế, thua hay thắng không đếm xác người chết. Như vậy, rút lui là thua? Không chiến đấu nữa là thất bại? Chẳng phải đại đế Alexander đã nói, người chỉ huy biết rút lui là người còn cơ hội để chiến thắng?

Tổng kết trận Hạ Lào, Trung tá Pháo Binh Nhảy Dù Bùi Đức Lạc nhận xét: “Máu của Người Lính đã đổ xuống Hạ Lào, thịt xương họ không vun trồng màu mỡ quê mẹ mà làm tươi tốt cho đồng, rừng xứ người. Nhưng đau thấm thía, lâu dài hơn khi trận Hạ Lào bị cơ quan truyền thông ngoại quốc che mờ bằng màn khói bại trận, lại được tô son chuốc lục bởi phóng viên người Việt với màu tang trắng quê hương…”.

Lam Sơn 719 là cuộc hành quân thiệt hại nặng nhất của Quân Lực VNCH trong cuộc chiến tranh VN: trên 1.500 binh sĩ chết, 6.000 bị thương. Phía Mỹ chỉ yểm trợ về không quân, vì họ không được tham chiến bằng bộ binh ngoài lãnh thổ VN (Quốc hội Mỹ không cho phép, theo Đạo luật Cooper‐Church Amendment). Thiệt hại về phía Mỹ là 215 chết, 1.149 bị thương, và 108 máy bay trực thăng bị bắn rơi. (PNN)

Lệnh rút quân bất ngờ của ông Thiệu, ngược lại lời khuyên của tướng tư lệnh Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông Abrams, cố thủ ở cứ điểm chiến lược Tchépone. Lệnh rút lui này làm hỏng kế hoạch của tòa Bạch Ốc, thí quân, tiêu diệt phần lớn lực lượng chiến đấu của quân Bắc Việt, không thực hiện được. Không hiểu, quyết định của ông Thiệu đã cứu hàng ngàn người lính Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là đúng, hoặc mưu toan của tổng thống Hoa Kỳ sẽ khiến Bắc Việt mất hết sức mạnh tấn công miền Nam trong một khoảng thời gian dài để khai triển những kế hoạch khác. Khi suy yếu về quân sự, miền Bắc ngồi vào bàn hội nghị Ba Lê sẽ không thể chiếm thượng phong. Nhưng chuyện đời, mấy ai có thể giải đoán?

Muốn gây trở ngại cho chuyện vận chuyển tiếp liệu từ Bắc vào Nam chưa hẳn đã cần một cuộc hành quân quy mô. Nếu quân đội miền Nam biết tổ chức những nhóm lính đặc biệt (như Lôi Hổ) với mục đích du kích, phá rối những tiếp vận của địch trên đường mòn Hồ Chí Minh và quan trọng hơn, đội bắn nheo, ám sát các sĩ quan cao cấp. Muốn hữu hiệu phải tự mình làm, không thể nhờ vả Mỹ như lực lượng Lôi Hổ, và phải kiên trì. Du kích sẽ có lúc thua lúc thắng, nhưng quan trọng là làm gián đoạn, tiêu hao lực lượng và khả năng chiến đấu của địch. Sự thất trận của quân đội miền Nam trong chiến dịch Lam Sơn, chủ yếu là vấn đề tình báo. Ít khi nghe báo chí, tài liệu ca ngợi khả năng tình báo của chính quyền miền Nam. Sự nương tựa vào tình báo Mỹ đã dạy một bài học lớn trong sự kiện Tết Mậu Thân 1968, nhưng dường như cấp lãnh đạo miền Nam vẫn không nỗ lực tổ chức mạng lưới tình báo rộng lớn và có hiệu quả.

Có lẽ, họ quá tin tưởng vào đồng minh Hoa Kỳ. Sự thiếu trưởng thành này bày tỏ rõ rệt khi tổng thống Thiệu than trách về bức thư hứa hẹn viết riêng của tổng thống Nixon. Cả một đất nước với hàng triệu sinh mạng mà chờ đợi một lời hứa? Tình báo kém năng lực, kém hiệu quả, không cho đúng những thông tin cần thiết để tiến thối, cứu nguy, trong một trận đánh chủ chốt và quyết liệt như vậy. Một cuộc tấn công lớn, gần hết lực lượng quân sĩ miền Nam, với sự nằm vùng của tình báo địch, phải chăng là kế hoạch tiêu diệt lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của miền Nam?

