Trần Đình Sử
1. Sự ra đời của nguyên lí Văn nghệ phục vụ chính trị, văn nghệ là công cụ đấu tranh giai cấp
Từ nguyên lí văn nghệ là hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, chịu sự quy định của cơ sở kinh tế và tác động tích cực trở lại cơ sở kinh tế, có thể rút ra mối quan hệ đặc biệt giữa văn nghệ và chính trị. Theo Lenin chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, là chính trị của giai cấp, do đó nó tác động mạnh mẽ tới văn nghệ, văn nghệ không thể tách rời khỏi chính trị. Marx và Engels khẳng định tính khuynh hướng chính trị của văn học. Lenin khẳng định quan hệ giữa văn học có tính đảng với tổ chức đảng, nhưng chưa có chỗ nào nêu trực tiếp khẩu hiệu văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ chính trị của giai cấp vô sản. Tuy nhiên từ bài báo Tổ chức Đảng và ấn phẩm của Đảng (1905)[1], khi xác định văn học là một bánh xe, một đinh ốc trong cỗ máy xã hội dân chủ do đảng cầm lái, thì có thể rút ra mệnh đề văn học phục vụ sự nghiệp cách mạng. Trong Đề cương vấn đề nghệ thuật của Hiệp hội Văn hóa toàn Nga năm 1923 đã ghi: “Trong điều kiện đấu tranh giai cấp hiện nay, văn học là một công cụ rất mãnh liệt của giai cấp tư sản; đối với giai cấp vô sản, văn học cũng là một công cụ đấu tranh của giai cấp vô sản.” Năm 1933 trong một bài báo, A. Lunacharski tuyên bố nền văn học vô sản sẽ hoàn toàn hiến dâng cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Ông cũng là người nhấn mạnh đến ý nghĩa to lớn của bài báo của Lenin về tính đảng của văn học. Đương thời các nhà thơ vô sản như V. Maiakovski từng tuyên bố: “Tôi muốn người ta đặt ngang ngòi bút với lưỡi lê”; nhà thơ Ba Lan V. Bronievski chủ trương: “Thơ hãy nổ như là tạc đạn, Gõ vào tim như rền nhịp trống, Đốt cháy câu thơ như mồi cháy chậm.”, thì rõ ràng quan niệm thơ ca, văn học là công cụ, vũ khí đấu tranh cách mạng, còn nhà văn nhà thơ là chiến sĩ trên mặt trận đã được quan niệm khá phổ biến, không phải do ai áp đặt, mà do nhiệt tình công dân tự giác của nhà văn gợi lên. Quan niệm văn nghệ phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp giai cấp vô sản cũng đã được nhiều người nói đến. Theo hồi kí của C. Zetkin, Lenin nói: “Mỗi nhà nghệ sĩ có quyền sáng tác tự do theo lí tưởng của mình, không phụ thuộc ai cả. Nhưng chúng ta là người cộng sản, chúng ta không thể khoanh tay ngồi nhìn, mặc cho sự hỗn loạn muốn phát triển đến đâu cũng được. Chúng ta phải lãnh đạo một cách có kế hoạch quá trình đó và tạo thành các kết quả”. Sở dĩ thế là vì Lenin hiểu văn nghệ là công cụ giáo dục quần chúng. [2] Trong báo cáo đọc tại Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ nhất, A. Zhdanov đã gọi các hình thức nghệ thuật là “các loại vũ khí” của nhà nghệ sĩ. Khi quân Đức tấn công Liên Xô, ngày 24 tháng 2 năm 1942, báo Sự Thật đăng bài xã luận nhan đề: Nghệ thuật phục vụ Hồng quân, kêu gọi nhà văn xô viết cống hiến toàn bộ tài năng của mình cho cuộc chiến đấu của Hồng Quân chống quân phát xít, và người ta đã nói đến Chiến công của văn học xô viết khi đã có nhiều bài thơ, bài ca xúc động kịp thời động viên các chiến sĩ. Đó là quan niệm về nhiệm vụ, yêu cầu phục vụ và tính chất công cụ của văn học trong điều kiện lịch sử rất đặc biệt. Khi quy định phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đối với các nhà văn Liên Xô, Stalin cũng lưu ý thực hiện phương pháp ấy phải thường xuyên gắn với các chính sách của Đảng. Điều đó có nghĩa là văn học chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản, như Lenin đã nói ở trên. Ngoài việc thông qua tổ chức Hội Nhà văn, Đảng Cộng sản Liên Xô còn ra các nghị quyết của Đảng về sáng tác văn nghệ. Ví dụ Nghị quyết về hai tạp chí Ngôi sao và Leningrad, năm 1946, trong đó dùng những lời lẽ lên án, nhục mạ nhà văn Zoshenco và nhà thơ Anna Akhmatova. Zoshenco bị khai trừ khỏi Hội và tước quyền được phát biểu tác phẩm, khiến ông khốn khổ trong việc mưu sinh, phải bán hết sách vở để sống qua ngày. Đến năm 1958 lại có nghị quyết sửa sai, lại kết nạp Zoshenco vào Hội, xuất bản sách của ông và của Akhmatova[3]. Cách đối xử thô bạo một thời nói trên của Zhdanov ở Liên Xô, không thể không ảnh hưởng đến việc đối xử với các nhà văn ở Trung Quốc và Việt Nam sau này.
