Tại sao người ta vẽ?

Phan Cẩm Thượng

Lời dẫn

Trong cuộc sống, có nhiều việc người ta cứ tự nhiên làm, nhưng không bao giờ hỏi tại sao. Đơn giản như việc nói năng và vẽ vời. Hai hành vi này gắn với con người từ thủơ ấu thơ, không ai thắc mắc tại sao cả. Chỉ có đứa trẻ nào không chịu nói và không thích vẽ, thì mới là điều nên thắc mắc. Tuy vậy, gắn với việc vẽ, sau này thành hội họa, một bộ môn nghệ thuật lớn lao của loài người, thì câu hỏi tại sao lại vẽ, lại có thể được đặt ra. Từ việc vẽ của trẻ thơ đến hội họa, rồi sau đó là những nghệ thuật thị giác (visual art) chiếm lĩnh toàn bộ đời sống hình ảnh, thì việc vẽ hóa ra lại là rất đáng tìm hiểu.

Thế nhưng nói về hội họa lại là một việc bất đắc dĩ, vì ngôn ngữ lời ăn tiếng nói, không thể thay thể cho ngôn ngữ hình ảnh, không thể dùng lời để diễn tả một bức tranh, nên câu cửa miệng của tất cả các nhà phê bình nghệ thuật chúng tôi là: Bàn về hội họa, đầu tiên người ta phải xin lỗi.

Phần viết Tại sao vẽ? đương nhiên bao gồm cả vẽ nặn (hội họa và điêu khắc), là những cách thức và nghệ thuật khác nhau trong mỹ thuật mà thôi.

Vẽ có từ bao giờ

Lịch sử của loài người được ghi thành văn bản, mới khoảng 5000 năm nay, nhưng tranh vẽ trên hang động có ngay từ hậu kỳ thời Đồ đá cũ. Những tranh hang động ở Altamira (Tây Ban Nha) và Lascaux (Pháp) có giá trị không chỉ vì chúng cổ xưa và là những nét vẽ hình đầu tiên của con người, mà còn vì chúng có giá trị nghệ thuật thực sự. Thời kỳ ăn lông ở lỗ đó, người ta đã đạt được trình độ nghệ thuật cao, là điều khó có thể tưởng tượng được, đến mức người ta phải có nhận định rằng, loài người có nhiều thứ tiến bộ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, nhưng riêng nghệ thuật thì không có tiến bộ, vì nó cao ngay từ đầu.

Vậy thì người nguyên thủy sống trong hang động vẽ để làm gì? Chắc hẳn, họ không vẽ như một trò tiêu khiển của nhiều người hiện nay. Trong điều kiện sống vô cùng thấp, thú dữ và thiên tai rình rập, đe dọa, hội họa có thể là một phương tiện gì đó giúp cho con người sống tốt hơn. Người nguyên thủy vẽ để thờ cúng, hoặc làm phép cho ma thuật nguyên thủy. Vẽ để làm hình mẫu sắn bắn. Vẽ để vui chơi. Bất luận thế nào, khi đã vẽ ra, người ta cảm nhận được điều gì lớn lao hơn thế. Khi vẽ con voi mẹ dùng vòi che chở cho voi con, trước sự tấn công của con hổ, người nguyên thủy tự nhiên nhận ra tình mẫu tử như một bản năng nhân từ.

Bức tượng vệ nữ ở Willendorf (Đức, niên đại cách đây từ 28.000 – 25.000 năm) được coi là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên có hình dạng con người thời nguyên thủy. Bức tượng này không tạc chi tiết mặt mũi, mà chỉ khái quát chung chung cơ thể, nhưng nhấn mạnh vào khối ngực và mông. Có lẽ đối với con người thời ấy, những bộ phận có chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống mới là chi tiết đáng chú ý. Ở trong hang Altamira có nhiều hình vẽ những đàn bò – con bò rừng chạy nhẩy với rất nhiều tư thế khác nhau, ở hang Lascaux là hình những đàn ngựa, cũng ở tư thế tương tự. Động vật và con người được chú ý ở ý nghĩa sinh tồn là những đối tượng đầu tiên của nghệ thuật.

clip_image002

Tượng Venus ở Willendorf

clip_image004

Bò rừng (hình vẽ ở hang Altamira)

clip_image006

Ngựa (hình vẽ ở hang Lascaux)

Hang Altamira, Tây Ban Nha, được phát hiện năm 1880, hang Lascaux, Pháp, được phát hiện năm 1940, với vô số hình vẽ động vật tiền sử, có niên đại cách đây hàng chục nghìn năm.

Trên nhiều di chỉ khảo cổ ở nhiều miền đất, những hình vẽ và khắc nguyên thủy luôn có mặt tại những nơi con người định cư. Ở sa mạc Sahara, ở núi đá đỏ Uluru, Australia, ở các hang động miền nam Trung Quốc, ở hang Đồng Nội, Lạc Thủy, Hòa Bình… những hình khắc vẽ nguyên thủy dường như không có phong cách dân tộc, hay địa phương, tất cả các nơi đều chung một tư duy hoang sơ nguyên thủy, không phân biệt tộc người hay địa lý, chứng tỏ loài người lúc đó tuy từng nhóm ở rất xa nhau, nhưng lối sống và tư duy rất gần nhau. Hình vẽ khắc động vật, con người trong bộ tộc và săn bắn, thực hiện các nghi lễ nguyên thủy và ma thuật, cùng những ký hiệu trừu tượng, (chắn chắn có ý nghĩa với từng cộng đồng nguyên thủy) là những gì thường thấy. Nghệ thuật nguyên thủy trải dài trong hàng vạn năm và thay đổi rất ít, từ suốt hậu kỳ đồ đá cũ, đến thời kỳ đồ đá mới, và hai thời đại kim khí đồ đồng và đồ sắt, điều đó có thể cho thấy rằng công nghệ và tư duy nguyên thủy đã hết sức phát triển. Tiêu biểu như thời kỳ Đông Sơn ở Việt Nam (thời đại đồ sắt, cách đây chừng 2500 năm, tính từ năm 1960), với công nghệ đúc trống đồng hết sức ngoạn mục.

