Trần Trọng Vũ
“Album trắng” (Lê Đạt, NXB Hội Nhà văn, 2015) liệu có phải là những gì còn chưa kịp viết, không bao giờ được viết, chẳng hề được tổng kết đánh số gọi tên, cho nên giấy trắng vẫn còn giấy trắng? “Album trắng” có phải là những dòng mực đen, mực xanh, mực tím của một thời, đã được nhuộm lại toàn bộ bởi chỉ một màu trắng duy mỹ, bởi rất nhiều màu trắng không tên? Để giấy trắng lại quay về giấy trắng?
Cuốn sách có lẽ là như thế để lại chẳng hề như thế.
“Album trắng” là những cái tên người, là nhiều cái tên người, mà sự vắng mặt của họ đã để lại nhiều khoảng “trắng” không gì sánh nổi cho thế gian. Là những địa danh lừng tiếng chợt hóa thân thành nơi “áo trắng chân dài nắng lạ”, thành “Misen đợi trắng”, thành “mây trắng đầu nước Ý”, thành “trắng Epph-em đi”, bên cạnh “đài hoa trắng” cùng “bãi trắng” cùng bản hòa tấu “trắng” của những phong cảnh vô danh khác.
“Album trắng”, là chính nhà thơ trong bức chân dung hiếm hoi “tóc đêm vằng vặc trắng / gối bạc đầu vào đâu”. Là những “đêm trắng cửa thiền”. Là những phút ngắn ngủi “soi đầu thu một sợi bạc buồn”. Là những buổi chiều “mây xòa trắng” khi “tóc hoa dù bụi trắng” khi “câu thơ dù bụi trắng”. Là tất cả những gì chìm đắm trong “vùng mất ngủ” của nhà thơ.
Nhưng nếu như “trắng” đến với thơ Lê Đạt thường xuyên như một màu trắng tinh khiết khi ông nhìn thế giới cảnh vật, khi ông thấy phố trắng, cát trắng, cò trắng, áo dài trắng, sương đêm trắng, gương trắng, đôi lúc hiếm hoi “trắng” không còn mang tính thị giác như thế nữa nhưng lại khiến cho những gì vốn không nhìn thấy được, như đêm dài, như nỗi nhớ, lại trở thành những hình ảnh nao lòng của đêm trắng của nhớ trắng. Không thể không nhắc lại một câu thơ của ông đã từng khiến cho độc giả cồn cào bởi những ẩn ý bên sau màu trắng mênh mông của “em về trắng đầy cong khung nhớ” một thuở nào.
Những ẩn ý như thế dường như mới chính là cuốn “Album trắng”, bởi vì nhà thơ đã viết nó hoàn toàn bằng mực trắng, bên dưới những chương, những chữ, những dòng mà độc giả đọc thấy nhìn thấy. “Album trắng” cho nên không thể đọc ngay thành lời. Và đã đọc được một lần thì chẳng bao giờ hết nhớ.
Những ẩn ý viết bằng mực trắng ấy, là những gì có ở phía sau chiếc “đồng hồ một kim”, là bên kia “địa chỉ tuổi thơ”, là Mimơza, là Mimôixa, là Mimôza, là nhìn cái này lại nhớ cái kia, là “phố đa tình”, là “đêm loa kèn ú ớ”, là “đàn chữ dại mồ côi”, là những tại sao nhưng chẳng hiểu thế nào. Là điều nghịch lý “sao hình anh / mà lại bóng em”.
Những ẩn ý màu trắng, cũng chính là những bộc lộ hiếm hoi vào những khi nhà thơ không chỉ làm thơ. Đấy là những quan niệm vô giá về thế giới, về nghệ thuật và dĩ nhiên, về thơ. Đấy là những chia sẻ của nhà thơ có lẽ về khoảng “trắng” mà ông say đắm: “Thế giới Tây phương sợ khoảng trống. Phương Đông lấy khoảng trống làm nền tảng của tư duy và nghệ thuật”. Đấy là cái nhìn hiện thực có thể khiến biết bao công chúng và nhiều thế hệ nghệ sĩ duy lý ngỡ ngàng: “Thế giới không có bản gốc, chỉ có những dị bản”. Phải đọc những ẩn ý này và ngẫm nghĩ để hiểu vì sao Album lại trắng, và tại sao lại trắng đến mức độc giả dù có thể viết bất cứ gì họ muốn lên đấy lại chẳng dám làm. Phải đọc chúng, cũng để hiểu vì sao nhà thơ lại sẵn lòng bỏ cả cuộc đời để bảo vệ quan niệm nhân văn của mình.
Gần 20 năm đã qua, từ khi nhà thơ của “Album trắng” đã đi về cõi trắng, nhưng những gì ông để lại với đời còn vượt qua tất cả mọi biên giới của thực và ảo. Đến với thơ Lê Đạt, hãy can tâm làm như ông đã làm, hãy “cam tâm làm khách lạ bản thân”.