Ở Trung Quốc, mệnh đề văn nghệ phục vụ chính trị đã xuất hiện trong nhiều bài báo của các nhà văn có khuynh hướng vô sản thời Tả Liên (những năm 20-30), như của Lí Sơ Lê, Tưởng Quang Từ, Hứa Hồn, Đặng Trung Hạ, Cù Thu Bạch… Lí Sơ Lê trong bài báo Xây dựng văn nghệ cách mạng như thế nào đã xem văn nghệ là vũ khí đấu tranh, văn nghệ phải là cỗ súng máy, bích kích pháo trong cuộc chiến đấu của giai cấp vô sản. Khi bị chỉ trích là biến văn nghệ thành cái loa tuyên truyền thì có người tuyên bố: nhà văn cách mạng đều tự hào được làm cái loa tuyên truyền cho tư tưởng cách mạng. Đặng Trung Hạ khẳng định văn nghệ là công cụ đấu tranh cách mạng. Tuy vậy chủ trương văn nghệ phục tùng chính trị trực tiếp bắt đầu từ trong bài phát biểu của Mao Trạch Đông tại cuộc Tọa đàm văn nghệ Diên An năm 1942. Trong bài đó Mao Trạch Đông nói: “Hiện nay trên thế giới tất cả văn hóa và tất cả văn học nghệ thuật đều thuộc vào một giai cấp nhất định, thuộc vào một đường lối chính trị nhất định. Nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật siêu giai cấp, nghệ thuật ngang hàng với chính trị hay độc lập với chính trị trên thực tế là không tồn tại… Văn nghệ tòng thuộc chính trị, nhưng lại quay trở lại tác động to lớn đến chính trị.” “Chúng ta nói văn nghệ phục tùng chính trị thì chính trị này là chính trị của giai cấp, chính trị của quần chúng, không phải chính trị của một thiểu số nhà chính trị. Chính trị, bất kể là cách mạng hay phản động, đều là đấu tranh của giai cấp này chống lại giai cấp khác, không phải là hành vi của thiểu số cá nhân.”[4] Trong đoạn văn này Mao Trạch Đông đã nêu lên một loạt mệnh đề sẽ có ảnh hưởng sâu rộng về sau như văn nghệ tòng thuộc chính trị, văn nghệ phục tùng chính trị, mọi văn nghệ đều thuộc vào một giai cấp nhất định. Mao Trạch Đông dựa vào luận điểm của V.I. Lenin trong bài Tổ chức Đảng và ấn phẩm của Đảng viết năm 1905, xem văn học là một bộ phận, một cái bánh xe răng cưa và một cái đinh ốc trong cỗ máy xã hội dân chủ thống nhất do Đảng Cộng sản lãnh đạo, để nêu lên luận điểm văn nghệ tòng thuộc chính trị, văn nghệ phục tùng chính trị. Tuy nhiên Mao Trạch Đông chưa kịp nêu khẩu hiệu văn nghệ phục vụ chính trị. Khẩu hiệu này trước hết là do Chu Dương, người tích cực tuyên truyền, giải thích và ứng dụng tư tưởng Mao Trạch Đông đề xướng. Trong báo cáo Một nền văn nghệ nhân dân mới, đọc tại Đại hội Đại biểu văn nghệ sĩ Trung Quốc lần thứ nhất tháng 7 năm 1949 (in trong tạp chí Nhân dân văn học, số 1, số khai trương năm 1949), Chu Dương nói: “Văn nghệ phục vụ chính trị, cụ thể là phục vụ chiến đấu, phục vụ sản xuất, thúc đẩy chiến đấu và thúc đẩy sản xuất, quyết không thể trở ngại cho chiến đấu và sản xuất.” Sau đó đến năm 1960, trong báo cáo tình hình văn nghệ, Lục Định Nhất, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức nhắc lại khẩu hiệu này. Từ quan điểm văn nghệ phục tùng chính trị đến văn nghệ phục vụ chính trị, từ văn nghệ là một bộ phận của sự nghiệp của Đảng đến văn nghệ phục vụ chính trị của Đảng là một logic nhất quán. Cái điều mà Lenin và Mao Trạch Đông chưa nói rõ ra thì đến lượt mình các cán bộ tuyên truyền đã nói rõ. Đến thời kì cách mạng văn hóa thì văn nghệ được coi là “công cụ để thực hiện chuyên chính vô sản”, nghĩa là công cụ để lên án những ai đi theo con đường “tư sản”, “xét lại”, “phản động”, chống lại tư tưởng Mao Trạch Đông, mà thực chất là quan điểm bè phái của “lũ bốn tên”. Chủ trương văn nghệ phục vụ chính trị còn thể hiện quan niệm xem văn nghệ chỉ là công cụ phục vụ chính trị. Lịch sử các cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ ở Trung Quốc, như chống phái hữu, chống xét lại, tất tật đều là mượn cớ văn nghệ để tiến hành đấu tranh chính trị, văn nghệ bị biến thành cái bung xung để cho những kẻ cầm quyền thực hiện âm mưu răn đe, trấn áp các luồng tư tưởng bị coi là chống đối[5].
Quan niệm văn nghệ phục vụ chính trị đối với người Trung Quốc không có gì mới. Trong truyền thống của họ, các quan niệm “thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo”, “văn dĩ trị quốc” đều là quan niệm phục vụ chính trị vốn có trong truyền thống lịch sử phong kiến được làm sống lại trong điều kiện mới, có điều quan niệm mới mang tính chất bắt buộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có vẻ có tính khoa học hơn.
2. Sự tiếp nhận tư tưởng văn nghệ phục vụ chính trị ở Việt Nam
Việt Nam đã tiếp nhận quan niệm văn dĩ tải đạo từ rất sớm và thể hiện trong văn thơ yêu nước rất mạnh mẽ. Trung đại là một thời đại văn học nặng về giáo huấn, cho nên tính chất tải đạo là cố hữu. Câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” đã cho thấy quan niệm ấy mạnh mẽ và sâu sắc biết chừng nào. Thời cận đại các nhà cách mạng đầu thế kỉ đã có truyền thống dùng văn thơ tuyên truyền yêu nước, cổ động nhân dân duy tân, chiêu hồn nước, canh tân đất nước. Theo truyền thống ấy các chiến sĩ cộng sản cũng “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng). Theo truyền thống ấy trong bức thư Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ, Hồ Chí Minh nói: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ Quốc.” Đó tức là quan điểm văn hóa phục vụ chính trị sẽ còn được vị Chủ tịch nước đầu tiên của chúng nhắc lại nhiều lần trong các dịp khác.
