Lời Bạt cho tập thơ Cánh Cửa của Nguyễn Thùy Song Thanh

Lê Thị Huệ

Lê Thị Huệ

 

Chào người ra Biển Lớn thi gan

Phỉ cơn đại mộng hay trôi giạt

Sức mạnh trí tuệ trong những câu thơ Cánh Cửa thu hút tôi.

Lần đầu tiên tôi gặp được một người đàn bà Việt Nam xuất chiêu thơ vũ bão. Bài thơ sương phụ thời chiến tranh Nam 1975 của bà tôi đọc được, tả cảnh Sài Gòn đi qua chiến tranh.

Chủ Nhật 65
Buổi sáng thăm chàng ở trại nhập ngũ số 3
buổi chiều ở Saigon ngó ngực Diễm Thúy
buổi tối về nhà nghe nhạc Phạm Duy
nửa đêm chợt khóc khi con bú.

Thơ Cánh Cửa xuất bản năm bà ngoài bảy mươi. Sang sảng giọng. Quyền uy lộng lẫy nữ sức với suy tưởng và ngôn ngữ hào phóng nhất thi ca. Và rằng làm thơ khi cần thì không lý gì đến tuổi tác, thời gian, giống phái và đề tài.

Bà cho de ra cái hão huyền trong khái niệm hai chữ Nàng Thơ. Mà từ trước đến nay như một báu vật của giống phái đàn ông muốn thờ phượng: Thơ là phải Nữ và Trẻ.

Nguyễn Thùy Song Thanh, người đàn bà luống tuổi phất một làn hơi, chễm chệ và đĩnh đạc ngồi vào chiếu nữ tướng thi ca của Việt Nam thời tôi hiện đại.

http://www.gio-o.com/images/NguyenThuySongThanhCCBiaTruoc.jpg

Ở đâu ra một loài thơ với sự mạnh của tâm hồn và sự mẽ của chữ nghĩa ở bà Nguyễn Thùy Song Thanh đến thế.

Khi bà đến với diễn đàn Gió O, tôi nào để ý tuổi tác ai. Chỉ biết nhà thơ Nguyễn Thanh Châu ở bang Arizona gửi thơ anh và thơ bạn bè đến, trong đó có thơ của Nguyễn Thùy Song Thanh, Khoa Hữu, Trần Duyên Tưởng từ Việt Nam. Tôi đọc thơ bà lập tức nhớ đến những xúc động khi đọc những bài thơ Mai Thảo gửi, những năm ông đã ngoài sáu mươi, sống một mình sau phố Song Long thuộc khu Bolsa hải ngoại. Và tôi đã nói với ông, thơ của Mai Thảo sẽ còn lại hơn toàn bộ tiểu thuyết vẩn vơ của Mai Thảo. Và tôi đã hào hứng viết một bài giới thiệu tập thơ duy nhất của ông, Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, gửi đến ông.

Bà sinh ra ở Sa Đéc, cũng là nơi chào đời của nhà văn nổi sóng sầu L’Amour Marguerite Duras. Trà Vinh đã có Nh. Tay Ngàn Liên Đêm Mặt Trời Nhìn Thấy và bây giờ Sa Đéc có Nguyễn Thùy Song Thanh.

Thơ đầy trí tuệ và ngạo nghễ. Dễ dầu gì một người đàn bà lớn tuổi Việt Nam có thể bật ra những chữ nghĩa như Nguyễn Thùy Song Thanh. Một tài thơ hiếm quý cho giới phụ nữ chúng tôi. Vàng ròng. Tôi tìm thấy ở thơ bà một sự chia sẻ và thưởng ngoạn trí thức.

Sớm nay vẫn còn mảnh trăng tái

Thoi thóp trên bầu trời sóng sánh gió

Ngày đủng đỉnh rạng

Hai tay thẳng cao. Mặt ngửa, mắt mở

Chạm những đám mây lúp xúp chạy về phương Nam

Trận gió Bắc bén gót đuổi nà.

Tự khiển thị lực. Nhắm mắt trưởng tượng

Phóng tầm lên cao, vút qua các tầng mây hỗn độn nhân gian

Các tầng xanh thăm thẳm hoang mang

Các tầng sáng chói lóa thách thức.

