Sự tiến hóa văn hóa (kỳ 10)

Ronald F. Inglehart

Nguyễn Quang A dịch

image7_thumb_thumb_thumb_thumb_thumb_thumb_thumb

10. SỰ ĐẾN CỦA XÃ HỘI TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Tổng quan

Các nước thu nhập-cao bây giờ đang bước vào giai đoạn Xã hội Trí tuệ Nhân tạo – một pha tiên tiến của xã hội tri thức, trong đó việc làm của hầu như bất kể ai có thể được tự động hóa. Trí tuệ nhân tạo có một tiềm năng khổng lồ để cải thiện sự thịnh vượng và sức khỏe của chúng ta nếu được sử dụng nhân danh xã hội như một toàn bộ. Nhưng nếu bỏ mặc cho các lực thị trường, nó mang lại một xã hội kẻ-thắng-ăn-cả trong đó hầu như toàn bộ lợi lộc thuộc về những người trên đỉnh.

Xã hội Trí tuệ Nhân tạo tạo ra các mức bất bình đẳng ngày càng cao vì hai lý do:

(1) Xã hội công nghiệp tạo ra các sản phẩm vật chất mà là đắt đỏ để sản xuất và phân phối, tạo ra các sản phẩm nghách (niches) cho một dải rộng sản phẩm trải từ rất rẻ đến rất đắt. Nhưng một khi bạn đã tạo ra một sản phẩm tri thức, tốn hầu như chẳng gì để sao và phân phối. Không có lý do nào để mua bất cứ thứ gì nhưng sản phẩm đỉnh, mà có khuynh hướng chiếm toàn bộ thị trường, tạo ra các lợi nhuận khổng lồ – nhưng chỉ cho sản phẩm đỉnh.

(2) Sự bất bình đẳng trở nên thậm chí cùng cực hơn với sự chuyển đổi sang Xã hội Trí tuệ Nhân tạo – một pha phát triển trong đó hầu như việc làm của bất kỳ ai có thể được thay thế bằng các chương trình máy tính, làm cho có thể để nén lực lượng lao động và chuyển lợi lộc kinh tế còn hẹp hơn tới những người trên đỉnh.

Tác động của Xã hội Trí tuệ Nhân tạo

Trong việc chế tác các đồ vật vật chất, có chỗ cho một dải rộng các sản phẩm – từ các xe hơi rất nhỏ tốn rất ít để sản xuất, đến các xe hơi cỡ trung, đến các xe lớn, đến các xe sang trọng cực đắt tiền. Một dải rộng các sản phẩm cạnh tranh về giá. Nhưng trong nền kinh tế tri thức, chi phí sản xuất tiến gần đến zero: một khi bạn đã tạo ra một phần mềm Microsoft, hầu như chẳng tốn gì để tạo ra và phân phối các bản sao thêm – mà có nghĩa rằng không có lý do nào để mua bất cứ thứ gì trừ Microsoft. Trong nền kinh tế kẻ-thắng-ăn-cả này, Bill Gates đã trở thành một tỷ phú trước khi ông 40 tuổi, và Mark Zuckerberg đã trở thành một tỷ phú trước khi ông 30 tuổi. Các phần thưởng cho những người trên đỉnh là khổng lồ – nhưng chúng phần lớn hạn chế cho những người trên đỉnh.

Xu hướng này bị làm cho trầm trọng thêm bởi sự thực rằng trong Xã hội Trí tuệ Nhân tạo, việc làm của hầu như bất kể ai có thể được tự động hóa. Trong các giai đoạn đầu của xã hội tri thức, có cầu tăng lên cho những người với các mức giáo dục và kỹ năng cao và họ có thể kiếm được các việc làm an toàn, lương cao. Nhưng sự chuyển đổi sang Xã hội Trí tuệ Nhân tạo làm thay đổi điều này: các máy tính bắt đầu thay thế ngay cả các nhà chuyên môn có giáo dục cao. Nếu bỏ mặc cho các lực lượng thị trường, các việc làm an toàn lương cao sẽ tiếp tục biến mất – thậm chí cho những người có giáo dục cao. Trong Xã hội Trí tuệ Nhân tạo, mâu thuẫn kinh tế chính không còn là giữa một giai cấp lao động và một giai cấp trung lưu nữa, mà là giữa một phần trăm trên đỉnh và 99 phần trăm còn lại, như Stiglitz diễn đạt.1

Trong 50 năm qua thu nhập thực tế và sự an toàn tồn tại của những người ít-giáo dục của các xã hội thu nhập-cao đã giảm xuống. Năm mươi năm trước, nhà sử dụng lao động lớn nhất Hoa Kỳ đã là General Motors, nơi các công nhân đã kiếm được một thu nhập tương đương 50$ một giờ theo dollar 2016. Ngày nay, nhà sử dụng lao động lớn nhất – Walmart – trả khoảng 8$ một giờ. Gần đây hơn, trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu làm xói mòn địa vị kinh tế của các tầng lớp có giáo dục hơn, với các chương tình máy tính tiếp quản việc làm của những người có giáo dục đại học và những người với các bằng đại học. Ban đầu, xã hội tri thức đã mang lại cho họ các cơ hội lớn hơn và các tiêu chuẩn sống tăng lên nhưng như Hình 10.1 cho thấy, điều này không còn đúng nữa. Từ 1991 đến 2015, thu nhập thực tế trung vị ở Hoa Kỳ đã phẳng ngang toàn bộ phổ giáo dục. Điều này áp dụng với những người tốt nghiệp đại học, những người có bằng Tiến sĩ, và với các luật sư, các bác sĩ và những người khác với các bằng cấp chuyên sâu. Thu nhập thực tế trung vị của ngay cả các nhóm có học cao này đã trì trệ kể từ năm 1991 – và thực sự đã giảm kể từ 1999. Hình này cho thấy các thu nhập trung vị của đàn ông và phụ nữ được kết hợp. Điều này che dấu sự thực rằng, trong khi thu nhập thực tế của phụ nữ đã tăng lên, thu nhập thực tế của đàn ông đã sụt giảm nhiều hơn mức đủ để bù cho nó – đóng góp cho sự thực rằng đàn ông chắc có khả năng hơn phụ nữ rất nhiều để ủng hộ những kẻ dân túy bài ngoại như Trump.

clip_image001

Hình 10.1 Thu nhập thực tế trung vị của những người Mỹ làm thuê bằng dollar 2013, theo mức giáo dục, 1991–2015.

Nguồn: United Census Bureau (sẵn có tại www.census.gov/data/tables/timeseries/demo/income-sự nghèo/historical-income-people.html).

