Lê Thiếu Nhơn
Tại hội thảo “Thơ – Nhạc tương sinh hay tương khắc” do Hội Nhà văn TP. HCM và Hội Âm nhạc TP. HCM phối hợp tổ chức tháng 2/2024, tôi đã thưa rằng: Sự cộng tác với các nhà thơ, giúp các nhạc sĩ bớt đi những ca từ viết về cái gì cũng “ơi”, ví dụ “em ơi”, “lúa ơi”, “cánh đồng ơi”, “giám đốc ơi”, “thị trấn ơi”, “công ty ơi”, “nghĩa trang ơi”, “yến sào ơi”, “phân bón ơi”, “bánh bột lọc ơi”, “thuốc trừ sâu ơi”…
Ngược lại, các nhạc sĩ cũng khiến các nhà thơ ngộ nhận những vần vè được phổ nhạc là một đẳng cấp ghê gớm lắm. Và bỗng dưng hình thành một số nhà thơ có xu hướng viết những loại na ná ca từ để chờ phổ nhạc.
Bài thơ không có sự nương tựa vào tiết tấu trầm bổng như ca khúc, nhà thơ phải thiết lập một giá trị nhất định cho ngôn ngữ, khác biệt với ca từ của nhạc sĩ.
Tại hội thảo “Thơ – Nhạc tương sinh hay tương khắc”, tôi cũng thưa rằng: Trừ dăm nhạc sĩ vốn là nhà thơ như Trịnh Công Sơn hay Nguyễn Đình Toàn, ca từ trong ca khúc khó lòng mang vác năng lực thẩm mỹ đặc trưng của thơ. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trần Tiến đã đưa một lời cảnh báo cho vai trò của nhà thơ.
Bước vào giai đoạn đổi mới, trước hiệu lệnh “cởi trói tư tưởng” để chống lại “sự im lặng đáng sợ”, cả giới âm nhạc cứ tỉnh bơ ngơ ngác. Chỉ mỗi Trần Tiến lên tiếng với Trống rỗng, Rock đồng hồ, Lambada quê ta, Trần trụi…
Chùm ca khúc này của Trần Tiến, không hát lên mà in ra giấy, vẫn có sức lay động bởi sự day dứt nhân quần. Nếu không cẩn thận, tác phẩm của vài nhà thơ khi đặt cạnh ca từ của Trần Tiến, sẽ phơi bày sự non nớt và nhạt nhẽo.
Chùm ca khúc này của Trần Tiến, đối với tôi, luôn nhắc nhở tránh xa lối sống và lối viết rẻ rúng: “Rồi lại uống, lại cụng ly với những người không ra gì/ Rồi lại hát, bài ca nhảm nhí những điều không ra gì/ Rồi lại đi, lại đi, đi theo dòng người không biết đi đâu/ Chiếc xe cà tàng quay trong hư không”.
Năm 1987, khi Trần Tiến nghẹn ngào “người Việt nào giờ đây lo toan riêng tư, khôn quá hoá hèn” thì tại Bình Định có một cậu bé Đặng Hữu Đức được sinh ra. Bước qua tuổi 30, Đặng Hữu Đức viết ca khúc với bút danh Đông Thiên Đức, có hàng loạt bản nhạc ăn khách như Ai chung tình được mãi, Ngày mai người ta lấy chồng, Tất cả hoặc không là gì cả, Khóa biệt ly, Cơm đoàn viên…
Về giai điệu, Đông Thiên Đức không phải xuất sắc. Thế nhưng, ca từ của Đông Thiên Đức đánh thẳng vào cảm xúc cá nhân, để lại những dư vị xôn xao. Mới đây, Đông Thiên Đức có ca khúc Ru khẽ nỗi đau với mấy câu hát “Thật ra tôi đã chết rất lâu rồi/ Vì đời còn đọa đày nên chưa chịu chôn thôi/ Mặc cho ta cứ đau, cứ đợi…”.
Vậy là lời cảnh báo thứ hai cho vai trò nhà thơ, đã xuất hiện. Phần đông công chúng hôm nay chán ghét thơ, không đáng ngạc nhiên. Tại sao ư? Nhiều người viết đã nhân danh thơ để tỉa tót câu từ đong đưa, diêm dúa, sáo rỗng và nông cạn.
Thậm chí nhiều người viết còn uốn éo làm dáng cố nắn nót cho đủ số chữ vô hồn để thành những thể thơ dị hợm của hành vi háo danh. Đó là biểu hiện người viết không biết trân trọng phẩm chất bản thân “bởi những thứ chất chứa trong tôi, đến mây của trời cũng không thể nào ôm nổi” như Đông Thiên Đức suy tư. Thơ đứng ngoài đời sống thì đời sống phủ nhận thơ, là một nguyên tắc chọn lựa hợp lý.
Bất chợt nghe Ru khẽ nỗi đau của Đông Thiên Đức, tôi cúi đầu hổ thẹn nghĩ đến những điều hời hợt, những ý dễ dãi, những câu tùy tiện, những dòng vớ vẩn mà mình trót viết ra suốt nhiều năm qua.
Trần Tiến năm 1987
Đông Thiên Đức năm 2025.