Bệnh dịch! COVID-19 lay chuyển thế giới (kỳ 3)

Slavoj Žižek, 2020, New York – London: OR Books

Nguyễn Quang A dịch

6.

VIRUS Ý THỨC HỆ

Một câu hỏi lý thú do đại dịch coronavirus nêu ra, thậm chí cho một người không-chuyên gia về thống kê học như tôi, là: dữ liệu chấm dứt và ý thức hệ bắt đầu ở đâu?

Có một nghịch lý hoạt động ở đây: thế giới của chúng ta càng được kết nối, thì một tai hoạ địa phương càng có thể kích sự sợ hãi và cuối cùng một thảm hoạ toàn cầu. Trong mùa Xuân 2010, một đám mây bụi từ một sự bùng nổ núi lửa nhỏ ở Iceland, một nhiễu loạn nhỏ trong cơ chế phức tạp của cuộc sống trên Trái đất, gây ra một sự ngưng trệ giao thông hàng không trên hầu hết châu Âu. Nó đã là một sự nhắc nhở sắc nét về loài người vẫn chỉ là một trong nhiều loài sinh vật trên hành tinh Trái đất như thế nào, bất chấp tất cả hoạt động ghê gớm của nó để biến đổi tự nhiên. Tác động kinh tế xã hội có tính tai hoạ của một sự bùng nổ nhỏ như vậy chính là do tính dễ vỡ của sự phát triển công nghệ của chúng ta, trong trường hợ này là hàng không. Một thế kỷ trước, một sự bùng nổ như vậy đã trôi qua mà chẳng ai để ý. Sự phát triển công nghệ làm cho chúng ta độc lập hơn với tự nhiên và đồng thời, ở mức khác nhau, phụ thuộc hơn vào những sự thất thường của tự nhiên. Và cũng thế cho sự lây lan của coronavirus: giả như nó đã xảy ra trước các cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình, thì thậm chí có lẽ chúng ta đã chẳng nghe về nó.

Một thứ là chắc chắn: một mình sự cách ly, xây nhiều tường mới và thêm những sự cách ly, sẽ không có kết quả. Cần đến sự đoàn kết vô điều kiện đầy đủ và một phản ứng được điều phối toàn cầu, một hình thức mới của cái một thời được gọi là chủ nghĩa Cộng sản. Nếu chúng ta không định hướng các cố gắng của chúng ta theo hướng này, thì Vũ Hán hôm nay rất có thể là thành phố điển hình của tương lai của chúng ta. Nhiều dystopia hình dung rồi một tương lai tương tự: chúng ta ở nhà, làm việc trên máy tính của chúng ta, liên lạc qua hội nghị video, tập luyện trên một máy ở góc của văn phòng tại gia của chúng ta, đôi khi thủ dâm trước một màn hình chiếu cảnh tình dục khiêu dâm, và nhận thức ăn được chuyển đến, chẳng bao giờ đích thân thấy những con người khác.

Tuy vậy, có một triển vọng giải phóng bất ngờ được che giấu trong tầm nhìn khủng khiếp này. Tôi phải thú nhận rằng trong những ngày vừa qua này tôi đã thấy mình đang mơ đi thăm Vũ Hán. Những đường phố hoang vắng trong một siêu đô thị—các trung tâm đô thị thông thường nhộn nhịp trông như các thành phố ma, các cửa hàng với cửa mở và không khách hàng nào, chỉ một người đi bộ một mình hay một chiếc xe độc nhất ở đây ở đó, cho một cái nhìn thoáng qua về một thế giới không-tiêu dùng chủ nghĩa có thể trông giống cái gì. Vẻ đẹp u sầu của các đại lộ trống rỗng của Thượng Hải hay Hồng Kông nhắc nhở tôi về vài bộ phim cũ hậu-tận thế như On the Beach (Trên Bờ biển), mà cho thấy một thành phố với hầu hết dân cư của nó bị quét sạch—không có sự phá huỷ lớn ngoạn mục nào, chỉ là thế giới ở đó không còn sẵn sàng trong tầm tay, đang đợi chúng ta, nhìn vào chúng ta và vì chúng ta nữa. Ngay cả những khẩu trang trắng, được vài người đi xung quanh đeo, tạo ra một tình trạng nặc danh dễ chịu và sự giải phóng khỏi áp lực xã hội được nhận ra.

Nhiều người trong chúng ta nhớ kết luận nổi tiếng của tuyên ngôn Tình huống chủ nghĩa (Situationist) của các sinh viên được công bố trong năm 1966: Vivre sans temps mort, jouir sans entraves (sống không có thời gian chết, tận hưởng không có những sự cản trở). Nếu Freud và Lacan đã có dạy chúng ta bất cứ thứ gì, chính là công thức này, lý do tối cao của một lệnh siêu bản ngã [superego injunction] trong thực tế là một công thức cho thảm hoạ (vì, như Lacan đã chứng minh một cách khéo léo, siêu bản ngã ở mức cơ bản nhất của nó là một lệnh để tận hưởng, không phải là một hành động phủ định cấm cái gì đó): sự thôi thúc để lấp đầy thời gian được phân cho chúng ta trong mọi thời khắc bằng sự can dự mạnh một cách không thể tránh khỏi sẽ kết thúc trong một sự đơn điệu nghẹt thở. Thời gian chết—những thời khắc của sự rút lui, của cái những người thần bí cổ gọi là Gelassenheit, sự thanh thản—là cốt yếu cho sự phục hồi kinh nghiệm sống của chúng ta. Và, có lẽ, người ta có thể hy vọng rằng một trong những hệ quả không lường trước của những sự cách ly coronavirus trong các thành phố khắp thế giới sẽ là, chí ít một số người sẽ sử dụng thời gian được giải thoát khỏi hoạt động bận rộn và nghĩ về (sự vô) ý nghĩa của tình trạng khó chịu của họ.

Tôi biết đầy đủ về mối nguy hiểm tôi đang ve vãn trong việc đưa ra công khai những suy nghĩ này. Tôi không làm một phiên bản mới của việc quy cho các nạn nhân đau khổ sự thấu hiểu thật sâu hơn nào đó từ vị trí bên ngoài (vẫn) an toàn của tôi và như thế hợp pháp hoá một cách vô liêm sỉ sự đau khổ của họ? Khi một công dân đeo khẩu trang của Vũ Hán đi loanh quanh tìm thuốc hay thực phẩm, dứt khoát không có suy nghĩ chống-tiêu dùng chủ nghĩa nào trong đầu người đó, chỉ có sự hoảng loạn, sự tức giận và sự sợ hãi thôi. Yêu cầu của tôi chỉ là, ngay cả các sự kiện kinh khủng có thể có các hệ quả tích cực không tiên đoán được.