Thu nhập cho mỗi năm là trung bình của thu nhập trung vị nam và nữ.

Những người có giáo dục cao vẫn kiếm được lương cao hơn những người ít giáo dục một cách đáng kể, nhưng kể từ 1991, thu thập thực tế của không chỉ những người ít giáo dục, mà cả của những người có giáo dục cao đã đình trệ ở Hoa Kỳ. Vấn đề không phải là thiếu sự tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng lên đáng kể kể từ 1991. Như thế tiền đã đi đâu? Đến elite của giới elite, như các Tổng Giám đốc Điều hành (CEO) của các công ty lớn nhất nước. Trong một thời kỳ trong đó thu thập thực tế của các chuyên gia có giáo dục cao kể cả các bác sĩ, các luật sư, các nhà khoa học, các giáo sư đại học, các nhà báo và các kỹ sư đã phẳng, thu thập thực tế của các CEO đã tăng lên rất nhiều. Trong năm 1965, CEO trung bình tại 350 công ty lớn nhất của Hoa Kỳ đã được trả 20 lần nhiều hơn công nhân trung bình của công ty; trong năm 1989, họ được trả 58 lần nhiều hơn; và trong năm 2012 các CEO được trả 354 lần nhiều hơn công nhân trung bình.2 Việc này đã làm tăng vô cùng sự cách biệt không phản ánh thành tích CEO được cải thiện: sự tăng trưởng kinh tế đã cao trong các năm 1960 hơn nó là ngày nay. Các CEO không hữu hiệu 17 lần như họ đã là trong năm 1965. Thay vào đó, chúng ta đang sống trong một thế giới nơi những người đã dẫn General Motors vào sự phá sản đã có thể về hưu với các khoản tiền thưởng khổng lồ, trong khi các công nhân mất việc làm và các lợi ích của họ.

Trong năm 1860, hầu hết lực lượng lao động Hoa Kỳ được sử dụng trong ngành nông nghiệp. Vào năm 1950, hầu hết việc làm trong khu vực nông nghiệp đã biến mất nhưng việc này đã không mang lại sự thất nghiệp và sự nghèo phổ biến bởi vì đã có một sự lên to lớn về công ăn việc làm công nghiệp. Nhưng vào năm 2017, tự động hóa và thuê ngoài (outsourcing) đã làm giảm hàng ngũ của các công nhân công nghiệp xuống ít hơn 9 phần trăm của lực lượng lao động. Sự mất việc làm công nghiệp đã được bù bởi một sự lên đầy kịch tính về việc làm dịch vụ, mà bây giờ sử dụng hầu hết lực lượng lao động Hoa Kỳ.

Một phần của khu vực dịch vụ là khu vực công nghệ-cao, gồm những người được sử dụng trong các dịch vụ thông tin, chuyên nghiệp, khoa học và kỹ thuật, và các ngành tài chính và bảo hiểm. Thường được cho rằng khu vực high-tech (công nghệ-cao) sẽ tạo ra số lớn các việc làm lương cao. Nhưng – ngạc nhiên như có thể có vẻ – việc làm high-tech không tăng lên. Như Hình 10.2 cho thấy, phần của khu vực high-tech trong tổng việc làm ở Hoa Kỳ đã phẳng kể từ khi các số liệu thống kê đầu tiên trở nên sẵn có khoảng ba thập niên trước. Như Hình A5.2 trong phụ lục cho biết, điều này cũng đúng về việc làm high-tech trong các nước khác từ đó dữ liệu là sẵn có, kể cả Canada, Đức, Pháp, Thụy Điển và Vương quốc Anh. Không giống sự chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, Xã hội Trí tuệ Nhân tạo không tạo ra số lớn các việc làm an toàn, lương cao. Thí dụ, vào đỉnh việc làm trong năm 1979, một mình General Motors đã sử dụng gần 840.000 công nhân và đã kiếm được khoảng 11 tỷ $ theo dollar 2010. Ngược lại, trong năm 2010 Google đã tạo ra lợi nhuận gần 14 tỷ $ trong khi sử dụng chỉ 38.000 người – ít hơn một phần hai mươi như General Motors một thời đã sử dụng.3 Trong năm 2005, YouTube được ba người thành lập. Hai năm sau, vẫn sử dụng chỉ 65 người, nó đã được Google mua với giá 1,65 tỷ $. Các công ty dựa vào trí tuệ nhân tạo có thể độc quyền các thị trường phục vụ hàng triệu người, tạo ra những lợi nhuận khổng lồ với tương đối ít nhân viên. Vì trí tuệ nhân tạo là giống một vòng hoàn chỉnh (con rắn tự nuốt mình – self-devouring snake): nó trở nên tốt hơn và tốt hơn để làm bất cứ những gì mà con người có thể làm – kể cả việc viết các chương tình máy tính.

clip_image002

Hình 10.2 Tỷ lệ phần trăm của lực lượng lao động Hoa Kỳ được sử dụng trong nông nghiệp và công nghiệp, 1860–2012, trong khu vực dịch vụ, 1900–2012 và khu vực công nghệ cao kể từ 1986 (dữ liệu không sẵn có cho khu vực dịch vụ trước năm 1900 và cho khu vực công nghệ cao trước năm 1986).

Nguồn: Federal Reserve Bank of St. Louis, 2014; Hadlock, 1991; Hecker, 1999; Hecker, 2005; Kutscher and Mark, 1983; Lebergott, 1966; National Science Board, 2012; National Science Board, 2014; Powell and Snellman, 2004; United State Bureau of Labor Statistics, 2013; United State Bureau of Labor Statistics, 2014; United State Bureau of the Census, 1977.

Số công nhân công nghiệp đã giảm đột ngột rồi, làm yếu cơ sở bầu cử của các đảng chính trị định hướng lao động mà một thời đã có khả năng thực hiện nhà nước phúc lợi. Tự động hóa và outsourcing từ lâu đã làm xói mòn vị thế mặc cả của các công nhân công nghiệp – và với sự lên của nền kinh tế trí tuệ nhân tạo, toàn bộ lực lượng lao động con người đang mất sức mạnh mặc cả của nó. Cho đến gần đây, luật được xem là một nghề an toàn. Các hãng luật đã thường thuê số đông các luật sư mới ra lò những người được đưa vào công việc sàng lọc hàng ngàn trang tài liệu để xác định các sự kiện cơ bản của một vụ kiện. Ngày nay các máy tính có thể tiến hành quá trình khám phá này nhanh hơn, rẻ hơn và chính xác hơn các luật sư rất nhiều. Một bằng luật một thời đã có nghĩa là một lương cao và rủi ro thất nhiệp thấp. Trong những năm gần đây, 40 phần trăm những người tốt nghiệp từ trường luật ở Hoa Kỳ đã không kiếm được các việc làm đòi hỏi bằng cấp luật. Nhiều luật sư trẻ không có việc làm hay nửa thất nghiệp, làm cho sự tuyển vào trường luật sụt 30 phần trăm từ 2010 đến 2015.

