Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (25)

Thụy Khuê

Tứ Ly và nghệ thuật trào phúng

Nghệ thuật trào phúng khởi đầu trên Phong Hóa từ số 19 và 22 với hài kịch của Hoàng Tích Chu[1]. Nhưng Hoàng Tích Chu mất sớm, người đứng lên tiếp tục là Tứ Ly (Hoàng Đạo) với loạt Tuồng cổ tân thời, thuần túy trào phúng, đăng trên Phong Hóa từ số 38 đến số 42.

Bẵng một thời gian, đến Phong Hóa số 124, trào phúng xuất hiện lại trên Phong Hóa, vẫn dưới ngòi bút Tứ Ly, nhưng lần này, dưới hình thức châm biếm có chủ đích, sức công phá mãnh liệt hơn, kéo dài đến Phong Hóa số 190, số cuối cùng.

Tứ Ly mở đầu việc chống đối quan trường dưới thời nhà nước bảo hộ với những loạt bài: Tam quốc tân thời diễn nghiã, Những cuộc điều tra phỏng vấn không tiền khoáng hậu – Đi xem mũ cánh chuồn, Đi xem mũ ni Đi xem mũ giấy.

Về mặt hý họa, Tô Ngọc Vân thay Nguyễn Gia Trí trình bày Phong Hóa từ số 129 (21-12-34) đến số 160 (1-11-35), rồi ông đi Nam Vang, Nguyễn Gia Trí trở lại phụ trách Phong Hóa từ số 160 đến số chót 190 và tiếp tục trên Ngày Nay[2].

Với hý họa Nguyễn Gia Trí, việc chống phá bằng tranh mới thực sự khởi sắc. Sự kết hợp văn và vẽ của Tứ Ly và Gia Trí làm gai mắt chính quyền thuộc địa, Phong Hóa luôn luôn gặp khó khăn, cũng vì tác phẩm của hai người, nhưng không phải vì họ mà Phong Hóa bị đóng cửa vĩnh viễn, như người ta vẫn tưởng.

Tứ Ly và thể văn hài hước

Tứ Ly bắt đầu viết kịch hài hước trên Phong Hóa rất sớm, với Tuồng cổ tân thời, đăng trên Phong Hóa từ số 38 (17-3-33) đến số 42 (4-4-33). Đây là một vở tuồng cổ, mô tả trận chiến hai phe: Một bên là Hoàng Tăng Bí tiên sinh[3], oai phong lẫm lẫm, bên tả có Nguyễn Khắc Hiếu, bên hữu có Nguyễn Văn Vĩnh, phò tá, cầm đầu đạo quân tiền bối ra trận. Một bên là bọn tiểu yêu Phong Hóa nhố nhăng, cùng với chủ soái Nhát Dao Cạo (Khái Hưng) rầm rộ ra khiêu chiến. Hoàng tiên sinh và lực lượng nho phong, sau một hồi tỷ thí, thua trận chạy có cờ (Xem chương: Hoàng Đạo và Thạch Lam). Tuồng cổ tân thời là một thành công, sáng tạo lối kịch hài hước mới mẻ, trẻ trung, lần đầu tiên ở Bắc. Trước đó có kịch Chén thuốc độc (1921) của Vũ Đình Long, thuộc loại tân-cổ giao duyên. Nhưng Tuồng cổ tân thời chỉ có mục đích mua vui, chế giễu các cụ cổ, chưa chống Tây.

Một năm rưỡi sau, trên Phong Hóa, Tứ Ly đưa ra ba loạt hài hước mới: Cổ tích tân thời, Tam quốc tân thời diễn nghiã, và nhất là loạt bài phỏng vấn giả tưởng, với tít: Những cuộc điều tra phỏng vấn không tiền khoáng hậu- Đi xem mũ cánh chuồn[4].

Sau số 150, Phong Hóa bị đóng cửa ba tháng (lý do sẽ nói sau). Khi báo ra trở lại, Tứ Ly bắt đầu loạt phóng sự tòa án: Trước vành móng ngựa[5], và loạt bài Đi xem mũ cánh chuồn còn thêm hai kỳ nữa, với bài phỏng vấn Phạm Lê Bổng và Bùi Bằng Đoàn[6]. Rồi loạt phỏng vấn Đi xem mũ ni[7]Đi xem mũ giấy[8]. Tất cả những sáng tác này thuộc vào loại hài hước hoặc bi hài, sở trường của Tứ Ly Hoàng Đạo.

Cổ tích tân thời là truyện đầu tiên, đăng trên Phong Hóa số 125 (23-11-34), lấy giọng Tam quốc kể "tích" Lãng Nhân Phùng Tất Đắc. Chuyện rằng: Lãng Nhân "đánh" Tùng Viên (một nhà báo già), rồi hơi ngượng, tự giận mình, quyết đi tìm một tên nhà báo trẻ đánh cho đỡ ngượng. May thay, về nhà soi gương thấy một tên ngờ ngờ đứng trước mặt: Mộng Ngư [bút hiệu Lãng Nhân] bèn lấy ba-toong nện cho y một trận, vỡ tan gương!

Cổ tích tân thời chỉ có tính cách mua vui, có lẽ vì còn e dè mũi dùi kiểm duyệt, chưa dám thực sự "vào đề". Bỗng một chuyện không ngờ xẩy ra: nhà nước bảo hộ quyết định bỏ ty kiểm duyệt!

Bỏ ty kiểm duyệt

Tháng Giêng năm 1935, một tin cực kỳ hấp dẫn được đưa lên đầu trang nhất báo Phong Hóa số 131 (4-1-35), và được long trọng đóng khung như ai tín với tít "Bỏ ty kiểm duyệt: "Bắt đầu từ 1 Janvier 1935; ty kiểm duyệt không còn nữa". Kèm với "tin buồn" này, toàn ban biên tập "nhất trí" cùng gửi lời điếu lâm ly tiễn đưa Ty kiểm duyệt về cõi vĩnh hằng, dưới ký 11 tên: Tứ Ly, Nhất, Nhị Linh, Tú Mỡ, Thế Lữ, Lê Ta, Thạch Lam, Khái Hưng, Chàng thứ XIII [Lê Thạch Kỳ], Đông Sơn và Nhát Dao Cạo.

Sau màn nước mắt cá sấu là màn xuất quân: Tứ Ly viết Tam Quốc tân thời diễn nghiã, lấy tích cổ: Lưu Bị, Vân Trường, Trương Phi kết nghiã vườn đào [ám chỉ việc thành lập Tự Lực văn đoàn] cộng với tích tân: Đốc Bưu [đốc học Phạm Văn Thư, thanh tra chính trị ăn hiếp quan huyện]. Truyện thế này: Bị là viên quan huyện nhỏ mà không chịu đút lót quan lớn, nên Bưu khai man cho Bị tội hiếp dân.

"Trương Phi nghe tin cả giận, đôi mắt tròn xoe, hàm răng nghiến chặt, tức tốc cưỡi xe đạp đến quán dịch, chạy thẳng vào hậu đường; thấy Đốc Bưu đương ngồi chĩnh chện trong phòng giấy mà đề lại thì bị trói dưới đất.

Phi thét lớn lên rằng:

– Thằng mọt dân kia có biết ta là ai không?

Đốc Bưu chưa kịp với tê-lê-phôn cầu cứu đã bị Trương Phi túm cổ lôi tuột ra ngoài quán dịch, kéo thẳng về trước huyện, trói vào cột đèn rồi lấy "ba-toong" phết mãi vào hai mông đít".

Lưu Bị lòng vốn nhân từ, thấy "cụ lớn khâm sai" [đốc Bưu] kêu la đau đớn quá, bèn quát em xá tội cho.

Tam Quốc tân thời diễn nghiã là đòn đầu đánh vào bọn quan trường tham nhũng, đúng lúc được tin nhà nước bỏ kiểm duyệt.

Tứ Ly nhập cuộc

Màn dạo đầu Tam Quốc tân thời diễn nghiã hấp dẫn như vậy mà không bị cắt xén gì cả, nhất là lúc đó đang dưới thời Toàn quyền Robin, có tiếng hà khắc. Vậy vụ bỏ kiểm duyệt không phải là tin vịt, Phong Hóa số 132 (11-1-35) bèn thừa thắng xông lên, công khai đánh vào chế độ quan trường và các vấn đề hủ lậu khác. Bìa in tranh: Kiểm duyệt và báo chí của Tô Tử (Tô Ngọc Vân), bức tranh này mang tính cách "lịch sử" bởi là hý họa đầu tiên công khai chống kiểm duyệt, tức chống Pháp, tượng trưng tư tưởng con người như một dòng sông hay con đường, bị kẻ kiểm duyệt cầm kéo cắt xoẹt từng đoạn, tạo cảnh đường đứt, cầu trôi, sông vỡ, người bị đắm chìm, ngăn sông, cách núi.

clip_image002

Kiểm duyệt và báo chí của Tô Ngọc Vân, Phong Hóa 132

Bên trong tờ báo, Tứ Ly khuấy loạn với ba bài: Bỏ quách đi, Than ôi kiểm duyệt, Đất nứt con… mọt dân và truyện Tam quốc chí diễn nghiã.

