Hồi ký Nguyên Ngọc
Dạ Ngân đến nay vẫn thường đùa:
– Hồi đó chú Ngọc vô cư trú chính trị ở miền Tây Nam Bộ!
(Cô khăng khăng một mực gọi tôi bằng “chú”, trong khi Nguyễn Khải già hơn hai tuổi lại được gọi “anh” ngon lành.
Tôi hỏi:
– Sao thế?
Cô cười:
– Chiến thuật phòng ngự từ xa mà, chú!…).
Sau vụ Đề dẫn, đến Đại hội Nhà văn năm 1983 tôi lại được bầu ban chấp hành, nhưng không nhận công việc cụ thể gì ở Hội.
Đúng là hồi đó, với tôi, sống Hà Nội buồn và ngột ngạt thế nào ấy, tôi bỏ đi vào Nam, lang thang mấy năm gần khắp miền Tây: Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Bến Tre, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc…
Đi cho khuây khỏa và hình như cũng để lấy sức cho một “cuộc” mới mà tôi linh cảm chắc thế nào rồi cũng sẽ đến, khó tránh.
Bắt đầu cũng là do Nguyễn Trọng Oánh.
Sau cái Đại hội Nhà văn lần thứ III, mà cụ Nguyễn Tuân bảo là chưa thấy cái nào “tợn” bằng ấy, chắc là sợ tôi buồn, gần như ngày nào Oánh cũng tạt qua nhà tôi. Vẫn ít nói, hay thở dài, nhưng lần nào cũng giục:
– Đi đi, đi mà viết!
– Đi đâu? – Tôi hỏi.
– Đi với mình.
Anh rủ tôi đi lữ đoàn 125 hải quân, bấy giờ đóng bên kia phà Bính, Hải Phòng.
Trong chiến tranh chống Mỹ, hải quân ta còn nhỏ, thực sự chỉ có hai đơn vị trực tiếp tham gia đánh nhau nhiều: lữ 126 đặc công nước, và lữ 125 chuyên làm công việc bí mật và nguy hiểm vận tải vũ khí từ Bắc vào Nam, trên con đường được gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh trên Biển Đông”, bằng những chiếc tàu ngụy trang gọi là “tàu không số”.
– Ừ, thì đi…
Đến 125, gặp Phong lữ đoàn phó, hóa ra là người quen cũ. Hồi chín năm Tây Nguyên anh ở một đội vũ trang tuyên truyền thường hoạt động song song với đội tuyên truyền công tác của tôi suốt dọc hành lang từ tây Phú Yên, băng qua cao nguyên Daklak, lên giáp biên giới Miên.
Phong đang chuẩn bị đi học Liên Xô, anh đưa cho tôi một lô tài liệu mật và hiếm: Dự thảo lịch sử chiến đấu của lữ đoàn, hồ sơ các con tàu bí mật, sổ tay ghi chép của các cán bộ chỉ huy… “Nhờ cậu xem được thì tiểu thuyết hóa nó ra, đã đến lúc công khai được rồi đấy”.
Đọc, rất ly kỳ. Nhưng viết một cái gì sao vẫn thấy uể oải thế nào ấy.
Những chiến công lừng lẫy, những anh hùng, những kỳ tích, tôi không phản đối tiếp tục viết anh hùng, kỳ tích. Thậm chí nhiều đồng nghiệp còn bảo: Cái này hợp “tạng” cậu đấy, tùy bút anh hùng ca mà!
Nhưng lúc này tôi lại đang vật vã cố tìm cách thay đổi chính cái “tạng” ấy. Bao nhiêu năm tôi đã say mê sống, say mê viết cái phi thường, cái lịch sử, to tát, hùng vỹ. Nay đang cố tìm cách trở lại với cái đời thường, cái hằng ngày, hạnh phúc nhỏ, đau khổ nhỏ, cuộc đời nhỏ… Ai tiếp tục anh hùng ca, sử thi, tôi chẳng chê. Nhưng tôi, tôi muốn thử tìm một con đường khác.