Thời hiện đại Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp nhận quan niệm văn nghệ phục vụ chính trị, ngoài truyền thống dân tộc, còn trực tiếp từ tư tưởng Lenin và Mao Trạch Đông. Trong bài Mấy vấn đề văn nghệ Việt Nam hiện nay, Trường Chinh viết: “Gần đây vấn đề chính trị và văn nghệ đã nổi bật lên trên trường dư luận. Ở Liên Xô đã có nhiều cuộc tranh luận về vấn đề đó. Ở Trung Quốc đồng chí Mao Trạch Đông cũng bàn đến nó trong cuộc tọa đàm văn nghệ ở Diên An. Học thuyết Mác Lênin cho rằng trong xã hội có giai cấp văn nghệ phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp, có tính giai cấp rõ rệt, và phục vụ một đường lối chính trị rõ rệt. Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là chính trị lãnh đạo văn nghệ và văn nghệ phục vụ chính trị. Điều đó đã được đại đa số anh chi em văn nghệ sĩ chúng ta thừa nhận.”[6] Nhưng thế nào là văn nghệ phục vụ chính trị, nội dung đó như thế nào? Trường Chinh giải thích: “Văn nghệ phục vụ chính trị là phục vụ Tổ Quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà và phục vụ sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.”[7] Ông nói thêm: “Văn nghệ phục vụ chính trị là phục vụ chính trị của giai cấp, chứ không phải chính trị chung chung hoặc phục vụ cá nhân nào làm chính trị.” (tr. 144). Trên lập trường đó ông quy định tính đảng của nhà văn: “Văn nghệ sĩ phải thừa nhận rằng văn nghệ phục tùng chính trị, phục tùng đường lối chính sách của Đảng.” Nguyên lí văn nghệ phục tùng, phục vụ chính trị là cơ sở của nguyên tắc tính đảng. Từ đấy mệnh đề văn nghệ phục vụ chính trị được nhắc đến đều đều trong các văn kiện, bài phát biểu và bài viết về các vấn đề văn nghệ. Hà Huy Giáp nói: “Tính đảng là biểu hiện của chuyên chính vô sản trong nghệ thuật”, “Hồ Chủ tịch là tấm gương đem văn học phục vụ kịp thời và thiết thực cho nhiệm vụ chính trị, cách mạng.” Nam Mộc viết: “Văn học phải phục vụ cách mạng và giáo dục nhân dân, xây dựng con người mới theo tinh thần yêu nước và chủ nghĩa xã hội.”[8]… Cùng với quan điểm văn nghệ phục vụ chính trị là quan điểm Đảng lãnh đạo văn nghệ một cách tuyệt đối. Điều này được tất cả các nhà lãnh đạo nhắc đến. Trường Chinh đã nói rõ: “Bàn đến vấn đề chính trị và văn nghệ chúng ta cần nhận rõ thế nào là chính trị lãnh đạo văn nghệ. Chính trị lãnh đạo văn nghệ chủ yếu là lãnh đạo về đường lối (bao gồm cả đường lối nghệ thuật), về phương châm, chính sách và tổ chức, v.v. chứ không can thiệp vào những vấn đề cụ thể có tính chất quá chuyên môn. Chính trị lãnh đạo văn nghệ không phải bằng mệnh lệnh hành chính, gò ép tình cảm và suy nghĩ, tìm tòi của văn nghệ sĩ. Cũng không phải bằng cách rập khuôn, san bằng sự sáng tác, mà phải thông qua sự sáng tác chủ quan của văn nghệ sĩ, tôn trọng tính chủ động và óc sáng tạo của họ; càng không phải ép văn nghệ sĩ nhai lại những khẩu hiệu chính trị một cách khô khan, gượng gạo, vụng về.”[9]. Đường lối nghệ thuật đây là chỉ ra phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là tốt nhất, khuyến khích sáng tác theo nhiều phong cách phong phú, phát huy vốn cũ dân tộc, học tập tinh hoa nước ngoài nhưng không được lai căng… Chủ trương tuy là như vậy, nhưng do nguyên lí văn nghệ phục tùng chính trị, tòng thuộc chính trị, hay “nằm trong chính trị” như Hồ Chủ tịch nói, thì văn nghệ không có một chút độc lập tương đối nào, độc lập tức là không phục tùng. Kết quả là chính trị lãnh đạo văn nghệ không tránh khỏi bằng cách ra mệnh lệnh hành chính, can thiệp, nhiều trường hợp là trực tiếp vào cả chuyên môn của văn nghệ. Ví dụ như câu chuyện hình thức, thơ có vần hay không vần, hình thức phức tạp hay đơn nghĩa, vấn đề biểu tượng hai mặt. Đó là điều không thể tránh một khi đã thừa nhận quan hệ văn nghệ phục tùng chính trị.