Nghề y khấm khá hơn bởi vì các xã hội đã phát triển có dân cư già đi, tạo ra cầu tăng lên cho chăm sóc y tế. Nhưng phần lớn bác sĩ bây giờ làm thuê cho các công ty lớn mà có thể ra điều kiện làm việc và quyết định lương của họ. Sức mạnh mặc cả của các bác sĩ bị làm xói mòn thêm bởi outsourcing. Khi bạn nhận được một bản X-quang ở Hoa Kỳ chắc có khả năng là nó được chuyển sang Ấn Độ, nơi nó được diễn giải bởi một bác sĩ được trả lương bằng một phần nhỏ lương của một bác sĩ Mỹ. Nhưng đấy chỉ là giai đoạn đầu của sự ép. Các trí năng (intellect) tổng hợp đang được phát triển mà học một cách độc lập và có thể làm các chẩn đoán y học dựa vào hàng triệu ca một cách chính xác hơn và nhanh hơn các bác sĩ – và rẻ hơn rất nhiều. Chúng đang bắt đầu thay thế các bác sĩ X-quang Ấn Độ. Các việc làm thuê ngoài (outsourcing) cho các nước khác là một hiện tượng tạm thời, không phải là vấn đề dài hạn. Sự chuyển giao việc làm từ con người sang trí tuệ nhân tạo là một thách thức dài hạn nghiêm trọng hơn.

Nghề báo in đang biến mất – nhường đường cho các nguồn tin tức internet trên đó là khó để phân biệt tin giả với tin thật, làm yếu một công cụ bảo vệ dân chủ cốt yếu. Và tính liêm chính trí tuệ của đời sống hàn lâm đang bị xói mòn. Năm mươi năm trước, khi người ta đi dạy học ở mức đại học, họ được cho là cuối cùng sẽ được vào biên chế (tenure) và được tự do để nghiên cứu bất cứ đề tài nào họ quan tâm. Trong năm 1970, hầu hết việc dạy mức đại học ở Hoa Kỳ được thực hiện bởi những người với các việc làm trong biên chế. Trong vài thập niên qua, tỷ lệ phần trăm của các giáo viên đại học với việc làm toàn-thời gian trong biên chế đã giảm từ 45 phần trăm xuống 25 phần trăm.4 Các hiệu trưởng đại học đang hành xử một cách chính xác giống các CEO khác, phế bỏ các việc làm an toàn và thay thế chúng bằng các giảng viên phụ giảng và bán-thời gian với lương thấp và việc làm bấp bênh. Hầu hết các giáo viên đại học bây giờ dành sự nghiệp của họ tìm kiếm một việc làm tạm thời sau một việc làm tạm thời khác.

Và bản thân các chương tình máy tính đang ngày càng được soạn bởi các chương tình máy tính – một lý do chính vì sao số việc làm trong khu vực công nghệ-cao không tăng lên.

Việc xây dựng các bức tường và việc từ chối visa sẽ không làm dừng quá trình này. Mặc dù các chính trị gia và các cử tri đổ lỗi cho thương mại toàn cầu và offshoring (việc chuyển sản xuất ra nước ngoài) gây ra các khó khăn kinh tế của nước họ, giữa 2000 và 2010 chỉ 13 phần trăm của các việc làm chế tác Mỹ bị mất do thương mại, còn hơn 85 phần trăm đã bị loại bỏ do sự tăng năng suất từ các tiến bộ công nghệ.5 Tự động hóa loại bỏ nhiều việc làm hơn thương mại quốc tế rất nhiều, vì các máy tính là thậm chí ít tốn kém hơn hầu hết những người được trả công tồi. Các máy tính sẽ làm việc rất nhanh và chính xác 24 giờ một ngày mà không đòi lương, lương hưu hay các trợ cấp sức khỏe – và chi phí của chúng đang giảm nhanh.

Trí tuệ nhân tạo có hứa hẹn lớn. Được khai thác thích hợp, nó có thể làm cho cuộc sống an toàn hơn, dài hơn và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Nhưng nó đang nhanh chóng thay thế số lớn việc làm – kể cả các việc làm giai cấp trung lưu có kỹ năng cao.6 Nếu điều này là đúng, vì sao chúng ta không thấy nạn thất nghiệp phổ biến? Nhìn bề ngoài, nền kinh tế Hoa Kỳ có vè đang phát đạt. Trong năm 2016 nền kinh tế đã tăng trưởng, thị trường chứng khoán đạt đỉnh cao kỷ lục và thất nghiệp có vẻ thấp. Theo các tiêu chuẩn bình thường, cuộc bầu cử Tổng thống 2016 phải mang lại một sự bỏ phiếu tín nhiệm vang dội cho đảng đương quyền. Thay vào đó, đã có các cuộc nổi dậy lớn chống lại ban lãnh đạo của cả hai đảng lớn. Vì sao?

Một lý do vì sao trí tuệ nhân tạo có vẻ không tạo ra nạn thất nghiệp là bởi vì các triển vọng việc làm ảm đạm đã khiến số đông người từ bỏ lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp dân sự trong tháng Mười hai 2016 đã xuống 4,7 phần trăm, mà có vẻ như sự toàn dụng lao động. Nhưng việc này không tính đến số người rời bỏ lực lượng lao động – và tỷ lệ làm việc (work rate) người lớn ở Mỹ đã ở mức thấp nhất của nó trong hơn 30 năm. Từ 1970 đến 2016, tỷ lệ việc làm-trên-dân cư cho những người đàn ông và đàn bà dân sự Mỹ tuổi 20 và già hơn đã rớt từ 64,6 xuống 59,7.7 Sự giảm mạnh về tỷ lệ làm việc cho những người Mỹ trưởng thành giữa 2008 và 2010 đã khoảng hai lần lớn như sự giảm được trải nghiệm trong suy thoái tồi tệ nhất sau chiến tranh trước đó. Trong năm 2017, cho mỗi người Mỹ thất nghiệp giữa tuổi 25 và 55, đã có ba người khác hoặc không làm việc cũng chẳng tìm việc. Các tỷ lệ làm việc cho phụ nữ đã tăng lên đều đặn kể từ Chiến tranh Thế giới II – cho đến năm 2000. Kể từ đó, chúng cũng đã giảm.8

Một cuốn sách gây ấn tượng của Martin Ford cung cấp một giải thích chi tiết về trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh thế nào khả năng để thay thế hầu như bất kể việc làm nào; ông đưa ra lý lẽ mạnh mẽ cho việc thiết lập một thu nhập cơ bản phổ quát (universal basic income).9 Việc này là tốt hơn không làm gì cả nhưng nó không là giải pháp tối ưu.

