Ai mang bụi đỏ đi rồi!

Phạm Hiền Mây

I/ PHẠM THIÊN THƯ

Sinh năm một ngàn chín trăm bốn mươi, tính đến năm nay, Phạm Thiên Thư đã tám mươi tư, tám mươi lăm tuổi.

Tên thật là Phạm Kim Long, ông từng là sinh viên khoa Phật học tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm một ngàn chín trăm sáu mươi tư, ông đi tu, trở thành Đại Đức có pháp danh Thích Tịnh Không, tu tại các chùa Kỳ Quang, Từ Vân, Vạn Thọ, từ năm một ngàn chín trăm sáu mươi tư đến một ngàn chín trăm bảy mươi ba. Những năm gần đây, nghe nhiều bạn bè văn nghệ nói, ông bị nghễnh ngãng vì hội chứng quên, alzheimer, sau những lần tai biến. Gặp bạn bè xưa, ông chỉ cười, cùng ánh mắt trống không, nhìn vào chân trời vô định.

Ông từng đoạt giải nhứt văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu Truyện Kiều – Đoạn Trường Vô Thanh vào năm một ngàn chín trăm bảy mươi ba.

Nhiều người thắc mắc, sau mười năm, tại sao ông lại rời bỏ chiếc áo già lam cùng danh hiệu tu sĩ lãng mạn, bước xuống trần thế với dòng thơ trầm lặng, sang cả, của chỉ riêng thế giới thơ Phạm Thiên Thư? Ông không phân trần, chỉ cười nhẹ, tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình.

******

II/ THƠ PHẠM THIÊN THƯ

Thơ Phạm Thiên Thư, ngay từ khi mới xuất hiện trên thi đàn, đã mềm mại, dịu dàng, nhẹ nhàng, bay bổng, trong sáng, thanh thoát, siêu thoát, không nhiễm màu tục lụy thế gian, bởi hương vị thiền và triết lý nhà Phật.

Không chỉ có kiến thức sâu rộng về Phật Pháp, Phạm Thiên Thư còn được xem là nhà thơ có công trong việc “thi hóa kinh Phật”, nghĩa là, dịch chuyển thành công kinh Phật sang thể loại thơ. Ông cũng là một trong những tác giả có thơ được phổ nhạc nhiều nhứt. Và nhạc sĩ phổ thơ ông nhiều nhứt, chính là thiên tài Phạm Duy, với các bản như: Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng, Chắp tay hoa, Đại nguyện, Lời ru bú mớm nâng niu, Một cành mai, Pháp thân, Qua suối mây hồng, Huyền thoại trên một vùng biển, Loài chim bỏ xứ, Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa này, Gọi em là đóa hoa sầuNgày xưa Hoàng Thị.

Vào khoảng năm một ngàn chín trăm bảy mươi, khi Phạm Duy và Phạm Thiên Thư lần đầu biết nhau, trong hồi ký của mình, Phạm Duy kể lại: Đối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng, thật là mát mẻ và cần thiết. […] Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư, là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc. […] Từ đó, tôi luôn tìm đọc thơ của Phạm Thiên Thư, để phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại”.

Thơ, nhạc và họa, thường có một điểm chung, đó là, đọc rất thích, nghe rất thích, xem rất thích, mặc dù, không hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của nó. Riêng tôi, thì tôi nghĩ, việc gì phải bận tâm chuyện hiểu hay không hiểu ấy. Cứ thấy thích là được rồi, là tốt rồi, là bài thơ, là ca khúc ấy đã thành công rồi. Lời thì thơ, giai điệu thì du dương, êm dịu, như ru, như dỗ dành, như vuốt ve, an ủi, chia sẻ và thấu hiểu, là quá được rồi. Một bài thơ, một ca khúc, mà cảm ra được ngần ấy, thì còn cần thêm điều chi nữa.

