Từ tháp Chàm đến Phố Hội nhìn ra thế toàn cầu, đọc tập thơ Nàng hoa Cát của Kiều Maily

Quỳnh Iris de Prelle

1B1A542E-8261-4125-8EDE-ECF541974C7B

Kiều Maily (phải) và Quỳnh Iris de Prelle

Tôi vẫn nhớ cách đây ba năm khi đọc thơ Kiều Maily giữa rừng thơ nhộn nhịp của thi ca tiếng Việt, tôi đã nhìn thấy và lắng lại, đây có lẽ là một trong những gương mặt thơ tôi cần tìm thấy, cần đọc dù Kiều Maily viết không nhiều, xuất hiện không nhiều nhưng với dòng máu Chăm và hoạt động cộng đồng văn hoá của chị thì tôi luôn tin rằng thi ca tiếng Việt cần có giọng điệu này, cần có sự tham gia có mặt của nàng thơ Chăm thế hệ 8x, chắc còn sót lại ở tộc người ít ỏi ấy. Để trải lòng ra, để cộng hưởng những sắc màu từ ngôn ngữ đến ẩm thực, đến những hoạt động cộng đồng của chị… Và tôi có trong tay tập thơ mới nhất Nàng hoa của cát với ba phần rõ rệt theo một cấu trúc hoàn chỉnh và mở ra những cách nhìn mới, cách nhìn đón nhận những thứ khác ngoài bản thân, ngoài những gì hiện tại sẵn có… Kiều Maily có đủ bản sắc riêng để cô ấy tự tin đứng giữa với thế giới bên ngoài như một ego, một bản thể giữa những khác biệt và hoà nhập.

Nào bắt đầu đọc thơ của Kiều Maily. Không phiền não, không yếm thế, không ủ ê thị thành, Kiều Maily như một chiếc đồng hồ cát chảy từ từ chậm trôi theo một dòng chảy riêng, mạch ngầm riêng… chữ trong thơ chị như cát, lóng lánh vẻ đẹp Chăm mà vừa đủ thâm trầm vừa đủ sự từ tốn duyên dáng như Tạm xa Sài Gòn thôi,

Anh về rồi đây

Con mực nhảy chồm lên kẻ xa lạ quen biết

em cũng về rồi đây anh

cái Bảy la to tiếng nai mai

ta về rồi đây

Những câu chuyện rất riêng, rất Chăm, mà rất tình người, giữa các mối quan hệ xung quanh một cách tự nhiên trong đời sống. Maily vượt qua những khiên cưỡng, những ám thị để có một cách tự sự độc lập.

Apsara gọi em

tiếng gọi như vọng từ nghìn kiếp trước

dội vào muôn kiếp sau

Apsara gọi

không phải ở đâu ngoài em

như từ sâu thẳm lòng em Apsara gọi

Như là tiếng gọi của chính em

Apsara

người là ai          Apsara

mà thở trong em thức trong em múa trong em

điệu diễm ảo cao hơn giấc mộng

Đường cong thân nàng hay đường cong thân em

Apsara

môi người cười hay em đang mỉm cười          Apsara

Có một khoảng cách nào đó mà cô gái này luôn muốn về, tìm về dù cô đang ở giữa quê hương hình chữ S. Cô cần về chính cội nguồn của mình, dân tộc Chăm, văn hoá Chăm đang bị biến mất, trong lo âu của cô, trong những cơn mơ về sông Dinh hay về huyền thoại Nai Tangya. Tất cả những địa danh ấy, trở thành lưu vong, sự lưu vong của một tộc người ở chính nơi gọi là tổ quốc của chính mình. Tôi nhìn thấy sự đồng cảm giữa những người bạn của tôi ở đây, những nơi miền Trung đông xa xôi hay những cộng đồng Hồi giáo, họ di tản khắp nơi và tụ lại miền đất sống.

Cô gái ấy đang thoát ra những ngục tù, tìm đến ánh sáng để gìn giữ bản sắc văn hoá của chính tộc người của mình. Chỉ một tập thơ không nhiều bài, những người tù, nhà tù thấp thoáng đã không chỉ là chữ mà trở thành những điểm nhấn để tôi nhận ra rằng, thơ ca cho chúng ta sự tự do vô tận và tuyệt đối. Bằng cách nào đó, thơ ca đều chuyển tải những âm u khát vọng mãnh liệt nhất, dù nó âm thầm chảy như những nguồn sông mà chúng ta không thể nhìn thấy dưới đáy ngầm kia, vực thẳm kia…

Hắn bước đi

không nói năng không chào hỏi

thẳng vào nhà         ngôi nhà năm xưa hắn từ bỏ

đóng cổng lại

Người chăn cừu nhìn trừng trừng vào bức tường rám nắng

bức tường câm màu âm âm

bức tường và hắn đối mặt nhau không tiếng nói

ba ngày ba tháng ba năm hay ba kiếp người

bức tường và người chăn cừu nhìn trừng nhau

Và hắn bỏ đi

một lần nữa

ngôi nhà mẹ ở lại

Có bao nhiêu tác giả Việt viết về những đàn cừu, nhưng có duy nhất Maily viết về những đàn cừu hay nhất bằng tiếng Việt mà tôi biết, tôi cảm nhận được và dòng thơ này của cô gái ấy trở thành một biệt dụ, ID chỉ có thể là Maily viết hay độc đáo như thế, chỉ nàng sở hữu. Hãy đọc năm câu chuyện về người chăn cừu để thấy ngôi nhà tù hãm, sự trở về hay đỉnh hạn… Bầy cừu trong thơ của nàng dẫn người đọc đến một thế giới tan rã, thế giới của sự ra đi, di tản… thế giới của cái đẹp đang biến mất giữa thiên nhiên, sự thay đổi toàn cầu khí hậu hay sự mất mát của những tộc người ít ỏi… Người chăn cừu phải chăng là cứu thế hay cũng như những kẻ bất lực khác trước những thường hằng, thiên di….

Khi đất không còn xanh

màu xanh lẩn trốn đâu không biết

trắng đồng trắng rẫy trắng núi

trắng con sông xanh

khi dòng sông lìa đời

Người chăn cừu đi sâu vào núi

theo bầy cừu đi tìm dòng sông chưa sinh

bầy cừu đi bầy cừu đi như ma đuổi

bầy cừu về bầy cừu về

người chăn cừu theo về

trắng tay

hay

Làng của tôi là mãi mãi

tình yêu của tôi là mãi mãi

Anh là mãi mãi

và nó biến mất vĩnh hằng chứ không chỉ là một khoảnh khắc nữa. Sự tuyệt vọng không kêu gào, không quằn quại. Nó từ từ ngấm dần để nỗi đau sâu hơn, nỗi đau vô ngôn không thể kết thành lời nhưng thơ của Maily cho chúng ta cái nhận thức ấy, sự thật ấy… Bởi thế, trong thơ của Maily đầy đủ tính hiện thực, cái đẹp riêng bản sắc và tư tưởng của một người nhận ra đầy đủ những mất mát và chỉ có thể tìm thấy, vượt qua những nhà tù trong chữ của thơ.

Comments are closed.