Đọc “Ba cái lẻ tẻ” của Vũ Thành Sơn

Phapxa Chan

Tôi không có thói quen làm dấu trang trong khi đọc sách. Tôi ỷ vào trí nhớ tuyến tính của mình cho lần sau giở lại đúng nơi đã đọc qua. Nhưng tôi mới bị hớ một vố khi áp dụng thói quen này trong lúc đọc Ba cái lẻ tẻ của thi sĩ Vũ Thành Sơn. Tôi hăm hở đọc lại dăm ba bài tôi đã đọc mà cứ tưởng đọc lần đầu. Tôi chú ý đến điều đó và thử đọc lại tập thơ đến lần thứ hai, thứ ba, tôi vẫn không thể nắm bắt được tuyến tính trong đó. Mọi câu, mọi chữ đều vang lên trong hiện tại. Tôi bị hấp dẫn trước tiên bởi điều này.

Bút pháp siêu thực cộng với giọng kể chuyện thản nhiên khiến tôi bị sa vào một vùng mây đầy phim ảnh mộng mị. Tác giả có nói đến nỗi buồn, buồn thẳm sâu, buồn nghiệt ngã. Tôi thấy đau nhiều nhất trong bài này đây:

1.

Bơi từ Bắc cực về vỉa hè Sàigòn. Cuối con đường đối diện là kênh Nhiêu Lộc, nơi người ta đang làm lễ chôn sống tập thể nắng tháng Tư

6.

“Không có sự tàn độc không thành lễ hội”

Ông Nietzsche ơi, tôi đã bơi vượt qua nhiều đại dương nhưng lại chết đuối trong một cái lẩu

9.

Một người đàn ông đập đầu vô tường khóc nức nở. Mỗi người cần có một chỗ bí mật để cất giấu đôi cánh của mình

(Cá tháng Tư)

Vâng, thế là lộ rồi. Ông đã hé răng nói rằng cần giấu đôi cánh mình vào chỗ bí mật. Nhưng ông đã tìm cách siêu thực hóa nỗi buồn vào sự viết. Mọi thứ là phần mảnh rớt rơi từ giấc mơ. Giấc mơ của một người mơ rất tỉnh táo. Tôi nói về tỉnh táo, vì sao, vì ông tôn trọng chúng như những phần mảnh, được khúc xạ bởi chính nhận thức và lọc lừa qua ký ức của mình. Những gì còn rơi lại, ông cho chúng ta xem. Chúng liệu có ít chân thực hơn những dòng trần thuật không? Tôi không xem trần thuật sự kiện là chân thực khi người kể một mực tin vào sự thật. Tôi đọc những phần mảnh và tôi biết nó đang vang lên trong hiện tại được tự do tạo tác bởi chính tôi lúc này.

Tôi đi tiếp vào giấc mơ của Vũ Thành Sơn, với những bước chân tỉnh táo, cố gắng giữ thăng bằng trên mặt đất hư ảo và bốn bề gương kính. Đến một quãng tôi bắt được nhịp chuyển động. Câu cuối, ở câu cuối, lúc sàn nhà rung chuyển đột ngột, kiểu thế này:

phải học lại từ đầu những điều tưởng chừng giản dị

như thở thật đều khi chiều xuống

hoặc làm một con bò tự do

nằm thảnh thơi nhai rác

(Có một thời chúng ta)

Hay thế này:

tôi đang nín thở

dưới bầu trời

tự hỏi

làm sao có thể giết một đám mây

mà không vấy máu

(Tất cả đều chạy)

Nhà thơ hoàn toàn có thể để tuột mất chúng ta bởi cái lối đi trơn nhẫy của chữ nghĩa này, nhưng đến câu cuối, ông lại quăng ra một cái móc néo kéo ta về thực tại. Có vấn đề thời sự, thời cuộc, thời thế ở đây. Có nỗi trăn trở trong những giấc mơ này. Nhưng xét về tính chính trị của bài thơ, tôi thấy tác giả am tường về tự do. Am tường ở chỗ ông biết những ranh giới, tính chất của mộng và thực, và ông cất tiếng gọi:

tôi nhớ cây thông

và những con chim sẻ

trong vườn

trong giấc mơ

tôi gọi tên từng đứa

“tao đã bỏ chạy thục mạng

sao tụi mày còn nhởn nhơ?”

(Năm, Mười, Mười Lăm, Hai Mươi…)

Bởi vì am tường, nên ông làm chủ thực tại-mộng của mình, ông giải phóng:

họ giơ cao nắm đấm

nở nụ cười rạng rỡ

sau khi đã chiến thắng

chứng táo bón

(Giải phóng)

một cách rất hài hước!

Tóm lại, sau vài ba lần đọc Ba cái lẻ tẻ này của Vũ Thành Sơn, tôi vẫn chưa hiểu hết được chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi luôn tìm được cái đang xảy ra, nó lượn lờ ngay trước mắt, biến ảo mỗi sát na, nhưng chịu, chẳng thể nắm. Hoặc tôi sẽ nhắm mắt lại để xem bộ phim này, cứ mặc các thước phim chiếu quanh tôi. Tôi sẽ hú họa, bằng linh cảm mình, mở mắt ra đúng vào một thời khắc vô nghĩa nhất, để đọc một câu thơ của ông.

tôi mang trên lưng ngọn đồi với chim chóc nhưng đã đánh rơi nó

đâu đó giữa những bài thơ dở dang đậm chất hoang tưởng

những nhánh cây ngái ngủ trong đêm

những ngôi sao tím bên cửa sổ cháy hoài không tắt

những dự định không thành

lửng lơ như mẩu dây điện trên cột đèn đường sau cơn bão rớt

(Ảo giác)

Comments are closed.