Bài Bỏ quách đi tấn thẳng vào Hoàng Trọng Phu, quan Tổng đốc, kẻ vừa tuyên bố với nhà báo: "Nếu bỏ quan đi thì lấy gì thay thế vào", Tứ Ly phản bác: Nhà nước nào cũng cần phải có nhà cầm quyền, tức là lớp người cai trị, nhưng ở những nước khác, người ta không gọi lớp người này là quan, ví dụ ở Pháp ông Herriot là thượng thư, khi ông ở văn phòng, khi về nhà ông là ông Herriot. Còn ở Việt Nam, ông Huyện Giai lúc nào cũng là "quan lớn" cả. Vậy xin đề nghị xổ toẹt chữ "quan" đi, nên gọi "ông huyện, ông phủ, ông tổng đốc, ông thẩm phán, ông án sát, ông thượng thư… là ông tuốt".

Bài thứ hai Than ôi kiểm duyệt! Giọng khác hẳn, đây là một bài văn tế hết sức lâm ly:

"Thôi từ nay âm dương cách ngả, chúng ta không được thấy mặt phòng kiểm duyệt nữa: phòng kiểm duyệt đã bãi hẳn rồi.

Tôi tưởng tượng đến cảnh phân ly của những viên chức phòng kiểm duyệt, người về Mật thám, kẻ lên Toàn quyền, mà tôi không khỏi ngăn được giọt lệ thương tâm, bất giác buột mồm mà than rằng:

Than ôi kiểm duyệt

Đã biệt nhau rồi

Còn nói chi nữa

Thế là xong đời.

Xong đời kiểm duyệt, còn đời báo. Tôi nửa mừng nửa lo.

Lo cho vận mệnh của tờ báo vẫn như trứng để đầu đẳng.

Mừng là mừng cho cái hy vọng sẽ được quyền tự do ngôn luận theo báo chí tây, mừng là mừng có thể giãi bầy ý kiến về những vấn đề quan hệ mà không phải bôi xoá".

Bài điếu văn lộ sự tinh nhạy của kẻ khóc, hé mở cho biết sự thật: nhân viên ty kiểm duyệt rặt bọn Mật thám và công chức phủ Toàn quyền.

Bài thứ ba Đất nứt con… mọt dân có tính xã thuyết, giọng chính luận mạnh mẽ, đánh vào bọn quan lớn sâu mọt mô-đéc:

"Ở các nước khác chỉ có dân, ở nước ta, không những có dân mà còn có mọt dân nữa (…) Họ ở toàn những địa vị ăn trên ngồi chốc, chỗ nào có thể chấm mút được là có họ (…) Luân lý đối với họ chỉ là một cách để lừa dối bọn ngu dân, pháp luật đối với họ chỉ là cái lưới để họ chăng [bắt] lũ dân đen, họ dùng để thu tiền tài của hàng vạn con người thật thà, chỉ biết làm lấy mà ăn.(…) Phải khéo léo, xu phụng người trên để mượn lấy oai hùm, phải tìm lấy nơi quyền quý mà nương tựa. Chẳng thế mà có nhà "mọt dân" phải bỏ tiền hàng trăm, hàng nghìn lo lấy một chức… đầy tớ, chẳng thế mà biết bao nhiêu người luồn lụy, nịnh hót để mong lên chức… chân tay." (Phong Hóa số 132, 11-1-35).

Những bộ mặt "mọt dân" này, sẽ xuất hiện lại trên hý họa của Nguyễn Gia Trí một cách trắng trợn và rùng rợn hơn.

Tam quốc diễn nghiã

Với Tam quốc diễn nghiã, Tứ Ly "diễn nghiã" trực tiếp cảnh tham nhũng "hiện đại":

"Có ông thư ký phải mất tới vạn bẩy mới được bổ làm chức huyện lệnh: thiên hạ gọi ông ta là ông huyện vạn bẩy.

Cách chọn lọc quần thần như vậy, nên quan sinh ra tham, lại sinh ra nhũng. Ai ai cũng đòi ăn tiền cả. Những khoé ăn tiền càng ngày càng nhiều, thôi thì cái khố rách của thằng đánh rậm, cái váy đụp của mụ bán thịt lợn, quan nào ăn được đều có tiếng khen là tài giỏi. Những quan thanh liêm đều bị thải về quê quán, còn nịnh thần thì mỗi ngày mỗi đông và mỗi lần gặp tham tang là một lần thăng chức".

Hoàng phủ Tụng, Chu Tuấn, có công đánh giặc khăn vàng ngày trước, không chịu lễ đút đều bị cách. Quan Gián nghi Đại phu Lưu Đào, quan Tư đồ Lưu Đàm vì can vua đều bị bỏ ngục".

Trong Tam quốc diễn nghiã, vần đề nào cũng được đề cập và tranh luận, cả đến chuyện "nam nữ bình quyền" cũng được hai bà thái hậu đem ra võ trường tỷ thí:

Hà thái hậu nói: "Chúng ta là lũ đàn bà, không nên tham dự đến chính quyền".

Đổng thái hậu nổi giận lôi đình: "Mi nói vậy thì hủ lắm. Chúng ta cũng tai mắt, cũng trí thức như bọn đàn ông thì ta phải bình đẳng bình quyền với họ mới phải chứ! Mi thử dương mắt ra mà xem: phụ nữ ta bây giờ khác xưa nhiều rồi. Đi bộ, đánh quần vợt, nhảy đầm, đá bóng đều được cả: vậy về mặt thể dục ta không kém gì bọn tu mi. Về mặt trí thức cũng vậy, đàn bà cũng có người đỗ đến tú tài, cử nhân, cũng biết diễn thuyết như đàn ông. Vậy bắt tù ở trong cung cấm, chẳng hóa ra trái với sự văn minh lắm sao?

Hà hậu cãi: "Đàn bà cốt nhất là biết nấu cơm cho ngon, canh cho ngọt, giúp đỡ cho chồng. Thế nào là tam tòng từ đức".

Đổng thái hậu bèn mắng át: "Ta đã gói ghém tam tòng lại như cô Kiêm [phụ nữ mới nhất bấy giờ] và vất só rồi. Mi hủ lắm!"[9]

Những đại phu nhân trong Tam quốc diễn nghiã, không chỉ ăn nói tân tiến như Đổng thái hậu, mà họ còn ăn mặc cực kỳ tân thời, tiến bộ, theo đúng mốt mới nhất: "Điêu Thuyền tha thướt trong bộ y phục Lemur mầu xám, đôi mắt long lanh dưới làn tóc vấn theo lối Huế". Và sống theo đúng nhịp như Tây bên Tây:

"Một chốc tiệc tan, mở cuộc khiêu vũ, Lã Bố ôm Điêu Thuyền nhảy theo điệu Fox-trott lấy làm khinh khoái vô cùng. Khiêu vũ xong, Điêu Thuyền lại ngồi xuống trước cây đàn piano, vừa đánh vừa lên tiếng hát theo điệu "J’ai deux amours":

"Giò này giò nóng

Ai có mua thì xin cứ

Bỏ một hào ra

Ai muốn mua thì mua".[10]

Sau ba số Tam quốc diễn nghiã cực kỳ hấp dẫn, có lẽ Tứ Ly nhận được "dấu hiệu" gì đó, nên ngòi bút trở lại "ngoan ngoãn" hơn, không đem chuyện thời sự bản xứ ra "diễn nghiã" nữa, mà chỉ chép lại một số xen tam quốc cổ điển như: tam cố thảo lư, Lưu Bị tán Tôn phu nhân rồi ngừng, để bắt sang loạt bài phỏng vấn giả tưởng tức là Những cuộc điều tra phỏng vấn không tiền khoáng hậu Đi xem mũ cánh chuồn, mang họa cho Phong Hóa.