Vậy mà đến 125, tôi lại gặp… Lịch sử viết hoa.
Nhưng thôi cứ đi tiếp xem sao, biết đâu.
Tôi tìm đến Đặng Văn Thanh, nguyên là chính trị viên chiếc tàu bí mật đã chuyển một chuyến vũ khí rất ly kỳ, dũng cảm, táo bạo từ Hải Phòng vào tận cửa sông Ray, Bà Rịa, vì chuyến ấy mà đã được tuyên dương anh hùng quân đội. Thanh vốn dân Cà Ná, nay lấy một chị cán bộ phụ nữ xã là vợ liệt sĩ; về hưu, anh sống ở quê vợ vùng Thủy Nguyên ngoại ô Hải Phòng.
Ở với Thanh mấy hôm, nghe anh kể chuyện, tôi bỗng hiểu thêm một điều: tham gia vào cái chiến công do đó Thanh đã trở thành “anh hùng”, hóa ra còn vô số những người vô danh mà chính Thanh, cho đến tận bây giờ, không hề hay biết, chắc sẽ mãi mãi không thể biết. “Dự thảo lịch sử chiến đấu lữ đoàn” không hề ghi. Hồ sơ, sổ tay nhật ký công tác của các vị chỉ huy không hề nhắc tới. Nguyên nhân rất đơn giản: Không ai biết, không ai có thể biết.
Vậy là “hay” rồi. Tôi muốn đi tìm họ, những người vô danh. Họ là ai? Trong chiến tranh họ đã làm gì? Số phận bây giờ ra sao?…
Chuyến đi vào Nam của tôi sau “vụ Đề dẫn” và Đại hội Nhà văn lần thứ III là vậy.
Tôi biết, tìm “họ”, chẳng có thể đi theo những con đường chính thống. Chẳng có hồ sơ chính thức của bất cứ cơ quan nhà nước nào ghi chép tên tuổi họ, nhắc đến họ. Họ bao giờ cũng ở bên rìa của Lịch sử chính thống. Và một cuộc đi tìm như vậy chỉ có thể là một cuộc lang thang, rất bất định. Cũng rất có thể là một cuộc đi sẽ dẫn anh đến xa dần, đến lạc hẳn những dự tính ban đầu. Một cuộc phiêu lưu thật sự.
Tôi lên đường như vậy.
Vợ tôi bảo:
– Anh cứ đi đi. Công việc ở nhà, em lo được.
Cô ấy sợ tôi căng thẳng và buồn, muốn tôi được khuây khỏa. Thật tội nghiệp cho những người vợ quá tốt của những anh chàng nhà văn đang lúng túng và bất tài như tôi!
– Anh sẽ cố gắng đi ngắn, về sớm. – Tôi hứa bừa.
Lời hẹn “về sớm” ấy hóa ra cô phải chờ mất gần ba năm.
Cảm ơn vô cùng và cũng xin lỗi vô cùng những người tôi đã gặp, đã tiếp tôi ân cần, đã để công kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện liên quan đến công cuộc ly kỳ vận chuyển vũ khí Bắc Nam trên Biển Đông thời chống Mỹ: anh Dương Quang Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh, bà má Mười Rìu và anh Hà ở Phước Hải, anh Thanh ở Bà Rịa, anh Tư Mau và anh Bảy ở Rạch Giá, anh chị Tư Thắng ở Cần Thơ, anh Bảy Nam ở Rạch Giá đã đưa tôi đi khắp gần một trăm hòn đảo có người và không người ở huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang, anh Hai Phốc và các anh chị ở Rạch Gốc Cà Mau, anh Năm Sao và con gái anh ở Trà Vinh, anh Ba Thắng cũng ở Trà Vinh nhưng tận huyện Duyên Hải xa lơ xa lắc và chị vợ cũng thật anh hùng mà rất lầm lũi của anh… Các anh chị, các má, các cụ đã kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện lạ lùng, tôi ghi chép dày cộp hàng chục cuốn sổ tay, rồi hứa nữa chứ… Nhưng tôi đã thất hứa, mãi vẫn chưa viết chưa in được một chút gì về họ, buồn thay, trước khi họ mất. (Tôi cũng đã có viết những hơn ba trăm trang đánh máy, nhưng rồi bỏ dở dang, vứt đó. Mãi đến năm 1995 tôi mới viết thành một cái kịch bản cho hãng phim Quân đội, sau rồi theo lời khuyên của nhiều người mới sửa lại chút ít để thành một bút ký và in thành sách, thật tình tự tôi thấy là cũng chưa đến đâu).