******

III/ BÀI THƠ NGÀY XƯA HOÀNG THỊ

Được viết vào năm một ngàn chín trăm sáu mươi sáu, mười năm sau ngày yêu Ngọ, bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị, ban đầu, được trích một số đoạn, do ông lúc đó đã là nhà sư, in trong tập Thơ Phạm Thiên Thư, phát hành năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám.

Năm một ngàn chín trăm bảy mươi mốt, ông trao trọn vẹn bài thơ cho nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Và cho đến năm một ngàn chín trăm bảy mươi tư, thì bài Ngày xưa Hoàng Thị, một lần nữa, được in lại đầy đủ khi Phạm Thiên Thư phát hành tập thơ Ngày xưa người tình.

NGÀY XƯA HOÀNG THỊ

Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ

Chim non giấu mỏ

Dưới cội hoa vàng

Bước em thênh thang

Áo tà nguyệt bạch

Ôm nghiêng cặp sách

Vai nhỏ tóc dài

Anh đi theo hoài

Gót giày thầm lặng

Đường chiều úa nắng

Mưa nhẹ bâng khuâng

Em tan trường về

Cuối đường mây đỏ

Anh tìm theo Ngọ

Dáng lau lách buồn

Tay nụ hoa thuôn

Vương bờ tóc suối

Tìm lời mở nói

Lòng sao ngập ngừng

Lòng sao rưng rưng

Như trời mây ngợp

Hôm sau vào lớp

Nhìn em ngại ngần

Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ

Trao vội chùm hoa

Ép vào cuối vở

Thương ơi vạn thuở

Biết nói chi nguôi

Em mỉm môi cười

Anh mang nỗi nhớ

Hè sang phượng nở

Rồi chẳng gặp nhau

Ôi mối tình đầu

Như đi trên cát

Bước nhẹ mà sâu

Mà cũng nhòa mau

Tưởng đã phai màu

Đường chiều hoa cỏ

Mười năm rồi Ngọ

Tình cờ qua đây

Cây xưa vẫn gầy

Phơi nghiêng ráng đỏ

Áo em ngày nọ

Phai nhạt mấy màu

Chân tìm theo nhau

Còn là vang vọng

Đời như biển động

Xóa dấu ngày qua

Tay ngắt chùm hoa

Mà thương mà nhớ

Phố ơi muôn thuở

Giữ vết chân tình

Tìm xưa quẩn quanh

Ai mang bụi đỏ

Dáng em nho nhỏ

Trong cõi xa vời

Tình ơi tình ơi!

******

Thơ bốn chữ là thể thơ của nhịp điệu đi. Đó là những bước đi đầu tiên của tuổi mới lớn, đi từ cánh cổng trong sáng, thơ ngây, dại khờ đến ngưỡng cửa của thiên đường, nơi trái cấm mọc chi chít trên cành và rụng rơi đầy lối. Là nhịp điệu đi của lần đầu tiên trong đời: biết rung động, bâng khuâng, biết ngượng ngùng, ngẩn ngơ, biết vui biết buồn, biết nhớ biết thương, biết rưng rưng nghẹn ngào, đau đớn.

Ngọ trong bài thơ, là tên của một nữ sinh, kém Phạm Thiên Thư hai tuổi nhưng lại học chung một lớp với ông. Ông yêu đơn phương cô bạn gái, và ngày hai buổi, ông lẽo đẽo theo sau, khi đến trường và tan học.

Hình ảnh chấp chới của tà áo dài trong bài thơ, gợi lên một sự không vững bền, nghiêng ngả, chông chênh, như yêu mà không dám ngỏ lời, nên tình vì thế rất khói sương, mong manh, huyền ảo, nên tình vì thế mà thấp thoáng, xa xôi, như có như không, vô thường, hư huyễn.

Ngày xưa Hoàng Thị, mênh mênh mang mang, hư hư thực thực. Đẹp. Thơ. Và, thoát tục.

******

IV/ CA KHÚC NGÀY XƯA HOÀNG THỊ

Năm một ngàn chín trăm bảy mươi mốt, Phạm Duy phổ bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị thành ca khúc cùng tên. Thế hệ ba má, anh chị tôi, và cả chúng tôi, không ai là không biết, không ai là chưa từng nghe qua một lần: em tan trường về / đường mưa nho nhỏ.