Đi xem mũ cánh chuồn

Đi xem mũ cánh chuồn là một thể nghiệm hài hước mới, bắt đầu từ Phong Hóa số 139 (8-3-35), với cuộc phỏng vấn giả tưởng ông Tôn Thất Quảng, Công bộ thượng thư kiêm Mỹ thuật bộ thượng thư. Phóng viên hỏi ngài Thượng thư có ý kiến gì về chiếc áo dài Lemur, nên để cổ bờ thành (cổ kín) hay cổ áo bánh bẻ (cổ bẻ) và quần tân thời nên may một nếp hay hai nếp, thường dân có nên cạo răng trắng không? Xây dinh thự nên dùng kiểu "nhà bánh khảo", "nhà Khai Trí" hay kiểu gì khác? Nói chung, phóng viên chỉ hỏi những câu vớ vẩn, không có mầu sắc chính trị gì. Tôn đại nhân cũng trả lời hoà nhã.

Người thứ hai được chiếu cố là Lại bộ thượng thư Thái Văn Toản (Phong Hóa số 140- 15-3-35), lần này phóng viên tiến dần hơn tới "chính trị", hỏi ý đại nhân về đề nghị bỏ chữ "quan", và đưa ra nhận xét: tay áo thụng vướng quá, nhất là lúc cầm đũa hay múc canh, vậy có nên cắt ngắn đi cho gọn chăng? Các quan đi công cán nên đi xe bình-bịch cho nhanh? Vận quốc phục thì nên đi giày ban [giày tây] hay giày ta?

Đến cuộc phỏng vấn hai ông Phạm Quỳnh (Phong Hóa số 141-142) và Nguyễn Văn Vĩnh (Phong Hóa số 143), và một số vị có tên tuổi khác[11], tất cả những bài này thuộc loại cò mồi, làm ô dù che cho những bài phỏng vấn "thứ thiệt". Nhất là bài phỏng vấn Phạm Quỳnh, dàn trải trên hai số báo, giọng lịch sự tương kính như một môn sinh đến thăm thầy. Bài phỏng vấn Nguyễn Văn Vĩnh cũng vậy, giọng vui vẻ trẻ trung hơn. So với hai bài phỏng vấn hai quan lớn Hoàng Trọng Phu và Vi Văn Định, như ta sẽ thấy ở dưới, thì có sự khác biệt một trời một vực. Sở dĩ có sự tương kính này vì hai ông Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là người có công lớn với nền văn học quốc ngữ, lại là bậc đàn anh và chỉ khác Hoàng Đạo về đường chính trị: Phạm Quỳnh theo chế độ quân chủ lập hiến, chủ trương hòa hiếu với Pháp để làm văn hóa, nâng cao dân trí, Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương Bắc Kỳ tự trị dưới chế độ dân chủ trong khối Liên Hiệp Pháp; còn Tự Lực văn đoàn chủ trương chống Pháp, giải phóng dân tộc. Khi Nguyễn Văn Vĩnh mất, Phong Hóa có bài ai điếu vô cùng xúc động để khóc một người thầy.

Tóm lại, hai bài phỏng vấn Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh chỉ để che mắt thế gian, ô dù cho buổi phỏng vấn quan lớn Hoàng Trọng Phu, Vi Văn Định, hai vị bồi Tây chính hiệu, được nhận hàm Thái Tử Thiếu Bảo của triều đình, nên thường được gọi là quan Thiếu.

Phỏng vấn Hoàng Trọng Phu

Người ta thường cho rằng vì bài phỏng vấn Hoàng Trọng Phu mà Phong Hóa phải đóng cửa ba tháng. Nhưng khảo sát kỹ văn bản, thì nguyên do không phải bài này, mà bài sau, tức là bài phỏng vấn Vi Văn Định.

Quan lớn Hoàng Trọng Phu vốn ba đời làm tôi trung mẫu quốc: cụ thân sinh là Hoàng Cao Khải và người cháu là Hoàng Gia Mô, tri huyện Vĩnh Bảo. Cụ lớn Hoàng Cao Khải là vị Kinh lược sứ cuối cùng ở Bắc Kỳ, có công truy kích cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, viết thư dụ Nguyễn Thiện Thuật ra hàng năm 1889. Năm 1894, lại cầm quân đánh Phan Đình Phùng và viết thư dụ họ Phan ra hàng. Cả hai việc đều không có kết quả. Nhưng công to của họ Hoàng là ở chỗ khác: làm tay sai đắc lực cho Toàn quyền Paul Doumer trong việc thực hiện chính sách thuộc địa hóa nước Nam. Khái Hưng viết:

"Hắn có công với người Pháp là để cho người Pháp tha hồ xuyên tạc, tha hồ thực hành sai hiệp định 1884 ở Bắc kỳ. Bỏ phủ Kinh lược, dồn cả quyền bính viên Kinh lược vào cho viên Thống sứ Bắc kỳ; để các công sứ Pháp cướp hết quyền các quan tỉnh Việt Nam, trước còn nguyên trong việc hành chính, sau lấn sang cả quyền Tư pháp; cắt đứt hẳn Bắc kỳ, Trung kỳ ra thành hai nước nhỏ, chịu mỗi bên một chính thể một luật pháp, nói tóm lại, làm cho Bắc kỳ thuộc thẩm quyền trực trị của Pháp, đó mới là cái công to của hắn đối với người Pháp". "Hoàng Gia Mô cũng là một tay thần tử rất trung thành của "Mẫu quốc" và rất tận tâm lùng bắt các tay cách mạng ở trong hạt Vĩnh Bảo. Trừ những người hắn đã nộp đi không kể, nguyên hôm huyện vỡ, anh em còn gỡ ra ở trong khám giam huyện hơn hai chục người!" (Chính Nghiã số 9, 29-7-46).

Hoàng Gia Mô, con trai Hoàng Mạnh Trí, cháu nội Hoàng Cao Khải, làm đến chức tri huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Năm 1930, trong cuộc tổng khởi nghiã Yên Bái, bị Trần Quang Riệu hướng dẫn dân quân giết chết, làng Cổ Am bị Pháp ném 57 trái bom trả thù. (Xem chương: 80 Quan Thánh, phần II)

Hoàng Trọng Phu không để lại công nghiệp đẫm máu, ông chọn con đường văn hóa, hợp tác với mẫu quốc, xây dựng hội Khai Trí Tiến Đức, tụ họp các trí thức thân Pháp vào hội để "mở mang dân trí". Vì thế ông được Tứ Ly chiếu cố cùng với Vi Văn Định, trên hai số báo liên tiếp. Bài "phỏng vấn" Hoàng Trọng Phu in trên Phong Hóa số 149 (17-5-35) và bài phỏng vấn Vi Văn Định, in trên số Phong Hóa 150 (24-5-35).

Bài "phỏng vấn" Hoàng Trọng Phu, mở đầu bằng câu:

"Bước vào gian phòng khách, tôi cảm thấy sự yên tĩnh lạ lùng: bộ ghế gụ kiểu tây chạm trổ theo lối tầu đang ngủ im trên chiếc thảm hoa, ảnh các ông Toàn quyền Đông Pháp treo trên tường yên lặng đang nhìn tôi bằng con mắt lim dim. Cả đến con mèo tam thể cũng nằm tròn trên chiếc nệm, không nhúc nhích, cả đến ông phệnh đường bằng sứ ngồi trên tủ chè cũng đương nhếch mép cười trong giấc mơ".

Lối viết này rất kín đáo và hàm súc nên ít ai nhận ra sự phạm thượng: Cách bài trí trong phòng nói lên sự lai căng của gia chủ: bày đồ Tàu mà thờ các thánh Tây. Rồi chỉ với hai chữ lim dim phóng viên đã đồng hóa các vị Toàn quyền với con mèo tam thể.

Vào phần "nội dung phỏng vấn", được hỏi về việc đi Pháp, Hoàng tướng công trả lời chỉ đi chơi thôi. "Vậy mà tôi cứ tưởng hội Khai Trí Tiến Đức đã đúc tượng tướng công để kỷ niệm cái công của tướng công đã lặn lội sang Pháp dạo đó." Câu này ngụ ý nói tướng công được hội Khai Trí Tiến Đức nặn tượng vì đã có công sang tận mẫu quốc xin giấy khai sinh cho Hội, đánh đúng ý tướng công, khiến ngài không quên nhắc lại công trạng vĩ đại này: "Sự nghiệp của hội Khai Trí tức là sự nghiệp của tôi". Ngài còn nói thêm rằng: "ta được nhờ quý bảo hộ khai phá cho ta, thì ta cũng phải lập một cơ quan để giúp đỡ chánh phủ về đường giáo dục", câu này tỏ rõ bụng dạ quan lớn: chỉ canh cánh nghĩ đến công ơn chính phủ bảo hộ và một lòng phục vụ hội Khai Trí Tiến Đức để báo đáp ơn trên. Đến đây phóng viên hỏi xỏ:

"- Bẩm, thế trong vòng 13 năm nay, tướng công thấy xã hội Việt Nam đức tiến và trí khai được chừng nào rồi? (…)

"- Ông cứ xem công việc của hội Khai Trí thì đủ biết.