Bào chữa thế nào với họ đây? Thật ra chẳng có gì để bào chữa cả. Chỉ là thú nhận thôi. Tôi thú nhận tôi nghe họ kể, họ tâm sự, tôi cặm cụi ghi ghi chép chép, nhưng tâm trí tôi lại đang để tận đâu đâu. Tôi đi tìm họ, hàng ngàn cây số, cả trên đất lẫn trên biển, đến tận những góc đất góc biển xa xôi tìm họ, hỏi họ, nghe họ… nhưng kỳ thực là tôi đi tìm chính tôi, tôi chong tai lắng nghe chính tôi, những gì đang còn, đang mất đi, đang dày vò, đang trằn trọc, đang chuyển đổi và nảy sinh trong chính tôi.
Tôi vẫn còn là cái anh chàng nhà văn chẳng còn gì chẳng có gì để nói ra cả, un écrivain qui n’a rien à dire, như cái ông nhà phê bình Blanchot bên Tây kia từng viết thâm thúy thế. “Tư liệu” đầy ra đấy, nhưng anh lại chẳng có gì để nói cả. Tất cả đều còn mơ hồ, bàng bạc, có lúc tưởng đã nắm lấy được trong tay rồi, mừng quýnh lên, muốn ngồi ngay vào bàn, cầm ngay lấy bút, nhưng hóa ra là nhầm. Chưa có gì rõ rệt cả. Ngay cả cái sự lờ mờ, mơ hồ ấy cũng không rõ nét nốt. Ôi giá như đừng có lỡ mang tiếng nhà văn, đừng có liều lĩnh, rồ dại trót bước vào cái nghiệp chướng này. Giá như được làm một anh kỹ sư, một anh thợ xây, xây một cái nhà, làm một chiếc cầu, làm phu khuân vác vác một tải gạo…, cụ thể, rõ ràng, hữu ích hơn bao nhiêu. Khổ nhất trên đời này là cái anh nhà văn đi nói dối, tức là viết những điều tự anh không hề có thật trong sâu nhất của anh. Khổ và nhục.
… Tôi đi lang thang như vậy, chăm chỉ và lười nhác, hăng hái và uể oải, hy vọng và tuyệt vọng, hớn hở và buồn nản.
Ở Cần Thơ tôi gặp Dạ Ngân, có quen ở trại sáng tác Vũng Tàu mấy năm trước, hồi tôi còn làm đảng đoàn. Ở Vũng Tàu, Ngân xa lạ với tôi, hình như cô đoán tôi cũng loại cứng, cũ như một vài anh lãnh đạo ở trại. Về sau có lẽ cô có nghe phong thanh chuyện “vụ Đề dẫn” và bây giờ thì coi như là tôi đang đi “cư trú chính trị” ở miền Tây.
– Chú cứ xuống đây cư trú chính trị, bọn cháu nuôi.
Cô mang tôi về “nuôi” thật. Dạ Ngân sống một mình, với hai đứa con, cháu Uyên và cháu Vinh.
Ngân giới thiệu:
– Ông Ngọc là đại tá quân đội đấy.
