Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 39): Y Vân & Đinh Hùng: Hãy yêu tôi

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2018)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

clip_image005

Hãy yêu tôi – Nhạc: Y Vân – Ý thơ:  Đinh Hùng

Trình bày: Anh Khoa


Nghe thêm:

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (31) – Y Vân

Đọc thêm:

Lê Hữu: Y Vân và ảo ảnh cuộc đời

(Trích từ cuốn Âm Nhạc Của Một Thời)

clip_image007

Chân dung Y Vân

(do con trai của nhạc sĩ vẽ)

Yêu cho thấy bao lâu đài

chỉ còn vài trang giấy

“Ảo ảnh”, Y Vân

Một con đường sắt / trăm con tàu…

Câu hát ấy nghe được trong bài “Đêm tái ngộ” của Y Vân. Một cô bạn tôi nói rằng cô yêu nhạc Y Vân vì những câu hát nói về “con tàu và sân ga” như thế. Tôi nói như vậy thì cô yêu những… sân ga chứ đâu phải là yêu nhạc Y Vân. Cô bạn cười, nói rằng có nhiều bài nhạc nói về sân ga nhưng cô yêu những bài của Y Vân hơn cả. “Bài ‘Tiễn em’ của Phạm Duy và Cung Trầm Tưởng chẳng hạn,  cô nó : “cũng hay vậy, nhưng có vẻ… Tây quá.”

Tôi chắc không phải chỉ có “trăm con tàu” thôi mà biết bao nhiêu là con tàu đến và đi trong cuộc đời này, không làm sao đếm hết được. Sân ga vẫn nằm đấy, im lìm, hiu quạnh, như cõi lòng trống vắng, quạnh hiu của một người vừa tiễn đưa một người.

clip_image009

Hình ảnh con tàu và sân ga thường vẽ ra cảnh tượng buồn bã của một cuộc chia tay. Chia tay với con tàu, hay chia tay với sân ga, cũng là chia tay với một mối tình. Mối tình nào, tiếng còi tàu nào còn đeo đuổi cô bạn tôi mãi đến tận bây giờ, như đã đeo đuổi người nhạc sĩ đã viết nên những bản tình ca không hạnh phúc về những lứa đôi yêu nhau mà chẳng được gần nhau.

“Vì đời ai biết ta hơn mình!”

Vắng con tàu sân ga thường héo hắt

Thiếu anh lòng em thấy quạnh hiu

Câu hát ấy ở trong bài “Ảo ảnh” của Y Vân.

Sân ga là “chứng nhân” của bao cuộc hội ngộ và chia phôi, nụ cười và nước mắt, hợp tan và tan hợp.

Một trong những bài phổ thơ hay nhất của Y Vân, “Đêm giã từ”, nói về nỗi buồn sân ga trong giờ phút tiễn đưa của đôi tình nhân.

Mưa buốt lạnh trong đêm / đứng trên thềm ga vắng

hắt hiu ngọn đèn vàng / em tiễn anh

Mưa gió lùa qua hiên / giữa khi mình lưu luyến

thì tiếng còi lạnh lùng xé màn đêm

Tiếng còi tầu “lạnh lùng” không chỉ “xé màn đêm” mà còn… “xé đôi lòng” (nói như câu hát trong bài “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn, “Ôi, còi tầu như xé đôi lòng!”…).

Anh bước vào toa trong / mắt không rời ga vắng

Trời mưa chỉ làm buồn chúng mình thêm…

Ánh sáng cây đèn úa soi trên thềm

Còn đó chăng / là bóng em và bóng đêm

Còn nỗi buồn nào sâu hơn, tái tê hơn nỗi buồn sân ga “hắt hiu ngọn đèn vàng”, khi tiếng còi tàu xa dần, khi bóng con tàu mờ dần trong tiếng mưa đêm, chỉ còn lại “bóng em và bóng đêm”…

Bài hát đã buồn, qua giọng buồn rã rượi của Thanh Thúy, nghe càng buồn hơn.

Những câu chuyện về “con tàu và sân ga”, về một người đi xa, một người ở lại, thường là những chuyện không mấy… vui, có lẽ vì vậy Y Vân phải viết thêm “Đêm tái ngộ” để cho câu chuyện tình buồn “Đêm giã từ” ấy có một happy ending cho hợp lẽ tuần hoàn của đất trời, hợp rồi tan, tan rồi hợp.

