Đối thoại Fukushima

Inrasara

(trích 9 câu hỏi/ trả lời có vẻ quan trọng)

Chuyến đi Nhật Bản, qua Okinawa, Fukushima và Tokyo, bảy ngày từ 19.6-25.6.2019, ba buổi thuyết trình, một cuộc gặp mặt trao đổi các Hiệp hội, và tiếp xúc năm phóng viên, tôi trả lời khoảng 30 câu hỏi: Về văn hóa biển Cham, về Dự án Nhà máy Điện hạt nhân và văn học Việt Nam đương đại.

Lạ, cả ba buổi, câu hỏi tôi thường xuyên đụng phải là: “Trí thức là gì?” nhấn về cá nhân Inrasara. Thế nên tôi trả lời bằng lấy chính mình ra ví dụ. Tôi là nhà nghiên cứu vừa là nhà phê bình, nếu tôi cặm cụi hai thứ, dẫu lớn tới đâu, tôi chỉ là chuyên gia. Tôi là nhà thơ mà tôi chuyên lo làm thơ, dù nổi tiếng cỡ nào tôi ít nhiều chỉ mua vui được vài trống canh cho người thiên hạ. Chỉ khi tôi nhập cuộc thế giới xung quanh, hiểu và lên tiếng về vấn đề cộng đồng, tôi mới là trí thức.

Tầm vóc có thể khác nhau, một trí thức tầm lớn thường là kẻ hoạt động chữ nghĩa, tiếng nói hắn được cộng đồng chờ đợi, và đáng tin cậy.

1

Nghĩ gì về Fukushima?

Ảnh hưởng của sự cố Fukushima đến Việt Nam thế nào? Việt Nam thông tin ra sao về sự cố này? Giả sử không có sự cố Fukushima, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đi về đâu? (Giảng viên Đại học Toyama).

Tchernobyl 30 năm trước thì được, đến Fukushima thì không thể ém nhẹm rồi. Qua Internet, tin về Fukushima đầy ra. Việt Nam, người dân các nước khu vực, và cả nhân loại kinh hoàng.

Vô số hình ảnh sờ sờ trước mắt đám dân quê Cham. Người Cham thấy cảnh hoang tàn ấy đã hoảng lên, và họ phản ứng. Trước 2008 thì không gì, sau khi Quốc hội thông qua Dự án cũng chưa gì, mà chỉ khi tận mắt thấy thảm họa Fukushima qua mạng, Cham mới lo sợ cho sinh phận mình cũng như vùng đất quê hương mình, ở ngày mai.

Cá nhân tôi quan tâm đến môi trường, không thể không biết đến Tchernobyl, không thể không tìm hiểu Điện hạt nhân khi Việt Nam rục rịch thèm muốn nó. Dẫu sao lúc ấy tôi vẫn “vô tư”, mà chỉ khi Quốc hội biểu quyết thuận, tôi mới thực sự nghiên cứu. Không phải nghiên cứu Điện hạt nhân, mà là ý kiến các chuyên gia trên thế giới về nó. Và tôi lên tiếng.

Nếu không có thảm họa Fukushima, chưa chắc bà con đã nghe tôi nói. Quần chúng thì đâu cũng vậy, thấy rồi mới tin, mà Fukushima đã phơi bày ra cho họ thấy nỗi nguy đang đến gần. Rất gần. Với Chính phủ Việt Nam, nếu không có bài học từ Fukushima, không biết họ có “nghĩ lại” không nữa! Bởi thảm họa hạt nhân Ninh Thuận ở ngày mai, nó ảnh hưởng không chỉ với riêng Cham, mà cho cả Việt Nam và khu vực lân cận.

Fukushima.64-ĐHN

Trước Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima

2

Hải sử & văn hóa biển Cham

Nhà thơ vừa nhắc đến Chùa Đại An do nhà sư Cham là Phật Triết dựng lên ở cố đô Nara – Nhật Bản, là điều khá bất ngờ với chúng tôi. Xin nhà thơ nói kĩ hơn… [một thính giả ở Đại học Okinawa].

Đó là thế kỉ VII, nhà sư Cham qua Nhật và dựng chùa ở đó, hiện ngôi chùa vẫn được giữ nguyên vẹn. Cạnh đó, điệu Lâm Ấp của Champa lưu lạc trên đất Nhật vừa được tìm thấy, cũng là một khám phá thú vị.

