Sài Gòn (1)

Tăng Quang

Những ngày Sài Gòn giãn cách. Đường phố trở nên trống trải, tạm lãng quên những tấp nập nhộn nhịp hằng ngày, Sài Gòn như trở nên thật khác với những gì vốn dĩ. Văn hoá vỉa hè, cùng với những nụ cười chất phát, tấm áo đẫm mồ hôi, chiếc xe đạp cũ mèm đã trở thành một phần rất hiển nhiên trong tâm trí mỗi người. Nhưng đó lại là những nét rất Việt Nam, rất Sài Gòn, mà khó có thể tìm thấy ở một nơi nào khác trên thế giới. Những con người lao động đường phố, tuy mộc mạc, nhưng họ góp phần tạo dựng nên một nền văn hoá, một nhận diện đô thị đặc sắc.

Bộ tranh khắc hoạ cuộc sống thường ngày của các cô chú lao động, bên cạnh những vất vả sớm hôm, còn muốn truyền tải một nét đẹp mộc mạc, sờn cũ nhưng rất thơ. Họ là những người âm thầm tạo nên một thành phố phong phú, đáng yêu, đáng sống, nhưng lại bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch, khi phải dừng công việc mưu sinh. Và khi những biến động xã hội kéo dài, có thể hình ảnh của các cô chú sẽ dần biến mất.

Ở một khía cạnh sâu hơn, bộ tranh gửi gắm lời cảm ơn đến các y bác sĩ, chiến sĩ đang chiến đấu để bảo vệ sức khoẻ người dân, bảo vệ thành phố, và công việc mưu sinh của rất nhiều thế hệ. Một phần nào đó, các anh chị đang bảo vệ bản sắc văn hoá cho Sài Gòn, cho những người dân thành phố sớm trở lại nếp sống thân quen.

Xin cảm ơn các bạn đã cùng tham gia thực hiện bộ tranh: Ngọc Thanh, Kim-Anh Le, Ngo Huynh Trong, Tien Buj, Thảo Ngọc, Trần Minh Khang, Phuong Anh Pham, Thanh Phạm, My Linh, Châu Nguyễn Kim, và 2 bé Sam và Moon. Bọn mình thực hiện bộ tranh hồi tháng 6, và tất cả mọi người đều là dân không chuyên, ban ngày đi làm, tối về vẽ. Tuy đôi chỗ còn lấm lem, nhưng đó đều là cảm nhận rất chân thành của mọi người về Sài Gòn. Ở đó, có cả tranh của những bé 10 tuổi, các em sinh viên, các bạn du học sinh, và cô chú ngoài 60. Với nhiều lăng kính và góc nhìn khác nhau, nhưng mọi người đều có một điểm chung là tình yêu cho Sài Gòn.

Đồng hành cùng với FoodBank Việt Nam, hy vọng bộ tranh như một món quà cảm ơn cho các mạnh thường quân đã ủng hộ giúp mang đến hàng ngàn bữa ăn mỗi ngày cho các hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn:

https://www.facebook.com/nganhangthucpham

https://www.foodbankvietnam.com

Bên cạnh đó, bộ tranh cũng được sử dụng để hỗ trợ cho Hope Foundation của báo Vnexpress, tiếp sức về tinh thần, và trang thiết bị y tế cho các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch:

https://vnexpress.net/tiep-suc-cho-tam-dich-cung-quy-hy…

Em xin cảm ơn chị Tran Lien Phuong, Sunny Tran, Nelly Phan, anh Truong Tan Binh và các anh chị ở Foodbank, Hope Foundation đã hỗ trợ để phát triển dự án trong gần 1 tháng qua ạ.

Yêu thương Sài Gòn thật nhiều, mong Sài Gòn sớm hết bệnh để Sài Gòn lại trờ thành một nơi luôn đầy ắp tình người, đáng yêu và đáng sống!

SAIGON

Entering another period of social distancing, Saigon once again has slowly transformed into its unusual offbeat with rare images of empty streets and the lack of hustle and bustle daily lifestyle. This feeling, so vast yet nebulous, come from observing the lessened traffic, the missing of the crowd on the streets and the absence of all common activities among the humble working people busy going about their business up and down the street of Saigon. For a city that is so well known for its colourful street culture. The vivid iconic images dwelled in everyone’s heart will always be about those authentic smiles, sweaty shirts, old bicycles and those vendors roaming about the streets. But that’s the unique Vietnam, the real Saigon. The kind of vibe that is hardly ever been found anywhere else in this world. The beauty of these workers on the streets, despite its roughness, makes up a special cultural identity.