clip_image008

Hình trang trí trên trống đồng cổ đại Việt Nam

Nghệ thuật gắn liền với loài người, từ khi tách khỏi tự nhiên và trở thành con người xã hội, và nghệ thuật cùng tôn giáo là hai ý thức thượng tầng có sớm nhất, hơn tất cả các ngành khác, lâu đời hơn lịch sử thành văn, và đạt đến đỉnh cao ngay từ thủơ hồng hoang. Đôi khi người ta tự hỏi tại sao con người lại vẽ, tại sao con người lại làm nghệ thuật, cái mà tự nhiên không hề có và không loài động vật nào làm. Có lẽ cách giải thích gần đúng nhất là nhờ nghệ thuật mà loài người tồn tại và thống trị các loài trong tự nhiên, dù cho nó chỉ là một cây sậy yếu nhất. Như nhà bác học Pháp Blaise Pascal (1623–1662) nói: Con người là một cây sậy. Nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ.

Vẽ là hành vi bản năng

Động vật nói chung không có cái bản năng vẽ hay nặn. Đây là bản năng chỉ của con người. Nói đến bản năng, ta thường hiểu rằng đó là hành vi tự nhiên, không cần giáo dục, luyện tập gi cả. Vẽ cũng vậy, sinh ra trẻ con nhìn thế giới xung quanh: bố mẹ, ông bà, các trẻ con khác, đồ vật trong nhà, nhà cửa… rồi nguệch ngoạc vẽ vài nét tương tự. Nhưng đây thuộc bản năng có tính xã hội, nếu sống như động vật thì người ta cũng không có cả tiếng nói lẫn vẽ.

Sinh ra ai cũng vẽ, vẽ gắn liền với trẻ con, cho đến tuổi dậy thì, từ 11 – 13 tuổi, sau đó phần lớn trẻ con chán vẽ và không thích thú việc này nữa, thay vào đó lời ăn tiếng nói phát triển, dần dần đủ để diễn tả ý nghĩ của mình. Chỉ một số ít tiếp tục thích vẽ nặn, những người đó có khả năng trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc.

Trong các loại nghệ thuật, thì dường như chỉ có vẽ là gắn với trẻ thơ. Trẻ con có thể có năng khiếu âm nhạc, đánh đàn, hát, có thể làm thơ, hoặc biểu diễn, nhưng những các tài đó tương đối đặc biệt và không phổ biến ở tất cả các trẻ con, trong khi hầu hết trẻ con đều vẽ. Vẽ ở trẻ con không được coi là năng khiếu nghệ thuật, mà được coi là hành vi tự nhiên, theo lứa tuổi, chúng vẽ cũng khác nhau, và người ta nhìn thấy những quy luật chung nhất định ở việc vẽ ở các lứa tuổi khác nhau. Thoạt tiên là sơ đồ hóa, ví dụ vẽ người thì chỉ vẽ được đầu và chân tay, sau đó lớn hơn là vẽ dần theo sự hiểu, ví dụ cái ô tô nhất định có bốn bánh, và cuối cùng có ý thức về toàn cảnh, bố cục bức tranh (vẽ có sự xắp xếp nhất định và chủ đề).

Bản năng tự nhiên trao cho muôn loài là sinh ra thì cố gắng tồn tại. Khi sinh ra, tất cả đều yếu ớt và dễ dàng bị ăn thịt bởi con vật dữ hơn, mạnh hơn. Do đó mà động vật sơ sinh phải đứng dậy ngay, tìm vú mẹ để bú, rồi chạy cho nhanh. Thế nhưng hầu hết các loài, chỉ một phần ba trong số động vật sơ sinh sống được đến lớn, còn hai phần ba kia không chết vì bệnh tật, đói thì bị các loài khác ăn thịt. Loài người thì khác, từ khi còn ở giai đoạn vượn đã sống thành bầy đàn, có bản năng bảo vệ nhau. Và khi phát triển sang giai đoạn người, quá trình trưởng thành chậm hơn rất nhiều. Trẻ con sơ sinh ngoài bản năng khóc, khóc thật to để báo hiệu cho mọi người biết sự tồn tại của mình, thì còn có bản năng rúc vào vú mẹ. Phải đợi rất lâu đứa trẻ mới có khả năng tự kiếm ăn và bảo vệ mình. Nhưng đứa trẻ lại có bản năng trao đổi và bắt đầu nhận thức. Vẽ hình là cái thuộc bản năng trao đổi, nhận thức đó – vẽ từ ít đến nhiều, vẽ từ những sự vật xung quanh đến sự vật ở xa hơn, đứa trẻ sẽ ngày càng hiểu thế giới xung quanh hơn, từ đó mà đánh giá các hiểm họa và cơ hội. Khi vẽ cái cây nó sẽ biết cái cây nào có thể trèo, và trèo đến đâu. Khi vẽ cái ô tô, nó sẽ biết ô tô có thể đến gần lúc nào, lúc nào thì nên tránh … cứ tuần tự như vậy, đứa trẻ tự cảm nhận được hầu hết các cơ hội sống, và biết cách tránh các va chạm nguy hiểm. Chúng sẽ vẽ bố mẹ và cô giáo, búp bê một cách âu yếm, vì chúng biết, và sẽ biết đó là nơi nương tựa được. Cảm nhận sẽ tạo ra nhận thức, cảm nhận sự yêu thương thì sẽ nhận thức được đối tượng ấy có gần được hay không.