Người Cham viễn dương từ rất sớm, một viễn dương đầy chủ động. Ngay từ đầu thế kỉ thứ V, vua Gangaraja là người đầu tiên của Đông Nam Á đã làm cuộc vượt đại dương đến tận bờ sông Hằng. Sau đó, đầu thế kỉ thứ XI, bộ phận lớn người Cham thiên di qua Đảo Hải Nam – Trung Quốc sinh sống. Rồi Philippines, Malaysia… Đặc biệt trong lịch sử Champa, thương cảng Cù Lao Chàm có vai trò cực kì quan trọng trong việc giao thương đường biển của cả Đông Nam Á. Suốt 16 thế kỉ tồn tại, Champa là chủ nhân ông của Biển Đông.

Qua hải sử dài và xa, người Cham đã có nền văn hóa biển sâu đậm biểu hiện ở nhiều khía cạnh của đời sống, từ phong tục tập quán cho đến văn học nghệ thuật và ngôn ngữ.

Bên cạnh kiến trúc tháp Chàm, hải sử và văn hóa biển là đóng góp quan trọng nhất của Cham vào văn hóa Việt Nam. Kiến trúc và điêu khắc Cham đã được ghi nhận, vì không thể không công nhận; riêng hải sử và văn hóa biển Cham, lịch sử Việt Nam đã bỏ quên một cách tệ hại. Vì chính nó bổ khuyết cho lịch sử Việt Nam, và làm đầy tràn nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam.

3

Về kí Kháng thư

Kháng thư về Dự án Điện hạt nhân, tại sao người Cham kí nhiều? [Sinh viên từ Việt Nam]. Người Việt tham gia kí phản đối ít, có phải do hai dân tộc Cham và Việt chưa cảm thông nhau không? [Một linh mục gốc Cam Ranh]

Vấn đề do quan niệm khác nhau về đất. Người Việt “đất lành thì ở đất lở thì đi”, Cham lại khác: Đất lở chưa chắc Cham đã đi. Bởi đất gắn chặt với đời sống tâm linh Cham. Phải là nơi Dar thōk padōk kiak nơi “chôn nhau đặt viên gạch [dựng Tháp]” mới là đất Cham. Người Cham tham gia kí nhiều, không phải họ dũng cảm hơn người Việt tỉnh nhà, mà vì họ sợ cho chính đời sống tâm linh mình hơn.

Điện hạt nhân không phải vấn đề của riêng Cham mà của cả người Việt và dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Hơn 600 người Việt trong và ngoài nước đã kí, là vậy. Riêng tỉnh Ninh Thuận, rất ít chữ kí của người Việt, dù Việt đông hơn Cham gấp tám lần, đơn giản: Ở đây chưa có trí thức khai mào, một trí thức có tiếng nói ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Sau khi Kháng thư được gửi đi, bà con Cham biết chuyện đã trách tôi, sao không thông tin cho họ. Rằng nếu hay tin, họ sẽ kí không chừa ai. Nhất là cánh nữ. Tôi nói tôi không thể, hành động đó dễ bị quy về tội xách động chống Nhà nước.

4

Nguyên do ngưng dự án, và…

Dự án nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận tới đâu rồi ngưng? Xin ông cho biết, đâu là nguyên do? Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận-1 đã [lỡ] xây dựng hạ tầng, Việt Nam có kế hoạch gì không? [Giảng viên Đại học Ibaraki, giảng viên Đại học Rykkyo, và một thính giả ở Đại học Okinawa]

Sau bảy năm, từ 11-2009 đến 11-2016, Dự án được tuyên bố ngưng.

Không ai biết chính xác đâu nguyên do. Ngay bài báo mới nhất viết về vụ Chính phủ muốn “khởi động lại” Dự án cũng mơ mơ hồ hồ. Thế nên việc Dự án Nhà máy Điện hạt nhân có tiếp tục hay không, và tiếp tục thế nào, hoặc sẽ chuyển hướng về đâu thì mù mịt.

Dẫu sao câu chuyện chưa dừng lại.

Còn bạn hỏi “Có ai ở Ninh Thuận mong muốn nó được khởi động lại không” thì câu trả lời là, 100% là không, ngoài kẻ hưởng lợi lộc từ nó, là điều không thể không.

