Trương Quang Đệ
Một giảng viên Đại học Bách khoa Hà nội gần đây có bài đăng trên mạng cho biết số sinh viên Căm Pu Chia theo học trường này giảm hẳn từ hơn năm nay. Số sinh viên còn lại mà ông tiếp xúc tâm sự với ông rằng bên họ có ông Bộ trưởng Giáo dục mới chủ trương lấy trung thực làm gốc, học hành thi cử được đánh giá đúng thực chất, xóa bỏ mọi thứ gian dối trong quản lý, dạy và học. Nhờ thế mà chỉ một thời gian ngắn, chất lượng giáo dục từ tiểu học đến đại học thay đổi như có phép thần thông. Cánh trẻ Căm Pu Chia hiện nay thấy không cần phải ra nước ngoài học như trước nữa.
Buồn thay giáo dục nước ta vẫn luẩn quẩn với những cách làm và cách suy nghĩ cũ kỹ của thế kỷ trước, chưa thoát ra khỏi những xiếng xích vô hình cản trở bước tiến của dân tộc. Trước hết là bệnh thành tích trầm kha của các cấp quản lý, của đội ngũ giáo viên và gia đình xã hội. Trường nào cũng phấn đấu (ảo là chủ yếu) đạt tỷ lệ học sinh khá giỏi ở mức gần như tuyệt đối. Tỉnh A thấy phấn khởi vì có nhiều học sinh đỗ đại học hơn tỉnh B, có nhiều cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ hơn tỉnh B. Sở Giáo dục và các vị hiệu trưởng tỉnh B ăn ngủ không yên với tình hình đó. Không ai nghĩ một cách nghiêm túc rằng mục tiêu của giáo dục không phải như vậy. Trong một nền giáo dục chân thực, nhà trường không phải là nơi đào tạo người giỏi, ở bậc phổ thông không cần gì đến trường chuyên lớp chọn. Người giỏi, tức là người có năng lực vượt trội hơn người khác mà ta quen gọi là nhân tài, chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong đông đảo quần chúng học sinh, không phải là đối tượng chủ yếu của nhà trường. Thông qua sự liên thông giữa trường học và các viện khoa học, các hội đoàn chuyên ngành, các quỹ hỗ trợ tài năng, người giỏi sẽ có sự quan tâm riêng. Nhà trường chỉ cần cung cấp, ngoài những hiểu biết cơ bản cần thiết cho đời sống công dân, những kỹ năng giao tiếp như lắng nghe, diễn đạt, ghi chép v.v. và thói quen tham gia công tác xã hội, biết chơi thể thao, thưởng thức nghệ thuật,… Báo chí truyền thông chỉ đề cao những học sinh được huy chương vàng bạc quốc tế, coi đó là con đường vinh quang của cánh trẻ. Không mấy ai quan tâm đến những em tham gia tốt công tác xã hội như chăm sóc người già, lo việc gia đình, giúp đỡ láng giềng. Họ không mấy quan tâm đến những trường lo điều kiện vệ sinh, bữa ăn trưa cho học sinh, tiện nghi lớp học và điều kiện làm việc, sinh sống của giáo viên. Lấy lại thí dụ hai tỉnh A và B. Tỉnh A có nhiều học sinh dỗ đại học, nhiều thạc sỹ, tiến sỹ hơn tỉnh B, nhưng đa số không có việc làm hay có việc không đúng ngành nghề đã học. Tỉnh B có rất ít, thậm chí không có thạc sỹ hay tiến sỹ, nhưng số học sinh tốt nghiệp phổ thông lao vào công việc thực tế, biết cách khởi nghiệp và đóng góp cho tỉnh nhà nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội. Thử hỏi người dân tỉnh A hay tỉnh B, ai tự hào về con em mình hơn? Đại học nước ta thì luôn khép kín trong lĩnh vực hàn lâm với vòng kìm tỏa của các vị giáo sư không mấy cởi mở. Ít thấy đại học mời các doanh nhân thành đạt, những chính khách có kinh nghiệm, các tướng lĩnh có đầu óc xét đoán hơn người v.v. đến chuyện trò với sinh viên. Giáo dục suy cho cùng nhằm giúp đỡ từng cá nhân tìm được hướng đi cho đời mình chứ không phải ôm một mớ hiểu biết vô ích. Muốn thi vào ngành ngoại ngữ vẫn phải đạt ba môn văn, toán, ngoại ngữ. Không biết lô gich đó từ đâu ra, có lẽ từ thới Liên Xô cũ. Có lần một học sinh quê Nghệ An thi vào khoa Pháp ở Huế, tuy được 10 điểm môn Pháp văn mà vẫn trượt vì toán chỉ 2 điểm. Tôi lấy làm băn khoăn tiếc nuối cho trường hợp đó.
