Nỗi sợ quan trên

(Rút từ facebook của Đỗ Ngọc Thống)

Theo ông Bá Dương (*), Trung Quốc có lịch sử 5.000 năm. Trong 5.000 năm ấy, lực lượng phong kiến chà đạp lên phẩm giá, nhân tính con người ngày một gia tăng.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, vua và quan còn gần như cùng ngồi ngang hàng nhau, có thể nói nằm cùng giường, ăn cùng mâm. Đến thời Tây Hán, thế kỷ thứ II trước Công nguyên, nghi lễ triều đình được đặt ra, biến đế vương thành một thứ quyền uy, không những rất trang nghiêm, cung kính mà còn làm cho mọi người khiếp sợ.

Khi Đại thần vào triều kiến Hoàng đế có vệ sĩ kè kè bên cạnh, bất kỳ ai có thái độ không hợp quy cách, như kiểu vô tình ngẩng đầu lên nhìn một cái cũng có thể bị xử phạt. Những thay đổi này làm cho vua chúa xa cách nhân dân, lúc nào cũng giữ một khoảng cách, nhưng dưới trướng Hoàng đế các Đại thần vẫn còn có chỗ ngồi.
Đến thế kỷ thứ X dưới triều Tống thì cái địa vị này cũng không còn nữa. Việc Tể tướng cùng ngồi với Hoàng đế để luận đạo đã vĩnh viễn mất. Cái cải cách rất nhỏ này nhưng ý nghĩa rất lớn. Nghĩa là giữa vua tôi, quan dân khoảng cách càng ngày càng lớn.
Đến thế kỷ XIV dưới triều Minh, cái nhân phẩm còn bị chà đạp đến độ không tưởng tượng được. Nhà vua đối với thần dân của mình khinh thị như cừu thù. Triều Minh này lập ra cái quan niệm “vua cha”. Vua là cha, Hoàng đế là bố của tất cả mọi người trong nước. Cái quan niệm này khi được thiết lập rồi lại sinh ra các hủ tục khác không kể xiết. Trong những thứ ấy, cái đáng sợ nhất là “đình trượng”. Từ Tể tướng đến tiểu quan, chỉ cần bị xem là phạm pháp đều có thể bị nọc ra giữa cung điện, giữa công đường, hoặc ngay tại một chỗ công cộng, dùng gậy đánh cho đến thịt rơi máu vãi.
Cái chế độ “đình trượng” kết hợp với tư tưởng “vua cha” làm cho lòng tự trọng của người Trung Quốc gần như mất hẳn, làm cho nhân cách của họ hầu như không còn gì. Cách duy nhất để giữ được lòng tự trọng là cố gắng không kêu la khi bị đánh. Để khỏi kêu la thường những viên quan kiên cường đã chà xát mặt xuống đất mạnh đến nỗi sau đó râu rụng không còn sợi nào. Thời đó, phản ứng duy nhất có thể làm được là như vậy, không có cách phản kháng nào khác…
*
Chế độ quan trị của Việt Nam là con đẻ của phong kiến Trung Quốc, ảnh hưởng sâu đậm từ Trung Quốc. Cái khoảng cách “cửu trùng” giữa vua – tôi ấy luôn ám ảnh tâm trí quan lại, thần dân nước ta từ trước đến nay tạo ra một thói quen đi lùi, đi bằng đầu gối, lo sợ cấp trên đến mất cả nhân cách. Chẳng cần sự thật, lẽ phải; đúng, sai phụ thuộc vào chức. Chức càng to càng đúng; gì cũng đúng. Cấp dưới không dám nói thẳng hạn chế của cấp trên. Vụ phó không dám chê vụ trưởng; vụ trưởng không dám phê thứ trưởng, thứ trưởng rón rén trước bộ trưởng, bộ trưởng trước thủ tướng chỉ có thể ngợi ca… nói gì đến người to hơn nữa. Kết quả là, nhiều lãnh đạo trở nên kiêu ngạo, hư hỏng là do suốt ngày chỉ nghe cấp dưới xun xoe, tán dương, nịnh hót. Nhiều ông lãnh đạo cao cấp nói năng bốc đồng, làm văn vụng về, chém gió sai bét mà cứ tưởng là đúng và hay, chẳng ai khuyên can gì. Cũng biết “trung ngôn nghịch nhĩ”, nhưng cứ thế thì không biết sẽ thế nào?

HN 11-11
(*) Dương, “Người Trung Quốc xấu xí”.

Comments are closed.