Ai bày ra chuyện này? Nội gián hay CIA hay bàn tay, bàn chân lông lá nào? Ai muốn ép miền Nam thất thủ, yếu sức để phải chấp nhận hòa đàm? Thử nghĩ, nếu quân miền Nam thắng quân miền Bắc ở Hạ Lào, hủy hoại đường mòn Hồ Chí Minh, bắt bớ những tuyến liên lạc và các đám dây leo trong rừng, mặt trận giải phóng miền Nam, chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu lịch sử có thay đổi ngày 30 tháng Tư năm 1975?

Chắc chắn là có. Chuyện một đời người đã phiền não, khi chuyện của nhiều người nhập lại thành gia đình, xã hội, quốc gia, thế giới, thử hỏi sự phiền não có phải mênh mông hơn đại dương?

Tôi nói: “Theo như lịch sử, trận chiến Hạ Lào đến đây là kết thúc. Anh cũng không còn nhiều binh sĩ so với lực lượng của em. Anh muốn nghỉ chưa? Anh em mình uống ít rượu rồi đi nằm. Hai ba ngày đánh cờ ăn uống cẩu thả, mất ngủ, mệt đừ rồi”. “Khoan đã. Em biết không, anh suy nghĩ đã lâu. Lịch sử kết thúc nhưng quá khứ không kết thúc, nó tiếp nối hiện tại, nó chính là hiện tại. Thắng bại trong những giai đoạn lịch sử không ăn thua gì trong giá trị và sự hữu dụng của thời gian vô tận. Cứ chơi tiếp. Xem thử sự tình diễn biến ra sao?”. “Đến phiên anh đi”.

(Bằng một cách kỳ lạ nào đó, ông anh đã đưa những con Mã què, Pháo mất càng, Xe móp méo, quay trở lại, tiến sâu vào Hạ Lào tiêu diệt từng bộ tham mưu tiền phương của quân đỏ. Rồi đưa quân xanh tiến đến uy hiếp bộ tư lệnh hậu phương của địch. Ông em cực lực đón đỡ, bỏ pháo mã, nhanh chóng rút xe về cố thủ, nhưng khó tránh những đột kích của các con Bồ bay xéo áp đảo. Giữa thế giới thực tế và thế giới tưởng tượng không có ranh giới, chỉ có một màn mỏng trong như gương, có thể nhìn thấy nhau, có thể nhìn chung một quá khứ, nhưng hồi tưởng không nhất thiết phải giống nhau.

Thực tế: chỉ có hiện tại và quá khứ, chưa có tương lai, trong khi tưởng tượng muốn có tương lai lúc nào cũng được, những tương lai vô hạn khác nhau, như cổ nhân đã theo chú Cuội lên cung trăng, trong thực tế, mãi ngày 13 tháng 9 năm 1959, người Nga đầu tiên mới đặt chân đến nơi này. Không ai có thể làm gì được, người ta có thể ngăn cấm, cầm tù thực tế, nhưng không ai có thể giam giữ, xử tử hư cấu.

Những thế cờ như vậy, giới chơi cờ gọi là cờ xuất thần. Không đúng, dù xuất thần cũng không được như vậy. Đánh cờ theo kiểu này chỉ có thánh, một loại mầu nhiệm. Cuối cùng, bộ tư lệnh hậu phương của quân đỏ bị con xe xanh đã đứt hết dây xích lết vào bắn sập.

Thực tế chỉ có một kết thúc, tưởng tượng có cả trăm ngàn kết thúc khác nhau. Tại sao lại bác bỏ lịch sử của tưởng tượng? Thế giới tưởng tượng, thế giới sống, và thế giới chết, không phải song song với nhau, mà như ba sợi dây bện lại thành một sợi dây thừng).