Em đứng đây chờ anh trước thềm ga

hiu hắt cây đèn đêm giã từ xưa…

Anh bước xuống tàu / ngơ ngác vài giây

khi thấy em cười sau ánh đèn soi

Nhìn nhau mà nói không nên lời

Nơi cũ lúc xưa tay rời / thì nay lại tay cầm tay

“Tay cầm tay”, như thế cũng tạm ổn, tuy nhiên sau đó cảm thấy vẫn… chưa đủ, nhạc sĩ bèn phải viết thêm “Nụ cười tái ngộ” để có một kết thúc tròn đầy, có nhân có hậu (như là… tên thật của ông, Trần Tấn Hậu). Bài hát được yêu thích qua những giọng Trúc Mai, Lệ Thanh, Carol Kim…

Ôi, nụ cười thắm trên môi

Tủi hờn xưa đã vơi / những đau thương xa rồi…

Nếu hạnh phúc là giấc mơ / thì đã tròn ý thơ

không còn mong chờ

Sau nước mắt chia phôi là “nụ cười tái ngộ”. Y Vân là thế, là con người nghệ sĩ yêu cái đẹp và đầy lòng nhân bản.

Bài nhạc buồn nhất của Y Vân không phải là “Đêm giã từ”, và cũng không phải là bài… “Buồn”.

Buồn như ly rượu đầy / không có ai cùng cạn

Buồn như ly rượu cạn / không còn rượu để say

Bài nhạc buồn nhất là bài có cái tựa cũng chỉ một chữ thôi, bài… “Thôi”. Nhạc điệu và lời hát nghe sướt mướt, sụt sùi không kém gì bài “Sang ngang” của Đỗ Lễ.

Thôi em đừng khóc nữa làm gì…

Thôi em đừng tiếc / em đừng tiếc / đừng tiếc nữa

đừng để lòng anh trở lại kiếp u buồn…

Thôi, thôi bờ vai đừng rung động

đã hết rồi còn khóc nữa chi em

Nghe “Thôi” qua những giọng Thái Thanh, Hùng Cường, Jo Marcel mà nghe tim thắt lại, nghe ruột gan tái tê, héo hắt.

Một bài nhạc khác cũng khá buồn là “Chiều mưa công viên”, nghe được qua những giọng Lệ Thanh, Mỹ Thể, Lệ Thu…

Chiều mưa công viên / ghế đá buồn tênh

Chiều mưa rét mướt / cỏ non trăm cánh

Ai thương ai dưới mưa buồn không?

Mưa trong đôi mắt chờ trông…

Mưa như mưa đã ngàn năm…

Như sợ rằng “Chiều mưa công viên” vẫn chưa đủ buồn, nhạc sĩ dắt ta đi vào chiều mưa… nghĩa trang.

Chiều mưa nghĩa trang / trời sa xuống thấp

Buồn không tiếng khóc / nhớ thương hết rồi

Người qua nghĩa trang / lòng xưa thức giấc

Nghe mưa lạnh lùng / nhớ nhau vô cùng…

(“Chiều mưa nghĩa trang”)

Trong cái sống có chập chờn nỗi chết, trong xum họp có bàng bạc nỗi ly tan. Đôi lúc ta còn nghe ông “triết lý vụn” về cuộc sống bề bộn, về nỗi khát khao tìm đến sự bình an trong tâm hồn sau những miệt mài đeo đuổi, tìm kiếm. Như trong “Đồi thông”, một bài Blues.

Hoài công tìm kiếm / trên bước đi thăng trầm

còn đâu đẹp hơn bên gốc thông ngàn

Lặng nghe muôn tiếng ca / quên niềm ưu phiền

vì đời ai biết ta hơn mình!

Bài hát nghe được qua những giọng Anh Ngọc, Duy Trác, Lệ Thu, Ban hợp ca Thăng Long, mỗi giọng có những nét đẹp riêng trong cách thể hiện.

Hay như “Hoàng hôn trên bãi biển”, một bài Rumba, nói về những giấc mơ hư ảo của đời người, như những vết chân, những lâu đài trên cát.