We humbly present to you our new collection of paintings, depicting the daily life of the normal working people of the city, the aunts and uncles, the brothers and sisters, who work hard from dusk till dawn. Raw and rough, yet beautiful and poetic. These are the people who humbly conntribute their parts in creating this lovable and livable city. But they are also the ones who have been impacted the most by the social distancing orders. The recent pandemic outbreaks have taken a heavy toll on the businesses on the streets, most find themselves suddenly without a job, no social welfare or stimulus check to rely on.If this keeps going on for any longer, we don’t know when we can behold the beautiful sight of Saigon working people, roaming the busy streets, ever again.

On the other hand, we would love to contribute the next part of this sketching series to express our gratitude toward all the doctors, nurses and soldiers who are putting a fight to the finish with Covid-19 to protect the well beings of all the citizens, protect the city, and the livelihood of this whole nation. Thanks to our frontline heroes, Saigon’s cultural identity is securely protected, we are still holding on to the hope that the lively city will soon return to its normal days.

To our dearest Saigon with greatest love and hope for the earliest recovery.

Có thể là hình ảnh về 2 người

Sài Gòn và những câu chuyện mộc mạc, bình dị, nhưng rất thơ và ấm áp. Một thành phố hơn 12 triệu dân, luôn tấp nập, ồn ào, đôi khi xô bồ, hỗn độn giữa những dòng người chen chúc, và những dòng văn hoá từ khắp nơi đổ về. Nhưng ở đó, có những điều thật đặc biệt mà nhiều người yêu thành phố này đến thế!

Có thể là hình minh họa về 1 người và trong nhà

Văn hoá vỉa hè, điều làm cho Sài Gòn trở nên vô cùng sống động, gần gũi và thú vị. Những hàng quán hè phố đã đi vào cuộc sống của bao nhiêu thế hệ như một phần không thể thiếu. Đó có thể là một quầy nước ven đường, nơi mình ngồi nghỉ ngơi tránh nắng, hàn huyên và làm một ly trà đá mát trời ông địa .

Có thể là hình minh họa

Hay một gánh hàng rong cùng tiếng rao len lỏi qua từng con đường, ngỏ hẻm. Ở đó có ì xèo những món ngon mà chúng ta đã ăn dầm nằm dề qua bao năm tháng, đến nỗi thân quen với hình ảnh của cô bán hàng từ lâu. Từ bàn tay thoăn thoắt gọt xoài, cái điệu ngồi khòm lưng, hay lớp bánh da lợn mướt mắt… đều gần gũi như chất giọng miền Nam dung dị.
Thật khâm phục những người phụ nữ nhỏ bé mỗi ngày đều gồng gánh dăm chục ký hàng trên đôi vai gầy khẳng khiu mà hổng xi nhê. Từ những quang gánh đó, các cô đã chở tuổi thơ của rất nhiều thế hệ.

Có thể là hình minh họa về 4 người

Hay những chuyến xích lô gắn liền với kỷ niệm, 3,4 đứa cùng được chú đèo qua những con đường rợp bóng cây, tiếng xe kêu kót két, tiếng chú cười hào sảng giữa xì xầm thanh âm phố thị. Rồi thỉnh thoảng ngồi lại, làm 1 trái dừa tươi quá xá là ngon .

Có thể là hình minh họa về 1 người và xe môtô

Rồi khung cảnh thanh bình từ những sạp cắt tóc vỉa hè, nơi mọi người có thể xuề xoà áo ba lỗ, quần xà lỏn, chậm rãi ngồi đọc báo và chờ đến lượt mình. Làm ván cờ tướng, nhắp ly cà phê dưới tán cây vệ đường và bên cạnh cái ghế đệm tróc da bạc màu, đôi khi mọi người đến chỉ để hàn huyên về cuộc sống hổm rày.

Có thể là tác phẩm nghệ thuật về 1 người

Sài Gòn còn đặc biệt vì là nơi dung dưỡng của quá xá quà xa những câu chuyện dễ thương . Đi qua nhiều thăng trầm cuộc sống, mỗi cô chú đều có một lăng kính khác nhau về cuộc đời, nhưng đều chung một tông màu hồn hậu, chất phác, và cởi mở. Dù có trải qua nhiều biến cố, cách các cô chú kể lại đều thật nhẹ nhàng, tình cảm và chân thành.
Chú vá xe ở góc phố với lung tung xà ben, lỉnh kỉnh những đồ đã ngồi ở đó hàng chục năm, như một chứng nhân lịch sử âm thầm dõi theo sự chuyển mình của thành phố với biết bao câu chuyện dọc xuôi. Hay chú bán báo đầu đường thỉnh thoảng hay nhắc “ráng học hành cho tía má ở quê vui nghen con.”

