Những nữ họa sĩ biểu hiện trừu tượng nổi tiếng

Nguyễn Man Nhiên

Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism) là một phong trào nghệ thuật sau Thế chiến II trong hội họa Mỹ, phát triển ở New York trong những năm 1940 và 1950. Những người theo chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng là một nhóm các nghệ sĩ có liên kết lỏng lẻo, sáng tác theo nhiều phong cách, nhưng đến những năm 1940 bắt đầu làm việc theo những hướng mới triệt để, phản ánh tâm trạng bất an và chấn thương thời hậu chiến. Tất cả đều cam kết với nghệ thuật như những biểu hiện của tự ngã, được sinh ra từ cảm xúc sâu sắc và các chủ đề phổ quát, và hầu hết đều được định hình bởi di sản của chủ nghĩa Siêu thực (Surrealism). Các họa sĩ Biểu hiện Trừu tượng thường xây dựng tác phẩm dựa trên ý tưởng của chủ nghĩa Tự động (Automatism), những bức tranh được tạo ra bởi cảm xúc sâu thẳm của người nghệ sĩ, tấn công khung vải với các cử chỉ mạnh mẽ và hành động tự phát. Điều này được gọi là Hội họa Hành động (Action Painting) hoặc Trừu tượng bằng Cử chỉ (Gestural Abstraction). Trên đà thành công, những họa sĩ thuộc Trường phái New York đã tước đi ngôi vị dẫn đầu nghệ thuật hiện đại của Paris hoa lệ, cuối cùng dẫn đến việc New York thay thế Paris trở thành trung tâm của thế giới nghệ thuật.

Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng chắc chắn là một trong những phong trào nghệ thuật có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX, gắn liền với những tên tuổi như Jackson Pollock, Arshile Gorky, Willem de Kooning, Mark Rothko, Franz Kline… Tuy nhiên, phong trào cũng có sự tham gia của những nữ nghệ sĩ đáng chú ý.

Lee Krasner (1908-1984)

Easter Lilies, 1956, Lee Krasner

Lee Krasner là một trong những nhà cách tân và có ảnh hưởng lớn của trường phái Biểu hiện Trừu tượng ở Mỹ vào nửa sau thế kỷ XX.

Đam mê cháy bỏng hội họa từ niên thiếu, khi Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại mở cửa vào năm 1929, Krasner nói: “Nó giống như một quả bom phát nổ… Không có gì khác tác động mạnh đến tôi như vậy khi tôi nhìn thấy tác phẩm của Pollock”. Năm 1937, Krasner theo học tại Trường Mỹ thuật của Hans Hofmann ở Greenwich Village, nơi bà bắt đầu diễn giải lại các quan niệm về không gian theo chủ nghĩa Lập thể. Năm 1940, bà bắt đầu trưng bày các tác phẩm của mình với nhóm họa sĩ trừu tượng American Abstract Artists. Theo nhiều cách, Krasner là trung tâm của thế giới nghệ thuật đang phát triển ở New York.

Kết hôn với danh họa Jackson Pollock vào năm 1945, cái bóng của người chồng nổi tiếng dường như đã phần nào che mờ những thành tựu của Lee Krasner trong một thời gian dài, mặc dù bà là một họa sĩ sáng tạo đáng gờm với các sáng tác trưng bày trong các cuộc triển lãm hàng đầu của phong trào Biểu hiện Trừu tượng. Tuy nhiên, Krasner đã được khám phá lại vào những năm 70 của thế kỷ XX với tư cách là “Người Mẹ của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng” (Mother of Abstract Expressionism) nhờ nỗ lực của các nhà sử học nghệ thuật nữ quyền. Giống như các nghệ sĩ khác trong thời kỳ này, Krasner quan tâm sâu sắc đến Phân tâm học và ý tưởng về các mối quan hệ năng động. Ở Spring (East Hampton), Krasner đã bắt đầu loạt tranh Little Images mang tính đột phá của mình — những bức vẽ đủ nhỏ để đặt bên giường ngủ — và những chiếc mặt bàn khảm. Bà tưởng tượng các bố cục dày đặc trong Little Images là những chữ tượng hình không thể đọc được, đôi khi được bôi sơn dày đặc. Krasner cũng thực hiện các bức tranh cắt ghép (collages) —sử dụng giấy và những mảnh vụn từ những bức vẽ mà bà và Pollock đã bỏ đi— đôi khi sửa lại hoặc loại bỏ toàn bộ. Sau năm 1950, phong cách của Krasner trở nên tự do hơn và bà vẽ những bức tranh có kích thước lớn hơn, với một bút pháp được mô tả là sự tổng hợp của lựa chọn và tình cờ…

