Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha và chữ ‘chưng’ (phần 5D)

Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha và chữ ‘chưng’ (phần 5D)

Nguyễn Cung Thông[1]

Loạt bài phần 5 này bàn thêm về Kinh Lạy Cha (KLC) qua các dạng ghi nhận trong văn bản từ thời bình minh của chữ quốc ngữ cho đến ngày hôm nay. Các bài viết theo thứ tự thời gian là 5A, 5B, 5C, 5D… Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false… Các chữ viết tắt khác là NCT (Nguyễn Cung Thông), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), LM (Linh Mục), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê Su). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Đặc biệt phần 5D sẽ bàn chi tiết hơn về KLC vào thời LM Philiphê Bỉnh (1759-1833) và cách dùng chữ chưng theo dòng thời gian. Do đó, sự hiện diện của chưng như một giới từ hay hư từ có thể xem là một dấu chỉ (indicator) cho ta biết phần nào về thời kỳ ra đời của các tác phẩm bằng chữ Nôm; ba bản Kinh Lạy Cha A, B và C cùng thời đại cho ta cơ hội so sánh như vậy.

1. Kinh Lạy Cha vào thời LM de Rhodes

Nhắc lại từ bài 5A bản KLC năm 1632 trích từ tài liệu[2] của GS Roland Jacques (sđd):

clip_image002

Bản viết tay năm 1632 có 70 chữ. Tuy không thấy LM de Rhodes đề cập trực tiếp đến nội dung KLC trong các tác phẩm của ông, nhưng VBL/PGTN lại ghi tất cả các từ liên hệ đến KLC như cha/chưng/danh/chúng tôi/kẻ/tai/dữ – nhất là các đoạn hay chữ quan trọng trong kinh như sau (điều này cho thấy nhận xét của GS Roland Jacques khá chính xác: qua kiến thức về các chữ trong KLC bằng chữ quốc ngữ của LM de Rhodes – xem phụ chú 2)

a. Ở trên trời (mục trên/tlên VBL 809)

b. Cha chúng tôi ở trên trời, Lạy[3] Cha chúng tôi ở trên trời (BBC trang 19)

c. Danh cha cả sáng ("danh ĐCT cả sáng" PGTN trang 319)

d. Hàng ngày dùng đủ (ghi lại hai lần: mục dùng và mục đủ – VBL)

e. Mà tha nợ chúng tôi (mục nợ VBL trang 564)

f. Bèn chữa chúng tôi (VBL trang 32)

g. Lại chớ để chúng tôi (mục lại VBL trang 393)

h. Chưng[4] (VBL trang 122)

i. Ít (nghĩa là cũng như – một cách dùng đặc biệt vào thời LM de Rhodes – VBL trang 352)

Như vậy là có tất cả 4 lần chưng xuất hiện trong tài liệu từ LM de Rhodes, so với ít nhất là 3 lần chưng xuất hiện[5] trong bản KLC từ cuốn Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của LM Maiorica (sđd). Chúng ta hãy xem lại cách dùng chữ chưng qua KLC từ thời LM de Rhodes.

2. Kinh Lạy Cha vào cuối TK 18 và đầu TK 20

2.1 Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (TGYLQN)

Bản Nôm TGYLQN do LM Bá Đa Lộc xuất bản năm 1774 ở Quảng Đông (lúc này ông đã được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa tại Madras) và được tái bản nhiều lần sau đó, td. tái bản lần cuối vào năm 1933 tại Kẻ Sở. Hình chụp sau là bản Nôm KLC từ cuốn TGYLQN (Y Doãn Ninh và Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải) trang 176 – để ý cách gọi KLC vào thời này là Kinh Thiên Chúa. Có vài điểm đánh chú ý khi so sánh hai bản Nôm TGYLQN chụp lại trong bài này (a) lạy chữ Nôm viết ở bản B cũng là lạy trong tự điển Béhaine (1772/1773) khác với chữ lạy bản A (b) đủ chữ Nôm của bản B 堵 (đố HV) cũng là một dạng trong tự điển Béhaine dựa vào bộ thổ, cũng là đủ chữ Nôm trong TCTGKM của LM Maiorica, khác với đủ chữ Nôm của bản A là đổ HV 睹 dựa vào bộ mục (tự điển Taberd 1838) (c) bản B dùng mà (麻 ma HV) so với bản A dùng và 吧, bản năm 1632 cũng dùng mà (d) chữ Nôm a trong a men dùng á HV 亞 – cũng là cách ghi âm a của các LM Dòng Tên tiên phong như Michele Ruggieri, Matteo Ricci – khác với chữ Nôm a dùng a HV 阿 trong bản A.

