Trương Quang: Phát biểu nhận Giải Văn Văn Việt lần thứ Sáu

Trương Quang

Thưa quí vị,

Với tất cả sự khiêm cung cần thiết, tôi thật sự cảm kích đã được quí vị chọn và trao giải Văn – Văn Việt năm 2021 cho tôi.

Cảm kích vì quí vị phải rất độc lập mới có những cặp mắt săm soi, hiếu kỳ đặc biệt và đủ kiên nhẫn để chọn ra một người viết văn không chuyên bằng tay trái hay tay phải và chưa hề xuất hiện ở Phố sách Đinh Lễ ở Hà Nội hoặc Đường sách Nguyễn Văn Bình ở Sài Gòn, như tôi. Và, tôi cũng chưa từng một lần hân hạnh được gặp một ai trong quí vị để bàn luận về văn chương hay cả những chuyện trên trời dưới biển.

Khiêm cung vì cái nhìn soi mói của quí vị đã vượt qua hàng chục ngàn dặm đường, điểm đúng vào một hưu viên xa xứ thuần Việt, đang cố gắng trở thành một người thuần nông bình thường, trên đường đi tìm nguồn vui an bình, đơn giản với rau cỏ, bầu bí trên mảnh vườn năm mươi mét vuông thuê của làng nơi đang ngụ cư.

Thi thoảng, trên con đường đi bộ từ nhà ra vườn và từ vườn trở về nhà, có khi lòng người-làm-vườn-già chợt chùng xuống, thoáng chút bâng khuâng trước một đám mây lơ lửng giăng trên chòm lá xanh, một mảng nắng vàng trải mình lười biếng trên bãi cỏ, một tiếng chim cu gáy tha thiết vào cuối chiều, một cọng bông súng tím lẻ loi nhú lên trong lòng một con rạch, một đàn vịt nhàn nhã rỉa lông bên chân cầu… Tất cả những hình ảnh đó gợi một thoáng ưu tư, váng vất nhớ thương quê nhà xa vắng, nhưng thường không đủ độ mạnh của những mũi giáo xuyên suốt qua lớp vỏ dày của cuộc sống bình yên, đâm thẳng vào não bộ, gây đau đớn toàn thân, khiến người-làm-vườn-già có thể thốt ra những lời thơ, câu văn lay động lòng người như kỳ vọng. Và chăng, đó là những hình ảnh của NGƯỜI, không phải của TA.

Như người-làm-vườn-già có lần đã bộc bạch đâu đó để mở đầu cho những trang góp nhặt riêng tư về những mẩu đời hầu như bị gạt ra hay tự nguyện đứng bên lề cuộc sống: “Mỗi người sinh ra trên trái đất đều có một số kiếp và cuộc sống riêng như đã được xếp đặt cho mình. Nhưng có quá nhiều mảnh đời còn bị che lấp, không được soi rọi, chan hòa dưới ánh sáng mặt trời chung. Người-làm-vườn-già viết về họ như đã thấy, nghe và cảm nhận với một lòng kính trọng và chân tình, để cùng chia sẻ một số phận với họ”.

Người-làm-vườn-già cũng giống con chim gõ kiến già vo tròn thực tại, hoài niệm và mơ tưởng, về đậu trên cây bàng cổ thụ nhìn xuống khoảng sân nhỏ trước căn nhà thời niên thiếu ở vùng Trẹm – Đà Nẵng, rồi lim dim mắt nghe lại từng tiếng mổ nhặt khoan buồn thảm của chính mình, trong một trưa hè nắng hanh xao xác gió Lào.

Lời quê chắp nhặt dông dài, bấy nhiêu lời bộc bạch chắc đã quá đủ, người-làm-vườn-già xin cáo biệt quí vị để trở về với mảnh vườn nhỏ, bình yên của mình.

Xin cám ơn quí vị.

Comments are closed.