Nhớ câu xưa rằng,

“Đừng làm lầu trên cát vàng

để rồi lầu tan theo sóng”…

Bóng ai xa rồi / mờ dần

Bàn chân gót trần / còn hình nằm soi trong nắng

Sóng xa vô tư dâng lên

tựa như chiếc khăn / ai đem xóa đi không còn

một vết chân mềm…

Hay như “Ảo ảnh”, một bài Boston (sau đổi thành Rumba), nói về những đuổi bắt chiếc bóng tình yêu.

Yêu cho thấy bao lâu đài

chỉ còn vài trang giấy…

Kìa phồn hoa còn đó

Những con đường buồn vui lộng gió

Những ân tình chìm trong lòng phố

cũng theo hư không mà đi…

Thật khó mà kể ra cho hết được các bài nhạc của Y Vân, và cũng khó mà nói được giọng hát nào là “độc quyền” hoặc thích hợp với nhạc Y Vân, cho dù một vài ca sĩ từng hát nhiều bài của Y Vân như Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Tâm… Tuy nhiên, có thể kể ra những giọng hát được xem là gắn liền với những bài hát phổ biến nhất của Y Vân, như:

Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết với “Đôi mái chèo trăng”; Thanh Thúy với “Lòng mẹ”, “Đêm giã từ”; Minh Hiếu với “Ngăn cách”; Hồng Phúc với “Tình yêu thủy thủ”; Mai Trường-Trần Ngọc-Hồng Phúc với “Những bước chân âm thầm”; Phương Tâm với “60 năm”, “20 – 40”, “Thần tượng”; The Cat’s Trio (ban nhạc nữ) với “Đêm đô thị”; Ban hợp ca Thăng Long với “Đồi thông”; Duy Trác với “Đừng lừa dối nhau”, “Tôi sẽ đưa em về”; Sĩ Phú với “Người em sầu mộng”; Hà Thanh với “Cánh hoa thời loạn”, “Tưởng vọng”; Thái Thanh với “Thôi”, “Thương về năm Cửa Ô xưa”; Lệ Thanh với “Chiều mưa công viên”, “Hoàng hôn trên bãi biển”; Yến Vỹ với “Sài Gòn”; Trúc Mai với “Về miền Tây”, “Bóng người cùng thôn”; Hoàng Oanh với “Xa vắng”, “Tình chàng ý thiếp”, “Đôi mắt người xưa”; Nhật Trường với “Khi em nhìn anh”; Duy Khánh với “Hãy yêu tôi”; Khánh Ly với “U hoài”; Lệ Thu với “Ảo ảnh”; Mỹ Thể với “Thương anh”; Túy Phượng với “Người yêu lý tưởng”; Connie Kim với “Tình lính”; Carol Kim với “Đêm tái ngộ”; Vy Vân với “Đại lộ hoàng hôn”; Ngọc Long với “Những bước chân trên cao nguyên”; Ban Sao Băng với “Tôi trở về thành phố”; Hùng Cường với “Thúy đã đi rồi”; Mai Lệ Huyền với “Thiên thần mũ đỏ”; Elvis Phương với “Tát nước đầu đình”…

Có thể nói không ca sĩ nào ngày ấy mà không từng hát một bài nào của Y Vân.

clip_image011

Y Vân

“Tưởng lòng là mây theo gió về…”

Em yêu gì xa vắng

cho trời mây ướp buồn?

Tôi tin rằng thật khó mà tìm được chữ nào hay hơn và “thơ” hơn chữ “ướp” trong câu hát trên. Câu ấy ở trong bài “Những bước chân âm thầm”, phổ một bài thơ năm chữ của Kim Tuấn. Lạ một điều, câu hát ấy cũng như những câu hát được nhiều người yêu thích trong bài nhạc ấy, không thấy có trong bài thơ được Y Vân phổ nhạc, chẳng hạn:

Anh yêu tình nở muộn

Chiều tím mầu mến thương

Tôi chắc những người yêu thơ sẽ thích hai câu “thơ” ấy. “Tình nở muộn”, nghe không “mới” hay sao!