clip_image004TGYLQN trang 176 (sđd) – bản A

Thiên Chúa kinh giải đệ thập nhị thiên. Dịch ra chữ quốc ngữ hiện đại/NCT: "Lạy cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh cha cả sáng, nước cha trị đến, vâng ý cha làm dưới đất bằng trên trời vậy, chúng tôi xin rày hàng ngày dùng đủ, và tha nợ chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi, lại chớ để chúng tôi phải sa cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ, A men" – (có 68 chữ không kể hai chữ cuối A men).

clip_image006

TGYLQN trang 51v (chụp lại từ tài liệu lưu trữ tại thư viện Tòa Thánh La Mã) – bản B

2.2 Kinh Lạy Cha trong bản chép tay của LM Philiphê Bỉnh – bản C

Bản KLC chữ Nôm chụp lại từ tài liệu viết tay của Philiphê Bỉnh, viết về "Các Kinh thường đọc", còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã. Trang trên dịch ra[6] chữ quốc ngữ hiện đại/NCT:"Kinh Thiên Chúa o cùng kinh A Ve o Chúng tôi lạy thiên địa chân chúa o ở trên trời là cha chúng tôi o chúng tôi nguyện o danh cha cả sáng o quốc cha trị đến o vâng ý dưới đất o bằng trên trời vậy o chúng tôi xin cha o rày cho chúng tôi o hằng ngày dùng đủ o mà tha nợ chúng tôi o bằng chúng tôi cũng tha o kẻ có nợ chúng tôi vậy o xin chớ để chúng tôi o sa chưng cám dỗ o bèn chữa chúng tôi chưng sự dữ o A Men o". Có tất cả 78 chữ trong bản KLC trên, không kể hai chữ A Men đọc ở cuối kinh. ; Các bản này cũng giống KLC in trong tài liệu năm 1787 của LM Dòng Tên Lorenzo Hervás y Panduro (1735-1809). Để ý bản C này vẫn còn dùng chưng hai lần, so với các bản Nôm A và B từ Đàng Trong đã không còn dùng chưng nữa và bắt đầu dùng tên gọi mới "Kinh Lạy Cha" so với "Kinh Thiên Chúa" vẫn còn thông dụng ở Đàng Ngoài cho đến đầu TK 20.

clip_image008

Kinh Lạy Cha (bản chép tay của LM Bỉnh, tài liệu lưu trữ tại thư viện Vatican) – bản C.

So sánh bản C của KLC (Đàng Ngoài) với các bản A và B (Đàng Trong): (a) bản C vẫn dùng chữ quốc 國 thay vì nước 渃, đây là cách dùng từ thời LM de Rhodes và Maiorica (b) đến dùng chữ đán 旦 so với điển 典 (c) bằng dùng chữ bình HV 平 so với bằng HV 朋, đây là cách dùng trong bản Nôm của LM Maiorica (d) xin dùng chữ 吀 so với chữ sân HV 嗔 (chữ này hiện diện trong bản Nôm của LM Maiorica) (e) mà dùng chữ ma HV 麻 ma cũng như bản B so với bản A dùng và (f) chưng dùng dạng chưng HV 蒸 so với dạng chưng 徴 (trưng HV) dùng trong TGYLQN và TCTGKM (g) chữ Nôm a trong A men dùng á HV 亞 cũng như bản B. Ngoài sự kiện chữ chưng xuất hiện hai lần trong bản Nôm C, các dữ kiện trên cho ta cơ sở đề nghị rằng bản C là bản KLC (Đàng Ngoài) xưa hơn so với các bản A và B (Đàng Trong). Nhận xét này không gây ngạc nhiên vì các họ CG không có liên lạc với nhau thường xuyên vì lý do địa lý cũng như lịch sử (chiến tranh Trịnh Nguyễn, thời Tây Sơn, các lệnh cấm đạo khác nhau), thêm vào đó là ngôn ngữ Đàng Trong (mở rộng đến Cà Mau, Hà Tiên) liên tục thay đổi và hội nhập các nền văn hóa địa phương trong quá trình Nam Tiến và thống nhất lãnh thổ (thời vua Gia Long lên trị vì sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn vào năm 1802). Để kiểm tra lại cách đọc bản Nôm C trên, người viết/NCT đã xem lại một tài liệu chép tay khác của LM Philiphê Bỉnh – tạm gọi là "truyện các thánh và phép lạ" còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã (mã số Borg.tonch.13) – các lời KLC hoàn toàn phù hợp với bản Nôm C ở trên

clip_image010

Kinh Thiên Chúa – bản chép tay của LM Philiphê Bỉnh – tài liệu lưu trữ tại thư viện Vatican