“Hay. Chiêu cờ lạ thật. Anh tiến quân như vũ bão. Phá vỡ các phòng tuyến phòng thủ. Cờ thánh. Nhưng anh đừng tưởng em không biết.”. “Dù sao khi quân cờ di chuyển trong thực tế, phải động não và động vô thức mới có được”. “Anh là hồn thì không khó gì”. “Ừ, chết cả năm rồi. Hôm nay đánh một ván cờ thích thú quá”. “Hôm nay ngày giỗ của anh. Trước khi đi ngủ em đã chuẩn bị bàn cờ và tự kỷ ám thị bản thân, rủ anh về chơi. Ở trần gian không có ai chơi cờ Tướng Bản Đồ như anh em mình”. “Anh biết. Anh rất muốn trở về thăm gia đình, nhưng không phải dễ. Anh chỉ có thể trở về với những ai còn nhớ anh, thực sự nhớ, mà thôi”.

(Nhớ? Đúng rồi. Quên là đóng cửa. Nhớ là mở cửa thong dong cho tiềm thức trở về. Gọi hình ảnh người chết thường xuyên, người đó sẽ đến, nếu không phải trong mơ, cũng sẽ là ảo ảnh). “Anh là hồn, không biết anh có thể giải thích không, em vẫn thắc mắc không hiểu vì sao đã thua cho cậu bé đó?”. “ Anh không biết. Cậu bé đó có năng khiếu đặc biệt. không chừng là cờ thánh. Nhưng thắng thua chỉ là chuyện lịch sử, trong trường hợp em là tiểu sử, không liên quan mấy đến sức sống hàng ngày. Người sống không chỉ vì thành bại. Hạnh phúc không vì thành bại mới là hạnh phúc thật”. Tôi còn bốn chốt, cậu bé còn bốn chốt, tôi dư thừa kinh nghiệm và có nhiều bí chiêu chơi cờ tàn. Nhưng khó hiểu, bằng một phép mầu nào, cậu đã kèm chốt chiếu con tướng của tôi chết đứng, trước một nước, khi ba con chốt của tôi sắp kề dao vào cổ tướng của cậu. Hay thật là hay. Tôi thua. Tâm phục khẩu phục. Và thường nghĩ ngợi về ý nghĩa của lần thất bại này.

Anh tôi chống tay lên bàn. Tôi đặt tay lên tay anh. Cảm giác lòng tay chạm mặt bàn gỗ. Tay tôi xuyên qua tay anh như đặt xuống một khoảng không, nhưng trong lòng bừng lên cảm giác thương yêu tràn ngập nức nở. Anh và tôi sống chung khoảng thời thơ ấu, cùng lớn lên chung một mái nhà, chung một thành phố, chung những đường đi hẻm về. Chúng tôi có chung sở thích tìm học binh thư, chơi cờ tường, đánh đàn, ca hát, và thích ăn bánh tráng. Chúng tôi thích trò chơi tưởng tượng và trao đổi nhau nhiều sáng kiến. Những ý nghĩ và hành động khác thường của anh như mũi nhọn khắc những hình xăm trong trí nhớ của tôi.

Hôm đó, anh em tôi đụng độ với một tay cao thủ cờ tướng trong Chợ Lớn, ông Yin giàu có, hào sảng với những người đánh cờ giỏi. Hôm đó, tôi ngồi ngoài xem anh tôi cùng ông Yin so tài. Từ sáng đến tối, anh tôi không ăn một thứ gì, mặc dù ông Yin cho dọn nhiều món ăn Quảng Đông mùi vị thơm ngon. Anh không ăn, dĩ nhiên tôi cũng không ăn. Mới đầu, phải lén nuốt nước miếng, sau rồi quen dần, chỉ chú ý nước cờ, không còn cảm thấy đói. Anh nói, khi người ta đói bụng sẽ suy nghĩ sâu kỹ hơn là lúc no. Về sau, anh giải thích, khi no, người ta có cảm giác thỏa mãn, tự nhiên thoải mái, suy nghĩ lơ là. (Có lẽ, cuộc hành quân Lam Sơn qua Hạ Lào đã được bàn thảo trong lúc các vị lãnh đạo ăn no nê và uống rượu đắt tiền. Sinh mạng quân lính được quyết định trong những bữa tiệc kín).

Kết quả các trận đấu: hai ăn, hai thua, một huề nơi cờ tàn. Tuy bất phân thắng bại nhưng ông Yin vừa chơi vừa ăn uống no nê. Theo như lý thuyết của anh, nếu ông ta nhịn ăn, anh sẽ không phải là đối thủ. Tôi nói như vậy, anh cười, trả lời, người nào đã ham ăn, càng nhịn đói càng ngu.