Cháu Vinh nhất định không tin:
– Má giỡn hoài. Đại tá gì mà nhỏ xíu, lùn tịt vậy. Con đứng cao gần bằng ông Ngọc rồi nè!
Bấy giờ Dạ Ngân đang làm báo Văn nghệ Hậu Giang. Ba mẹ con sống ở cái phòng ngoài trên gác trụ sở báo, tôi ở phòng bên kia cách một chiếu nghỉ. Hằng sáng, cô đi chợ, có hôm cho tôi cùng đi theo, đi bằng xe lôi, về nấu cơm cho tôi ăn. Ấm cúng, thân tình, và tôn trọng nhau, quý nhau thật sự.
Dạ Ngân cho tôi đọc những truyện ngắn đầu tay của cô. Tôi rất ngạc nhiên. Ở cô gái Nam Bộ này tôi nhận ra một điều không dễ tìm thấy: một sự phá vỡ mãnh liệt, cả táo tợn nữa, giấu sau cái đằm thắm tinh tế và nồng hậu; hết sức Nam Bộ, nhưng không phải là cái kiểu Nam Bộ Đoàn Giỏi, thậm chí cả Nguyễn Quang Sáng. Đoàn Giỏi, cả Nguyễn Quang Sáng nữa, vẫn còn phần nào cố ý Nam Bộ. Dạ Ngân cứ thế mà Nam Bộ, trong ý, trong văn, trong mắt, trong giọng, trong máu. Nhưng văn Dạ Ngân lại đã thoát được cái sần sùi quá “mộc” kiểu địa phương. Thậm chí còn có phần Bắc Hà. Có lẽ chính vì thế mà vài năm sau, những truyện ngắn của Dạ Ngân đã nhập được vào cái giọng văn học chung cả nước. Ai cũng biết, cũng thấy, cũng thích cô rất Nam Bộ, mang đến cho dòng sông chung một ít phù sa rất Cửu Long trộn hòa trong cuồn cuộn sông Hồng của văn chương ta.
Dạ Ngân “học” được ở đâu tất cả những điều đó?
Ở Cần Thơ ít lâu, được Dạ Ngân nuôi, đi đâu, Long Xuyên, Cà Mau, Rạch Giá… thỉnh thoảng lại ghé về đó, nói chuyện, tâm sự, đọc – Dạ Ngân cho tôi đọc ngay trong bản thảo cả những cái cô viết còn dở dang – tôi dần dần hiểu ra: hình như ở mảnh đất này, Nam Bộ, do những điều kiện lịch sử, địa lý, chính trị, xã hội nào đó, khát vọng khẳng định của con người như một nhân cách, một cá nhân, một cá tính độc lập, có tư cách, có quyền sống, tồn tại và phát triển của chính mình, mạnh mẽ và quyết liệt hơn ở nhiều nơi khác. Và có điều lạ: ở các cây bút nữ rõ hơn, nhiều hơn.
Dạ Ngân là một trường hợp hơi nổi bật lên. Tôi thật tình hy vọng ở cô.
Dạ Ngân rất ít nói với tôi về cuộc đời riêng của cô. Tôi cũng không tiện hỏi. Chỉ biết loáng thoáng cô hoàn toàn là người kháng chiến: sinh ra trong bưng, đi học trường kháng chiến trong bưng, hoạt động trong bưng, có khi vào hoạt động hợp pháp cả trong thành phố thời Mỹ chiếm. Có làm báo, rồi từ báo mà tập tò viết văn. Thời tôi gặp Dạ Ngân cũng là lúc Dạ Ngân bắt đầu đi vào nghề văn. Mãi một hôm, đi cùng xe hình như từ Long Xuyên về Cần Thơ thì phải, có anh Sáu Nghệ, Chủ tịch Hội văn nghệ An Giang, Dạ Ngân và tôi, Sáu Nghệ đột ngột hỏi:
– Nè, ông Ngọc có biết chuyện ông già con nhỏ này chưa? Ông già nó là Lê Lai liều mình cứu chúa đó. Để chú kể cho ông Ngọc nghe, được không, Dạ Ngân?
