Lê Hồng Lâm
Tôi chọn Mưa trên cánh bướm của đạo diễn Dương Diệu Linh là phim “mở hàng” cho năm 2025 với suất chiếu sớm đúng ngày 1.1.
Phim có cách tiếp cận đầy nữ tính và với ngôn ngữ điện ảnh của dòng phim độc lập, kể về những nỗi chấp chới của hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ. Người mẹ (Lê Tú Oanh đóng) một người phụ nữ gia đình điển hình, vừa làm công việc tổ chức tiệc cưới vừa chăm lo gia đình. Cô con gái mới lớn (Nguyễn Nam Linh) đang đợi kết quả đi du học nước ngoài, có bạn thân là một cậu trai mới lớn bị mẹ bỏ rơi và hay nói về cái chết.
Trong một trận chung kết bóng đá được truyền hình trực tiếp, người mẹ và cô con gái phát hiện ông chồng ù lì ít nói (Lê Vũ Long) đang ngoại tình với một người phụ nữ khác. Cuộc khủng hoảng của người mẹ và cô con gái bắt đầu, theo hai cách khác nhau. Người mẹ rơi vào cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, tìm đến bói toán để lôi kéo linh hồn của ông chồng trở về. Trong khi đó cô con gái tập trung vào các bài thiền định khi chứng kiến mẹ và thằng bạn trai ngày càng xa rời mình. Cái vết ố vì thấm nước trên trần nhà (các khu chung cư cũ ở Hà Nội rất điển hình) trở thành một thế lực tâm linh tà ám ngày càng trở nên ám ảnh trong cơn mụ mị tâm thần của một người đàn bà trung niên phiền muộn…
Xem Mưa trên cánh bướm, tôi nghĩ đến một loạt phim độc lập của Việt Nam trong hơn 20 năm qua, từ Bi, Đừng sợ, Cha và con và… của Phan Đăng Di, Chơi vơi, Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên, Trăng nơi đáy giếng của Nguyễn Vinh Sơn, Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp hay Cu li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân mới đây và thấy đàn ông Việt trên phim… chán thật. Trong một xã hội nặng truyền thống Nho giáo và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn ăn sâu trong quan niệm của không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ, những người đàn ông trong phim Việt hiện lên khá yếu nhược, bất lực hoặc không trưởng thành. Phụ nữ trở thành chỗ dựa của đàn ông với nỗi phiền muộn câm lặng và chấp nhận sự chịu đựng của họ như số mệnh.
Lê Vũ Long một thời đẹp trai ngời ngời vào vai ông chồng chán không để đâu cho hết. Ông sống vật vờ như cái bóng trong nhà mình. Trọng (Bùi Thạc Phong) – cậu con trai mới lớn cũng sống trong nỗi chán chường bất an của tuổi trẻ. Hai mẹ con của người phụ nữ cũng chấp chới theo hai người đàn ông/gã trai thân thuộc gần gũi nhất với họ.
Mưa trên cánh bướm, tác phẩm đầu tay của một nữ đạo diễn trẻ mang nhiều dấu ấn của cá nhân cô. Phim khai thác chủ đề gia đình và mối quan hệ giữa phụ nữ và đàn ông với góc nhìn đầy tính nữ. Cách kể chuyện vừa mang hơi hướng hiện thực pha trộn với chút fantasy mang hơi hướng tâm linh tại ra nét đặc sắc và tôi nghĩ cũng nhờ đó được đánh giá cao với hai giải thưởng tại LHP Venice hồi tháng 9.
Một phim không dễ xem nhưng đáng xem. Các bạn yêu phim hãy ra rạp để ủng hộ cho những bộ phim độc lập có tiếng nói khá mới mẻ này nhé.