2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 52)

Hoàng Hưng

521. Excitation-transfer theory: Thuyết chuyển giao kích thích

Cho rằng các đáp ứng xung hấn có thể được tăng cường bởi sự kích động từ những kích thích khác không liên quan trực tiếp với kích thích ban đầu gây ra sự xung hấn. Từ đó, áp dụng vào những đáp ứng cảm xúc khác, khi một người trở nên kích động về sinh lí, sẽ có một thời kì sau đó trải nghiệm một tình trạng kích động còn nằm lại mà không nhận thức được. Nếu kích thích kích động bổ sung diễn ra trong thời kì này, người ấy sẽ bị kích động tăng thêm, và do đó đáp ứng mạnh hơn. [được đề xướng bởi nhà Tâm lý học Dolf Zillman vào năm 1971].

522. Executive control structures: (các) Cấu trúc kiểm soát điều hành

Các cấu trúc tâm trí giải quyết vấn đề về mặt lí thuyết, bao gồm việc biểu trưng tình huống của vấn đề, biểu trưng các mục tiêu của nhiệm vụ, biểu trưng chiến lược cụ thể của các qui trình giải quyết vấn đề. [được đề xuất bởi nhà Tâm lý học phát triển người Canada Robbie Case (1944-2000).

523. Executive function: Chức năng điều hành

Các diễn trình nhận thức cao cấp có chức năng tổ chức và sắp xếp trật tự của hành vi, bao gồm (nhưng không hạn chế ở) logic và suy luận, tư duy trừu tượng, giải quyết vấn đề, hoạch định, thực hiện và kết thúc hành vi nhắm tới mục tiêu. Trong chứng bệnh tâm thần phân liệt, các năng lực nhận thức đặc thù như lựa chọn mục tiêu hay thông tin liên quan đến nhiệm vụ và triệt tiêu thông tin không liên quan được coi là bị khiếm khuyết quan trọng phải được chữa trị. Cũng được gọi là central processes (các diễn trình trung tâm), executive functioning (vận hành điều hành), higher order processes (các diễn trình bậc cao).

524. Exercise addiction: (chứng) Nghiện thể dục

Tình trạng phụ thuộc vào hay tận tuỵ với việc tập thể dục. Sự ngưng tập sẽ gây ra các triệu chứng như của người cai nghiện. Cũng gọi là exercise dependence (sự phụ thuộc vào thể dục).

525. Exhaustion delirium: (chứng) Mê lú vì kiệt sức

Trạng thái mê lú xảy ra trong những điều kiện mệt mỏi cực độ vì hoạt động mạnh kéo dài, đặc biệt là khi đi đôi với những hình thức căng thẳng khác như mất ngủ kéo dài, đói dài, nóng hoặc lạnh quá độ hay nhiễm độc. Tiêu biểu là khi liên kết với nỗ lực thể chất quá độ khi leo núi, bơi cự li dài, thám hiểm, và những hoạt động khác trong điều kiện môi trường cực đoan cũng như trong thời kì bệnh ung thư giai đoạn sau hay trong các bệnh làm suy nhược khác.

526. Expansive mood: Tâm thức khoa trương

Đặc trưng là biểu hiện cảm xúc không kiềm chế, thường đi kèm sự tự đánh giá quá cao tầm quan trọng và ý nghĩa của bản thân so với người khác, đôi khi là tên khác của elevated mood (tâm thức cao hứng)

527. Expectancy-value theory: Thuyết giá trị trông mong

Theo đó, hành vi chịu tác động bởi các giá trị của những thành quả có thể có được cân đo bởi những khả năng được ước đoán. Phiên bản sớm nhất của thuyết này được đưa ra năm 1944 bởi nhà Tâm lý học Đức-Mĩ Kurt Lewin (1890-1947) và nhiều đồng nghiệp. Liên quan đến các thái độ, thuyết này cho rằng một thái độ phản ánh khả năng chủ quan (sự trông mong) rằng đối tượng của thái độ có những thuộc tính nhất định được cân đo bởi cảm nhận chủ quan (giá trị) mà những thuộc tính ấy gợi ra. Chẳng hạn, một người có thể trông mong (khả năng cao, mang tính chủ quan) rằng một nước Ireland thống nhất (đối tượng của thái độ) sẽ đưa tới hoà bình giữa người Công giáo và Tin lành của xứ sở (một thuộc tính được đánh giá tích cực). Để tiên đoán thái độ của một người đối với một nước Ireland thống nhất, những điều kiện về sự trông mong và giá trị cho mỗi thuộc tính được nhân lên với nhau, và các kết quả được thêm vào: Thái độ = å Sự trông mong X Giá trị. Cách tiếp cận này với thái độ được phát biểu vào năm 1975 bởi nhà Tâm lý học Mỹ Martin Fishbein (1936-2009) và nhà Tâm lý học Mĩ gốc Ba Lan Icek Ajzen (1942-).

528. Expected utility theory: Thuyết ích lợi trông mong

Một lí thuyết về ra quyết định, được phát biểu năm 1947 bởi nhà toán học Mĩ gốc Hung John von Neumann (1903-57) và nhà kinh tế học Mĩ gốc Đức Oskar Morgenstern (1902-77), theo đó, một người ra quyết định lựa chọn những hành động và chiến lược tối đa hoá ích lợi [mà mình] trông mong, và ích lợi này được xác định bởi sự ưu ái được bộc lộ rõ. Nếu các khả năng mang tính chủ quan, lí thuyết được gọi là subjective expected utility theory (thuyết ích lợi trông mong theo chủ quan)

529. Experiential therapy: Liệu pháp trải nghiệm

Một nhóm kĩ thuật liệu pháp tâm lí tập trung vào sự thư giãn cảm xúc, trưởng thành nội tâm, và tự hiện thực hoá, bao gồm các nhóm gặp gỡ, liệu pháp Gestalt, liệu pháp nguyên sơ, và thiền siêu nghiệm. Khởi đầu vào các thập niên 1950, 1960, nằm trong vùng che phủ của Tâm lý học sinh tồn-nhân văn (existential-humanistic psychology). Cốt lõi của nó là tin rằng người bệnh sẽ thay đổi thông qua trải nghiệm một cách trực tiếp, chủ động những gì đang chịu đựng và cảm nhận ở từng thời điểm nhất định trong khi chữa trị, cả trên bề mặt lẫn bề sâu. Nhà chữa trị lôi kéo người bệnh một cách trực tiếp vào việc tiếp cận và biểu đạt những cảm nhận nội tâm và trải nghiệm những cảnh sống cả quá khứ lẫn hiện tại, và cho người bệnh những cách nhìn để tích nhập những trải nghiệm ấy vào các tự-niệm (self-concept) hiện thực và lành mạnh. Những người đi đầu của liệu pháp là các nhà tâm thần trị liệu Mĩ Carl A. Whitaker (mất năm 1995) và Thomas P. Malone (mất năm 2000), các nhà Tâm lý học Mĩ Carl Rogers, Eugene T. Gendlin (1926-)…

530. Experimental analysis of behaviour: (sự) Phân tích hành vi bằng thực nghiệm

Áp dụng lí thuyết điều kiện hoá tác động (operant conditioning) vào hành vi, đặc biệt ở động vật, tập trung hầu hết vào các hiệu ứng của sự củng cố đối với tỉ số đáp ứng (rate of response).

Thuật ngữ cũng có thể được áp dụng vào nghiên cứu hành vi thông qua các thử nghiệm nói chung.

Comments are closed.