Có thể là hình minh họa về 1 người

Chợ lúc nào cũng ồn ào, huyên náo, chen chúc, xô bồ… nhưng ở đó từ sáng đến tối không bao giờ ngớt tiếng cười nói, hay những câu chuyện tầm xàm ba láp mà vui rân trời. Người Sài Gòn hối hả, chiều đi làm dề tranh thủ tạt xe ghé ngang quầy chợ mua bó rau, chứ không thong dong cà rịt cà tang như ở quê. Nên mấy cô biết ý, bỏ sẵn rau củ vào từng bịch, mỗi bao 10 ngàn, mua nhanh gọn, khỏi lo kẹt xe à nhen .
Bó rau 10 ngàn, nhưng mà nụ cười miễn phí, con lấy nhiêu cũng được.

Có thể là hình minh họa về 1 người và trong nhà

Đằng sau tiếng cười giòn tan, còn là giọt mồ hôi, những nhọc nhằn dưới cái nắng nóng oi bức buổi trưa. Rồi những lo toan cho hôm bán ế, chiều dề không đủ mua miếng thịt cho sắp nhỏ ở nhà, lo không đủ tiền đóng học phí cho đứa lớn. Những hôm Sài Gòn đổ mưa, khách đi đâu mút mùa lệ thuỷ, ngồi chùm hum buồn xo một góc vì bán cả ngày mà chỉ quề trớt, chẳng được nhiu.

Có thể là hình minh họa về 1 người

Những hàng quán luôn đầy ắp mùi hương, mùi nước lèo, mùi thịt nướng thơm phưng phức. Ở Sài Gòn gần như có thể tìm được đồ ăn ở mọi miền đất nước. Dù đến từ đâu, bạn cũng dễ tìm thấy một thoáng hình ảnh quê hương mình ở một góc nhỏ nào đó trong lòng Sài Gòn. Và mỗi lần vào chợ là mỗi lần ăn đến ngập mặt.
Lúc đến hiên ngang đi bộ, lúc về thân hình đồ sộ đi xe ôm .

Có thể là hình minh họa về 2 người

_“Làm thêm dĩa càng ghẹ hông mấy đứa ơi? Biết sao hôn, ghẹ hổm nay tươi dữ lắm!”
_”Dạ, mà dzừa dzừa thôi nghen cô, tụi con sắp no ngang cành hông rồi.”
Hàng quán vỉa hè Sài Gòn vừa ngon, vừa rẻ lại dễ chịu, thân tình, nơi mọi người thoải chia sẻ, làm thân với một người xa lạ bằng chính sự thật tình. Đôi khi cũng mang lại nhiều trải nghiệm dữ thần ôn như phim hành động. Đang ngồi ăn nói chuyện ba láp ba xàm, vui tẹt ga thì bỗng một tiếng kêu thất thanh vang lên”Đô thị tới!!!”. Vừa ăn vừa hớt ha hớt hải xách ghế lên mà chạy. Sợ teo bugi Nhưng hôm sau vẫn ăn tiếp. Chịu thôi, tại ngon .

Có thể là hình ảnh về thực phẩm và trong nhà

Chúng ta có rất nhiều điểm khác nhau, nhưng cùng có một niềm đam mê bất diệt, mãi mãi trường tồn, mãi mãi phồn vinh cho BÁNH TRÁNG TRỘN
_”Cô ơiiii, cho con 1 hộp nhiều bánh tráng, nhiều topping mà tiền u như cỹ nha cô!”
_”Khỉ gió à, đồ quỷ sứ”

Có thể là hình ảnh về thực phẩm

Bánh mì – đặc sản Sài Gòn.
Xuất phát từ những ổ baguette người Pháp mang đến Việt Nam ăn với pate từ đầu thế kỷ 20, người Sài Gòn đã cải tiến thành một món ăn nổi tiếng toàn thế giới. Bánh mì giò chả, bánh mì thịt nướng, bánh mì xíu mại… ôi ngon bá cháy!
Và chính từ những gánh hàng rong, những xe đẩy bình dân trên mọi nẻo đường đó, các cô chú đã âm thầm tạo nên một nét văn hoá phổ biến khắp mọi nơi mang tên BÁNH MÌ.

Không có mô tả ảnh.