Năm 1956, khi Krasner đang ở Châu Âu, Pollock qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Bức Easter Lilies được vẽ vào năm này. Các hình dạng lởm chởm và các đường kẻ đen đậm trên nền màu xanh lá và vàng nâu gợi lên cảm giác u buồn. Tuy nhiên, ở giữa tất cả những gì khắc nghiệt là đường nét dễ nhận biết của hoa loa kèn màu trắng sáng, mang đến tia hy vọng trong một biển lo lắng. Krasner nhận xét về tác phẩm của mình: “Bức tranh của tôi mang tính tự truyện, nếu người xem chịu khó đọc nó.” Lee Krasner đã sáng tạo lại không gian lập thể thông qua vốn từ vựng đầy tính biểu cảm. Krasner đẩy sâu vào sự trừu tượng, tạo cho bức tranh một bố cục chặt chẽ và chuyển động sống động.

Năm 1957, Krasner chuyển đến xưởng vẽ mà Pollock đã sử dụng, quy mô và sức mạnh của các bức tranh của bà ngày càng mở rộng. Thiên nhiên đã trở thành một chủ đề hấp dẫn: The Seasons (1957) và Gaea (1966), cho thấy bà đang di chuyển về phía những dải màu sắc và nhịp điệu rộng lớn. Lee Krasner phát triển phong cách của bà liên tục và có mục đích, từ chối bị giới hạn bởi một cách tiếp cận thẩm mỹ. Tác phẩm của bà chưa bao giờ là điển hình. Nhiều lần, Krasner đã chuyển hướng hoàn toàn cách tiếp cận hội họa của mình. Tác phẩm của Krasner dao động giữa các hình dạng giống như khảm (mosaics) và hình ảnh tượng trưng. Krasner đã hợp nhất các khía cạnh âm sắc của Chủ nghĩa Lập thể (Cubism) với màu sắc tươi sáng của Chủ nghĩa Dã thú (Fauvism). Bút pháp của Lee Krasner độc đáo và mạnh mẽ, đề tài của bà chủ yếu là nội tâm và đề cập đến việc tìm hiểu cá nhân trong xã hội hiện đại và thế giới tự nhiên.

Lee Krasner giống như một thế lực luôn thúc đẩy sự trừu tượng về phía trước. Sự nghiệp hơn 50 năm của bà cho thấy sự đổi mới không ngừng nghỉ. Ngay cả sau khi bị chứng phình động mạch não, bà vẫn tiếp tục sáng tác trong hơn hai thập kỷ nữa. Là người tiên phong của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, bà cũng là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ di sản của Jackson Pollock.

Alma Thomas (1891-1978)

Blast Off, 1970, Alma Thomas

Alma Thomas bắt đầu công việc vẽ tranh toàn thời gian của mình khá muộn vào những năm 1960 khi bà đã 68 tuổi nhưng bà vẫn để lại một di sản đáng chú ý. Bị mê hoặc bởi nghệ thuật từ khi còn nhỏ, Thomas muốn trở thành một kiến ​​trúc sư, nhưng bà không thể có được nghề nghiệp như vậy do là một phụ nữ Mỹ gốc Phi. Thay vào đó, bà trở thành một giáo viên mẫu giáo. Sau khi lấy được bằng mỹ thuật vào năm 1924, bà đã dành 35 năm giảng dạy nghệ thuật ở một trường trung học. Mặc dù Thomas phần lớn được coi là đại diện của phong trào Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, nhưng bà không bao giờ giới hạn mình trong một phong cách cụ thể. Các tác phẩm đầy màu sắc của Alma Thomas bao gồm những nét vẽ ngắn, đậm, giống như khảm, được so sánh với những bức tranh theo trường phái Điểm họa (pointillism) của Paul Signac.