"- Bẩm, những công cuộc lớn lao của hội Khai Trí thì chúng tôi người trần, mắt thịt, quả không nom thấy. Duy chiều chiều đi hóng mát trên bờ hồ Gươm, thì thường thường chúng tôi nghe thấy tiếng hô tổ tôm điếm, hoặc tiếng bát đũa chạm nhau ở trong nhà hội đưa ra mà thôi." (…)

– Chơi tổ tôm bắt ta phải nghĩ ngợi lắm, có lẽ cũng là một cách khai cho trí của người annam ta vậy.

Gật gù, Hoàng tướng công không nói gì, ý chừng ngài còn mải nghĩ đến cách làm tiến đức cho người Việt Nam nữa".

Bài phỏng vấn này tuy có phạm thượng chút đỉnh nhưng nhẹ nhàng, nên đã qua mắt các quan mật thám (bấy giờ Ty kiểm duyệt đã đóng cửa rồi, nhưng nhân viên chắc vẫn còn làm việc không chính thức). Tuy vậy, ngòi bút của phóng viên không phải là thiếu sâu sắc. Lúc vào đầu đã giới thiệu ngay: phòng khách của quan lớn treo đầy ảnh các vị toàn quyền Đông Pháp lim dim nhìn tôi, cùng với hình ảnh mập phệ của ông phệnh đường, ý ám chỉ các vị đại diện mẫu quốc có đôi mắt súc vật và thân hình lợn ỷ, như đã nói ở trên. Ngoài ra, phóng viên còn nêu bật được hai yếu tố đặc biệt của Hội Khai Trí Tiến Đức, mà dân chúng đi qua bờ Hồ đều nghe thấy: là tiếng sát phạt tổ tôm điếm và tiếng bát điã chè chén. Tổ tôm điếm là một thứ tổ tôm có luật chơi hơi khác tổ tôm (thường), nhưng chữ điếm ở đây có dụng ý sâu sắc, chắc bạn đọc đã thấy. Bài phỏng vấn quan lớn Hoàng Trọng Phu, được thông qua, có thể là do lỗi của vị quan mật thám ngủ gật khi duyệt, nhưng đến số sau, bài phỏng vấn quan lớn Vi Văn Định thì ác quá, "trên" không thể làm ngơ, bèn bắt tờ báo đóng cửa ba tháng.

Phỏng vấn Vi Văn Định – Bị đóng cửa ba tháng

Ngày nay, nếu ai đọc tiểu sử Vi Văn Định in trên Wikipedia tiếng Việt, sẽ thấy một công thần, xuất thân trong gia đình quý tộc Việt-Tày ở Lạng Sơn: Cao tổ là một vị khai quốc công thần theo Lê Lợi khởi nghiã… dòng dõi nhiều đời trấn vùng biên ải. Ngài còn là vị quan lớn yêu nước, đã đem cả gia đình lên Việt Bắc theo kháng chiến, có con rể là trí thức hàng đầu như Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di và cháu rể như Tôn Thất Tùng.

Vậy tại sao hồi đó Tứ Ly lại dám phạm thượng đến nỗi Phong Hóa bị đóng cửa ba tháng?

Số là lúc Tứ Ly nghĩ ra chuyện "phỏng vấn" này, thì quan lớn họ Vi đang làm Tổng đốc Thái Bình (1929-1937). Sự thăng quan tiến chức rất nhanh trong quan trường thời ấy, thường nhờ công lao phục vụ chính quyền thuộc địa. Mà công lao lớn nhất của quan lớn là việc tiễu trừ Quốc Dân Đảng, được Hoàng Văn Đào ghi lại: "Mỗi khi bắt được một đảng viên VNQĐ, Vi Văn Định liền ra lệnh đốt nhà, rồi bắt người về tra tấn rất dã man. Tú tài Nguyễn Đức Triệu 84 tuổi, chi bộ trưởng chi bộ Phụ Dực bị Vi Văn Định dùng chầy giã giò tra khảo đến bỏ mạng"[12].

Việc Hoàng Văn Đào ghi trên đây, sẽ có các sử gia kiểm lại, nhưng những ai (như chúng tôi) sinh ở vùng Nam Định, Thái Bình, hồi bé, thường được người nhà nêu tên quan lớn ra dọa như dọa ngáo ộp, mặc dù quan lớn đã rời địa hạt Thái Bình từ lâu. Mà theo tài liệu của Phủ toàn quyền, thì quan lớn đã nhận những huân chương sau đây:

– Grand officier de la légion d’Honneur (Đệ nhị đẳng bắc đẩu bội tinh).

– Grand officier du Dragon d’Annam (Đệ nhị đẳng Long bội tinh Annam).

– Grand officier de l’Ordre du Million d’Éléphants et du Parasol Blanc (Đệ nhị đẳng huân chương Vạn Tượng và Bạch Lọng).

– Officier de l’Ordre Royal du Cambodge (Đệ tứ đẳng huân chương Hoàng gia Cam Bốt).

– Officier du Mérite Agricole Annamite (Đệ tứ đẳng huân công Canh nông Annam).

– Kim Khánh de 1ère Classe (Kim khánh hạng nhất).

– Kim Tiền hors classe. (Kim tiền ngoại hạng).

– Palmes académiques (Hàn lâm huân chương).

– Ngân Tiền de 1ère classe. (Ngân tiền hạng nhất).

– Médaille coloniale avec agrafe du Tonkin (Huy chương thuộc địa Bắc kỳ).

– Médaillle d’honneur en or de 1ère classe. (Huy chương vàng hạng nhất)[13].

Với ngần ấy huân chương của mẫu quốc và Nam triều, chả trách quan lớn bị Tứ Ly Hoàng Đạo đem ra "phỏng vấn" và ngay sau bài đó, Phong Hóa bị đóng cửa ba tháng.

Bài này nếu xét về ý tưởng thì không có gì phạm thượng, nội dung rất trong sáng: phóng viên chỉ hỏi sơ qua quan lớn những việc không đâu, mở bài bằng đoạn văn tả cảnh khá mơ mộng:

"Một anh mán Bạch miêu đầu trọc lốc, đỉnh sọ phất phơ cái chỏm con, mời tôi vào ngồi đợi lệnh quan lớn Vi Văn Định trong một gian phòng khách, kiểu nửa ta nửa tây. Bỗng nghe thấy tiếng nói bên cạnh cửa sổ:

– Noọng đây slao lai. Cố đíp noọng lai (Cô em đẹp lắm tôi yêu cô em lắm).

Tôi nhìn ra thấy một cô gái Thổ vừa kêu vừa đuổi con mèo tam thể đương cong đuôi chạy.

Câu tiếng Thổ nhẹ nhàng, gợi trong tôi những giọng… gió gào ngàn, những cảnh rừng sâu, cây cả, đầy một không khí mãnh liệt gớm ghê…

Tôi đương vơ vẩn tìm cái chân tướng của người Thổ, Mán, không biết họ ngây thơ hay dữ tợn, hay vừa ngây thơ vừa dữ tợn như cô gái Thổ trong truyện "Một đêm trăng" của Thế Lữ, thì bỗng cửa phòng hé mở, rồi thấy ló ra cái đầu trơn trụi, bóng loáng của một anh mán sơn đầu. Tôi rợn mình tưởng như sắp lạc vào nơi lạnh lẽo, thâm u… Anh mán nhoẻn miệng cười, vẫy tôi sang gian phòng bên cạnh.

Gian phòng này cũng là gian phòng khách, song bầy biện toàn lối Thổ: thảm ngũ sắc bầy khắp nơi, nỏ và ống đựng tên treo la liệt trên tường. Trên một cái sập gụ – cái sập có cái đặc điểm là chân kê rất cao – chỉnh chện quan lớn Tổng đốc Vi Văn Định ngồi bắt chân chéo kheo. Quan lớn chạc chừng tứ ngũ tuần chi gian, bảnh bao trong chiếc áo gấm lam, đẫy đà phì nộn như một ông quan annam chính thức, ba chòm râu xanh rũ xuống che cái thẻ ngà lõng thõng trước ngực như ba cái đuôi chủ của các nhà đạo sĩ Tầu xưa. Đứng bên cạnh bàn quan lớn, có một chị ngây thơ như mán rừng, đầu buộc ngang một vuông vải đen, viền chỉ hoa: đích thị là một chị mán cóc.