Việc trở thành người thất nghiệp hay một người rời bỏ lực lượng-lao động (labor-force dropout) không phải là một kinh nghiệm vui vẻ. Những người đàn ông tuổi sung sức bị ra khỏi lực lượng lao động tường trình các mức rất thấp về sự an-lạc xúc cảm (emotional well-being) và tìm thấy ít ý nghĩa từ các hoạt động hàng ngày của họ.10 Bị rời bỏ lực lượng-lao động thậm chí có thể dẫn đến cái chết sớm. Từ 1999 đến 2013, các tỷ lệ chết Hoa Kỳ đã tăng lên một chút cho tất cả những người đàn ông và đàn bà da trắng không-Hispanic 45–54 tuổi – nhưng chúng đã tăng mạnh cho những người với bằng trung học hay ít hơn, và cho nhóm ít-giáo dục này, hầu hết sự tăng về tỷ lệ chết được giải thích bởi các vụ tự tử, xơ gan và dùng thuốc quá liều.11 Một nghiên cứu 2016 xem xét bệnh nghiện (thuốc giảm đau) opioid ở Mỹ chứng minh rằng gần một nửa tất cả những người đàn ông thuộc độ tuổi-lao động rời bỏ lực lượng-lao động – bây giờ gồm khoảng 7 triệu đàn ông – hiện đang uống thuốc giảm đau gây nghiện hàng ngày.12 Họ đang chết, không phải vì đói mà vì sống cuộc sống vô nghĩa. Trong năm 2016 những cái chết vì dùng thuốc quá liều ở Mỹ đã tăng lên hầu như mười lần mức năm 1980. Chúng bây giờ là nguyên nhân chết hàng đầu giữa những người Mỹ dưới 50 tuổi.13 Đấy là một lý do vì sao việc đơn giản cung cấp một thu nhập cơ bản phổ quát không phải là một giải pháp thỏa đáng. Các tỷ lệ chết tăng lên của những người rời bỏ lực lượng-lao động đã giúp hạ tuổi thọ kỳ vọng (life expectancy) tổng thể của đất nước. Trong tháng Mười Hai 2016, Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) đã báo cáo rằng lần đầu tiên trong hàng thập kỷ, ước lượng tuổi thọ khi sinh cho dân cư Mỹ như một toàn thể đã sụt một chút.14

Trí tuệ nhân tạo đang khoét rỗng nền kinh tế – thay thế các việc làm an toàn, lương cao bằng các việc làm không chắc chắn, được trả lương tồi. Thoạt tiên, các công nhân công nghiệp với các nghiệp đoàn mạnh đã bị thay thế bởi các công nhân không tham gia công đoàn với sức mặc cả yếu và an ninh việc làm; bây giờ, các luật sư được thay bằng các máy tính và các giáo sư trong biên chế được thay thế bởi các giáo viên bán-thời gian được trả công tồi. Hình 10.3 minh họa quá trình này, so sánh những thay đổi về cấu trúc lực lượng lao động Hoa Kỳ từ 1979 đến 1999, với những thay đổi xảy ra từ 1999 đến 2012.

Từ 1979 đến 1999, mức-kỹ năng tổng thể của lực lượng lao động đã vẫn tăng lên, khi các việc làm được trả lương tồi được thay thế bằng các việc làm trả lương cao đòi hỏi các mức kỹ năng cao hơn – tiếp tục một xu hướng lâu dài trong đó mỗi thế hệ kỳ vọng làm tốt hơn cha mẹ của họ. Sau 1999, một sự khoét rỗng nền kinh tế đã bắt đầu. Từ 1999 đến 2012, tỷ lệ của việc làm giai cấp trung lưu đã giảm sút và đã có một sự tăng lên ồ ạt về các việc làm được trả lương tồi và không an toàn. Sự tăng lên của các việc làm kỹ năng cao, lương cao đã là bé tẹo so với sự tăng lên trước đó. Một báo cáo tháng Mười Hai 2016 đã tính rằng cơ hội của một người 30-tuổi kiếm được nhiều hơn cha mẹ mình vào cùng tuổi bây giờ chỉ là 51 phần trăm – giảm từ 86 phần trăm 40 năm trước.15 Cơ hội để làm tốt hơn cha mẹ mình đã rớt xuống khoảng 50:50 và đang giảm mạnh.

clip_image004

Hình 10.3 Những thay đổi về cấu trúc lực lượng lao động Mỹ: 1979–1999 vs. 1999–2012.

Nguồn: Dự vào dữ liệu trong McAfee, 2017 và Autor and Dorn, 2013.

Trong thế kỷ thứ hai mươi mốt, nhiều luật sư đã không có khả năng kiếm được việc làm đòi hỏi bằng cấp luật sư. Phần lớn trong số họ đã không trở thành người thất nghiệp, nhưng đã nhận việc làm dưới mức kỳ vọng của họ. Tương tự, bởi vì các sự cắt giảm rộng khắp về chi tiêu chính phủ, nhiều bác sĩ đã không có khả năng thực tập và do đó đã không thể hành nghề như các bác sĩ – bất chấp sự thiếu hụt bác sĩ. Phần lớn trong số họ đã không trở thành người thất nghiệp, nhưng họ đã làm việc ở mức dưới kỳ vọng của họ rất nhiều. Bề ngoài, nền kinh tế có vẻ làm tốt, nhưng lực lượng lao động đã không. Hình mẫu này không là độc nhất của Hoa Kỳ. Từ 1993 đến 2010, 16 nước Tây Âu thu nhập-cao cũng trải nghiệm sự khoét rỗng nền kinh tế của họ, mất số lớn việc làm giai cấp trung lưu.16

Xu hướng này sẽ có tiếp tục? Tương lai vốn dĩ không thể tiên đoán được, nhưng các lực lượng thị trường tạo ra một khuyến khích mạnh mẽ cho nó để làm vậy. Từ một quan điểm của các CEO, việc thay thế lực lượng lao động bằng các công nhân không được tổ chức, những người nước ngoài được trả công tồi hay các robot tối đa hóa lợi nhuận của công ty của họ và củng cố vị thế của nó chống lại các đối thủ cạnh tranh. Lý tưởng nhất, người ta sẽ hoàn toàn không cần đến lực lượng lao động. Nếu mọi công ty đều làm vậy, đất nước sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu hơn cuộc suy thoái của các năm 1930 rất nhiều – nhưng từ quan điểm của mỗi công ty, vệc nén lực lượng lao động theo cách này là hầu như không thể cưỡng nổi và nó là chiến lược thịnh hành.