Có một đêm, tôi thấy anh hì hục vẽ một hình đồ, rồi lấy một thùng thiếc khá lớn, khoét lỗ, bắt các ống nylon, trông như con mực hình khối chữ nhật. Anh giải thích, đang sáng chế một máy bơm tự động.

Anh em tôi vẫn phải thay phiên nhau mỗi ngày bơm nước từ giếng lên cho gia đình sử dụng. Cái giếng nằm giữa sân, không sâu lắm nhưng cũng đủ mệt khi xách nước bằng gàu. Bắt được ống bơm bằng tay, xem như đã tiến bộ. Anh tôi thường lý luận, sở dĩ con người phải sáng chế nhiều tiện nghi vì họ lười biếng. Tôi nghĩ, trước khi lười phải siêng năng chế cái máy bơm tự động.

Kết quả sau mấy ngày thí nghiệm, anh kết luận, không có đủ vật liệu và dụng cụ để làm cho đúng lý thuyết. Tôi không kể chuyện cái máy bơm giả tưởng, mà kể sáng kiến của anh. Nhiều sáng kiến hơn hết những người mà tôi đã gặp qua. Sáng kiến của anh bao gồm luôn cả lãnh vực tâm linh.

Lần đó, anh rủ tôi cùng nghiên cứu số đề. Anh lý luận, những con số lặp đi lặp lại nhất định phải có một sự đồng dạng nào đó xuất hiện. Nhiều người đã nỗ lực tìm những con số ngẫu nhiên này theo xác xuất, nhưng họ thất bại, kể cả vài nhà toán học tài ba. Anh hỏi, tại sao người ta có thể chiêm bao thấy được những con số hoặc những hình ảnh đại diện cho con số sẽ xổ trong những ngày sắp tới? Nhất định, có điều gì bí mật bên trong, đó là điều gì?

Anh và tôi cặm cụi tìm lại hết tất cả những con số đã xổ ra trong quá khứ, làm những bản thống kê dày đặc, dài thòn. Bên cạnh, một bản thống kê khác về các con vật, đồ vật, đại diện cho những con số trong những lần xổ trúng. Chúng tôi so sánh giữa hai thống kê, cố tìm một phương trình linh cảm. Không phải chỉ chú ý sự lặp lại, mà cố tìm con đường tâm linh nào đã báo cho người ta biết trước.

Sau khi quả quyết đã hiểu được “ý trời”, chúng tôi chọn ba con số thí nghiệm rồi chờ ngày xổ số. Sự chờ đợi hân hoan, hiếu thắng và sáng ngời. Trúng cả ba số. Vừa mừng lại vừa tiếc. Giá như đặt ít tiền, giờ này đã có một chung ba, một chung năm, hay biết mấy, nhưng không sao, ăn thua là nắm được bí quyết.

Anh em tôi quyết chí làm giàu. Phải làm nhanh, làm mạnh, tận khả năng trước khi các người chủ số đề phát giác. Bán và cầm ít đồ đạc tùy thân, cộng hết số tiền tiết kiệm, chia ra nhiều nơi ghi đề, để khi trúng quá lớn sẽ bị họ nghi ngờ hoặc nếu họ bể tiệm, không chung tiền, mất nơi này, còn nơi khác.

Đầu tuần đặt tiền mua đề, suốt tuần mơ mộng khi riêng tư, khi chung nhau vẽ ra kế hoạch mua sắm, rồi sẽ vào Sài Gòn, Chợ Lớn, nơi những đầu nậu lớn bán số đề. Anh em tôi sẽ giàu, giàu, giàu ghê lắm, nhiều tiền không biết làm gì cho hết. Ba má và các anh chị em khác sẽ hưởng lây.

Quá nhiều tiền để làm gì. Anh tôi là như vậy, tôi cũng gần giống như vậy. Chúng tôi tâm đầu ý hợp nhiều chuyện ví như hai bánh xe đạp. Chỉ cần một bánh xì hơi hoặc bể lốp, xe đạp sẽ nằm không. Ngày anh tôi qua đời vì một cơn bệnh không có tên gọi rõ ràng, nhưng thắc mắc làm gì, tôi ở xa, không nhìn thấy anh lần cuối.

