Tại sao các cuộc cải tổ của Trung Quốc đều thất bại?

Suốt chiều dài lịch sử, các nhà cải cách Trung Quốc không đi đến đích và cuối cùng thường gặp kết cục thê thảm. Tại sao họ luôn luôn thất bại?

Yang Hengjun, The Diplomat, 30-5-2014

Trần Ngọc Cư dịch

 Vuong An Thach

 

 

 

 

 

 

 

Vương An Thạch (1021-1086) – Ảnh của Wikimedia Commons

So với “các cuộc cách mạng” (nổi dậy của nông dân, binh biến, đảo chánh cung đình, v.v.) lật đổ các vương triều trong lịch sử Trung Quốc, thì mục tiêu của “cải tổ” mang một ý nghĩa ngược lại: duy trì vĩnh viễn vương triều đang cai trị. Người dân bình thường gần như có chung một cảm tưởng, là coi “cách mạng” và “cải tổ” như công cụ của “sự thay đổi.” Nhưng trên thực tế, trong 2000 năm lịch sử Trung Quốc, cải tổ chỉ có một mục đích duy nhất: tránh thay đổi. Cải tổ được sử dụng để duy trì hệ thống [chính tri] hiện hữu. Trong lịch sử Trung Quốc, “cải tổ” và “cách mạng” thay phiên nhau diễn ra qua thời gian. Các cuộc cách mạng thường thành công, do đó Trung Quốc đã trở nên nước có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân và nhiều cuộc thay đổi vương triều nhất thế giới. Nhưng cải tổ lại ít khi thành công.

Từ một quan điểm hiện đại, gần như tất cả những cuộc cải tổ trong lịch sử Trung Quốc có thể được xếp loại là “thất bại”: từ những cải cách của Thương Ưởng tại nước Tần đến các triều Văn Đế và Cảnh Đế nhà Hán; từ việc tiếm quyền của Vương Mãng đến các cải tổ của Vương An Thạch trong triều đại nhà Tống; từ quyết định bế quan tỏa cảng của nhà Minh và nhà Thanh đến phong trào Tây hóa vào cuối nhà Thanh… Không có lấy một phong trào nào trong số này có thể gọi là thực sự thành công. Tồi tệ hơn nữa, chính bản thân những nhà cải tổ thường gặp kết cục bi thảm.

Tại sao vậy? Nói giản dị, có ba yếu tố chung. Một là, khác hẳn các cuộc cải tổ khác được ghi lại trong lịch sử thế giới, gần như tất cả các cuộc cải tổ của Trung Quốc được thực hiện thuần túy vì lợi ích của người cai trị (hoàng đế). Các cuộc cải tổ này chỉ điều chỉnh chính sách về cách trị dân của vị hoàng đế, làm thế nào để quản lý bốn giai cấp xã hội (sĩ, nông, công, thương), làm thế nào để khai thác đất đai của nông dân, và làm thế nào để chất đầy ngân khố bằng tiền thuế của dân. Không một cải tổ nào đả động đến triết lý cầm quyền, hay phương pháp quản trị quốc gia, lại càng không đặt trọng tâm vào lợi ích công.

Các nhà cải tổ Trung Quốc lấy lợi ích của người dân bình thường làm đối tượng cải tổ, chứ không cải tổ chế độ để mang lại lợi ích cho người dân. Do đó, những cải tổ này không bao giờ đụng đến vương triều đang ngự trị, mà chỉ tạo ra các cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích liên hệ. So với các cuộc cách mạng (hoặc được người dân ưa thích hoặc bị người dân sợ hãi), người dân thường dửng dưng với “cải tổ.” Và các cải tổ không được dân chúng hậu thuẫn sẽ hoàn toàn thất bại một khi chúng gặp phải sức phản công từ các nhóm lợi ích hay từ các phe phái đối lập. Đối với người dân bình thường, thất bại của các cuộc cải tổ này không phải là chuyện đáng than khóc.

Hai là, nhiều cải cách mạnh mẽ trong lịch sử Trung Quốc có một điểm chung: Những nhà cải cách không phải là kẻ thống trị cao nhất (hoàng đế). Nhiều nhân tài lúc đầu được hoàng đế (tạm thời) tuyển chọn đi tiên phong trong các cuộc cải tổ – nhưng về sau lại bị đem ra làm vật tế thần khi cải tổ thất bại. Những nhà cải cách như Thương Ưởng, Vương An Thạch và trường phái Tây hóa cuối đời nhà Thanh đều chịu chung số phận. Những người giữ quyền lực tối cao thường cai trị từ đằng sau hậu trường. Họ giữ một khoảng cách nhất định đối với công cuộc cải cách, thủ đoạn này giúp họ rộng đường điều động nhân sự. Nếu cải cách thành công, những người nắm quyền sẽ giành lấy công lao; nếu công cuộc đổi mới thất bại, họ hi sinh những nhà cải cách. Trong những tình huống này, các cuộc cải cách vốn đã mang tính nửa vời ngay từ đầu – các cuộc cải tổ “từ trên ban lệnh cho bên dưới” thường là như vậy. Trái lại, loạt cải tổ do Hán Vũ Đế và các hoàng đế đời Đường đích thân tiến hành lại đạt nhiều hiệu quả hơn.

Ba là, tất cả các cuộc cải cách trong lịch sử Trung Quốc đều có mục đích kéo dài vô hạn hệ thống cai trị đương thời, chứ không thay đổi chế độ đang có. Một số cải cách gặp phải thất bại, khiến những nhà cải cách chịu cảnh phanh thây xẻo thịt (như Thương Ưởng) hay chết trong tủi nhục (như Vương An Thạch). Nhưng thậm chí vào thời điểm đó, các hoàng đế vẫn giữ lại những bộ phận của chính sách cải tổ có khả năng giúp duy trì hệ thống cai trị hiện hữu, biến những phần này thành những con đinh ốc trong bộ máy độc đoán.