Thế còn văn nghệ phục vụ chính trị cụ thể như thế nào? Đọc các văn kiện và bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước ta thấy rõ, đó là việc Đảng và nhà nước đề ra các nhiệm vụ cho nhà văn, cụ thể là chỉ ra đối tượng, mục tiêu cho nhà văn miêu tả, ca ngợi hay phê bình. Phương thức phục vụ chính trị chủ yếu là tuyên truyền, cổ vũ, biểu dương, ca ngợi, giáo dục. Cả Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và các vị khác đều thống nhất với nhau trong vấn đề này. Cụ Hồ nói: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau” (Gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, [10], tr. 17.). Còn Trường Chinh thì viết: “Nhân dân ta đang mong chờ những tác phẩm ca ngợi lao động sáng tạo…, những tác phẩm biểu dương chủ nghĩa anh hùng mới, …, những tác phẩm biểu dương tinh thần dũng cảm hi sinh của nhân dân ta,…những tác phẩm cổ vũ lòng yêu nước, …, những tác phẩm có giá trị tố cáo một cách sắc bén chế độ tàn khốc của Mỹ Diệm”[11] (tr. 132); Những chỗ khác thì đề ra nhiệm vụ cho văn học phải giáo dục cho nhân dân tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc, niềm lạc quan cách mạng, chủ nghĩa quốc tế vô sản, tinh thần thi đua ái quốc, Muốn thực hiện được các nhiệm vụ ấy thì trước hết nhà văn phải giải quyết tốt vấn đề căn bản là vấn đề lập trường, phải cải tạo tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, đứng trên lập trường vô sản, học tập chủ nghĩa Mác Lênin, đường lối của Đảng, đi sâu vào cuộc sống và chiến đấu của nhân dân, và đặc biệt phải chịu sự lãnh đạo của Đảng từ tư tưởng đến tổ chức. Nói như Tố Hữu là phải dến những nơi tiên tiến, sống với những người tiên tiến để học tập họ và viết về họ. Nói tóm lại nhiệm vụ của văn học là phải tuyên truyền đủ các chủ đề xã hội, chính trị mà nhiệm vụ tuyên huấn của Đảng đang đặt ra mà văn nghệ phải ra sức thực hiện. Việc giao nhiệm vụ ấy đã chứng tỏ trong ý thức đã có sự đồng nhất văn học và tuyên truyền, đồng nhất văn học và chính trị, đồng nhất nhiệm vụ chính trị và sáng tác văn học. Ta có thể gói gọn lại, văn nghệ phục vụ chính trị tức là thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền cho sự nghiệp cách mạng, cho cuộc đấu tranh chống quân địch trên chiến trường, cho sản xuất ở hậu phương, củng cố lòng tin của nhân dân đối với đảng lãnh đạo. Quan điểm này đã được đông đảo giới văn nghệ sĩ Việt Nam tiếp nhận tích cực. Họ đã thừa nhận và chịu sự lãnh đạo ấy suốt trong hai cuộc kháng chiến và trong xây dựng hòa bình. Và không phải giữa cơ quan lãnh đạo và sáng tác của văn nghệ sĩ không có những vấn đề nổi cộm.
3. Nhìn lại lí thuyết và thực tiễn
Quan niệm văn nghệ phục vụ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam có phần kế thừa truyền thống văn học trung cận đại của dân tộc, nhưng chủ yếu là tiếp nhận quan điểm của Đảng Cộng sản Liên Xô và của Trung Quốc, từ văn nghệ phục tùng chính trị đến chính trị lãnh đạo văn nghệ, văn nghệ phục vụ chính trị. Vậy về mặt lí thuyết và thực tiễn quan niệm đó đúng sai, lợi hại như thế nào?
Trước hết cần khẳng định rằng văn nghệ và chính trị từ xưa đến nay đều có mối liên hệ khăng khít, nhất là những khi trong xã hội có những biến động lớn lao về chính trị, như Tổ Quốc lâm nguy, khi chế độ xã hội thối nát, đạo đức xã hội suy đồi thì văn nghệ bao giờ cũng bày tỏ thái độ, tình cảm của mình đối với chính trị. Ta hiểu chính trị là chế độ, nhà nước và bộ máy của nó, các chính sách, đường lối của nó, các quan lại lớn nhỏ, những kẻ thừa hành. Thái độ của nhân dân yêu mến hay chống đối, bàng quan đối với chế độ cũng là thái độ chính trị. Không thể nói mọi tác phẩm văn nghệ đều thể hiện thái độ chính trị (ví dụ bài quan họ Cây trúc xinh, Người ơi người ở đừng về, Trống cơm; thơ Tự tình, Bánh trôi nước, Hang Cắc cớ… của Hồ Xuân Hương, thơ thiền, thơ phong cảnh thiên nhiên…), nhưng không ít tác phẩm là như thế. Thứ hai, tính chính trị của tác phẩm văn học thường thể hiện ở tính khuynh hướng chính trị của nó. Marx và Engels trong các bức thư về văn học gửi cho Mina Kauskaia hay gửi cho Marguerite Harkness khẳng định các tác phẩm của Sophocles, Aristophanes, kịch Âm mưu và tình yêu của F. Schiller… đều là có tính khuynh hướng chính trị, nhưng khuynh hướng chính trị không nên nói toạc ra, mà nên hàm súc, vì nếu nói toạc ra thì sẽ phá vỡ cấu trúc nghệ thuật, biến tác phẩm thành minh họa. Lại nữa, không nên đem kết quả tương lai cuả lịch sử mà gán cho tác phẩm hiện tại.
Xét về mặt lịch sử việc nêu khẩu hiệu văn nghệ phục vụ chính trị vào lúc Tổ Quốc lâm nguy, vào khi cuộc kháng chiến kiến quốc đang diễn ra cấp thiết là điều đúng lúc và cần thiết, chẳng những đáp ứng nhu cầu của cách mạng, mà cũng thuận lương tâm, trách nhiệm của các trí thức, văn nghệ sĩ đối với đất nước, thời cuộc. Trên thực tế văn nghệ dưới khẩu hiệu văn nghệ phục vụ chính trị cách mạng đã có những đóng góp to lớn, quý báu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh đuổi thực dân đế quốc, thống nhất nước nhà. Sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra một mặt trận văn nghệ thống nhất đưa cách mạng đến thành công.