Cũng nên nhắc lại ở đây là trong các tài liệu viết tay, LM Philiphê Bỉnh thường nhắc đến KLC, như trong "Sách Sổ Sang chép các việc"/SSS thì ông so sánh cách dùng đại từ nhân xưng (pronoun) của tiếng Trung (Quốc) và sự nghèo nàn khi sử dụng chúng qua hai dạng ngã (tôi, tao, …) nhĩ (anh, chị, mày, …). Khi nói chuyện với vua chúa hay thượng đế cũng dùng ngã nhĩ (thành ra không được lịch sự cho nên "mà ta chẳng dám đọc thì phải thay đổi"):

clip_image012SSS trang 463

2.3 Các Kinh Lạy Cha khác vào cuối TK 18 và đầu TK 19

Bài viết "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5A)" đã chụp lại bản KLC bằng chữ Nôm của LM Hilario de Jesu có 79 chữ và hai lần dùng chưng, bản KLC bằng chữ quốc ngữ năm 1787 có 77 chữ và chưng dùng hai lần. Cũng dựa vào bản KLC của LM Philiphê Bỉnh (bản C), một kết luận là vào cuối TK 18 và đầu TK 19 thì các bản KLC (Đàng Ngoài) có khả năng dùng chưng hai lần, tuy nhiên ở Đàng Trong qua các tài liệu của các LM Béhaine và Taberd thì chưng đã không còn dùng nữa (bản A và B). Đàng Trong cũng bắt đầu dùng tên gọi Kinh Lạy Cha so với cách gọi trước kia là Kinh Tại Thiên hay Kinh Thiên Chúa, Kinh Đức Chúa Giê Su (các tên cổ này còn bảo lưu phần nào ở Đàng Ngoài).

2.4 Các bản Kinh Lạy Cha từ TK 19 đến nay

Bản KLC năm 1870 bên dưới rất giống các bản KLC vào giữa và cuối TK 18, điều này không khó giải thích vì soạn giả đã dùng tài liệu có sẵn (từ nhà sách của nhà dòng hay tòa thánh La Mã), thường là cả chục hay trăm năm trước. Bản KLC 1870 này có 77 chữ, chỉ khác bản Nôm (78 chữ) của LM Philiphê Bỉnh ở chỗ in (sai) mà/và thành E và thiếu chữ "vậy" sau câu "kẻ có nợ chúng tôi". Bản 1870 này hoàn toàn giống bản chữ quốc ngữ năm 1787, ngay cả "chánh tả" vào thời này. Bản 1787 trích từ cuốn “Saggio practicco delle Lingue con prolegomeni e una raccolta di orazioni dominicali in più di trecento lingue e dialetti” (Giới thiệu kinh Lạy Cha qua hơn 300 các ngôn ngữ và phương ngữ trên thế giới/NCT) – xem bản chụp lại trong bài "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5A)".

Bản KLC bên dưới chụp lại[7] từ cuốn "The Lord’s prayer in 250 languages and 180 forms of writing/assembled by Petro Marietti" in tại La Mã (Rome) vào năm 1870. Cuốn này cũng có một chương giải thích về các tài liệu đã xuất bản trước đó về KLC qua các ngôn ngữ của thế giới như Wilhelm Postel năm 1538 đã sưu tầm và học hỏi 12 ngôn ngữ phương Đông, cũng như các khuôn chữ khác nhau để có thể in ra các bản KLC, v.v.

clip_image014

Từ các dữ kiện trên, cùng với bản KLC bằng chữ Nôm năm 1855 chỉ có 49 chữ và không dùng chữ chưng (xem bài viết 5C), một biểu đồ ghi nhận số lần xuất hiện của chưng trong KLC được đề nghị như hình sau

clip_image015clip_image017

Đương nhiên phải cẩn thận về khuynh hướng tha hóa chữ chưng rất rõ nét của giản đồ trên: một số cách dùng địa phương (đặc biệt trong môi trường tôn giáo/lễ hội truyền thống) có thể còn duy trì cách dùng cũ hơn so với ngôn ngữ của đại chúng, dù rằng rất hiếm. Thí dụ như Kinh Thiên Chúa/KLC, trong cuốn Chrestomathie Annamite của tác giả Edmond Nordemann (Ngô Đê Mân) soạn ở Hà Nội (Đàng Ngoài) vào năm 1898, vẫn còn dùng hai chữ chưng[8] ở đoạn cuối (cũng như KLC bản C của LM Philiphê Bỉnh), xem hình chụp bên dưới

clip_image019

Khuynh hướng tha hóa của chưng (không dùng chưng trong KLC và ngôn ngữ đại chúng hiện nay) cho đến khoảng giữa TK 19 khác với khuynh hướng giảm đến cực tiểu của số chữ KLC (49 chữ ) và trở lại ‘bình thường’ vào TK 20 và 21 – trích từ bài viết 5C

