Bí mật của con đường

Truyện ngắn Nguyễn Thị Hoàng Bắc

 

1. Nhà ga vui tươi bắt đầu và kết thúc con đường bằng vòng biên nối khu trung tâm chợ chính ồn ào ban ngày, ẩm mốc buồn thiu khi về đêm.

Thuở xe ngựa còn chạy lọc cọc trên đường, trong một ước hẹn không lời, nó chỉ lọc cọc lóc cóc những sáng sớm tinh mơ trời còn nhá nhem tối sáng, gồng gánh, xốc nách, móc níu, chồng chất ngổn ngang một cách gọn gàng: trái cây, gà vịt, rau cải; và mấy bà buôn chợ từ Thành đang lên đồng lắc lư ngái ngủ theo nhịp xe lắc lư cho kịp phiên chợ sáng. Chiều tối lại, mới là lúc xuất hiện khó hiểu lờ đờ vài ba chiếc xe bò rề rà cà rịch cà tang chở gạch đá, vôi cát, đen trắng đỏ bụi mù, cung cấp hàng cho các khu xây dựng ngoại ô. Khoảng thời gian sáng trắng cho đến xế trưa là thời dụng biểu được đăng ký ngầm của các loại xe văn minh: xe đò, xe hơi, xe jeep, xe nhà binh tám bánh, xích lô, ba gác, xe đạp, vélo, honda dame, vespa chen nhau xuôi xuôi ngược ngược. Người đi chơi thả bộ chọn đi đường biển, bát phố ở phố chính hai bên buôn bán, tiệm ăn, tiệm chụp hình, radio, nhảy đầm, café nhạc nhẹ, nhạc giựt, và khách sạn sang trọng, sáng đèn.

Tôi ngồi dậy trong bóng tối khi tiếng vó ngựa phi, tiếng roi vút vút bình thường, có khi chỉ là quất vu vơ vào không khí hơn là vào lưng ngựa, nghe chẳng dữ dằn gì của anh nài ngựa, chỉ là như đánh nhịp cho vui thôi, vó ngựa phi lộp độp trong gió, nắng nóng chưa lên để khiến người ngựa mệt phờ để anh nài phải vung roi vụng về thúc giục. Thì cũng coi con ngựa quý như con mình, không có nó, lấy tiền đâu ra anh nuôi vợ nuôi con? Bác bán xôi bắp gánh một gánh xôi trĩu một đầu, một đầu kia là lỉnh kỉnh hành mỡ, đậu xanh, lá bàng, muối mè, đường cát, bọn con nít xúm xít co ro trong gió chớm lạnh, thúng xôi bắp nóng bốc hơi ngùn ngụt thơm lừng, mỗi đứa một gói, co ro nhai, ngậm, ngửi, nuốt, vừa lắng nghe mùi bắp nóng trôi tuột, chạy đến đâu ấm từ từ một luồng hơi dễ chịu cả người. Còi tàu xa từ phía sân ga rúc lên một hồi, thức tỉnh những người còn ngái ngủ, và đúng y chang như sách Quốc văn của tôi nói, tiếng còi xé màn đêm.

Lớn lên chút nữa, biết bên kia đường, Châu thức dậy sớm đang quơ tay quơ chân ra vẻ thể thao thể dục, tôi đã hơi e dè, không dám xông ra ngồi co ro ăn sáng ngay trước mặt nhà bên cạnh gánh xôi, là mất đi một cái thú, nhưng món ngon mấy ăn hoài cũng chán nên mẹ nói bác Xôi Bắp, “Thôi ngày mai khỏi ghé, bọn nhỏ hơi ngán rồi,” và tôi an toàn ăn bánh mì hoặc cơm chiên trong nhà, và khỏi ngại ngoài kia, bên kia đường, Châu vẫn mặc độc một cái xà lõn ngực trần nhảy tưng tưng, hít thở, và quơ tay quơ chân rồi lộn tùng phèo trên hai cái trụ sắt thể dục, và thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn trôm sang phía cửa nhà tôi. Một buổi tối, tôi vừa đang ngủ gục vừa ôn bài, thằng em nhỏ Châu chạy qua đưa tờ giấy và cây viết máy, tờ giấy Châu viết nắn nót “Bơm cho ngòi mực đi, viết hết mực rồi”. Đó là loại bút máy stylo, phải thay ngòi, và bơm mực. Coi như bức thư tình thình lình đầu tiên, và không đầu không đuôi, không xưng hô tên tuổi, làm trống ngực tôi đập ầm ầm, và sau đó giấu sâu vào khe kéo fermeture trong cặp đựng vở. Châu, sóng biển giờ đã đẩy Châu về đâu?