Chính phủ Việt Nam quyết định thuận, sau đó tuyên bố ngưng, tại sao? Có phải do áp lực từ các cuộc đấu tranh? [nhiều thính giả]

77,5% Đại biểu Quốc hội biểu quyết đồng ý Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, nguyên do được cho biết, đây là vùng đất dân cư thưa thớt, biển sâu tàu lớn dễ cập bến và neo đậu; người đại diện Chính phủ nói chắc như đinh đóng cột rằng, Điện hạt nhân sẽ mang lại lợi ích lớn cho bà con Cham trong khu vực.

Vùng biển sâu thì có sâu, chứ dân cư thưa thớt là sai; còn phần lợi ích, người Cham không cần đến lợi ích đó dù lớn tới đâu khi mà chính nó mang lại bất an ngày qua ngày, hại thì vô cùng tận.

Dự án ngưng, theo báo chí, do Điện hạt nhân không thể cạnh tranh với nguồn điện năng khác, hoàn toàn không chữ nào đề cập đến áp lực từ các cuộc đấu tranh.

Đó có phải do cộng đồng Cham phản đối không? [Naoko Sato, nữ phóng viên báo The Tokyo Simbun]

Tôi không biết Cham có tác động gì vào vụ ngưng này không. Điều tôi chắc chắn là, nếu thế giới phản đối, nếu nhân dân Việt Nam phản đối mà Cham im re, thì sự vụ chả nhúc nhích tới đâu cả. Cham không tác động gì lớn, mà chỉ như giọt nước làm tràn cái li đã đầy.

2019-6-20 Okinawa-H.09

Nói chuyện ở Đại học Okinawa

5

Ninh Thuận thực sự cần gì?

Sau khi ngưng Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, Chính phủ Việt Nam có tạo nguồn điện năng khác cho dân Ninh Thuận không? [thính giả từ Indonesia tại Bunkyo Civic Center – Tokyo]

Có. Nhiệt điện, điện gió, rồi điện mặt trời đã đầy ra.

Điện hạt nhân được sản xuất ở Fukushima, nhưng ở nơi khác mới dùng nguồn năng lượng này, ở Ninh Thuận cũng như thế, phải không? [nữ phóng viên Ogihara Chiaki, The Asahi Simbun.]

Đúng, ở đâu cũng thế thôi? Nước luôn về chỗ trũng.

Ngày 7-9-2016, khi UBND Ninh Thuận duyệt Dự án hạ tầng Khu công nghiệp & Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná, tôi có bài: “Ninh Thuận thực sự cần gì?” Tôi nói: Suốt dòng lịch sử, và cả hôm nay, Ninh Thuận thực sự cần ba thứ: Nước, Văn hóa Cham & Du lịch Bán Sa mạc. Cần, lo cho nó, và được nó trả lại cả vốn lẫn lãi.

Nước

Ninh Thuận là vùng đất tốt, kẹt là thiếu nước. Thế nên, nhà chính trị nào giải quyết được vấn đề này, là được lòng dân Ninh Thuận. Pô Klōng Girai nổi tiếng với Đập Nha Trinh. Còn Pô Rômê dù làm cho Champa mất nước (?), nhưng được bà con biết ơn qua Đập Mưrên.

Du lịch bán sa mạc

5km khúc quành qua biển Cà Ná được xem là đoạn đường độc đáo nhất VN: núi, đường rày xe lửa, Quốc lộ Một và bờ biển cùng rủ nhau uốn lượn. Ở VN chưa có đoạn đường nào ngoạn mục với tứ trụ siêu đẳng như thế.

Biển Cà Ná mặn và xanh nhất nước, do hai con sông lớn [Sông Dinh, Sông Cà Ti] từ đầu này đến đầu nọ cách khoảng 150km.

Núi đá Chà Bang được nhà đầu tư người Mỹ xem là mỏ vàng du lịch của Ninh Thuận, và đã từng yêu cầu chính quyền Ninh Thuận tuyệt đối không được đụng đến nó.

Từ đồi cát Nam Kương chạy dọc bờ biển cho đến Cà Ná với chiều dài 40km, chiều ngang bình quân 10km là vùng bán sa mạc rộng nhất nước.

Bốn yếu tố môi trường cùng địa hình họp lại biến Ninh Thuận trở thành vùng đất Du lịch Bán Sa mạc độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Cuối cùng là Du lịch Văn hóa Cham

Vùng đất hơn hai ngàn năm cư trú và xây dựng của Champa, hiện còn lại ba khu đền tháp Chàm, lễ hội Katê và Ramưwan với những điệu múa, làng [gốm cố nhất ĐNÁ, Dệt truyền thống, thuôc Nam…] Cham cùng vô số di tích lịch sử và văn hóa có giá trị lớn.