Dạ Ngân không nói gì.
Ra đó là một câu chuyện lạ lùng của cuộc đời Dạ Ngân, tôi quen cô mấy năm mà vô tình tôi chẳng hề biết.
Ba Dạ Ngân tên là Lê Văn Triêm, tthường gọi là Ba Triêm, Tỉnh ủy viên Rạch Giá, phụ trách Kinh tài, hay lên Sài Gòn kết nối cơ sở. Một ngày năm 1956, ông đi ô tô con cùng Bí thư Rạch Giá là ông Lâm Văn Thê, bí danh là Ba Hương, từ Sài Gòn về huyện nhà. Xe bị chỉ điểm, cảnh sát phục ở Rạch Gòi tuýt còi, xộc lên gọi “Ai là Ba Hương bước xuống”, ba Da Ngân bình tĩnh đứng lên, bước xuống, tài xế cũng là người mình cho xe vù đi. Về đến Cần Thơ bọn chỉ điểm nhận diện mới biết đã bị Lê Lai thay. Nhưng chúng chép miệng “Không có Ba Hương thì Ba Triêm cũng được”. Ba Dạ Ngân bị đưa ra xử ở tòa, án tù chính trị 20 năm khổ sai Côn Đảo. Thụ án mới 6 năm, ông hoạt động trong tù bị lộ, bị tra tấn, chết trong xà lim cấm cố tháng 7 âm lịch năm 1962. Là con một chết, ông nội Dạ Ngân buồn, uống thuốc ngủ chết theo luôn 6 tháng sau đó. Một lần anh trai Dạ Ngân ra đảo tìm mộ ba không thấy, chỉ có bia đề là Lê Văn Thêm. Đến năm 1997, cả nhà thuê nguyên chiếc trực thăng từ Vũng Tàu đi, chính Dạ Ngân xộc vào Ban Di tích và họ lục hệ thống mộ chí trên thì tìm thấy Lê Văn Triêm. Hay là linh hồn ba đã khiến vào đứa con giỏi Văn nhất nhà. Bia nhà nước sai bét ra, nhưng bia đá nhỏ cũ khuất trong cỏ dưới chân mộ thấp là Lê Văn Triêm, số tù, tên cha mẹ tù nhân, quê quán nữa, không nghi ngờ gì cả, do bạn tù ngày trước khắc cho nhau. Má Dạ Ngân đi gặp được chồng, về ngồi xe lăn luôn, ba năm sau thì mất, mãn nguyện…
Đến một lúc nào đó, trong một truyện ngắn của mình, Dạ Ngân có sẽ viết lại câu chuyện này không? Tôi không dám hỏi Ngân…
***
Ở Cà Mau – Minh Hải tôi có một người dẫn đường tuyệt vời – theo nghĩa đen và nghĩa bóng, Nguyễn Trọng Tín. Đi Cà Mau với Tín, thì cũng giống như đi Angkor với Vik Keo.
Nguyễn Trọng Tín có một cuốn sách rất hay tên là Bè trầm, bị tạp chí Tác phẩm văn học làm hỏng, năm 1984.