 

2.Ngày định trốn đi, tôi đạp xe lên xuống mấy chục lần, cứ từ hàng me trước ga dọc theo con đường đến cuối sát khu chợ. Ghé vô quán xu xoa hột lựu nước đá húp lấy húp để một ly đầy mà vẫn cứ khát, cổ họng khô, tôi khàn khàn nói trong cổ với nó, Mai tao đi rồi, không biết bao giờ mới gặp lại, mày ở lại, nếu công an không bắt, chắc là tao đi luôn. Tới mấy chữ đi luôn, tôi nghẹn họng, cay mắt, môi run run, giựt giựt, không thể nói được gì thêm. Lại đạp xe lung tung trước góc cua giữa con đường, liếc ngang quét dọc, tôi cố thu nhớ hình ảnh góc cua này. Ở đó, Châu mười tám tuổi, vội vã chống càng xe đạp, và nhảy phóc ngồi lên yên xe để nói chuyện với tôi, khi thình lình gặp nhau giữa đường. Tôi đã cao hơn Châu một cái đầu hồi nào, còn theo đúng thời trang đỏng đảnh đôi guốc Đakao gót nhọn hoắc, cao kều. Hai đứa bằng tuổi nhau, tôi mười tám, Châu cũng mười tám, sao tôi càng lớn càng cao nhanh như mẹ nói “Con này nhổ giò”, và càng cao thì thấy Châu càng lùn xủn thảm hại. Hôm rời thành phố để đi học xa, đứng trên chiếc xe buýt chạy từ từ qua ngang nhà, tôi thấy Châu đờ đẫn trên hè phố, khuôn mặt xinh trai rắn rỏi, nhưng ánh mắt u hoài khắc khoải nhìn theo, Châu lại giơ tay vẫy vẫy. Tôi đi học xa về, đã kiếm được một người bạn trai mới, cao hơn tôi một cái đầu. Về nhà rồi, mới biết Châu đã đi học một truờng dạy nghề nào đó, và giờ chắc là đang lưu lạc nơi đâu. Mối tình đầu tan theo gió. Những cái vẫy tay vừa mạnh mẽ vừa bất lực của Châu không giữ ai lại được, mà nơi con đường này, tôi cũng không có ý định trở lại.

 

3. Trời cứ xao xuyến mãi mà không mưa. Mây đen toả ra bao phủ, cây lá kêu loạc xoạc phơ phất, gió heo heo, rồi bỗng tan mây, mặt trời rám nắng, và mây xanh lại ló đầu ra. Đất trời bứt rứt.

Hình như trước nhà ga này, vòng bên tay trái khuất sau lưng con đường, là phòng ngủ Phụng Hoàng, là chỗ xưa kia đồn trú của khoảng vài trung đội sĩ quan nước ngoài. Bà ngoại tôi làm bồi phòng ở đó, cô gái quê nhà nghèo và nhan sắc, và gan dạ liều lĩnh đã trốn nhà ra đi để tự kiếm sống, với ước mơ sẽ tìm được một thanh niên thành phố hiền lành, lương thiện cưới mình làm vợ. Cái kiếp làm vợ lẽ bị đày đoạ lâu ngày bởi một người đàn ông nghiện, đến cái nón của con, cái quần mới của vợ khi khói thuốc nâu thúc giục ông cũng bán, người vợ lớn không con buồn rầu rồi chết, người vợ lẽ đến gần như quẫn trí là mẹ mình, cô gái quê, một phần nhắm mắt đưa chân, một phần liều lĩnh, phản kháng. Nhưng bà ngoại tôi rồi cũng chẳng may mắn gì hơn. Muốn quên hết đi quá khứ, nhưng trong hoạ có phúc, chỉ vì cái vẻ giống chà dà ma ní tí te, cái bụng thè lè, con mắt ốc bươu của mẹ, phái đoàn phỏng vấn Mỹ sau này đã chấp thuận cho ba mẹ con bà cháu chúng tôi đi định cư theo diện con lai.