Việc lập mặt trận văn nghệ để chiến đấu cho một mục tiêu chính trị là một công việc chính trị, một phương thức hoạt động chính trị của Đảng. Mặt trận có tác dụng đoàn kết, động viên các tầng lớp văn nghệ sĩ hành động cho một mục đích chính trị chung. Nhưng một mặt trận như thế ít có tác đụng thúc đẩy sáng tác, bới vì nghệ thuật là đa dạng và mang tính cá nhân, cá thể sâu sắc. Như thế việc thành lập mặt trận và vai trò nhà nghệ sĩ chiến sĩ chỉ có ý nghĩa đích thực về mặt chính trị, đối với sự phồn vinh của sáng tác nghệ thuật thì ý nghĩa tích cực chưa nhiều.
Tuy vậy xét về mặt lí thuyết, nói văn nghệ tòng thuộc chính trị, văn nghệ phục tùng chính trị là không đúng. Văn nghệ và chính trị là hai hình thái ý thức xã hội khác nhau thuộc thượng tầng kiến trúc, có chức năng vị trí khác nhau, tác động qua lại với nhau, không thể coi văn nghệ là một bộ phận (tòng thuộc) của chính trị, phục vụ chính trị được. Chính vì vậy mà ở Trung Quốc từ năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã buộc phải rút lui, không sử dụng mệnh đề “văn nghệ tòng thuộc chính trị” nữa[12]. Bởi vì mệnh đề đó cho phép người ta tùy tiện can thiệp vào văn nghệ, bất cứ cán bộ chính trị cấp nào cũng lãnh đạo, can thiệp thô bạo vào văn nghệ. Đáng chú ý là can thiệp bằng lối phê bình chụp mũ, áp đặt đánh giá, không cho đối thoại. Để ngăn chặn lối này, Đặng Tiểu Bình còn nêu ra “chủ nghĩa tam bất”, nghĩa là không tranh luận, không chụp mũ, không nắm đuôi sam, nghĩa là không trù dập người có quan điểm khác, để nó được phát biểu trong thời kì cải cách mở cửa sau này.
Ở Việt Nam khẩu hiệu văn nghệ phục vụ chính trị có tác dụng phụ là tạo nên sự gò bó và thô sơ trong chỉ đạo văn nghệ. Sự thô sơ thể hiện trong quan niệm về đề tài, trong vận dụng tiêu chí tư tưởng lấn át tiêu chí nghệ thuật. Khi xét giải thưởng yếu tố đề tài, tư tưởng là yếu tố quyết định, dù nghệ thuật có non kém cũng không sao. Phan Khôi đã phê bình trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ (Giai phẩm mùa thu tập,1, 1956). Trương Tửu viết bài Chính trị và văn nghệ[13]. Trong Báo cáo đọc tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, tháng 2 năm 1957, Trường Chinh cũng đã nhận thấy có nhiều khuyết điểm trong lãnh đạo văn nghệ, nhưng rồi trong thực tế các khuyết nhược điểm vẫn không khắc phục được. Sự gò bó trong sự lãnh đạo văn nghệ và sự giả tạo, thiếu chân thật trong sáng tác văn nghệ cũng đã được nhiều văn nghệ sĩ lên tiếng. Chế Lan Viên, một nhà thơ lớn, trong tác phẩm Di cảo đã có nhiều bài thơ tự phê phán các sáng tác thơ ca trước đó của mình, tiêu biểu là bài Bánh vẽ. Nguyễn Minh Châu đã nói thực trạng sáng tác trong bài Lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa. Nguyễn Khải đã nói lên sự sám hối của mình trong bài Đi tìm cái tôi đã mất hoặc là lời tự chế nhạo trong tiểu thuyết tự truyện Thượng đế thì cười của ông. Những sự thật ấy nói lên điều gì, nếu không phải là sự không ăn khớp giữa sáng tác theo chỉ đạo của Đảng và yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật đích thực? Cho dù các nhà văn ấy nhiều người sau này đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, phần thưởng cao quý của chế độ đối với công lao phục vụ của họ, song về thâm tâm các nhà văn ấy đều không đồng tình với thực trạng vấn đề văn nghệ phục vụ chính trị.
Biểu hiện tiêu cực thứ hai của khẩu hiệu đó là tạo ra những cuộc đấu tranh tư tưởng mà văn nghệ bị lấy làm bung xung, như cuộc đấu tranh chống xét lại trong khoảng đầu những năm 60. Trong báo cáo của Tố Hữu, Đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản nâng cao nhiệt tình cách mạng và tính chiến đấu trong văn nghệ (16-6-1964), có biểu hiện mượn văn nghệ để công khai thực hiện cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng. Các nhà văn được lấy làm ví dụ chỉ là những chi tiết nhỏ, được suy diễn, quy kết tùy tiện về động cơ tư tưởng chính trị một cách oan trái như tác phẩm của Hoàng Tiến, Phù Thăng, dẫn đến sự đối xử bất công đối với các tác giả[14]. Hiện tượng tác phẩm bị quy kết về chính trị là rất phổ biến. Sự quy kết nhiều khi không phải là do nhầm lẫn, mà do yêu cầu đấu tranh chính trị, phải quy kết thì mới gây sợ hãi, phát huy tác dụng trù dập.