Không biết rồi đây giáo dục nước ta xoay xở thế nào trước thềm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà giới tin học gọi là cách mạng 4.0. Thủ tướng chính phủ khẳng định nước ta quyết tâm tham gia tích cực cuộc cách mạng này. Có một số ngành đã rục rịch chuẩn bị như hàng không, công an, ngân hàng… nhưng giáo dục vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Cách mạng 4.0, theo ước đoán của một số nhà kinh tế, sẽ phổ cập toàn cầu trong vòng mười hay mười lăm năm nữa. Khi đó ta sẽ sống trong thời đại IOT- internet of things – internet vạn vật, công nghệ sinh học và công nghệ nano. IOT là việc kết nối mạng bất cứ vật thực hay ảo nào. Uớc tính có hàng chục tỷ kết nối của sự vật như vậy trong đời sống hàng ngày. Trên cơ sở nối mạng sự vật, các thuật toán giúp ta phân định kế hoạch công việc. Một vị giám đốc 4.0 của một xí nghiệp tương lai chỉ cần dùng smartphone (điện thoại thông minh) để điều khiển công việc thông qua các thuật toán: ông ta biết sẽ làm gì trước mắt và lâu dài, không cần ban bệ tham mưu nào hết. Một vị bộ trưởng giáo dục 4.0 nhìn điện thoại biết được một thầy giáo ở Phú Quốc đang gặp khó khăn gì, một học sinh ở Pleiku đang mơ ước chuyện gì và xa hơn, một học sinh Phần Lan đang có dự án gì về công tác xã hội. Vị bộ trưởng đó sẽ cho giải thể hết các ban, cục, vụ viện không còn lý do tồn tại. Trong tương lai, cơ quan bộ, các sở, các trường sẽ hết sức gọn nhẹ và hiệu quả hơn các bộ máy cồng kềnh hiện nay. Bởi lẽ học sinh tương lai không cần đến trường theo một lớp nhất định. Mọi thứ có sẵn trên mạng. Ai muốn học gì cứ việc tra cứu và sẽ được cung cấp một chương trình tối ưu thích hợp cho bản thân người học đó. Tiếp đến là các bài giảng do những bậc thầy giỏi nhất thế giới ở Ấn Độ, Mỹ, Nga… do mình chọn lấy. Các bài giảng đó đều là sản phẩm tối ưu của trí tuệ. Thậm chí ai tò mò muốn học lịch sử Đảng Cộng sản hay chủ nghĩa Lê nin đều có thể có những bài giảng do các thầy giáo Đức, Nhật,… giảng dạy hấp gẫn hơn các giáo trình khô khan hiện nay. Thi cử cũng do mạng quyết định. Như vậy vai trò giáo viên sẽ thế nào? Ta cứ yên tâm, các thầy cô giáo bốn phương vẫn tồn tại, tuy qui chế có khác đi. Người học được nối mạng với giáo viên và sẽ cần gặp để tham khảo ý kiến giáo viên trong các trường hợp cần thiết.
Tình hình sẽ nhanh chóng diễn ra như vậy. Thế nên ai cũng ngạc nhiên thấy Bộ ta vẫn say sưa đầu tư hàng chục tỷ tiền để làm chương trình và sách giáo khoa và đào tạo tiến sĩ. Về nguyên tắc, khi đã thực hiện cách mạng 4.0 thì không tốn một xu ta vẫn có hàng ngàn sách giáo khoa, hàng vạn giáo trình, bài giảng với chất lượng cao nhất, đặc biệt thích hợp cho từng cá nhân. Ta cũng không tốn một xu mà vẫn tiếp cận được hàng ngàn hàng vạn giáo sư, tiến sỹ khắp thế giới. Nếu không có chiến lược phát triển mới, một ngày nào đó Bộ GD sẽ không biết quản lí cái gì, quản lí ai. Điều đó làm ta liên tưởng đến lời tiên đoán tài tình của Marx và Enghel vào giữa thế kỉ 19: Đến một giai đoạn phát triển cao, nhà nước sẽ tiêu vong, nhân dân tự quản lấy mọi công việc của mình. Có điều các cụ tiên đoán cho một nền kinh tế nhà nước cấp cao, trong khi sự việc lại xẩy ra trong một nền kinh tế thị trường tự do toàn cầu hóa.
12/2017