Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (1)

Đông Ngàn Đỗ Đức

THÁP NGÀ

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước đây luôn đuọc coi là tháp ngà nghệ thuật. Chỉ những con nhà gia thế nơi thành thị mới dám mơ ước. Nông thôn thì tèo!

Trường ở địa chỉ số 42 phố Yết Kiêu, nên thường được gọi tắt là trường Yết Kiêu. Cứ nghe cụm từ “học Yết Kiêu” là người ta biết ngay là học vẽ. Dù danh tướng nhà Trần dũng cảm đứng tên con đường này, chỉ giỏi sông nước chứ chẳng biết gì về hội họa!

Những khóa đầu tiên của trường, rất nhiều họa sĩ thành danh. Những Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Thị Kim… và sau này là Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trọng Hợp, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… đã làm nên một diện mạo Nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Thực sự thì đào tạo được một họa sĩ cũng vô cùng tốn kém, chả kém đào tạo phi công là bao, chục người học vẽ ra trường chưa chắc đã được một họa sĩ. Mà là thi tuyển vào đã rất gắt gao. Bởi lẽ vẽ giỏi đã khó, nhưng giỏi rồi mà ra trường chưa chắc đã sáng tác được.

Trước đây trường có hai hệ: sơ trung 7 năm và đại học 5 năm. Học xong sơ trung lại thi tiếp đại học. Vị chi thành được một họa sĩ thì phải bỏ ra mười hai năm đằng đẵng.

Vài chục năm lại đây, trường Cao đẳng Mỹ thuật được nâng cấp lên thành Đại học Mỹ thuật Hà Nội, học 5 năm. Bây giờ các trò thi thẳng đại học, còn cái “sơ trung” bảy năm trường đã bỏ. Để có trình độ tương đương trung cấp thì các sĩ tử phải theo các “ lò luyện thi”, hoặc theo học ở hệ thống trung cấp Văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh.

Cách đào tạo mới, bỏ sơ trung, thì thua xa cách tổ chức cũ. Cũng ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên.

Đào tạo công phu thì chưa biết nhưng thời gian để thành một người có nghề vẽ quả là dài hơn tất cả các trường khác thuộc hệ đại học, trừ ngành y.

Ra trường rồi, để trở thành một họa sĩ thực thụ còn mất một thời gian dài nữa. Họa sĩ là người sáng tác, có tác phẩm giá trị về nghệ thuật và tư tưởng thì không phải ai học Yết Kiêu ra là đều làm được. Nhưng rồi cuối cùng thì những ai cầm bằng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật đều là họa sĩ tất.

Vì cái này mà xảy ra ngộ nhận và kèm theo đó là áp lực: Họa sĩ thì phải làm ra tác phẩm. Khốn nỗi việc này không dễ như đàn bà sinh con. Không ít người học vẽ ra vô sinh. Sau này còn cả Khoa Lý luận nữa. Nhưng vẫn đeo mác họa sĩ, nhà lý luận mà có làm đuọc gì đâu! Đó vừa là vinh quang và vừa là nỗi khổ của sinh viên Yết Kiêu.

Chú em đồng hao với tôi được đào tạo tại trường Suricop nổi tiếng của Liên Xô về, nói với tôi: Ở Liên Xô, người ta hiểu học ra thì chỉ mới có nghề. Nó là cái nền ban đầu, đó là kĩ năng. Còn ra trường có phải ai cũng theo sáng tác, thành họa sĩ được cả đâu. Mỹ thuật có nhiều việc, có nghề vẽ ra có thể làm phục chế, quản lý kho bảo tàng, dạy vẽ, làm các việc nội ngoại thất, trang trí triển lãm hội chợ vẽ minh họa, tranh truyện, áp phích cổ động tuyên truyền, mẫu mã tem nhãn, biểu trưng… cơ man nào là việc cần đến nghề vẽ. Người ta sẽ phải tìm việc hợp với năng lực của mình. Họa sĩ sáng tác may ra chỉ có được số rất nhỏ trong cái khối sinh viên đông đúc đó thôi. Có khi rất nhiều khóa học ra trường mà không có lấy nổi một họa sĩ sáng tác được. Không phải ai vẽ được vài cái tranh cũng là họa sĩ, không phải cứ cầm thẻ hội viên đều là họa sĩ cả đâu. Có họa sĩ vẽ giỏi nhưng không làm nổi cái bìa sách, không vẽ nổi tập tranh truyện, không biết làm thiết kế triển lãm. Mỗi ngành mỗi việc nó đều có yêu cầu riêng. Ngành nào cũng có người xuất sắc và có những người đội sổ… Nghe thế đủ thấy Mỹ thuật là cái nghề quả là truân chuyên. Ở nước ta thì cũng thế thôi. Ấy vậy trong lòng một số vẫn mang mang sáng tác tác phẩm! Khổ thế, làm gì có bắt buộc phải thành họa sĩ, cũng làm gì có ai dạy thành họa sĩ được!

Thời kinh tế thị trường có một số sống bằng bán tranh cho khách nước ngoài. Họ sản xuất theo lối ăn khách, gọi là tranh chợ cứ luân hồi đến mãn tiệc. Rồi cũng có chút đỉnh vốn liếng dưỡng già và ngồi chém gió thời vinh quang. Xét cho cũng thì cũng được, vì sức vóc đến đâu thì làm đến đấy, mèo nhỏ bắt chuột con, họ không thuộc diện ăn hại là được.

Còn họa sĩ sáng tác theo đúng nghĩa không nhiều. Đó là những người có kĩ năng cao, chú trọng đầu tư cho tác phẩm của mình trên tình yêu nghề nghiệp và hiểu biết của mình với quê hương và đất nước. Họ là những người cô đơn nhất, sáng tác. Họ chỉ biết làm việc trong niềm tin của mình. Còn sáng tác theo “định hướng” theo thời, ai muốn “thờ bụt ăn oản” thì cứ việc. Mà việc thờ phụng này cũng chỉ xuân thu nhị kì. Nên họa sĩ mà chỉ đợi đầu tư định hướng như anh làm thuê thì cũng đói dài dài.

Lên bổng xuống trầm, thế mà tháp ngà Yết Kiêu cũng sắp 100 tuổi rồi đấy! 21/7/2014

Comments are closed.