clip_image021

3. Bàn thêm về chữ ‘chưng’

3.1 Chưng thời VBL được coi như là một ‘từ đệm’ (paticula expletiva/L) nên không có mục riêng, chỉ hiện diện trong các cách dùng "chưng thì quan ~ trong thời, vào thời/dưới quyền cai trị của quan; chưng thì vua nọ ~ trong thời, vào thời/dưới quyền cai trị của vua nọ; Làm chưng cội rễ mọi sự ~ là nơi cội rễ mọi sự – theo tiếng Việt hiện đại có thể viết là làm cội rễ mọi sự, không cần chữ chưng/NCT". Chưng có thể là một tiếng đệm để nhấn mạnh cũng như khi ta "lên giọng" khi nói, một kết quả khi dùng loại từ expletive/A (expletiva/L – VBL). Chưng được ghi lại ba lần: VBL trang 122, 866 và BBC trang 28 – xem hình chụp bên dưới:

clip_image023VBL trang 122

clip_image025VBL trang 866

clip_image027BBC trang 28

Tới thời LM Béhaine (1772/1773) thì ông giải thích chưng là particula auxiliaris (tạm dịch/NCT: trợ từ, phụ từ). Đến thời LM Taberd (1838) thì ông vẫn giải thích như vậy[9], tuy nhiên có một dữ kiện đáng chú ý khi so sánh hai tài liệu của LM Béhaine và Taberd: cuốn tự điển 1838 không còn dùng chưng như trong câu "vì cớ nào" so với cuốn tự điển 1772/1773 ghi là "vì chưng cớ gì" – cả hai câu hỏi này đều cùng một nghĩa[10] (quâ causâ? – tiếng La Tinh). Điều này cho thấy chưng đã không còn thông dụng vào tiền bán TK 19 nữa, giải thích được phần nào bản KLC bằng chữ Nôm[11] năm 1855 không dùng chữ chưng (Đàng Trong).

Chưng có nhiều nghĩa, nhưng trong phạm vi bài viết này thì chưng được coi như là một hư từ – td. theo một cách giải thích của tác giả[12] Hoàng Thị Thanh Huyền (2016) "Hư từ không có ý nghĩa từ vựng, tức là không thể gắn với chức năng tri nhận và định danh các sự vật, việc, hiện tượng… trong thực tế khách quan. Nó chỉ biểu hiện các ý nghĩa ngữ pháp và được dùng theo lối đi kèm với thực từ để thiết lập các mối quan hệ giữa các sự vật hiện tượng do thực từ diễn đạt. Vì thế, nó cũng không thể đảm nhiệm vai trò thành phần chính trong cấu tạo của cụm từ và của câu. Mặc dù vậy, nó đặc biệt cần thiết và quan trọng trong hoạt động ngôn ngữ, nhất là ở tiếng Việt, một ngôn ngữ dùng hư từ là một trong những phương thức ngữ pháp chủ yếu.". Theo học giả Huỳnh Tịnh Của trong ĐNQATV (1895) thì chưng là tiếng trợ ngữ liên hệ đến trưng tích hay chưng ra (bằng chứng). Theo các học giả Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ trong Việt Nam Văn Phạm (1940) thì chưng/vì chưng là "phụ thuộc liên tự dùng để liên hợp những mệnh đề phụ với những mệnh đề chính".

3.2 Các cách dùng phụ từ ‘chưng’

VBL trang 122 đã ghi cách dùng "Chưng thì quan" nghĩa là trong thời, vào thời/dưới quyền cai trị của quan (NCT): đây là dịch nghĩa theo VBL – định nghĩa La Tinh sub potestate. TCTGKM cũng dùng cụm từ này ở trang 43 (sđd) "Chịu nạn chưng thì quan 徵時官 Phong Si Ô Phi La Tô, chết mà bèn lấp là đí gì?". Chưng có thể dùng tương đương với ở, vào, trong.

TCTGKM trang 83 viết "Tôi tin chưng tha tội là đí gì?" – chưng trong câu này có thể dùng tương đương với ở, vào… Nét nghĩa này phù hợp với cách dùng chưng trong KLC năm 1632:

Vâng ý cha làm chưng đất bằng chưng trời vậy ~ Vâng ý cha làm ở (trái) đất bằng ở (trên) trời vậy

Lại chớ để chúng tôi sa chưng cám dỗ ~ Lại chớ để chúng tôi sa vào/trong cám dỗ

Bèn chữa chúng tôi chưng tai dữ ~ Bèn chữa chúng tôi ở (trong) tai dữ.

