Nhà văn Nguyễn Viện và tác phẩm mới “Thảo mai trên dốc gió”

Nguyễn Đình Bổn

image

 

Một trong những nhà văn cách tân mà tôi đọc là Nguyễn Viện, dù có khi chính điều đó làm tôi khó chịu. Nhưng tôi luôn tin rằng một nhà văn còn tiếp tục viết dù hay hơn hay dở hơn những gì ông ta từng công bố, đó là chỉ dấu một nhà văn đang sống, sống trọn vẹn với cảm xúc của mình.

Viết đã là một hành trình cô đơn, nhưng sống trong một đất nước không có tự do xuất bản, biết chắc tác phẩm của mình sẽ chỉ đến với một số lượng bạn đọc hiếm hoi bởi tự từ chối (và bị từ chối) in công khai trong nước, hành trình đó càng cô đơn gấp bội và phải có một cố gắng vượt bậc để đối diện với con chữ.

Hãy nghe chính tác giả nói: "Khởi đầu một tác phẩm mới, bao giờ tôi cũng viết trong tâm trạng như viết tác phẩm cuối cùng, thậm chí trăn trối. Trước mặt tôi là hư vô, sau lưng tôi là hư vô, bên trái bên phải tôi cũng là hư vô. Tôi ở giữa sự trống không mênh mông cùng lúc với những nỗi niềm chất chứa. Và không thể không viết."

Với một nhà văn, khi "không thể không viết", bắt buộc mình khổ dâm cùng con chữ, đó chính là tư cách sống của chính ông ta. "Thảo mai trên dốc gió" theo giới thiệu là tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Viện vừa được NXB Mõm Vuông in và phát hành, cùng mạch văn hậu hiện đại của Đĩ Thúi (từng được in riêng và nay in chung một tập).

Với tư cách nhà văn, trong những tác phẩm sau này, Nguyễn Viện từ chối quyết liệt kiểm duyệt trong xuất bản cũng như hoàn toàn bỏ lại sau lưng cách hành văn cũ mà ông từng viết trong Trinh Nữ (tập truyện ngắn) hay Thời của những tiên tri giả (bị thu hồi). Từ bỏ cách hành văn cổ điển, từ bỏ cấu trúc xây dựng tác phẩm được xem như mẫu mực hàng trăm năm, đây chưa hẳn một chọn lựa đúng nếu hướng đến số đông độc giả, nhưng Nguyễn Viện chọn cho Thảo Mai Trên Dốc Gió và Đĩ Thúi cũng như những tác phẩm khác của ông đi theo con đường đó, tất cả xoay quanh những nhân vật không tên, hoặc tên nhân vật hoàn toàn phiếm chỉ, không gian, thời gian trong tác phẩm bị xáo trộn một cách cố ý và phức tạp… như cách con người bị xóa bỏ bản sắc cá nhân trong một xã hội được định khuôn đồng dạng. Cũng chính điều này, cùng với một văn phong vừa bụi đời vừa nghiêm cẩn, Nguyễn Viện đã tạo ra một bản sắc độc đáo của riêng mình.

Văn chương hậu hiện đại ở dạng thức mới nhất đa phần khó đọc với người Việt bình thường và một phần do vắng bóng trên các trang văn nghệ, nó cũng không được giảng dạy tại các trường đại học mà chỉ được giới thiệu qua các trang mạng văn chương hải ngoại hoặc "một thời đã qua" từ NXB Giấy Vụn vì vậy có thể coi đó là một trào lưu xa lạ với độc giả Việt, và cũng bởi nó không ít "hàng giả". Giới thiệu một tác phẩm được viết theo phong cách hậu hiện đại mà kể hay phân tích về cốt truyện, nhân vật… thì không thể và vô ích. Bạn cần tiếp cận văn bản, và một khi bạn không còn định kiến, không quan tâm cả định danh (tiểu thuyết hay truyện vừa, hoặc một dạng thức khác nữa) bạn sẽ nắm được chiếc chìa khóa để thưởng lãm nó một cách thú vị. Chìa khóa đó với tôi là xóa ký ức đọc văn chương cổ điển, không còn quan tâm đến kết cấu vững chắc của một tác phẩm, không còn cả nhân vật hay thời gian, không gian… Khi đó chính chúng ta sẽ trở thành một đồng tác giả, cùng khám phá cái tôi, gợi mở, liên tưởng của chính mình thông qua văn bản của tác giả, và có thể nhìn thấy được, đồng cảm cùng thông điệp của nhà văn đưa ra hoặc chính chúng ta nghĩ ra.

Cả Thảo Mai Trên Dốc Gió và Đĩ Thúi đầy tính giễu nhại của văn chương hậu hiện đại, đầy ắp sự kiện xã hội của một Việt Nam đương đại đang phân rã và mất hướng, của những kẻ mù cầm lái những con thuyền quốc gia rệu rã và khi những ngọn sóng phũ phàng đập vào đó, làm lộ ra cái suy đồi cùng cực, nơi đồng tiền, các trò bẩn và xác thịt ngự trị ở thượng tầng kiến trúc.

Tuy nhiên, bạn sẽ đọc Thảo Mai Trên Dốc Gió dễ dàng hơn, bạn sẽ nhìn thấy ở đó một thân phận bị vùi giập đến… thảo mai (định nghĩa của "công dân mạng": thảo mai là một người -thường là phụ nữ- chỉ nói lời đãi bôi, đĩ thõa), người phụ nữ thảo mai trong tác phẩm này, vẫn giữ được ánh sáng thiện lương còn lại dù bị quăng quật, dày vò. Đĩ Thúi kết cấu phức tạp hơn, tên nhân vật gắn liền với điển cố trong Truyện Kiều, đa nghĩa hơn và khó đọc hơn.

Thay đổi, đó là bản chất của thế giới chúng ta đang sống. Nhất định sẽ có một ngày, toàn bộ hệ thống văn học Việt Nam sẽ phải công khai nhận định lại những nhà văn mang tinh thần tiên phong trong sáng tạo dù họ thành công hay thất bại, trong đó có Nguyễn Viện và những tác phẩm của ông. Ông đã bước qua tuổi 70, và tôi tin lời ông tâm sự: "Bạn biết đấy, khi sống trong cảm thức cuối cùng của đời người, có lẽ là lúc con người thành thật nhất. Và tôi cũng thế, tôi viết thành thật như tôi nghĩ. Và sáng tạo như không còn cơ hội nào nữa.".

Cuối cùng, điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói về văn chương Nguyễn Viện, ông là một nhà văn khác lạ, một cách bất cần. Có lẽ chỉ điều ấy thôi, cũng đủ.

(Sài Gòn tháng 7/21, giữa mùa đại dịch)

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57762824

Comments are closed.