clip_image010

clip_image012

clip_image013

Tranh thiếu nhi vẽ “Biển đảo quê hương”

Vẽ để vui chơi

Trên thực tế thì cả việc vẽ của trẻ con lẫn họa sĩ đều là hành vi đơn giản, mang tính vui chơi nhiều hơn là một việc làm nghệ thuật quan trọng. Họa sĩ Pháp Matisse từng cho rằng : Nghệ thuật của tôi như chiếc ghế bành, để mọi người sau giờ lao động mệt mỏi ngồi vào cho thoái mái. Đó là mục đích nghệ thuật của ông. Còn đối với những người vẽ, thì vẽ chính là việc giải tỏa đời sống bên trong, bớt đi những phiền muộn, hay là kể lại những phiền muộn thành câu chuyện vui, hài hước.

Khi chàng trai nguyên thủy ngồi mài chiếc vòng đá để tặng người yêu, anh ta cảm thấy niềm vui nho nhỏ. Thời gian mài chiếc vòng có gờ nổi nhỏ cũng khá công phu, và cái đẹp của vòng đá được mài nhẵn, tròn, có trang trí làm chàng thích thú, mê đắm vào công việc của mình, đôi khi quên mất mình làm vì mục đích gì. Người vẽ cũng vậy, ban đầu có mục đích, hoặc không có mục đích nhất định, sau đó thì việc vẽ lôi kéo vào thế giới hình ảnh, và họ cứ đi theo những hình ảnh tưởng tượng đó. Người thợ gốm cầm bút vẽ lên bình gốm chưa nung cũng vậy, mỗi ngày vẽ hàng trăm cái bình, không phải anh ta không mệt mỏi, không phải không có lúc thấy nhàm chán. Nhưng sự hứng thú khi phô diễn nét khiến anh ta cảm thấy nét vẽ như có thần bút, đôi khi kiểm soát được, phần nhiều là không, và nét vẽ tách ra khỏi anh ta, dẫn anh ta đến thế giới tưởng tượng.

Không chỉ trẻ con, mà cả người lớn cũng coi vẽ là việc giải trí. Người phương Đông xưa đặt ra tiêu chí: cầm – kỳ – thi – họa, nghĩa là một người gọi là tài năng thi phải biết chơi đàn, chơi cờ, làm thơ và vẽ tranh. Người ta xếp thứ tự như vậy có ý nghĩa là từ cảm xúc (bên trong, từ đánh đàn), đến lý trí (tính toán nước cờ), làm thơ (xúc động bên ngoài dẫn đến sinh lời bên trong) và cuối cùng là hội họa, ban đầu hoàn toàn phải dựa vào tự nhiên bên ngoài. Thứ bậc này không có ý nghĩa cao thấp mà chỉ là phát triển con đường nhận thức từ nội tâm đến thế giới bên ngoài và ngược lại. Song muốn làm được cái đó người ta phải vui chơi với nghệ thuật. Nếu phải dò từng nốt mà đánh đàn thì không thể chơi một bản nhạc điêu luyện được. Cũng không thể vẽ thật đẹp nếu bàn tay không bám được vào sự vật được trông thấy. Muốn chơi với nghệ thuật, bằng nghệ thuật, thì phải diệu nghệ, từ hữu chiêu (học hành, thứ tự bài tập) đến vô chiêu ( bỏ qua học hành, kiến thức, làm nghệ thuật một cách tự nhiên, không quan tâm đến kỹ thuật). Vẽ ban đầu là để vui chơi, sau đó cần có kỹ năng, và vượt qua kỹ năng, người ta mới thực sự đi lại thoải mái trong nghệ thuật được.

Người nguyên thủy vẽ tranh cũng để vui chơi, sau đó tập luyện, người ta sẽ tập bắn, ném lao vào những hình động vật trên tường hang, để sau này đi săn khỏi bỡ ngỡ, giống như bộ đội tập bắn vào bia giấy. Tập võ, tập bắn với các hình nộm, hình vẽ để vui chơi, và tập diễn cảnh đi săn trong hội lễ, là cách lặp lại những hành vi săn bắn, và biết cách liên kết các thành viên trong bộ lạc, phối hợp trong quá trình săn bắn hái lượm.