Lên cao … cao nữa

Làm sao cảm nhận vô cùng

Con nhỏ nhoi thấp mọn vô năng

Chưa thể gặp Ngài

Nhưng con trong thấy chàng trên mây đỉnh đạc

Bàn tay vẫy trổ năm nhánh thuyền độc mộc

Nhấp nhô sóng âm dương

Năm mủi rẻ hướng tới năm châu lục hồng hoang

Hẹn sẽ chở về hạnh phúc sơ nguyên khẳm

Hiệu ứng lướt sóng trời lay rụng xuống tôi

bao nhiêu là mây ấm.

Một bài thơ đối thoại với thế giới tâm linh rất riêng tư thân mến và gần gũi. Thượng Đế tâm linh là nguồn xa nhưng gần. Không thờ phượng mà là tìm gặp và vỗ về cảm thức của thi sĩ. Khác với ông Hàn Mặc Tử choán ngợp “run như run thần tử thấy long nhan”, Nguyễn Thùy Song Thanh kéo tâm linh đến gần “tự khiển thị lực. Nhắm mắt tưởng tượng … hiệu ứng lướt sóng trời lay rụng xuống tôi … bao nhiêu là mây ấm.

Tôi và trời sao gần gũi và chở che nắng ấm lòng nhau đến thế.

Thơ người đàn bà trí thức Nguyễn Thùy Song Thanh đòi người đọc phải có một trình độ nào đó để chia sẻ:

Bằng sinh khí Thượng Đế hà một hơi

Hạt đất mang linh hồn

Linh hồn tôi khởi từ đấng Alpha

Mù mịt cõi về Omega

Không biết Alpha và Omega @ 2014 thì phải lên net mà học cho ra Alpha và Omega rồi mới thưởng thức được các liên tưởng trí tuệ của bà già Nguyễn Thùy Song Thanh nhé.

Bây giờ một mình dù khi mặt trời ủ rũ,

Hạt ngọc tôi vẫn quạnh hiu lấp lánh bên đời

Bằng thiên hà nỗi nhớ

Sát na thơ trong luồng suy tưởng trên tạo ra 3 câu chữ một sắc thái sáng tạo rất lôi cuốn tôi. Người đàn bà lớn tuổi một mình nhìn mặt trời và gọi tên là ũ rủ. Thay vì gọi gợi cảm một hoàng hôn đẹp, thi sĩ chia sẻ nét ủ rũ mà mình sầu đời chiêm nghiệm. Người đàn bà luống tuổi dám đối diện với ủ rũ nên toát ra được một câu thơ mạnh mẽ khác với sự nhờ vả của bóng chiều tà vĩ đại đẹp đẽ mà đám đông cũ kỹ thích gọi mời hoàng hôn. Thái độ tách riêng xé lẻ cảm xúc của tác giả gây cho tôi sự đến gần. Hạt ngọc tôi vẫn quạnh hiu lấp lánh bên đời. Người đàn bà trí thức ngạo nghễ lắm mới dám gọi mình là “hạt ngọc lấp lánh”. Ngon!

Rồi kế tiếp rất thơ thẩn thần sầu bằng một thứ tiếng dội ầm ầm lãng mạn chữ nghĩa: “bằng thiên hà nỗi nhớ”. Cụm chữ “bằng thiên hà nỗi nhớ” thỏa mãn được trí tưởng hùng dũng của kẻ trí thức không thỏa hiệp với hình bóng người đàn bà lẻ loi ngồi chờ bóng chồng bước qua cửa sổ mà tương tư lặng lẽ như nàng Tô Thị chờ chồng do mấy ông con cháu Khổng Tử đẻ ra. Ở đây người đàn bà trí thức ngẩng mặt và nói tuy chúng tôi lẻ loi nhớ bạn nhớ chồng nhưng tự ngậm hạt ngọc trong miệng và nhả ra những con chữ thơ để thỏa mãn khả năng thơ dào dạt trong hồn, khả năng xử dụng kho trí thức thúc hối một thái độ chọn lựa chữ nghĩa đắc địa để cho có người đọc như tôi thấy sảng khoái khi đọc mấy câu thơ trên.

