Đọc và đọc lại “Trống rỗng” của Mai Sơn

Vũ Thành Sơn

Trống rỗng là một trong những truyện ngắn mà tôi cho là đặc sắc nhất của nhà văn Mai Sơn. Truyện rất ngắn, ít nhân vật và ít tình tiết, câu chuyện cô đọng, tạo ra một không khí ngột ngạt của một thế giới bị nén chặt trong hai bức vách. Câu chuyện rất ám ảnh. Trong một chuyến đi thăm nhà văn Mai Sơn đang lâm trọng bệnh cách đây một tuần lễ, không hiểu sao cái truyện ngắn ấy lại một lần nữa ám ảnh tôi. Ám ảnh bởi hình ảnh người đàn ông láng giềng mà tôi hiện thời đang khoác lên người khi đứng bên cạnh nhà văn Mai Sơn. Ám ảnh bởi tính chất mong manh đến mức phù phiếm của sự truy cầu hạnh phúc của con người. Ám ảnh bởi sự lẻ loi của họ. Ám ảnh bởi sự tuyệt vọng không thể chia sẻ cho nhau. Ám ảnh bởi một sự thất bại bẩm sinh.

Tôi viết bài “Đọc Trống rỗng của Mai Sơn” vào tháng 9/2017, cách đây đã hơn bốn năm và chưa một lần đọc lại. Sau chuyến đi, tôi không thể cưỡng lại sự thôi thúc phải đọc lại truyện ngắn đó và đọc lại bài viết của mình một lần nữa. Ở bài viết cũ này tôi chỉ quan sát nhân vật trong những mối quan hệ và từ góc nhìn này, có thể nói Trống rỗng là một bản tường trình hiện tượng học về những mối quan hệ đẹp đẽ bị đổ vỡ. Truyện không đưa ra một chỉ dấu nào về nguyên nhân của sự đổ vỡ. Người đọc bị giản lược thành người đàn ông láng giềng, chỉ có thể nghe vọng lại qua bức vách ngăn cách những tiếng động từ đời sống của họ: chúng ta nghe thấy họ nói năng, cười đùa, làm tình, va chạm (“va chạm của chén đũa”), khóc lóc, la hét rồi im lặng. Đó là những mối quan hệ gián tiếp và phi thể chất, chỉ còn có những tiếng vang, những “nghe nói”, “nghe thấy”. Chúng ta đi bên nhau nhưng bao giờ cũng tự dựng lên một bức vách bảo vệ vô hình. Có phải chính những quan hệ dưới hình thức đó mới bảo vệ được thế giới của chúng ta tránh khỏi những trầy xướt, tổn thương để nó luôn được đẹp đẽ, nhẵn thín và không tì vết? Người-đàn-ông-láng-giềng-chúng-ta đã trả lời bằng một khẳng định, … “Lâu dần tôi quên rằng bên kia tấm vách gỗ ván có một suối nguồn hạnh phúc hân hoan đang chảy.

Những mối quan hệ gián tiếp và phi thể chất như vậy đang thống trị đời sống chúng ta mỗi ngày, chúng là một thứ rượu mạnh, một thứ funkyball (bóng hít) tạo ảo giác, “lâu dần” sẽ làm cho chúng ta tê liệt các giác quan và trở nên nghiện hình ảnh về một thế giới đẹp đẽ.

Nhưng sự thật (hay bi kịch?) sẽ thực sự xuất hiện nếu chúng ta cố tình bước qua tấm vách gỗ ván đó. (Tấm gỗ ván hay là hình ảnh của con rắn trong vườn địa đàng hay cái hang của Plato?). Và có phải vì sợ phải đối diện với sự thật mà chúng ta hãy nên bằng lòng với vai trò là những người láng giềng vô can bên cạnh hạnh phúc, khổ đau của người khác? Nhưng suy cho cùng chúng ta có thực sự vô can ngay cả khi chỉ muốn sắm vai một người ngoài cuộc?

Một câu hỏi nữa mà toàn bộ câu chuyện của Trống rỗng không đưa ra lời giải đáp, đó là: cái gì đã thúc đẩy người đàn ông cuối cùng quyết định gõ cửa bước qua bức vách? Sự tò mò hay lòng lân mẫn? Không, tôi không tin hai lý do đó. Mà tôi tin vào cái động lực muốn “ngăn chặn cơn điên loạn làm hư hỏng hiện hữu” của người đàn ông ấy hơn.

Bước qua cái ranh giới mong manh ngăn cách hai thế giới đó người-đàn-ông-láng-giềng-chúng-ta lúc ấy mới tận mắt nhìn thấy phía sau tấm vách gỗ ván một thế giới khác, trần trụi, không tô vẽ và cái mà người-đàn-ông-láng-giềng-chúng-ta vẫn đinh ninh là “suối nguồn hạnh phúc hân hoan đang chảy” kia thực ra chỉ là một cái đẹp “bị nhét đầy giẻ, nằm sóng soài dưới nền nhà và đã bốc mùi hôi thối.

Một thế giới đẹp đẽ đã hoàn toàn sụp đổ. Những ảo tượng đã bị phơi bày. Còn lại là một sự “bải hoải” và “trống rỗng” khủng khiếp. Một sự trống rỗng cần được làm đầy. Nhưng trên hết, ám ảnh hơn hết, là một cảm giác phạm tội.

Người đàn ông gây ra sự đổ vỡ bỏ trốn. Người-đàn-ông-láng-giềng-chúng-ta chứng kiến sự đổ vỡ cũng bỏ trốn. Họ bỏ trốn bởi vì cái thế giới đẹp đẽ mà họ có một phần trách nhiệm xây dựng đó đã sụp đổ? Funkyball chỉ kéo dài trong giây phút.

Tôi đã không thể không nghĩ về điều đó khi đứng bên cạnh nhà văn Mai Sơn, người luôn luôn tìm kiếm và tôn thờ cái đẹp. Tôi đã không thể không nghĩ về những đổ vỡ không thể hàn gắn, không bao giờ có thể hàn gắn, khi mỗi một chúng ta đã mang trong bản thân mình một sự đổ vỡ, khi mỗi một chúng ta đã chính là một sự đổ vỡ.

Comments are closed.