Mai nay tôi đi rồi, sẽ nhớ cái gì trước cái gì sau? Nhưng tôi đã trốn đi hụt biết bao lần, tôi đã định bỏ con đường, vậy mà lần nào sắp đi lại đắng cả họng. Cũng ít ai biết được nơi cái góc ga đó, công viên Hàng Me, riêng tôi đã có những buổi chiều phiêu diêu. Nằm dài trốn sau tấm tượng đài Chiến Sĩ Trận Vong, những chiều gió cuốn, mây cuộn trôi từng vòng, những thiên la địa võng, những thiên đàng tiên giới, thành quách xây lên, thoắt biến thoắt hiện, ngựa xe này tan đi lại có những cảnh tiên khác phất phới, biến hiện. Mái lâu đài nghiêng xuống một hồ nước sâu, đám cột trụ điêu khắc chạm trỗ tinh vi cầu kỳ, sương mờ uốn qua, và quạ lửa, đám quạ lửa vụt từng đàn chiếu sáng rực rỡ một màu mây đậm hồng. Thình lình, còi xe lửa huýt lên một hồi dài, ráng chiều vụt tắt, đoàn toa đen ầm ầm xình xịch khói xanh dũng mãnh tiến vào ga, tôi lao vào, đến được cửa guichet thì tàu của ba đã đậu lại. Ba làm nhân viên xét vé trên tàu, đi đường dài, ba hôm tôi mới đón ba về một lần, ba nghỉ ở nhà một ngày, đi tắm, đi mua báo, bỏ bộ đồng phục hoả xa bằng kaki, mặc chemise trắng quần đen, lai rai đi bàn chuyện thế sự và thời sự với bạn bè, để mai lại đi. Vì bà ngoại tôi đẹp nên dù má tôi lai chà dà ma ní tí te thì chỉ lai cái nước da đen thôi, nét đẹp của ngoại hiễn hiện trên mặt mẹ. Ba tôi thường thú vị khen, ừa, ít ai đẹp mà hiền như má mày. Cũng ít ai biết được với những lần đi đón ba, tôi đã hạnh phúc thế nào trong những thế giới thần tiên của riêng tôi, dù công viên trước nhà ga và tượng đài Chiến Sĩ Trận Vong của thành phố thì ai cũng biết.

 

4. Tôi lờ ngờ, hồi hộp nhưng không gấp gáp tìm đến đấy. Cái quán xép bên hông chợ, bây giờ là nhà cửa hàng quán khang trang rồi, theo trí nhớ, và sự mô tả của mẹ, cái quán may bằng gỗ mái lợp tôn diện tích 4m x 5m ngày đó, ở đó, bà ngoại tôi đã cầm cây kéo bự giơ lên doạ đâm chết tên sở khanh là ba kế của tôi, sau khi đã gạt tình và ẵm gần hết số tiền dành dụm của má tôi, còn trở lại định dụ dỗ và gạt tình, gạt tiền lần nữa. Sở Khanh cúp vòi, chạy như cờ lông công, nếu không, chậm tí nữa là bà tôi dám gây ra án mạng. Bà bây giờ tóc bạc phơ tiên phong đạo cốt, mỗi hai, ba tuần đi chùa một lần, ăn chay niệm Phật, kinh Bát nhã ba la mật đa tâm kinh và chú Đại bi đọc thuộc làu làu, ai biết được có lần bà suýt tí nữa dám giết người? Kế bên cái quán may cũng là một quán may khác, nhưng ba của Mị thì không nhận hàng may như má tôi mà chỉ nhận sửa đồ. Mị tóc ngắn, khuôn mặt dài quý phái, miệng móm, nước da trắng, giọng Huế đãi dài như kẹo mạch nha, tuy lúc đó quen nhau, tôi mới mười một tuổi, và nó thì mười ba. Nhưng Mị đã biết yêu. Nó yêu Thành, Phạm văn Thành, anh học trò Bắc kỳ di cư, chắc không có nhiều tiền may quần áo tây mới nên thường đem đồ cũ mua lại đến cho ba của Mị sửa. Nghe nó kể: “Ông Thành ở gần phía nhà mày… Má ổng bán xôi bắp nuôi ổng ăn học, mà ổng học giỏi lắm, nên ba tao cũng khen”.