Carlo Ginzburg đã đề xuất ý niệm rằng việc cảm thấy xấu hổ về nước mình, không phải sự yêu thương nó, có thể là dấu hiệu thật của sự thuộc về nó. Có thể, trong thời gian cách ly và sự yên tĩnh bắt buộc này, một số người Israeli sẽ lấy sự cam đảm để cảm thấy xấu hổ trong quan hệ với chính trị được Netanyahu và Trump thực hiện nhân danh họ—tất nhiên, không theo nghĩa sự xấu hổi vì là Do Thái, ngược lại, cảm thấy xấu hổ vì cái chính trị Israeli đang làm ở Bờ Tây đối với di sản quý giá nhất của bản thân đạo Do Thái (Judaism). Có thể, một số người Anh sẽ lấy sự can đảm để cảm thấy xấu hổ về sự mê mẩn ước mơ ý thức hệ mà đã mang lại Brexit cho họ. Nhưng đối với những người trong cách ly ở Vũ Hán và khắp thế giới, không phải là thời gian để cảm thấy xấu hổ và bị bêu xấu mà đúng hơn là thời gian để lấy sự can đảm và kiên nhẫn bền bỉ trong cuộc đấu tranh của họ. Những người duy nhất thực sự phải xấu hổ ở Trung Quốc là những người công khai coi nhẹ bệnh dịch trong khi lại bảo vệ mình quá đáng, hoạt động giống các quan chức Soviet quanh Chernobyl mà đã công khai cho rằng không có sự nguy hiểm nào trong khi ngay lập tức sơ tán gia đình của chính họ, hay những nhà quản lý cấp cao mà công khai phủ nhận sự nóng lên toàn cầu nhưng đang mua nhà ở New Zealand hay xây dựng các bunker để sống sót ở Rocky Mountains rồi. Có lẽ, sự oán hận của công chúng chống lại các tiêu chuẩn kép như vậy (mà đang buộc các nhà chức trách để hứa sự minh bạch rồi) sẽ sinh ra một tác động phụ tích cực không lường trước của cuộc khủng hoảng này.

7.

BÌNH TĨNH VÀ HOẢNG LOẠN!

Các phương tiện truyền thông của chúng ta lặp lại không ngừng công thức “Đừng hoảng loạn!” và rồi chúng ta nhận được tất cả dữ liệu mà không thể không gây ra hoảng loạn. Tình hình giống tình cảnh tôi nhớ từ thời trẻ của chính tôi trong một nước Cộng sản khi các quan chức chính phủ thường xuyên trấn an công chúng rằng không có lý do nào cho sự hoảng loạn cả. Tất cả chúng tôi đã đều coi sự trấn an như vậy là một dấu hiệu rõ ràng rằng bản thân họ đang hoảng loạn.

Sự hoảng loạn có logic của riêng nó. Sự kiện rằng, ở Vương quốc Anh, do hoảng loạn coronavirus, ngay cả các cuộn giấy vệ sinh đã biến mất khỏi các cửa hàng nhắc nhở tôi về sự cố kỳ quặc với giấy vệ sinh từ thời trẻ của tôi ở Nam Tư Xã hội chủ nghĩa. Đột nhiên, một tin đồn lan ra rằng không có đủ giấy vệ sinh. Các nhà chức trách ngay lập tức đưa ra những lời trấn an rằng có đủ giấy vệ sinh cho sự tiêu dùng bình thường, và, đáng ngạc nhiên, điều này đã không chỉ đúng mà hầu hết người dân thậm chí đã tin nó đúng. Tuy vậy, một người tiêu dùng trung bình lập luận theo cách như sau: tôi biết là có đủ giấy vệ sinh và tin đồn là sai, nhưng nếu ai đó coi tin đồn này một cách nghiêm túc và, trong một sự hoảng loạn, bắt đầu mua dự trữ quá nhiều giấy vệ sinh, gây ra một sự thiếu hụt thật thì sao? Cho nên tốt hơn bản thân tôi cũng mua dự trữ. Thậm chí không cần để tin rằng ai đó khác coi tin đồn là nghiêm túc—là đủ để giả sử rằng ai đó khác tin rằng có những người coi tin đồn một cách nghiêm túc—kết quả là như nhau, cụ thể là sự thiếu giấy vệ sinh thật trong các cửa hàng. Cái gì đó tương tự xảy ra ở Vương quốc Anh và California ngày nay?*

Cái tương ứng kỳ lạ của loại sợ quá mức đang xảy ra này là sự thiếu hoảng loạn khi hoàn toàn có lý do chính đáng. Trong vài năm gần đây, sau các bệnh dịch SARS và Ebola, chúng ta được cảnh báo lặp đi lặp lại rằng một bệnh dịch mới nặng hơn nhiều chỉ là vấn đề thời gian, rằng câu hỏi đã không phải là NẾU mà là KHI NÀO. Mặc dù chúng ta tin chắc về sự thật của những sự tiên đoán khủng khiếp này, bằng cách nào đó chúng ta đã không coi chúng một cách nghiêm túc và đã không thích hành động và tiến hành những sự chuẩn bị nghiêm túc—chỗ duy nhất chúng ta đối phó với chúng đã là trong các phim như Contagion (Bệnh lây).

Cái sự tương phản này nói với chúng ta là, sự hoảng loạn không phải là cách thích hợp để đối mặt với một mối đe doạ thật. Khi chúng ta phản ứng trong sự hoảng loạn, chúng ta không coi mối đe doạ một cách nghiêm túc—ngược lại, chúng ta tầm thường hoá nó. Hãy chỉ nghĩ ý niệm có đủ giấy vệ sinh là việc quan trọng giữa bệnh dịch chết người là nực cười đến thế nào. Như thế phản ứng phù hợp đối với đại dịch coronaviruss là gì? Chúng ta học được gì và chúng ta phải làm gì để đương đầu với nó một cách nghiêm túc?

Khi tôi gợi ý rằng đại dịch coronaviruss có thể tăng một cuộc sống mới cho chủ nghĩa Cộng sản, lời xác nhận của tôi, như được kỳ vọng, đã bị chế nhạo. Mặc dù có vẻ rằng cách tiếp cận mạnh của nhà nước Trung quốc đối với khủng hoảng đã có kết quả—hay chí ít đã hoạt động tốt hơn nhiều cái bây giờ đang xảy ra ở Italy, logic độc đoán cũ của những người Cộng sản nắm quyền cũng rõ ràng chứng tỏ các hạn chế của nó. Một thí dụ đã là sự sợ hãi đưa tin xấu cho những người nắm quyền (và cho công chúng) mà vượt trội hơn những kết quả thực tế—đấy đã là lý do vì sao những người báo cáo đầu tiên về virus mới đã bị bắt, và có những báo cáo rằng một hiện tượng tương tự đang xảy ra bây giờ khi bệnh dịch giảm bớt.

