(Rút từ facebook của Đỗ Trung Quân)
Câu chuyện Đoan Trang, Nguyễn Tín. Sự khủng bố đàn áp dân sự đã được đẩy lên một nấc khốc liệt và trơ tráo hơn, không cần phải xuống đường, không cần phải giương biểu ngữ, không cần hô khẩu hiệu, ngồi nghe hát cũng thành đổ máu với lực lượng an ninh của nhà cầm quyền. Mà người đổ máu nặng nhất thường là phụ nữ không tấc sắt ngoài sự không khuất phục một cách sắt đá. Đoan Trang là một ví dụ, cô đã bị hành hung trước đây đến thương tật vĩnh viễn một bên chân.
Có những tiếng thở dài.
Có những tiếng kêu phẫn nộ.
Có những cảnh báo sẽ đến lúc “máu trả máu”.
Người ta nhận ra qua nhiều đời bí thư thành uỷ thành phố này, mức độ đàn áp khốc liệt cứ tăng lên, kẻ sau hung ác hơn kẻ trước dù với bộ mặt “thiện lành” nào.
Trước đây tôi viết một bài thơ đại ý các anh an ninh có đánh chúng tôi dẫu gì cũng không đau bằng việc thay mặt cho kẻ thù đánh đồng bào mình. Cái đau ấy nay không âm ỉ nữa, nó ngày càng là thật. Xưa làm việc với an ninh, họ hỏi tôi “Tại sao bất mãn?”. Tôi cười nói rõ tôi không bất mãn, tôi có tên tuổi, đến đâu cũng ngồi hàng đầu, lên truyền hình làm giám khảo vừa có tiếng, vừa có tiền. Rượu ngon có người mang tặng. Tôi là thành phần được ưu đãi sao có thể bất mãn? Nhưng cách công an đối xử với những người khác chính kiến, từ những trí thức đến bác xích lô có lòng với vận mệnh đất nước, cách đối xử như với Đoan Trang và nhiều người khác nữa, tôi thấy máu họ đổ dù họ ôn hoà, bất bạo động. Tôi không bất mãn, tôi phản kháng!
Bạo lực cấp thấp là sự trả thù.
Bạo lực cấp cao chính là sự sợ hãi.
Bạo lực tiến dần đến như hôm nay bất chấp luật pháp hay tự xem “luật pháp là tao” chỉ càng chứng minh vế sau: sự sợ hãi!