À thì ra bác Xôi Bắp là má bồ của Mị? Nhưng Mị lớn lên, từ ngày mẹ tôi dọn quán đi trốn ba kế tôi, tôi không gặp Mị ở trường nữa vì hình như nó thôi học hoặc đổi sang trường khác. Những chiếc lá rơi rớt xuống sông rồi trôi đi mất tiêu, tôi không gặp, và cũng không nhớ tới Mị. Bác Xôi Bắp có lẽ cũng dọn nhà qua con đường khác, bây giờ nhớ lại mọi việc, tự nhiên và không lý do, tôi tư lự nghĩ là Mị yêu vậy chớ lớn lên chắc gì nó đã lấy được anh Thành. Có một buổi chiều tự nhiên Mị nói, “nóng quá, nóng quá” rồi nổi hứng rủ tôi đi uống nước mía Tân Tiến. Mà nóng thật, người cứ như bị bỏ vào chảo rang khô, mọi người xúm đen đỏ lớp trong lớp ngoài quanh xe nước mía quay mù tăm sủi bọt, những viên đá trắng kêu leng keng trong ly, bàn tay cầm ly buốt lạnh, uống tới đâu tỉnh người tới đó. Uống xong, khi chen vô trả tiền mới hay nước mía đã lên giá một ly hai đồng, Mị có hai đồng, tôi chỉ có một đồng, Mị bảo, “Mày đứng chờ ở đó, để tao đạp xe về nhà lấy tiền”. Đứng một mình một hồi thấy kẻ chen ra người lấn vô ồn ào mà không ai thèm đếm xỉa gì tới tôi, tôi lén phóng ra đường, ngược đường chạy về hướng nhà Mị, vừa thấy nó đang còng lưng, cái áo sơ mi hồng phồng lên như một trái banh, đạp xe ào ào về phía tôi. Tôi hét lên “Chạy đi, chạy đi, khỏi trả tiền!”. Phi vụ cướp giật này tất nhiên chỉ có tôi và Mị biết. Nó không dám làm nhưng thấy tôi làm được thì hể hả, “Lời được bốn đồng”.

 

5. Cứ coi như trời trả báo đi, tôi giật tiền nước mía tại con đường này thì cũng chính tại con đường này, một con khác tên Cúc, theo tôi, (và một mớ bạn bè là mặt mũi tướng tá và tính tình khỉnh khinh đều khó ưa hơn tôi) vậy mà nó phỗng tay trên mất thằng bồ của tôi. Khoảng thời gian sau này nghĩ lại, tôi chẳng nên ghét con đó, tôi với nó thân thiết gì nhau đâu , mà cho dù nó có chơi thân tôi mà vẫn quyết tâm giật bồ nhau thì lỗi trăm bề là nơi thằng bồ tôi thôi. Vậy ghét thằng đó chớ không phải ghét con đó. Hai ly nước mía mà đổi lấy một thằng hẹn thề chờ đợi nhau trong năm năm thì khá lỗ vốn về phần tôi. Phần thằng đó, chắc nó có tu nên có hưởng theo thuyết nhà Phật, ha ha, nên nó có lời, vừa đá được một con vừa thu lợi về được chi nhánh một công ty sản xuất cà phê lớn nhất nhì thành phố. Vậy mà một thời yêu thương, nó cứ lảm nhảm răn đe tôi là, “Lương tâm có hàm răng bén lắm, nhớ đấy”. Hay nó tự đe nó mà tôi lú lẫn lại tự đem ra hù doạ mình? Nhưng ân hận suốt kiếp này là mẹ. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ vì tôi nhỏ lệ, ngày thằng bồ cưới vợ, tôi đau đớn xé lòng không biết nói với ai nên kêu với mẹ “Mẹ giết nó cho con!”. Tôi thấy nước mắt mẹ ứa ra lưng tròng. Trước sự tàn tệ bất nhân, bất nghĩa, hai mẹ con tôi chỉ còn đành ôm nhau bất lực. Tôi không thừa hưởng đưọc cái gan của bà ngoại, dám cầm kéo lên, doạ cũng được mà thật cũng được, cầm vũ khí lên để tự vệ, để trừ gian diệt bạo trong cái giây phút mà cả thế giới không ai đưa ra một ngón tay để giúp mình.