Do áp lực để đưa Trung Quốc quay lại làm việc sau sự đóng cửa vì coronavirus nên một sự cám dỗ cũ đang sống lại: giả mạo dữ liệu sao cho nó cho các quan chức cấp cao cái họ muốn thấy. Hiện tượng này đang diễn ra ở tỉnh Chiết Giang, một trung tâm công nghiệp ở duyên hải phía đông, dưới dạng của sự sử dụng điện. Ít nhất ba thành phố ở đó đã giao các chỉ tiêu cho các nhà máy địa phương để đạt được sự tiêu thụ điện bởi vì họ sử dụng dữ liệu đó để cho thấy sự phục hồi sản xuất, theo những người quen với vấn đề. Việc đó đã thúc một số doanh nghiệp vận hành máy móc của họ ngay cả khi các nhà máy của họ vẫn trống không, người ta nói thế.1

Chúng ta cũng có thể đoán cái gì tiếp theo khi những người nắm quyền biết được sự đánh lừa này: các nhà quản lý địa phương sẽ bị lên án về sự phá hoại và bị trừng trị nghiêm khắc, như thế tái tạo vòng luẩn quẩn của sự ngờ vực. Cần đến một Julian Assange Trung quốc để vạch trần sự che giấu trong phản ứng của Trung Quốc đối với bệnh dịch cho công chúng. Nhưng nếu đấy không phải là chủ nghĩa Cộng sản mà tôi nghĩ đến, thì tôi muốn nói gì bằng chủ nghĩa Cộng sản? Để hiểu nó, ta chỉ cần đọc tuyên bố công khai của WHO. Đây là một tuyên bố gần đây:

Tổng giám đốc WHO Dr. Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói hôm thứ Năm rằng mặc dù các nhà chức trách y tế công khắp địa cầu có khả năng để chống lại thành công sự lây lan của virus, WHO lo rằng trong một số nước mức cam kết chính trị không xứng với mức đe doạ. “Đây không phải là một cuộc diễn tập. Đây không phải là lúc để bỏ cuộc. Đây không phải là lúc cho những sự biện minh. Đây là lúc cho việc làm hết sức mình. Các nước đã lập kế hoạch cho các kịch bản như thế này hàng thập niên rồi. Bây giờ là lúc để hành động theo những kế hoạch đó,” Tedros nói. “Bệnh dịch này có thể bị đẩy lui, nhưng chỉ với cách tiếp cận tập thể, được phối hợp, toàn diện mà thu hút toàn bộ bộ máy chính quyền.”2

Ta có thể nói thêm rằng một cách tiếp cận toàn diện như vậy phải vượt xa hơn bộ máy của các chính phủ đơn lẻ: nó phải bao hàm sự huy động nhân dân địa phương bên ngoài sự kiểm soát nhà nước cũng như sự phối hợp và cộng tác quốc tế mạnh và hiệu quả. Nếu hàng ngàn người phải nằm viện với các vấn đề hô hấp, sẽ cần đến số các máy trợ thở tăng lên rất nhiều, và để có được chúng, nhà nước phải can thiệp trực tiếp theo cùng cách như nó can thiệp trong điều kiện chiến tranh khi cần đến hàng ngàn khẩu pháo. Cũng phải tìm sự hợp tác với các nhà nước khác. Như trong một chiến dịch quân sự, thông tin phải được chia sẻ và các kế hoạch được phối hợp đầy đủ. Đấy là tất cả cái tôi có ý nói bằng “chủ nghĩa Cộng sản” cần đến ngày nay, hoặc, như Will Hutton diễn đạt:

Bây giờ, một hình thức của toàn cầu hoá thị trường tự do, không bị điều tiết với thiên hướng của nó cho các khủng hoảng và các đại dịch chắc chắn đang chết. Nhưng hình thức khác mà nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau và tính ưu việt của hoạt động tập thể dựa vào bằng chứng đang sinh ra.

Cái bây giờ vẫn chiếm ưu thế là lập trường “mỗi nước vì bản thân mình”:

có những sự cấm đoán quốc gia về việc xuất khẩu các sản phẩm then chốt như vật tư y tế, với các nước quay lại sự phân tích của riêng họ về khủng hoảng giữa những sự thiếu hụt cục bộ và những cách tiếp cận bừa bãi, thô thiển đến sự ngăn chặn.3

Đại dịch coronavirus không chỉ báo hiệu giới hạn của sự toàn cầu hoá thị trường, nó cũng báo hiệu hạn chế thậm chí còn chí tử hơn của chủ nghĩa dân tuý dân tộc chủ nghĩa mà khăng khăng về chủ quyền quốc gia đầy đủ: đã hết rồi với “Mỹ (hay bất cứ nước nào) trên hết!” vì nước Mỹ có thể được cứu chỉ qua sự phối hợp và cộng tác toàn cầu. Tôi không là một người utopian (không tưởng) ở đây, tôi không kêu gọi cho một sự đoàn kết được lý tưởng hoá giữa nhân dân—ngược lại, khủng hoảng hiện thời chứng tỏ rõ ràng sự đoàn kết và hợp tác toàn cầu là lợi ích sống sót của tất cả và mỗi chúng ta đến thế nào, chính là thứ ích kỷ duy lý duy nhất để làm như thế nào. Và không chỉ coronavirus: bản thân Trung Quốc bị cúm lợn cự kỳ lớn nhiều tháng trước, và bây giờ bị đe doạ bởi triển vọng của một sự lan tràn châu chấu. Và, như Owen Jones đã lưu ý,4 khủng hoảng khí hậu đang giết nhiều người quanh thế giới hơn coronavirus, nhưng không có sự hoảng loạn nào về việc này.

Từ một quan điểm vô liêm sỉ, sức sống chủ nghĩa (vitalist), người ta có thể bị cám dỗ để thấy coronavirus như một sự lây nhiễm có lợi mà cho phép loài người thoát khỏi những người già, yếu và bệnh tật, giống như nhổ đi cỏ thối rữa một nửa để cho những cây trẻ hơn, khoẻ hơn có thể phát triển, và như thế đóng góp cho sức khoẻ toàn cầu. Cách tiếp cận Cộng sản rộng mà tôi chủ trương là cách duy nhất cho chúng ta để bỏ lại đằng sau một lập trường thô thiển như vậy. Những dấu hiệu của việc cắt bớt sự đoàn kết vô điều kiện đang có thể thấy rõ rồi trong những cuộc tranh luận đang diễn ra, như trong sự lưu ý sau đây về vai trò của “ba người khôn ngoan” nếu bệnh dịch chuyển hướng thảm khốc hơn ở Vương quốc Anh:

Các bệnh nhân NHS (Dịch vụ Sức khoẻ Quốc gia) có thể bị từ chối sự chăm sóc cứu sống trong một đợt bùng phát coronavirus nghiêm trọng ở nước Anh nếu các đơn vị chăm sóc tăng cường (ICU) vật lộn để đương đầu, các bác sĩ cấp cao đã cảnh báo. Theo cái gọi là thủ tục “ba người khôn ngoan”, ba cố vấn cấp cao trong mỗi bệnh viện sẽ buộc phải đưa ra các quyết định về phân phối sự chăm sóc như các máy trợ thở và giường bệnh, trong sự kiện các bệnh viện bị đầy nghẹt bệnh nhân.”5

“Ba người khôn ngoan” sẽ dựa vào các tiêu chuẩn nào? Hy sinh những người yếu nhất và những người già nhất? Và tình hình này không mở ra không gian cho sự tham nhũng khổng lồ ư? Chẳng phải các thủ tục như vậy cho biết rằng chúng ta đang sẵn sàng để ban hành logic tàn bạo nhất về sự sống sót của kẻ thích hợp nhất (về mạnh được yếu thua)? Như thế, lần nữa, sự lựa chọn chúng ta đối mặt là: sự man rợ hay loại nào đó của chủ nghĩa Cộng sản được phát minh lại.