Các vấn đề này là có thể giải quyết được. Các xã hội thu nhập-cao không trở nên nghèo hơn. Chúng đang trở nên có năng suất hơn. Nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng đáng kể từ 1970. Sự giàu có tăng lên và lương trên đỉnh vút lên. Cái đã thay đổi là mối quan hệ giữa sức mạnh mặc cả của những người kiểm soát các công ty, và sức mạnh mặc cả của của các nhân viên của nó. Ngay cả những người lao động có giáo dục cao không còn tiến tới nữa, với lợi lộc từ GDP tăng lên thuộc hầu như toàn bộ về một tầng lớp mỏng của các nhà tài chính, các nhà khởi nghiệp và các nhà quản lý chóp bu. Khi trí tuệ nhân tạo thay thế con người, các lực lượng thị trường không được điều tiết tạo ra một tình huống trong đó một thiểu số bé tẹo kiểm soát nền kinh tế, còn đa số có các việc làm bấp bênh, phục vụ họ như những người làm vườn, những người hầu bàn, các vú em và những người cắt tóc – một tương lai được báo trước bởi cấu trúc xã hội của Silicon Valley [Thung lũng Silicon] ngày nay.

Mâu thuẫn chính trị then chốt ngày nay không còn là giữa giai cấp lao động và giai cấp trung lưu nữa. Nó là xung đột giữa 1 phần trăm và 99 phần trăm. Cho đến khi một liên minh chính trị mới đại diện cho các lợi ích của 99 phần trăm – kể cả của những người da trắng ít-giáo dục – nổi lên thì nền kinh tế tiếp tục bị khoét rỗng và sự an toàn tồn tại của hầu hết người dân sẽ tiếp tục giảm.

Sự can thiệp chính phủ là cách khả thi duy nhất để khắc phục sự tập trung tăng lên của thu nhập ở trên đỉnh trong các xã hội tiên tiến về công nghệ. Một thu nhập cơ bản phổ quát có các hạn chế kinh tế và tâm lý nghiêm trọng. Một giải pháp hiệu quả hơn là chính phủ tạo ra các việc làm đưa người dân đến công việc làm những thứ hữu ích cải thiện chất lượng cuộc sống của xã hội và cho người dân một cảm giác về mục đích và lòng tự trọng. Trong thời đại New Deal [Cải cách với các chương trình đầu tư công vào hạ tầng cơ sở vật chất và xã hội từ 1933 đến 1936] ở Hoa Kỳ, các chương trình do chính phủ-tài trợ đã xây dựng các đường cao tốc và các trạm bưu điện, đã bảo vệ môi trường và đóng góp cho giáo dục và đời sống văn hóa. Ngày nay, người dân có sức tưởng tượng và khả năng để thiết kế các chương trình hiệu quả yêu cầu con người như họ đã là khi đó – nhưng họ vẫn chưa được tổ chức để làm vậy.

Cần một Liên minh Chính trị Mới

Có các dấu hiệu rằng 99 phần trăm đang trở nên ngày càng bất mãn. Về mặt lịch sử, việc là một người xã hội chủ nghĩa đã là chí tử cho một sự nghiệp trong chính trị Mỹ. Nhưng trong các cuộc bầu cử sơ bộ Tổng thống Mỹ 2016, Hillary Clinton, bất chấp được giới quyền uy Đảng Dân chủ ủng hộ, đã thua một số cuộc bầu cử sơ bộ đối với Bernie Sanders, một người tương đối chưa được biết đến mà đã công khai nhận là một người xã hội chủ nghĩa – trong một nước nổi tiếng vì ghét chủ nghĩa xã hội. Có nhận thức tăng lên giữa các cử tri trẻ hơn rằng chúng ta cần thay đổi hệ thống chính trị của chúng ta. Nếu giả như chỉ những người dưới 35 tuổi có thể bỏ phiếu, Sanders có lẽ đã giành được chức Tổng thống. Đã cũng có một cuộc nổi loạn công khai bên trong Đảng Cộng hòa, với Donald Trump giành được sự đề cử bất chấp bị hầu như tất cả các lãnh đạo chóp bu của đảng chối bỏ. Có một cảm giác phổ biến rằng chẳng đảng nào trong hai đảng lớn đại diện hữu hiệu cho các lợi ích của hầu hết người dân cả – và nó có cơ sở vững chắc. Nền kinh tế Mỹ đang bị khoét rỗng và sự an toàn việc làm đang tàn đi.

Trong năm 2012, khoảng cách giữa một phần trăm giàu nhất và 99 phần trăm còn lại ở Hoa Kỳ là rộng nhất kể từ các năm 1920.17 Trong dài hạn, sự bất bình đẳng kinh tế tăng lên chắc có khả năng đem lại một sự sống lại của sự ủng hộ quần chúng cho sự can thiệp chính phủ – nhưng bây giờ, nó bị kìm hãm bởi các vấn đề văn hóa nóng bỏng như nhập cư và hôn nhân đồng giới mà cho phép các chính trị gia bảo thủ giành được sự ủng hộ của các cử tri thu nhập-thấp.

Chính trị hữu hiệu luôn luôn là một hành động cân bằng khó khăn. Bạn có thể nhận được quá nhiều sự can thiệp chính phủ và bạn có thể nhận được quá ít. Ngày nay, sự ổn định chính trị và sức khỏe kinh tế của các xã hội thu nhập-cao đòi hỏi sự nhấn mạnh lớn hơn đến các chính sách tái phân phối mà đã hoạt động trong phần lớn thế kỷ thứ hai mươi. Cơ sở xã hội của liên minh New Deal và các chương trình tương ứng Âu châu của nó đã biến mất, nhưng các lợi ích xung đột nhau của 99 phần trăm và một phần trăm thống trị đã tạo ra tiềm năng cho một liên minh mới. Một thái độ trừng phạt một phần trăm trên đỉnh sẽ là phản tác dụng – nó gồm nhiều trong số những người có giá trị nhất của đất nước. Nhưng việc đi tới một thuế thu nhập lũy tiến hơn sẽ là hợp lý một cách hoàn hảo. Từ 1950 đến 1970, một phần trăm chóp bu ở Hoa Kỳ đã đóng một phần cao hơn nhiều thu nhập của họ vào các loại thuế so với họ đóng ngày nay. Việc này đã không kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế – khi đó nó đã mạnh hơn bây giờ. Hai trong số những người Mỹ giàu nhất, Warren Buffet và Bill Gates, ủng hộ thuế cao hơn đối với những người rất giàu. Họ cũng cho rằng thuế thừa kế là cách tương đối ít đau đớn để gây quỹ hết sức cần cho việc đầu tư vào giáo dục, chăm sóc y tế, nghiên cứu và phát triển, và cơ sở hạ tầng. Nhưng các nhóm lợi ích bảo thủ hùng mạnh đã đẩy Hoa Kỳ theo hướng ngược lại, giảm mạnh thuế thừa kế và cắt giảm chi tiêu chính phủ.