Triển khai các Dự án khủng [2 Nhà máy Điện hạt nhân, Dự án Nhà máy thép…], Ninh Thuận sẽ mất tất cả. Chỉ còn lại là SA MẠC. Sa mạc người, sa mạc tự nhiên, và sa mạc văn hóa. Nietszche: “Sa mạc lan dần… Tai hại thay cho kẻ nào cưu mang sa mạc”.

2019-6-24.Painting.03

Bức họa “Người nhiễm xạ”

6

Đâu là tính toàn vẹn của văn học Việt Nam?

Theo tôi biết, Inrasara vừa là nhà thơ đồng thời là nhà phê bình văn học. Xin hỏi ông có theo dõi văn học Nhật Bản không? Và nhà thơ đọc những ai? Riêng tôi chỉ biết văn học Việt Nam mỗi Bảo Ninh qua tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh [giảng viên Fukushima, và một thính giả.]

Đó chính là nỗi buồn của văn học Việt Nam gần thế kỉ qua. Bởi hoàn cảnh lịch sử, và cả từ lòng người. Thứ buồn chưa cách nào giải được.

Về văn học hiện đại Nhật Bản, tôi đọc tác phẩm thời danh Kim Các Tự của Yukio Mishima. Mới hơn, là Haruki Murakami. Còn Kobo Abe, người được mệnh danh là Kafka của Nhật Bản, tôi đọc Người đàn bà trong Cồn cát qua bản tiếng Việt.

Nhà văn trẻ Nhật Bản, tôi đọc và viết về Masatsugu Ono. Thế thôi, chấm hết. Trở ngại về ngôn ngữ thiệt thòi là vậy. Tôi hiểu Nhật Bản qua triết gia và đạo sư như Nishida Kitaro hay D.T.Suzuki nhiều hơn.

Về văn học Việt Nam, các bạn biết Bảo Ninh cùng Nỗi buồn chiến tranh thì không sai. Đó là tiểu thuyết hiện đại, độc đáo, viết về chiến tranh, và được quảng bá rộng khắp. Dẫu sao văn học Việt Nam không chỉ có thế!

Viết phê bình, tôi nhấn về văn học ngoại vi Việt Nam. Ngoại vi, bạn không thể không ngạc nhiên! Đất nước tôi, do hoàn cảnh lịch sử và văn hóa đặc thù, đã nẩy sinh vụ quái chiêu đó. Cũng là cái đặc thù của văn học đất nước hình chữ S này.

Sao gọi là văn học ngoại vi?

Đó là các dòng văn học bị xem là nhỏ lẻ, phi chính thống, hay ngoài luồng. Văn học của dân tộc thiểu số so với đa số, văn học miền Nam so với văn học miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tác giả in tác phẩm ngoài luồng, văn học người Việt ở hải ngoại, vân vân.

Tại sao tôi chú ý đến chúng? Dễ lắm, khi chúng bị phân biệt đối xử, chúng ít khi đến được với đại đa số bạn đọc. Từ đó người đọc hoặc không biết đến, hoặc biết mơ hồ, lắm khi biết sai về chúng. Theo tôi, hành vi loại chúng ra khỏi nền văn học hiện đại là thiệt thòi lớn cho độc giả Việt Nam, cho nền văn học Việt Nam đa dân tộc và đa vùng miền.

Ví dụ nhỏ, văn học cổ điển Cham khá sáng giá. Nó đáng được đưa vào chương trình chính quy ngay từ Trung học, thế nhưng có sinh viên Việt Nam nào biết mặt mũi nó ra sao đâu. Việt Nam có chục tiết dạy về cái gọi là “văn học địa phương”, gồm văn chương bình dân và tác giả tác phẩm của nhà văn địa phương. Ngay vụ này, học sinh và sinh viên Ninh Thuận có ai biết mảnh nhỏ nào văn học cổ điển Cham! Mà tầm của nó đâu phải bó hẹp ở địa phương.

Thiệt thòi cho ai?

Chứ văn học miền Bắc xã hội chủ nghĩa, dù là chính thống hay được mang giảng dạy với phân tích đủ trò, được bộ máy tụng ca đủ kiểu, đa phần là sáng tác tuyên truyền một chiều đầy tệ hại. Trong khi nghệ thuật nào bất kì đều gắn liền với tự do. Chỉ có văn học được sáng tạo bởi cây bút tự do với tư tưởng tự do mới nẩy ra cái gì đó đáng đọc.