Trong quan hệ văn nghệ và chính trị về mặt lí thuyết cần làm sáng tỏ sự khác biệt giữa văn nghệ và tuyên truyền. Trên kia đã nói, sự lãnh đạo văn nghệ của đảng, qua những lời phát biểu nêu trên, chủ yếu là lãnh đạo để cho văn nghệ làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho quan điểm và đường lối của đảng. Kết quả là tuy văn nghệ có thể làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền nhưng xét từ yêu cầu nghệ thuật Các bức thư của Trung ương Đảng gửi các Đại hội văn nghệ toàn quốc thì luôn luôn khẳng định tác phẩm còn sơ lược, thiếu sức sống, tức là xét từ yêu cầu sáng tạo nghệ thuật thì nói chung là chưa có giá trị cao. Đánh giá như vậy là khách quan và đúng đắn, bởi vì tác phẩm làm nhiệm vụ tuyên truyền rất khác với tác phẩm nghệ thuật. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp các nhà lãnh đạo cố thuyết phục rằng văn nghệ là tuyên truyền. Văn học lúc ấy không thể không tuyên truyền cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Không một nghệ sĩ Việt Nam chân chính nào từ chối công việc ấy. Nhưng do thiếu quan niệm về đặc trưng văn học nghệ thuật, Đặng Thai Mai lại cứ muốn giải quyết bản chất tuyên truyền của nghệ thuật bằng một số hiện tượng của lịch sử nghệ thuật. Họa sĩ Tô Ngọc Vân trong bài Tranh tuyên truyền và hội họa (tạp chí Tự do, tháng 7-1947) phân biệt tranh tuyên truyền và hội họa. Theo ông, tuyên truyền là biểu lộ một chủ trương, dụng ý chính trị cho đông đảo dân chúng hiểu, gây ở họ một thái độ chính trị, nó đòi hỏi rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, có tính chất nhất thời và không đòi hỏi cá tính của nghệ sĩ. Hội họa phải biểu hiện một tâm hồn cá nhân, một thái độ của con người đối với sự vật, không đòi hỏi rõ ràng, nhưng đòi hỏi phải có hứng thú cá nhân, nó có tính cách vĩnh viễn. Ông đã phân biệt tuyên truyền và nghệ thuật ở phương diện đoàn thể và cá nhân. Đáp lại, Trường Chinh cho rằng: “Nghệ thuật và tuyên truyền không hoàn toàn khác nhau, những cũng không hoàn toàn giống nhau. Tuyên truyền cũng là một thứ nghệ thuật. Nghệ thuật tuyên truyền là một phần trong nghệ thuật nói chung. Và bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng có ít nhiều tính chất tuyên truyền. Nhưng nói như thế không phải là có thể kết luận rằng: nghệ thuật và tuyên truyền chỉ là một. Tuyên truyền cao tới mức nào đó thì tuyên truyền trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật thiết thực một mức nào đó thì nghệ thuật có tính chất rõ rệt là tuyên truyền. Cho nên có thể có những người tuyên truyền chưa phải là nghệ sĩ, nhưng không thể có những nghệ sĩ hoàn toàn không phải là người tuyên truyền.” (tr. 118). Trường Chinh đã tỏ ra nhầm lẫn khi cho rằng tuyên truyền cũng là một nghệ thuật. Nghệ thuật tuyên truyền cũng là một bộ phận của nghệ thuật nói chung. Thế nào là tuyên truyền, từ điển Từ Hải của Trung Quốc bộ mới nêu định nghĩa khái niệm tuyên truyền như sau: “Tuyên truyền là một hoạt động xã hội mà cá nhân hay đoàn thể dùng một phương tiện nhất định để truyền đạt quan niệm hay chủ trương nhằm ảnh hưởng tới tư tưởng hoặc thái độ của người tiếp nhận. Được cấu thành bởi các yếu tố như kẻ tuyên truyền, nội dung tuyên truyền, phương tiện tuyên truyền, đối tượng tuyên truyền, tuyên truyền có các đặc điểm như tính mục đích, tính xã hội, tính giai cấp, tính phụ thuộc. Xét theo nội dung thì có các loại tuyên truyền chính trị, tuyên truyền khoa học kĩ thuật, tuyên truyền kinh tế, tuyên truyền văn hóa, tuyên truyền tôn giáo…; xét theo hình thức thì có tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng văn bản, tuyên truyền bằng hình ảnh, hình tượng” (tr. 1231, nxb Từ thư, Thượng Hải, 2002). Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) lại định nghĩa giản đơn hơn: “Tuyên truyền là giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ, làm theo” (tr. 1068, Đà Nẵng, 2004). Theo các định nghĩa thông dụng đó thì tuyên truyền không phải là nghệ thuật. Nếu hiểu nghệ thuật theo nghĩa rộng như nghệ thuật quân sự, nghệ thuật nấu ăn, nghệ thuật tuyên truyền thì đó là chuyện khác, không liên can đến văn học nghệ thuật. Xét về nội dung thì văn học không thuộc vào bất cứ nội dung nào ở đây. Xét ở tính chất phụ thuộc thì tuyên truyền hoàn khác với nghệ thuật, vì nghệ thuật có tính tự chủ, tính chủ thể rất cao của nhà văn, còn tuyên truyền phụ thuộc vào nội dung tuyên truyền là điều có sẵn, không cần sáng tạo. Nhà tuyên truyền không cần có cái gì riêng để tuyên truyền cho người tếp nhận. Tuy vậy xét ở mục đích truyền bá quan niệm thì văn học cũng có tính tuyên truyền nhất định, thông qua hình tượng bằng văn tự, song không thể nói toàn bộ văn học, hay bản chất văn học chỉ là tuyên truyền quan niệm được. Văn nghệ là lĩnh vực sáng tạo, biểu đạt tình cảm, lí tưởng thẩm mĩ, thể hiện cá tính, là điều không bắt buộc với các hoạt động tuyên truyền. Vì thế đặt ngang văn học với tuyên truyền là một việc giản đơn, sơ lược hóa, không hiểu được thực chất, đặc trưng của văn nghệ. Ý kiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã nói rất đúng, nhưng đã bị quyền lực của diễn ngôn che lấp đi. Nhưng cách hiểu của Trường Chinh lại thể hiện định hướng tuyên truyền của lãnh đạo, nhằm kết hợp tuyên truyền và ý thức hệ cầm quyền, hai tính chất quy định diện mạo của nền văn học cách mạng trong suốt mấy chục năm qua. Sự cố ý hiểu lệch về văn học, cho nên đặt nhiệm vụ cho văn học cũng nghiêng về phía tuyên truyền chính trị, chính trị hóa văn nghệ, kết quả là văn nghệ bị kìm hãm không phát triển. Về phía các văn nghệ sĩ họ vừa làm văn nghệ, vừa làm tuyên truyền, nửa nọ, nữa kia, kết quả nghệ thuật của họ rõ ràng khó đạt được đỉnh cao.
