Người Việt – một câu hỏi lớn (4)

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?

Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.

Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.

Dưới đây là trả lời của nhà văn Nguyễn Viện.


NGUYEN VIEN

*Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?

-Gần như suốt những năm tiểu học, tôi sống ở một vùng quê thuộc huyện Bến Cát, Bình Dương.

Làng tôi, Rạch Bắp 4 nằm giữa rừng, một bên quốc lộ là rừng cao su bạt ngàn mà tôi chưa bao giờ đi hết được, cũng như chưa bao giờ tôi khám phá đủ những bí mật của cánh rừng bát ngát phía bên này quốc lộ. Tất cả những sợ hãi cũng như niềm phấn khích của tôi gắn liền với rừng. Rừng có thú dữ, rắn độc và rừng có hoa trái tuy không ngọt ngào nhưng vô cùng thú vị. Nhưng trên hết với tôi, rừng có ma.

Làng tôi chỉ có trường sơ cấp. Cả làng chỉ có khoảng mười đứa từ lớp ba đến lớp nhất đủ gan lên quận học cách nhà khoảng hơn 4 cây số. Buổi sáng thì vui. Chúng tôi đi học bằng đủ thứ phương tiện, từ đi bộ đến đi xe đạp, xe ngựa, xe đò, đôi khi quá giang xe nhà binh. Nhưng những tuần học buổi chiều với tôi thì cực kỳ kinh hoàng. Không có đứa bạn nào học chung với tôi buổi chiều. Một mình tôi đi bộ giữa hai cánh rừng thâm u và dường như có rất nhiều ma. Những hôm mưa gió, sấm chớp và đoạn đường đi qua cái pốt Tây bỏ hoang với tôi như thể là cơn ác mộng. Một con bò gặm cỏ tôi cũng nghĩ là ma hiện hình.

Nhưng nỗi sợ không làm tôi bỏ học như tất cả mọi đứa trẻ trong làng. Đến giờ, tôi cũng không thật sự hiểu điều gì khiến tôi vượt qua những khó khăn ấy.

Vâng, có lẽ ký ức đậm nét nhất với tôi không phải là mùa đi nhặt hột cao su, hay tìm mủ rớt (dù kiếm được tiền), hay những hôm lang thang trong rừng tìm trái sim, trái bứa, chặt mai… Mà là những con ma được hình dung qua bất cứ một con vật hay người lạ nào gặp trên đường đi học. Đó là một thế giới lạ lùng như những câu chuyện cổ tích mà thỉnh thoảng có một gã giang hồ nào đó lang bạt qua làng tôi ngồi kể dưới chân tháp chuông nhà thờ. Nó đã xô tôi đến những bến bờ chênh vênh, lơ lửng giữa mộng và thực. Tôi luôn nghĩ đến một thế giới khác. Của con người và không phải của con người.

*Ngày nhỏ anh/chị từng mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và mặt xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?

-Trước 1954, nhà tôi cũng ở một miền quê thuộc tỉnh Hải Dương, nhưng không nghèo. Sau di cư vào Nam, cả cuộc đời tôi là một chuỗi dài khốn khó cho đến khi tôi học đệ nhất (lớp 12). Vì thế toàn bộ thuở ấu thơ cho đến khi tôi tự lực được (và góp phần chu tất cho gia đình), tôi luôn sống trong mơ ước.

Bố tôi mù chữ, mẹ tôi tự học biết đọc biết viết. Nhưng mẹ tôi là người có tham vọng. Dù có những lúc đói khổ nhất, tưởng như không vượt qua nổi, mẹ tôi cũng bắt tất cả các con phải đi học.

Gia đình tôi sống được nhờ phép lạ. Các bạn có thể không tin. Nhưng cho đến giờ này, tôi vẫn nghĩ Chúa không ngừng làm phép lạ. Những điều kỳ diệu luôn luôn xảy ra bên cạnh những thử thách khốc liệt.

Để tồn tại được, không còn cách nào khác là biết mơ ước.