Tôi không tìm kiếm ở thơ Nguyễn Thùy Song Thanh những tình cảm nhẹ nhàng tứ thơ dễ nhớ gợi âm dễ đọc của chữ nghĩa. Tôi thích đọc thơ của Nguyễn Thùy Song Thanh vì khả năng trí tuệ của chữ nghĩa bà. Chúng bắt cái đầu tôi làm việc, nhưng tôi lại tìm thấy được sự sảng khoái khi chữ nghĩa ấy kéo theo các tầng suy tưởng của trí tuệ và sự phong phú của ngữ vựng nhả tơ. Cái quan trọng là chữ của bà tự nhiên nhả tơ. Không cố tạo dáng thơ. Cũng không bó chặt chữ vào chế độ âm thanh của thơ dễ đọc Lục Bát hay Thất Ngôn.

Thơ vạm vỡ. Thơ ở với bà như làn hơi một trượng nữ. Nói những đề tài siêu hình lớn lao, chứ không chỉ mô tả cảm xúc tỉ tê nóng đầu ấm tay. Vụt xuất những chiêm nghiệm thâm sâu chứ không thơ xà quần chào bạn cạn cợt nơi quán xá. Nghĩa một bồ gắp chữ xài thoải mái chứ chẳng phải mài mãi chưa ra một con thơ hay.

Sài Gòn chôn chân là nguồn mạch thi ca của tập Cánh Cửa.

Một Sài Gòn Đen. Một Sài Gòn Sáng. Một Sài Gòn bịn rịn mồ hôi thum thủm và nồng nàn của thi ca mà người đàn bà luống tuổi đã ngủ nghê đã yêu thương đã ôm ấp hơn sáu mươi năm cuộc đời, phất ra hơi thở của thơ Sài Gòn sâu lòng nát dạ.

Một góc nào
Sài Gòn rất đen âm u ngõ tối
Sài Gòn rất tối con kênh nước đen
Theo ngọn thủy triều lựng khựng
Hạnh phúc hấp hối

Ngày tinh khôi

Chùm nắng non đầu tiên ùa vào đôi mắt

Còn him him giấc ngủ mòn đêm

Rác chờn vờn như sóng

Thế mới là thân thế Sài Gòn. Phải có chút đen mới là Sài Gòn thật.

Nguyễn Thùy Song Thanh có những câu thơ Sài Gòn trắng viên mãn, di sản thi ca từ thơ Miền Nam mà diễn đàn Gió O đã đề cập đến trong chủ đề Thơ Tình Nam 1975 tại địa chỉ gio-o. com.

Sài Gòn rất trắng

Trắng ngất mê những cung trời lụa bạch

Đất bỗng thiên thai

Rợp cánh áo tiên giờ tan trường

….

Đi một quãng mưa dội tối mắt

Đến một đỗi nắng ngọt vàng mơ

Bất chợt vào con đường ướt đẫm

Lại thoát ra vùng hanh ngói khô

Tú Xương, người tôi mến mộ, có những câu thơ chiêm nghiệm về đời sống chân thật và sâu lắng. Một trà một rượu một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta. Chừa được cái nào hay cái nấy. Chẳng qua chừa rượu với chừa trà. Những câu thơ của ông bao nhiêu năm qua vẫn bất hủ với cảm xúc của người đàn ông yếu đuối không thoát nổi những con thú vật người hành hạ họ triền miên kể từ khi hóc môn testerone trồi lên trên tuổi dậy thì. Nguyễn Thùy Song Thanh cũng sẽ để lại cho đời những bài thơ chiêm nghiệm về đời sống sâu đậm, nhưng thơ bà lại toát ra cái uy nghi của một con người trí thức hiểu rộng nhìn xa, điểm hơi khó kiếm. Mắt chưa nhắm sao biết Vĩnh Cửu. Chân còn đi sao nói Vô Cùng. … Thấy đời mình gan lì lặng lẽ. Bền bỉ xù xì đứng lớn lao.