Một dữ kiện quan trọng là trong bảng so sánh[13] (viết tay) các từ dùng trong KLC năm 1632, bốn chữ chưng đều tương ứng với 4 chữ ư HV . Các cách dùng chưng trong KLC này đều ăn khít với với cách dùng ư trong bản KLC tiếng Hán (bản này lại giống như bản KLC của LM Dòng Tên Matteo Ricci – xem thêm chi tiết phần Phụ Trương), bản KLC bằng Hán văn vào đầu TK 17 có tất cả 4 chữ ư. Nên nhớ rằng giới từ ư có thể dùng để chỉ thời gian/không gian/nguyên nhân/so sánh trong tiếng Hán, cũng như trường hợp của phụ từ (giới từ) chưng như các trường hợp sau đây.

Chưng[14] là giới từ định vị/không gian (địa điểm) như trên còn thấy trong Quốc Âm Thi Tập (Nguyễn Trãi): "Kham cười anh Vũ mắc chưng lồng" (Bài 248), "Ở chưng trần thế mấy phen cười" (Bài số 138, theo tác giả Bùi Thanh Hùng/BTH – sđd), hay theo tác giả Trần Trọng Dương/TTD (sđd) "Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, Bui một lòng người cực hiểm thay" (Mạn thuật 26.7), "Chẳng biết mình, chẳng cóc tính, giờ giờ hằng chìm đắm chưng nơi bến tối" 不知不覺時時没溺于 迷津 (Tuệ Tĩnh- Thiền tông khóa hư ngữ lục: 6a4) – chưng tương ứng với các giới từ HV vu 于, ư 於 như đã so sánh trong bản KLC năm 1632 bên trên, v.v. Chưng còn mở rộng nghĩa để được dùng như giới từ chỉ thời gian như "chưng thì quan, chưng thì vua nọ" (VBL), hay chỉ định nơi chốn tổng quát "Phần ấy chưng ta đã có thừa" (Bài 90), "Sự thể chưng ta dầu đạm bạc" (Bài 122): có thể đọc là "Phần ấy (ở ) nơi ta đã có thừa" và "Sự thế (ở ) nơi ta đầu đạm bạc" (BTH và TTD dùng "đối với"). Vì là giới từ định vị không gian và thời gian, chưng còn mở rộng cách dùng để chỉ nguyên nhân (cũng như chữ tại HV 在: mở rộng nghĩa từ sống/ở đến chỉ nguyên nhân – mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên… tại ~ vì, bởi, bởi vì). Thí dụ như trích từ Bảo Kính Cảnh Giới 156 (Nguyễn Trãi Quốc Âm Thi Tập)

耒役買咍囷特趣 Rồi việc mới hay khuôn được thú,

塊權㐌矯累蒸名 Khỏi quyền đã kẻo luỵ chưng danh

v.v.

Vài dữ kiện trong cách dùng chữ quốc ngữ cho thấy rõ hơn phạm trù nghĩa của chưng:

Chưng tay (trong tay, nơi tay)

Chưng tay đức Chúa Trời (trong tay đức Chúa Trời/Theurel)

Chưng ngày (trong ngày)

Chưng khi (trong khi)

Chưng thuở (đương thuở – đương thuở mới sinh/ĐNQATV)

Vì chưng (~ bởi chưng ~ nhân vì, bởi vì, số là)

Tôi đi tìm bạn tôi đây

Bạn thấy tôi khó chưng nay chẳng chào (Ca dao – trích từ Việt Nam Tự Điển)

Tóm lại, so sánh các bản KLC từ chữ La Tinh đến chữ Nôm, chữ quốc ngữ cho ta cơ hội tìm hiểu quá trình phát triển chữ viết của người Việt. Khoảng 400 năm đã cho thấy tiếng Việt thay đổi khá rõ nét: một số từ không còn dùng nữa như chưng, một số cách dùng cũng thay đổi phản ánh truyền thống xã hội và văn hóa như đại từ nhân xưng chúng tôi trở thành chúng con trong KLC. Các sự thay đổi này không xẩy ra cùng một lúc mà trong những thời kỳ khác nhau, thí dụ như chúng con chỉ trở nên phổ thông trong vòng 100 năm nay so với giai đoạn 400 năm so sánh KLC. Kết quả trên còn phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Jason Reeve (2011) từ lăng kính ngôn ngữ tri nhận (Cognitive linguistics). Khi phân tích các thay đổi trong các bản KLC bằng tiếng Anh từ năm 1611 đến năm 1977, thì ông thấy thay đổi nhiều nhất[15] là các từ chức năng (function words) như đại từ nhân xưng, liên từ, giới từ và phụ từ giới hạn (định từ). So với KLC tiếng Việt thì các thay đổi trên là chúng tôi > chúng con; mà > và; lại, bèn, rày > ∅; chưng > ∅. Một kết quả khác là cách viết chữ Nôm cũng thay đổi trong vòng 4 thế kỷ nay, td. A men có thể viết là 亞綿 (á miên HV), 阿綿 (a miên HV) so với tiếng Trung (Quốc) bây giờ[16] 阿們 (a môn HV).