Grace Hartigan (1922-2008)

City Life, 1956, Grace Hartigan

Grace Hartigan một họa sĩ theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng thế hệ thứ hai, xuất thân từ một gia đình nghèo, phải kết hôn năm 17 tuổi và làm việc tại một nhà máy sản xuất máy bay. Việc bà chuyển sang nghệ thuật gần như là ngẫu nhiên. Có lần một đồng nghiệp của Hartigan cho bà xem một số tác phẩm của Henri Matisse và được truyền cảm hứng từ đó, bà bắt đầu học hội họa. Hartigan đã được giáo viên của bà giới thiệu về Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.

Để thoát khỏi những định kiến ​​​​liên quan đến các nghệ sĩ nữ, Hartigan thỉnh thoảng trưng bày tranh của mình dưới cái tên George. Bà muốn khán giả và các nhà phê bình tập trung vào nghệ thuật của bà chứ không phải giới tính. Các tác phẩm của Hartigan thường xuyên thể hiện cuộc sống hàng ngày của New York và mang tính bình luận xã hội về bất bình đẳng giới. Ngoài ra, bà còn lấy cảm hứng từ minh họa y tế. Grace Hartigan cũng sưu tầm các ấn phẩm và bản đồ rồi diễn giải chúng qua lăng kính hội họa trừu tượng.

Helen Frankenthaler (1928-2011)


Untitled, 1959-1960, Helen Frankenthaler

Helen Frankenthaler con gái của Thẩm phán Tòa án Tối cao bang New York, xuất thân từ một gia đình rất đặc quyền. Cha mẹ khuyến khích bà theo đuổi nghệ thuật và gửi bà đến các trường nghệ thuật thực nghiệm. Làm việc và triển lãm trong hơn sáu thập kỷ, Frankenthaler không bao giờ ngừng phát triển phong cách nghệ thuật của mình. Không giống như những người theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng khác, nghệ sĩ tìm cảm hứng cho các tác phẩm của mình từ phong cảnh thiên nhiên.

Frankenthaler trở thành người phát minh ra cái gọi là phương pháp “ngâm vết bẩn” (soak-stain method). Đầu tiên, bà pha loãng sơn dầu để nó trở thành chất lỏng rồi đổ lên tấm toan chưa sơn lót để sơn thấm vào vải. Hiệu ứng màu nước do những vết ướt như vậy tạo ra đã trở thành một trong những yếu tố đặc trưng của bà. Frankenthaler cũng là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực tranh Trường màu (Color Field Painting).

Perle Fine (1905-1988)


Untitled, 1940, Perle Fine

Mặc dù Perle Fine được đào tạo về truyền thống minh họa và thiết kế đồ họa, nhưng sự phát triển nghệ thuật của bà được thúc đẩy nhờ những chuyến đi đến bảo tàng ở New York. Tại đây, bà đã sao chép các tác phẩm theo trường phái Lập thể của Pablo Picasso và nhiều người khác. Perle Fine, cũng giống như nhiều người theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng, đã nghiên cứu kỹ lưỡng các tác phẩm của Piet Mondrian và cách sử dụng băng dính màu của ông. Ảnh hưởng đó kết hợp với niềm đam mê của Fine với những bức tranh ghép theo trường phái Lập thể đã dẫn đến những tác phẩm bao gồm những mảnh gỗ và băng dính được tạo ra trên bề mặt sơn. Tại một thời điểm nào đó, bản thân Fine đã trở thành bạn thân của Mondrian, trực tiếp học hỏi lý thuyết nghệ thuật của ông.

Sự nghiệp nghệ thuật của Fine kéo dài hơn 50 năm và bà thường xuyên triển lãm tác phẩm của mình từ năm 1943 trở đi. Là một trong những phụ nữ đầu tiên tham gia The Club, bà là một phần quan trọng của nền nghệ thuật New York vào đầu những năm 1950, nhưng qua nhiều thập kỷ, bà rơi vào tình trạng bị lãng quên. Fine không bao giờ ổn định theo một phong cách duy nhất, nhưng các chủ phòng trưng bày cũng thường từ chối các họa sĩ nữ vào thời điểm này. Mặc dù tác phẩm của Perle Fine có thể được tìm thấy trong một số bộ sưu tập của Bảo tàng và các nhà sưu tập tư nhân, phần lớn trong số đó chưa bao giờ được công chúng rộng rãi nhìn thấy.