Tôi được đọc quyển sách ấy trong bản thảo, do Tín tin mà giao cho, thích quá, liền đem khoe với anh Nguyễn Văn Bổng. Anh Bổng cũng thích lắm, vội giới thiệu với nhà xuất bản Tác phẩm mới. Nhà xuất bản đang chuẩn bị in, thì tạp chí Tác phẩm văn học do anh Nguyễn Đình Thi làm Tổng biên tập vừa ra đời giành lấy để in vào số 1 của nó. Nhưng trên tạp chí, cuốn sách bị cắt đầu, cắt đuôi, cắt cả đoạn giữa, đến chẳng ra hình thù gì nữa, chỉ còn như một thân cây trong rừng bị bão lụt lớn nhổ lên, đánh cho tơi bời, rụi cành rụi lá, trôi lờ phờ trên dòng sông đục ngầu. Tạp chí đã in rồi, nhà xuất bản Tác phẩm mới ngại in lại, cứ để dầm dề mãi đấy. Cho đến năm 1988 nhà xuất bản Mũi Cà Mau mới in trọn vẹn. Nhưng Mũi Cà Mau thì xa tít, thị trường sách lại đang lúc hỗn loạn, Bè trầm, cái cây gỗ quý nổi trôi ấy chìm luôn đi mất!
Số phận một cuốn sách cũng như số phận một con người. Có người hưng thịnh, có kẻ nổi trôi, thậm chí chết chìm lặng lẽ trong dòng đời.
Có lần tôi trách Nguyễn Đình Thi về chuyện này. Anh ấy bảo:
– Có cắt gì lắm đâu, chỉ vài ba đoạn nhỏ không đáng kể.
Tôi có cảm giác anh, tổng biên tập, anh chưa hề đọc trọn nguyên bản.
Tín có buồn, nhưng anh là dân Cà Mau, dân xứ Mũi. Đối với dân xứ Mũi, trên đời này chẳng có gì là quan trọng. Một trận say, coi như mọi sự phủi đi, xong!
Theo tôi, Bè trầm là một trong những quyển tiểu thuyết hay nhất ở ta từ sau 1975.
Tôi có một ông bác ruột, xưa thuộc đội kèn đồng nổi tiếng ở Huế, gọi là đội nhạc Toà khâm, năm 1935 hay 1938 gì đó từng đi dự hội chợ triển lãm Paris và được giải thưởng lớn tại đó; về sau sáp nhập với đội kèn do ông Đinh Ngọc Liên chỉ huy, trở thành đoàn nhạc binh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồi nhỏ đi học ở Huế, mỗi chiều thứ bảy, tôi thường được ông bác dẫn đi xem đội nhạc Tòa Khâm biểu diễn tại cái ki-ốt bên sông Hương, cạnh Đài chiến sĩ trận vong (Monument au morts, ngày ấy người ta gọi như vậy) trước trường Khải Định tức trường Quốc học. Tất nhiên là tôi chú ý nhất đến bác tôi, và… rất tự hào về ông nữa: ông phụ trách cái kèn to nhất trong toàn dàn nhạc, cho đến nay tôi vẫn chưa biết tên gọi là kèn gì. Nó to đến nỗi thân kèn vàng óng bác tôi quấn quanh người như quấn một cái vòi voi khổng lồ, loa kèn thì nở ra bằng cái thúng. Điều khiến tôi hết sức khó hiểu là suốt buổi biểu diễn, trong khi toàn dàn kèn đồng véo von, thì bác tôi hầu như chẳng hề thổi gì cả. Ông ngồi đó, ôm cái vòi voi to tướng của ông, và chăm chú chờ, mắt đăm đăm nhìn người chỉ huy, ông Tiêu. Lâu lắm, lâu lắm, tôi chờ đến sốt cả ruột. Bỗng đột ngột ông Tiêu đưa cây đũa chỉ thẳng vào bác tôi. Bác tôi lập tức rướn thẳng người lên, hai má phồng to. Và tôi giật mình kinh ngạc, nghe vang lên, đâu như từ trong tận sâu lòng đất một tiếng “ồ ồ…” kéo dài, trầm nặng không tả nổi, không thể tin được. Ông Tiêu nghiêng tai như nín thở lắng nghe tiếng vọng kỳ lạ đó. Rồi ông quay đi. Bác tôi lại buông kèn ra. Và lại chăm chú ngồi chờ…
Bè trầm của Nguyễn Trọng Tín là như vậy. Lâu nay chúng ta viết về những giai điệu cao của chiến tranh, của cuộc sống. Anh thì anh làm cái kèn đồng to tướng và vô danh gần suốt bản anh hùng ca hùng hồn. Bây giờ anh mới lên tiếng. Tiếng vang rất trầm, tận cái nền, cái móng sâu của cuộc sống. Nơi ta rất thường quên đi trong cuộc hồ hởi hăng hái xông tới, nhưng lại là nơi ta vẫn đứng chân, cắm rễ mà chẳng hề hay.