Không phải bất cứ nghệ thuật nào cũng để thờ cúng, hay có mục đích giáo lý nghiêm trang. Những người nghệ sĩ cũng không hề nghĩ như vậy, thậm chí, họ vui chơi giải trí ngay trong nghệ thuật tôn giáo, họ luôn có ý muốn kéo nghệ thuật về với đời sống thế tục.

clip_image015 clip_image017

Đồ dùng làm đẹp thời nguyên thủy: trâm cài tóc, vòng đá…

Vẽ để kể lại những gì quan sát

Quanh một đứa trẻ hay một người lớn, mọi đồ vật đều như nhau, thế nhưng mỗi người lại thấy hình ảnh ấy không như nhau. Đứa trẻ chưa có mấy kinh nghiệm và thời gian sống, khi ra khỏi tầm kiểm soát của mẹ cha, nó nhìn thấy càng ngày càng nhiều thứ hơn. Ngồi trong nhà thì thấy những đồ đạc đơn giản: giường tủ bàn ghế, ra ngoài đường thì thấy phố xá xe cộ và rất nhiều chuyển động. Cho nên trẻ con thích ra ngoài và đi rong, bởi vì càng ra ngoài, mọi thứ càng sinh động hơn. Chỉ đến khi nào, chúng trở thành người lớn, mệt mỏi vì đời sống bên ngoài, thì lại thích ngồi ở nhà, nơi yên tĩnh và sống với tâm hồn bên trong mình. Hội họa nằm cả ở hai chiều này, bên ngoài và bên trong, vẽ là để thể hiện cái bên ngoài, và biểu hiện cái bên trong (con người).

Cách đây hơn 500 năm, Leonardo da Vinci (1452 – 1519) đã vẽ bức tranh Mona Lisa (1505/1507). Mona Lisa là tên của một phụ nữ, vợ của nhà buôn Gioconda, người đặt họa sĩ vẽ chân dung vợ mình. Chúng ta nên nhớ rằng sự kiện này xẩy ra 500 năm trước, khi ấy người ta mới nhìn thấy rõ nét con người, chứ chưa ai biểu hiện được tâm hồn bên trong bằng hội họa. Leonrdo đã không chỉ vẽ cái vẻ bên ngoài, mà còn vẽ cái tâm hồn sâu thẳm khó mà hiểu được đến nơi của một con người. Như vậy vẽ không chỉ thể hiện sự quan sát hiện tượng bên ngoài, mà còn khám phá đời sống tinh thần bên trong của sự vật.

Với một đứa bé thì vẽ là câu chuyện về những gì nó nhìn thấy. Bố mẹ, ông bà, búp bê, chó mèo, giường tủ, bàn ghế… những sự vật và câu chuyện gần gũi. Rồi nó vẽ xa hơn, sau khi được ra ngoài : nhà cửa, ô tô, xe máy, cây cối, trường học, cô giáo, bè bạn….Những sự vật ấy được xắp xếp theo một câu chuyện mà bé hinh dung, sẽ kể lại bằng lời hay hình ảnh theo cách nó quan sát, chứ không nhất thiết dựa vào thực tế, và dù có dựa vào thực tế, thì bàn tay non trẻ đối với hội họa chưa thể hiện được. Ví dụ hầu hết trẻ con 5 – 7 tuổi đều vẽ ô tô có đủ 4 bánh, tức là chúng hiểu rằng cái ô tô có bốn bánh, chứ chưa vẽ được hình bi che lấp do tầm nhìn, không bao giờ người ta thấy đủ cả bốn bánh của một chiếc ô tô. (Trừ phi xe có gầm rất cao).

Con mắt của mọi người đứng về cấu tạo sinh học là tương đối giống nhau. Mắt người ngày xưa và người ngày nay, mắt người da trắng hay người da đen cũng không khác mấy. Tuy vậy cái nhìn của từng dân tộc, từng thời kỳ, từng cá nhân là hoàn toàn khác nhau. Nếu không thế người ta đã không cần đến họa sĩ, mà chỉ cần cái máy ảnh là xong. Cùng một đồ vật, như lọ hoa, cho các em học sinh trong lớp họa vẽ, mỗi em sẽ vẽ ra một kiểu lọ hoa khác, theo cá tính và cái nhìn của chúng. Điều này giống hệt như giầy dép, dù tất cả nhóm người đi cùng một loại giầy, nhưng sau một thời gian chúng hoàn toàn khác nhau, và nhìn vào chúng có thể nói về chủ nhân đã đi lại như thế nào. Kinh nghiệm của cá nhân về quan sát, khiến những bức tranh có độ nông sâu, nhiều sự vật hay ít sự vật khác nhau. Đó chính là cái hay của nghệ thuật thị giác. Thường thì họa sĩ quan sát kỹ hơn, tốt hơn người bình thường, nhưng cái nhìn của họ cũng nhiều định kiến hơn.

Ngày xưa khi vua chúa đi chinh chiến, họ thường đem theo vài họa sĩ, nhà sử học, nhà khoa học, để ghi chép, nghiên cứu những nơi mới đến, những sự kiện xẩy ra. Họa sĩ làm nhiệm vụ vẽ ghi càng chính xác càng tốt. Khi người Pháp xâm lược Việt Nam cũng vậy, lúc đó máy ảnh chưa ra đời, có nhiều người làm nhiệm vụ vẽ ghi phong cảnh, tập tục của người Việt Nam, tất nhiên là vẽ cả bản đồ và nghiên cứu địa lý. Như vậy, phần nào đó, trước khi cái máy ảnh ra đời, người họa sĩ cũng phải làm nhiệm vụ của cái máy ảnh, nghĩa là ghi lại những gì nhìn thấy càng chính xác càng tốt. Sau khi máy ảnh ra đời vào cuối thể kỷ 19, họa sĩ không đặt ra cho mình nhiệm vụ ghi chép hiện thực nữa. Hội họa đối với họ là phương tiện biểu hiện tâm trạng mà thôi.