Lần đầu tiên tôi nghe bài này, và cũng là, bắt đầu từ đó, tôi thích, thì ấn tượng đầu tiên của tôi, chính là nhan đề của ca khúc – Ngày xưa Hoàng Thị, một nhan đề rất cổ tích và rất nên thơ.

Khi phổ nhạc cho thơ, có những bài, Phạm Duy giữ gần như nguyên bài thơ gốc, lại có những bài, Phạm Duy thay đổi chữ và đưa thêm lời vào, nhưng kiểu gì thì kiểu, khi thành hình, ca khúc vẫn giữ được ý chính của bài thơ. Thế nên, người đời mới trầm trồ, ngợi khen, Phạm Duy tài tình. Thế nên, người đời mới tấm tắc, xuýt xoa, Phạm Duy, phù thủy âm nhạc.

Và cũng cần nói thêm, giả dụ như, số người biết đến bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, trước khi được Phạm Duy phổ nhạc, là mười người, chẳng hạn, thì khi ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Duy ra đời, số người biết về bài thơ và tác giả Phạm Thiên Thư, đã lên tới hàng trăm, hàng ngàn người. Nên mới nói, Phạm Duy, thiên tài âm nhạc, nghĩa là như thế đó.

Trong hồi ký Nhớ (NXB Trẻ,2005), Phạm Duy kể: “Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư – mà thi sĩ gọi là, của một ngọn núi với một đám mây – là do hai chúng tôi, vô tình cùng đi thăm một người quen đang nằm bệnh viện. Gặp Phạm Thiên Thư ở đó, tôi yêu mến anh ngay. Sau đó, thi sĩ, nhiều lần tới nhà tôi đàm đạo. Lúc bấy giờ, tôi đang soạn những bài ca cho tình yêu và tuổi học trò như Trả Lại Em Yêu, Con Đường Tình Ta Đi. Đọc được bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị mà anh bạn trao cho, tôi như bắt được viên ngọc quý và xin phổ nhạc ngay”.

Còn trong cuốn nhạc (2) Đưa em tìm động hoa vàng (NXB Trẻ, 2006), Phạm Duy ghi: “[…] Cô bé trong bài thơ mang một cái tên rất bình dị là Ngọ, Hoàng Thị Ngọ. Tôi dùng âm giai ngũ cung và thể nhạc kể chuyện để đưa ra tình khúc rất bụi đỏ đường mơ này”.

Từ năm mươi chín câu thơ bốn chữ, chia thành mười bốn khổ, mỗi khổ bốn câu của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy viết thành ca khúc có mười hai khổ, mỗi khổ có sáu câu, năm câu trên bốn chữ, và câu thứ sáu có sáu chữ:

NGÀY XƯA HOÀNG THỊ

1.

Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ

Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ

Ôm nghiêng tập vở

Tóc dài tà áo vờn bay

Em đi dịu dàng

Bờ vai em nhỏ

Chim non lề đường

Nằm im dấu mỏ

Anh theo Ngọ về

Gót giày lặng lẽ đường quê

2.

Em tan trường về

Anh theo Ngọ về

Chân anh nặng nề

Lòng anh nức nở

Mai vào lớp học

Anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ

Em tan trường về

Mưa bay mờ mờ

Anh trao vội vàng

Chùm hoa mới nở

Ép vào cuối vở

Muôn thuở còn thương, còn thương

3.

Em tan trường về

Anh theo Ngọ về

Em tan trường về

Anh theo Ngọ về

Môi em mỉm cười

Mang mang sầu đời, tình ơi

Bao nhiêu là ngày

Theo nhau đường dài

Trưa trưa chiều chiều

Thu đông chẳng nhiều

Xuân qua rồi thì

Chia tay phượng nở sang hè

** Rồi ngày, qua đi, qua đi, qua đi

4.