Quan Lớn thấy tôi vào vẫn ngồi yên trên sập, vẻ hách dịch, đường bệ, tròn trĩnh… Tôi ngả đầu chào thì quan lớn chỉ sẽ gật đầu và nhếch mép:

– Thầy ngồi chơi.

Quan lớn thật đã thành ông quan annam đặc, không còn có cái vẻ ngây thơ của những cô gái Thổ hát đúm ở lưng đèo".

Nếu bạn để ý, sẽ thấy phóng viên không coi quan lớn là ông quan annam, mà chỉ khen Quan lớn thật đã thành ông quan annam đặc, ý này muốn nói kháy: quan lớn đã mất hết sự ngây thơ trong sáng của người Tày, chỉ còn giữ lại sự dữ tợn của cô gái Thổ sát nhân trong truyện "Một đêm trăng" của Thế Lữ, quan lớn lại học thêm được tất cả mánh khoé gian tham độc ác của người Kinh. Đoạn văn ác ở lối tả và cách dùng chữ: những chữ mán Bạch Miêu (mèo trắng), mán sơn đầu, mán rừng, mán cóc… không thể hiện sự kỳ thị của phóng viên đối với người dân tộc, mà chỉ để hạ thấp giá trị quan tổng đốc phì nộn như một ông quan annam chính thức, lại được hộ giá bằng một chị ngây thơ như mán rừng, đầu buộc ngang một vuông vải đen, viền chỉ hoa: đích thị là một chị mán cóc. Giọng điệu quan lớn trong bài phỏng vấn, đối với mẫu quốc, càng tỏ rõ phong cách tôi đòi và công bình địa miền châu thổ của ngài:

"Dân được an cư lạc nghiệp là công của nhà nước bảo hộ. Còn bản chức, bản chức chỉ mong nối gót quan Từ, Tổng đốc xưa" [Hoàng Cao Khải?]

"Quan lớn họ Vi cười tủm, hai cái môi của quan cong lên như cái vành móng ngựa, trong lúc ba chòm râu tốt rung rung vì cảm động và hai con mắt nhỏ híp lại một cách oanh liệt".

"- Tướng quân thích làm quan miền đồng bằng hay làm quan miền thượng du?

Một nụ cười mỉm bí mật lộ ra sau mấy chòm râu thuôn tuột, quan lớn Vi trả lời tôi một cách thâm thúy:

– Bản chức thì nhà nước đặt đâu xin ngồi đấy. Bản chức dẫu ngồi ở trung châu, mà bao giờ cũng còn những mỹ tục của cố hương. Ngài có thấy cái sập này kê cao không? (…)

– Kê cao sập có ý nghiã sâu xa lắm. Cái sập này tiêu biểu cho cái nhà sàn trên chúng tôi…"

Mới đọc qua những lời này, bạn tưởng là vô thưởng vô phạt, nhưng kỳ thực đầy ẩn ý:

Hỏi: Tướng quân thích làm quan miền đồng bằng hay làm quan miền thượng du? Là muốn nhắc đến công nghiệp bình địa vùng đồng bằng, vây bắt bọn "phản loạn" Quốc dân đảng, giúp nhà nước bảo hộ tiêu diệt mầm mống nội loạn để dân cư được sống thái bình an lạc, đó là giá những mề-đai của mẫu quốc.

Khi vẽ chân dung ngài, phóng viên cũng chỉ dùng vài nét vờn: "Quan lớn họ Vi cười tủm, hai cái môi của quan cong lên như cái vành móng ngựa, trong lúc ba chòm râu tốt rung rung vì cảm động và hai con mắt nhỏ híp lại một cách oanh liệt", nhưng đầy hàm ý: ví môi quan lớn cong cong như cái vành móng ngựa có khác chi nói miệng ngài chuyên nghề buộc tội như miệng công tố, và hai con mắt nhỏ híp lại một cách oanh liệt để chỉ cái tướng ác ngầm trong đôi mắt ti hí mắt lươn và hai chữ oanh liệt để chiếu vào những chiến công và sự tra tấn rùng rợn mà quan lớn thực hiện trên thân thể bọn tù Quốc dân đảng.

Sau bài này, Phong Hóa bị đóng cửa ba tháng là "đích đáng" lắm rồi.

Nhưng không phải Tứ Ly không biết trước việc sẽ bị đóng cửa, trong bài viết Tại sao Phong Hóa phải đình bản (Phong Hóa số 152, 6-9-35) Lãng Du [Nhất Linh] kể lại:

"Sau khi nhận được giấy đóng cửa báo ba tháng. Tứ Ly có bảo tôi rằng:

– Việc đó đã định từ trước!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Thế ra anh đã biết?

– Chính vậy.

– Anh biết mà anh không bảo cho chúng tôi hay để tìm cách ngăn ngừa.

Tứ Ly Tử cười nhạt đáp:

– Vô ích, cơ trời đã định.

Ngừng một lát, Tứ Ly Tử ngửa mặt lên trời, than rằng:

– Ngày xưa Gia Cát Lượng biết nhà Hán sẽ mất mà vẫn phò Lưu Bị. Tôi biết là viết mục "cánh chuồn" sẽ có kết quả không hay mà vẫn phải viết".

Tứ Ly thừa biết khi đánh vào hai quan đại thần hàm Thái Tử Thiếu Bảo bồi Tây là sẽ có chuyện, nhưng ông cứ làm, cũng như sau này, biết rằng cầm súng chống Pháp sẽ thất bại, nhưng không thể đừng.

Sau khi được cho phép ra báo trở lại, Tứ Ly chuyển hướng, không nhắm vào các vị ngực đầy huân chương mẫu quốc nữa, mà tung ra loạt bài "nhu mì" hơn như Đi xem mũ ni[14] và nhất là loạt bài Đi xem mũ giấy[15], lần này phóng viên chịu khó xuống tận âm ty phỏng vấn ma: bài thứ nhất phỏng vấn Đức Diêm Vương, bài hai phỏng vấn Đức Khổng Tử, rồi phỏng vấn một ông nghị ma có chân trong hội Khai Trí Tiến Đức và sau cùng, phỏng vấn Đức Phật Tổ Như Lai. Loạt bài này rất lý thú, đưa Tứ Ly lên hàng đầu những nhà hoạt kê thâm thúy. Phóng viên dùng thứ ngôn ngữ hai chiều, hỏi đủ mọi thứ chuyện, từ chuyện triết học đến những chi tiết liên quan đến cuộc đời đô hộ, mà không bị nhà nước bảo hộ phong toả, bởi vì nhà nước không thể kiểm soát được cửa thiền, cũng không nghe lén được thế giới âm ty, nhất là "phát biểu" của các vị đã hóa người thiên cổ từ mấy ngàn năm nay như Đức Khổng Tử, Đức Phật.

Phản đối việc chia rẽ ba kỳ

Phản đối việc chia rẽ ba kỳ là một đề tài lớn của Phong Hóa.

Từ Phong Hóa số 137 (22-2-35) Tứ Ly tung ra chiến dịch phản đối việc chia ba đất nước: Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Mục Người và việc, Từ nhỏ đến lớn đóng khung câu này: Làm gì có Trung Kỳ, Nam kỳ, Bắc kỳ, và dưới tiểu tựa Phân chia Nam Bắc, Tứ Ly viết:

"Không biết tự bao giờ sinh ra tiếng Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, để cho một nước lại hóa ra ba nước (…) Nhưng bọn vô học thức nào có biết đâu xưa kia ở chốn thâm quê lặng lẽ, đã có câu hát:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước thì thương nhau cùng

Họ có biết đâu xưa kia, dân ta cùng một lòng mở mang bờ cõi, từ bắc xuống nam, phá Chiêm Thành, thị oai với Ai Lao, Diến Điện, bảo hộ nước Cao Miên…

Ngày nay, chính làng báo ta, tuy nát bét, phải tự cho nghiã vụ mình là bảo cho họ biết…

Cho họ biết rằng Nam Bắc không khác gì nhau, và những tiếng "xứ Nam kỳ", "xứ Bắc kỳ" và "xứ Trung kỳ" là những tiếng nên bỏ "quách" như tiếng "quan" (…)

Cho họ biết rằng những đội ban Gia Định, Victoria, Eclair, Seph, không phải là những đội ban đứng đại diện cho "nước Bắc kỳ" hay "nước Trung kỳ" để tranh tài với "nước Sài gòn", cho họ biết rằng cả nước Nam chỉ là một, quyền lợi, nghiã vụ, đều chung, mà người Nam hay Bắc toàn là người nước Nam cả, không khác nhau mảy may.

