Việc một số nhà văn nhà thơ vừa tuyên bố ly khai với Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN) trước thềm đại hội năm nay làm cho nhiều người phải suy nghĩ, không ngoại trừ những nhà văn khác còn đang ở trong hội này.
Khởi điểm là Ban Chấp Hành HNVVN chỉ đạo gạch tên một số các hội viên, không đồng ý cho đi tham dự đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam vào tháng 7 sắp tới tại Hà Nội, vì những thành viên này cũng là thành viên của Văn Đoàn Độc Lập, một “Hội Nhà Văn” khác mới thành lập không chấp nhận sự chỉ đạo và sự kiểm duyệt từ phía Nhà nước.
Có những bài viết khá mạnh mẽ phản đối việc chỉ đạo gạch tên này và lý do rời bỏ của các nhà văn ly khai có thể làm “mất mặt” những người còn đang ở trong HNVVN. Lý do chung chung cho rằng HNVVN là “sọt rác”, hội đã lâu không có những tác phẩm đáng giá, mọi tác phẩm của hội viên phải chịu kiểm duyệt từ phía Nhà nước là Đảng CSVN trước khi lưu hành, và ông đương kim chủ tịch hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, không có đủ nhân cách, xu nịnh, bất tài.
Nhận định cho rằng những nhà văn/thơ tuyên bố ly khai chỉ để “thể hiện thái độ giận lẫy” là không có cơ sở bởi hầu hết các nhà văn ly khai này đã từ lâu không còn chủ động tham gia bất cứ các hoạt động nào của HNVVN. Nhân sự việc trên họ mới công khai lên tiếng rời bỏ.
Thực chất vấn đề khá đơn giản nếu HNVVN dùng tên gọi cho hợp lý và đúng nghiã.
Từ ngữ là những qui ước của con người để thống nhất truyền đạt. Trong quá trình những năm vừa qua, những qui ước này vì mục đích nào đó đã không còn được tôn trọng, thậm chí còn bị lưu manh hóa, nhiều khái niệm bị đánh tráo. nhiều từ ngữ bị bóp méo, ngô chẳng còn là ngô, khoai chẳng còn là khoai.
Chính vì thế luật pháp mỗi nơi được hiểu mỗi khác, quan chức hiểu theo kiểu quan chức, dân hiểu theo kiểu dân. Xã hội rối loạn, mất ổn định là hệ quả rất lớn của sự nhập nhằng này. Hội Nhà Văn Việt Nam cũng “nhập nhằng” với chính danh xưng của mình, vơ tất cả nhân lực và văn chương Việt Nam vào cho mình với cái tên như đang gọi, lại còn mưu toan thủ tiêu nhưng hội đoàn văn học độc lập khác.
Căn cứ theo cách ứng xử, nếu Hội Nhà Văn Việt Nam lấy tên đúng nghiã của mình là “HỘI NHỮNG NHÀ VĂN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM” thì sự việc đã không phức tạp đến thế.
Với tên gọi như vừa nêu trên, ai cũng có thể nhận ra ngay hội này là hội gì, thuộc về đâu. Nếu ai thấy hội không phù hợp thì không tham gia, còn ai muốn tham gia, tức là muốn phục tùng và chấp hành dưới sự chỉ đạo của Đảng CSVN thì cứ việc đáp ứng điều kiện để xin vào hay ở lại.
Và như thế, những nhà văn/thơ đang còn tồn tại trong hội cũng biết mình đang đứng ở chỗ nào. Họ có ca tụng đảng, viết theo chỉ thị của đảng cũng là lẽ thường, vì đó là “tự do ngôn luận” của họ mà không ai có quyền báng bổ. Người ngoài hội có thể cho đó là “rác”, nhưng với họ đấy là “chân lý” thì đã sao?! Đúng hay sai thì lại là câu chuyện ở tầm nhìn khác.
Chúng ta dù lý lẽ nào cũng nên đối xử công bằng với những nhà văn/thơ còn ở trong Hội Nhà Văn Việt Nam. Hay nói một cách chính xác hơn, hãy công bằng với “HỘI NHỮNG NHÀ VĂN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM”.
Đinh Phương
Những bài viết được tham khảo:
http://vanviet.info/van-de-hom-nay/tuyen-bo-tu-bo-hoi-nha-van-viet-nam/
http://vanviet.info/van-de-hom-nay/may-loi-tm-su/
http://boxitvn.blogspot.de/2015/05/20-tac-gia-rut-khoi-hoi-nha-van-viet-nam.html#more
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150513/vu-soan-mua-thu-cua-hoi-nha-van
http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Le-Cheo/b-n-mu-n-gi-h-i-nha-van-vi-t-nam.html
http://damau.org/archives/36792
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/vn-writer-asso-serv-to-whom-ml-05092015071516.html