*Câu trả lời là chắc chắn. Tác giả mô tả hiện tượng tích trữ (hay kỳ vọng về tích trữ) gây ra thiếu hụt, một trong những hiện tượng phổ biến và rất quen thuộc mà trong kinh tế học (và xã hội học) được gọi là kỳ vọng tự thực hiện [self-fulfiling expectattion], nói cách khác là các hiện tượng nơi ý nghĩ, ý thức của những con người tham gia quyết định kết cục [chú thích của người dịch].

1 https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-03-01/China-s-push-to-jump-start-economy-revives-worries-of-fake-data.

2 https://edition.cnn.com/2020/03/06/asia/coronavirus-covid-19-update-who-intl-hnk/index.html.

3 https://www.theguardian.com/commentisfree/2020/mar/08/the-coronavirus-outbreak-shows-us-that-no-one-can-take-on-this-enemy-alone.

4 https://www.theguardian.com/commentisfree/2020/mar/05/governments-coronavirus-urgent-climate-crisis.

5 https://www.msn.com/en-gb/news/uknews/coronavirus-weakest-patients-could-be-denied-lifesaving-care-due-to-lack-of-funding-for-nhs-doctors-admit/ar-BB10raxq

8.

GIÁM SÁT VÀ TRỪNG TRỊ? VÂNG, LÀM ĐI!

Nhiều nhà bình luận khai phóng và Tả khuynh đã lưu ý đại dịch coronavirus được dùng như thế nào để biện minh và hợp pháp hoá các biện pháp kiểm soát và điều tiết người dân, những biện pháp mà cho đến nay là không thể tưởng tượng nổi trong một xã hội dân chủ Tây phương. Sự phong toả toàn bộ Italy chắc chắn là khát vọng điên rồ nhất của một nhà toàn trị đã trở thành sự thật. Không ngạc nhiên rằng, như sự thể hiện nay, Trung Quốc, với sự kiểm soát xã hội được số hoá rộng rãi, đã tỏ ra được trang bị tốt nhất để đối phó với một bệnh dịch tai hoạ. Điều này có ý nói rằng Trung Quốc là tương lai của chúng ta, chí ít trong một số khía cạnh, hay không?

Nhà triết học Italian Giorgio Agamben đã phản ứng với đại dịch coronavirus theo một cách hoàn toàn khác với đa số các nhà bình luận.1 Agamben đã phàn nàn về “các biện pháp khẩn cấp, điên cuồng, phi lý, và tuyệt đối vô căn cứ được chấp nhận cho một bệnh dịch được cho là” coronavirus mà chỉ là một biến thể khác của cúm, và đã hỏi: “vì sao các phương tiện truyền thông và các nhà chức trách lại làm hết sức của họ để tạo ra một bầu không khí hoảng loạn, như thế gây ra một tình trạng ngoại lệ, với những hạn chế nghiêm ngặt về đi lại và sự đình chỉ đời sống hàng ngày và các hoạt động làm việc cho toàn bộ các khu vực?”

Agamben thấy lý do chính cho việc này là “phản ứng không cân xứng” trong “khuynh hướng gia tăng để sử dụng trạng thái ngoại lệ như một mô thức (paradigm) cai trị bình thường.” Các biện pháp được áp đặt trong tình trạng khẩn cấp cho phép chính phủ hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do của chúng ta bằng sắc lệnh hành pháp:

Là rõ một cách rành rành rằng những sự hạn chế này là không cân xứng với mối đe doạ từ cái, theo NRC, là một dịch cúm bình thường, không khác nhiều với các dịch cúm tác động đến chúng ta mỗi năm. Chúng ta có thể nói rằng một khi chủ nghĩa khủng bố đã kiệt quệ như một sự biện minh cho các biện pháp đặc biệt, chuyện đặt ra một bệnh dịch có thể tạo ra một cớ lý tưởng cho việc mở rộng các biện pháp như vậy vượt quá bất kể hạn chế nào.” Lý do thứ hai là “trạng thái sợ hãi, mà trong những năm gần đây đã lan vào ý thức cá nhân và chuyển thành một sự cần thực tế cho các trạng thái hoảng loạn tập thể, mà bệnh dịch lại lần nữa cung cấp một cớ lý tưởng cho nó.

Agamben đang mô tả một khía cạnh quan trọng của sự hoạt động kiểm soát nhà nước trong bệnh dịch đang diễn ra, nhưng có những câu hỏi vẫn bỏ ngỏ: vì sao quyền lực nhà nước lại quan tâm đến việc thúc đẩy một sự hoảng loạn như vậy mà đi cùng với sự nghi ngờ vào quyền lực nhà nước (“họ bất lực, họ không làm đủ …”) và mà làm rối loạn sự tái tạo suôn sẻ của tư bản? Có thực là lợi ích của tư bản và quyền lực nhà nước để kích một khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhằm để đổi mới sự thống trị của nó hay không? Có phải có các dấu hiệu rõ ràng rằng bản thân quyền lực nhà nước, không chỉ những người bình thường, cũng ở trong sự hoảng loạn, biết là không có khả năng để kiểm soát tình hình—có phải các dấu hiệu này thực sự chỉ là một mưu kế?