Tôi từng mơ ước nhiều thứ, nhưng đúng như những gì đã xảy ra trong cuộc đời tôi, mọi nỗ lực, sự gian truân và phẩm giá con người đều hướng tôi đến một vị thế nhà văn. Tự do.

Quả thật, không phải hối tiếc điều gì, tôi đã sống như chính tôi phải thế.

*Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?

-Chúng ta đều biết, văn hóa Việt Nam được hình thành từ cái nôi của hai nền văn hóa lớn: Trung Hoa và Ấn Độ. Vừa thoát tục vừa nhập thế. Nhưng Việt Nam không đủ cực đoan như người Ấn hay người Hoa để dựng nên những công trình lớn, vật chất hay tinh thần. Vì thế, cái gọi là nhân sinh quan người Việt rất ba phải. Theo dòng lịch sử, cái ba phải ấy càng ba phải hơn khi nó phải cúi mình trước bạo lực chuyên chế của các nền văn hóa khác. Có thể cái đặc điểm nhu nhược ấy đã biến thành cái ưu thế để tồn tại.

Người Việt là một trong các dân tộc ít ỏi trên thế giới không có chữ viết riêng. Người Việt từ cổ chí kim, cũng không ai lập thuyết. Người Việt không có triết học nhưng thừa lý sự. Người Việt chỉ biết “noi gương” và đời đời “noi gương”. Người Việt lúc nào cũng ôm giữ quá khứ và người Việt thiếu ý chí vượt thoát, mạo hiểm cho tương lai.

Cho đến thời điểm này, có lẽ không ai muốn nói là mình không yêu nước, nhưng phải thành thật rằng Việt Nam phát triển không xứng đáng với tài nguyên trời cho cũng như trí tuệ chúng ta thủ đắc.

Người Việt cần một tâm thức khác hơn là chỉ biết noi gương.

*Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt?

-Tôi là người Việt Nam. Và như bất cứ người Việt Nam nào, chúng ta tự hào về các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm giữ nước. Ở một góc nhìn khác, đó là bi kịch. Chúng ta là một dân tộc luôn sống với chiến tranh. Và chiến tranh khiến chúng ta thực tế. Chỉ để tồn tại cũng đã khó.

Trong giai đoạn đỉnh điểm của chủ nghĩa cộng sản (1954-1986), tưởng như người Việt đã biết mơ ước, nhưng thực tế đó chỉ là cái bánh vẽ của chủ nghĩa. Và vì là bánh vẽ, sự khốn cùng của tâm thức và cuộc sống người Việt cũng đến đỉnh điểm.

Chúng ta thiếu viễn kiến cho tương lai.

Huyền thoại về khởi nguyên của dân tộc với con Rồng, cháu Tiên và một mẹ trăm con-đồng bào, có lẽ được hình thành trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ nhất. Theo tôi, huyền thoại ấy cũng là khởi nguyên của thảm họa dân tộc. Không chỉ là một định mệnh phân hóa và tranh chấp, nó còn biểu hiện một dân tộc thiếu đức tin. Chúng ta mượn huyền thoại để tồn tại nhưng chúng ta không thành Rồng, cũng không thành Tiên. Chúng ta mắc kẹt vào niềm tự hào có tính tự kỷ. Và chúng ta là một thứ dị bản của lịch sử. Chúng ta là một dân tộc không dám nhìn vào sự thật để vượt thoát. Những cơ hội bị bỏ lỡ bởi chúng ta thiếu một nền tảng đức tin chân chính về bản thân và lý do tồn tại của nó.

Chúng ta đang mất linh hồn. Cái linh hồn vốn đã mơ hồ vay mượn.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần định nghĩa lại mình và định vị nó trong mối tương quan với thế giới.

Dẫu thế nào, tôi vẫn hy vọng. Bởi tôi nhìn thấy ánh lửa tạo ra hy vọng ấy, nơi những người trẻ tuổi mà tôi vẫn thường gọi là THẾ HỆ TỰ THỨC.

Họ không noi gương ai, bởi vì họ đang định nghĩa chính họ và làm tất cả để cái định nghĩa ấy trở nên rõ ràng hơn.

Comments are closed.