Nếu không, nước Nam không phải là… nước Nam mà làng báo ta chỉ là làng báo xôi thịt mà thôi." (Phong Hóa 137, 22-2-35).

Chữ kỳ có từ bao giờ?

Chữ kỳ có từ thời Minh Mạng. Sau khi đại thắng quân Thanh, Quang Trung đổi Thăng Long thành Bắc Thành. Gia Long giữ nguyên tên Bắc Thành, nhưng chữ Bắc Thành thời Gia Long vừa chỉ Thăng Long, vừa chỉ miền Bắc, cũng như chữ Gia Định thành vừa chỉ Sài Gòn vừa chỉ miền Nam; còn Kinh kỳ hay kinh sư chỉ Thừa Thiên Huế.

Sang đời Minh Mạng, chữ Bắc kỳ xuất hiện khá sớm, Đại Nam thực lục năm Minh Mạng thứ 11 (1830), đã có câu: "Đắp thành đất 10 phủ Bắc kỳ" (Đại Nam thực lục, tập ba, trang 10) hoặc "Định hạn ra thú cho các giặc trốn ở Bắc kỳ" (trang 49). Năm Minh Mạng 12 (1831) vua bắt đầu công trình cải tổ hành chính lớn lao: từ Quảng Trị ra Bắc, gồm 11 trấn, từ trước đến nay mỗi trấn đều do một Tổng trấn cai trị, quyền hành quá lớn. Vua quyết định phân quyền: bỏ trấn, lập những đơn vị hành chính nhỏ hơn như huyện, phủ, do Tri huyện, Tri phủ, phụ trách. Tỉnh, do Tổng đốc, Tuần phủ coi việc cai trị và Bố chính, Án sát, coi việc tài chính, thuế khoá và luật pháp. Năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên Bắc Thành là Hà Nội. Năm 1832, vua bắt đầu cải tổ hành chính phiá Nam: từ Quảng Nam trở vào Gia Định, gọi là Nam kỳ[16]. Tóm lại, dưới thời Minh Mạng, Bắc Thành đổi tên là Hà Nội, chỉ có Bắc kỳNam kỳ, ở hai đầu, còn vùng giữa, thuộc kinh đô, gọi là Kinh kỳ hay Kinh sư. Hệ thống quan lại ở nước ta cho tới thời Pháp thuộc, là do vua Minh Mạng định đặt.

Chữ kỳ thời Minh Mạng chỉ có nghiã là cõi, không có ý chia rẽ gì cả. Khi người Pháp xâm lấn nước ta, họ chiếm Nam Kỳ trước, Bắc Kỳ sau, rồi chia thành "ba nước" để trị. Trên nguyên tắc, miền Trung thuộc triều đình, nhưng vua đã mất quyền: viên Khâm Sứ chủ tọa Cơ Mật Viện từ thời Thành Thái, vì Toàn quyền Paul Doumer đã tự ý thay đổi các điều khoản trong hòa ước Giáp Thân 1884, để biến nước Việt Nam thành một thuộc địa toàn phần, việc này sẽ nói rõ hơn trong một chương sắp tới.

Chống lại việc chia rẽ ba Kỳ là hành động phản kháng đầu tiên trực tiếp chống lại chính sách cai trị của Pháp, trên hai số báo Phong Hóa, số 137 (22-2-35) với bài viết của Tứ Ly, đả phá việc chia rẽ ba kỳ đã trích dẫn ở trên. Và Phong Hóa số 146 (26-4-35) có tranh vẽ Nguyễn Phan Long chia rẽ Nam Bắc của Tô Ngọc Vân.

clip_image004

Nguyễn Phan Long chia rẽ Nam Bắc của Tô Tử (Tô Ngọc Vân), Phong Hóa 146

Sau khi bị đóng cửa ba tháng, vấn đề chia rẽ Nam Bắc lại trở lại, kín đáo hơn, sâu sắc hơn với bài xã luận Chia rẽ Nam Bắc của Nhị Linh (Khái Hưng) trên Phong Hóa số 151 (31-8-35), không đánh Pháp mà trách người Việt:

"Chúng tôi lấy sự chia rẽ làm đau lòng, vì chia rẽ bao giờ cũng chỉ có hại. Trong hai trăm năm họ Nguyễn, họ Trịnh chia rẽ đánh nhau chết hại nhân dân. Nói rằng nhờ sự chia rẽ của hai họ ấy, mà nước ta đã mở rộng vào phiá nam, là nói mò. Đời Lý, đời Trần, đời Tiền Lê đã bắt đầu cuộc nam xâm. Nếu không có sự chia rẽ kia thì biết đâu bờ cõi nước Nam ngày nay không giáp Ấn Độ rồi.

Một điều chắc chắn là sự chia rẽ đã làm chậm sự tiến hóa của dân tộc Việt Nam (…) Cái ý chia rẽ hình như đã in sâu vào óc người mình thì phải. Tôi còn nhớ ngày tôi ở trường, thấy anh em trong Nam họ chỉ chơi thân với nhau mà thôi. Đối với người ngoài Bắc họ rất hững hờ. Có khi đương to nhỏ truyện trò thân mật với nhau, thấy có bạn học Bắc đến, họ im ngay. Có lẽ học trò ngoài Bắc vào trong Nam cũng vậy.

Tôi vẫn tưởng chỉ trẻ con mới có tính trẻ con ấy. Ai ngờ người lớn đầu cũng vậy. Không thế sao người cùng một nước, nói cùng một thứ tiếng, mà họ bầy vẽ lập nên những hội "Bắc kỳ tương tế" ở trong Nam và "Nam kỳ tương tế" ở ngoài Bắc. Thì sao không lập ngay ra hội "Việt Nam tương tế" có hơn không? Cùng là giống Annam cả thì giúp đỡ một người Saigon có khác gì giúp đỡ một người Hà Nội… Vậy muốn đánh đổ tư tưởng chia rẽ, trước hết phải phá bỏ những hội Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ tương tế đi. Tôi là người Annam thì dẫu tôi sống ở Bắc hay tôi sống ở Nam cũng vẫn là sống ở trong nước tôi. Tôi có sống trong một nước khác đâu mà bảo những người cùng nước tôi cứu giúp tôi. Rồi khi tôi chết, dẫu được chôn ở nghiã địa Bắc kỳ hay nghiã địa Nam kỳ, bộ xương của tôi cũng nát ra mà về đất, đất nước nhà."

Những gì Khái Hưng viết, thường đúng rất lâu: chuyện hội "Bắc Việt tương tế" lại tái bản sau 1954. Và đến bây giờ, khi chúng tôi có dịp nói chuyện với một số bạn người Nam, họ cũng cho biết: không thích ra Bắc, dĩ nhiên ngoài lý do chính trị, còn có cái gì khác. Gặng hỏi thì họ nói: dân Bắc "thiếu văn hóa", nói tục, họ không tìm thấy cái gì "hay" ngoài Bắc cả! Dĩ nhiên, khi nói chuyện với một số người bạn ở Hà Nội, tôi cũng nghe được một số ý kiến tương tự, về người Nam. Vậy chỉ khi nào dân ta bỏ được sự kỳ thị Nam Bắc hỗn hợp với kỳ thị quốc cộng, thì mới không cần đến những lời răn của Khái Hưng.

Hý họa Nguyễn Gia Trí

Như trên đã nói: kể từ số 160, Tô Tử đi Nam Vang dạy vẽ. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nguyễn Gia Trí – dù bận học ở trường Mỹ thuật – đã trở về Phong Hóa vài số trước khi Tô Ngọc Vân ra đi. Vì trên Phong Hóa số 158 (18-10-35) có 2 bức tranh, ký bằng dấu ấn Tự Lực văn đoàn, nhưng qua nét vẽ, ta có thể đoán của Nguyễn Gia Trí. Tranh bìa Trong đình làng báo, tuy vẽ đình làng báo nhưng thực là vẽ đình làng, hay xã hội Việt Nam thu nhỏ, dưới thời Pháp thuộc, với một toàn cảnh cực kỳ "đồi trụy": chiếu trên chiếu dưới, rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, trong khi dân chúng xương bọc da ngồi bệt dưới đất làm tôi đòi.

clip_image006

Trong đình làng báo, Phong Hóa 158

Trang 2, Phong Hóa số 158, còn có bức tranh Ông nghị đi họp hội đồng, vô cùng mai mỉa, trình bày sự bóc lột dân lao động của hạng nghị mập phì, sự vô nhân của lớp người dựa vào nền dân chủ nửa mùa của thực dân để đàn áp dân chúng lầm than đói khổ:

clip_image008

Ông nghị đi họp hội đồng, Phong Hóa 158

Phong Hóa số 159 (25-10-35) bìa vẽ bức tranh Tam đa: Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh, vẫn ký dấu ấn TLVĐ. Chủ đề Tam đa là do Nguyễn Gia Trí đặt ra để mô tả xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, chia làm ba hạng:

1- Tham quan

2- Làng xã (nghiện, hút)

3- Dân đen (con đỏ).

clip_image010

Tranh Tam Đa của Nguyễn Gia Trí, Phong Hóa 159

Bức tranh Tam đa trên đây vẽ Bang Bạnh biểu hiệu loại tham quan phì nộn, mọt dân mà Tứ Ly phỏng vấn trong loạt bài Đi thăm mũ cánh chuồn. Làng xã là một bầy nghiện hút được biểu hiệu bằng hai nhân vật: Lý Toét, cầm ô treo điếu (thuốc phiện) tay ôm hai chai rượu, và Xã Xệ, tay ôm, cổ đeo, dưới chân bò những đứa bé bụng ỏng, biểu hiệu dân đen con đỏ: Đó là hình ảnh nước ta dưới thời Pháp thuộc qua nét vẽ Nguyễn Gia Trí.