Phản ứng của Agamben đúng là hình thức cực đoan của lập trường Tả khuynh phổ biến về hiểu “sự hoảng loạn được phóng đại” do virus gây ra lan truyền như một sự trộn lẫn của sự thực hiện kiểm soát xã hội kết hợp với các yếu tố của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trắng trợn, như khi Trump nhắc đến “virus Trung quốc.” Tuy vậy, sự diễn giải xã hội như vậy không làm cho thực tế của sự đe doạ biến mất. Thực tế này có ép buộc chúng ta để cắt bớt các quyền tự do của chúng ta trong thự tế không? Tất nhiên, những sự cách ly và các biện pháp tương tự hạn chế quyền tự do của chúng ta, và cần đến các nhà hoạt động mới đi theo Chelsea Manning, Julian Assange và Edward Snowden để vạch trần những sự lạm dụng có thể của họ. Nhưng mối đe doạ của sự lây nhiễm viral cũng đã làm tăng rất nhiều hình thức mới của sự đoàn kết địa phương, và nó đã hết sức làm rõ hơn sự cần cho việc kiểm soát bản thân quyền lực. Nhân dân là đúng để bắt quyền lực nhà nước có trách nhiệm: các vị có quyền lực, bây giờ các vị hãy chứng tỏ các vị có thể làm gì! Thách thức đối mặt châu Âu là để chứng minh rằng cái Trung Quốc đã làm có thể được làm theo một cách minh bạch và dân chủ hơn:

Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp mà Tây Âu và Hoa Kỳ chắc không dung thứ được, có lẽ gây hại cho chính họ. Nói toẹt ra, là một sai lầm để diễn giải một cách phản thân mọi hình thức phát hiện và mô hình hoá như “giám sát” và sự cai quản tích cực như “kiểm soát xã hội.” Chúng ta cần một từ vựng khác và có sắc thái hơn về can thiệp.2

Mọi thứ phụ thuộc vào “từ vựng có sắc thái hơn” này: các biện pháp do các bệnh dịch đòi hỏi không được quy giản một cách tự động về mô thức thông thường của sự giám sát và kiểm soát được các nhà tư tưởng như Foucault truyền bá. Cái ngày nay tôi sợ hơn các biện pháp được Trung Quốc và Italy áp dụng là, họ áp dụng các biện pháp này theo cách mà sẽ không hoạt động và ngăn chặn các bệnh dịch, và rằng các nhà chức trách sẽ thao túng và che giấu dữ liệu thật.

Cả Alt-Right [một phong trào dân tộc chủ nghĩa cực hữu nảy sinh từ những năm 2010] và cánh Tả giả [fake Left] từ chối để chấp nhận thực tế đầy đủ của bệnh dịch, mỗi bên pha loãng nó trong một sự thực hiện quy giản kiến tạo-xã hội (social-constructivist), tức là, tố cáo nó nhân danh ý nghĩa xã hội của nó. Trump và các đồng đảng của ông khăng khăng lặp đi lặp lại rằng bệnh dịch là một âm mưu của các đảng viên Dân chủ và Trung Quốc để khiến ông thua cuộc bầu cử, trong khi một số người bên Tả tố cáo các biện pháp do nhà nước và bộ máy y tế đề xuất như bị tính bài ngoại vấy bẩn và vì thế nhất quyết tiếp tục sự tương tác xã hội, được tượng trưng bởi việc vẫn bắt tay. Một thái độ như vậy không hiểu nghịch lý: không bắt tay và cách ly khi cần LÀ hình thức đoàn kết của ngày hôm nay.

Ai, tiếp tục, sẽ có đủ khả năng để tiếp tục bắt tay và ôm? Đó là số ít có đặc quyền. Cuốn sách Decameron của Boccaccio gồm những câu chuyện được kể bởi một nhóm gồm bảy phụ nữ trẻ và ba đàn ông trẻ trốn trong một villa tách biệt ngay bên ngoài Florence để tránh bệnh dịch hạch đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành phố. Elite tài chính sẽ rút lui vào các vùng tách biệt nơi họ sẽ tiêu khiển bằng việc kể những câu chuyện theo cách của Decameron, trong khi chúng ta, những người dân bình thường, sẽ phải sống với những con virus.

Cái tôi thấy đặc biệt gây khó chịu là cách, khi các phương tiện truyền thông và các định chế hùng mạnh khác của chúng ta tuyên bố sự đóng cửa hay huỷ bỏ nào đấy, như một quy tắc chúng thêm một hạn định thời gian cố định, thông báo với chúng ta, chẳng hạn, rằng “các trường học sẽ đóng cửa cho đến 4 tháng Tư.” Kỳ vọng lớn là, sau đỉnh điểm, mà sẽ đến nhanh, tình hình sẽ quay lại bình thường. Theo cách này, tôi đã được thông báo rồi rằng một hội thảo đại học mà tôi tham gia đã vừa bị hoãn sang tháng Chín. Cái bẫy là, cho dù đời sống cuối cùng có quay lại cái gì đó giống với sự bình thường, nó sẽ không cùng bình thường như cái chúng ta đã trải nghiệm trước sự bùng phát. Những thứ chúng ta đã quen dùng như phần của đời sống hàng ngày sẽ không còn được coi là nghiễm nhiên nữa, chúng ta sẽ phải học để sống một cuộc sống mong manh hơn nhiều với những sự đe doạ liên tục. Chúng ta sẽ phải thay đổi toàn bộ thái độ của chúng ta đối với đời sống, đối với sự tồn tại của chúng ta như các sinh vật giữa các dạng khác của sự sống. Nói cách khác, nếu chúng ta hiểu “triết lý” như tên cho sự định hướng cơ bản của chúng ta trong đời sống, chúng ta sẽ phải trải nghiệm một cuộc cách mạng triết lý thực sự.

Để làm rõ hơn điểm này, hãy để tôi trích một định nghĩa phổ biến: các virus là “bất kể tác nhân lây nhiễm đa dạng nào, thường có kích thước siêu vi, mà gồm acid nucleic, hoặc RNA hay DNA, bên trong một vỏ protein: chúng lây nhiễm các động vật, các thực vật, và các vi khuẩn và tái sinh chỉ bên trong các tế bào sống: các virus được xem như các đơn vị hoá chất vô-sinh hay đôi khi như các sinh vật sống.” Sự dao động này giữa sự sống và cái chết là cốt yếu: các virus chẳng sống cũng không chết theo nghĩa thông thường của các từ này, chúng là một loại xác chết-sống. Một virus là còn sống trong sự cố gắng của nó để sao chép, nhưng là một loại đời sống mức-zero, một tranh biếm hoạ sinh học không là bản năng-chết (death-drive) mà là sự sống ở mức ngu đần nhất của nó là sao chép và nhân bản. Tuy vậy, các virus không là dạng sơ đẳng của sự sống mà từ đó cái phức tạp hơn phát triển; chúng là thuần tuý ký sinh, chúng tự sao chép mình qua việc lây nhiễm các sinh vật phát triển hơn (khi một virus lây nhiễm chúng ta, những con người, chúng ta đơn giản được dùng như máy sao chép của nó). Chính sự trùng này của những sự đối lập—sơ đẳng và ký sinh— là sự bí ẩn của các virus: chúng là một trường hợp của cái Schelling gọi là “der nie aufhebbare Rest”: một phần tàn dư của hình thức thấp nhất của sự sống mà nổi lên như một sản phẩm của sự hỏng hóc của các cơ chế cao hơn của sự nhân bản và tiếp tục để ám ảnh (lây nhiễm) chúng, một phần tàn dư mà không thể có bao giờ được tích hợp lại vào thời khắc phụ của một mức cao hơn của sự sống.