Mắt biếc sầu lắng đọng

Đèn thắp mờ bóng đêm

Hai câu này cũng được Y Vân thêm vào, làm cho bài thơ nghe “thơ” hơn và làm cho bài nhạc có một khí hậu trầm mặc của những “rặng thông già lặng câm”, của “gió rét về lạnh căm” và của “từng bước, từng bước thầm”, như vẽ lên hình ảnh thật cô đơn của một người lặng lẽ đếm bước trong chiều, tìm về những tháng năm kỷ niệm đã phôi pha.

Câu thơ “Tay đan đầy kỷ niệm” của Kim Tuấn được Y Vân đổi khác đi một chữ thành “Tay đan sầu kỷ niệm”, nghe “buồn” hơn và lắng đọng hơn.

“Đời biết ai thương mình!…” (câu hát cuối, cũng được Y Vân thêm vào). Bài hát kết thúc như một dấu hỏi lửng lơ, như nỗi buồn vướng vất, không trôi đi được, làm sâu thêm nỗi cô đơn của kẻ độc hành.

Thường thì khi phổ nhạc một bài thơ, vì những lý do “kỹ thuật”, nhạc sĩ có thể thay đổi chút ít lời thơ, hoặc có khi phải đặt thêm lời cho bài thơ phổ nhạc. Những “sáng tạo” này của Y Vân chảy xuôi chiều với mạch thơ và phù hợp với tổng thể của bài thơ, cho thấy “tay nghề” phổ thơ của người nhạc sĩ .

Người ta yêu “Những bước chân âm thầm” là yêu nhạc điệu ấy lẫn những lời hát thật đẹp ấy, và cũng yêu cả những giọng hát trầm ấm của Mai Trường-Trần Ngọc-Hồng Phúc quyện vào nhau (cách thể hiện của Ban hợp ca Thăng Long và Ban Sao Băng sau này nghe cũng hay không kém). Có vẻ như bài hát ấy hát “đơn ca” nghe không được hay, dẫu là những giọng ca xuất sắc.

“Những bước chân âm thầm” của Y Vân và “Anh cho em mùa xuân” của Nguyễn Hiền được xem là hai bài phổ thơ Kim Tuấn hay nhất. Rõ ràng là Y Vân đã làm cho người ta đi tìm bài thơ “Kỷ niệm” của Kim Tuấn, và cũng làm cho nhiều nhạc sĩ tìm đến thơ Kim Tuấn để phổ nhạc, và để mong có thêm được “Những bước chân âm thầm” khác.

Không kể những bài nhạc phổ thơ như “Đêm giã từ” và “Thôi”, giới yêu nhạc cũng yêu thích những bài nhạc tình của Y Vân phổ từ thơ Lưu Trọng Lư, như “Người em sầu mộng”:

Ai bảo em là giai nhân / cho lệ đêm xuân tràn

cho tình dâng đầy trước ngõ / cho mộng tràn gối chăn

Hoặc “U hoài”:

Anh xin / muốn xin em đừng nói

Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay…

Hãy như chiếc sao băng / băng mãi

để lòng buồn / buồn mãi không thôi

Hoặc những bài phổ thơ Đinh Hùng, như “Hãy yêu tôi”:

Tôi không yêu sao có má em hồng?

Tôi không buồn sao có mắt em trong?

Tôi không yêu sao có phấn hương nồng?

Tôi không mộng sao có lá thư xanh?

Một bài phổ thơ khác là “Dung nhan mùa hạ” (thơ Hoàng Huy), nghe được qua những giọng Duy Trác và Nhật Trường với lời hát khá “lập dị”. Bài hát, có lẽ vì thế ít được phổ biến.

Y Vân

Khi em tắm nắng / cho tôi xin hai thước mặt trời

Vẻ kiêu sa thần vệ nữ ngàn đời…

Xin cho ngây ngất / bên dung nhan đan trắng hạ này

và cho xanh giấc ba mươi

“Xa vắng” và “Tình chàng ý thiếp” có thể gọi là phóng tác ý thơ “Chinh phụ ngâm khúc”, kể về nỗi lòng chinh phụ của những “cánh hoa thời loạn”, với con tim héo hắt, với âu lo thẫn thờ và nỗi nhớ thương dằng dặc qua bao năm chờ tháng đợi mỏi mòn.

Lê Hữu

Comments are closed.