Tôi nghiệm ra một điều rất bình thường, dễ hiểu mà khó thấm: Ai cũng phải chết, chỉ tùy là ai chết. Sự đau buồn ngấm ngầm thương tiếc làm cho khó chịu, bần thần suốt cả tuần lễ. Tôi có thể hình dung gương mặt anh đanh lại, nghiêm trang đậm đặc chất buồn, xám xanh hơn bình thường, im lặng không nói một lời nào, trong quan tài, y như lúc kết quả số đề đưa ra, chúng tôi sạt nghiệp. Không còn một đồng mua thuốc lá.

Bây giờ, thì chiếc xe đạp không còn có thể chạy đi đâu được nữa. Anh tôi nói: “Trời sắp sáng. Em đi ngủ đi. Anh cũng phải đi thôi. Em tuy thông minh nhưng không phải thứ gì cũng biết. Người càng thông minh càng có chỗ ngu dốt hơn người bình thường. Anh không phải là hồn, không phải là ma. Anh chỉ là trí nhớ của em. Nhớ và tưởng tượng là một. Nhớ càng sâu đậm, tưởng tượng càng thực. Không có thế giới chết. Chỉ có thế giới sống với thực tế và tưởng tượng”. Tôi biết, nhưng lúc này không cần phải nói gì.

Tôi bóp chặt không khí nơi bàn tay anh. Lòng nứt nẻ.

Nhớ về người chết là một đặc ân cho người sống, vì nếu không, người chết sẽ ra đi biền biệt trong bóng tối, bị lãng quên một cách lạnh lùng, bị vong ân một cách tàn nhẫn. Nhớ người đã chết là cho phép họ sống lại, thật hay không chẳng có gì quan trọng, vì sống cần cả hai, tưởng tượng và thực tế. Nhớ người chết cho người sống những giây phút ấm áp, sung sướng, gần gũi, thương yêu, mà có khi lúc còn sống chúng ta không nhận ra.

Những kỷ niệm sâu, cạn, ngắn, dài, mỗi khi nhớ lại, tâm tư tôi vừa êm đềm vừa buồn bã. Anh tôi qua đời, tôi mất đi một người anh thân thiết và mất luôn những kỷ niệm sống, chỉ còn những kỷ niệm chết. Tay tôi run mạnh. Bên trong, từ bao tử chợt trào lên cổ họng từng đợt nước chua, tôi liên tiếp nuốt xuống. (Xúc động là danh từ chung, chỉ sức cảm động lên cao độ. Xúc động trong mỗi hoàn cảnh là danh từ riêng. Nỗi niềm nào chỉ người đó biết).

Tôi không dám nhìn anh vì biết anh cũng đang đau buồn như tôi. Tất cả im lặng trong một lúc, rồi anh đứng lên, không nói gì, không nhìn lui, đi xuyên qua vách tường. Chỉ còn tôi và bàn cờ Tướng.

  Houston, tưởng chừng một ngày giỗ

…………………………………………………….

(Trích trong tuyển tập truyện tranh luận ngắn, cuốn Một: Thổi Ngược Chiều Gió.

Phát hành trên Barnes & Noble. Giá sách: $7.00

https://www.barnesandnoble.com/w/th-i-ngu-c-chi?u-gi-y-n-ngu/1141060843 )

(*) Viết lại và trích dẫn từ bài viết Hạ Lào, Nơi Người Lính Không về của Thiếu Úy Phan Nhật Nam, Tiểu đoàn 7 Nhảy dù, KBC 4919,

Như thể truyện Lịch sử tái lập. Đoạn văn tôi trích dẫn, cũng trong bài viết của Phan Nhật Nam, nhưng là truyện được kể lại từ tác phẩm Hạ Sĩ Khinh Binh của Phan Hội Yên.

Tôi mạn phép sửa đổi tên gọi cho phù hợp với trận cờ tướng. Xin cảm ơn nhà văn Phan Nhật Nam và nhà văn Phan Hội Yên.

https://ongvove.wordpress.com/2016/02/07/ha-lao?noi-nguoi-linh-khong-ve/

Comments are closed.