Joan Mitchell (1925-1992)


Champs, 1990, Joan Mitchell

Joan Mitchell là một trong những nữ họa sĩ thành công nhất của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, với triển lãm cá nhân đầu tiên được tổ chức vào năm 1952. Thông thạo về văn học và thơ ca, Mitchell đã tìm cách đưa kiến ​​thức này vào các bức tranh của mình. Bà không chỉ tạo ra những bức tranh trừu tượng lấy cảm hứng từ những bài thơ, các tác phẩm của bà còn duy trì nhịp điệu về đường nét và màu sắc giống như thơ. Vào cuối những năm 1950, Mitchell vĩnh viễn chuyển đến Pháp, nơi bà tiếp tục vẽ tranh cho đến khi qua đời vào năm 1992. Các tác phẩm sau này của bà bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến đau đớn kéo dài nhiều năm với căn bệnh ung thư.

Michael West (1908-1991)


Untitled, 1960, Michael West

Michael West, tên khai sinh là Corinne West, là một trong những nghệ sĩ đầu tiên theo chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đáng chú ý nhất nhưng hoàn toàn bị lãng quên.

Michael West là một nghệ sỹ với tinh thần và tài năng không ngừng nghỉ. Là họa sỹ và cũng là nhà thơ, bà đã sống hết mình với niềm tin về một chân lý huyền bí bên trong tinh thần con người. Ý tưởng chính của bà là mở ra cánh cửa dẫn đến thế giới tâm linh thông qua ngọn lửa sáng tạo nghệ thuật.

Năm 1932, West ghi danh vào các lớp hội họa do Hans Hofmann giảng dạy. Hofmann chính là điều mà West cần ở một người thầy khi ông kết hợp kiến ​​thức về chủ nghĩa Lập thể và các kỹ thuật hiện đại khác với niềm tin của chính mình về một thực tại thần bí bên trong. Sự thức tỉnh thực sự đến với West khi bà được giới thiệu với Arshile Gorky, trở thành người tình thân thiết và lãng mạn trong thập kỷ tiếp theo.

Ngoài việc là một nghệ sĩ vô cùng tài năng, West còn viết những ghi chú của riêng mình về lịch sử và lý thuyết nghệ thuật. Giống như Grace Hartigan, West cũng đổi tên bà thành biệt danh nam là ‘Michael’ nhằm giảm bớt thành kiến giới tính. Và trong nhiều năm, bà được biết đến như một cộng sự của họa sĩ Arshile Gorky, người mà bà đã sáu lần từ chối kết hôn vì muốn sống độc lập. Quan hệ sâu sắc với cộng đồng nghệ thuật đã giúp West có cơ hội gặp gỡ những nhân vật lừng lẫy như Jackson Pollock, Peggy Guggenheim và Clement Greenberg.

Năm West kết hôn với nhà làm phim tiên phong Francis Lee, Arshile Gorky tự tử. Cảm hứng của West bùng nổ vào thời điểm này và những sáng tác của bà đã phát triển với một sức mạnh, năng lượng và chiều sâu nhất định. Tranh West được treo ở Triển lãm thường niên từ năm 1953, và bà có triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1957 tại Phòng trưng bày Uptown. West bắt đầu quan tâm đến thư pháp Thiền và bà đã tạo ra một loạt các tác phẩm trừu tượng đáng kinh ngạc lấy cảm hứng từ Thiền tông Nhật Bản. Người phụ nữ phi thường này chắc chắn đã đi trên một con đường hiếm có và đúng với sở nguyện nghệ thuật của mình.

Judith Godwin (1930-2021)

Rock III, 1994, Judith Godwin

Judith Godwin sinh ra trong một gia đình nổi tiếng có nguồn gốc từ những người định cư đầu tiên ở Virginia. Cha của Godwin quan tâm đến việc làm vườn và thiết kế cảnh quan, điều này đã thúc đẩy niềm đam mê nghệ thuật của cô. Trong khi cố gắng trở thành một nghệ sĩ thành công, Godwin đã phải nghĩ ra nhiều cách khác nhau để hỗ trợ tài chính cho bản thân. Vì vậy, bà đã làm việc như một nhà thiết kế cảnh quan, người trang trí nội thất, thợ đá và thợ mộc. Godwin là người độc lập và kiên trì ngay cả trước khi bắt đầu sự nghiệp. Trong những năm đại học, bà đã thuyết phục hiệu trưởng cho phép phụ nữ mặc quần jean trong khuôn viên trường. Godwin rất quan tâm đến Thiền tông (Zen Buddhist). Qua nhiều năm, phong cách của Godwin ngày càng trở nên phức tạp hơn, khi nghệ sĩ sử dụng trực giác (intuition) của mình làm công cụ chính khi sáng tác.