Hồng nhan một nét, trời một cõi
Nghiệm đời minh sao ngó gốc cây
Giữa bao la gió còn ai gọi
Nhà ở đâu – ta ở nơi này

Một Sài Gòn thâm sâu ngậm ngùi lần đầu tiên được nghiệm ngôn bởi một người đàn bà luống tuổi. Sao không là Thanh Tâm Tuyền. Sao không là Nguyễn Tất Nhiên. Sao không là Nguyên Sa. Những người đàn ông thời 1970 đã phát ngôn về Sài Gòn chờn vờn thanh xuân để cho người đời ảo vọng về một Sài Gòn ngây thơ. Tuổi Mười Ba Nguyên Sa Sài Gòn õng eo, Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám. Già già như người đàn bà tên Nguyễn Thùy Song Thanh nói buộc sợi tình quanh ngón chân (cái) Sài Gòn câu trước, câu sau tuôn tràn ngôn khí (ta thấy) Đời mình gan lì lặng lẽ, bền bỉ xù xì đứng lớn lao.

Hãy nói về Sài Gòn như thế về thơ Nguyễn Thùy Song Thanh, Sài Gòn bền bỉ xù xì đứng lớn lao. Vẻ đẹp thô bạo của thành phố được tương lên bởi câu thơ của một bà già trùm thi ca.

Tôi tiếc là ít đọc được những bài thơ ám ảnh nữ, triết lý nữ, đề tài nữ từ Nguyễn Thùy Song Thanh. Bà đi vào cái khung trí thức sáo mòn chung chung, thường thấy ở các nam tác giả, là ưa bàn về siêu hình, thời thế và thân thế.

Phần lớn thơ trong tập Cánh Cửa, bà sử dụng các từ “tôi”, “ta”, không thấy từ “em” . Viết về tình yêu với người bạn đời, thi sĩ Khoa Hữu, bà sử dụng từ “người” và gọi tên “Khoa” để trình bày cảm xúc về chồng, vắng mặt từ “anh”.

Một chiều chưa tà một chiều không tà một chiều ngưng

Sao Khoa ra đi mà không phút lâm chung

Tôi ngủ giấc thơ điên trên ngọn thác ầm ầm đổ

Tan hoang chiều thiên cổ

Tiếng thét hoảng từ đáy hồn đập nát trái tim tôi thất

thểu bốn mùa

Ở lại một mình dưới mái nhà xưa

Cầu cho mộng lại mộng đêm qua

Chùm dây tưởng nhớ run đêm lạ

Người ở bên ta sao người cách xa

Cách sử dụng từ chứng tỏ một định vị đặc biệt của Nguyễn Thùy Song Thanh, rất ngang hàng bình đẳng, rất nữ quyền biểu thị, dù đấy không phải là đề tài, không phải là chủ đích của triều thơ Nguyễn Thùy Song Thanh. Bà thi sĩ này đứng xa vai trò dịu dàng bé bỏng tựa vai anh, chờ tình yêu đến tình yêu đi này nọ như nhiều bà thi sĩ khác từ trước đến nay.

Tôi ngợi ca thơ Cánh Cửa của Nguyễn Thùy Song Thanh người đàn bà luống tuổi làm thơ về thành phố Sài Gòn trẻ trung thời chỉ hơn ba trăm năm @ 2014.

Tôi đã từng ngợi ca thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh người thanh niên ngoài hai mươi sinh ra và lớn lên ở phố thị Hà Nội già chát bốn nghìn năm văn hiến với tập thơ Chuyện Của Thiên Tài @ 2003.

Thơ hay ngang ngửa với bất cứ tài thơ lừng danh nào của thế giới. Thơ Cánh Cửa của Nguyễn Thùy Song Thanh cùng với một số thơ Việt Nam xuất hiện khoảng mấy mươi năm trở lại đây, mở cửa khai phá cho một hầm mỏ thi ca lẫy lừng của Việt Nam, có thể sánh vai với bất kỳ thi ca nào của thế giới. Tôi có thể nói thế, chỉ riêng cho lĩnh vực thơ Tiếng Việt trong lúc này.

tháng bảy. 2014

Comments are closed.