Kinh nghiệm cho thấy là quá trình đọc chữ Nôm thật không đơn giản như 時 đọc là thì hay thời? 主 đọc là chúa hay chủ? Các bản KLC bằng chữ Nôm chép tay của LM Philiphê Bỉnh có thể so sánh với bản KLC bằng chữ quốc ngữ (trong các tài liệu khác của cùng tác giả) và do đó ta có thể phục nguyên rất chính xác cách viết và đọc KLC vào cuối TK 18 và đầu TK 19. Cùng với bản Nôm "Sách các phép" của LM Hilario de Jesu (khoảng 1736), đây là những tài liệu rất quý hiếm vì chính tay các tác giả đã viết chữ Nôm cùng chữ quốc ngữ vào TK 18. Do đó so sánh các bản KLC cho ta nhiều kết quả thú vị từ góc độ Hình thái học (Morphology), Âm vị học (Phonology) và Ngữ nghĩa học (Semantics), dễ nhận ra nhất là sự thay đổi ‘chánh tả’ (Orthography) theo dòng thời gian. Không những ngôn ngữ thay đổi theo thời gian (lịch đại) mà còn có thể khác nhau từ góc nhìn không gian (đồng đại, tiếng Đàng Trong so với tiếng Đàng Ngoài) khi ta phân tích các bản KLC. Hi vọng loạt bài viết này gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn và khám phá thêm những hiện tượng ngôn ngữ đặc thù và phổ quát của tiếng Việt mà ít người nhận thức được.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

(1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Phillipe Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(khoảng 1794-1802) “Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo” – xem bài viết trên mạng như https://www.scribd.com/document/118931952/Nh%E1%BA%ADt-Trinh-Kim-Th%C6%B0-Kh%E1%BA%A5t-Chinh-Chua-Giao-Philiphe-B%E1%BB%89nh . Các tài liệu chép tay như "Tự điển Việt Bồ", "Phép Giảng Tám Ngày", "Các Thánh truyện và phép lạ"… Tham khảo thư mục của thư viện tòa thánh La Mã.

3) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

4) Trần Trọng Dương (2012) "Nghiên cứu phương pháp giải nghĩa và giải âm qua Khóa hư lục giải nghĩa và Khóa hư lục giải âm" Tạp chí Hán Nôm, số 4 (113) 2012; tr.19 – 30

5) Bùi Thanh Hùng (1987) "TÌM HIỂU TIẾNG "CHƯNG" QUA MỘT VÀI VĂN BẢN HÁN NÔM CỔ" Tạp chí Hán Nôm số 1/1987 – Viện nghiên cứu Hán nôm

6) Roland Jacques (2004) « Les missionnaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viêt-nam » (Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam) – NXB Định Hướng Tùng Thư (Pháp). Có thể đọc các bài viết của LM Roland Jacques trên mạng như http://www.dunglac.info/index.php?m=home&v=detail&ia=11502. Các bài viết như "Chứng tích hình thành và phát triển chữ quốc ngữ từ năm 1632 đến nay: tiến trình của Kinh Lạy Cha" của Roland Jacques (người dịch Nguyễn Đăng Trúc) trên mạng này http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18656, v.v.

7) Hilario de Jesu (thế kỷ XVIII) "Sách Các Phép" bằng 3 thứ chữ Nôm, La Tinh và quốc ngữ. Sách lưu hành nội bộ (1997).

8) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON)

(1867) "Abrégré de Grammaire Annamite" Imprimerie Impérial – SAIGON

9) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

10) Cao Vĩnh Phan (2000) "Năm 2000 đọc và học kinh Thánh qua các bản dịch tiếng Việt" bản ronéo – Thành Phố HCM.

11) Jason Reeve (2011) “Language change: A cognitive linguistic approach” Silpakorn University Journal of Social Sciences, Humanities, and Arts – Vol.11 (1): 67-81, 2011

12) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

13) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

14) Nguyễn Cung Thông (2018) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha – phần 5A” có thể đọc toàn bài trên trang này http://chimviet.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_TiengVietDeRhodes_P05A_KinhLayCha.pdf hay http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/242899.htm, v.v.

(2019) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha – phần 5B” có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn http://conggiao.info/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes—kinh-lay-cha-phan-5b-d-45232, v.v.

(2019) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha – phần 5C” có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2020/02/18/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh-lay-cha-phan-5c/, v.v.

15) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) "Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin" Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, Hanoi

Phụ trương – Kinh Lạy Cha TQ hiện đại – các chữ trong ngoặc là trích từ bản KLC của LM Matteo Ricci[17] (1552-1610)

我們天父,ngã môn đích thiên phụ

(在天我等父者,) tại thiên ngã đẳng phụ giả,

願祢名受顯揚,nguyện nỉ đích danh thụ hiển dương,

(我等願爾名見聖。) ngã đẳng nguyện nhĩ danh kiến thánh

願祢的國降臨,nguyện nỉ đích quốc hàng lâm,

(爾國臨格。) nhĩ quốc lâm cách

願祢的旨意奉行在人間,如同在天上。nguyện nỉ đích chỉ ý phụng

hành tại nhân gian, như đồng tại thiên thượng。

(爾旨承行地,如天焉) nhĩ chỉ thừa hành ư địa, như ư thiên yên

求祢今天賞給我們日用的食糧,cầu nỉ kim thiên thưởng cấp ngã môn

nhật dụng đích thực lương,

(我等望爾,今日與我,我日用糧) ngã đẳng vọng nhĩ, kim nhật dữ ngã

ngã nhật dụng lương

求祢寬恕我們的罪過,cầu nỉ khoan thứ ngã môn đích tội quá,

(爾免我債,) nhĩ miễn ngã trái

如同我們寬恕別人一樣。như đồng ngã môn khoan thứ biệt nhân nhất dạng

(如我亦免負我債者。) như ngã diệc miễn phụ ngã trái giả

不要讓我們陷誘惑,bất yếu nhượng ngã môn hãm ư dụ hoặc

(又不我許陷誘感。) hựu bất ngã hứa hãm ư dụ cảm

但救我們免兇惡。 đãn cứu ngã môn miễn ư hung ác

(乃救我兇惡。) nãi cứu ngã ư hung ác。

亞孟。á mạnh (亞孟。) á mạnh


[1] Nghiên cứu tiếng Việt độc lập ở Melbourne (Úc) – địa chỉ nguyencungthong@yahoo.com

[2] Theo GS Roland Jacques (sđd) thì LM de Rhodes là thư ký của nhóm viết bản tường trình này.

[3] VBL giải thích lạy dùng để chỉ sự tôn kính và ghi các cách dùng như "lạy ông, lạy ơn ĐCT, lạy ơn đức Chúa". BBC trang 19 ghi "Lạy Cha chúng tôi ở trên trời" là một cách nói khá hơn so với "Cha chúng tôi ở trên trời", và bình luận là ‘thói quen sẽ chỉ cho’ (khẩu ngữ/NCT). Điều này cho thấy cách dùng "Lạy Cha" đã xuất hiện trong lời nói dân gian vào thời VBL, tuy không trở thành ‘chính thức’ như cách nói Kinh Lạy Cha hiện nay.

[4] Mục chưng của VBL (trang 122) còn ghi một câu quan trọng là "làm chưng cội rễ mọi sự", hàm ý có đấng tạo hóa hay đức Chúa Trời (Thiên Chúa) – một giáo điều cốt lõi của CG (thuyết tạo hóa so với thuyết tiến hóa).

[5] Ít nhất là ba lần vì bản Nôm TCTGKM chỉ có "Ý cha vâng đất là đí gì": có khả năng thiếu các chữ như làm hay chưng hay dưới ngay sau động từ ‘vâng’ (NCT). Trong một bản Nôm KLC khác (được ghi là do LM Maiorica soạn) trang 190-191 trong cuốn "Năm 2000 đọc và học kinh Thánh qua các bản dịch tiếng Việt" (LM Cao Vĩnh Phan, bản ronéo – Thành Phố HCM – 2000), lại không thấy dùng chưng – có thể đây là bản Nôm chép lại thời cận đại (qua các cách dùng chữ và dạng chữ Nôm – NCT).

[6] Người viết/NCT dùng o để chỉ cách ngắt câu như trong bản Nôm – có lúc dùng dấu phẩy , như trang trước.

[7] Để ý tiếng Đông Kinh (tiếng Đàng Ngoài) in lại sai: Tonkinese trở thành Tonkinice cũng như deant (danh), dun du (dùng đủ), cun (cũng) …

[8] Bản KLC này cho thấy ảnh hưởng của giọng Bắc (địa phương – Đàng Ngoài) rất rõ, td. lời ~ trời, xáng ~ sáng, lậy ~ lạy, xa ~ sa, xự ~ sự, dầy ~ rày… So với bản Nôm KLC năm 1855 (không dùng chưng, Đàng Trong) với 49 chữ hay cực tiểu, đánh dấu giai đoạn Pháp xâm lăng VN. Đây là một móc xích về ngôn ngữ và lịch sử (Pháp thôn tính VN) hay là một điểm tác động (trigger point) cho cuộc chiến Pháp Việt 1859-1954.

