Con bửa củi

Nguyễn Hoàng Anh Thư sinh năm 1975 tại Huế, học trung học tại trường Quốc Học và đại học tại Đại Học Sư Phạm- Huế, ngành Ngữ Văn.

 

Chị làm thơ, viết truyện ngắn đăng ở các website và các tạp chí Da Màu, Hợp Lưu, Sông Hương… và một số báo in trong nước.

Hiện chị đang giảng dạy tại trường trung học Đồng Khánh, Hai Bà Trưng- Huế.

Con bửa củi

Truyện ngắn

Nguyễn Hoàng Anh Thư

 NGUYEN HOANG ANH THU

Nó lần lượt bỏ từng ngày qua vào nằm trong một cái lu, lâu ngày nó lên men ẩm mốc sau vườn nhà. Mẹ hỏi: “có mùi gì lạ thế con?”. Nó không biết: “con cũng nghe có mùi lạ”. Kí ức thầm thì vào tai nó: “bạn lấy nó ra dùng trong bữa trưa nay nhé, men đã đượm mùi”. Sáng nay, con bửa củi màu đen bóng loáng vẫn còn nằm gọn trong cái hộp diêm, nó bảo: “mày hết tóc tóc rồi à, đừng có mà giả chết nhé, tao biết tỏng mày giỏi giả vờ”. Nhưng con bửa củi cứ nằm đơ cứng, cong oằn, nó cầm con bửa củi lên, khớp cổ đã không còn mềm nữa. Con bửa củi đã chết. Mẹ nó bảo: “bắt được bửa củi là may mắn lắm con ạ, con sẽ được lộc”, ngày đó nó có một điểm mười đỏ rói của cô cho môn hình học, nó đang học lớp 4.

 

Cô chìa đôi tay trắng ngần mềm oẳn ra để mở hé cánh cửa, ngoài kia có một cây ô môi ngày xưa ba cô mang từ miền Tây về, ba bảo ở trong đó nhiều lắm, ngoài này chưa ai có trồng cây này, bây giờ chưa đến mùa chín trái, nó đang lủng lẳng xanh. Mùi dìu dịu của cỏ cây ngai ngái, cô thấy buồn ngủ. Đã mấy hôm rồi cô chưa rời khỏi căn phòng, mắt cô cứ trao tráo lên trần, cô chờ tin vui từ phía bác sĩ. Bệnh trầm cảm của cô có vẻ khá hơn, sau mười mấy năm cô quay lại về đây, trong ngôi nhà thời bé của cô. Ngoài kia, mảng trời đang lấp ló phơi những sợi nắng mỏng mảnh trên khoảng sân nhỏ. “Nhanh lên…vào đây đi !”- cô nghe tiếng- tiếng của Suyra bạn cô gọi. Đôi chân nó chấp chới, hôm nay nó lại mặc bộ áo quần hoa vàng li ti ấy, bộ áo quần bằng phải phin thô dày mà mẹ nó may từ năm ngoái. Mơ hồ quá, cô thấy mùi hỗn độn ngập ngụa cả căn phòng, cô nhức mắt, ngồi bật dậy, cô tìm một thứ gì đó, một thứ mùi mà cô chẳng nhớ ra. Cô nhớ sực lại cái luận văn đang viết dở, cô lo lắng, ở đây không có internet, cô không mang theo laptop, cô phải viết tay và chỉnh sửa, còn hai tuần nữa cô phải gửi đề cương cho người hướng dẫn. Cô loay hoay với cây viết, nó bị tắc mực, bực bội vô cùng, cô nhìn ra, quả bồ quân vẫn còn xanh. “ Bóc..bóc…” , ồ, một con bửa củi, cô nhớ ra, đã lâu cô quên nó, cô cố quên nó khi thấy nó và rất nhiều bửa củi nằm trong cái thẩu rượu của chồng cô, nghe đâu anh ấy phải đặt hàng rất xa và mấy tháng sau mới nhận được nó. Ngày ấy, cô rùng mình khi vừa mở vào nhà, có cái mùi gì thật lạ, mà cô lại thấy quen, mỗi bữa ăn, anh ấy uống một ly, cô có cảm giác rùng mình ớn lạnh chảy dài theo cuống họng. Cô thấy mình không mở miệng ra được. Đêm ấy, cô mơ về cái đốt cổ của con bửa củi bị đơ.

