Thơ Lê Chiều Giang

 

Bỏ Nhà

 

Cánh cửa

Xầm. Đóng lại

Chìa khóa? Quăng lên trời.

Ta.

Bước chân phiêu bạt

Tay không,

bầy cuộc chơi.

 

Lưu linh?

Ờ, lưu linh

Tản Đà?… Ta chấp hết!

Cafe?

Dạ, Khổng Tử

Ngàn ly, chưa thấm tháp

 

Mắt sắc như kiếm dao

Chém chơi, vài

Phạm Thái…

Đàn đứt dây lỗi nhịp

Hết hơi, đêm chưa tàn

Ta hát lời ly biệt

Tử Kỳ chết

 dưới trăng

     ***

Đứng giữa trăm ngả đường

Không lui và

chẳng tới

Ta như đêm

mịt mù.

Giữa trùng trùng duyên khởi.

 

Quanh một vòng trái đất

Thèm trở lại chốn xưa

Ngồi bên hè phố cũ

Tỉ tê.

Khóc. Nhớ nhà.

 

Tịnh khẩu

 

Ta sẽ nói gì

Trước khi ngưng thở

Có cần chăng?

Lời.

Tự thú sau cùng.

 

Nắng vẫn bay vàng

Gió vẫn hân hoan

Và ta biết

Chẳng ai ngoài ta hiểu

Một tỷ năm rồi

Điều ta chôn giấu

Sẽ cùng nước sông

Ra biển.

Trôi đi.

 

Cũng chẳng sợ đâu. Mà

Vẫn lắm khi

Một chút “giấu”

Đẹp.

hơn điều phải nói

 

Có những hương thơm muôn đời

Cũng bởi.

Ẩn trong đêm là

Một chút trăng sao

 

Thôi,

chắc không cần phải

“Nói hết” đâu.

Mờ mờ

Bí ẩn. Bớt đau lòng

Thiên hạ.

 

Bố cáo thất tung

 

Cắm cổ

Ta chạy bừa phía trước

Đêm trắng toát

Đêm,

trắng toát

Có tiếng nói nào trên trời kia

Dẫn dắt ta về nơi

…không biết

Ta ra đi

Bàn chân u mê

Thôi,

Chắc không tìm đường trở lại

Những gì chờ

Ở nơi sắp tới

Bếp ấm?

Hay tro tàn

Một ngày?

Hay trăm năm?

Ta thật,

không biết.

 

Nếu chẳng thấy ta thành phố này

Cũng đừng

gắng tìm ở nơi khác

Thôi,

Hãy đăng:

“Bố cáo thất tung”

Cứ nghĩ như ta vừa

Mất tích.

 

Đốt nhà

 

Bới tung.

Từng góc nhà

Xó bếp

Tay nâng niu những tháng ngày xưa

Có bao năm?

Mà như thiên cổ

Nhà ơi.

Giữ lại dùm ta những gió mưa

Giữ lại dùm ta

Ngàn tiếng nói

Âm vang nào chôn dấu, đã lâu

Tiếng thét to, đôi lần tuyệt vọng

Những cười khan.

Những khóc dấu.

Những đêm dài.

Ra đi,

Đốt lửa căn nhà trống

Vung vãi tàn tro

Khắp đất trời

Và, xóa bàn đi

Làm lại hết

Ta thả đời ta,

giữa gió bay.

 

Đầu hàng

 

Đứng mãi trong tranh

Đóng vai: “Góa phụ”

Sáng nay. Ta

Ra với mặt trời

Như kẻ trăm năm tìm về trái đất

Ngó quẩn quanh. Đời

Chẳng thấy ai

 

Ta gọi muôn phương

Gọi ngàn số cũ

Thiên hạ nơi đâu? Chắc

Chết hết rồi.

Bước lại trong tranh và

…Diễn tiếp

Hỡi thế gian

Ta. Bỏ cuộc chơi.

 

Lên đồng

 

Ta ngồi một mình

Trên nóc nhà

Buổi sáng

Trước ngày bỏ đi

Khói thuốc tan trong mây

Rượu.

Đổ đầy máng xối

Ôi,

Ngày xưa.

Nhà xưa.

Người xưa.

Ta hét, ta la

Khô quắt phổi

Ta đứng rất cao không vói tới

Những hồn ma trôi nổi

Lãng đãng.

Vật vờ.

Trôi.

Nhưng ta nghe ra rõ tiếng người

Ta nghe ra lời xưa

To, nhỏ.

 

Ném hết nhang tàn. Tung toé

Trời xanh

Ta khóc như điên

Trong cơn đồng thiếp.

 

Chân dung

 

Đỏ, rất đỏ

Ta tung màu lên tóc

Và xám xanh lấp đầy

Hai con mắt

Ta vẽ ai đây giữa đêm tàn

Thắp sáng trong tranh trăm ngọn nến

Réo hồn ai bằng

Tiếng thở khan.

Phải rất trắng như lòng ta thanh khiết

Vẽ như điên những ai oán

Muôn trùng.

Vẽ như điên tiếng khóc ta rất nhỏ

Bằng chút màu như của

đất chôn.