[9] Cuốn tự điển của LM Taberd in vào năm 1838, Dictionarium Annamitico-Latinum, hầu như chép lại hoàn toàn cuốn tự điển viết tay của LM Béhaine (1772/1773). Tuy nhiên, ấn phẩm này có một số thay đổi dù khó nhận ra (rất ít so với bản nguồn) nhưng rất tế nhị và cung cấp những thông tin thú vị khi so sánh nội dung cập nhật (1838) này: td. các mục ngày chúa nhật, vì cớ nào, đức giáo tông (~ đức thánh pha pha – đức Giáo Hoàng)…

[10] LM Theurel trong cuốn Dictionarium Annamitico-Latinum (1877, Ninh Phú – Đàng Ngoài) ghi thêm cách nói "vì làm sao" (quâ ex causâ/L) cho thấy không còn dùng trợ từ chưng nữa (như tự điển Béhaine). Để ý là Theurel ghi rõ ngay từ bìa sách này là dựa vào tự điển Taberd (Đàng Trong), tuy nhiên một số thay đổi vì cách dùng địa phương (Đàng Ngoài). Nên nhắc lại ở đây là câu 19 và 20 của truyện Nôm (cổ) Trinh Thử cho thấy cách dùng vì chưng cớ nào "Uẩy ai quen thuộc chưa tường. Đêm khuya đường đột vì chưng cớ nào?" (Truyện Trinh Thử, Ưu-Thiên Bùi Kỷ hiệu đính -Sách giáo khoa Tân Việt, 1956).

[11] Trích từ cuốn "Notice sur le langue annamique" của Léon de Rosny – xem thêm chi tiết trong bài viết 5A.

[12] Trích từ bài viết "VAI TRÒ CỦA HƯ TỪ TIẾNG VIỆT TRONG CẤU TRÚC THÔNG TIN CỦA CÂU" của TS Hoàng Thị Thanh Huyền đăng trong Kỉ yếu Hội thảo Quốc gia “Nghiên cứu Liên ngành về Ngôn ngữ và Giảng dạy Ngôn ngữ lần II”, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, 2016, tr.268 – 277.

[13] Tham khảo bài viết "Chứng tích hình thành và phát triển chữ quốc ngữ từ năm 1632 đến nay: tiến trình của Kinh Lạy Cha" GS Nguyễn Đăng Trúc dịch từ bản tiếng Pháp của GS Roland Jacques. Nhân đây người viết/NCT cũng xin cảm ơn GS Trần Quốc Anh đã gởi tặng bản chụp lại từ bản chính trong thư viện, giúp người viết kiểm soát chéo các dữ kiện và thêm mức độ chính xác. Nên nhắc ở đây là KLC năm 1632 viết bằng chữ Hán, có tất cả 65 chữ không kể A men, cũng là KLC của LM Matteo Ricci (xem chi tiết ở Phụ trương bài này).

[14] Theo GS Vương Lộc thì "chưng là âm cổ của chi 之" trích từ trang 37 "Từ điển từ cổ" NXB Đà Nẵng/Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội – Đà Nẵng 2002).

[15] KLC tiếng Việt thời LM Bỉnh có 2 chữ chưng so với 4 chữ chưng vào thời LM de Rhodes. KLC tiếng Hán thời LM Matteo Ricci có 4 chữ ư, KLC tiếng Trung (Quốc) hiện đại có 2 chữ ư, v.v. Chưng thuộc loại từ chức năng, thường không hàm nghĩa quan trọng nào so với các từ nội dung (content words) như danh từ, tính từ, động từ… Theo GS James Pennebaker trong cuốn "The Secret Life of Pronouns." (NXB Bloomsbury Press, 2011, New York) thì từ chức năng chiếm ít hơn một phần mười của 1 phần trăm của vốn từ vựng của bạn, nhưng lại xuất hiện trong gần 60 phần trăm của những từ bạn sử dụng.

[16] LM Dòng Tên Michele Ruggieri (1543-1607) viết là 亞明 (á minh HV) so với LM Matteo Ricci (1552-1610) viết là 亞孟 (á mạnh HV). Các dữ kiện này cho ta thấy ngôn ngữ (td. cách đọc chữ TQ) đã thay đổi trong vòng 400 năm qua, nhất là khi so sánh cùng với cách đọc HV và TQ hiện đại sẽ cho nhiều kết quả thú vị. Một thí dụ là 們 đọc là men (pinyin, đọc gần như mân tiếng Việt) rất khác với âm môn HV (tròn môi, âm cổ hơn còn bảo lưu trong tiếng Việt). Để ý A men có cách đọc cổ hơn (gốc Hi Lạp ἀμήν ~ tiếng Ả rập آمِين‎ ʾāmīn) là A min (min có nguyên âm không tròn môi và độ mở miệng nhỏ), giải thích tại sao lại có dạng "rất cổ" là 亞明 (á minh HV).

[17] Có sự cộng tác của học giả TQ Từ Quang Khải 徐光啟 (1562-1633).

Comments are closed.