Trump hứa làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Nhưng các chính sách của Trump giải điều tiết khu vực tài chính, cắt sự bao phủ y tế và giảm thuế cho những người rất giàu là ngược với cái cần của những người bị bỏ lại đằng sau. Chúng sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại cho các tỷ phú không đóng đồng thuế thu nhập nào.18

Hochschild cho rằng nghịch lý về những người Mỹ thu nhập-thấp bỏ phiếu chống lại các lợi ích kinh tế của chính họ bằng việc ủng hộ những người Cộng hòa bảo thủ phản ánh một sự phản ứng xúc cảm mạnh mẽ.19 Không chỉ các chính trị gia cánh hữu đang lừa bịp họ bằng việc hướng sự tức giận của họ vào các vấn đề văn hóa, xa khỏi các giải pháp khả dĩ cho địa vị của họ như một giai cấp-hạ lưu lâu dài. Những người Mỹ da trắng ít-giáo dục cảm thấy rằng họ đã trở thành “những người lạ trên chính đất nước họ.” Họ thấy bản thân họ như các nạn nhân của hành động quả quyết (affirmative action-chính sách nâng đỡ những người yếu thế) và bị phản bội bởi “những người chen hàng” – những người Mỹ gốc Phi, những người nhập cư, những người tị nạn và phụ nữ – những người chen lên trước họ trong hàng chờ Giấc Mơ Mỹ. Họ tức giận các trí thức khai phóng bảo họ phải cảm thấy tiếc cho những người chen hàng, và gạt bỏ họ như những kẻ cố chấp hay đáng trách khi họ không làm vậy. Donald Trump cung cấp sự ủng hộ xúc cảm khi ông công khai bày tỏ các cảm giác phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Một nhà dân chủ xã hội Thụy Điển xuất sắc hỏi:

Trong một nước với bất bình đẳng kinh tế gây choáng váng và tăng lên, vì sao những người mà không nghi ngờ gì sẽ thiệt về mặt kinh tế từ các chính sách [của Trump] lại ủng hộ ông ta? Vì sao các chính sách chống-chính phủ của ông ta như cắt giảm thuế cho những người siêu-giàu và cắt bớt hệ thống bảo hiểm chăm sóc sức khỏe mới được thiết lập, lại thành công với mức độ lớn như vậy? Hơn nữa, vì sao các chính sách này đã đặc biệt hữu hiệu trong việc đạt được các phiếu từ giai cấp lao động da trắng? … Thay cho việc tập trung vào các chương trình phổ quát cho tất cả mọi người hay các mảng rất rộng của dân cư, những người Dân chủ và bà Clinton lại đại diện cho các chính sách bị giai cấp lao động đàn ông da trắng xem như thiên vị cho các nhóm thiểu số.20

Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi về những sự chia tách chính trị so sánh được với sự chia tách của các năm 1930, mà một mặt đã thấy sự lên của chủ nghĩa Phát xít, và mặt khác sự nổi lên của New Deal và các chương trình Âu châu tương ứng của nó. Phản ứng chống lại sự thay đổi văn hóa nhanh và sự nhập cư đã mang lại một sự dấy lên của sự ủng hộ cho các đảng dân túy bài ngoại. Nhưng sự bất bình đẳng tăng lên cũng đã tạo ra một sự nổi dậy bên cánh Tả bởi những người thấy sự cần các chính sách tái phân phối. Cho đến nay phong trào này chủ yếu được các cử tri trẻ hơn và có giáo dục hơn ủng hộ. Chính trị văn hóa tiếp tục chi phối hành vi bầu cử – nhưng các đòi hỏi cho sự tổ chức lại chính trị đang nổi lên.

Các xã hội thu nhập-cao có các nền kinh tế kẻ-thắng-ăn-cả đang ngày càng dẫn tới các xã hội bị thống trị bởi một thiểu số nhỏ, trong khi tuyệt đại đa số có các việc làm bấp bênh. Nếu bỏ mặc cho các lực lượng thị trường, xu hướng này sẽ thắng thế. Nhưng chính phủ có thể là lực đối trọng, tái phân bổ các nguồn lực cho lợi ích của xã hội như một toàn bộ. Trong các thập niên gần đây, chính phủ chủ yếu đã có tác động ngược lại, nhưng một đa số khổng lồ của dân cư bây giờ có một khuyến khích để bàu các chính phủ cam kết cho sự tái phân phối. Nếu một phần lớn của 99 phần trăm biết sự thực này, nó có thể hình thành một liên minh chiến thắng mới. Có các dấu hiệu rằng điều này đang diễn ra.

Trong các khảo sát được tiến hành từ 1989 đến 2014, những người trả lời khắp thế giới được hỏi liệu quan điểm của họ đến gần hơn với tuyên bố “Thu nhập phải được làm cho đều nhau hơn” hay rằng “Các sự khác biệt thu nhập phải lớn hơn để cung cấp các khuyến khích cho nỗ lực cá nhân.” Trong các khảo sát sớm nhất, các đa số trong bốn phần năm của 65 nước được khảo sát ít nhất hai lần ( trong một khoảng thời gian trung vị gần 18 năm) đã tin rằng cần các khuyến khích lớn hơn cho cố gắng cá nhân. Nhưng tình hình đã đảo ngược trong 25 năm tiếp, như Hình 10.4 chứng minh, và trong khảo sát sẵn có gần đây nhất, công chúng trong bốn phần năm của 65 nước đã trở nên ủng hộ hơn cho việc làm cho thu nhập bình quân hơn. Công chúng Mỹ là giữa các công chúng đã thay đổi, ủng hộ sự bình đẳng thu nhập lớn hơn.

clip_image006

Hình 10.4 Thái dộ thay đổi đối với sự bất bình đẳng thu nhập.