Ở đây chúng ta bắt gặp cái Hegel gọi là sự phán xét tư biện, sự khẳng định về tính đồng nhất của cái cao nhất và cái thấp nhất. Thí dụ nổi tiếng nhất của Hegel là “Tinh thần là một bộ xương” từ phân tích của ông về khoa tướng số trong Hiện tượng học Tinh thần, và thí dụ của chúng ta phải là “Tinh thần là một virus.” Tư tưởng con người là một loại virus ký sinh trên động vật người, khai thác con người cho sự tự tái tạo của chính nó, và đôi khi đe doạ để tiêu diệt con người. Và, trong chừng mực mà phương tiện của tinh thần là ngôn ngữ, chúng ta không được quên rằng, ở mức sơ đẳng nhất của nó, ngôn ngữ cũng là cái gì đó cơ học, một vấn đề của các quy tắc chúng ta phải học và theo.

Richard Dawkins đã cho rằng các meme là “các virus tinh thần,” các thực thể ký sinh mà “chiếm” sức mạnh con người “làm thuộc địa”, sử dụng nó như một công cụ để nhân bản chính chúng—một ý tưởng mà người sáng tạo ra nó đã chẳng phải ai khác Leo Tolstoy. Tolstoy thường được cảm nhận như một tác giả ít lý thú hơn Dostoyevsky rất nhiều, một nhà thực tế lỗi thời, vô vọng, mà đối với ông về cơ bản không có chỗ nào trong tính hiện đại, ngược với nỗi thống khổ hiện sinh của Dostoyevsky. Tuy vậy, có lẽ đã đến lúc để phục hồi đầy đủ cho Tolstoy, lý thuyết độc đáo của ông về nghệ thuật và con người nói chung, trong đó chúng ta tìm thấy những tiếng vang của quan niệm về các meme của Dawkins. “Một người là một hominid (họ người) với một bộ óc bị nhiễm, là chủ nhà của hàng triệu vật cộng sinh văn hoá, và cái hỗ trợ chính trong số này là các hệ thống vật cộng sinh (symbiont) được biết đến như các ngôn ngữ”3—có phải đoạn này từ Dennett không thuần Tolstoy? Phạm trù cơ bản của nhân học của Tolstoy là sự lây nhiễm: một đối tượng con người là một phương tiện thụ động, trống rỗng, bị lây nhiễm bởi các yếu tố văn hoá đầy cảm động mà, giống các khuẩn que lây nhiễm, lan từ một cá nhân sang cá nhân khác. Và Tolstoy ở đây đi đến cuối: ông không phản đối một sự tự trị tinh thần thật sự đối với sự lan ra này của những sự lây nhiễm dễ xúc động; ông không đề xuất một tầm nhìn khoa trương về tự đào tạo mình thành một chủ thể đạo đức, tự trị, chín chắn bằng cách thoát khỏi các khuẩn que lây nhiễm. Cuộc đấu tranh duy nhất là cuộc đấu tranh giữa sự lây nhiễm tốt và sự lây nhiễm xấu: bản thân Đạo Kitô là một sự lây nhiễm, mặc dù—đối với Tolstoy—một sự lây nhiễm tốt.

Có lẽ đấy là thứ đáng lo ngại nhất chúng ta có thể học được từ các bệnh dịch viral đang diễn ra: khi tự nhiên tấn công chúng ta bằng các virus, đó là theo cách trả lại cho chúng ta thông điệp của chính chúng ta. Thông điệp là: cái các ngươi làm với ta, bây giờ ta làm với các ngươi.

1 http://positionswebsite.org/giorgio-agamben-the-state-of-exception-provoked-by-an-unmotivated-emergency/.

2 Benjamin Bratton, thư tín riêng.

3 Daniel C. Dennett, Freedom Evolves, New York: Viking, 2003, p. 173.

9.

SỰ DÃ MAN VỚI BỘ MẶT NGƯỜI CÓ LÀ SỐ PHẬN CỦA CHÚNG TA?

Những ngày này đôi khi tôi chợt thấy mình muốn nhiễm virus—theo cách này, chí ít sự không chắc chắn gây suy nhược sẽ chấm dứt. Một dấu hiệu rõ về sự lo lắng tăng lên của tôi là tôi liên quan thế nào với giấc ngủ. Cho đến một tuần trước tôi đã háo hức đợi sự kết thúc của buổi tối khi tôi có thể trốn vào giắc ngủ và quên những nỗi sợ hãi của đời sống hàng ngày. Bây giờ hầu như ngược lại: tôi sợ ngủ thiếp đi vì các cơn ác mộng ám ảnh tôi và tôi thấy mình tỉnh lại trong một sự hoảng loạn. Các cơn ác mộng là về thực tế đang đợi tôi.

Thực tế nào? (Tôi hàm ơn Alenka Zupančič cho những dòng suy nghĩ tiếp sau.) Những ngày này chúng ta thường nghe rằng cần những sự thay đổi xã hội triệt để nếu chúng ta muốn đối phó với những hệ quả của các bệnh dịch đang diễn ra. Như cuốn sách nhỏ này chứng thực, bản thân tôi là giữa những người truyền bá câu thần chú này. Nhưng những thay đổi triệt để đang xảy ra rồi. Đại dịch coronavirus đối mặt chúng ta với cái gì đó trước đây được nghĩ là không thể được: thế giới như chúng ta đã biết nó đã ngừng quay, toàn bộ các nước đang bị phong toả, nhiều người trong số chúng ta bị giam hãm trong nhà chúng ta đối mặt với một tương lai bất trắc trong đó, cho dù hầu hết chúng ta sống sót, chắc là có đại khủng hoảng kinh tế. Phản ứng của chúng ta với tất cả điều này, chúng ta phải làm gì, cũng sẽ là không thể—cái có vẻ là không thể làm được bên trong những sự phối hợp của trật tự thế giới hiện hành. Cái không thể đã xảy ra, thế giới của chúng ta đã ngừng, VÀ cái không thể là cái chúng ta phải làm để tránh cái tồi nhất, mà là—cái gì?