 

Hát với trăng

 

Như tre trúc đứng cùng

Mưa, nắng.

Ta lắng nghe hướng gió

Về đâu.

Như tiếng hát có khi rớt nhịp

Vẫn chập chờn, réo rắt một

âm hao

 

Thì đã có bao lần vấp váp

Đã thảm thương, chới với

Nhiều phen

 

Cũng không sợ

Yêu.

Thêm lần nữa

Chẳng hề chi, ngã mãi sẽ quen

 

Đêm nay ta hát cùng

Trăng sáng

Gõ một nhịp đời. Mong

lãng quên.

 

CINEMA

 

Xoa lên mắt

Chút cay của ớt

Lệ như mưa dào dạt

Khóc oan.

Đứng giữa trời cao

Đời.

Chứng giám

Vai: “Đào Thương” ta đóng đã xong

 

Thì.

Đi bước nữa rồi…

bước nữa

Bảy tỷ.

Nhân gian chẳng thiếu ai

Chợt nghe trong gió lời bạt mạng

Chẳng thiếu ai. Cứ thiếu

Một người.

 

Không đứng mãi trong tranh

 

[Trích đoạn]

….Đứng giữa đời. Ta

Thật mong manh

Ta giòn tan

Ta sắp vỡ.

Nhìn thiên hạ lứa đôi

Ta mệt nhoài

Ta tắt thở

 

Đêm nằm với tóc

Hương của khói rơm

Lửa than ai nhóm. Mà

Ta cháy tan.

L.C.Gi

 

***

 

THƠ LÊ CHIỀU GIANG, GÕ MỘT NHỊP ĐỜI

 

Ý Nhi

 

Văn xuôi Lê Chiều Giang là một dòng chảy, ngay cả những đợt sóng nhỏ bất chợt, cũng không làm mất đi vẻ mềm mại, duyên dáng.

Thơ Lê Chiều Giang lại là những nhịp gõ ngắn, gấp, tức thì.

Gần như không cần trau chuốt, không cần tìm chữ, không quan tâm đến vần điệu, thơ Lê Chiều Giang là tiếng nói  bật lên từ một cảnh huống, một khoảnh khắc.

Hay, như theo cách nói của chị trong một lần trả lời phỏng vấn, thơ chị là những: “chữ nghĩa chợt đến”.*

IMG_0823

Nhà thơ Lê Chiều Giang

 

Ta, không phải Tôi hay Em như thường thấy, Lê Chiều Giang, trong thơ chị, cũng không thường:

Cánh cửa/ Xầm. Đóng lại/ Chìa khóa? Quăng lên trời/Ta bước chân phiêu bạt/Tay không/Bày cuộc chơi…Ta thả đời ta/Giữa gió bay…Ta ngồi một mình/Trên nóc nhà/Ta hét ta la/Khô quắt phổi…Cắm cổ/Ta chạy bừa về phía trước…Thôi chắc không tìm đường trở lạiXóa bàn đi/ Làm lại hết/Ta thả đời ta/Giữa gió bay…

 

Ta đã ngồi với rượu và với cả khói thuốc bay, khác nào các đấng nam nhi:

Lưu Linh? Ờ, lưu linh

Tản Đà? Ta…chấp hết

hay:

Ta ngồi một mình trên nóc nhà

Buổi sáng.

Trước ngày bỏ đi

Khói thuốc tan trong mây

Rượu

Đổ tràn máng xối

 

Nhưng

Xem ra, cuộc chơi được Ta bày ra cho mình quả thật không dễ chơi.

Ta đã hơn một lần: Bước lại trong tranh và/ diễn tiếp.

Ta đã hơn một lần ra tuyên bố: Hỡi thế gian/ Ta bỏ cuộc chơi.

 

Chìa khóa căn nhà đã quăng đi thật xa nhưng lòng lại:

Thèm trở lại chốn xưa

Ngồi bên phố cũ

tỉ tê.

Khóc. Nhớ nhà…

 

Tưởng đã “đốt lửa căn nhà trống/vung vãi tàn tro/khắp đất trời” mà không thôi tiếng gọi:

Nhà ơi

Giữ lại giùm ta những gió mưa

Giữ lại giùm ta ngàn tiếng nói

…Những cười khan

Những khóc dấu

Những đêm dài

 

…Ôi

Ngày xưa

Nhà xưa

Người xưa…

 

Ta có lúc đã phải cay đắng nhận ra:

Đứng giữa trăm ngả đường

Không lui và

Chẳng tới

Ta như đêm.

Mịt mù.

Giữa trùng trùng duyên khởi…

 

Nhưng

Rồi sau tất cả,

Lê Chiều Giang đã tìm được một cuộc chơi khác cho mình.

Những tản văn của chị, những bài thơ của chị đã đem lại cho chúng ta một vẻ đẹp riêng biệt.

Mừng Lê Chiều Giang.

 

* Phỏng vấn nhà thơ Lê Chiều Giang do Triều Hoa Đại thực hiện.

 

                                                                           SG 7/2022

                                                                             Y.N

 

Comments are closed.