Nguồn: Các khảo sát World Values Survey và European Values Study được tiến hành từ 1989 đến 2014, gồm tất cả các nước với một chuỗi thời gian ít nhất mười-năm. Sự thay đổi trung vị là một sự thay đổi 0,86 điểm-thang tới sự ủng hộ lớn hơn cho sự bình đẳng thu nhập; khoảng thời gian trung vị là 17,6 năm.

Cho đến nay, các vấn đề văn hóa đầy xúc cảm đã cản trở sự nổi lên của một liên minh mới. Nhưng cả sự lên của các phong trào dân túy và mối lo tăng lên đối với sự bất bình đẳng phản ánh sự bất mãn phổ biến rộng rãi với những sự liên kết chính trị hiện tồn. Một phần lớn của công chúng tức giận – và phải thế. Chính phủ đang không hoạt động nhân danh họ.

Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra các nguồn lực sẵn có lớn hơn, nhưng sẽ cần đến sự can thiệp chính phủ để tái phân bổ một phần đáng kể của các nguồn lực này để tạo ra các việc làm có ý nghĩa cần đến tính nhân bản, trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục (từ trước tuổi tới trường đến các mức sau đại học), hạ tầng cơ sở, bảo vệ môi trường, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc người già, và nghệ thuật và khoa học nhân văn – với mục tiêu cải thiện chất lượng sống cho xã hội như một toàn bộ, hơn là tối đa hóa lợi nhuận công ty. Việc phát triển các chương trình được thiết kế-tốt để đạt mục tiêu này sẽ là môt nhiệm vụ cốt yếu cho các nhà khoa học xã hội và các nhà hoạch định chính sách trong 20 năm tiếp theo.

Kết luận

Liệu sự sống sót có vẻ an toàn hay không an toàn định hình thế giới quan của một xã hội. Một trong những thành tựu vĩ đại của các thế kỷ thứ mười chín và hai mươi đã là sự nổi lên của các phong trào chính trị đại diện cho các lợi ích của giai cấp lao động công nghiệp. Trong tiến trình của một cuộc đấu tranh dài, chúng đã giúp bầu ra các chính phủ đem lại lương cao hơn, an toàn việc làm lớn hơn, an toàn hưu trí, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho hầu hết người dân. Việc này cuối cùng mang lại các mức an toàn tồn tại cao mà đã dẫn đến một thành tựu vĩ đại khác – những thay đổi văn hóa và chính trị của thời đại Cách mạng Thầm lặng. Các xã hội thu nhập-cao đã trở nên cởi mở, tin cậy và khoan dung hơn, giải phóng các phụ nữ, các thiểu số sắc tộc và những người đồng tính, trao cho người dân nhiều tự do lựa chọn hơn trong việc sống đời họ thế nào – cổ vũ sự truyền bá dân chủ và tạo ra các mức hạnh phúc cao hơn.

Nhưng lịch sử hiếm khi chuyển động theo một đường thẳng. Cơ sở giai cấp-lao động của cánh Tả cổ điển đã tiêu tan, và sự đến của Xã hội Trí tuệ Nhân tạo đã mang lại một nền kinh tế kẻ-thắng-ăn-cả đang tập trung của cải và quyền lực chính trị vào tay của một thiểu số nhỏ – làm xói mòn sự an toàn tồn tại cho hầu hết dân cư. Các xã hội thu nhập-cao hiện đang thoái lui tới chính trị độc đoán bài ngoại liên kết với sự bất an. Nhưng – không giống chủ nghĩa độc đoán bài ngoại dấy lên trong Đại Suy thoái [1929] – điều này không phải là kết quả của sự khan hiếm khách quan. Các xã hội này có các nguồn lực dư dả và tăng lên, nhưng ngày càng được phân bố sai, chệch khỏi lập trường tối đa hóa sự an lạc con người. Sự bất an ngày nay nảy sinh không phải từ các nguồn lực không thỏa đáng mà từ sự bất bình đẳng tăng lên – mà cuối cùng là một vấn đề chính trị. Với sự tổ chức lại chính trị thích hợp, các chính phủ có thể nổi lên đóng vai trò mà cánh Tả cổ điển một thời đã thực hiện.

Các xã hội đã phát triển có thể trở thành các dystopia (phản-địa đàng) được kiểm soát bởi một thiểu số nhỏ. Hay các nguồn lực tăng lên của chúng có thể được dùng để tạo ra các xã hội tự tin và khoan dung với các mức an toàn tồn tại cao. Không có lý do khách quan nào vì sao sự ủng hộ cho chủ nghĩa độc đoán bài ngoại phải tiếp tục tăng. Thế giới không chìm sâu trong một Đại Suy thoái khác. Các nguồn lực là dồi dào và tăng lên. Giữa đầu năm 2000 và cuối năm 2016, giá trị ròng được ước lượng của các hộ gia đình Mỹ và các định chế phi lợi nhuận đã tăng hơn gấp đôi, từ 44 ngàn tỷ $ lên 90 ngàn tỷ $ – một trung bình hơn một triệu dollar cho mỗi gia đình bốn người.21 Sự đột ngột tăng này của sự giàu có xảy ra bất chấp sự đổ vỡ năm 2008. Sự bất an lan rộng trong các xã hội thu nhập-cao không bắt nguồn từ các nguồn lực không thỏa đáng – nó phản ánh sự thực rằng hầu như toàn bộ lợi lộc kinh tế đang thuộc về những người ở trên đỉnh, và các việc làm an toàn, lương cao đang biến mất. Liệu chúng có tiếp tục như vậy hay không là một vấn đề chính trị. Nó phụ thuộc vào liệu một liên minh mới có nổi lên khôi phục quyền lực của của đa số hay không.

Đã tốn hàng thập niên cho giai cấp lao động công nghiệp để trở nên biết đọc biết viết, được hy động về nhận thức và được tổ chức như một lực lượng chính trị hiệu quả. Nhưng các xã hội tri thức ngày nay có rồi các công chúng được giáo dục cao, quen tư duy cho bản thân họ. Một phần lớn của 99 phần trăm có khả năng ăn nói rành rọt và có các kỹ năng chính trị. Tất cả cái cần là một sự nhận thức rằng xung đột kinh tế then chốt ngày nay là giữa họ và một phần trăm.

Việc xây dựng một liên minh chính trị mới sẽ không dễ. Tính trừu tượng của “sự bất bình đẳng” không có nghĩa nhiều cho hầu hết các cử tri. Sự bất bình đẳng là khó để hình dung và là khó để đo. Chắc không có khả năng rằng một trong một ngàn công dân có thể tính hay giải thích một chỉ số Gini về sự bất bình đẳng. Là dễ hơn nhiều để đổ lỗi cho những người nước ngoài vì sự thực rằng đời sống trở nên không an toàn. Những người nước ngoài là dễ để hình dung – chúng ta thấy họ mỗi ngày (đặc biệt trên truyền hình) theo những cách củng cố một xu hướng bén rễ sâu để xem họ như nguy hiểm. Sự làm vậy che mờ sự thực rằng xung đột chính trong các xã hội thu nhập-cao đương thời là giữa đa số và một phần trăm.