Tôi không nghĩ mối đe doạ lớn nhất là một sự quay ngược trở lại tình trạng dã man không che giấu, trở lại bạo lực sinh tồn chủ nghĩa (survivalist) tàn bạo với những sự mất trật tự công cộng, sự hành quyết hoảng loạn, vân vân (mặc dù, với sự sụp đổ của các dịch vụ y tế và một số dịch vụ công khác, điều này cũng có thể). Tôi sợ tình trạng dã man với một bộ mặt người—các biện pháp sinh tồn chủ nghĩa nhẫn tâm được thực hiện với sự hối tiếc và thậm chí sự thấu cảm, nhưng được hợp pháp hoá bởi các ý kiến chuyên gia—hơn là tình trạng dã man không che giấu. Một nhà quan sát cẩn trọng có thể dễ dàng để ý đến sự thay đổi giọng điệu của những người nắm quyền phát biểu với chúng ta như thế nào: họ không chỉ thử phóng chiếu sự bình tĩnh và sự tự tin, họ cũng thường xuyên bày tỏ những tiên đoán kinh khủng: dịch bệnh chắc cần khoảng hai năm để diễn ra và virus cuối cùng sẽ lây nhiễm 60 đến 70 phần trăm dân cư toàn cầu, với hàng triệu cái chết. Tóm lại, thông điệp thật của họ là, chúng ta sẽ phải cắt bớt nền tảng của luân lý học xã hội của chúng ta: sự chắm sóc người già và người đau yếu. Italy đã tuyên bố rồi rằng, nếu tình hình trở nên tồi hơn, những người trên 80 tuổi hay với các điều kiện có trước nghiêm trọng sẽ đơn giản bị để cho chết. Người ta phải lưu ý việc chấp nhận logic về “khôn sống mống chết” như vậy vi phạm như thế nào nguyên tắc cơ bản của đạo đức học quân sự, mà bảo chúng ta rằng, sau trận chiến, đầu tiên người ta phải chăm sóc cho những người bị thương nặng cho dù cơ hội cứu sống họ là tối thiểu. Để tránh sự hiểu lầm, tôi muốn khẳng định rằng tôi là một người hoàn toàn thực tế ở đây: ta phải chuẩn bị thuốc men để cho phép một cái chết không đau đớn cho những người bị bệnh nan y, để bớt cho họ sự đau đớn không cần thiết. Nhưng nguyên tắc đầu tiên của chúng ta là không được tiết kiệm mà là giúp đỡ vô điều kiện, bất chấp chi phí, cho những người cần sự giúp đỡ, để cho phép sự sống sót của họ.

Như thế tôi không đồng ý một cách lễ phép với Giorgio Agamben người thấy cuộc khủng hoảng đang diễn ra như một dấu hiệu rằng

… xã hội chúng ta không còn tin vào bất cứ thứ gì nữa trừ cuộc sống trần trụi. Là hiển nhiên rằng những người Italian sẵn sàng hy sinh hầu như mọi thứ—các điều kiện bình thường của đời sống, các mối quan hệ xã hội, công việc, thậm chí tình bạn, lòng yêu thương, và những tín điều tôn giáo và chính trị—cho mối nguy để bị bệnh. Cuộc sống trần trụi—và mối nguy mất nó—không phải là cái gì đó đoàn kết mọi người, mà làm mù và chia rẽ họ.”1

Tình hình là mập mờ hơn nhiều: nối đe doạ của cái chết cũng đoàn kết họ—để duy trì một khoảng cách thân thể là để cho thấy sự tôn trọng người khác vì tôi cũng có thể là một người mang virus. Các con trai tôi tránh tôi bởi vì chúng sợ chúng sẽ lây nhiễm cho tôi. Cái đối với chúng sẽ chắc là việc truyền một bệnh có thể chí tử đối với tôi. Nếu trong Chiến tranh Lạnh quy tắc sống sót đã là MAD (Mutually Assured Destruction – Sự Huỷ diệt Chắc chắn Lẫn nhau), bây giờ là một MAD khác—giữ khoảng cách chắc chắn lẫn nhau (mutually assured distance).

Trong những ngày này, chúng ta nghe lặp đi lặp lại rằng mỗi người trong chúng ta chịu trách nhiệm cá nhân và phải theo các quy tắc mới. Báo giới đầy những câu chuyện về những người cư xử bậy bạ và đặt bản thân họ và những người khác vào nguy hiểm, một người bị nhiễm bước vào một cửa hàng và ho vào mọi người, đại loại như thế. Vấn đề với việc này là cùng như nghề báo đối phó với khủng hoảng môi trường: các phương tiện truyền thông quá nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân của chúng ta đối với vấn đề, đòi rằng chúng ta chú ý hơn đến tái chế và các vấn đề hành vi khác. Sự tập trung như vậy đến trách nhiệm cá nhân, cần thiết ở mức độ nào đó, hoạt động như ý thức hệ vào lúc nó được dùng để làm rối tung các câu hỏi lớn hơn về làm thế nào để thay đổi toàn bộ hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta. Cuộc đấu tranh chống coronavirus chỉ có thể được chiến đấu cùng với cuộc đấu tranh chống lại sự bí ẩn hoá mang tính ý thức hệ, và như phần của cuộc đấu tranh sinh thái chung. Như Kate Jones diễn đạt, sự truyền bệnh từ động vật hoang dã sang con người là

… một chi phí bị che giấu của sự phát triển kinh tế. Chúng ta có đúng là nhiều người hơn trong mọi môi trường. Chúng ta đang vào những chỗ về cơ bản chưa bị xáo trộn và bị phơi ra ngày càng nhiều. Chúng ta đang tạo ra những môi trường sống nơi các virus được truyền dễ dàng hơn, và rồi chúng ta ngạc nhiên rằng chúng ta có những virus mới.2

Như thế là không đủ để ghép lại loại nào đó của chăm sóc sức khoẻ toàn cầu cho con người, tự nhiên trong toàn thể của nó phải được bao gồm. Các virus cũng tấn công các thực vật, mà. là phần chính của thực phẩm của chúng ta. Chúng ta phải liên tục nhớ đến bức tranh toàn cầu về thế giới trong đó chúng ta sống, với tất cả các nghịch lý việc này ngụ ý. Thí dụ, là tốt để biết rằng sự phong toả coronavirus ở Trung Quốc cứu nhiều cuộc sống hơn số người bị virus giết chết (nếu người ta tin vào số liệu thống kê chính thức):

Nhà kinh tế học nguồn lực môi trường Marshall Burke nói rằng có một liên kết được chứng minh giữa chất lượng không khí tồi và những sự chết sớm gắn với sự hít thở không khí đó. “Nhớ đến điều này,” ông nói, “một câu hỏi tự nhiên—dù phải thú nhận là câu hỏi lạ—rằng liệu những cuộc sống được cứu từ sự giảm ô nhiễm này do sự gián đoạn kinh tế do COVID-19 gây ra có vượt quá số người chết do bản thân virus gây ra hay không.” “Ngay cả dưới các giả thiết rất bảo thủ, tôi nghĩ câu trả lời là ‘có’ dứt khoát.” Tại mức giảm ô nhiễm chỉ hai tháng phong toả nó chắc đã cứu cuộc sống của 4.000 trẻ nhỏ dưới năm tuổi và 73.000 người lớn trên 70 tuổi ở một mình Trung Quốc.3

Chúng ta bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng ba lần: y tế (bản thân bệnh dịch), kinh tế (mà sẽ giáng mạnh dù kết cục bệnh dịch thế nào), và tâm lý. Những sự phối hợp cơ bản của đời sống hàng ngày của hàng triệu người đang tan rã, và sự thay đổi sẽ tác động đến mọi thứ, từ việc bay đi nghỉ lễ đến sự tiếp xúc thân thể đơn giản. Chúng ta phải học để nghĩ bên ngoài các sự phối hợp của thị trường chứng khoán và lợi nhuận và đơn giản tìm cách khác để tạo ra và phân bổ các nguồn lực cần thiết khác. Khi các nhà chức trách biết được rằng một công ty đang dự trữ hàng triệu khẩu trang, đợi đúng lúc để bán chúng, sẽ không có sự thương lượng nào với công ty đó, các khẩu trang đó phải đơn giản bị trưng dụng.