Còn lại, đưa nó vào kho lưu trữ là vừa.

Fukushima.17-Thap


Trước tháp hoang

7

Đâu là thông điệp của Tcherfunith?

Xin nhà văn nói sơ qua về nội dung tiểu thuyết Tcherfunith. Đâu là thông điệp nhà văn muốn chuyển đến độc giả qua tác phẩm này? [Trả lời phỏng vấn nữ phóng viên Ogihara Chiaki, The Asahi Simbun]

Tcherfunith từ Tchernobyl + Fukishima + Ninh Thuận cộng lại mà thành.

Tiểu thuyết bắt đầu bằng vụ tự thiêu hụt của nhân vật là cha đẻ của vài nhân vật chính sau đó, đúng ngày khai trương Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận-1, kết thúc bằng một khối sinh linh Cham hình thành bộ phận nhân loại mới khả năng kháng xạ và biến vùng đất quê hương rộng lớn bị nhiễm xạ thành mảnh đất du lịch đặc biệt cho phần nhân loại còn lại. Khoảng giữa là bao nhiêu câu chuyện xung quanh sự kiện nhân vật chính cuốn hút cộng đồng Cham đào hầm chống họa hạt nhân.

Dự trại Sáng tác của Quân đội tại Tuy Hòa. Khu nghỉ mát Sao Việt sang trọng nằm trên một ngọn đồi lộng gió đẹp mê hồn, thay vì thưởng ngoạn cảnh thơ mộng đó, tôi đóng cửa viết một mạch 12 ngày liên tục, mỗi ngày 15 tiếng đồng hồ. Và xong!

Tcherfunith với hành vi điên rồ dễ thương của các nhân vật, hiện thực và hư cấu, hồ sơ tài liệu lẫn trang thơ, bài báo cắt rời hay bảng thực đơn thế giới Hầm, thầy pháp đọc kinh giải độc Hầm, và cả mấy biện pháp khoa học ngoại nhập mới nhất…

Henry Miller: Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết kinh khủng hay bi thảm. Tcherfunith được viết dưới dấu hiệu sợi chỉ xám đó.

Nếu có thể dùng chữ “thông điệp”, Tcherfunith muốn lay động lương tâm con người về một dân tộc, một vùng đất, một thành tựu văn minh khoa học kĩ thuật nguy cơ đẩy loài người vào diệt vong. Tcherfunith còn ý định hướng cái nhìn của thế giới về nhúm người đang nỗ lực bằng các loại phương tiện thô sơ trong tay cùng niềm tin sắt đá với hi vọng vượt qua thảm họa này.

Dĩ nhiên ở đó không thiếu tiếng cười, một thứ black humor hậu hiện đại. Tiếng cười như thể cách giải độc khác dành cho dân tộc tôi, và cho chính tôi.

Tác phẩm ấy in ở đâu chưa, thưa nhà văn? Và nhà văn có dự định gì với nó?

Đã. Chương nhất, ở Tienve.org. Trước đó ba nhà xuất bản trong nước muốn in, nhưng rồi chịu. Hai nhà ở nước ngoài nữa. Chưa ra đời, mà đời đã biết mặt đặt tên [tục gọi là “nổi tiếng”]. Ba, bốn bài báo và trả lời phỏng vấn về Tcherfunith. Vậy mà nó cứ lênh đênh, lênh đênh hệt sinh phận của Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận vậy.

Còn Tcherfunith có ra đời được hay không, và ra đời ở đâu, thì tùy duyên.

Fukushima-Nhatho-2

Với nhà thơ Wakamatsu Jataro

8

Tự do ngôn luận & vai trò Inrasara trong vấn đề Điện hạt nhân

Việt Nam có tự do ngôn luận không? Tôi biết có rất nhiều blogger bị bắt, vậy đâu là ranh giới giữa bị và không bị? [nữ thính giả tại Bunkyo Civic Center. Tokyo]

Chế độ độc đảng, hơn 800 loại báo qua tay một tổng biên tập duy nhất thì không thể có tự do ngôn luận rồi. Như bản năng của loài chó là… sủa, con người là nói. Trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam tìm mọi cách để nói lên tiếng nói phản biện của mình. Và họ bị lãnh đạn.

Đâu là ranh giới giữa bị và không bị, thì không ai biết được. Ở đây, tôi muốn nói về tôi.

