Lại (lược) bàn về phong thủy

Phạm Lưu Vũ

(tạp bút)

 

Ai cũng biết và công nhận Cao Biền đời nhà Đường là một nhà đại phong thủy, cổ kim hiếm có. Nhưng ít người biết Cao Biền còn là một người tu tiên đắc đạo ở quả vị tương đối cao (có lẽ phải tương đương quả vị A La Hán). Tiếc rằng không phải Chánh đạo, mà là ngoại đạo.

(Dã?) sử của ta vẫn coi ông là kẻ đã đóng cọc, yểm bùa ở sông Tô Lịch nhằm trấn yểm (phá hủy) Đại can long (long mạch đế vương) ở chốn này.

Chân lý phong thủy nhận định một cách rõ ràng rằng Đại can long là một yếu tố tiên quyết để có thể lập quốc, hình thành một quốc gia. Nơi nào có Đại can long thì nơi đó mới có thể lập thành một nước, bất kể diện tích rộng hay hẹp, dân số nó nhiều hay ít, bao gồm một hay nhiều chủng tộc… (Singapore, Mỹ… là những thí dụ). Không có Đại can long thì dù rộng lớn, đông dân, chủng tộc lâu đời, thuần khiết… đến mấy cũng mãi mãi chỉ là “vùng lãnh thổ” mà thôi.

Trong bài “Thăng Long lược phong thủy ký” trước đây, tôi đã chỉ ra ở Trung Quốc có tới 3 Đại can long.

Có nhiều Đại can long cũng chưa hẳn đã là điều hay, bởi như thế thường hay bị nội chiến, chia cắt (Trung Quốc, Triều Tiên là những thí dụ).

Trở lại chuyện Cao Biền. Có thực việc làm của ông nhằm phá hủy long mạch?

Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 5, kỉ thuộc Tùy, Đường chép: “Giáp Thìn, [824], (Đường Mục Tông Hằng, Trường Khánh năm thứ 4). Mùa đông, tháng 11, Lý Nguyên Gia thấy trước cửa thành có dòng nước chảy ngược, sợ trong châu nhiều người sinh lòng làm phản, vì thế dời đến đóng ở thành hiện nay. Bấy giờ Nguyên Gia dời phủ trị đến sông Tô Lịch, mới đắp thành nhỏ thôi, có người thầy tướng bảo rằng: “Sức ông không đắp nổi thành lớn, sau 50 năm nữa ắt có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ”. Đến đời Hàm Thông [860-874], Cao Biền đắp thêm La Thành, đúng như lời người ấy. Lại xét: Phủ thành đô hộ trước đó ở ngoài thành Đông Quan ngày nay, gọi là La Thành, sau Cao Biền đắp thành hiện nay, thành bên ngoài cũng gọi là La Thành)”.

Thực ra thì Hà Nội thời đó là một vùng đất trũng, ngập nước lâu đời, long mạch (đại can long) xuất phát từ núi Tản Viên tuy đã hình thành, nhưng còn non (nộn), nền đất rất yếu, Lý Nguyên Gia (tiết độ sứ nhà Đường lúc bấy giờ) là hạng phàm phu sao biết được điều ấy nên thành đắp lên lại sụt, không thể đắp lớn được.

Đúng là phải đợi đến khi Cao Biền được vua Đường cử sang làm Tiết độ sứ, thì La Thành (thành lớn) mới được đắp. Tại sao Cao Biền làm được cái việc mà trước đó Lý Nguyên Gia không làm nổi? Tất cả nhờ ở kiến thức về phong thủy đã đạt tới trình độ siêu việt của ông.

Môn phong thủy học coi đất (địa) là một cơ thể sống có tịnh, có biến, có nhược, có cường, có kinh mạch, thần khí… y hệt cơ thể của một người đàn bà (vì đất – địa thuộc về âm).

Sự chuyển vận mạnh hay yếu, bế (tắc) hay khai (thông) của hệ kinh lạc trong cơ thể con người quyết định thể trạng mạnh hay yếu… của chính con người ấy. Môn châm cứu trong y học cổ từ đây mà ra.

Kinh mạch chuyển vận tạo nên các huyệt đạo (gọi là kết huyệt). Có 2 loại huyệt: huyệt âm (lồi), và huyệt dương (lõm). Người thầy thuốc căn cứ vào các huyệt đạo trên cơ thể con người để biết đường đi (và tình trạng) của toàn bộ hệ kinh lạc. Nhà phong thủy căn cứ vào các huyệt đạo (kết) trên mặt đất mà hình dung ra đường đi của hệ long mạch, tựa như người ta nối các điểm trên bản đồ vậy.

Việc Cao Biền cho đóng các cọc sắt ở những vị trí nhất định trên sông Tô Lịch ngày trước, nói ra, kẻ không tin sẽ cho là hoang đường, chứ thực không khác gì việc châm cứu của các thầy thuốc trên cơ thể người bệnh vậy.

Nghĩa là việc làm đó của họ Cao nhằm trấn yểm (làm cho bế tắc dẫn đến phá hủy) hay ngược lại, nhằm khai thông, củng cố long mạch? Nếu làm cho bế, thì (cơ thể) đất càng bị yếu đi, sụt thấp đi… đến chỗ bị hủy hoại, chứ không thể ngày càng nổi lên, đồng thời ngày càng vững chắc được.