Sài Gòn dễ chịu và đón chào người dân từ khắp nơi về mưu sinh. Không chỉ các cô, các chú mà còn rất nhiều bạn trẻ vì hoàn cảnh khó khăn mà rời quê nhà để kiếm công việc phụ giúp cho gia đình. Như một “miền đất hứa” cho bao khát vọng vươn lên, Sài Gòn ôm vào lòng hàng triệu người con xa xứ. Rồi từ đó, Sài Gòn hoà kết, dung nạp thêm muôn vàn màu sắc sinh động từ nền văn hoá khắp mọi miền.
_“Răng bửa chừ mi đi mô, tau khôn thấy mi đánh giày trên Bùi Viện rứa?” (thanh niên Huế)
_”En đi dìa quơ mấy bửa đở thăm má, mới zô lại tấu qua. Chu cha, má dộng đồ ăn dô họng, nó ngon bá cháy bồ chét luôn” (chàng trai Bình Định)

Có thể là hình minh họa về 1 người

Sài Gòn cũng là nhà của rất nhiều hoàn cảnh không may mắn có được một cơ thể trọn vẹn. Họ vẫn sống, vẫn ầm thầm lao động, và đóng góp như tất cả những người con bình thường khác của thành phố. Không mơ ước gì cao xa, các cô chú chỉ mong có sức khoẻ để mỗi ngày có thể lao động nuôi sống bản thân và gia đình.
Và Sài Gòn luôn đầy nghĩa tình khi không bao giờ lãng quên họ. Cứ mỗi khi có một hoàn cảnh khó khăn cần chia sẻ, cộng đồng đều cùng chung tay giúp đỡ ❤️.

Có thể là tác phẩm nghệ thuật

Gia đình của các cô chú, đôi khi chỉ là một chú chó, một bé mèo. Cùng dãi dầu mưa nắng xuôi dọc những con đường Sài Gòn, cùng trò chuyện bầu bạn qua những thăng trầm cuộc sống. Có nhìn cái cách mà các cô chú sẻ chia miếng ăn, ân cần chăm sóc các em mới thấy cuộc đời thật đẹp từ những điều bình dị, chân thành nhỏ bé. Dù lo đủ miếng ăn với cô chú đã là điều khó khăn, nhưng cô chú vẫn sẵn lòng cưu mang thêm những sinh vật bé nhỏ. Ở đó, có tình yêu vô điều kiện từ cả hai.

Có thể là tác phẩm nghệ thuật về 1 người và mèo

“Ánh mắt ngơ ngác và lạ lẫm của tụi nó làm mình nhớ lại những ngày chân ướt chân ráo bước chân lên cái đất Sài Gòn. Cảm giác cái gì cũng ngộ mà cái gì cũng lạ, cộng thêm một chút sợ, mốt chút dè chừng và một chút nhút nhát… Sài Gòn luôn làm tò mò những ai chưa đến, lưu luyến những kẻ rời đi và bồi hồi mỗi khi nhớ lại.”

Có thể là tác phẩm nghệ thuật về 2 người

Chú Thuận từ thuở lọt lòng đã mồ côi, khi lớn lên thì chú lại mang thương tật rất nhiều (chú bị hư một mắt, không còn chân, và 4 ngón tay). Dù đã ngoài 60, hằng ngày chú vẫn rong ruổi Sài Gòn bên xe bong bóng. Nhìn nụ cười hiền hậu của chú, vừa thương lại vừa khâm phục ý chí của một con người vẫn miệt mài lao động dẫu qua bao dông bão cuộc đời.

Có thể là hình minh họa về 4 người và văn bản

Bộ tranh sẽ được ủng hộ cho quỹ Foodbank VIệt Nam, nơi đang cung cấp hàng ngàn bữa ăn mỗi ngày cho các hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn, các bạn sinh viên, và các anh chị tuyến đầu chống dịch. Dưới đây, mình xin gửi thông tin của quỹ Foodbank- Bếp yêu thương ạ:
https://www.foodbankvietnam.com
https://www.facebook.com/nganhangthucpham
Bên cạnh đó, bộ tranh mong có thể giới thiệu mọi người nhiều hơn về quỹ Hy Vọng (Hope Foundation) của báo Vnexpress – nhằm gây quỹ và hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các anh chị y bác sĩ, chiến sĩ đang phải làm việc hết công suất, trung bình mỗi ngày một bệnh viện cần hơn 500 bộ đồ bảo hộ cho các anh chị. Đó là một con số áp lực rất lớn. Mọi người có thể chung tay giúp đỡ quỹ qua đường link dưới đây ạ:
https://vnexpress.net/tiep-suc-cho-tam-dich-cung-quy-hy…
Xin cảm ơn mọi người đã xem nhé ❤️

Nguồn: FB Tăng Quang

Comments are closed.