Mùa Giải văn học Pháp (4): Một Trang 111 thật xứng đáng!

Nguyên Ngọc dịch từ http://bibliobs.nouvelobs.com/ ngày 06-10-2015

clip_image002

Pierre Senges nhận giải Trang 111 khuya 1-10-2015

 

Ngày 1 tháng mười vừa qua, vào lúc rất khuya, một giải thưởng văn học đã được trao bởi một ban giám khảo không bỏ công đọc trọn các cuốn sách. Vậy thì cũng giống như tất cả các ban giám khảo khác chăng? Vừa đúng lại vừa không, ban giám khảo này nhằm thẳng vào chỗ theo họ là cốt yếu nhất. Trang 111.

Vả chăng lý lẽ làm chỗ dựa cho tôn chỉ, nếu không phải là tôn giáo, của họ là không thể bác bẻ, như tuyên ngôn sau đây của họ:

Chúng tôi coi tất cả các trang 111 của mùa văn học bằng tiếng Pháp là những tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn, từ chữ cái thứ nhất đến chữ cái cuối cùng, từ dấu chấm thứ nhất đến dấu chấm cuối cùng, không quan tâm tới những gì trước đó hay sau đó, bất kể là nếu chúng tôi đang ở giữa một câu hay chúng bị tách ra khỏi cốt truyện.

Năm nay, ban giám khảo chọn vào chung kết 6 trang 111. Kết thúc một cuộc tranh luận nảy lửa, được Radio Nova truyền trực tiếp, cuối cùng họ đã quyết định tặng giải cho một trang. Và người xướng danh vị tân khoa may mắn không phải là bất cứ ai. Chính nhà toán học Cédric Villani, huy chương Fiels 2010, gắn tên tuổi mình vào cuộc này bằng tuyên bố:

Với sự hiền minh cao cả, ban giám khảo vừa quyết định trao giải thưởng trang 111 cho một tác phẩm đậm sắc thái kinh thánh, của một tác giả có tên riêng đậm sắc thái kinh thánh, tên của dòng họ cũng đậm sắc thái kinh thánh với một âm hưởng gợi đến trang 111. Đấy là nhà văn Pierre Senges.

Như vậy, Pierre Senges, được trao giải cho trang 111 của một cuốn tiểu thuyết dày hơn 600 trang, tên là “Achab (di hại)”, in ở nhà xuất bản Verticales, một kiểu tiếp nối tác phẩm lớn “Moby Dick” của Melville [*].

Phải công nhận đây là một trang 111 rất thú vị. Trước hết lối dàn trang in đôi khi cũng làm nên chuyện hay, trang được mở đầu bằng một cái tít dường như đã tạo cho nó một tính chất độc lập nhất định: “Achab linh mục nghe xưng tội”.

Tiếp đó, trang (sách của Pierre Senges) không chỉ chứng tỏ một sự thông hiểu tuyệt vời liên văn bản của Melville, mà còn nhiều lần gợi nhớ đến Victor Hugo, một người khổng lồ khác cũng từng rất say sưa với cảm hứng về biển:

Từ Quasimodo đến Quasimodo, trong suốt một năm dài, vị thuyền trưởng đã làm công việc giáo sĩ, trong một nhà thờ hẻo lánh, giữa hai bức tường gạch cao ngất (một đường phố bị đám dọn vệ sinh bỏ quên, cứ như Đức Christ cũng chưa bao giờ đặt chân đến đó).

Cuối cùng, về mặt chủ đề, trang 111 này đặc biệt phong phú. Có cả Chúa lẫn Satan, cả những thức ăn tinh thần (“tiếng latinh”, những chiếc chuông”, những trang giấy kinh thánh” lẫn những thức ăn trần thế (“trong các tủ kính cửa hàng bày xúc xích nhiều hơn thánh giá”).

Thậm chí ta còn gặp “mọi kiểu ám ảnh tính dục”, đúng ra là điều được nói ít nhất ở một trang 111 nơi ta biết rằng thuyền trưởng Achab, sống sót sau cuộc giáp chiến với con cá voi kinh khủng, “đã gan dạ đắm mình giữa bốn tấm ván của phòng xưng tội” để nghe “suốt một năm ròng, hàng chục, rồi hàng trăm lời xưng tội, tính ra mỗi buổi sáng có đến sáu hay bảy cuộc”.

Năm ngoái (2014), Giải cho Trang 111 đã được trao cho Antoine Volodine, người chỉ mấy ngày sau đó lại được nhận Giải Médicis. Còn Pierre Senges thì hiện đang có mặt trong danh sách ứng viên của Giải Wepler năm nay.


[*] Herman Melville (1819-1891), nhà văn Mỹ, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Moby-Dick, kể chuyện về chiếc thuyền Péquod, với thuyền trưởng Achab, một thủy thủ kỳ lạ bị ám ảnh về một con cá voi trắng lớn, Moby-Dick. Người kể chuyện là Ishmaël, một thủy thủ trên cùng thuyền, là người có tri thức văn học sâu rộng và thường vận đến vốn quý đó của anh để mô tả các thành viên trên thuyền và cuộc phiêu lưu của họ. Thủy thủ đoàn Péquod là cơ hội để Melville dựng lên một loạt chân dung và phân tích tâm lý hết sức sâu sắc, chi tiết. Những cuộc săn cá voi, chuyến phiêu lưu và những suy tưởng của người kể chuyện đan chen với một kết cấu mênh mông cực kỳ phong phú những quy chiếu Lịch sử, những liên hệ với văn học phương Tây, với huyền thoại học, triết học và khoa học.

Văn xuôi của Melville phức tạp và giàu tưởng tượng; ông được coi là một trong những nhà văn Hoa Kỳ lớn nhất, bên cạnh William Faulkner, Henry James hay Thomas Pynchon. (Người dịch)

Comments are closed.