Phong Hóa số 185 (1-5-36), trang 4, có tranh Tam đa đổi ra Tứ quý. Tranh này cùng chủ đề với Tam đa, nhưng có thêm quan Tây: 1- Quan ta, 2- Quan Tây, 3- Làng xã, và 4- Dân đen. Quan Tây tức là hạng quan mới, Tây học hoặc đi du học bên Tây, mô-đéc hơn nhưng cũng hết lòng với mẫu quốc, tranh ký G.Trí.

clip_image012

Tranh Tam đa đổi ra tứ quý, Phong Hóa số 185 (1-5-36), ký G.TRI

Phong Hóa số 160 (1-11-35) có truyện vui Tiễn nhau của Khái Hưng viết để tiển Tô Tử đi Cao Miên, đồng thời Nguyễn Gia Trí trở lại, ký tên GT, trên bức tranh Đi xem số (trang 2) và dưới những bức minh họa truyện dài của Khái Hưng.

Phong Hóa số 161 (8-11-35) có tranh Bài Tây không ký tên chắc của Gia Trí, vẽ hai cảnh:

Cảnh 1: chủ bài là dân quê rách rưới, rao: Một hào thành hai, hai hào thành bốn, ai đánh… Cảnh 2: … thì đánh đi: Lính Tây cầm dùi cui xông vào đánh tơi bời.

Lối vẽ tranh với lời chua thâm trầm này, ngoài Gia Trí, ít ai làm được: ông vừa chơi… bút lông vừa chơi… chữ để tạo ra bức hý hoạ đa nghiã: bài Tây, chống Tây, đánh Tây, Tây đánh … hiểu thế nào cũng được.

clip_image014

Bài Tây, Phong Hóa 161

Phong Hóa số 174 (14-2-36) có tranh bià Chiếu điện của N GIATRI, rất độc, một mũi tên bắn trúng hai đích: tham quan, ăn nhiều quá bị bội thực phải đi bác sĩ Tây chiếu điện, nội dung dạ dầy phơi bày trên màn ảnh quang tuyến, bác sĩ Tây hoảng hốt: ông đừng "ăn" nữa thì khỏi bệnh. Ta "đọc" bức tranh này theo nghiã đen hay nghiã bóng đều tuyệt cả.

clip_image016

Chiếu điện của N GIA TRI, Phong Hóa 174

Phong Hóa số 175 (21-2-36): có tranh cấm đổ rác của NGT:

clip_image018

Cấm đổ rác của NGT, Phong Hóa 175

Đứng trước biển cấm đổ rác, ông Tây bảo một người Annam:

– Người Annam coi thường pháp luật thật, đi đổ rác vào ngay chỗ cấm.

– Đó là họ định đổ cho ngập hết cái biển cấm đi để tha hồ đổ.

Tranh này lấy tích "đồng trụ chiết, giao chỉ diệt": người Tàu cắm cột đồng trụ ở biên giới, rồi đề câu trù ểm: cột đồng trụ mà đổ thì xứ Giao Chỉ cũng bị diệt. Vì thế, dân ta không dám nhổ cột đồng, nhưng mỗi người đi qua đều bỏ vào chân cột một hòn đá để làm vững cột đồng đồng thời lấp dần cái cột ô nhục.

Ở đây, ông Tây nói: người Annam coi thường luật pháp – nghiã là luật pháp của Tây. Còn người Annam đứng chắp tay sau đít (tay bị trói) giải thích: Chúng tôi đổ rác cho ngập cái bảng cấm ô nhục ấy đi đấy. Ý nghiã thâm trầm, mật thám không thể hiểu nổi.

Phong Hóa số 178 (13-3-36) tranh bià Trên sân vận động Huế, của TRI, chế giễu các quan huyện mới đỗ phải vào Huế, thi lần chót để giành chiếu trên chiếu dưới. Trang 3, vẽ tranh Lưu Quan Trương đời nay, tựa đề Tam anh chiến chai bố, mô tả cảnh rượu chè đồi trụy: lý, xã, tổng… đều nát bét rượu; tranh này cùng chủ đề với tranh Lý Toét uống rượu trên Phong Hóa số 184 (24-4-36)

clip_image020

Tranh bià Phong Hóa số 178

clip_image022

 Tam anh chiến chai bố, Phong Hóa 178

 

clip_image024

Lý Toét uống rượu, Phong Hóa 184

Nguyễn Gia Trí không chỉ chủ trương "bôi nhọ chế độ" và còn nói lên nỗi ô nhục của triều đình, vẽ cảnh dân nghèo trụy lạc, rạc rài cờ bạc, nghiện hút, qua những bức tranh châm biếm, gần như hàng tuần, rất gai mắt, nhưng chính quyền thuộc địa chưa dứt khoát phải đối phó thế nào, bởi vì ra lệnh đóng cửa một tờ báo có khối độc giả lớn nhất trên toàn quốc, cũng cần có một lý do chính đáng.

Và lý do chính đáng ấy đã đến, để kết thúc "tội ác bôi nhọ chế độ": Phong Hóa số 190, có tranh bià: Mưu mẹo Annam để trừ tiệt quan ôn.

Quan ôn nghiã đen là ác thần gieo bệnh dịch, nghiã bóng là quan tham, ác quan. Bức tranh vẽ một bên là âm binh vàng mã, một bên là quan… ôn.

Người dẫn đường giải thích với người ngoại quốc: Chúng tôi bày tiền ra để "cúng", rồi cung cấp súng cho cả hai bên, để chúng tranh giành đánh nhau, chết hết. Có khác gì nói: Bọn mê tín dị doan (vàng mã) và bọn quan ôn (bồi Tây) bắn nhau cho tiệt hết, là chúng tôi (dân đen) thoát nạn.

clip_image026 

Mưu mẹo Annam để trừ tiệt quan ôn, Phong Hóa 190

clip_image028Tam anh chiến nhất Bố, Phong Hóa 190

Bên trong tờ báo, thêm bức tranh Con Lý Toét: A ha! Tam anh chiến nhất Bố, ở trang 9, cũng rất độc đáo: Tam anh ở đây rút ra từ tranh Tam đa, Nguyễn Gia Trí đã vẽ tranh Tam đa trên bià Phong Hóa số 185 (1-5-36), gồm có: quan Ta, quan Tây, và (tệ đoan) Làng xã. Trong bức tranh này, Lý Toét bị ba con chó (tam anh) cắn, thằng con đứng ngoài vỗ tay cổ vũ. Tranh này cực kỳ đớn đau, cay độc: Cha bị ba bề cắn xé, con đứng hoan hô, nói lên sự ngây thơ của dân mình trước sức tàn phá của thực dân và tham quan ô lại.

Phong Hóa bị đóng cửa vĩnh viễn

Tuy vậy Phong Hóa bị đóng của vĩnh viễn từ sau số 190 không phải vì tranh Nguyễn Gia Trí cũng không phải vì những bài viết của Tứ Ly, mà vì lý do chính trị.

Tháng 5 năm 1936, một tin quan trọng từ chính trường Pháp: Liên minh cánh tả do đảng Xã Hội (SFIO) của Léom Blum lãnh đạo, lên nắm chính quyền. Tứ Ly mừng rỡ loan tin:

"Bên Pháp hiện đã bầu cử nghị viên xong.