Đất bao giờ cũng vô danh, bởi nó là cái nền. Nhân dân cũng vậy. Cái nền thì luôn luôn nằm khuất, chìm sâu dưới lâu đài đồ sộ của cuộc sống ồn ào bên trên. Nguyễn Trọng Tín nói rằng trong cái Bè trầm, cái nền đó, có những con người, những số phận, những tình yêu và khát vọng, cũng ghê gớm, cũng dữ dội, cũng lớn lao chẳng thua gì cái thế giới ồn ào trên kia.
Nguyễn Trọng Tín dẫn tôi đi một chuyến xuyên từ bên này sang bên kia rừng U Minh. Tôi kinh ngạc hiểu ra rằng, hóa ra Tín không phải là người trần mắt thịt như tôi, như bạn. Anh là con của U Minh, do lớp than bùn tích lũy từ hàng triệu năm dày cả thước ở đây sinh ra, tạo nên. Anh là thiên nhiên. Vậy đó!
Văn của Tín cũng thế.
Anh Nguyễn Văn Bổng đọc Bè trầm, ngạc nhiên hỏi tôi:
– Sao nó ở tận cái xó mũi Cà Mau xa lắc ấy mà tiểu thuyết nó viết hiện đại thế nhỉ?
Tôi thì tôi nghĩ: thiên nhiên là thế, bao giờ cũng cổ xưa, bao giờ cũng hiện đại.
Tôi tin Nguyễn Trọng Tín là một phát hiện của văn học ta hồi đầu những năm 1980. Rất tiếc sự hờ hững tùy tiện, cả khinh thường nữa của Tác phẩm văn học đã cắt đầu cắt đuôi chặt chân chặt tay nó.
Dạo chúng tôi đi U Minh, rừng đang cháy. Một vụ cháy lớn U Minh chưa từng có từ xưa đến nay. Người ta bảo trên thế giới hiện nay chỉ còn hai khu vực rừng nước vĩ đại cỡ này: Amazon Nam Mỹ là một, U Minh là hai. U Minh cháy lớn, gần như cháy sạch, là tai họa sinh thái có ý nghĩa toàn cầu. Tôi không biết nói vậy có quá không, nhưng ít nhất, nó là một vết thương nhức nhối vào loại nhất trong nước, trong vùng. Cây tràm cháy, rồi mùa sau lại mọc lên ngay. Nhưng lớp than bùn U Minh tích dày hàng triệu năm cháy, thì hàng triệu năm nữa mới lại có. Vậy mà hồi đó, báo chí ta im re. Chỉ có một tiếng kêu thét thất thanh: một bản trường ca U Minh cháy thống thiết của Lê Chí. Và anh bị phê bình ra trò một trận về vụ thơ kêu cứu ấy.
Tôi có hỏi vài người có trách nhiệm ở tỉnh:
– Tại sao cháy?
– Âm mưu phá hoại của địch. – Trả lời gọn trơn.
Hồi chiến tranh, U Minh là căn cứ thần thánh của ta, ta ở trong rừng, lực lượng nhỏ bé, lẩn lút. Địch thì vây quanh, quân đông bạt ngàn, bom xăng, napalm đủ loại, bao nhiêu lần cố đốt hết U Minh để thiêu sống ta. Mà không đốt được. Bây giờ giỏi lắm cũng chỉ năm ba thằng gián điệp, sao lại đốt hết được cả rừng?