Qua bảy năm, Inrasara bị áp lực gì không? Và Inrasara phản ứng thế nào? [Nữ giảng viên Đại học Đông Bắc Tohoku].

Nhiều, rất nhiều áp lực nữa là khác. May mắn là áp lực kia không từ người thân quen của tôi, bà con Cham thì tuyệt không ai vì lo sợ cho tôi mà khuyên tôi “nghỉ” cả. Áp lực có là từ bên ngoài. Báo chí hạn chế đăng bài của tôi, các Đại học giảm mời nói chuyện, bạn bè làm cơ quan Nhà nước né tránh “Sara” xa hơn.

Inrasara vẫn tiếp tục, vậy đâu là động lực? Xin hỏi thật, Inrasara có sợ không? [Aihara, nữ phóng viên]

Con người có ba thứ tham: Tiền, tiếng và tình. Về tiếng, tôi đủ lớn và đã miễn nhiễm với món này. Về khoản tham tiền, tôi vốn là nhà văn nghèo, tôi không còn chỗ để nghèo hơn. Tham tình ư, biết bà con Cham đứng sau lưng mình cũng đủ. Điều này hơi vui: Có ba sinh linh Cham viết rằng mỗi lần lên tháp Chàm họ đều cầu Pô Yang cho ông Sara… sống dai!

Riêng sinh mạng mình, sợ quá đi chứ! Dẫu sao khi tâm ta thành, khi ta không bạo đông [cả ngôn ngữ cũng không], và khi ta nói không phải cho mình mà chung cho cộng đồng, thì không việc gì phải sợ cả.

Tôi đứng ở đâu trong phản biện Dự án Nhà máy Điện hạt nhân? Khác đi, tôi đã làm gì?

Viết các tiểu luận và trả lời phỏng vấn trên các báo trong và ngoài nước; mở hai cuộc thảo luận trên website cá nhân Inrasara.com, để cộng đồng Cham và ngoài Cham hiểu và bàn về Điện hạt nhân; là người đầu tiên kí tên phản đối vào Kháng thư; hướng dẫn đoàn các nơi đến tham quan khu vực Dự án; sáng tác tiểu thuyết và thơ về chủ đề Điện hạt nhân; cuối cùng, tôi tự nhận mình như sứ giả làm cầu nối giữa cộng đồng Cham, chính quyền và thế giới ngoài Cham: trí thức trong và ngoài nước, phân tích thấu đáo vấn đề. Mục đích giúp các bên xích lại gần nhau và hiểu biết lẫn nhau, qua đó tìm tiếng nói chung.

9

Diễn thuyết có giải quyết vấn đề?

Nhà thơ đi diễn thuyết nhiều, xin hỏi các cuộc kia có giải quyết được vấn đề không? [sinh viên Hàn Quốc tại Đại học Okinawa]

Buổi diễn thuyết nào bất kì không phải để giải quyết vấn đề nào đó.

Cá nhân tôi, nói chuyện là nêu vấn đề mới, hoặc vấn đề cũ với lối nhìn mới và cách lí giải mới. Không ai dạy ai ở đó cả. Hai bên gặp cùng trao đổi, để nhìn vấn đề qua nhiều góc cạnh khác nhau, đưa ra hướng giải quyết khác nhau, và vấn đề tự nó giải quyết.

Các buổi diễn của tôi đều xoay quanh các chủ đề nóng, của hôm nay.

Văn học Việt Nam chẳng hạn, có thể kể: Văn học hôm nay nợ gì văn học miền Nam? Nhà văn Việt Nam né tránh hiện thực, tại sao? Văn học ngoại biên Việt Nam ở đâu? Còn văn hóa Cham: Người Cham đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam? Hải sử và văn hóa biển Cham, Giải ảo các huyền thoại, vân vân.

Ở đó, tôi buộc người nghe vận dụng tư duy phản biện để nhìn vấn đề dường đã giải quyết, nhưng không. Hay nói như Heidegger: Suy tư lại cái đã được suy tư. Thế nên, các buổi diễn của tôi không hề thuyết một chiều, mà dành nửa thời gian cho thuyết, nửa còn lại cho trao đổi, thảo luận, thậm chí tranh luận ngay trên diễn đàn.

Sài Gòn, 28-6-2019

Press Indotruction

Bài báo giới thiệu ở các buổi nói chuyện

(Tất cả ảnh trong bài là của Shigeki Hiroe, phóng viên báo Kyodo News)

Comments are closed.