Gọi văn nghệ là công cụ, vũ khí nói chung cũng không đúng. Mệnh đề văn nghệ là công cụ đấu tranh giai cấp, hay văn nghệ là công cụ đấu tranh chính trị ta thấy rõ, đấu tranh giai cấp và đấu tranh chính trị là một lĩnh vực rất rộng, đó có thể là tuyên truyền, quân đội, vũ khí, súng đạn, các tổ chức, đoàn thể chính trị, khi nói như thế là đã thủ tiêu đặc trưng văn nghệ đi rồi. Chỉ còn thấy cái mục đích thực dụng của chiến đấu. Giống như lấy cái bình hoa để ném con chuột, bình hoa là công cụ ném chuột, nhưng không thể nói về cái bình hoa là một công cụ ném chuột được, vì đó chỉ là chức năng lâm thời, không phải bản chất. Trong điều kiện đấu tranh cách mạng khốc liệt, lâm thời có thể coi văn nghệ là công cụ, vũ khí phò chính trừ tà được, nhưng xét về bản chất lâu dài coi đó là bản chất của văn nghệ thì không phù hợp. Quan niệm xã hội học dung tục lập luận rằng trong xã hội có giai cấp, mỗi người đều thuộc vào một giai cấp nhất định, sáng tác của họ dù muốn hay không đều là tiếng nói của giai cấp mà họ thuộc vào, là vũ khí đấu tranh cho giai cấp của họ. Nhưng trường hợp Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, thơ thiền của các vua Trần, của Trần Tung Tuệ Trung Thượng sĩ chẳng hạn, thì tuy họ là người thuộc giai cấp phong kiến, thống trị, nhưng tác phẩm của họ đâu phải đấu tranh cho giai cấp phong kiến, cho chế độ phong kiến? Lí thuyết xã hội học dung tục không thể là cơ sở cho lí thuyết công cụ được.
Trong lí thuyết xem văn nghệ là công cụ tuyên truyền giáo dục tư tưởng, tình cảm chính trị cho quần chúng nhân dân còn bộc lộ một phương diện sơ lược giản đơn nữa, cần được xem lại. Trong quan niệm đó, quần chúng tiếp nhận văn nghệ được hiểu như là những người hoàn toàn thụ động, tiêu cực, những kẻ chỉ biết tiếp thụ những gì người ta đem đến cho họ và mặt khác do trong nhận thức đã tuyệt đối hóa vai trò giáo dục của văn học. Cho đến trước khi xuất hiện mĩ học tiếp nhận, nhận thức chung trong xã hội khi nói đến văn học chỉ coi trọng vai trò chủ động của nhà văn. Stalin gọi nhà văn là kĩ sư tâm hồn, ở phương Tây người ta gọi nhà văn là những bậc thầy về đời sống, hoàn toàn không thấy vai trò của người đọc. Trong thời kháng chiến người ta đã thấy quần chúng có khả năng phê bình văn học, nhà văn phải biết lắng nghe quần chúng, song đó là mặt nạ quần chúng dùng để hạ uy thế của nhà văn. Nhưng về thực chất vẫn chưa hiểu quần chúng như là người đọc. Thực ra quần chúng là những chủ thể, có khả năng nhận biết, phân biệt, lựa chọn, phản tư. Trong điều kiện lịch sử nhất định, ví dụ sau cách mạng tháng Tám, phấn khởi vì được làm dân một nước tự do, họ sẵn sàng tin theo đường lối kháng chiến cách mạng của Đảng. Trong điều kiện giao lưu hạn chế, người đọc còn có thể tiếp nhận các sự thật do nhãn quan chính trị lựa chọn cho họ. Song càng về sau, trình độ của họ được nâng cao, tuyên truyền không thể áp đặt cho họ được những sự thật được lựa chọn. Họ biết phân biệt tiếng nói chân lí, trung thực, chân thực với tiếng nói chính trị thuần túy, không phù hợp với thực tế mà họ đã cảm thụ. Những tác phẩm tràn đầy nhiệt tình “yêu căm chiến lạc” hồi nào khó lòng có được sức thuyết phục của họ. Ngay các nghệ sĩ sáng tác cũng không thể tự thuyết phục được chính bản thân họ về gía trị của các tác phẩm do họ sáng tạo ra thì còn nói gì đến người đọc nữa. Sai lầm trong việc nhận thức vai trò của người đọc đã dẫn đến quy định nhiệm vụ chính trị của văn học, cũng như vận dụng chức năng nhận thức, giáo dục của văn học thiếu tính thuyết phục. Mặt khác sự tuyệt đối hóa chức năng giáo dục thể hiện ở rất nhiều kì vọng ở vai trò giáo dục, giáo hóa quần chúng cua văn học. Trường Chính đặc biệt nhấn mạnh đến “nhiệm vụ giáo dục của văn nghệ trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Ông nói nhiệm vụ vẻ vang nhất của văn nghệ ta hiện nay là tích cực góp phần giáo dục và bồi dưỡng những con người xã hội chủ nghĩa ở nước ta.” (tr. 232). Trong đó giáo dục cách sống và làm việc vì Tổ Quốc và chủ nghĩa xã hội, giáo dục lí tưởng, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, giáo dục long trung thành với Đảng, với cách mạng, giáo dục tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm liêm chính, dũng khí cách mạng, ý thức làm chủ tập thể, yêu lao động, yêu văn hóa, khoa học, tinh thần bảo vệ chế độ, bảo vệ của công (tr. 232). Có thể nói toàn bộ công tác giáo dục con người mới theo tiêu chí của Đảng một phần rất quan trọng kì vọng ở chức năng giáo dục của văn nghệ. Tất nhiên là văn học có chức năng giáo dục của nó, nhưng với đặc trưng của mình văn nghệ thiên về giáo dục lòng đồng cảm với đồng loại trong các số phận, lòng tự tôn tự trọng, ý thức về nhân cách, ý thức và thị hiếu thẩm mĩ, khát vọng một cuộc sống cao thượng, xứng đáng với con người. Văn nghệ không dễ thực hiện nhiệm vụ giáo dục có tính chất chính trị như kì vọng. Tất nhiên các văn nghệ sĩ Việt Nam đã rất cố gắng để đóng góp, song nếu thiên về các nhiệm vụ chính trị ấy thì sáng tác khó tránh khỏi khuynh hướng sơ lược.