Liên hiệp dân đoàn thắng thế, nghị viên thiên hẳn về phía tả. Ông Léon Blum, đảng trưởng đảng Xã hội quốc tế chiếm được nhiều ghế nhất trong nghị viện, sẽ đứng ra lập tòa nội các.

Ảnh hưởng của sự thay đổi lớn ấy trong chánh giới Pháp đến thuộc địa, đến dân ta, không phải là nhỏ. Nghị viên Pháp thiên về phiá tả, thì chính kiến đối với thuộc địa sẽ rộng rãi hơn lên.

Quyền lợi của dân thuộc địa sẽ được nới rộng ra, nếu dân thuộc địa biết tự trọng.

Nhưng ta vui mừng cũng không nên quá giới hạn. Đảng Xã hội khác, mà chính phủ do đảng Xã hội bầu lên khác. Ông Léon Blum đảng trưởng đảng Xã hội chưa chắc đã giống ông Léon Blum tổng lý tòa nội các.

Có một sự chắc chắn nhất, là ta phải trông ở ta." (Phong Hóa số 189, 29-5-36)

Khi viết những dòng tin vui mừng này, Tứ Ly đâu biết, chỉ một tuần sau, Phong Hóa bị đóng cửa vĩnh viễn.

Liên hiệp Dân đoàn [Front Populaire] tức Mặt trận bình dân chiếm đa số phiếu trong cuộc bầu cử ở Pháp ngày 26-4 và 3-5 năm 1936 (Pháp bầu cử hai vòng).

Ngày 6- 6-36, Léon Blum ra lập chính phủ.

Toàn quyền René Robin lập tức ra lệnh đóng cửa báo Phong Hóa trước đó một ngày, tức là ngày 5-6-1936 Phong Hóa ra báo cuối cùng, số 190, bởi vì chính quyền Đông dương sợ Léon Blum lên, sẽ nới rộng chính sách tự do báo chí cho dân thuộc địa.

Trên Phong Hóa số 190 (5-6-36), Tứ Ly viết bài xã luận Đi tìm lý tưởng dĩ vãng, đặt kỳ vọng vào sự nới rộng tự do của Mặt Trận Bình Dân, dân ta sẽ tự giác, quét sạch những lề thói cũ, nếp sống xưa của ông cha, để lập một cuộc sống khác:

"Phải, ông cha ta đã sống một cuộc đời êm lặng, một cuộc đời quá êm lặng (…) Khốn khổ, nhục nhằn đến đâu, họ cũng không mơ tưởng, mong ước một cuộc đời khác, vì họ không biết rằng có thể có một cuộc đời khác được.

Họ chỉ còn một việc: là nhắm mắt hành động theo một quy củ có sẵn, theo phép vua, theo lệ làng… họ không cần phải nghĩ ngợi nữa. Trí đoán xét vì thế mà thiên lệch hay là mất hẳn đi. Thời xưa họ không hề nổi giận lúc họ trông thấy một người làm phản mà bị chu di đến cả ba họ.(…) Họ tán dương hành động của cô Thúy Kiều bán mình chuộc cha và cho sự bán vợ đợ con là một việc hợp công lý. Họ coi là hợp lẽ những hành vi trái với lẽ phải, hay làm giảm, làm mất cả nhân cách… Ông Lý lạy ông Huyện, ông Phủ lạy ông Án, đó không phải là một sự đáng bỏ, mà lại còn là một sự hợp lễ nữa…

Những cái quái dị ấy- và ngàn vạn quái dị khác – đều ẩn nấp sau cái không khí nên thơ của đời cũ. Ông cha ta sống yên ổn trong cuộc đời ấy, nền văn hóa ấy, không phải là vì mến yêu nó, nhưng là ví tâm hồn đã bị khuôn vào những mẫu nhất định, là vì tôi xin nhắc lại một lần nữa không thể tưởng tượng một đời khác được."

Có bao giờ chúng ta cảm thấy việc Nguyễn Trãi hay bất cứ tù nhân chính trị nào, bị tru di tam tộc là dã man, tàn ác không? Có bao giờ chúng ta cho rằng việc Kiều bán mình chuộc cha là vô lý, vô nhân, không thể chập nhận được? Chúng ta không có phản ứng trước những sự kiện này, tức là chúng ta chấp nhận, mà chấp nhận tức là đồng loã.

Những lời thống thiết của Tứ Ly báo hiệu một sự dứt khoát tư tưởng trên con đường tranh đấu của Tự Lực văn đoàn: việc cải tổ xã hội, cải tổ chính trị, đổi mới tư tưởng, phải đến từ chính chúng ta, từ trong lòng người dân mong muốn và thể hiện, chứ không thể trông cậy vào người khác, bất cứ người ấy là ai. Kêu gào, van xin người ta bố thí cho tự do dân chủ là điều không tưởng khi chính mình không muốn thay đổi. Ngày xưa hay ngày nay cũng vậy.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Phong Hóa số 19 (27-10-32) có vở hài kịch D.P.T.M.N.T.U.T.A.H.T.T.H. hay là hội Ausecourfem, và Phong Hóa số 22 (18-11-32), có hài kịch Mọt đục cứt sắt của Hoàng Tích Chu (Xem chương: Đổi mới ngôn ngữ).

[2] Lúc đó, vì Nguyễn Gia Trí trở lại học trường Mỹ thuật, nên Tô Ngọc Vân thay Gia Trí phụ trách việc trình bày Phong Hóa từ số 129 (21-12-34) đến số 160 (1-11-35). Sau đó Tô Ngọc Vân đi Nam Vang dạy vẽ, và chỉ trở lại với Ngày Nay từ số 147 (28-1-39) đến số chót, để thay Nguyễn Gia Trí, lúc đó đã đi làm cách mạng.

[3] Cụ Hoàng Tăng Bí, thành viên xây dựng Đông Kinh Nghiã Thục, sau viết báo Trung Bắc Tân Văn.

[4] Cổ tích tân thời, Phong Hóa số 125 (16-11-34), Tam quốc tân thời diễn nghiã, từ Phong Hóa số 131 (4-1-35) đến số 138 (1-3-35) và Những cuộc điều tra phỏng vấn không tiền khoáng hậu – Đi xem mũ cánh chuồn, Phong Hóa từ số 139 (8-3-35) đến số 150 (24-5-35).

[5] Trước vành móng ngựa đăng từ Phong Hóa số 151 (31-8-35) đến số 190 (5-6-36) rồi tiếp tục trên báo Ngày Nay.

[6] Bài Phạm Lê Bổng trên Phong Hóa 151 (31-8-35) và Bùi Bằng Đoàn, trên Phong Hóa số 152 (6-9-35).

[7] Từ Phong Hóa số 153 (13-9-35) đến Phong Hóa số 154 (20-9-35).

[8] Từ Phong Hóa số 155 (27-9-35) đến Phong Hóa 158 (18-10-35).

[9] Tam quốc diễn nghiã, Phong Hóa số 132 (11-1-35).

[10] Phong Hóa số 133 (18-1-35).

[11] như ông Trần Bá Vị, hội trưởng hướng đạo đoàn Trung Kỳ (Phong Hóa số 144); hay vào Nam phỏng vấn ông Nguyễn Phan Long, lãnh tụ đảng Lập Hiến (Phong Hóa số 145), trở lại Huế phỏng vấn cụ Thượng thư bộ kinh tế Nguyễn Khoa Kỳ (Phong Hóa số 146), rồi vào Thanh Hóa phỏng vấn ông Nguyễn Bá Trác (Phong Hóa số 147) hay ra Bắc phỏng vấn ông Bố Nguyễn Quý Toản [tuần phủ] (Phong Hóa số 148).

[12] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tân Việt tái bản kỳ 4, 2006, Cali, trang 116.

[13] Gouvernement général de l’Indochine, Service de l’Information, Souverains et notabilités d’Indochine. Notices par ordre alphabétique, Hà Nội, IDEO, trang 20.

[14] Đăng trên Phong Hóa số 153 (13-9-35), phỏng vấn Tăng Cương Hoà thượng, sư cụ chùa Bà Đá, húy Đỗ Văn Hỷ, đại sư quốc doanh, cao tăng được nhà nước bảo hộ coi như bồ tát, la hán; tiếp đến Phong Hóa số 154 (20-9-35), phóng viên đi vãng cảnh chùa Quán Sứ, trụ sở hội Phật Giáo, gặp tín đồ Lê Dư, chủ tịch hội Chấn hưng đạo đức.

[15] Đăng trên Phong Hóa từ số 155 (27-9-35) đến 158 (18-10-35).

[16] Đại Nam thực lục, tập ba, từ trang 219 đến 266 và trang 392 đến 405.

Comments are closed.