Ngày đi qua rạch ròi với cô trong những tờ lịch được xé đi. Có vẻ hơi lạnh lùng và vô cảm, cuộc sống thật bận rộn, hình như nhiều lúc cô không thở nổi. Hai vợ chồng kẻ xuôi người ngược tất bật đã chừng tám năm nay, họ đồng ý với nhau và khất lần đến lãng quên chuyện có con cái. Riêng cô thì đã hãi sợ cảnh nheo nhóc với lũ trẻ con như những đứa bạn cô. Cô cứ tung tăng, thung dung, ai cũng bảo cô trẻ người quá. Nhất là mẹ cô.

Tiếng càu nhàu vọng lên từ phía nhà bếp: “Nó lại không ăn uống gì con à, hôm qua tới giờ…”, mẹ cô nói với tiếng thở dài. Cô nghe loáng thoáng bước chân xa dần, cô hé cửa nhiều hơn, nhìn ra phía ngõ, cây ô môi đã đâm những nụ li ti hồng. Năm nay thân nó đã sần sùi, mấy lần bão định trốc nhưng nó đã trụ lại rất giỏi. Ba bảo, trái nó màu đen nên gọi là ô, cơm của nó rất dẻo, như thịt nên gọi là môi (như những miếng môi cơm). Những cái cành nó chằng chịt vào nhau, cô đang đợi mùa hoa và chờ đến đêm, bọn bửa củi trong hốc cây đó sẽ bay vào căn phòng của cô. “Hốc cây ở đó có rắn đấy, con đừng leo lên nhé”– tiếng ba cô dặn, cô nghĩ, chắc trong ấy có rất nhiều rắn, loại rắn độc thích côn trùng, chúng đang nằm chờ săn những con bửa củi.

“Ra đây con”– mẹ cô lay dậy lúc trời đã quá chiều, cô vừa chợp mắt. Cô uể oải đi theo mẹ, ra phía sau vườn, chỗ đất trống, cô thấy một cái thau nhôm cũ, đang nghi ngút khói, mẹ bảo: “con bước qua bước về trên cái thau đi, khói này sẽ xua tà sắc nơi con”. Cô nghe mùi thơm của loại cỏ tràm, mùi vàng giấy, mùi gì hăng hắc nữa, nó quyện vào mũi cô. Cô hắt xì liên tục, cô thấy mắt bị nhòe đi, “ tóc..tóc…”, cô nghe tiếng âm thanh rất gần bên tai, tiếng con bửa củi, cô đưa tay bắt, nó búng thật nhanh, “ póc” –  nó biến mất, cô hớt hãi nhìn xung quanh, chẳng thấy nó đâu. Mẹ cô nói: “khoan đã con, con chỉ mới bước qua sáu lần, còn ba lần nữa, tiếp tục đi con…”. Cô không nghe, cô cứ mãi tìm con bửa củi, nó sẽ mang lại cho cô lộc, cô sẽ có con, không như vị bác sĩ kia bảo cô vô sinh vì cô đã uống thuốc tránh thai quá lâu năm, cô bị buồng trứng đa nang, rất khó có con, đó là kết quả khám bác sĩ sau khi cô quyết định có con. Mẹ cô thì bảo, cô bị vướng cõi âm, phải xua, tẩy trần cái màu xám đen ẩn hiện trước trán cô thì cô mới sinh con được. Cô ngoan ngoãn nghe mẹ nói. Đã hơn hai tháng cô ở đây.