Những biện pháp cải tổ nhằm củng cố chính quyền trung ương thông thường là dễ thành công. Chẳng hạn, các công ty độc quyền của triều đình [nhà nước] về muối và sắt do Quản Trọng tổ chức vào thế kỷ 7 trước công nguyên có sự tương đồng với công ty độc quyền nhà nước về dầu lửa ngày nay. Tuy nhiên, những ý kiến như phân quyền và phân phối đồng đều của cải quốc gia (điều mà người dân bình thường quan tâm hơn) lại thường bị các nhóm lợi ích tranh đoạt hay bị nhà vua đình chỉ lập tức. Do đó, các phong trào cải tổ mạnh mẽ tại Trung Quốc, bất luận dù chính sách của chúng có ý nghĩa như thế nào vào buổi đầu, dần dà đều trở nên mai một. Sau một vài thập kỷ, các cải tổ này chỉ còn là những công cụ giúp nhà cầm quyền bóc lột nhân dân và kiểm soát công luận.

Dĩ nhiên, vấn đề lớn nhất mà các phong trào cải tổ Trung Quốc gặp phải là người ta không tìm ra phương cách nào để thay đổi chính bản thân cái hệ thống, và vấn đề này đã kéo dài cả 2000 năm nay. Tất cả những gì mà người ta có thể làm được là giúp cho hệ thống đó trở nên hoàn chỉnh hơn, tinh vi hơn – thâm độc hơn. Trong ý nghĩa này, tất cả mọi cải tổ trong 2000 năm lịch sử Trung Quốc đều không có cơ may thành công, và chúng ta phải cảm ơn Trời Đất vì chúng đã thất bại.

Ngày nay, nhiều học giả cho rằng nếu Tôn Dật Tiên không vội làm cách mạng, thì cuộc cải tổ hiến pháp của nhà Thanh có thể đã thành công. Những vị này có trí tưởng tượng học thuật quá phong phú, mà thiếu trí mất trí tưởng tượng văn chương: bạn có thể tưởng tượng nỗi một kịch bản trong đó, kể từ nhà Tần đến nhà Thanh, có cải tổ cơ chế nào thành công hay không? Nếu nó thành công, thì ngày nay chắc hẳn  mọi người Trung Quốc đều để tóc “đuôi lợn của đàn ông Mãn Châu” và mỗi buổi sáng đều khấu đầu hô to khẩu hiệu “Dòng họ Ái Tân Giác La vạn tuế! Vạn vạn tuế!” [Ái Tân Giác La là họ của các hoàng đế nhà Thanh. Búi tóc đuôi lợn là kiểu tóc của đàn ông Mãn Châu; nhà Thanh có luật lệ buộc người Trung Hoa phải để tóc kiểu này – ND.]

Các cải tổ có thể thành công hay không là do hệ thống chính trị có thể thay đổi hay không và nhà cầm quyền có chịu thay đổi hệ thống để theo đuổi một mục tiêu cao cả hơn hay không… Nếu nhìn vào những cải tổ hiện nay của Trung Quốc theo góc nhìn từ lịch sử Trung Quốc, chúng ta có lý do để bi quan. Nhưng chúng ta không nên cho rằng tình thế là hoàn toàn tuyệt vọng hay không còn con đường tiến lên phía trước. Những nhà cải tổ cần phải học hỏi từ lịch sử Trung Quốc. Cải tổ cần phải đi “từ trên xuống dưới” [từ trung ương đến địa phương] và phải được hậu thuẫn bằng quyết tâm mạnh mẽ của giới lãnh đạo nòng cốt. Đồng thời, những nhà cải tổ phải bắt đầu bằng việc lấy lợi ích của nhân dân, tương lai của đất nước và an ninh quốc gia làm mục tiêu cao nhất. Họ phải tránh thái độ chỉ biết chăm lo lợi ích của giới cầm quyền hay phục vụ các quan tâm của những nhóm lợi ích.

Những điều này chính là những gì các nhà cải tổ trong lịch sử Trung Quốc đã không làm, và không muốn làm. Nếu trong thế kỷ 21 này, các nhà lãnh đạo vẫn còn giữ nguyên tư duy và sáng kiến của những nhà cải tổ trong lịch sử Trung Quốc. Nếu họ không táo bạo tìm cách cải tổ hệ thống vì lợi ích của quốc gia và nhân dân mà chỉ cố gắng duy trì hệ thống hiện hữu, thì họ cũng đừng nên cố gắng cải tổ làm chi. Bằng không, dù các cải tổ của họ không thất bại đi nữa, chúng cũng sẽ mang lại hỗn loạn, và có thể nhanh chóng đưa đến cách mạng.

Bài viết này xuất hiện đầu tiên bằng tiếng Trung trên blog của Yang Hengjun. (Xin bấm vào đây.)

Yang Hengjun là một nhà nghiên cứu Trung Quốc độc lập, một tiểu thuyết gia, và là một blogger. Ông từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc và từng là một nhà nghiên cứu thâm niên tại Atlantic Council ở Thủ đô Washington. Yang nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học Công nghệ, tại Sydney, Australia. Trang blog tiếng Trung của ông trình bày các vấn đề Trung Quốc quan trọng hiện nay và các cổng điện tử về quan hệ quốc tế. Các bài viết của ông nhận hàng triệu lượt truy cập. Địa chỉ blog của Yang: www.yanghengjun.com.

 

Dịch giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.