clip_image018

Tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci

Vẽ để thay tiếng nói tạm thời

Đi và nói (hành động và ngôn ngữ) là hai hành vi đầu tiên mà mọi động vật khi chào đời cố gắng thực hiện. Động vật nói chung trưởng thành nhanh, vài giờ vài ngày sau khi lọt lòng mẹ chúng đã có thể chạy và kêu theo tiếng kêu giống loài. Loài người trưởng thành chậm hơn, 18 tuổi trở ra mới được coi là người trưởng thành, dưới đó vẫn coi là vị thành niên. Nhưng quy luật chung là ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi, đồng thời cũng tập nói. Nữ thập tam, Nam thập lục – Nữ 13 tuổi, Nam 16 tuổi dậy thì, bây giờ tuổi dậy thì có thể sớm hơn, nhưng nói chung so với động vật là rất chậm.

Động vật cũng có hành vi đi và kêu (nói) như con người, nhưng không có hành vi vẽ. Vẽ chính là tiếng nói tạm thời trước khi có thể dùng lời ăn tiếng nói diễn đạt suy nghĩ của mình. Khi ta ra nước ngoài, nếu không biết ngoại ngữ, cần gì ta vẽ ra là người nước ngoài có thể hiểu. Hình vẽ là dạng ngôn ngữ có tính quốc tế, không cần phải phiên dịch. Người dân tộc này không thể hiểu tiếng nói của người dân tộc khác, nhưng nhìn hội họa, điêu khắc, và trang trí có thể hiểu được tâm tư và triết lý của dân tộc khác mình.

Trẻ con cần vẽ để phát triển ngôn ngữ. Đứa trẻ có thể diễn đạt không nhiều từ, nhưng có thể vẽ ra nhiều hình, sau khi vẽ xong nó có thể hỏi người lớn các khái niệm chỉ đồ vật, sự vật mà nó vẽ.

Việc vẽ và học nói song song với nhau suốt cả thời thơ ấu. Vẽ thực ra là ghi lại những gì mắt nhìn thấy. Mắt nhìn thấy sự vật nào, thì lời ăn tiếng nói sẽ có khái niệm tương ứng đễ diễn tả, nên nhìn thấy càng nhiều sự vật, thì ngôn ngữ của đứa trẻ ngày càng phong phú. Sự quan sát mỗi ngày một chi tiết hơn, sâu hơn, cho đến khi đứa bé cảm nhận được hầu hết các chi tiết của một sự vật. Thoạt tiên là quan sát người mẹ của chính mình, lọt lòng đứa bé mới nhận biết được sơ sơ khuôn mặt mẹ, vòng tay, bầu vú, và tất nhiên là mùi vị đặc trưng của mẹ nữa. Dần dần nó sẽ thấy mầu quần áo mẹ thường hay mặc, tóc của mẹ, giầy dép, nữ trang của mẹ, và những đồ đạc khác mà mẹ sử dụng. Từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, đứa bé nào cũng thuộc hầu hết bố mẹ mình đến từng chi tiết, đến mức nó có thể vẽ ra tất cả các chi tiết ấy. Nhìn thấy đến đâu, biết nói đến đấy, và như vậy cái nhìn đi trước ngôn ngữ nói và viết, mở đường cho sự nói và viết trở nên phong phú sau này.

clip_image020 clip_image022

Tranh người Pháp vẽ khi mới sang Việt Nam

Vẽ để hình dung những gì chưa có

Người họa sĩ không chỉ vẽ ra những cái đang có trong đời sống, mà còn có thể vẽ ra những cái chưa có theo trí tưởng tượng của họ. Hình tượng những vị Thần Phật đều là kết quả của sự tưởng tượng, trong đó kết hợp những đặc điểm vốn có của con người rồi tổng hợp lại mà thành. Ví dụ tượng Phật bà Quan âm Nghìn mắt nghìn tay, dựng năm 1656 nay đặt ở chùa Bút Tháp, là kết hợp của các yếu tố trong đời sống và trí tưởng tượng. Theo truyền thuyết, Phật bà nghĩ nhiều về cuộc đời nên đầu nổ tung ra, Phật A di đà bèn dùng phép thuật vô biên chắp các mảnh đầu của Quan âm lại. Bức tượng tạc Quan âm có bốn tầng đầu, mỗi tẫng ba mặt, trên có tượng Phật A di đà nhỏ ngồi. Bà lại có nghìn tay để cứu vớt nhiều chúng sinh, có nghìn mắt để nhìn thấu nhiều nỗi đau khổ của con người. Sự thực thì không có ai nhiều tay nhiều mắt như vậy, nhưng trí tưởng tượng đã làm nên một tác phẩm như vậy.

Cuối thể kỷ 15, đầu thế kỷ 16, họa sĩ Leonardo đã tưởng tượng xe tăng, máy bay, súng đại bác, bom bi, súng bắn mây, và ông còn vẽ thiết kế những cỗ máy và vũ khí đó. Năm thế kỷ sau loài người mới thực hiện được. Như vậy nhờ có vẽ mà Leonardo đã hình dùng và thiết kế cơ cấu những cỗ máy không tưởng trong thời đại của ông.