Và như thế thì Cao Biền mới đắp được La Thành. Nền đất không những không bị lún sụt, mà ngày càng vững chắc thêm, dần dần đã nổi lên hẳn giữa một vùng sông nước bao la.

Chẳng phải mỗi chuyện đắp thành. Họ Cao còn dùng kiến thức phong thủy siêu tuyệt ấy của mình “kéo” cả sấm sét trên trời xuống, thay cho mìn phá đá để đào kênh. Cũng quyển sử kia chép: “Đinh Hợi [867], Cao Biền đi tuần thị đến hai châu Ung, Quảng thấy đường biển có nhiều đá ngầm làm đắm thuyền, vận chở không thông, bèn sai bọn Nhiếp trưởng sử Lâm Phúng, Hồ Nam tướng quân Dư Tồn Cổ đem quân bản bộ và thủy thủ hơn nghìn người đến đục đá khai đường, bảo rằng: “Đạo trời giúp người thuận, thần linh phù kẻ ngay. Nay khai đường biển để giúp sinh dân, nếu mình không theo lòng riêng thì có gì khó. Các đô hộ thời trước không khao thưởng quân sĩ, giữ phép không vững, làm sai lời hứa, trái ước hẹn, mưu lợi riêng, cho nên mọi người đều trễ biếng. Nay ta không như thế, chỉ cốt làm cho xong việc của nhà vua mà thôi”.

Biền nói xong, bọn Phúng vâng lệnh đi ra. Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 5, khởi công khơi đào, trong khoảng hơn 1 tháng, gần được thông suốt, duy ở quãng giữa có hai chỗ đá lớn quanh co chắn ngang đến mấy trượng, đục xuống thì quằn đục, dùng búa thì gãy cán, người làm việc cả ngày nhìn nhau, công việc cơ hồ bỏ dở. Ngày 26 tháng 5, đương ban ngày bỗng nhiên mây dồn, gió nổi dữ dội, trông vào rừng tối như đêm, ngửa bàn tay không nhìn thấy, chốc lát hàng trăm tiếng sét nổ vang trời ở chỗ đá lớn, chỉ trong khoảnh khắc trở lại bừng sáng. Người làm việc chạy tới xem thì thấy các khối đá đã bị tan nát cả. Về phía tây lại gặp hai chỗ đá lớn dựng đứng, người làm cũng phải chịu bó tay. Ngày 21 tháng 6 lại có sét đánh như trước, chỉ trong một lúc đá lớn đều bị tan vụn cả. Kênh bèn đào xong, vì thế gọi là kênh Thiên Uy”.

Biết rõ rằng mình đang làm chủ, đang “ngự” trên một Đại can long Hồng Hà như thế, Cao Biền liệu có “trung” tuyệt đối với nhà Đường nữa hay không? Chắc chắn là không. Ông đã xưng vương, với ý đồ lập thành một quốc gia, ngang ngửa với phương Bắc của nhà Đường. Thêm một lý do nữa chứng tỏ họ Cao không phải là người đã trấn ỷểm long mạch Hà Nội ngày trước, mà ngược lại, chính ông là người đã dùng kiến thức siêu việt của mình để củng cố và khai thông nó, làm cho cái long mạch ấy xứng đáng là một long mạch đế vương, vùng đất ấy xứng đáng là một vùng “đế đô của muôn đời”, để gần 200 năm sau, Lý Công Uẩn mới có chốn “thượng đô kinh sư” mà chọn để dời đô.

Cao Biền “dậy non” và thất bại chính vì cái long mạch mà ông củng cố ấy nó “non”. Và vì “thua” nên ông đã trở thành “giặc” như bao đời nay truyền tụng. Chứ nếu cái long mạch ấy nó kịp “già” để ông “được”, thì biết đâu, lịch sử đã chẳng coi ông như một vị vua, như đã từng coi An Dương Vương? (thì chính An Dương Vương cũng là người phương Bắc đã diệt vua Hùng của người Giao Chỉ trước đó đấy thôi).

Mấy năm trước hậu thế Giao Chỉ rầm rĩ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, mà không một lời nhắc đến công lao của Cao Biền (đối với La Thành nói riêng và đối với cả địa thế của Hà Nội nói chung). Hà Nội không một con đường mang tên Cao Biền, liệu có phải là một sự vong ân bội nghĩa với tiền nhân.

Vong ân bội nghĩa thì dễ phải trả giá. Ngày nay, bọn hậu thế của Cao Vương khi xưa sẽ không làm như ông ngày trước đâu. Mà chúng sẽ phá hủy thật sự đấy. Cứ nhìn những hàng cột bê tông chạy ngoằn ngoèo, chân sắt của chúng cắm sâu xuống long mạch, đầu đao của chúng chỉ thẳng vào không biết bao nhiêu bàn thờ suốt một tuyến dài giữa thủ đô kia. Nay mai, những (cái gọi là) tàu điện trên cao ấy sẽ ầm ầm chạy suốt ngày đêm, thì cái “long mạch” gọi là “đế vương” này, hỏi sẽ “quằn quại” được bao lâu nữa đây?

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.