(Rút từ facebook của Trần Đình Sử)
Kính thưa ông Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên,
Kính thưa Hội đồng xét giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội,
Kính thưa các nhà văn Hà Nội,
Kính thưa các vị đại biểu,
Tôi rất vinh dự được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015, một giải thưởng cao quý mà trước tôi, nhiều nhà văn Hà Nội ưu tú đã được nhận. Tôi xin chân thành cảm ơn Hội đồng chấm giải đã dành cho tôi vinh dự này vì cuốn sách Trên đường biên của lí luận văn học của tôi.
Thưa quý vị, lí luận văn học có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn học, lí luận ấy ngày nay trên thế giới đã đổi thay rất to lớn. Người ta đang thay đổi quan niệm về lí luận, lí luận văn học quan trọng, nhưng các lí luận về văn hóa, về giao tiếp, về tư tưởng còn quan trọng hơn. Văn học cần nhiều lí luận chứ không phải một lí luận. Lí luận không chỉ giúp con người thoát khỏi sự hạn hẹp của kinh nghiệm, mà còn giúp giải phóng con người khỏi những định kiến cũ, ngộ nhận cũ, mở ra chân trời mới của tư duy. Không có lí luận nào là bất biến, không lí luận nào không bị thời gian vượt qua. Thế mà những lí luận như thế vẫn tồn tại trong các giáo trình lí luận văn học đại học của ta như là những chân lí bất di dịch. Vấn đề là cần vạch ra những ngộ nhận và lỗi thời của lí luận cũ để giải phóng tư duy, giải phóng sức sáng tạo. Chính vì vậy mà trong sách này tôi nêu ra những điểm còn hạn chế trong các quan niệm truyền thống như ý thức hệ xã hội, văn học phản ánh hiện thực, khái niệm hiện thực, hình tượng văn học, phương pháp sáng tác, và nêu hướng đổi mới nội dung các khái niệm ấy. Lí luận văn học mác xít của ta vốn là lí thuyết của Liên Xô cũ được hình thành trong những năm 30 thế kỉ trước, nó đã hoàn thành sư mệnh lịch sử của nó rồi, nay nếu muốn tiếp tục đóng góp trong nền văn học mới thì nó cần phải được đổi mới các nội hàm; đồng thời dù cho có đổi mới thì nó cũng không thể là toàn bộ lí luận văn học, mà bắt buộc phải tiếp nhận thêm nhiều lí thuyết khác nữa, để bổ sung, hoàn thiện, làm giàu cho vốn lí luận của chúng ta, có như thế thì mới đủ để hiểu đúng văn học và tiến trình văn học. Chính vì thế trong sách này tôi còn giới thiệu một số lí thuyết hiện đại và hướng vận dụng vào văn học ta. Trong sách cũng còn có phần nhìn nhận lại tình hình lí luận nước nhà trong mấy chục năm qua, trình bày một số vấn đề thi pháp học. Một công việc có ý nghĩa nghiêm túc và chuyên sâu như thế không thể là việc của một người, mà phải là việc của nhiều người, của một thế hệ. Chính vì vậy trong sách tôi chủ yếu gợi ra các vấn đề để mọi người quan tâm bàn thảo, các ý kiến cũng cũng không tránh khỏi thiếu sót. Tôi là người đã có tuổi rồi, mà đường còn dài lắm, con đường tiếp tục phải chờ mong ở thế hệ trẻ. Nhà văn Việt Nam phải được đổi mới về lí luận, họ cũng cần được biết nhiều thứ lí luận.
Tôi chân thành cảm ơn Hội đồng chấm giải của Hội Nhà văn Hà Nội đã chia sẻ những suy nghĩ xây dựng nghiêm túc và chính đáng đó của tôi. Tôi xin cảm ơn nhà xuất bản Văn học đã mạnh dạn xuất bản tác phẩm của tôi. Cảm ơn các bạn trẻ đã yêu mến giúp tôi công bố. Tôi xin phép được coi giải thưởng này như là sự khích lệ to lớn đối với sự nghiệp đổi mới về lí luận văn học của chúng ta. Giải thưởng này cho tôi niềm tin vào trật tự của đời sống văn hóa của chúng ta. Thật là Bể trần gạn đục khơi trong, Là nhờ quân tử khác lòng người ta. Xin cảm ơn.