Khi người thợ gốm nguyên thủy nặn ra chiếc nồi, anh ta bắt chước hình dạng hoa quả, có thể tích để chứa đựng. Đồ gốm ban đầu hoàn toàn mô phỏng hoa quả trong tự nhiên. Dần dà, con người tự nặn ra nhiều loại đồ đựng khác nhau, hình dáng khác nhau, không còn phụ thuộc vào tự nhiên nữa. Sáng tạo bắt đầu. Quần áo cũng vậy, ban đầu chúng chỉ là những mảnh da, lá cây được ốp vào cơ thể. Rồi khi quần áo xuất hiện, nhiều kiểu may mặc ra đời, cho đến cả ngành thời trang như ngày nay. Như vậy, vẽ nặn, làm đổ dùng thực sự là tạo ra những gì chưa từng có, hoặc chỉ có những cơ sở đơn giản, sự phong phú của hội họa, điêu khắc, kiến trúc và đồ vật hoàn toàn do sáng tạo không ngừng của các nghệ sĩ, các nhà thiết kế. Vẽ thực sự là hình dung những gì chưa có.

clip_image024

Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay, chùa Bút Tháp

clip_image026 clip_image028

Một số bản vẽ thiết kế của Leonardo da Vinci

Vẽ là cách trừu tượng hóa

Trong hội họa có một loại tranh trừu tượng, thực ra là cả một trường phái nghệ thuật, trong những năm 1910 – 1914, với những sáng tác ban đầu của họa sĩ người Nga Kandinsky và sau đó của nhiều người khác. Hội họa trừu tượng cho đến nay vẫn là khó hiểu với hầu hết mọi người, cùng lắm người ta cảm nhận đó là vẻ đẹp thuần túy của bề mặt được vẽ mà thôi.

Trên thực tế, hàng ngày người ta phải nhìn và làm quen với rất nhiều các hình ảnh trừu tượng. Ví dụ đơn giản tấm biển giao thông tròn, gạch trắng trên nền đỏ là không được đi, gạch trắng trên nền xanh là được đi. Thực ra, cái gạch trắng ấy là một ký hiệu trừu tượng hoàn toàn vô nghĩa. Trong bối cảnh giao thông và trên tấm biển tròn tô mầu nào đó thì nó có ý nghĩa nhất định (mang tính quy ước giữa con người với nhau). Người nguyên thủy có rất nhiều ký hiệu trừu tượng để chỉ mặt trăng, mặt trời, mùa thu hái, mùa đi săn, họp bộ tộc, tế thần… các ký hiệu này được vẽ, khắc dưới các tìn hiệu hình học và được bộ tộc này đọc ra một cách dễ dàng, nhưng bộ tộc khác lại không hiểu được.

Trừu tượng hóa là cách con người tư duy sao cho đến gần sự vật nhất, tìm ra cách nói chung nhất cho các hiện tượng riêng lẻ. Ví dụ Con bò là một khái niệm trừu tượng, vì trên thực tế chỉ có những con bò cụ thể, bò đực hay bò cái, bò của nhà ông A, ông B, chứ không có Con Bò nói chung nào cả. Những ký hiệu trừu tượng xuất phát từ ngôn ngữ thuần túy của việc vẽ, như đường nét, mầu sắc, hình khối, không gian, ánh sáng. Những yếu tố ngôn ngữ này có thể chứa đựng tinh thần, tình cảm nhất định nào đó của người vẽ, và khi vẽ một bức tranh hoàn toàn chỉ có những mầu sắc, không có hình thù cụ thể nào, nó cũng biểu hiện tâm trạng người vẽ ra sao. Đó chính là tranh trừu tượng.

clip_image030

Tranh trừu tượng của Kandinsky

clip_image032

Tranh của thổ dân Australia

Trong quan niệm thông thường, những gì không hiểu được, hay khó hiểu, người ta đều gọi là trừu tượng. Ví như: bức tranh này trừu tượng quá, anh nói năng trừu tượng quá… Tranh trừu tượng không lấy bất cứ đối tượng nào trong tự nhiên để vẽ, do đó mà người ta không biết họa sĩ vẽ gì, và xem cái gì trên tranh. Tranh trừu tượng chỉ có mầu và nét bút thuần túy, nó là sự phô diễn các yếu tố ngôn ngữ hội họa, không diễn tả bất cứ một hình thù thị giác nào. Nên khi ta xem tranh mà cố tìm xem họa sĩ vẽ cái gì, thì không thể cảm nhận được tranh trừu tượng.

Thực ra thì quá trình trừu tượng hóa diễn ra với bất cứ người vẽ nào. Khi một em bé lên năm tuổi vẽ một người với cái đầu tròn và hai chân, hai tay cắm vào đầu thì chính là một cách vẽ rất trừu tượng rồi. Khi ta vẽ ông mặt trời là một hình tròn có những tia sáng là các nét thẳng, cũng chính là trừu tượng hóa một hiện tượng tự nhiên, chứ chả có mặt trời nào như vậy. Đối tượng luôn đa dạng, toàn vẹn, khó nắm bắt, người vẽ, người nhận thức chỉ có thể đưa ra vài đặc điểm gần với đối tượng, chứ không bao giờ diễn đạt được hết đối tượng, nhưng cách nào gần với bản chất của sự vật nhất, nó sẽ cho thấy đối tượng đó là gì.