 

Năm nay, gió bấc về hơi lành lạnh, cây ô môi đã rụng hết lá, cô bắt đầu thấy từng nụ màu hồng hồng đang nhú dần ra, từ phía trên cao. Cô nhớ vỏ ô môi cứng lắm, cong như một vành trăng lưỡi liềm màu đen, như cái cánh cứng của con bửa củi– cô thầm thì– màu nâu đen chứ, đường gân nó chạy dài từ đầu cho đến cuống trái. Cha cô ngày ấy thường hay dùng chiếc móc sắt để hái. Múi ô môi đen nhánh, tròn tròn như đồng xu, mẹ con cô thường hay ngồi ngoài cái bàn đá kia mà bóc, cơm trái nó trắng nõn, mẹ nấu món chè thật đặc biệt. Năm nay mẹ nói: mấy năm nay không đậu được quả ô môi nào, mẹ không nấu món chè ấy cúng cho ba con. Nó đã quá già, cũng phải, cơ man nào là sâu bọ, côn trùng bay vào ở đấy, cả lũ rắn nữa. Đêm, kéo dài hai bóng đen của hai mẹ con, gần giờ ngọ, mẹ cô lay cô dậy, dắt cô ra trước sân nhà, nơi gần cái cây ô môi, mẹ bảo: “con đội chín cây nhang này khấn đi nhé, hãy khấn điều con ước nguyện, còn mẹ sẽ đốt mấy hình nộm này”. Cô thấy có nhiều hình nộm lắm, có con nhìn như cô vậy, còn mấy con kia như đám trẻ con, nó nhìn cô hay sao ấy, cô thấy buồn nôn, mẹ bảo: “hay là con bị gió?, thôi con khấn nhanh mà vào nhà đi, để mẹ đốt nó đi”. Cô nhìn chúng đang bị cháy dần, cho đến khi những hình nộm cong queo nhưng chiếc xương bằng tre bên trong, nó gãy cổ và rơi sụp xuống. Mộ đống hỗn độn màu đen nghi ngút khói. Cô lảo đảo đi vào nhà, nó làm cô chóng mặt.

Buổi sáng thật muộn, mẹ cô đã từ ngoài cổng bước vào, nhiều thứ ở quê lắm, cô mang máng nhớ loại cá mình thích, cô lại có cảm giác buồn nôn, mẹ bảo, để mẹ nấu canh lá vông với cá giếc cho cô húp ít nước, tại cô ít vận động, lười ăn nên cô bị chứng trào ngược dạ dày. “Sáng nay chồng con có gọi về không mẹ?”– cô hỏi, “có con ạ, nó bảo cũng đang về tận miền biển, nơi có nhiều đầm phá nuôi trồng rau câu để làm hợp đồng thu mua xuất sang Hàn Quốc”. Cô nói với mẹ, giọng thở dài: “không biết con có khá lên được không”. “Sẽ khá hơn con à, rồi con sẽ khỏe, ở với mẹ ít hôm, mẹ chăm, ở thành phố hoài bụi bặm, xe cộ, công việc cứ tù mù, ráng ăn chút đi con nhé, xong rồi con đi bộ mà chơi, à, con bé bạn con, Suyra, cả nhà nó có về thăm nhà đấy, nó vừa về hôm qua”. Cô không nhìn mẹ, không biểu hiện gì hơn, cô ngước nhìn cây ô môi, hoa hôm nay đã lớt phớt hồng, “có vẻ năm nay cây nhiều hoa hơn và chắc đậu nhiều trái mẹ nhỉ ?”–  cô nói, mắt cứ chăm chú nhìn vào khoảng không.

Chiều nay gió lặng, cô bước lững thững ra vườn sau, những chiếc lu ngày xưa cô hay chơi trò trốn tìm với ba. Nó vẫn còn yên vị đấy, những cái lu bỏ không, cô thò một chân, định ngồi vào, cô muốn trốn, trốn con bửa củi tội nghiệp kia. Nó cứ gõ “tóc…tóc…” bên tai cô, nhưng bây giờ cô không chui lọt vào được, cô cảm thấy bất lực, năm tháng đã không thuộc về sở hữu của cô. Cô rùng mình, tê sống lưng, cổ cô cứng đơ như con bửa củi. Cô cất tiếng gọi: “Mẹ ơi, cứu con !”.

 

 

Comments are closed.