 

6. Giờ tro xác mẹ đã về nằm yên nơi ngôi chùa cạnh nhà ga, nơi đi về làm việc của người chồng đầu tiên hiền lành mà vắn số của bà, và bên cạnh bà tôi, và nơi đầu con đường ấy. (Mẹ, mẹ cho con tạ lỗi, kiếp sau và nhiều kiếp sau nữa nếu quả có luân hồi, con trở lại làm thân trâu ngựa để đền bù những giọt nước mắt vì con đã rơi của mẹ). Bà đi trước, mẹ theo sau, hai năm hai cái tang. Đầu đường, cuối đường, giữa đường, không còn có tiếng vó ngựa ào ào và tiếng vút roi trong sương sớm, xe bò lọc cọc nặng nề khi chiều về, chuông xe đạp kêu leng keng, kèn ô tô chiếu phim bíng boong bính boong dụ con nít, chỉ xe máy là xe máy, một nền văn minh xe gắn máy, vừa chạy vừa lạng lách cướp đường ngang dọc, vừa chửi thề vừa trốn cảnh sát chạy ngược chiều, cảnh sát giao thông vừa phạt xe vừa ăn hối lộ, xe máy vừa để chở gia đình con cái, vừa để thồ hàng buôn lậu trốn thuế, học giả vừa trí thức vừa xài bằng giả, đại gia vừa buôn bất động sản trăm tầng vừa ngập đầu nợ nhà băng, láng giềng vừa ăn cướp vừa đồng chí, viên chức vừa yêu nước vừa bán nước, nhà ngoại giao vừa đại diện quốc gia vừa buôn hàng xách tay, đại biểu vừa biểu quyết vừa chơi games, quốc hội vừa họp vừa ngủ gật, đất nước vừa tự cô lập vừa đánh đĩ ve vãn liệt cường, giám đốc vừa thanh tra vừa ăn cướp, siêu mẫu vừa hoa hậu vừa gái bao, cầu thủ vừa đá bóng vừa bán độ, cán bộ vừa nịnh trên vừa nạt dưới, vừa khoe hiến pháp vừa xài luật rừng, triết lý khôn sống mống chết, đạp lên nhau mà sống, xưa nay sao vậy, và nhật nhật tân, hựu nhật tân, nay tất phải hơn xưa gấp bội.

Mọi người bây giờ đang lớn tiếng nói công khai chứ không cần gì thì thào rỉ tai gì nữa, bà chủ mặt bơm đầy botox ướt nhượt nhà trọ tôi cao kiến tiên tri oang oang: “Tàu khựa nó chiếm hết cả biển rồi, nay mai sẽ lấn dần vào đất, có về chơi lần này thì nói tiếng Việt, tiếng Mỹ, lần sau phải nói tiếng Tàu, ông nhà tôi lanh lợi lắm, đã bắt đầu tập và nói được, hạo hạo, sia sịa, duê sảo, nị hạo, dài ràn …!”.

 

7. Nhà ga xưa vẫn còn là nhà ga, con đường u hoài, những chánh phạm lởn vởn trên con đường cũ, và tôi thì đang đứng nhìn mưa, mưa một trận rashomon. Mưa vô tư công bình trên cao trút xuống, gió quần thảo. “… Mưa to thế này thì không rang cà phê được, cà phê hột muốn có mùi thơm sắc thì ống rang phải luôn quay đều tay, lửa phải đủ, và không sợ tốn kém, cứ mười lăm phút thì trút vào một hộp bơ Bretel”, giọng ba của Cúc, chủ công ty cà phê lừng danh Xuân Cúc ngày đó, y như ổng đang nói sát bên cạnh tai tôi, y như lúc tôi còn bạn bè với Cúc, đứng bá vai nhau coi ông già truyền bí quyết cho thợ nhà.

 

Virginia, 7/2014

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.