Các phương tiện truyền thông tường thuật rằng Trump đã chào 1 Tỷ $ cho công ty dược sinh học CureVac có cơ sở ở Tübingen để đảm bảo quyền tiếp cận đến vaccine chống coronavirus “chỉ cho Hoa Kỳ.” Bộ trưởng bộ y tế Đức, Jens Spahn, đã nói việc chính quyền Trump thâu tóm CureVac “không được xem xét”: CureVac sẽ chỉ phát triển vaccine “cho toàn bộ thế giới, không phải cho các nước riêng biệt.” Ở đây chúng ta có một trường hợp mẫu mực của cuộc đấu tranh giữa tư nhân hoá/sự dã man và chủ nghĩa tập thể /văn minh. Thế mà, đồng thời, Trump đã buộc phải viện dẫn đến Bộ luật Sản xuất Quốc phòng để cho phép chính phủ chỉ thị cho khu vực tư nhân để tăng nhanh sản xuất các vật tư y tế khẩn cấp:

Trump tuyên bố đề xuất tiếp quản khu vực tư nhân. Tổng thống Hoa Kỳ đã nói ông sẽ viện dẫn đến một quy định liên bang cho phép chính phủ huy động khu vực tư nhân trong sự đáp lại với bệnh dịch, hãng Associated Press tường thuật. Trump nói ông sẽ ký một sắc lệnh cho phép bản thân ông quyền để chỉ huy sản xuất công nghiệp trong nước “trong trường hợp cần thiết.”4

Khi gần đây tôi gợi ý rằng một cách ra khỏi cuộc khủng hoảng này là một dạng của “Chủ nghĩa cộng sản” tôi đã bị chế nhạo rộng rãi. Nhưng bây giờ chúng ta đọc, “Trump tuyên bố đề xuất để tiếp quản khu vực tư nhân.” Người ta liệu có thể thậm chí hình dung một đầu đề bài báo như vậy trước dịch bệnh? Và đấy chỉ là sự bắt đầu: sẽ cần đến nhiều biện pháp thuộc loại này hơn, cũng như sự tự-tổ chức cục bộ của các cộng đồng nếu các hệ thống chăm sóc sức khoẻ do chính phủ vận hành bị sụp đổ dưới quá nhiều áp lực. Là không đủ chỉ để cách ly và sống sót—để cho việc này là có thể, các dịch vụ công cơ bản sẽ phải tiếp tục hoạt động: điện và nước, thực phẩm và thuốc men sẽ phải tiếp tục sẵn có. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ cần một danh sách những người khỏi bệnh và, chí ít trong một thời gian, được miễn dịch sao cho họ có thể được huy động cho công việc công cộng khẩn cấp. Đấy không phải là một tầm nhìn Cộng sản không tưởng, nó là một Chủ nghĩa cộng sản bị những sự cần thiết của sự sống sót trần trụi áp đặt. Nó đáng tiếc là một phiên bản của cái được gọi ở Liên Xô trong năm 1918 là “Chủ nghĩa cộng sản thời chiến.”

Có những thứ tiến bộ mà chỉ một người bảo thủ với những chứng chỉ yêu nước cứng rắn có thể làm: chỉ de Gaulle mới đã có khả năng trao trả độc lập cho Algeria, chỉ Nixon mới đã có khả năng lập các quan hệ với Trung Quốc. Trong cả hai trường hợp, nếu một tổng thống tiến bộ đã thử làm các thứ này, ông sẽ bị buộc tội ngay lập tức về phản bội lợi ích quốc gia. Cùng thế bây giờ áp dụng cho việc Trump hạn chế quyền tự do của các doanh nghiệp tư nhân và buộc chúng sản xuất cái cần cho cuộc đấu tranh chống lại coronavirus: Nếu giả như Obama làm việc này, không nghi ngờ gì các nhà dân tuý cánh hữu sẽ nổi cơn thịnh nộ, cho rằng ông đã lợi dụng khủng hoảng sức khoẻ như một cái cớ để đưa Chủ nghĩa cộng sản vào Hoa Kỳ.

Như ngạn ngữ nói: trong một cuộc khủng hoảng tất cả chúng ta đều là những người Xã hội chủ nghĩa. Ngay cả Trump bây giờ đang xem xét một hình thức của Thu nhận Cơ bản Phổ quát (UBI-Universal Basic Income)—một tấm séc $1.000 cho mọi công dân trưởng thành. Hàng ngàn tỷ sẽ được tiêu, vi phạm mọi quy tắc thị trường quy ước. Nhưng vẫn còn không rõ việc này sẽ xảy ra như thế nào và ở đâu, và cho ai? Chủ nghĩa xã hội bị ép buộc này có sẽ là Chủ nghĩa xã hội cho những người giàu, như nó đã là với việc cứu vớt các ngân hàng trong năm 2008 trong khi hàng triệu người dân thường bị mất các khoản tiết kiệm nhỏ của họ? Bệnh dịch có sẽ bị quy giản thành một chương khác trong câu chuyện buồn và dài về cái Naomi Klein gọi là “chủ nghĩa tư bản tai hoạ,” hay sẽ là một trật tự thế giới mới, cân đối tốt hơn, dù có lẽ khiêm tốn hơn nổi lên từ nó?

Ngày nay tất cả mọi người đều đang nói rằng chúng ta sẽ phải thay đổi hệ thống xã hội và kinh tế của chúng ta. Nhưng, như Thomas Piketty đã lưu ý trong một bình luận gần đây trong tờ Nouvel Observateur, cái thực sự quan trọng là chúng ta thay đổi nó như thế nào, theo hướng nào, các biện pháp nào là cần thiết. Một sự thật tầm thường đang lưu truyền bây giờ là, vì bây giờ tất cả chúng ta đều cùng nhau trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải quên chính trị và chỉ làm việc nhất trí để cứu bản thân chúng ta. Quan niệm này là sai: bây giờ cần đến chính trị thật—các quyết định về đoàn kết là hết sức chính trị.

1 https://itself.blog/2020/03/17/giorgio-agamben-clarifications/.

2 https://www.theguardian.com/environment/2020/mar/18/tip-of-the-iceberg-is-our-destruction-of-nature-responsible-for-covid-19-aoe.

3 https://www.dailymail.co.uk/sciencetech/article-8121515/Global-air-pollution-levels-plummet-amid-coronavirus-pandemic.html.

4 https://www.theguardian.com/world/2020/mar/18/coronavirus-latest-at-a-glance-wednesday-2020.

Comments are closed.