Vẽ để tôn thờ (nghệ thuật tôn giáo)

Nhờ có vẽ và nặn, con người đã dựng nên cả một thế giới nghệ thuật tôn giáo từ xưa đến nay. Những Kim tự tháp ở Ai Cập, đền Parthenon ở Hy Lạp, Nhà thờ Đức Bà ở Paris (Pháp), đền Angko ở Camphuchia… đều là kết quả của việc sáng tạo, xây dựng dưới tinh thần tôn giáo. Những tranh hang động Altamira, Lascaux cũng phục vụ trước tiên cho tin ngưỡng nguyên thủy. Có thể nói việc vẽ nặn của con người có một phần, thực ra là phần rất lớn, để tạo ra các hình tượng, biểu tượng thần thánh. Vẽ cũng là để tôn thờ, người vẽ – họa sĩ cũng được coi là các bậc Á thánh (Á là một nửa, gần bằng thánh).

Chúng ta vào một ngôi chùa, ngôi đền ở làng xã Việt Nam, thấy rất nhiều tượng Thần Phật. Có những pho tượng rất cổ kính, như tượng Phật A di đà, chùa Phật Tích, được làm cùng ngôi chùa năm 1057, hay pho tượng Phật bà Nghìn mắt nghìn tay, chùa Bút Tháp, được làm năm 1656. Đó đều là những hình tượng được tạo ra để tôn thờ. Lòng xác tín nội tâm của con người, mà cụ thể của những nghệ nhân xưa đã làm nên vẻ đẹp và sự linh thiêng của các hình tượng tôn giáo, nếu không có niềm tin ấy, những hình tượng tôn giáo chẳng có ý nghĩa gì. Như vậy niềm tin tôn giáo có thể truyền cảm từ bàn tay người thợ vào pho tượng, hay niềm tin của cả một tộc người theo đạo cũng có khả năng thâm nhập pho tượng, thông qua một người thợ. Đó là lý do tại sao người ta đánh giá cao người thợ vẽ, thơ nặn tôn giáo cũng như một bậc thần thánh.

Rất nhiều họa sĩ thời Phục hưng ở châu Âu đồng thời là thầy tu, như Fra Angielico (1395 – 1455), Fra Philippo Lippi (1406 – 1469). Tất nhiên không nhất thiết phải là thầy tu, thì người họa sĩ mới tạo ra hình tượng thiêng liêng. Tôn giáo từng là tinh thần bao trùm của loài người trong nhiều thời đại, hầu hết các công trình kiến trúc, nghệ thuật nổi tiếng đều là nghệ thuật tôn giáo. Tôn giáo là người bảo trợ cho nghệ thuật, và nghệ thuật gắn với tôn giáo như anh em sinh đôi ngay từ thời hồng hoang.

clip_image034

Tranh thờ tôn giáo thời Phục hưng. Tranh của Rafael

Trong suốt một thời gian dài của lịch sử, có lẽ suốt từ thời nguyên thủy đến thế kỷ 19, nghệ thuật tôn giáo là phần chính của hoạt động nghệ thuật toàn cầu. Hầu hết các nghệ sĩ có tài năng đều tham gia xây dựng, vẽ và tạc tượng cho nhà thờ, đền, chùa. Hình tượng Thần Phật đã là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc.

clip_image035

Tượng Phật Việt Nam

Vẽ để hiểu các bậc thầy hội họa

Nếu chúng ta đi các bảo tàng ở châu Âu và Mỹ, thì sẽ thấy hàng ngày từng đoàn học sinh vào học và trong đó có mục chép, vẽ theo tranh của các bậc thầy. Các bậc thầy hội họa không chỉ là những người vẽ đẹp mà còn là những học giả, tác phẩm của họ là sự ngưng đọng hình ảnh của một thời đại. Do vậy muốn hiểu hội họa và các bậc thầy, không gì tốt bằng tự mình vẽ. Càng vẽ nhiều, càng hiểu hội họa và các bậc thầy hội họa hơn.

Tại sao các bậc thầy hội họa lại quan trọng. Trước khi có phim ảnh, máy ghi âm ra đời, thì hội họa nói riêng, mỹ thuật nói chung chính là lịch sử của loài người ghi bằng hình ảnh và vật chất. Các họa sĩ đã lựa chọn, tổng hợp những hình ảnh chân xác và bản chất nhất về đời sống con người, từ những bức tranh của họ mà người ta thấy được cả một thời đại đã qua. Không có hội họa thì có lẽ không thể hình dung được những gì đã có trên mặt đất từ hàng ngàn năm qua. Hình ảnh thị giác luôn biến động và đổi thay từng ngày, nhưng sự ghi nhận của hình ảnh thị giác lại có tính cố định những gì con người đã trải qua. Một bức ảnh còn có giá trị như vậy, huống hồ một bức tranh, nó không chỉ là hình ảnh đã qua, mà còn là một đời sống tâm lý từng có của con người.

clip_image036

Tranh của Jean Van Eck

Ngày nay khi dựng phim lịch sử, người ta đều phải căn cứ vào mỹ thuật, mới biết người ngày xưa ăn mặc thế nào, mặt mũi ra sao, tầm thước, tính cách, tập tục văn hóa đều ngưng đọng trong bức tranh càng gần sự thực càng tốt. Các bậc thầy hội họa từ Giotto (1266 – 1337) đến Cezanne (1839 – 1906) trong khoảng hơn 500 năm qua đã nhìn thế giới và ghi nhận nó vào trong các bức họa. Người ta có thể đọc ra từ đó những bước đi của loài người, từ thời Phục hưng cho đến đầu thế kỷ 20, sự thay đổi của cái nhìn, của tâm hồn và thế giới vật chất con mắt có thể nhìn thấy được.