Như phai nhạt mờ

Đường xanh nho nhỏ

Như phai nhạt mờ

Đường xanh nho nhỏ

Hôm nay tình cờ

Đi lại đường xưa, đường xưa

Cây xưa còn gầy

Nằm phơi dáng đỏ

Áo em ngày nọ

Phai nhạt mấy màu

Âm vang thuở nào

Bước nhỏ tìm nhau, tìm nhau

5.

Xưa tan trường về

Anh theo Ngọ về

Nay trên đường này

Đời như sóng nổi

Xóa bỏ vết người

Chân người tìm nhau, tìm nhau

Ôi con đường về

Ôi con đường về

Bông hoa còn đẹp

Lòng sao thấm mệt

Ngắt vội hoa này

Nhớ người tình xưa, thuở xưa

6.

Xưa tan trường về

Anh theo Ngọ về

Xưa tan trường về

Anh theo Ngọ về

Đôi chân mịt mù

Theo nhau bụi đỏ đường mơ

Xưa theo Ngọ về

Mái tóc Ngọ dài

Hôm nay đường này

Cây cao hàng gầy

Đi quanh tìm hoài

Ai mang bụi đỏ đi rồi.

This image has an empty alt attribute; its file name is q1-1024x756.jpg

Thi sĩ Phạm Thiên Thư trong một dịp hội ngộ nhạc sĩ Phạm Duy tại TP.HCM, tháng 6.2011. Ảnh: tạp chí Người Đô Thị

******

V/ CA SĨ THÁI THANH

Nhiều ca sĩ hát nhạc của Phạm Duy, nhưng bốn ca khúc phổ từ thơ Phạm Thiên Thư, nếu hỏi tôi, thích người nào hát nhất, thì tôi sẽ thưa ngay mà không cần suy nghĩ, đắn đo, Thái Thanh.

Ngày nhỏ, khi chưa biết nhiều, tôi cho rằng, giọng bà, sao mà uốn éo, sao mà nheo nhéo, chua chua. Lớn lên mới biết, uốn éo ấy, chua chua ấy, vừa là trời phú vừa là kỹ năng. Tuyệt kỹ có một không hai này, chỉ mình bà. Nên thích.

Phạm Thiên Thư, trời sắp xếp cho thơ ông gặp được Phạm Duy, rồi trời lại sắp xếp cho Phạm Duy gặp được Thái Thanh (hoặc có thể, ngược lại, nhưng chuyện ấy chẳng quan trọng chi). Không có những mối lương duyên kiểu tiền định này, thì sẽ không có tên tuổi lẫy lừng họ, trong suốt thế kỷ hai mươi và qua đầu thế kỷ hai mươi mốt, như đã.

Nên nếu nói, thơ Phạm Thiên Thư là những sợi tơ, thì Phạm Duy chính là người dệt tơ ấy thành lụa, và giọng ca Thái Thanh đã dát vàng lên thân lụa kiêu sa, óng ả.

******

VI/ AI MANG BỤI ĐỎ ĐI RỒI

Với nghệ thuật điệp câu và luyến láy rất tài tình, Phạm Duy đã làm cho bài thơ, làm cho cô gái, chàng trai, làm cho cuộc tình thuở học trò, trên trang giấy của Phạm Thiên Thư, bỗng trở nên có hồn có vía, biết thở, biết yêu, biết vấn vương, nhung nhớ, kéo dài đến hết cả đời người, không gì bôi xóa được.

Nếu Thơ Là Quyền Uy Tuyệt Đối (Đặng Tiến), thì với ca khúc, với nhạc phẩm của mình, Phạm Duy cũng đã tạo cho chúng một Quyền Uy Tuyệt Đối hệt thế, không kém, không thua.

Ngày xưa Hoàng Thị là câu chuyện về một tình yêu u hoài. U hoài, nên dẫu đã cố chôn rất sâu, nén rất chặt trong tim, vậy mà, cứ ngẩn ngơ mãi thôi, cứ đeo đẳng mãi thôi, trăm năm, câu hỏi:

AI MANG BỤI ĐỎ ĐI RỒI!

Sài Gòn 29.11.2024

Comments are closed.