Không ai trả lời.
Nguyễn Trọng Tín bảo tôi:
– Thôi hỏi làm gì chú. U Minh mênh mông vậy, nhưng ngày trước nó không phải của chung tập thể, quốc doanh đâu. Nó của từng người. Chú ở Tây Nguyên rồi, chú biết. Mỗi tổ ong mật, mỗi con rắn, con rùa, mỗi lô tràm trong rừng đều có chủ riêng. U Minh năm nào cũng cháy, xưa nay vẫn vậy, than bùn cứ đến mùa khô tự nó bốc cháy. Nhưng đất có chủ, của có chủ, cháy đâu có người dập đó ngay. Con thương của xót… Nay quốc doanh cả, của chung cả, nghĩa là chẳng của ai hết, vô chủ. Cháy vậy còn may!
Hóa ra chuyện U Minh cũng là chuyện con người. Chuyện sở hữu. Chuyện chủ nghĩa tập thể và cá thể.
Lê Chí thì bảo:
– Còn lướng vướng quốc doanh còn chết.
Hôm ở U Minh, tôi tình cờ chứng kiến cảnh những người dân quanh vùng xưa vốn là chủ U Minh, sống bằng U Minh, bị tàn nhẫn xua đuổi ra khỏi rừng.
Lê Chí bảo:
– Thôi đi, anh. Ngó làm gì. Đau lắm…
Nhưng nói gì thì nói, đi U Minh với Nguyễn Trọng Tín là chuyến đi để mà nhớ đời. Hai anh em quyết đi xuyên từ bên này qua cho đến tận bên kia, từ U Minh Hạ – Cà Mau cho tới hết U Minh Thượng – Rạch Giá, mà Tín quyết chỉ mang theo có mỗi can rượu trắng, không cần gì nữa hết, Tín cam đoan. Đang mùa khô, không phải lội nước lệt sệt suốt ngày. Thỉnh thoảng Tín hỏi đói chưa. Ừ, thì kiếm gì ăn chút cho chắc bụng cũng được. Thế là Tín dừng lại, và tôi ngạc nhiên thấy cậu nằm dài, áp tai xuống lớp bùn đen, nheo nheo mắt lim dim hồi lâu, rồi đột ngột vùng dậy kêu lớn “Trúng mánh rồi, có ăn rồi, to lắm! Coi nè!”. Anh gọi tôi lại, hai anh em ra sức đào, chỉ bằng tay không, đào, đào, đào… Thì ra bên dưới lớp bùn đen dày do lá tràm rụng hàng trăm nghìn năm, hóa thành bùn đen khắp U Minh, vẫn là nước, một thế giới nước mênh mông, và ai cũng biết từ thượng cổ, có nước tức là có sự sống, một thế giới sống vô cùng rộn rã, xao động, đa tạp, đa dạng, đa nguyên, tự do và cực kỳ sống động có khi còn hơn cả trần thế trên này nữa. Tín thọc tay xuống cái lỗ hai anh em vừa đào, sâu lút đến nách, và lôi lên một con cá quả to tướng giãy đành đạch. Cho mày giãy. Đập một phát. Quơ bùn đắp kín con cá, quơ lá khô đốt một đống lửa mà thui, kỳ chín, bóc bùn ra, da cá dính theo, chỉ còn thịt trắng bong, cứ thế mà hả hê chén với rượu. Món gỏi đã có thêm chuối rừng, chát thay vị mặn của muối. Rồi đi tiếp. Khát thì đã có trái nắp nước, sáng tạo tuyệt kỹ của thiên nhiên hoang dã. Nắp nước là một loại cây dây leo, cứ một khúc lại có một trái, hình y cái cốc hơi dài, trên có nắp đậy kín nhé, giở nắp ngửa cổ uống luôn một hơi mát lịm…
Trái nắp nước