Sở dĩ vấn đề chính trị hóa văn nghệ được tiếp nhận tích cực ở Việt Nam, trước hết là do điều kiện chính trị của nước Nga, Trung Quốc và Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX do đấu tranh cánh mạng và giải phóng dân tộc không ngừng dâng cao, toàn bộ văn hóa hầu như đã bị chính trị hóa. Toàn bộ đời sống, từ mưu sinh, học tập, tư tưởng, tình cảm, báo chí cho đến văn học nghệ thuật phần lớn đều bị chính trị hóa. Đó là điều kiện, bầu không khí để cho quan niệm chính trị hóa văn nghê dễ được tiếp nhận và ủng hộ. Nhưng mặt khác các lãnh tụ cộng sản quốc tế cũng như các lãnh tụ cộng sản của mỗi nước đã có ý thức thực dụng biến văn nghệ thành công cụ chính trị của mình, từ đó các mệnh đề văn nghệ tòng thuộc chính trị, văn nghệ phục vụ chính trị văn nghệ là vũ khí được hình thành và đi vào thực tế. Ý thức về cá tính sáng tạo mới manh nha trong khoảng 15 năm trước cách mạng tháng Tám chưa đủ mạnh để làm trở ngại cho xu hướng chính trị hóa. Như thế chính trị hóa văn nghệ là một sản phẩm của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh nhất định. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, sự cải cách mở cửa, cũng như công cuộc Đổi mới của Việt Nam là cơ hội để chúng ta có thể nhìn lại và điều chỉnh những quan niệm thái quá, nhầm lẫn, lệch lạc, để văn nghệ và chính trị có được quan hệ bình thường, hợp lí, văn nghệ được tồn tại và phát triển.
Chú thích:
[1] Từ những năm 60 vẫn dịch là Tổ chức đảng và văn học có tính đảng, nhưng từ năm 1982, Ban biên dịch tác phẩm kinh điển Marx – Lenin của Trung Quốc lại dịch thành Tổ chức đảng và ấn phẩm của Đảng. Xem Tạp chí Hồng Kì, Trung Quốc số 22 năm 1982 công bố bản dịch mới.
[2] Xem mục “Các nghị quyết của Đảng cộng sản Liên Xô về văn nghệ”, Từ điển thuật ngữ nghiên cứu văn học, L.I. Timoffeev và .S. V. Turaev biên soạn, nxb Giáo dục, Maxkva, 1974, tr. 277.
[3] Tài liệu đã dẫn, tr. 282.
[4] Mao Trạch Đông tuyển tập, Nhân dân xuất bản xã, Bắc Kinh, 1964, tr. 867-868. Xem bản dịch của Hồ Tố Ngọc, Mao Trạch Đông bàn về văn nghệ, nxb. Văn học, Hà Nội, 1959, tr. 119, tiếng Việt.
[5] Baxhs Định Quốc, Trung Quốc đương đại văn nghệ tư tưởng sử luận (1956-1976). Nxb Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 2006, tr. 12
[6] Trường Chinh, “Về một số vấn đề văn nghệ Việt Nam hiện nay”. Trong sách Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Về văn hóa văn nghệ, nxb Văn học, Hà Nội, 1972, tr. 142.
[7] Trường Chinh, Tldd, tr. 144.
[8] Nhiều tác giả, Mấy vấn đề lí luận văn nghệ, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1970, tr. 9-12, 36 – 39.
[9] Trường Chinh, Tài liệu đã dẫn, tr. 143.
[10] Về văn hóa văn nghệ, Tài liệu đã dẫn, tr. 17.
[11] Trường Chinh, Về văn hóa văn nghệ, Tài liệu đã dẫn. Tr. 134.
[12] Đặng Tiểu Bình, “Lời chúc mừng Đại hội Văn nghệ toàn quốc Trung Quốc tháng 12-1979”. Trong sách: Trung Quốc tân văn nghệ đại hệ (1976 – 1982), Lí luận tập 1, quyển thượng, Lí Canh, Hứa Giác Dân chủ biên, Bắc Kinh, 1988, tr. 1.
[13] Các bài này nêu thực trạng vấn đề, song trong bối cảnh phức tạp đương thời, đã cùng nhiều bài khác trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm đã bị lên án là “phản động”, “chống Đảng”. Xem: Bọn Nhân văn – Giai phẩm trước tòa án dư luận, nxb Sự thật, Hà Nội, 1959.
[14] Tố Hữu, Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta. Nxb Văn học, Hà Nội, 1973. Tr. 340 – 376.