Judith Godwin thực hành một phong cách hội họa nhấn mạnh vào việc giải thích trải nghiệm và cảm xúc thông qua việc xây dựng tác phẩm một cách ngẫu hứng, kết hợp ngôn ngữ màu sắc với chuyển động cử chỉ. Godwin từng nói: “Tôi thường bắt đầu vẽ bằng cách hình dung hình dạng và không gian trong tự nhiên, sau đó diễn giải ý tưởng và cảm xúc của tôi thành các mảng màu phẳng trên bức tranh. Khi tôi nhận ra một dạng mới xuất hiện, trực giác tôi phản ứng bằng cách phát triển các dạng phụ bổ sung và hỗ trợ. Khi nghiên cứu màu sắc và hành vi của nó, tôi đã học cách tin tưởng vào trực giác của mình.”

Trong một phát biểu tại Đại học Bắc Michigan năm 1978, Godwin nói: “Lấy tư cách là một phụ nữ, hành động vẽ tranh đối với tôi là một hành động tự do, và tôi nhận thức rằng những hình ảnh được tạo ra bởi trải nghiệm của người phụ nữ có thể là một biểu hiện mạnh mẽ và sáng tạo cho toàn nhân loại. Tranh của tôi là tuyên bố cá nhân – phần mở rộng của bản thân tôi. Tôi lấy một sự thật, một cảm xúc thân mật, một câu hỏi, một câu trả lời – và vẽ nó. Tôi thích dựa vào thực tế hơn lãng mạn, nhưng công việc sáng tác của tôi thường dẫn đến sự kết hợp cả hai.”

Elaine de Kooning (1918-1989)


Bacchus #3, 1978, Elaine de Kooning

Phần lớn tác phẩm của Elaine de Kooning bao gồm các bức chân dung trừu tượng (abstract potraits). Bà vẽ nhiều nhân vật có ảnh hưởng, chẳng hạn như John F. Kennedy. Tuy nhiên, nhiều bức chân dung của bà không hề có khuôn mặt nào nhưng vẫn có thể nhận ra được. De Kooning giải thích điều này khi nhận xét về bức chân dung của nhà thơ Frank O’Hara: “Đầu tiên tôi vẽ toàn bộ cấu trúc khuôn mặt của anh ấy, sau đó tôi xóa khuôn mặt, và khi khuôn mặt biến mất, nó trông như Frank hơn”. Cũng giống như chồng mình Willem de Kooning và những người theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng khác, Elaine de Kooning đang tìm kiếm điều gì đó bên dưới bề mặt hình ảnh và đã truyền tải thành công điều đó trong tác phẩm của mình.

Jay DeFeo (1929-1989)


The Rose, 1958–1966, Jay DeFeo

Jay DeFeo bắt đầu hoạt động nghệ thuật khi còn học trung học. Những nguồn cảm hứng của bà là nghệ thuật thời tiền sử và hội họa Phục hưng Ý. Có lẽ đặc điểm nổi bật nhất của bà là việc sử dụng bảng màu đen trắng đơn sắc. Mặc dù bản thân DeFeo chưa bao giờ xác định với bất kỳ loại hình phong trào nghệ thuật nào, nhưng bà thường được gắn mác người theo chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng do phong cách và phương pháp thử nghiệm của mình.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà chắc chắn là The Rose. Trên thực tế, tác phẩm nghệ thuật đồ sộ này là một thứ gì đó nằm giữa hội họa và điêu khắc: lớp sơn quá dày và có kết cấu, đến nỗi qua nhiều năm, nó cần được hỗ trợ thêm để không bị sụp đổ dưới sức nặng của chính nó. Năm 1965, DeFeo đã buộc phải tạm dừng công việc của mình. The Rose đã quá lớn và đồ sộ đến mức một phần bức tường phải bị phá bỏ mới có thể đưa nó ra khỏi căn xưởng.

Comments are closed.