Thời Phục hưng hội họa được coi là môn khoa học, người ta có khái niệm : khoa học về mầu sắc, khoa học về hình họa. Để vẽ được không gian ba chiều, các họa sĩ thời Phục hưng đã nghiên cứu ra luật xa gần. Ngay từ nhỏ, nhiều trẻ em được đưa đến các xưởng của các nhà khoa học và nghệ sĩ để học nghề, các xưởng đó gọi là Bottega, trong đó trẻ em được học toán, hình học, hóa học, kiến trúc, điêu khắc và hội họa… tùy theo năng lực của mình mà nghiêng hơn về môn nào.

Các xưởng này cũng kiêm kinh doanh luôn, nhận xây dựng hay vẽ tranh cho nhà thờ, dân thường. Khi trở thành bậc thầy (Master) chúng có thể tự mở xưởng. Nhưng rồi dần dần trong quá trình phát triển riêng, người ta thấy, hội họa và điêu khắc hình như không thuộc về khoa học tự nhiên theo đúng nghĩa, ngoài việc sử dụng kiến thức hóa học, vật lý vào kỹ thuật vẽ tranh, đắp tượng và xây dựng, còn sáng tác nghệ thuật thuộc về ngành nhân văn. Nghệ thuật để biểu đạt tâm hồn con người và sáng tạo riêng của người nghệ sĩ. Không riêng ai, ngay cả những nhà khoa học cũng nói rằng: nếu không có ông Newton (1642 – 1726), hay Einstein (1879 – 1955) vào lúc này thì sẽ có vào lúc khác, nhưng nếu đầu thế kỷ 20 không có Van Gogh (1853 -1890), hay Picasso (1881 – 1973) thì chẳng bao giờ có nữa. Các bậc thầy nghệ thuật được sinh ra từ hoàn cảnh xã hội nhất định, nhưng sự thành tài của họ hoàn toàn do cá nhân họ, và cái cá nhân ấy to đến mức họ phán ánh được đời sống của nhân loại.

clip_image038

Tranh “Hàn Hy Tái dạ yến đồ” của Cố Hoành Trung

Họa sĩ Cố Hoành Trung được cử đi dự một bữa tiệc đêm

tại nhà Hàn Hy Tái, bị nghi là “trái với phong tục Nho học”.

Họa sĩ đã vẽ một bức tranh để “thay báo cáo”.

Nghệ thuật thị giác và design

Nói “vẽ và nặn” là cách nói đơn giản về nghệ thuật thị giác. Tức là nói về các nghệ thuật sinh ra từ con mắt và được xem bằng mắt. Nếu bị mù, thì có thể nói là đã mất hẳn hoặc rất hạn chế khi tiếp xúc với hình ảnh thị giác. Tất nhiên mù cũng có một cơ chế “nhìn” riêng.

Trước đây người ta thường dùng khái niệm Mỹ thuật để chỉ các nghệ thuật thị giác như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, đồ họa và đồ ứng dụng, trang trí. Trong mọi thứ ngôn ngữ trên thế giới, thì khái niệm nghệ thuật thị giác luôn được gắn với chữ đẹp – fine art, hoặc mỹ thuật. Có lẽ đẹp là sở hữu riêng của con mắt, dù người ta có thể nói bản nhạc này rất đẹp, thậm chí là một bài toán tuyệt đẹp. Nhưng các nghệ sĩ không chỉ muốn đẹp, họ còn muốn sở hữu cả những cái không đẹp, đẹp không còn là tiêu chuẩn duy nhất đối với nghệ thuật thị giác nữa, nên người ta dùng khái niệm nghệ thuật, hay nghệ thuật thị giác – visual art, cho rộng rãi hơn, và còn dung nạp nhiều nghệ thuật mới như Trình diễn (Performance ), Sắp đặt (Installation) và Video Art, Video Act (Peformance on video), nghệ thuật đa phương tiện (Multi media)… hiện đều được coi là nghệ thuật thị giác cả. Và ngành mới nhất Design đang chiếm lĩnh toàn bộ thế giới, được coi là nghệ thuật thứ tám. Riêng Design có năm ngành khác nhau: kiến trúc, nội thất, thời trang, tạo dáng và đồ họa. Trong đồ họa có ngành thiết kế truyền thông (communication design) thì vượt ra khỏi hắn vấn đề thị giác, vì có kết hợp cả âm thanh, phim ảnh và nghệ thuật quang học.

Tất cả sự đa dạng của nghệ thuật thị giác ngày nay là như vậy, nhưng cũng đơn giản, vì tất cả đều bắt đầu từ vẽ một cái gì đó lên tờ giấy. Nên nhờ có vẽ mà ta hiểu được các nghệ thuật thị giác như thế nào.

clip_image040

“Mưa dù” – hình ảnh sắp đặt (Internet)

clip_image042

“Nón”, sắp đặt của Ly Hoàng Ly (Bảo tàng Dân tộc học Berlin-Dahlem – Đức)

Nguồn: Sách ‘Văn 6” (nhóm Cánh Buồm), NXB Tri Thức, 2015

Comments are closed.