Những người nước ngoài không phải là mối đe dọa chính. Nếu các xã hội đã phát triển loại trừ tất cả những người nước ngoài và tất cả nhập khẩu, thì các việc làm an toàn sẽ tiếp tục biến mất, vì nguyên nhân hàng đầu – một cách áp đảo – là tự động hóa.

Một khi trí tuệ nhân tạo bắt đầu học một cách độc lập, nó chuyển động với một nhịp độ vượt rất xa trí tuệ con người. Loài người cần nghĩ ra các phương tiện để kiểm soát trí tuệ nhân tạo. Tôi nghi rằng trừ phi chúng ta làm vậy trong vòng khoảng 20 năm tiếp theo, chúng ta sẽ không còn có sự lựa chọn nữa. Việc phát triển các chiến lược thành công để đối phó với trí tuệ nhân tạo là một nhiệm vụ cốt yếu cần đến trí tưởng tượng, sự kiên trì và sự thử nghiệm.

Và việc xây dựng một liên minh chính trị đại diện cho 99 phần trăm sẽ không xảy ra một cách tự động. Nhưng trong các nền dân chủ nó phản ánh lợi ích của tuyệt đại đa số, và nó chắc có khả năng để nổi lên.

Trong nửa đầu của thế kỷ thứ hai mươi một thành phần chính của sự tiến hóa văn hóa đã gồm việc học các lợi ích của sự can thiệp chính phủ, khi các xã hội công nghiệp hóa đã chấp nhận giáo dục bắt buộc phổ quát, các luật lao động trẻ em và các hệ thống an sinh xã hội. Trong Đại Suy thoái chủ nghĩa tư bản đã sụp đổ, nhường đường cho chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa cộng sản trong nhiều nước và có lẽ đã không sống sót trong những nước còn lại mà không có sự tiến hóa của các New Deal và các nhà nước phúc lợi hậu chiến. Trong nửa thứ hai của thế kỷ thứ hai mươi, thế giới đã học được rằng các nền kinh tế do nhà nước vận hành không hoạt động tốt. Các chế độ cộng sản từ Đông Berlin đến Bắc Kinh đã sụp đổ hay đã chuyển sang các nền kinh tế thị trường bởi vì chính trị thành công là một hành động cân bằng giữa can thiệp chính phủ quá nhiều và can thiệp chính phủ quá ít. Trong nửa đầu của thế kỷ thứ hai mươi mốt, chúng ta đang trong quá trình học rằng Xã hội Trí tuệ Nhân tạo có các xu hướng kẻ-thắng-ăn-cả mạnh, nội tại mà có thể được bù chỉ bằng sự can thiệp chính phủ. Việc phát triển sự cân bằng đúng giữa thị trường và nhà nước sẽ cũng đòi hỏi sự thử nghiệm và sự đổi mới sáng suốt, nhưng khi sự sống sót đang lâm nguy, con người thường đối phó rất tốt với hoàn cảnh khó khăn.

GHI CHÚ

Chương 10 Sự Đến của Xã hội Trí tuệ Nhân tạo

1 Stiglitz, 2011; Stiglitz, 2013.

2 Sabadish and Mishel, 2013.

3 Ford, 2015: 76.

4 National Center for Education Statistics, 2014.

5 Hicks and Devaraj, 2015.

6 Brynjolfsson, Erik and Andrew McAfee, 2014. The Second Machine Age: Work, Progress, and prosperity in a Time of Brilliant Technologies. New York: W. W. Norton & Company.

7 Bureau of Labor Statistics. Available at https://data.bls.gov/pdq/querytool.jsp?survey=ln (truy cập 28 tháng Mười 2017).

8 Eberstadt, Nicholas, 2017. “Our Miserable 21st Century,” Commentary, February 22, 2017. Cf. Eberstadt, Nicholas, 2016. Men Without Work: America’s Invisible Crisis. West Conshohocken, PA: Templeton Press. 9 Ford, 2015.

10 Krueger, Alan B., 2016. “Where Have All the Workers Gone?” National Bureau of Economic Research (NBER) October 4.

11 Case and Deaton, 2015.

12 Krueger, 2016.

13 “U.S. Drug Deaths Climbing Faster than Ever,” New York Times, June 6, 2017, p. 1.

14 Nó đã rớt từ 78,9 năm trong 2014 xuống 78,8 năm trong 2015 – một sự giảm sút nhỏ nhưng có ý nghĩa thóng kê. Xem NCHS Data Brief No. 267 December 2016 US Department of Health and Human Services Centers for Disease Control and Prevention National Center for Health Statistics Mortality in the United States, 2015. Jiaquan Xu, M.D., Sherry L. Murphy, B.S., Kenneth D. Kochanek, M.A., and Elizabeth Arias, Ph.D.

15 Chetty et al., 2016.

16 Goos, Maarten, Alan Manning and Anna Salomons, 2014. “Explaining Job Polarization: Routine-Biased Technological Change and Offshoring,” The American Economic Review 104, 8: 2509–2526. 17 Wiseman, 2013.

18 Các thuế thu nhập cao hơn cho những người rất giàu chỉ là một phần của giải pháp. Ngay cả những người lao động không đóng thuế thu nhập nào, phải đóng một thuế tiền lương phủ an sinh xã hội và medicare (chăm sóc y tế). Bởi vì các thuế này có thuế suất phẳng trên một cơ sở phần lớn bị định trần, chúng là các thuế lũy thoái mà tăng cường hơn là bù cho bất bình đẳng trước thuế – và thuế tiền lương lũy thoái là lớn hơn hai phần ba so với thuế thu nhập. Việc làm cho thuế tiền lương lũy tiến sẽ là một bước quan trọng tới sự giảm bất bình đẳng thu nhập.

19 Hochschild, 2016.

20 Rothstein, Bo, 2017. “Why Has the White Working Class Abandoned the Left?” Social Europe, January 19. Available at www.socialeurope.eu/2017/01/white-working-class-abandoned-left/ (truy cập 29 tháng Mười 2017).

21 2016 Report from Federal Reserve Bank of St. Louis. Available at https://fred.stlouisfed.org/series/HNONWRQ027S (truy cập 29 tháng Mười 2017).

Comments are closed.